Chỉ mấy vần thơ, mấy điệu ca
Hà Văn Thủy
Nhiều năm trước, tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết đường Nguyễn Trọng
Tuyển thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp bức thư họa treo ở vị trí trang trọng với
những dòng chữ:
Vỹ Dạ thôn có lão vương tôn là Thúc Giạ
Ưng ca ưng hát ưng giã gạo hò khoan
Ham vui điệu cổ thi đàn
Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua.
Dưới những câu ca câu hò đó là cái tên Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Lục tung toàn bộ hành trang tri thức của kẻ sĩ Bắc Hà đi mở cõi, tôi chưa từng
gặp cái tên lạ hoắc ấy. Vì vậy, tôi tự nhủ: không có gì, không có gì để nói! Và
để tránh thất thố tại nơi tôn nghiêm là Vương giả hương đình của nhà thơ nhà
văn hóa nổi
tiếng miền Nam Ðông Hồ, tôi thực hành thuật im lặng. Nhưng rồi
một lúc nào đó, cô bảy Mộng Tuyết
bảo tôi: "Cụ Ưng Bình chính là tác giả mấy câu mà Thùy vừa
đọc đó!" Tròn xoe mắt ngạc nhiên, tôi tưởng mình nghe lầm bởi từ bao giờ
tôi đinh ninh đó là câu ca vô danh xứ Huế. Ðể thuyết phục tôi, bà cụ già ngót
80 tuổi mở tủ lấy ra cuốn Tiếng hát sông Hương. Mở sách, bà chỉ cho tôi... Ngay
lúc đó, tôi nhìn lại bức thư họa kia, nhìn lại cái tên nọ. Từ bức thư họa câm lặng
bỗng tỏa ra ánh sáng lạ lùng. Tôi hiểu rằng, chỉ với mấy câu Chiều chiều trước
bến Văn Lâu… Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sống trường tồn cùng xứ Huế. Tôi cũng chợt
nhận ra rằng, từ lâu, từ lâu rồi, tôi đã nợ ông! Như sự thôi thúc của tâm linh,
tôi tìm đọc ông đặng trong muôn một trả món nợ với người cho tôi câu ca đẹp nhất
về xứ Huế. May sao tôi gặp nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của cụ Ưng Bình, bà
hết lòng giúp tôi. Chính những câu ca Huế
đã dẫn tôi vào thế giới văn chương của Ưng Bình. Và khi đã hòa nhập với văn chương
ông, tôi chợt giật mình nhận ra rằng những nhà nghiên cứu Bắc Hà đã vô tình bỏ
quên mất một thi tài có công với văn hóa đất nước.
Trước khi đi vào văn chương, xin được nói chút ít về tiểu sử
Ưng Bình, điều rất cần với người đọc Bắc Hà vì còn quá lạ lẫm. Ông sinh năm
1877 tại làng Vỹ Dạ, huyện Phú Vang, Huế, là cháu nội của Tuy Lý vương Miên
Trinh. Ưng Bình tốt nghiệp trường Quốc học Huế, am tường tiếng Pháp, đỗ đầu kỳ
thi ký lục năm 1904 và năm 1909 đỗ Cử nhân Hán học. Với dòng dõi cành vàng lá
ngọc, học giỏi đỗ cao, ông ra làm quan, về hưu được thăng thượng thư, hàm Hiệp
tá Ðại học sĩ. Như những con người có nhân cách, Ưng Bình mang trên vai gánh nặng
của nghiệp làm người. Ông có cách bộc lộ bản thân riêng của mình. Khi ấy, cuộc
nổi dậy của vua Duy Tân đã xa rồi, tiếng súng dai dẳng của khởi nghĩa Yên Thế
cũng lặng rồi... Hoàn cảnh đất nước cộng với xuất thân hoàng tộc nên trước mắt chàng
trai Ưng Bình chỉ có con đường duy nhất là học để làm quan. Con đường này có
hai nhánh: đẩy tới cùng cái nghiệp quan trường sẽ trở thành đại "công thần"
đại phản động như đám Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải... Ưng Bình không bước vào
cái ngõ cụt đó. Ông không coi hoạn lộ là mục đích là cứu cánh mà chỉ là phương
tiện cho sự tồn tại của mình. Mấy chục năm nay, khi nghiên cứu một tác giả,
cùng với thơ văn, ta thuờng áp dụng hệ quy chiếu đánh giá quan điểm chính trị của
tác giả đó. Nhưng cũng còn một hệ phương pháp khác, hệ quy chiếu khác: đánh giá
tác giả theo hiệu quả biểu hiện mình trong tác phẩm với tư cách con người tiểu
vũ trụ. Có lẽ thước đo này sẽ đưa lại cho văn học cái nhìn thấu đáo hơn về tác
giả.
Trước hết, ông là một nghệ sĩ với ý nghĩa người biết thưởng
thức vẻ đẹp cuộc sống:
Trùng dương chơi nước chẳng chơi non,
Sóng dợn trăng xao thú giữa cồn
Sông rộng chiếc thuyền to hóa nhỏ,
Khách đông tiệc rượu dở mà ngon.
Mười ông bạn cũ tay nghiên bút,
Một ả đào tơ vẻ phấn son.
Tức cảnh theo làng thi nối vận,
Hay hèn cũng gọi tiếng vương tôn.
(Chơi thuyền giữa dòng Hương-1939)
Không phải là gã hàn sĩ kiểu Ðỗ Mục: Sở yêu tiêm tế thủ trung
khinh (lưng eo bụng lép trong tay không tiền), chỉ có thể ngắm cảnh. Là một
vương tôn, Ưng Bình có quyền chơi, có quyền thưởng thức. Có thuyền có bạn, có
rượu và có đào non... giữa trăng và nước của chung. Có thể ai đó sẽ chê rằng,
hay chi
cái trò hưởng thụ vương giả đó? Ồ, vương giả không là người
sao? Thì vì chút đỉnh nhân quyền, hãy cứ để cho kẻ vương giả được hết mình
vương giả đi! Nhưng phải nói rằng, nếu không có cái chơi văn hóa
của kẻ vương giả ấy, sông Hương còn gì?
Thêm một lần nghệ sĩ nơi ông là kẻ dám chơi và dám nói tình cảm
thực của mình với những cô đào hát, những thân phận hèn hạ bị coi là xướng ca
vô loại mà những chính nhân quân tử ai cũng ham nhưng ai cũng khinh. Hiếm có
trong thi ca một nhà thơ công khai giữ mối chân tình được như thế này:
Phong trần chưa chút tẻo tèo teo,
Chim lượn quanh non cá ẩn bèo.
Hoa nở đầu xuân hương sực nức,
Trăng giờn mặt biển bóng trong veo.
Mười hai bến nước không quen lạch,
Một chiếc thuyền tình mới thả neo.
Duyên nợ về ai ai phải nhớ
Làng thi đây cũng có tiền cheo.
(Tặng Âu Mai ca cơ)
Có sông trong, trăng sáng, có đào non, một nghệ sĩ như Ưng
Bình phải có bạn. Hai lần dựng cờ Tao đàn,
ông đã quần tụ bên mình nhiều bạn văn chương. Một phần quan
trọng của thơ ông là ngâm vịnh, là xương họa cùng bạn bè. Có thể phần thơ xướng
họa này như hầu hết thơ xướng họa trên đời, nhiều mòn sáo, ít đem lại giá trị
văn chương nhưng trong đó có một số bài đầm ấm tình người:
Nhớ thầy Kính Chỉ đi lo nước
Nhớ bạn Tùng Lâm ở ngái nhà
Nhớ ả Như Không tài dạy trẻ
Nhớ nàng Tuyết Ngọc sắc trêu ta
Chuyện vui nhớ mãi bà Tương Phố
Gặp khách tao đàn mới kể ra
(Nhớ người xa)
Bạn cũ tới lui kèm bạn mới
Người gần yêu mến rủ người xa
Cùng chơi với lão không chi lạ
Chỉ mấy vần thơ mấy điệu ca
Cái hồn cái cốt của Ưng Bình Thúc Giạ Thị là nghệ sĩ. Nhưng
người nghệ sĩ của ông tồn tại trong thực thể một vị quan triều. Ông ý thức được
địa vị của mình:
Tôi đã từng mang ấn huyện đàng
Ba mươi năm trước ở Hòa Vang
Duyên xưa tuyết đã phơ đầu bạc,
Xuân muộn mai đương nở cánh vàng.
