Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Đông Hồ - Thi nhân Việt Nam

Đông Hồ
Chính tên là Lâm Tấn Phác. Sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ (10 Mars 1906) ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Thôi học nhà trường năm 16 tuổi. Chịu ảnh hưởng tạp chí Nam Phong rất nhiều.


Lập trí đức học xá. Chủ trương báo Sống (1935).

Đã viết giúp: Nam Phong, Trung-Bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Kỳ lân báo...
Đã xuất bản:Thơ Đông Hồ (1932), Cô gái xuân (1935).
Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng.
Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ năm mười lăm, mười sáu; từ đó người chỉ học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Cả những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng chỉ vì quốc văn: người đi tìm cảm hứng vậy.
Khốn nỗi, người ra đời vào lúc văn học nước nhà đương hồi tàn tạ. Vốn tính hiền lành, không đủ táp bạo để gây nên giữa làng văn một cuộc biến động cần phải có, lúc đầu người chỉ cam tâm hiến mình cho những lối xưa ràng buộc. và người cũng không hề lấy thế làm bứt rứt khó chịu, chưa bao giờ người có ý muốn thoát ly.
Mặc dầu sự tình cờ đã đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo. Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu trơn tru mà tầm thường, trống rỗng đột nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:

Mối sầu khôn dãi cùng trời đất;
Chén rượu đành khuây với nước non.

Cùng những lời nhớ bạn, hoặc thật thà:
Khi biệt dễ dàng khi gặp khó;
Chốn vui ai nhớ chốn sầu chi.

hoặc kín đáo
Cái Oanh đâu bỗng ngoài hiên gọi:
Đã hai lần rồi xuân vắng mai

Với nỗi thắc ấy, với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi xa trường thơ Nam Phong nhiều lắm.
Nhưng trong tập Thơ Đông Hồ, lạ nhất là bài "Tuổi xuân", người ta có thể tưởng nó đã ở đâu lạc tới. Đến khi tác giả đưa in lại vào tập Cô gái xuân, ta mới thấy nó tìm được hoàn cảnh tự nhiên của nó. Bởi vì trong bài "Tuổi xuân" có cái bồng bột, cái trịnh trọng trước tình yêu mà cả thế hệ trước đây không từng quen biết: họ quen xem người đàn bà như một thứ đồ chơi.
Đông Hồ vẫn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn.
Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phới phới yêu đương. "Cô gái xuân" của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ thương, những lời tuồng như lả lời mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái. Nghe nàng nói lòng nào không xiêu? Nhất là khi nàng kể cảnh ái ân trên bãi biển ta khó có thể không cùng nàng mơ tưởng đến những cảnh ấy. Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới ánh trăng thanh tiếng sóng.
Ai cũng thấy thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ.
Aoút 1941
Cô gái xuân

Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ,
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.
Lững thững trên trường buổi sớm chiều,
Tập tành nghiên bút học, may thêu.
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xoã ngang vai, tóc bỏ đều.
Lá lợp cành xoài bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,
Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng.
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phất phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
Thoăn thớt theo liền đàn bướm xinh,
Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thơ.
Trông cô hớn hở như đàn bướm,
Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
Đàn bướm bay cao, cô trở về,
Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!
Cũng xóm làng trên, cô đào thơ,
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ,
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia náo nức chờ.
Tưng bừng hoa nở, bóng ngày xu
ân,
Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng.
Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.
Tình quân cô: ấy sự thương yêu,
Đằm thắm, xinh tươi, lắm mĩ miều.
Khao khát đợi chờ, cô chửa gặp,
Lòng cô cảm thấy cảnh đìu hiu.
Một hôm, chợt thấy bóng tình quân,
Gió lộng, mây đưa thoáng đến gần,
Dang cánh tay tình, cô đón bắt,
Vô tình mây gió cuốn xa dần.
Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo:
"Tình quân em hỡi! Hỡi người yêu!
Gió mây xin để tình quân lại;
Chậm chậm cho em nói ít điều...
Than ôi! Mây gió vẫn vô tình
Cuồn cuộn bây trên ngọn núi xanh
Nhìn ngọn núi xanh, mây khói toả,
Mắt cô, đôi giọt lệ long lanh,
Lá lợp cành xoan bóng ngả ngang,
Cô em dừng bước nghỉ bên đường.
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,
Gió mát, lòng cô những cảm thương.
Lủi thủi bên đường, cô ngẩn ngơ.
Chốn này, đuổi bắt bướm ngày xưa,
Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm,
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ:
"Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
"Lòng cô phất phới biết bao tình.
"Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
"Thoăn thoát theo liền đàn bướm xinh...
"Đàn bướm bay cao, cô trở về,
"Sửa khăn, cắp sách lại ra đi,
"Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
"Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi!..."
Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
Tình ái này xuân chỉ một lần.
Một thoáng bay qua không trở lại,
Gái xuân rỏ lệ khóc tình quân!
(Cô gái xuân)
Mua áo
"Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!
- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!"
(Cô Gái Xuân)
Tuổi xuân
Kể từ khi quen nhau,
Vừa mười ba tuổi đầu;
Tuổi xuân, tuổi vui sướng,
Nào có biết chi sầu.
Quen nhau thì yêu nhau,
Yêu nhau quấn quít nhau.
Quây quần trong một tổ,
Như đôi chim bồ câu.
Ngày tháng chỉ mong cầu
Gần nhau được dài lâu.
Sum vầy lòng những ước,
Ly biệt có ngờ đâu.
Muốn thế, vẫn được thế,
Ai khéo chiều nhau tệ.
Bao những cuộc vui cười.
Cùng nhau cùng chia sẻ:
"Anh ơi! Em muốn học,
Anh hãy dạy em đọc,
Dạy em không? Hở anh?
Không dạy em, em khóc.
- Em đừng làm nũng chứ!
Hãy nói anh nghe thử,
Em muốn học chữ gì?
Em muốn học Quốc ngữ!
Quốc ngữ chữ Việt Nam,
Này thơ em , anh xem,
- Anh nghe , em cứ đọc!
- Thơ rằng:"Anh yêu em!..."
"Em muốn dạy anh thêu,
-Yêu em, anh phải chiều,
-Chỉ kim, anh thử lựa,
Nghe lời em , em yêu.
Này! Anh thêu khéo chán,
Ngàn mây đôi chiếc nhạn
Chắp cánh tung trời bay,
Trăm năm cùng kết bạn.
- Tươi thắm bức lụa là,
Đôi chim nhạn không già,
Đời mình âu cũng thế,
Ngày xuân ở với ta..."
"Này anh! buổi thư nhàn
Em dạy anh học đàn.
- Học đàn khó! -Đâu khó!
Chỉ đôi tiếng nhặt khoan!..."
Khoan nhặt đôi đường tơ;
Lay động đôi lòng thơ.
Gảy nên khúc tình ái.
Khúc dứt, lòng ngẩn ngơ...
Buông bắt trên tơ trúc,
Nhìn em, năm ngón ngọc,
Năm búp măng nõn nà,
Mải nhìn đàn chửa thuộc...
"Anh ơi! Em muốn chơi,
Non nước chốn này vui..."
Âu yếm, cầm tay dắt.
Cùng nhau thưởng cảnh trời.
Ngày lặng, màu hoa cỏ,
Đêm thanh, thú trăng gió.
Cảnh trời với lòng người
Biết bao lần gặp gỡ,
"Anh! Em muốn chơi thuyền,
Một ngày ta làm tiên..."
Buông buồm theo ngọn gió,
Sóng nước những triền miên.
Trời biển cảnh lồng lộng,
Đôi tấm lòng rung động.
Kề vai sẽ tựa nhau,
Chập chờn trong giấc mộng.
Bên rừng chiếc lá rơi,
Mặt nước, cánh hoa trôi.
Chòm mây bay tản mác,
Đàn nhạn rẽ phương trời.
Trông cảnh, em ngậm ngùi,
Nhìn em, anh thở dài,
Cảm nghĩ chuyện dời đổi,
Giọt lệ bắt đầu rơi!...
Biết đời từ hôm ấy,
Tuổi lớn, ngày dần thấy:
Chuyện buồn đưa đến thường,
Ngày vui không có mấy
Đôi lứa cũng xa nhau,
Tuổi xuân còn mãi đâu.
Biệt ly nay mới biết,
Chi xiết nỗi thương đau.
Giọt lệ một lần ứa,
Biết bao lần chan chứa;
Một lần khi bắt đầu,
Biết bao lần sau nữa!
Chốc, mười mấy năm trời,
Trăm nghìn cảnh đổi dời,
Nói đến chuyện gặp gỡ,
Sóng ngược lại bèo xuôi!
Cuộc đời những lăn lóc,
Tiếng cười đổi tiếng khóc.
Nào đâu bạn trẻ thơ,
Cùng ta kề mái tóc?
Buồn nhớ cảnh năm xưa,
Lòng riêng những thẫn hờ.
Tóc xanh hồ đã bạc,
Luống tiếc tuổi ngây thơ!
(Cô gái xuân)
Bốn cái hôn
"... Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng.
Theo khe cửa, gió thổi rít.
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng!
Em cuốn mình trong làn chăn đệm,
Đệm cỏ, chăn bông em chẳng ấm,
Bỗng như có một ánh than hồng
Chạm vào trán em chạy vào lòng.
Lòng em ấm áp, hơi lạnh tan;
Em nằm sung sướng mà bàn hoàn.
Sờ tay lên trán em mới biết:
Hơi âu yếm mẹ em hôn...
... Em nhớ: một buổi chiều mùa thu.
Bấy giờ mẹ em mất đã lâu.
Trông chiếc lá rơi em ủ rũ,
Hơi may hiu hắt, em buồn rầu.
Mất mẹ, em mất tình âu yếm,
Lạnh lùng, em thiếu hơi hôn ấm.
Đứng tựa bên vườn, em ngẩn ngơ,
Trông nước, trông mây, em đợi chờ...
Chợt thấy cha em về trước sân,
Áo quần lấm láp vết phong trần,
Chạy ra mừng rỡ đưa tay đón,
Cúi xuống mái đầu cha em hôn,
Từ hôm em được cha em hôn
Đầm ấm lòng em bớt nỗi buồn.
Nhưng cha em mải bận xuôi ngược.
Rày đó mai đây việc bán buôn...
... Em nhớ: một buổi trưa mùa hạ.
Buổi trưa nặng nề, trời oi ả.
Tựa cửa lớp học, em rầu rầu,
Nghe tiếng ríu rít đàn chim sâu.
Trước sân, bè bạn em nô đùa.
Riêng em buồn cảm thân bơ vơ:
Mất mẹ, còn cha, cha ít gặp.
Một năm chỉ hai lần rước đưa!...
Cô giáo thấy em đứng một mình,
Đi qua, gọi em hỏi sự tình.
Cầm tay cô dắt lại bàn học.
Ân cần, thương yêu vuốt mái tóc.
Rồi cô âu yếm hôn tay em.
Lộng qua cửa lớp cơn gió nồm,
Bao nỗi buồn bực, gió thổi mát,
Cái hôn như ngọn gió êm đềm...
Nay em lang thang giữa cảnh đêm xuân.
Gió trăng tình tứ đêm thanh tân,
Trước vùng trời biển cảnh lồng lộng,
Cùng anh trao đổi tình ái ân.
Khoác tay anh đi trên bãi cát.
Cát bãi, trăng soi mầu trắng mát.
Nghiêng đầu lơi lả tựa vai anh
Lặng nghe sóng bãi đưa rào rạt.
Nước mây êm ái bóng trăng sao,
Say sưa em nhìn lên trời cao,
Buông khúc đàn lòng theo nhịp gió.
Giờ phút thần tiên, hồn phiêu dao.
Một hơi thở mát qua, dịu dàng,
Như cơn gió biển thoáng bay ngang,
Rồi luồng điện ấm chạm trên má:
Ân ái môi anh kề nhẹ nhàng.
Nũng nịu, em ngả vào lòng anh,
Ngẩn ngơ ngừng lặng giây cảm tình,
Tóc em xoã tung, tay gió lướt,
Bàng hoàng em nhớ chuyện sau trước:
Đời em khoảng hai mươi năm hơn,
Được hưởng bốn lần âu yếm hôn.
Bốn lần em thấy em vui sướng,
Mưa gió đời em đỡ lạnh buồn.
Nhưng, từ khi em thôi học rồi,
Cùng cô giáo em không gặp gỡ.
Mà rồi, từ đó em lớn khôn,
Cha am cũng chẳng hôn em nữa.
Ba lần hôn kia em mất rồi,
Lần này biết có được lâu dài.
Nước bèo, em nghĩ đời chia biệt,
Mà lệ sầu em thổn thức rơi!..."
(Cô gái xuân)
Mộng Tuyết
Chính tên là Lâm Thái Úc (đáng lẽ là Út, nữ sĩ vẫn nhận tên mình là Út). Sinh ngày 9 Janvier 1918 ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Chỉ học trường hết bậc Sơ đẳng, rồi luyện tập quốc văn ở Trí Đức học xã.

Hai bài thơ trích sau đây rút trong tập Phấn hương rừng.
Trong những người do Trí Đức học xã đào luyện ra thì Mộng Tuyết có đặc sắc hơn cả. Nhờ ô. Đông Hồ nói dùm, tôi được xem tập Phấn hương rừng của nữ sĩ. Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại chen vào ít câu chữ Hán cũng của Mộng Tuyết, thực là một cái thú cho người xem.
Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái.
Nhưng có một điều đáng suy nghĩ: người thiếu nữ trong tập thơ này có làm ta quyên những thiếu nữ do trí tưởng thi nhân đàn ông tạo ra không? Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà trong tưởng tượng kia không? Dầu sao, có những lời thơ như câu sau này tả cảnh xuân:
Chốn buồng khuê, xuân đến thăm em.
hay như bài đề tặng bộ Việt Pháp tự điển, những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được.
Aoũt 1941
Dương liễu tân thanh
Trân trọng mạc giao hành khách thú
Đoản trường tình tự ký, ân cần
LÊ BÍCH NGÔ
"Dương liễu mười bài" chép gửi anh.

Ly-hoài, ai khéo gợi cho mình.
Bích Ngô âu cũng lòng thôn nữ
Chung với nghìn xưa một mối tình.
"Bên đường, qua lại bao nhiêu khách;
"Riêng bẻ cành xuân đưa tặng nhau.
"Sung sướng Giang Nam chàng phới ngựa,
"Tháng bảy bóng liễu rũ tơ sầu...
"Lả lướt đợi ngày xuân trở lại;
"Ngày xuân trở lại, hỏi bao ngày!
"Năm canh lạnh lẽo kinh sương gió,
"Ngùi ngậm tàn xuân hoa rụng đầy..."
Nét mực vừa khô, lệ ướt dầm.
Lời xưa thêm gợi mối thương tâm
Biệt ly còn bận đời danh sĩ;
Huống chốn buồng the khách chỉ kim.
(Phấn hương rừng)
Vì anh Thọ Xuân
Đề tặng anh Đông Hồ bộ Việt Pháp tự điển
Vì ai, đề tặng sách cho ai;
Rồi lại vì ai, cảm tạ người;

Bởi sợ nhà thơ nghèo đến chữ,
Yêu nhau, đưa tặng mấy muôn lời.
Tiếng nhà, của sẵn kho vô tận,
Mặc sức tiêu hoang, mặc sức chơi:
Mua bốn phương trời mây nước đẹp,
Mua nghìn năm cỏ cảnh hoa tươi
Hãy còn thừa thãi, tiêu chưa hết,
Mua lấy, trần gian tiếng khóc cười.
Trước hết, đã mua rồi một món:
Thàng Phương hương điểm mối tình dài.
(Phấn hương rừng)
Nguyễn Xuân Huy
Sinh ngày 15 Juillet 1915 ở làng Dũng Quyết, huyện ý Yên (Nam Định). Học ở Nam Định. Hiện dạy học ở Hà Nội.

Đã viết giúp: Đông tây, Phụ nữ thời đàm, Nhật Tân, Tân thiếu niên, Hanoi báo.
Hai bài thơ trích dưới đây rút trong tập Hương xuân chưa xuất bản.
Cứ mỗi chiều Nguyễn Xuân Huy lại ra ngồi ở một mỏm đá trên bờ sông Vân (Ninh Bình) để sống những giờ thần tiên trong tưởng tượng với một nữ học sinh có gặp qua vài lần.
Thi nhân còn nhỏ, người tình trong mộng lại nhỏ hơn. Thi nhân sẽ dạy cho người yêu học. Hai người sẽ sống chung với nhau, âu yếm nhau, nhưng cũng dỗi nhau, đùa nhau và chơi với nhau đủ mọi trò trẻ con.
Tôi tưởng theo Nguyễn Xuân Huy thuật lại giấc mộng tình ấy mới có thể hiểu được hai bài thơ trích dưới đây, nhất là bài "Giận nhau", mà báo Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đem sánh với bài "Trường can hành" của Lý Bạch. Tôi sẽ không có cái táo bạo của ông Phan, nhưng tôi cũng thấy thơ Nguyễn Xuân Huy hay lắm. Mối tình ở đây vừa thanh sạch như tình ruột thịt, vừa nồng say như tình yêu. Tình ấy, một đời người ta chỉ để nuôi trong mộng một lần, khi lòng xuân mới nhóm và người ta còn giữ được cái trong trắng của tuổi ngây thơ. Chúng ta - những ai không còn tuổi ấy - xem thơ Nguyễn Xuân Huy sẽ được hưởng chút gió trong lành thổi về thời mười tám.
Octobre 1941
Giận nhau

Hôm nọ em biếng học,
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh.
Anh nhiếc em "biếng lười"
"Rắn mặt", cùng "khó dạy"
Rồi lệ em chan hoà
Rồi lòng anh tê tái...
Giận anh, em ủ rũ
Từ hôm đó mà đi:
Anh hỏi, em không đáp
Anh cười, em ngoảnh đi;
Chơi "đi trốn đi tìm",
Em không chơi với nữa;
Khăn đào em đang thêu
Cho anh, em bỏ dở.
Hôm nay em đã cười,
Nũng nịu đến "xin lỗi".
Được thể anh làm cao:
"Sao em không giận mãỉ"
(Hương Xuân)
Em đương thêu...
Em đương thêu bên cửa,
Mơn mởn trăm vẻ xinh.
Anh ghé đến ngồi cạnh
Vuốt ghẹo làn tóc anh.
Giật tay, em sẽ trách:
"Cho Hà thêu đi anh!"
Không nghe anh cứ nghịch.
Em bực, nắm tay anh:
"Vì tội đã trêu Hà
"Kết án tay phải giữ:
"Bao giờ biết hối lỗi
"Hứa chừa đi thì tha."
- "Không, chả chừa đâu, em
"Vì em đẹp lắm đấy.
"Muốn em giữ suốt đời
"Để ngồi cạnh em mãi.
(Hương xuân)
Hằng Phương
Vợ Ô. Vũ Ngọc Phan. Con Ô. Lê Dư. Sinh năm 1908 ở làng Nông Sơn (Quảng Nam). Học chữ Hán bảy tám năm. Chữ Tây chỉ học đến lớp nhất.

Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Đàn bà.
Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài "Lòng quê" trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người thơ tưởng chừng đã biến thành chim...
Tình quê còn đưa thi hứng cho Hằng Phương nhiều lần nữa. Có khi nó lẫn với lòng thương người mẹ đã khuất:
Ngày nay bên khóm trúc
Em thơ khóc rưng rức,

Tìm mẹ biết tìm đâu?
Trời xanh xanh một màu...
Có khi nó chỉ là tình lưu luyến cảnh quê hương:
Ai về cố quận cho ta nhắn
Gửi chút lòng thương nhớ núi sông.

Hằng Phương rất mến cảnh. Người âu yếm nhìn những lúc trăng lên:
Sáng trưng mái ngói nhà ai,
Đôi chim ngỡ buổi ban mai, giật mình.

Những lúc bình minh:
Sương đêm còn đọng trên cành,
Rưng rưng hạt ngọc, long lanh nhìn trời.

Và:
Nách tường đôi lứa chim sâu,
Nằm trong tổ ấm thò đầu nhởn nhơ...

Những bức tranh nho nhỏ ấy đơn sơ mà xinh tươi làm sao. Hồn thi nhân âu cũng thế.
Décembre 1941
Lòng quê
Tặng V.N.P
Xưa kia em ở bên trời,

Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi,
Mặc cho ngày tháng trôi đi,
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu!
Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh,
Rủ em ra chốn đô thành xa khơi.
Yêu anh, em hoá yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao,
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi, sắc thắm, em nào dám chê.
Nhưng em luống nặng lòng quê,
Nhớ hương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ nơi làng xóm con con,
Nhớ thương cây quế con von trên đồi;
Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ trong hồi còn thơ...
Đường xa, ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh...
(Hà Nội tân văn)
Nguyễn Bính
Sinh năm 1919 ở làng thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Định).Không hề học ở trường, chỉ học ở nhà với cha và cậu.

Làm thơ từ năm 13 tuổi. Đã làm được gần một nghìn bài. Được giải khuyến khích về thơ Tự lực văn đoàn năm 1937.
Đã đăng thơ: Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Nam cường.
Đã xuất bản: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (Lê Cường, Hà Nội 1940), Hương cố nhân (Á Châu, Hà Nội 1941).
Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng khôn hay dại- chúng ta ngày một lìa xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn toàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tình cảm căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô sỗ những nhà thông thái nghiên cứu. Họ chẳng ngớt lời khen những câu như:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
hay:
Lòng anh: giếng ngọt trong veo
Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh

Lòng em như bụi kinh thành,
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.
Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: "Thơ như thế nàythì có gì?". Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần : hồn xưa của đất nước.
Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn? Người đã biết trách người gái quê:
Hoa chanh nở ở vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.
Thế mà chính người cũng đã "đi tỉnh" nhiều lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn. Khi người than:
Đời có gì tươi đẹp nữa,
Buồn thì đến khóc, chết thì chôn.

Khi người tả cảnh xuân:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
ta thấy người không còn gì quê mùa nữa.
Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn Bính thì hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy, Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng.
Août 1941
Tương tư

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Lỡ Bước Sang Ngang)
Hai lòng
Lòng em như quán bán hàng,
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.
Lòng anh như mảng bè trôi,
Chỉ về một bến, chỉ xuôi một chiều.
Lòng anh như biển sóng cồn
Chứa muôn con nước, ngàn con sông dài.
Lòng em như cánh lá khoai,
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
Lòng anh tựa hoa hướng dương,
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
Lòng em như cái con thoi,
Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành.
(Lỡ Bước Sang Ngang)
Giấc mơ anh lái đò
Năm xưa chở chiếc thuyền này,
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều.
Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
"Tước đay se võng nhuộm điều ta đi.
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng.
Võng anh đi trước võng nàng...
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò."
Đồn rằng đám cưới cô to,
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu.
Nhà gái ăn chín nghìn cau,
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn...
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền, lại thôi!. . . . 
(Tâm Hồn Tôi)
Lẳng lơ
Láng giềng đã đỏ đèn đâu ?
Chờ em ăn dập miếng giầu em sang.
Đôi ta cùng ở một làng,
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh ?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình ... với nhau.
Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non.
Quan Trạng
Quan Trạng đi bốn lọng vàng,
Cờ thêu tám lá qua làng Trang nghiêm.
Mọi người hớn hở ra xem,
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn,
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi...
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...
(Tâm Hồn Tôi)
Xa cách
Nhà em cách bốn quả đồi,
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng;
Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy, anh đừng yêu em!
(Tâm Hồn Tôi)
Người hàng xóm
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôị
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên...
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: "Hay tôi yêu nàng?"
- Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái lỡ làng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Tầm tầm trời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn...
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bưới lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nừa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
(Tâm Hồn Tôi)
Xuân về
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
Mưa tạnh trời quang, nắng mới hoe.
Lá nõn nhành non ai tráng bạc?
Gió về từng trận, gió bay đi
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung.
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
Trên đường cát mịn, một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa.
Gậy trúc giắt bà già tóc bạc,
Lần lần tràng hạt niệm nam vô.
(Tâm Hồn Tôi)
Vũ Hoàng Chương
Sinh ngày 5 Mai 1916 ở Nam Định. Có bằng tú tài Tây. Đã theo học trường Luật, nhưng lại bỏ để làm Phó thanh tra Sở Hoả xa miền Bắc hơn một năm. Dạy tư một độ, hiện giờ theo học ban cử nhân toán học.

