Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Tango – Tiểu sử một đam mê!

 Tango – Tiểu sử một đam mê!
– Thanh nhã và gợi tình từ một thế giới văn hoá khác
– Điệu khiêu vũ lứa đôi tuyệt vời nhất
Đi tìm dấu tích điệu nhảy gợi tình muôn thuở của đất nước Á căn đình.
Phải nhìn nhận Tango là điệu nhảy gợi tình nhất với nhịp 2/4
Cả thành phố Buenos Aires như chìm đắm trong làn gió u hoài, sầu muộn. Kinh tế đất nước phá sản, và những tâm hồn Á căn đình tự hào, cũng theo đó uất ức chao đảo… Nhưng tiết điệu Tango vẫn nhịp nhàng trong mọi góc phố và hình như đang trong trào phục hưng với bao niềm khát khao về thời đại huy hoàng đã qua!
       Hai trái tim của Aurora và Jorge đập cùng chung nhịp 2/4 – nhịp của những bước Tango. Tango là trò diễn xuất của những cảm xúc: „khát khao, thèm muốn, ghen tuông, ruồng rẫy …“ – một tuồng kịch bi hùng nhảy múa trên sàn diễn.
     “Hễ mỗi lần nghe tiếng‚ bandoneon’[[1]], là toàn thân tôi cứ rờn rợn ngứa ngáy. Xúc cảm từ đâu bỗng tràn về dâng đầy cơ thể. Và sau đó tôi hoàn toàn quên hết tất cả xunh quanh“, cô vũ nữ Tango chuyên nghiệp thỏ thẻ. Gặp Jorge trên một sàn nhảy tại Buenos Aires cách đây hơn 20 năm, con tim Aurora bốc cháy vì Tango và vì chàng nghệ sĩ trẻ tuổi mang tên Jorge. Cuộc hôn nhân nay đã gãy đổ nhưng tình yêu Tango vẫn kết chặt hai người trên sàn nhảy những vũ trường giữa thành phố Buenos Aires. Tình yêu cho Tango của hai người vẫn vĩnh viễn thở những hơi dài …
Ngắn gọn về xuất xứ những bước chân
Lai lịch và xuất xứ của Tango, điệu nhảy gợi tình của dân tộc Á căn đình vẫn mãi là đề tài tranh cãi. Riêng về ý nghĩa tên gọi Tango không thôi đã có đủ luận cứ. Thuyết thì cho rằng chữ Tango gốc gác từ Nhật bản và vũ điệu được kiều dân Nhật tại Cuba chế tác. Ý kiến khác cho rằng từ tiếng la tinh „tango“ (chạm, sờ, đụng vào). Hoặc cái trống Y pha nho mang tên „tambo“ cũng được nhắc tới, lại có ý kiến cho rằng Tango xuất nguồn từ chữ Y pha nho “tañer” (chơi, xử dụng một nhạc cụ) và chịu ảnh huởng làn điệu vùng Castilla[[2]]. Và nhịp phách trống Phi châu „tangú“ cũng được xem là cha đẻ của vũ điệu …
Chỉ một điều chắc chắn được biết là, ra đời cuối thế kỷ thứ 19, vào khoảng 1850 đến 1890, cùng lúc trên hai thành phố Buenos Aires vàMontevideo[[3]] nằm hai bên tả hữu ngạn dòng sông Rio de la Plata, điệu vũ tango argentino tập hợp nhiều bước nhảy và làn điệu từ những vũ điệu dân gian HabaneraMilonga và Tango andaluz.
Tại những "Milongas[[4]], những buổi tụ tập tự phát, nơi gặp gỡ của tầng lớp lao động khốn cùng tại khu bến cảng La Boca [[5]], miền namBuenos Aires, những cặp trai gái ôm sát lấy nhau cùng nhảy Milonga. Điệu Milonga phổ biến khắp nước Uruguay và Á căn đình, xuất thân từ một làn điệu đồng áng dân gian, điệu vũ vui tươi này mang đủ sắc thái của cư dân da đen, da màu hòa lẫn với cá tính những nhóm dân nhập cư. Trong Milonga là những tiết điệu âm nhạc Y pha nho trộn lẫn phách nhịp những làn điệu dân dã châu Phi.
Habanera là một điệu vũ Cuba nhập cảng vào LaPlata [[6]] thời 1860, dân bản xứ nhảy điệu Habanera như muốn nói lên nỗi niềm của những kẻ bị thống trị. Mười năm trước đó điệu Tango andaluz cũng đã được nhập cảng và không bao giờ vắng mặt trên những sân khấu bình dân trong lòng thủ đô Buenos Aires.
Những điệu nhảy sinh động này được xem là tiền thân của Tango Argentino hiện nay.
Vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20 đất nước non trẻ Á căn đình ở giữa một thời đại hoàng kim, Buenos Aires nở rộ trong phồn vinh và được xem như là một Paris của Nam Mỹ. Từ các vùng nghèo khổ khắp châu Âu một làn sóng di dân trổi dậy, dân chúng đổ xô về đây sinh sống khiến thành phố mới này tràn ngập và muốn nổ tung dưới số dân nhập cư ngày càng tăng trưởng. Đông nhất là dân Ý và Y pha nho, họ rời bỏ quê hương để tìm một tương lai tươi sáng hơn trên vùng Mỹ châu đất hứa. Thời điểm này số di dân Ý tại Buenos Aires nhiều hơn cả dân Á căn đình: không kham nổi vì quá tải, Á căn đình và Buenos Aires cự tuyệt nhóm dân tị nạn ra mặt, không cho họ một cơ hội dẫu nhỏ bé nào để mưu sinh vươn tới. Vỡ mộng, thất vọng, chán chường là điều đương nhiên xảy đến cho thành phần này.
Rồi thì không việc làm, không địa vị, không uy tín, cuộc sống thiếu bóng phụ nữ, đám tị nạn cơ cực chỉ còn có một lối thoát tinh thần trong những không gian của tận đáy xã hội, tìm quên trong quán nhậu, ổ điếm, sòng bài … và âm nhạc. Tại đây, từ những quán nhậu, ổ điếm, sòng bài trong những phố ngoại thành và khu bến cảng của Buenos Aires, Tango mau chóng được những con tim giang hồ quấn quít nương tựa. Đến với Tango, họ được dịp rủ bỏ ngoài ngưỡng cửa những tranh đấu sống còn khắc nghiệt, họ tìm đến những giây phút buông thả đam mê, họ để cho đam mê diễn tả những cảm xúc cuộc sống, họ để hồn đến với nhau trong một thế giới chung đụng đủ mọi màu sắc văn hoá.
Những gì xảy ra trên sàn gỗ vũ trường, bar rượu tại Buenos Aires vào thời điểm đó, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, là những điều chưa bao giờ có trong lịch sử và thế giới khiêu vũ cổ điển: qua Tango, màn khiêu vũ trở thành một ‚el abrazo[[7]]: là hai thân hình ghì sát vào nhau trong tiếng nhạc thiết tha dìu dặt. Nhảy Tango, thân thể cuộn siết lấy thân thể như muốn hòa tan hai khối hình hài làm một. Dưới ánh đèn mờ ảo giữa không gian đong đầy tiếng nhạc, thỉnh thoảng khối vật thể ấy chợt ngừng sững lại tạo một khoảnh khắc lắng đọng đợi chờ … tràn đầy kích thích.
Khiêu vũ những nỗi niềm 
sầu muộn
Tango là khiêu vũ những nỗi niềm sầu muộn[[8]]  câu nói đi vào lịch sử Tango của Enrique Santos Discépolo, nhà nhạc sĩ Tango nổi danh người Á căn đình. Thật vậy, tất cả hy vọng và nỗi niềm năm xưa của đám người di dân vẫn ấp ủ trong mỗi điệu bước Tango. Dẫu phải mang chịu một ít tai tiếng dèm pha, Tango vẫn luôn luôn thanh lịch tự mãn: Trên sàn gỗ gã vũ khách ôm ghì lấy thân người phụ nữ, dìu những bước vũ bão nhưng hình như vẫn chỉ muốn tự riêng mình thống thiết những tâm sự cô đơn. Tango không còn mang làn điệu sinh động vui tươi như những bước chân của ngày đầu sơ khai nữa. Những lãng mạn u sầu, thậm chí những khổ đau hiện diện rõ ràng qua những bước nhảy cầu kỳ.