(Viếng cảnh Hòa Vang và đất Hàn)
Và
Chim đương khỏe cánh chưa màng ổ
Ngựa đã quen đường cứ nhẹ roi
Cái nợ tang bồng thân phải gánh
Tấm gương ngay thảo dạ thường soi.
(Trở lại Hà Tĩnh)
Với những dòng trên, ta hiểu, khi làm quan, ông đã làm hết bổn
phận của mình để thể hiện được tài trai, chí trai. Qua những câu thơ trên, ta
thấy ông là viên quan thanh liêm, không phải hổ với lương tâm, ung dung vui sống
trong cõi hiện sinh...
Người nghệ sĩ như Ưng Bình là cây đàn muôn điệu. Ở trên là bề
nổi của âm vực. Ði sâu vào con người ông, ta cũng gặp những âm thanh khác.
Tuy dòng dõi vương tôn, làm quan Nam triều nhưng ông nhìn rõ
thân phận mình và đồng bào là dân mất
nước. Không phải là nhà cách mạng để chống thực dân nhưng ông
là người yêu nước thương dân. Câu hò trên bến Văn Lâu nói về vua Duy Tân và nhà
yêu nước Trần Cao Vân thể hiện sâu xa tấm lòng đó. So với một số nhà thơ khác
như tản Ðà hay Á Nam Trần Tuấn Khải, tư tưởng yêu nước của ông dường như được bộc
lộ rõ nét hơn. Ta còn thấy trong những câu như:
Cõi Lào đất Việt phương Ðông Á
Mà bản phân cương viết chữ Tây!
Câu thơ nảy sinh khi ông quan Nam triều đi trên con đường từ
Vinh sang Hà Tĩnh gặp nhánh đường rẽ sang Lào ở phía Tây và chứng kiến một nghịch
cảnh: đường đất Việt mà tên gọi lại Tây! Nghịch cảnh bất khả kháng của thời nô
lệ! Và đây, một nghịch cảnh khác được hiện lên bằng những vần thơ trào lộng:
Cờ nương tử phất tuy người Việt
Lệnh tướng quân truyền thảy tiếng Tây!
(Nữ học sinh diễn võ - 1943)
Những nghịch cảnh ấy không lạ vì chúng có nguyên do duy nhất
:
Ðen vàng hai giống chẳng thù nhau,
Vẫn tới lui trên quả địa cầu
Ðen bắt vàng sao vàng phải chịu
Sợ ông da trắng ở đằng sau!
(Người da đen tróc giải người da vàng)
Ðó là nghịch cảnh của thời mất nước. Nhưng sau đó, khi thời
cuộc thay đổi, thái độ của Ưng Bình với bọn thực dân bộc lộ rõ hơn:
Cao mưu tướng Nhật đà lanh bước
Thất thế quan Tây phải cúi đầu ...
Sáu mươi năm lẻ quyền đô hộ,
Một phút ai ngờ hóa bể dâu!
Một tâm trạng, một nỗi buồn đau khác trong thơ Ưng Bình Thúc
Giạ Thị là nỗi day dứt của ông trước thân phận người nghèo. Nối tiếp truyền thống
các nhà nho thi sĩ trong quá khứ, cuộc sống của lớp người nghèo lam lũ được phản
ánh trong thơ ông với sự xót thương sâu sắc.
Thương bấy lư diêm người tật khổ.
Xét chăng đài tạ kẻ sang giầu
Sông Linh phải cậy thần linh với
Thổ Ngọa là dân lúc đớn đau.
(Bữa cơm cảm tác)
Thấy bạn ăn mày quá tả tơi
Câu ca Thân Dậu hẳn như lời.
Khó tìm bảy cắc mua lon gạo
May được mười xu có củ khoai.
(Cám cảnh người hành khất)
Bài thơ Câu chuyện người hành khất với lời lẽ giản dị, ý sâu đáng được xếp vào
loại thơ hay kim cổ. Ðã khổ vì nghèo đói, người dân còn bất hạnh hơn trong cơn
binh lửa:
Nghe còi báo động thổi liên thanh
Gan nhỏ gan to cũng giật mình
Giầu có sẵn hầm chun vội vã
Nghèo hèn thiếu chỗ chạy loanh quanh.
(Nghe còi báo động)
Ðạn nổ bom rơi lo có một
Vải khan gạo hiếm khổ bằng ba
(Cảm tác cuối năm Giáp Thân)
Chim khóc tổ là bài thơ thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn. Qua
hình tượng con chim khóc tổ, tác giả nói tới thân phận điêu linh của con người
trong ly loạn. Bài này làm ở Hà Tĩnh năm 1929. Phải chăng ở đây tác giả kín đáo
nói lên tiếng nói cảm thương đối với những người dân bị đàn áp trong phong trào
Xô viết
Nghệ Tĩnh?
Con sáo trên cành giọng nỉ non,
Sau cơn gió bão trận mưa dồn
Liệng quanh cái tổ tan tành đó
Là tổ thương tâm mẹ vắng con!
Lo cho dân cho nước là điều thường thấy ở kẻ sĩ mọi thời
nhưng ở đây, trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, ta thử xem thái độ nhà thơ
thế nào trước sự sụp đổ của vương triều dòng họ mình?. Chúng tôi xin dừng lại
lâu hơn ở bài Bảo Ðại thoái vị.
Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng,
Ngự xe cờ đỏ đến Thăng Long.
Trải qua non nước nhìn quang rạng,
Ngảnh lại lâu đài bỏ trống không.
Gió tạt cánh thu chim ngái tổ,
Trăng soi cửa cấm nhện giăng mùng.
Có ai vô Nội cho mình hỏi,
Thần tử còn lưa lại mấy ông?
Bài thơ là một sự bất ngờ. Tác giả, một vương tôn lại không
tiếc không thương cái ngai vàng vừa mất! Thêm vào đó, trên sắc đỏ của lá cờ của
chiếc xe ngự về Thăng Long, về Thủ đô của nước việt Nam mới, còn ánh lên niềm
hy vọng trong con mắt nhà thơ già: non nước nhìn quang rạng . Cắt nghĩa sao đây
thái độ của nhà thơ?. Là người thức thời, tác giả biết rằng cái bệ rồng nô lệ ấy
thế nào rồi cũng sụp đổ như một tất yếu lịch sử. Và trong chỗ sâu xa, ông hy vọng
vào một ngày độc lập. Câu 2 và 3 phát lộ như lời chào mừng của ông với cách mạng,
với nước Việt Nam mới. Ta hiểu cái ý sâu trong ông lúc đó cũng chính là tâm
nguyện của đại đa số đồng bào Việt Nam. Tuy vậy lòng người không bao giờ đơn giản.
Ở sâu thẳm tâm trạng, trong mấy câu cuối, tác giả vẫn có nỗi buồn, sự nuối tiếc
nhẹ nhàng về một quá khứ đã mất. Ta thông cảm với ông. Ông đã trung thực với
mình và ta càng hiểu ông hơn sau này, khi Bảo Ðại quay trở lại, ông chối từ mọi
chức tước để sống trong vị thế người dân.
Nhìn suốt hành trình dài của Ưng Bình với tư cách ông quan và
tư cách nhà thơ, ta thấy ông là bậc trí giả, biết mình biết thời. Tuy làm quan
nhưng ông không màng danh lợi, luôn tâm niệm giữ được mình. Vì vậy, ngay khi
làm quan, ông đã nghĩ đến ngày ra đi, từ giã quan trường. Khi được trở lại làm
dân chính là ngày hạnh phúc:
Ba chục năm dư biển hoạn rồi,
Khỏi cơn giông tố vậy thời thôi.