Đã xuất bản: Thơ say (1940).
Ý giả Vũ Hoàng Chương địng nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện, say nhẩy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ. Cái dụng ý ấy không khỏi có hại. Nhưng một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy, người quên dụng ý làm thơ ngoài cửa và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay.
Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng theo điệu kèn khiêu vũ:
Âm ba gợn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...
Quả là những vần thơ say.
Cái dụng ý làm thơ Vũ Hoàng Chương cũng còn bỏ quên lần nữa.
Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng còn dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng.
Mỗi lần nói đến hôn nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh bỉ vô cùng. Người thấy hôn nhân chỉ là sự chung chạ của xác thịt, một sự bẩn thỉu đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa niên:
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,
Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn.

Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi Hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.
Khốn nỗi! Thoát ly được hôn nhân cùng mọi trói buộc khác, nào người có tìm được hạnh phúc, người chỉ thấy bơ vơ:
Mênh mông đâu đó ngoài vô tận
Một cánh thuyền say lạc hướng đêm.

Con thuyền say kia chính là linh hồn và cuộc đời của thi nhân. Rút lại, hy vọng cao nhất của người là quên. Quên hết thảy những thứ lợm giọng của khách làng chơi:
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,

Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
Septembre 1941
Quên

Đã hẹn với em rồi; không tưởng tiếc
Quãng đời xưa không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,
Sát gần đây, gần nữa cặp môi nâu.

Đêm nay lạnh tìm em trên gác tối
Trong tay em dâng cả tháng năm thừa
Có lẽ đâu tâm linh còn chọn lối
Để đi về cay đắng những thu xưa
Trên nẻo ấy tơi bời, - anh đã biết -
Những tình phai duyên úa mộng tan tành.
Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt,
Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh.
Không em ạ, không còn can đảm nữa,
Không nguồn yêu suối lệ cũng khô rồi;
Em hãy đốt giùm anh trong mắt lửa
Chút ưu tư còn sót ở đôi môi ...
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây gần nữa, cặp môi điên,
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
(Thơ say)
Phương xa
Nhổ neo rồi thuyền ơi! xin mặc sóng,
Xôi về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.
Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.
(Thơ say)
Nghe hát
Phách ngọt đàn say nệm khói êm.
Tiếng ta buồn nổi giữa chừng đêm.
"Canh khuya đưa khách..." Lời gieo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm .
Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi,
Sen vàng như động phía châu liêm.
Nao nao khói biếc hài thương nữ;
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm.
(Thơ say)
Mộng Huyền
Sinh ở Huế năm 1919. Hiện học ban tú tài ở Hà Nội.

Đã đăng thơ: Tràng An, Sông Hương.
Bài thơ trích sau rút trong tập Rung động chưa xuất bản.
Thơ Mộng Huyền có đôi ba bài đã đến với tôi như một hơi gió hiền hoà. Tôi nghĩ đến hơi gió ngàn năm vẫn đìu hiu trên sông Hương.
Trong lời thơ hiu hắt một linh hồn yểu điệu và buồn buồn, hay thương người mà cũng rất dễ thương. Nó không tràn ngập, không lấn áp hồn ta. Nó chỉ nhẹ nhàng, chỉ âm thầm và e lệ. Ta đừng nói to, đừng bước nặng, hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người.
Ngày nọ, thi nhân về thăm nhà một cô thôn nữ sớm từ trần. Người lẳng lặng đi qua, bước rất nhẹ nhàng vì:
Sợ làm kinh động sầu xưa cũ
Ẩn nấp mình trong bụi cỏ vàng.

Ta hãy theo gương ấy và chớ làm kinh động chút hồn thơ đang nương mình trong bụi cỏ lời thơ.
Juillet 1941
Vườn hoang

Hôm nay trở lại vườn xưa,
Nén tim rộn rã, ngăn ngừa nhớ thương.
Cỏ lan mặt đất bên đường,
Cành cây nghiên gửi mùi hương bay rồi.
Hình em còn ở hồn tôi,
Sầu em lẩn quất bồi hồi đâu đây...
Rào xiêu, hoa héo, cây gầy
Em từ trần vội một ngày năm xưa.
Vườn hoang, nhà vắng, cây thưa,
Lòng tôi sầu tủi đã vừa mấy xuân!
Ngày kia tôi sẽ từ trần,
Vườn hoang liêu lại mấy lần hoang liêu...
(Rung động)
Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam
Theo http://diendan.vtcgame.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...