       Và cuộc đời cũng khá khắc nghiệt với "Tango argentino“. Tango, những vòng tay say đắm siết cứng lấy nhau, những bước chân đa tình kéo lê chầm chậm giữa sàn, lập tức bị Vatican lên án là khiếm nhã và xúc phạm thuần phong. Vua Wilhelm Đệ nhị (Đức) ra lệnh cấm sĩ quan dưới triều không được nhảy Tango trong bộ quân phục. Trong qui chế khiêu vũ của thành phố Vienna (thủ đô nước Áo) cho tới năm 1913 Tango vẫn không được ghi vào danh sách những điệu vũ chọn lọc. Ngay tại xứ sở của mình, thành phần ưu tú và giới thượng lưu Á căn đình tẩy chay Tango vì nơi chốn xuất thân không được mấy tốt đẹp của điệu nhảy. Người ta hổ thẹn với cái sản phẩm bỗng đâu trỗi lên từ những ổ điếm, những cống rãnh của thành phố.
Từ những quán rượu bên đường đến tầng lớp thượng lưu.
Nhưng sự việc bỗng thay đổi hẳn khi Tango minh chứng được thành công rực rỡ của mình … tại Paris, Tango được cuộc sống của Kinh đô hoa lệ đầy ánh sáng đón tiếp nồng hậu, một cuộc sống, một nơi chốn mà dân cư vùng Rio de la Plata thuộc mọi thành phần đều say mê khao khát. Kẻ nào đã buôn lậu Tango vào châu Âu, một ả điếm, một gã buôn người hay một chàng nghệ sĩ; điều đó hiện giờ chả mấy ai lấy làm thắc mắc. Chỉ biết rằng được du nhập vào Âu châu khoảng 1910, Tango nhanh chóng cuốn hút linh hồn giới khách ăn đêm và trên sàn nhảy hàng loạt các vũ trường thuộc những thành phố hoa lệ để từ đó đồng loạt dấy lên một cao trào Tango trong các chốn ăn chơi sang trọng châu Âu và Paris nói riêng. Những lớp học nhảy, những nhóm người yêu thích Tango mọc lên trên mọi ngõ phố từ xóm bình dân cho đến khu thành sang trọng, Tango được mọi giới mở rộng bàn tay chào đón.
Và qua lịch sử bao năm của Á căn đình đã chứng minh, không có gì ngạc nhiên khi giới thượng lưu Á căn đình lại nhập cảng Tango ngược trở về cho xã hội của họ. Điệu vũ mà xưa nay ngay chính họ ngần ngại, dèm pha và hắt hủi.
Rồi với thời gian tiến hoá, những khu ổ chuột ven đô „Barrios[[9]] của Buenos Aires từ từ cải dạng thay đổi bộ mặt trở thành vũng nôi của điệu nhảy Tango, điệu vũ gợi tình, da diết xuất thân từ những ổ điếm, xóm ngèo mang một lý lịch không mấy tốt lành đã lớn lên cùng những đám anh chị bến cảng đâm chém không gờm tay. Tango thoắt chợt được rủ bỏ bộ cánh mặc cảm tồi tàn, bay bổng lên chiếm ngự tâm hồn mọi tầng lớp dân chúng Á căn đình nói riêng, Nam Mỹ và cả thế giới nói chung, và cũng từ đó dần dần trở thành một biểu tượng cho văn hoá Á căn đình về sau.
Bandoneon – Linh hồn của Tango
Những bước Tango chập chững đầu tiên, đơn sơ như một điệu nhảy dân tộc, thường quyện lẫn trong những tiếng sáo, tiếng vĩ cầm theo giòng đệm của chiếc guitare thùng, đôi khi được thay thế bởi một cây madoline hoặc cây đàn harpe. Tại những tửu điếm sang trọng hơn, nhạc điệu Tango mới mẻ này được độc tấu trên cây đàn dương cầm giữa quán. Những chàng nghệ sĩ lãng tử cùng các giàn nhạc tay ba cứ hát và tấu tùy cảm hứng, mãi về sau này những nghệ sĩ dương cầm tiếng tăm như Samuel Castriota và Rosendo Mendizabal bắt đầu soạn nhạc và ghi chép lên giấy những tiết tấu, âm điệu.
Đàn Bandoneon – linh hồn của Tango
Không nhạc cụ nào gắn bó với Tango hơn ‚bandoneon’.
Một ‚vòng tay ghì siết’ El abrazo –cần thiết cho điệu nhảy biết bao, thì cây ‚bandoneon’ quan trọng không kém cho điệu nhạc Tango bấy nhiêu. "Một chất xúc tác, bandoneon thổi thêm sức sống vào điệu Tango,“ dân Porteño [[10]] chính hiệu đều nhận định như vậy. Đến bây giờ vẫn không biết được ai đã đem cây bandoneon đến xứ này. Có thể do những thủy thủ, cũng có thể từ những di dân, chỉ biết là khoảng vào năm 1870, cùng với làn sóng nhập cư đầu tiên, ‚bandoneon’ nhập cảnh vào Á căn đình – có lẽ qua ngõ USA. Mặc dầu thoạt đầu bị chê là ‚cosa de gringos’[[11]] , nhạc cụ lạ hoắc nhưng giản tiện này vẫn chiếm lĩnh nhanh chóng địa bàn những quán Café, tửu điếm của khu bến cảng La Boca. Hơn thế nữa âm hưởng của bandoneon chuyển biến tiết điệu Tango dồn dập ngắt khoảng, sống động ban khai đó trở thành những bản Tango khoan thai tha thiết, nỉ non thấm sâu vào hồn người.
Năm 1910 Á căn đình kỷ niệm 100 lập quốc, dĩa nhạc Tango đầu tiên của tay đàn bandoneon mang tên Vicente Greco được tung ra thị trường. Trong cùng thời gian đó ngay tại châu Âu làn sóng nhạc và nhảy Tango làm xôn xao dư luận Kinh đô ánh sáng Paris. Và từ đó trở đi làn điệu Tango phát triển không ngừng.
Năm 1913 Robert Firpo kéo thêm một cây dương cầm vào đồng tấu thường xuyên với giàn nhạc, những ban nhạc khác hưởng ứng theo phong cách phối khí mới mẻ này. Từ đó những ‚Orquestas típicas criollas’[[12]] gồm bốn người xuất hiện ngày càng đông, dần dần có mặt trên hầu hết trên các café vũ trường Buenos Aires. Nhờ những đóng góp của đội quân lão luyện này; nào là những Roberto FirpoEduardoArolasAgustín Bardi và Francisco Canaro … Điệu Tango hoàn toàn dứt bỏ được chuỗi ngày vô danh lây lất trong những ngõ đèn mờ phố cảng.
Năm 1916 Francisco Canaro lôi thêm một tay contrabass vào ban nhạc và lần đầu tiên một ‚sextetos típicos’ gồm sáu thành phần với sáu nhạc cụ ra đời‚ mang một âm sắc mới, một phong thái nhạc mới cho Tango. Đỉnh cao tiêu biểu của phong cách mới này được đại diện bởi bộ sáu Sextett của Julio de Caro vào giữa những năm 20 đầu thế kỷ 20. Gồm hai tay bandoneone, hai vĩ cầm, một dương cầm và mộtcontrabass. Những cải tiến đột biến của thế hệ nghệ sĩ này đẩy một làn gió mới vào phong cách trình diễn nhạc đệm cho Tango và tạo hẳn một trường phái cho các giàn nhạc thế hệ Tango theo sau. Từ thời điểm này thế giới Tango luôn nhắc đến ‚Guardia Nueva’ – đội quân tiền phong gồm những tên tuổi như:
(giọng hát:) Carlos Gardel; (dương cầm:) Osvaldo Pugliese, Roberto Firpo, Francisco de Caro; (vĩ cầm:) Julio de Caro, Francisco Canaro; (bandoneon:) Anibal Troilo, Osvaldo Fresedo, Pedro Maffia, Pedro Laurenz, Astor Piazzolla, Eduardo Arola, Agustín Bardi và Juan CarlosCobián …
Với nhân sự mỗi ngày hùng hậu hơn, giàn nhạc cho phép cá nhân có thể triển khai sở trường của mình. Mỗi tay đàn qua đó có cơ hội tự khoe sắc màu, diễn tả những ý nhạc khác nhau theo xúc cảm. Dòng nhạc không còn đơn điệu nữa, trái lại với phối khí hài hoà, người nghe vẫn cảm nhận được những dũng mãnh của một Eduardo Arola sống động hoặc của Agustín Bardi vui đùa, quyện vào đó những làn điệu lãng mạn của Osvaldo Fresedo.
Đến thời Pedro Maffia, khả năng phối âm của cây bandoneon được triển khai thêm. Âm thanh mà Pedro Maffia lôi cuốn được từ câybandoneon và cách chơi rubato[[13]] của chàng tạo thêm một phong cách mới cho những tay bandoneon cùng thời đại. Cùng với PedroLaurenz, tay đàn bandoneon với trình độ kỹ thuật có một không hai đương thời, Pedro Maffia sáng chế một diễn đạt mới: ‚Song tấubandoneon’ – một chơi theo âm giai, một chơi phản điệu.
Tango cũng tạo nên những huyền thoại được loan truyền cho đến đời sau: 1924, chỉ qua một đêm, với bản ‚Recuerdo’Osvaldo Pugliese, một tay dương cầm non trẻ 18 tuổi leo cao lên đài danh vọng và ảnh hưởng lên phát triển của Tango không ít với những bài như‚ La Yumba’và ‚Negracha’.
1918 Carlos Gardel thâu vào đĩa bản‚ Mi noche triste’ (My sad night), giọng hát Tango đầu tiên: Chàng thiếu niên túng thiếu sống giữa chợ Buenos Aires, cũng chỉ qua một đêm vụt chốc trở thành thần tượng và ước mơ của cộng đồng di dân nghèo khổ. Từ một con số khôngCarlos Gardel đến với huy hoàng và danh vọng như một giấc mơ. Trở thành ngôi sao thế giới, qua đĩa hát, phim ảnh và những buổi trình diễn, Gardel đã hoàn thành sứ mạng đưa di sản văn hoá Á căn đình này đến với mọi người. Năm 1935 mất qua một tai nạn máy bay, mới 45 tuổi, ông để lại trong trái tim dân Porteños nhiều tiếc thương. Hiện nay bia mộ ông vẫn được những người ái mộ viếng thăm mỗi ngày.
1937 chàng ‚bandoneonist’ Añibal Troilo ra mắt công chúng cùng giàn nhạc tám người với thành phần ba cây bandoneone, ba cây vĩ cầm, một dương cầm một contrabass và một giọng ca của Fiorentino.
Và những soạn nhạc gia tên tuổi của thế kỷ 20 như Igor StrawinskyPaul Hindemith und Ernst Krenek cũng liên kết tiết tấu Tango vào sáng tác của mình, mở cửa cho Tango bước vào sân khấu hòa nhạc và thính phòng. Những nghệ sĩ trứ danh như nhạc trưởng kiêm danh thủ dương cầm Daniel Barenboim, vĩ cầm gia Gidon Kremer, cặp nghệ sĩ dương cầm Emanuel Ax và Pablo Ziegler, danh thủ guitar Al di Meola, nữ ca sĩ người Ý Milva và giọng ca thính phòng nổi tiếng Placido Domingo mỗi người đều có sáng tác và phát hành tuyển tập Tango của riêng mình.
Rồi đến 1940, trong khi Âu châu nằm dưới thảm họa chiến tranh, Á căn đình và Uruguay với nền xuất khẩu da thuộc, thịt và len thô đạt được một cuộc sống kinh tế khá sung túc. Số người bỏ làng mạc lên thành phố kiếm sống ngày càng nhiều. Trên mọi góc phố Montevideo undBuenos Aires café, vũ trường song song theo đó mọc lên như nấm, Buenos Aires thời gian này có tới 600 giàn nhạc nhảy và nhiều đại vũ trường có thể lên chứa đến 2000 người. Và ở đâu cũng chỉ mỗi một điệu nhảy – Tango. Tango trở thành điệu nhảy của đất nước. Cũng từ thời điểm này bước Tango chuyển biến đa dạng và quyến rũ hơn, để từ từ trở thành nền tảng cho điệu Tango hiện nay. Tao nhã, tài tình, một hình thái Tango hoàn mỹ.
Từ 1955, sau ngày Perón [[14]] bị quân đội đảo chánh, Tango bỗng nhiên bị chìm lắng xuống và đi vào lãng quên. Thê hệ trẻ quay lưng lại với Tango và chạy theo làn sóng âm nhạc thời thượng, Rock, Pop, … Thời gian kéo dài cho đến thập kỷ 70 thế kỷ trước. Đến 1982 cùng làn sóng tị nạn chính trị từ Á căn đình và Uruguay tràn qua Âu châu, Tango được thổi thêm một làn gió mới. Và Tango hồi tỉnh giữa xã hội châu Âu một lần nữa.
Tango hiện nay xuất hiện trở lại với vũ khách không hẳn chỉ như một hoài niệm về không gian xưa mà còn mang phong cách một vũ điệu thời trang cho tuổi trẻ. Không những ngay tại quê hương mình mà khắp mọi châu lục, những trường dạy Tango mọc lên như nấm. Đánh giá về làn sóng khám phá Tango trở lại, Jorge Firpo, kép nhảy của Aurora Lubis đồng thời là một ông giáo nhảy đầm Tango nổi tiếng thế giới:„Tôi không xem rằng đây là một cuộc hồi sinh. Theo tôi trong thời gian qua, thời mà những đề tài xã hội, lãnh vực văn hoá cũng như chính trị chiếm phần quan trọng hơn, Tango đã thiếp ngủ giấc dài như một nàng công chúa. Vũ điệu Tango nép mình nghỉ yên trong một góc tĩnh mịch, để hôm nay tỉnh giấc qua nụ hôn đánh thức, choàng dậy như Phượng hoàng bay vụt lên từ đống lửa.“
Lê Cảnh Hoằng
[1] Bandoneon – “Band Union”: Tiền thân của ‚bandoneon’ là Konzertina, một ‚Harmonika kéo tay’ (loại nhạc cụ nhỏ kéo bằng tay giống như cái accordeon bây giờ nhưng nhỏ và đơn giản hơn nhiều). 1840, Heinrich Band, người Đức, nhà dạy nhạc và buôn bán nhạc cụ, cải tiến cây đàn Konzertina và gọi những cây đàn được công ty ông bán ra, có đến 144 thanh âm, là “Band Union” – tên gọi “Bandoneon” phát sinh từ đó. Cho đến nay những nhạc cụ này vẫn được sản xuất chính gốc từ Đức, tại Buenos Aires chỉ có những cơ xưởng sửa chữa mà thôi.
[2] Castilla: vùng trung nguyên trung thổ lớn, chính giữa Y Pha Nho – gồm Castilla La Mancha, Madrid và Castilla y León.
[3] Buenos Aires: Thủ đô của nước Argentina (Á căn đình). 1880 được tuyên bố là thủ đô, tách hỏi tỉnh có cùng tên Buenos Aires, trở thành thành phố tự trị. – Montevideo: thủ đô của Uruguay, một quốc gia tại Nam Mỹ.
[4] tiếng Y pha nho: milonga – tạm dịch: lộn xộn, lẫn lộn; ám chỉ những cuộc chơi, hội vũ tự phát, ca hát và nhảy múa cùng nhau – còn có tên là một điệu nhảy dân dã tại Nam Mỹ (Uruguay, Argentina, …).
[5] Tên khu phố cảng của thủ đô Buenos Aires nằm tại cửa một nhánh sông con chảy vào Río de la Plata. Là khu phố gồm di dân gốc Ý (nơi chôn nhau cắt rốn và lớn lên của đôi chân vàng Diego Maradona).
[6] La Plata: thủ phủ của tỉnh Buenos Aires (xem [1]), nằm bờ hữu ngạn cửa sông Rio de la Plata.
[7] el abrazo – engl. the hug: ôm, quặp, ghì sát nhau bằng hai chân.
[8] engl.: a sad thought, which one can dance.
[9] spain: khu phố – dùng trong engl. ám chỉ những khu nhà nghèo ổ chuột của thành phố.
[10] tiếng Y pha nho – engl. Buenosairean: cư dân tại Buenos Aires.
[11] ‚ba cái thứ đồ của tụi Âu châu’ – gringo: người nước ngoài, ở đây ám chỉ dân châu Âu.
[12] engl. Creole typical orchestras.
[13] rubato còn gọi là tempo rubato (ital. rubare= cướp đi, trộm) định nghĩa trong âm nhạc sự chủ ý kéo dài âm sắc nhưng vẫn giữ cùng nhịp điệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...