Thuyền quay tới bến neo neo lại,
Ngựa trở về non bước bước lui.
(Về hưu)
Chiêm nghiệm về cuộc đời quan trường của mình, ông có cái
nhìn châm biếm về danh lợi:
Bạn hỏi tôi thăng chức tước gì?
Thưa, tôi nỏ có chức quyền chi.
Thượng thơ trí sự về năm trước,
Hiệp tá vinh hàm thấy bữa ni.
Hàng ghế dịch lên năm bảy tấc,
Thẻ bài thêm lớn một vài ly.
(Thăng hàm Hiệp tá kỷ sự)
Chính do sự suy nghĩ sâu xa thấu lẽ đời mà sau này ông cáo từ
chức Hiệp lý phủ Tôn nhân:
Những lời tấu đối tuy quen miệng,
Nhưng lối xu thời chửa thạo chân
Tai nặng mắt quàng e dễ vấp
Lui về nội lách dưỡng thiên chân.
Với tư cách một trí thức sống trong hoàn cảnh đặc biệt của
dân tộc, Ưng BÌnh đã sống với đầy đủ lương tâm cùng trách nhiệm của mình. Phẩm
chất cao nhất nơi ông là trung thành với nhân cách của mình. Ðấy là nhân cách
nhà nho yêu nước, thương nòi, giữ mình không nhiễm ô trọc của thói tục. Nói về
ông, một vị hòa thượng nhận xét: "Cụ không thành Phật cũng thành
tiên." Ðúng là Ưng Bình giữ được tiên phong đạo cốt của người trí thức
chân chính trong truyền thống dân tộc. Cuộc đời ông đã nêu cao một phẩm chất trong
sáng mà nhiều người mơ ước:
Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi.
Chữ ít thể hiện lòng khiêm tốn. Chính chữ ít khiến ta thêm
kính trọng ông. Sự nghiệp văn hóa của Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cống hiến đa dạng,
gồm thơ tiếng Việt, thơ chữ Hán, kịch bản tuồng và những câu ca câu hò. Sinh thời
thơ của ông được lưu truyền trong bạn bè nhưng vở tuồng Lộ Dịch được diễn nhiều
năm và những bài ca, câu hò của ông được phổ biến rộng, nhiều câu biến thành
dân ca, ca dao. Ưng Bình từng tâm niệm: "Ôi, những câu hát hay hò mà thường
dân năng hát đó có phải là thường dân đặt ra đâu, chính là các bậc văn sĩ thời
xưa đặt ra, mà thường dân nhớ lại. Văn sĩ đời xưa đã đặt ra những câu ca dao mà
để lại cho ngày nay, thì văn sĩ ngày nay cũng nên đặt thêm, thêm cho nhiều mà để
lại cho ngày mai..." Chính do suy nghĩ đó, từ một bậc vương tôn, ông hạ
mình xuống làm ra những câu hát của thứ dân. Ðiều này đã nâng cao tầm văn hóa của
ông. Bởi lẽ từ những câu hát của ông truyền trong dân gian, mặt bằng văn hóa của
đất Thần kinh được nâng lên. Ðiều này không phải cá biệt bởi lẽ các nhà nho lớp
trước đã sáng tạo ra ca trù và đưa nó lên thành nghệ thuật dân tộc độc đáo.
Nhưng có lẽ hơn nhiều người, tác phẩm của Ưng Bình có sức sống mãnh liệt, đến nỗi
ta không thể nào hình dung nổi ca Huế sẽ ra sao nếu không có:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu,
ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Ðưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
Văn hóa Huế có được như hôm nay một phần nhờ Ung Bình Thúc Giạ
Thị đã gửi hồn mình vào trong hồn Huế. Mỗi khi câu hò Huế cất lên, ta đã gặp
ông bàng bạc trong đó rồi. Ông sẽ trường tồn cùng với văn hóa Huế. Việc của
chúng ta là đánh giá đúng ông để làm giầu thêm cho văn hóa dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét