Mưa về lối cũ - Một bài thơ giàu biểu cảm, có sức lan tỏa và hiệu ứng tâm lý
Tạ Anh Ngôi
Đọc bài thơ: ”Mưa về lối cũ” sáng tác của
Thanh Nhị - Phó chủ tịch CLB Thơ Việt Nam tỉnh Hải Dương, tôi thấy mình bị mê hoặc
bởi một tứ thơ trữ tình, lời thơ nồng thắm,ngọt ngào. Bài thơ được thực hiện bởi
lối viết giản dị, ý tình chân thực và sâu lắng, nên bài thơ đã đạt đến cái thần
thái cao xa, nhưng lại hàm chứa một tâm trạng không cùng của thơ:
“Trời Gia Lâm cơn mưa cuối Hạ
Nước tuôn rơi xối xả giưã tầng không”
Rõ ràng tác giả đã tả về một cơn mưa có thực ở Gia
Lâm.Một cơn mưa rất to”nước tuôn rơi xối xả giữa tầng không”. Tuy nhiên,tác giả
đã tỏ ra rất có bản lĩnh khi gợi lên được sự va đập của cảm giác-Một cảm giác
đã tạo nên những biến thái của tình cảm. Những dòng thơ như được chiết suất ra
từ trái tim, đã là chất xúc tác làm nên chất thơ rất đậm nét trong thơ của chị:
“Ôi cơn mưa khiến lòng em se lại
Tiếng sét gầm chát chúa giữa tim ta”
Đọc câu thơ, chúng ta cảm thấy cảm giác của
tác giả đã xuyên thấu vào sự vật,vào hiện tượng tự nhiên, để rôì phản chiếu trở
lại vào thơ. Từ tiếng sét của cơn mưa đã trở thành tiếng sét của ái tình”Tiếng
sét gầm chát chúa giữa tim ta”. Nhưng ở câu thơ tiếp theo lại là sự cảm nhận của
một bản ngã trữ tình. Nó có sức lay động của cảm giác để diễn tả cảm xúc bằng
ngoại sinh ngôn ngữ:
“Thà đừng có một thời giông đã qua
Thà chiều nay đừng có mưa gặp lại
Thì đâu dễ khiến lòng em e ngại
Lối cũ về dè dặt bước chiều xưa…”
Lối cũ về có thể là một con đường cụ thể mà những chiều xưa người
thơ đã cùng bạn tình dạo bước. Nhưng cũng có thể chỉ là con đường mơ hồ nào
đó - Một trạng thái tình cảm đã qua nay bất chợt trở về trong một hoàn cảnh cá
biệt.Những cụm từ: Thà đừng, Thà chiều nay, Thì đâu e ngại,Dè dặt…là những cụm từ
có tính cảm biến tinh tế của tâm trạng. Nó giống như biến tấu của bản nhạc trữ
tình, đã làm tăng thêm sự hiệu ứng lan toả của bài thơ:
“Gặp
lại người trong vội vã cơn mưa
Bao kỷ niệm chợt ùa về nguyên vẹn
Cứ ân hận về một thời lỡ hẹn
Phút gặp này đâu thoả nỗi nhớ mong…”
Tôi đọc mà giật mình.Câu thơ dường như tự
trách móc nhưng cũng dường như sự tiếc nuối không nguôi về một mối tình đã quá
vãng. Có cái gì đó rất day dứt, vò xé tâm can, nhưng lại dấm dứt và
dai dẳng - Dai dẳng như một cơn mưa muà Hạ.
Trách đấy,nhưng cũng thương yêu đấy. Bao nhiêu
tình cảm dành cho nhau. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời yêu dấu đã dồn nén
lại, nay chợt bật lên trong một khoảng thời gian thật ngắn ngủi. Khổ thơ với
những lời lẽ chân thực, nhưng lại rất giàu biểu cảm, đã làm day dứt nỗi lòng
đồng cảm của biết bao người đọc:
“Hai tám năm em đã lấy chồng
Anh lấy vợ-Nén lòng buồn cũ
Tình thuở ấy ngỡ đã vào yên ngủ
Nay trở về lối cũ bỗng nhoà mưa…”
Đọc tới câu cuối cùng của bài thơ rồi, tôi vẫn
còn cảm thấy trái tim mình đang run rẩy đập những nhịp đập đồng điệu với người
thơ. Bởi lẽ, sự “nén lòng buồn cũ” của người thơ cũng là sự nén lòng của tôi và
bao nhiêu người đang yêu nhau khác:
“Tình huở ấy ngỡ đã vào yên ngủ
Nay trở về lối cũ bỗng nhoà mưa…”
Một cơn mưa - Hiện tượng tự nhiên của thiên
nhiên. Một cơn mưa tình đang trút xối xả trong lòng tác giả và trong cảm thức
của người đọc. Chẳng biết có quá không, nếu tôi nói rằng đã có bao người bị cảm
lạnh khi đi vào trong cơn mưa ấy!
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng ”Mưa về lối
cũ” là một bài thơ hay - Một bài thơ thật tình tứ nhưng không buông thả. Bài thơ dù
chỉ có 4 khổ với 16 câu thơ, không dài, không ngắn, chỉ vừa đủ để cho những câu
thơ đứng chông chênh giữa hai bờ vực tình yêu và tình bạn. Bước sai một bước sẽ
rơi xuống vực thẳm. Có một sự giằng xé giữa tình yêu và lý trí. Tình cảm thì muốn
băng qua nhưng lý trí lại tỉnh táo giữ lại. Cứ như vậy,sóng tình lại giao
thoa, lan toả và cuồn cuộn trào dâng vỗ vào tri giác người đọc. Tiếng gào thét của
ái tình giống như một chú ngựa hoang đang phi nước đại về một chân trời vô định
bởi ba dấu chấm lửng sau chữ cuối cùng, để kết thúc bài thơ.
Phải chăng, đây là sự trốn chạy trong cảm
biến vô cùng,vô tận của tâm hồn về tình yêu và những cảm xúc được thăng hoa bởi
ngôn ngữ của thơ, để rồi lan toả và tạo nên một hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ đối với
người đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét