Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Đọc "Tiếng chuông chiều" của Lê Hoài Lương

Đọc "Tiếng chuông chiều" của Lê Hoài Lương
  Nói đến những truyện ngắn hay trong những năm gần đây, không thể không nói đến Tiếng chuông chiều. Tiếng chuông chiều, tập truyện ngắn của Lê Hoài Lương (NXB Văn học 2010) gồm 17 truyện ngắn, viết rất đều tay. Mỗi truyện một gương mặt riêng. Chuyện nào cũng là những vấn đề nóng hổi hiện thực của cuộc sống mà mọi người đều quan tâm. Khi thì sinh hoạt thường nhật của một tổ dân phố, khi là chuyện "hiến xác". Khi là chuyện xây dựng cuộc sống mới trên một vùng "Đất vua"...Dù có khi tác giả viết về cuộc chiến đấu hôm qua, hay những chuyện xa xưa đi nữa cũng là những vấn đề, những trăn trở của con người trong cuộc sống hôm nay.

    Những người nhiễu sự đáng yêu là chuyện về các cụ về hưu, những thiếu tá. Trung tá từng vang bóng một thời. Nay về lãnh đạo một tổ dân phố. Phẩm chất tốt đẹp, nhiệt tình cách mạng vẫn không phai, nhưng cuộc sống đã hoàn toàn đổi khác. Chuyện gì cũng cần phải giải quyết. Lắm lúc các cụ không khỏi cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng, không sao giải quyết cho cùng. Thì ra, phẩm chất, nhiệt tình là điều không thể thiếu, nhưng trong cuộc sống xây dựng, đổi mới hôm nay, còn đòi hỏi nhiều điều khác nữa. Tác giả đã chọn lựa được những chi tiết rất sống động, gần gũi với một chút hài hước rất có duyên.
    Kẻ ruồng bỏ quê hương, tác giả xây dựng theo phương pháp đối lập, nhiều tầng. Một vùng đất có truyền thống văn hiến. nay trở thành điểm tiêu biểu trong cuộc xây dựng mới. Có sức cuốn hút với đài báo, văn chương.. Nhưng cũng vì thế mà ông trưởng thôn dần dần chỉ lo chú trọng đến hình thức, tìm thấy niềm vui khi được biểu dương mà nhẹ đi việc lớn, chăm lo đời sống của nhân dân. Một chiếc cầu qua sông, hình thức rất đẹp từng lên đài lên báo, nhưng chỉ một cơn lũ đã sụp đổ. Trẻ con nheo nhếch, người dân còn đói nghèo. Trong khi đó thì các ông từ đội trưởng trở lên đều giàu có, khá giả. Kẻ - ruồng - bỏ - quê - hương có quan niệm khác. Với hắn "việc kiếm miếng ăn là hành vi vĩ đại của con người, còn chia miếng ăn cho đều là việc thiện lớn nhất". Ông trưởng thôn không thống nhất quan điểm ấy. Còn hắn không thống nhất với việc làm của ông. Ai ruồng bỏ quê hương? Ruồng bỏ cái gì đây? Thật sâu sắc! Đó là một nghịch lý rất hiện thực làm trăn trở bao người, không chỉ ở vùng "đất vua" ấy mà thôi.
    Tiếng chuông chiều, tác giả tỏ ra hiểu biết cặn kẽ, phong phú về kiến thức quân sự, kể cả ngoại cảm tâm linh. Diễn tả thật hay những trận mưa bom bão đạn trên chiến trường Quảng Trị trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện nhằm khẳng định niềm tin của con người vào cuộc sống. Niềm tin bao giờ cũng gắn với những gì chân thực vào cái đẹp. Người lính trẻ miền Bắc, bằng sự hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của đất nước đã mở cho anh lính ngụy một con đường sống, một sự gắn bó với cả một giai đoạn chiến chinh. Đến nỗi sau này anh lính ngụy ấy đã đi tu, đã dứt bỏ thế tục mà vẫn còn tìm ra tận Quảng Trị bồi hồi tìm kiếm nơi xưa đã từng chôn cất người liệt sĩ ấy. Đáng tiếc, có lẽ tác giả không còn cách nào khác mà trở về với kết thúc theo kiểu "tu là cõi phúc". Thà mở ra như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư có lẽ câu chuyện sẽ thoáng hơn...


   Cứ như thế, mỗi truyện là một vấn đề. Những điều thật cụ thể mà cũng thật khái quát về những vấn đề có tầm quan trọng của cuộc sống mà mọi người đều quan tâm. Sở dĩ ngày nay, người đọc ít quan tâm đến văn học có nhiều lý do, nhưng theo tôi điều cơ bản là văn học chưa đề cập được những vấn đề mà mọi người mong mỏi. Hay nhất trong Tiếng chuông chiều là truyện Lỗi tại Mẹ Âu Cơ. Chủ yếu nhà văn viết theo lối đối thoại. Viết một cách bình dị, nhưng mỗi lời thoại đều cô đúc sự sống và ý tưởng, như đúc chữ. Theo tác giả, lỗi của Mẹ Âu Cơ là không sinh đẻ tuần tự, đứa trước, đứa sau mà sinh một lứa một trăm người con. Tất cả đều thấy mình ngang nhau. Là Rồng Tiên mà không truyền lại cho các con chất "Rồng", "Tiên" ấy. Thành thử các con chỉ gắn kết với nhau được trong khi đất nước lâm nguy để bảo vệ giang sơn nòi giống. Bao nhiêu bi kịch đau lòng từng xảy ra trong lịch sử "những điều trông thấy". Là một câu chuyện có tầm khái quát lớn, lại viết một cách bình dị, trong sáng. Với Lỗi tại Mẹ Âu Cơ đã đưa ngòi bút Lê Hoài Lương lên một tầm cỡ mới. Tập truyện của Lê Hoài Lương ra đời trước cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Lạt vào 12, 13/7/2010, nhưng có sự gặp gỡ trong tinh thần "văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay".

Trương Tham
VanDanViet.Net


1 nhận xét:

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...