Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Mùa thu thần tiên - Trăng chiều

Mùa thu thần tiên - Trăng chiều
Chỉ riêng một chữ chiều thôi, đã gieo vào tâm tưởng mỗi con người một nỗi niềm khó tả. Vào cái thời khắc mặt trời lặn ấy, cả đất trời, cây cỏ, cùng những vật vô tri cũng như có linh hồn. Tôi nghĩ: có lẽ cái cảm xúc bồn chồn, lo lắng, cô đơn khi chiều xuống của ta là biến tướng nỗi sợ bóng đêm của tổ tiên loài người chăng?
Vì vậy, cảm xúc về buổi chiều, có thể gọi là nỗi buồn bản năng của loài người, và là nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân từ muôn thuở.
Chẳng thế mà bao đời nay, người ta cứ viết mãi, viết mãi những bài ca, bản nhạc về buổi chiều. Trong chúng ta ai mà chẳng nhớ “Nhạc chiều, Serenade” của Schubert, ”Serenade melancolique” của Tchaikovsky, “Chiều Mat xơ cơ va” của Xê Đôi , rồi “Lý chiều chiều” dân ca Nam bộ, v.v và v.v.
Vậy những bài ca về buổi chiều đã xưa như trái đất rồi chăng? Không, trái đất xưa, nhưng chẳng bao giờ cũ, và cảm xúc về buổi chiều cũng vậy… Vâng, tôi muốn nhắc đến bài “Trăng Chiều” (1986) của Đặng Hữu Phúc với ca từ của Phan Đan.
Một cảm xúc mới tinh khôi về buổi chiều.
Récital Ái Vân và Đặng Hữu Phúc 1987
Buổi chiều trong bài hát này thật đặc biệt, vì nó chỉ có vài ba ngày trong một tháng, cụ thể là đôi ba ngày trước khi trăng tròn, và lại phải vào mùa thu, hẹp hơn nữa là mùa thu Hà Nội, và chính xác nữa là trên đường Cổ Ngư của Hồ Tây. Vì chỉ có ở đây, con đường cắt đôi hai cái hồ, bạn mới quan sát được cả hai phía: phía tây là Hồ Tây có “Nắng chưa kịp tàn”, và hồ Trúc Bạch ở phía đông: có “Ánh sao mặt hồ, phía đông nhạt nhoà…” và Trăng chiều lên…
Rồi bạn còn nghe thấy “Tiếng chuông lặng dần” của chùa Trấn Quốc, nhìn những cánh dơi chập chờn trên mặt hồ, và thoảng “mùi hoa sữa trong sương”… Bao nhiêu là hình ảnh, âm thanh, và cả mùi vị nữa diễn ra trong cùng một khoảng khắc thời gian rất ngắn của một buổi chiều thu Hà Nội, ai mà cầm lòng được, ai mà chẳng thấy da diết một nỗi buồn của “Chiều thêm nhớ mênh mang”.
Récital Ái Vân và Đặng Hữu Phúc 1987
Có lẽ các tác giả chiếu thu ấy là những kẻ cô đơn, ngây ngất lạc vào cảnh “Mùa thu thần tiên”, nhìn vầng trăng thanh khiết (văn học ta vẫn ví tuổi người con gái mới lớn là tuổi trăng tròn) vẫn còn chưa tròn hẳn, ngơ ngác lên từ phía đông khi mặt trời vẫn chưa lặn hẳn, tác giả đã liên tưởng đến hình ảnh một người con gái: “Bóng em ngời sáng, đoá hoa mầu trắng, khi trăng chiều lên”.
Và “trái tim chợt buồn” đã mơ ước về một bàn tay, một “lời ru bình yên” trong tâm hồn
Paris tháng 11/1991
Phỏng vấn Đặng Hữu Phúc của Hoài Thu:
Tôi thích bài Trăng chiều đã lâu, với giọng hát dịu dàng đầy nữ tính của Ái Vân, nó đã đi vào tôi như một kỷ niệm của thời học trò, cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn mê say.
Lần theo địa chỉ, tôi đã gặp nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, và làm một cuộc phỏng vấn ngắn về bài hát này.
PV: Cái gì đã gợi cảm hứng cho anh sáng tác bài Trăng chiều?
ĐHP: Chính là Trăng chiều.
PV: Thế còn hình ảnh người con gái trong bài hát?
ĐHP: Ai cũng có tình yêu tuổi học trò, tuổi chưa đầy đôi tám, toàn là mộng mơ. Có lẽ hình ảnh thanh khiết của tình yêu học trò đã trở về trong bài hát này chăng?
PV: Theo anh ai là người hát thành công nhất bài Trăng chiều?
Hà Nội 2002
ĐHP: Đã có nhiều người hát như: Minh Thuý, Mỹ Linh, Thanh Lam, Lan Anh, Hiền Thục vv… Nhưng người hát đầu tiên và cũng là người đã đưa bài hát đến với công chúng, với cuộc đời đó là Ái Vân. Giọng Ái Vân qua “Trăng chiều” và cả  “Ru con mùa đông” của tôi nữa đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm trí mọi người thế hệ chúng tôi. Ái Vân đã thu khoảng 20 bài hát của tôi.
Vì sao Ái Vân đã thể hiện đúng nhất tinh thần của bài Trăng chiều?  theo tôi có lẽ do tôi và Ái Vân cùng có những kỷ niệm tuổi trăng tròn của những tình cảm tuổi học trò, và cùng đưa những kỉ niệm đó vào bài hát.
Hà Nội 2006
 Trăng chiều qua giọng hát của Ái Vân
Và mời các bạn nghe thêm một số bài hát (có cả bản nhạc) về mùa thu trong tập “Tuyển chọn 60 bài Romance và Ca khúc với piano” của Đặng Hữu Phúc:
Hoài Thu

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...