Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Vài nét cảm nhận "Khói trời mênh mông" và một chút lãng đãng với Huế

Vài nét cảm nhận "Khói trời mênh mông" và một chút lãng đãng với Huế
Khói trời mênh mông
Nhạc: Trịnh Công Sơn
Trình bày: Khánh Ly (1973)

Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn 
Con đường bên sông cỏ lá buồn tênh 
Ta về nơi đây tháng năm quá rộng 
Đường xưa em lại thấp thoáng bàn chân 
Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh 
Hết mùa thu sang đã đến ngày đông 
Những hàng cây xanh đón em áo lộng 
Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông 
Trời còn in dấu chim xa nguồn 
Đời còn bay những cơn mưa phùn 
Còn gì đâu những môi xưa hồng 
Vùng tuổi xanh thoảng bay như gió 
Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ 
Tên em là vết thương khô 
Ta về nơi đây bỗng im tiếng động 
Đã về trên sông những cánh bèo xanh 
Có còn trong em những đêm gió lộng 
Ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng 
Ta còn trong em những cây nến hồng 
Những cầu qua sông những chút tình duyên 
Gió trời lênh đênh nhớ con phố hẹn 
Ta nhìn ta về giữa trời hư không.

Tôi nghe Khói Trời Mênh Mông của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên trên tàu đi từ Sài Gòn về Huế, một ngày cuối năm như thế này. 

Ta về nơi đây 
Phố xưa dấu đạn
Con đường bên sông
Cỏ lá buồn tênh
Ta về nơi đây
Tháng năm quá rộng
Đường xưa em lại
Thấp thoáng bàn chân…
Có chi tiết nào để khi nghe bài này tôi liên tưởng đến thành phố Huế không, hay đơn thuần chỉ vì tôi nghe nó trên đường ra Huế vào mùa đông? 
Câu đầu tiên của bài hát đã làm tôi nghĩ Trịnh Công Sơn viết bài này ở Huế. Ta về nơi đây. Trịnh lớn lên ở Huế, trải qua thời niên thiếu và tuổi học trò đẹp đẽ nhất ở Huế. Huế là quê hương của Trịnh, nơi nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của ông. Vậy thì chữ “về” chắc chỉ có thể dành cho Huế mà thôi. Ta có thể đi. Đi đây. Đi đó. Nhưng ta chỉ có thể quay về quê hương của mình. Trịnh đưa ra những hình ảnh của “nơi đây”: phố xưa dấu đạn, con đường bên sông, cỏ lá buồn tênh… Chữ buồn tênh được dùng chính xác. Nó diễn tả một nỗi buồn nhẹ nhàng, thoắt hiện. Nó diễn tả một nỗi buồn… lười biếng, không gây nên bất kì khổ đau nào. Đó là cái buồn của mùa đông ở Huế. Những ngày mùa đông ở Huế buồn thật. Trời khi nào cũng âm u. Gió mùa đông bắc lạnh lẽo. Mưa phùn. Sông Hương. Sau nhưng cơn lũ, sông Hương chảy chầm chậm, nước sông bao giờ cũng bàng bạc, ngồi ở một quán cà phê bên bờ Nam nhìn về phía chùa Thiên Mụ chỉ thấy một màu mây khói trắng mù… 
Hai câu cuối của đoạn đầu mở ra một “chuyện tình”. A, một kỉ niệm. Đường xưa em lại thấp thoáng bàn chân. Một niềm vui. Vui vì lại được thấy em. Một niềm vui tỏa ra giữa nỗi buồn tênh của thời gian và không gian.
Ta về nơi đây
Thoáng nghe gió lạnh
Hết ngày thu sang
Đã đến ngày đông
Những hàng cây xanh 
Đón em áo lộng
Bây giờ ta nhìn 
Khói trời mênh mông…
Trịnh thường viết về áo em như vậy. Áo em bao giờ cũng là áo lộng, áo bay, áo lồng lộng… Tất cả đều có gắn liền với gió, với mây khói, với cả bầu trời.
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước rộng
Xoá một ngày đìu hiu…
(Tình Nhớ)
hay
Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên…
(Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
Cách thể hiện của Trịnh làm người nghe có cảm giác em rất hài hoà với thiên nhiên, và chính thiên nhiên làm cho em nổi bật. Những hàng cây xanh, trời chiều, mặt đường vàng hoa như gấm… Tôi nghĩ Trịnh đang viết về tà áo dài, không biết có đúng không? Như trong Tương Tư của Nguyên Sa:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay…
(Tương Tư – Nguyên Sa)
Một điều gì tương tự. 
Hãy nghe đoạn giữa:
Trời còn in dấu chim xa nguồn
Đời còn bay những cơn mưa phùn
Còn gì đâu những môi xưa hồng
Vùng tuổi xanh thoảng bay như gió
Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ
Tên em là… vết thương khô
Đây là một đoạn rất phù hợp với chất giọng của Khánh Ly. Valse. Hơi nhanh. Trịnh đưa ra hàng loạt hình ảnh với chữ “còn”, trời còn in những cánh chim, đời còn bay những cơn mưa phùn, nhưng: còn gì đâu những môi xưa hồng… Chính điệu Valse nhanh ở đoạn này làm cho người ta có cảm giác nuối tiếc, cái gì trôi qua quá nhanh gây ra nhiều nuối tiếc. Như Trịnh nuối tiếc cho tuổi xanh của mình vậy. Tất cả cảnh cũ còn đó. Hoa đào năm cũ còn cười gió đông. Còn trời, còn những cánh chim, còn những cơn mưa phùn… Nhưng tuổi xanh như gió thoảng qua rồi, con người ta quay về với cảnh cũ mà tấm lòng không còn tươi mới như trước nữa, những môi xưa hồng cũng úa tàn theo lòng người, và tên em bây giờ chỉ còn là một vết thương khô. Ở đây, tình yêu phôi pha theo thời gian. Tình yêu không còn cho con người những cảm xúc điên cuồng mà chỉ gây ra những chán chường. Một tình yêu như trò chơi trốn tìm trong đó cả người đi trốn lẫn người đi tìm, sau những hứng thú ban đầu chỉ còn lại mệt mỏi. Rồi đến một lúc nào đó, ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ, những cảm xúc rời bỏ ta, tên của em không còn vang lên như một chuỗi âm thanh êm dịu nữa, nó cũng trở nên bình thường như bao cái tên khác. Cũng trong đoạn này Trịnh nói nhiều về nét chính của mùa đông ở Huế. Nhưng cơn mưa phùn. Mưa dầm. Có khi kéo dài cả tháng trời không dứt. Người ta gọi là “mưa thúi đất”. Chính nhưng cơn mưa như thế này lại là nguồn cảm hứng cho các thi sĩ, nhạc sĩ. 
Hãy nghe đoạn cuối:
Ta về nơi đây
Bỗng im tiếng động
Đã về trên sông
Những cánh bèo xanh
Có còn trong em 
Những đêm gió lộng
Ngồi bên hiên nhìn
Bến nước đầy dâng…
Có còn trong em
Những cây nến hồng
Những cầu qua sông
Những chút tình duyên
Gió trời lênh đênh
Nhớ con phố hẹn
Ta nhìn ta về
Giữa trời hư không…
Đoạn kết buồn với những câu hỏi: Có còn trong em? Trịnh thường đặt câu hỏi cho em: Em còn nhớ hay em đã quên, Này em có nhớ… Có lẽ người nhạc sĩ sống nhiều bằng nỗi nhớ và kỷ niệm. Có một câu trong bài Quỳnh Hương mà tôi gọi là một câu “hay tuyệt đối”: Không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần. Nỗi nhớ ngọt ngào lắm, dù là gắng nhớ, nó đem lại cho con người an ủi khi con người tuyệt vọng. Ở đây Trịnh vừa hỏi mà vừa trả lời, mà vừa nhắc nhở, vừa nhớ lại: những đêm gió lộng, những cây nến hồng, những cầu qua sông, những chút tình duyên… Đối với Trịnh, tình thường chỉ là một chút. 
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi…

(Như Một Lời Chia Tay)
Ta mang cho em một đoá quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng…

(Quỳnh Hương)
Mười năm chân bước trên đường dài
Gặp nhau không nói không nụ cười
Chút tình dường như hiu hắt bay…

(Có Một Giòng Sông Đã Qua Đời)
Có lẽ vì với một người nhạc sĩ đa cảm thì một mái tóc, một giọng nói, một hơi thở… cũng đã có thể là một chút tình yêu thoáng qua đời. Người nhạc sĩ trân trọng tất cả những chút tình đó, có như thế thì mới có thể viết lên những ca từ hay.

Tôi nghe Khói Trời Mênh Mông của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên trên tàu LH2 đi từ Sài Gòn về Huế, một ngày cuối năm như thế này. Đó là lần đầu tiên ăn tết xa nhà. Cũng là lần đầu tiên về Huế mùa Đông. Tôi nghe Khói Trời Mênh Mông từ cuốn băng cassette cũ của bà nội tôi, cuốn Khánh Ly Tango – Valse, có lẽ được ghi âm khi ca sĩ Khánh Ly còn rất trẻ. Giọng hát của Khánh Ly nhanh và đầy sức sống. Rồi trong một lần vô ý, tôi đã xoá cả cuốn băng cassette!. Tôi đi tìm khắp Sài Gòn một bản sao nhưng không cách nào tìm ra được, chỉ có một CD thâu lại có bài này, Khánh Ly hát, nhưng không hay bằng lần thu âm trong cuốn Khánh Ly Tango – Valse. Lần thứ ba tôi nghe Khói Trời Mênh Mông là ở Toronto, cũng do chính Khánh Ly hát trong buổi trình diễn một ngày tháng Giêng năm ngoái. Tôi đã viết thế này:
“Một nguồn cảm xúc bất tận. Những con đường nhỏ heo hút với những vòng xe đạp chậm rãi níu kéo nhau không muốn về. Những bờ thành xác xơ đổ nát. Quán cà phê lụp xụp đường Đặng Thái Thân ngồi nhìn mưa nhỏ xuống theo từng cọng tranh. Mùi rơm rạ thơm thơm trên đường Vĩ Dạ buổi bình minh… Những con đường, những hàng cây, những tà áo, những bến sông, những câu giọng Huế chào hỏi nhau hời hợt… Có lẽ phải đi thật xa mới hiểu được những điều nhỏ nhặt đó là cả một gia tài, là cả một hành trang. Rồi theo cái vòng quay bất tận của cuộc đời, tôi cũng phải chấm dứt những ngày ít ỏi đẹp đẽ trở về cùng học hành thi cử với bao nhiêu là nuối tiếc. Không biết là năm tháng tạo ra sự nuối tiếc, hay giọng hát người ca sĩ, hay ca từ và giai điệu của người nhạc sĩ, hay những chiều ngồi co ro trong quán cà phê gió mùa đông bắc về lạnh căm căm và mưa phủ mờ sông Hương, hay một câu giọng Huế ngọt ngào, hay một vết thương khô… Chỉ biết là một nguồn cảm xúc bất tận đã đến với tôi, nâng tôi qua một quãng đời, vùng tuổi xanh…”. 
P.K


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...