Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Thi phẩm vượt thời gian

Thi phẩm vượt thời gian
BÀI THƠ TÌNH SỐ 28 - Tagore
Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ. Tagore còn là một học giả uyên bác, một nhà khai sáng, một chiến sĩ bảo vệ hòa bình lỗi lạc. Nhân dân Ấn Độ gọi ông là Thánh sư. Năm 1961, tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESSCO) công nhận Tagore là Danh nhân văn hóa thế giới và kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông.1913, Tagore là người Châu Á đầu tiên nhận giải Nobel văn học với tập THƠ DÂNG.
Thơ tình chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Tagore. Ông viết thơ tình nhiều nhất vào tuổi năm mươi. Ở tuổi đó, thơ tình của thi sĩ vẫn tươi trẻ, hồn nhiên và say đắm. Bài thơ tình số 28 trong tập Người làm vườn được xếp vào một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới.
Bài thơ tình số 28 của Tagore là một thông điệp tình yêu. Có thể tìm thấy nội dung bức thông điệp ấy qua các từ ngữ “chìa khóa”: Đời anh là trái tim - Đời anh là tình yêu. Từ đó Tagore nêu lên một triết lý: Tôi yêu tức là tôi sống và đó cũng là thông điệp mà Tagore nhắn gửi, sẻ chia cùng bạn đọc. Ở thi phẩm này chúng ta bặt gặp những nghịch lý: Không giấu em điều gì >< Em không biết gì tất cả, Em là nữ hoàng của vương quốc >< Em không biết biên giới của nó, Trái tim anh gần như chính đời em>< Em chẳng bao giờ biết trọn nó. Trong tình yêu đó là những nghịch lý có thật. Những nghịch lý ấy làm cho tình yêu không bao giờ cũ, bao giờ chán  vì người yêu luôn luôn, mãi mãi là một thế giới lung linh, diệu kỳ, cuốn hút vô tận….Bài thơ tình số 28 còn là lời khẳng định: Tình yêu đích thực chỉ có khi hai tâm hồn hòa hợp, giao thoa vào nhau.
BÀI THƠ TÌNH SỐ 28

Đôi mắt băn khoăn của em buồn
Đôi mắt em muốn nhìn 
vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả
Anh đã để cuộc đời anh 

trần trụi dưới mắt anh
Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh,
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,
Anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh

Và xâu thành một chuỗi
Quàng vào cổ em
Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa
Tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
Anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu.
Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú
Nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm
Và em thấu suốt rất nhanh.
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau
Nó sẽ tan ra thành lệ trong
Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

(Trích Người làm vườn - Rabindranath Tagore - Đào Xuân Quý dịch)
A.Puskin - Mặt trời của thi ca Nga đã để lại những thi phẩm vượt thời gian bắt nguồn từ  xúc cảm về tình yêu quê hương nước Nga, về những trăn trở của một hồn thơ nhiều trắc ẩn và thơ tình của A.Puskin cũng đã vượt thời gian, không gian góp phần làm phong phú, đa dạng cho kho tàng thơ tình yêu của nhân loại. “Sương và nắng” đã thổi vào tâm hồn chúng ta một làn gió trong lành của những hình ảnh thơ tươi sáng, long lanh. Bài thơ đọng lại trong lòng người là một tình yêu nồng nàn, đằm thắm với sự cần thiết có nhau như “biển xanh cần sóng” nhưng có lẽ vẻ đẹp thăng hoa của “Sương và nắng” là sự thủy chung của hạt sương bé nhỏ “Em là sương đọng muôn vàn nỗi nhớ....Soi mặt trời mãi mãi chẳng tàn phai”, là sự hòa hợp của hai tâm hồn trong tình yêu để cùng nhau tỏa sáng, cùng nhau vĩnh viễn trong vũ trụ “Đáng yêu sao hạt sương nhỏ hiền lành...Anh là nắng với sắc tình bất diệt.” 
SƯƠNG VÀ NẮNG
Em cần anh như biển xanh cần sóng.
Có mặt biển nào yên lặng được đâu anh.
Em yêu anh bởi vì anh là nắng.
Có hạt sương nào thiếu nắng lại long lanh.
Em là sương, sương chỉ tan trong nắng.
Dẫu chẳng hình hài nắng vẫn đọng lại trong sương.
Anh là nắng khi bình minh trở dậy.
Mang lửa trời trong ánh sáng ban mai.
Em là sương đọng muôn vàn nỗi nhớ.
Để tan đi trong những giấc mơ dài.
Nhưng vẫn nguyện làm giọt sương mãi mãi.
Soi nắng mặt trời mãi mãi chẳng tàn phai.
Dẫu bão tố chẳng ra ngoài lòng nắng.
Nắng lên rồi xin lại được làm sương.
Vũ trụ không gian biến đổi khôn lường.
Những buổi sáng có bao giờ bất biến.
Những tia nắng không ngừng hiển hiện.
Như đêm ngày luân chuyển chẳng chia ly.
Mặt trời ơi! Sức nắng diệu kỳ.
Đầy sương sớm với tâm hồn nguyên thuỷ.
Với năm tháng vẫn quay về bền bỉ.
Soi nắng mặt trời như từ kỷ sơ sinh.
Em là sương, sương chỉ tan trong nắng.
Nắng vô cùng nhưng đọng lại trong sương.
Từ mênh mông tia nắng nhỏ bình thường.
Gặp sương sớm bỗng ngời lên lóng lánh.
Nếu vì nắng mà lòng sương bớt lạnh.
Thì nhờ sương tia nắng mới long lanh.
Đáng yêu sao hạt sương nhỏ hiền lành.
Từ trong suốt mà làm nên tha thiết.
Anh là nắng với sắc tình bất diệt.
Mang lửa trời từ những kỷ xa xôi.
Về đọng lại trong hạt sương nhỏ em ơi!.
A.Puskin
TỰ DO - PAUL ELUARD (1895-1952, nhà thơ Pháp)                  
Paul Eluard, thi sĩ Pháp mà những tác phẩm đề cập đến tình yêu hoặc chính kiến luôn luôn giữ được những nét giản dị trong cách diễn tả đã cùng với Aragon là hai thi sĩ nổi tiếng nhất trong những thi sĩ của trường phái tượng trưng siêu thực. 
Bài thơ Tự do được viết vào mùa hè năm 1941, in trong tập Thơ ca và chân lý. Thi phẩm được xem là thánh ca của thơ ca kháng chiến Pháp. Ban đầu nhà thơ định kết thúc bằng tên người phụ nữ mà ông yêu quý nhưng với nhận thức mới về bối cảnh lịch sử của nước Pháp thời bấy giờ ông thay thế câu kết bằng hai chữ Tự do.
Bên cạnh những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ chịu ảnh hưởng của trường phái tượng trưng và siêu thực (một trào lưu nghệ thuật xuất hiện khoảng những năm 20 của thế kỷ XX), ngôn từ gợi liên tưởng một tình yêu say đắm, nồng nàn với điệp khúc “Tôi viết tên em” trải rộng trong nhiều không gian, kéo dài theo chiều dọc thời gian,bài thơ còn đưa người đọc đến một bất ngờ thú vị ở dòng thơ cuối với hai chữ Tự do.
TỰ DO
Paul Eluard
Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi viết tên em
Trên những trang sách đã đọc
Trên những trang trắng chưa dùng
Đá máu giấy hoặc tro tàn
Tôi viết tên em
Trên hình ảnh rực vàng son
Trên gươm đao người lính chiến
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em
Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em
Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hàng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
Tôi viết tên em
Trên những mảnh trời trong xanh
Trên ao mặt trời ẩm mốc
Trên hồ vầng trăng lung linh
Tôi viết tên em
Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông
Trên đại dương trên tàu thuyền
Trên vùng núi non điên dại
Tôi viết tên em
Trên áng mây trôi bềnh bồng
Trên nhễ nhại cơn bão dông
Trên hạt mưa rào nhạt thếch
Tôi viết tên em
Trên cây đèn vừa thắp sáng
Trên cây đèn đang lụi dần
Trên cả họ hàng quây quần
Tôi viết tên em
Trên nơi trú ẩn tan hoang
Trên ngọn hải đăng đổ nát
Trên mấy bức tường ngao ngán
Tôi viết tên em
Trên sức khỏe được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em
Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em.
TỰ DO
(Phùng Văn Tửu dịch)
ÁO TRẮNG - Huy Cận
“Chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian; người ta thường muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi gió nhớ thương…”
(Xuân Diệu - lời tựa cho tập Lửa Thiêng)
Đọc Lửa Thiêng của Huy Cận chúng ta cảm nhận một nỗi khắc khoải không gian, một nỗi sầu vũ trụ, nỗi sầu vạn kỷ…Không gian trong Lửa Thiêng ít sắc màu, ít xôn xao mà thấm đẫm nỗi buồn. Nỗi buồn của cảnh sông dài trời rộng (Tràng giang), của không gian Thu rừng “Mây bay lũng thấp giăng màn âm u”…, của những sợi mưa trong không gian thấm vào hồn người (Mưa)…
Nhưng suốt dọc chiều dài của Lửa Thiêng vẫn hiển hiện một vài bông hoa e ấp bên đường với vẻ đẹp dung dị, trong sáng, khơi gợi cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng:
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm... 
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm, 
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.
(Đi giữa đường thơm)
Bài thơ Áo trắng đã đi từ không gian Lửa Thiêng vào lòng nhiều thế hệ độc giả với vẻ đẹp của ngôn từ giản dị mà sáng tạo, với tình ý ngọt ngào, đằm thắm …Áó trắng - bài thơ của những rung động đầu đờiì.
ÁO TRẮNG 
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong 
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng - Em đi đến 
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng
Em đẹp bàn tay ngón thon thon 
Em duyên đôi má nắng hoe tròn 
Em lùa gió biếc vào trong tóc 
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời 
Hồn em, anh thở ở trong hơi 
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo 
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày 
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay 
Dịu dàng áo trắng trong như suối 
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
Trích Lửa Thiêng - Huy Cận                                           
NGUYỄN TRÃI và bài thơ CÂY CHUỐI
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm 
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm 
Tình thư một bức phong còn kín, 
Gió nơi đâu gượng mở xem.
(Trích Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)
Nói đến Nguyễn Trãi, người ta nhớ một “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng của Ức Trai sáng như sao Khuê). Nhắc đến tài năng của Nguyễn Trãi, người ta nghĩ đến một nhà chính trị, nhà ngoại giao…và một nhà thơ với áng Thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”, những bức thư ngoại giao, những vần thơ sáng ngời khí tiết của một nhà nho chân chính…ít người để ý Nguyễn Trãi còn có những bài thơ tràn đầy tình yêu cuộc sống - Cây chuối là một bài thơ như thế.
Có nhiều cách hiểu bài thơ này. Bỏ qua mọi tranh luận, chúng ta đọc Cây chuối với một tâm hồn rất trong để thấy sức sống trong bài thơ của Ức trai. 
Một vài cách hiểu bài thơ Cây chuối
Trong 254 bài thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, có một bài thơ chỉ 4 câu thôi mà tôi trải qua 24 năm, mới dám tự bảo mình rằng gọi là hiểu. Đó là bài Ba tiêu. 
Từ 1956, lúc bắt đầu phát hiện được trở lại Quốc âm thi tập, đọc bài ức Trai tiên sinh viết về cây chuối này, tôi đã rất yêu thích. Tuy nhiên, sức đọc, trình độ của tôi cũng chỉ mới thấy được cái hay của hai câu 3, 4. 
Người đời trước viết trên lụa: tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn, như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp, vậy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem... Dẫn trong bài bình luận, hoặc đọc lên trong các cuộc nói chuyện, tôi đều chỉ nhấn mạnh vào hai câu dưới, coi hai câu trên hầu như là không có. Bởi theo tôi nhận thấy, hai câu dưới có hình tượng sáng tạo hơn cả, đập mạnh vào tâm trí hơn cả. Và bởi, tôi không hiểu hai câu trên, coi là những câu thơ thường. Mà thường tình, người ta không hiểu một điều gì, thì cứ lờ đi, là tiện nhất. 
Câu thứ hai: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng "diệu" hơn cả. Bản Trần Văn Giáp phiên âm là mầu và chú thích: - "Cứ theo chữ Nôm viết ở nguyên bản, cho nên phiên âm là Mầu, nhưng đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm, chú như vậy, thì "buồng lạ" tức là buồng chuối chín thơm ngào ngạt. Bản Đào Duy Anh chú: - "Buồng lạ": chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: chuối chín thơm ngát suốt cả đêm". Hai lời chú thích đều hiểu buồng là buồng chuối. Và tôi cũng hiểu như thế, chứ không có cách nào khác. …….(lược bớt)
Trước hết, trong câu mở đầu: 
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm. 
ta hẵng để ý: tại sao Nguyễn Trãi không viết "lại tốt thêm"? Lại tốt thêm thì có vẻ dung tục, không đủ trân trọng đối với chủ từ của câu chẳng qua theo đà, theo thế, theo thời, mà thêm tốt, còn "tốt lại thêm" tức là: Vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Nay từ lúc bén hơi xuân thì tốt thêm. Sau khi tôi hiểu được toàn diện, đúng đắn rồi, thì hóa ra cái thần của bài thơ không ở hai câu 3, 4, một hình tượng, mà ở câu 2, một xúc cảm: 
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Đầy phòng, đầy buồng khuê, là một sự "lạ", mầu đây, theo ý tôi, là nhiệm mầu, mầu nhiệm thâu đêm, đồng thời và cũng cần hiểu mầu như ở trong "đất mầu". Ôi! Nếu là thơ ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào buổi đương thời thì việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở á Đông, ở trên thế giới đã nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn rằng Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã? Sự thật, là Nguyễn Trãi đã nói rồi, câu thơ chữ Hãn dạ vĩnh giác xuân tư, "đêm thâu cảm thấy một xuân riêng" bênh vực cho câu thơ chữ nôm "đầy buồng lạ mầu thâu đêm", và chữ "lạ" với chữ "mầu" làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng. Hơn năm trăm năm sau, hàng cháu chắt của nhà thơ ức Trai là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) cũng có một tứ thơ gần với ức Trai, và đã gộp cả chữ "lạ" trong thơ chữ Nôm và chữ "xuân" trong thơ chữ Hán của ức Trai: "Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới, mà không ai biết cả". 
Nếu hiểu buồng là buồng chuối như tôi đã hiểu, và như hai nhà phiên âm Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh đã hiểu, thì bài thơ lại tách ra làm hai bài mâu thuẫn nhau một cách vô lý - điều mà nhà thơ ức Trai quyết không làm. 
Và khi đã vào được chữ "diệu" của bài thơ, khi đã hiểu đây là mùa xuân riêng xuất hiện, thì hai câu cuối đến dính liền một cách thoải mái vào hai câu trên. Hiểu là một ngôi thứ ba, một "nhà văn" nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân, và mời hộ gió mở bức thư lá chuối non thì cũng được, tuy nhiên, tưởng tượng một người thứ ba ở bên ngoài đến làm mối lái trung gian mời hộ gió mở thư tình của lá, thì vai trò của người mời hộ này cũng khá vô duyên, đã là thư tình thì chính người viết, người cuộn người gửi lấy bằng cách này hay cách khác cho đối tượng của mình đọc, cho nên tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói: 

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín.
 
Bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhụy, ngôi thứ hai là "gió", là đối tượng: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu? Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng: 
Gió nơi đâu gượng mở xem 
Từ lúc Quốc âm thi tập được phát hiện lại (1956) đến nay, một bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình mình cho người bạn đọc.
Xuân Diệu (Trích "Kỷ niệm sáu trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi")
2. …Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có nét riêng của mình. Thật vậy, việc sáng tạo nghệ thuật không chỉ bằng sự tài hoa, mà còn phải có sự hội tụ của cảm xúc từ cuộc đời. Và một lần nữa, Nguyễn Trãi lại tạo nên một dấu ấn rất đặc biệt trong bài thơ "Cây chuối".
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

Mang chất trữ tình, bài thơ là đỉnh cao của cảm xúc, của hồn thơ Nguyễn Trãi. Với tựa đề Cây chuối,  tưởng chỉ là tả cây chuối nhưng thực ra hình ảnh cây chuối phác họa ra một nét đẹp cảm xúc. Một cây chuối vốn nhỏ bé trước muôn trùng thiên nhiên, tầm thường, chân chất, trước bao vẻ đẹp kiêu sa nhưng lại là đối tượng thơ của Nguyễn Trãi. Trước vẻ đẹp giản đơn, đời thường của cây chuối, từ nét quan sát và cảm nhận tinh tế, cây chuối không còn là cây chuối của đời thường mà dường như đã trở thành một thiếu nữ qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. Cây chuối ấy như trở thành một vật thể của tâm hồn và cảm xúc. Trong không gian tĩnh lặng, hòa mình vào thiên nhiên, đưa tâm hồn vào tạo vật, tác giả đã cảm nhận được nét đẹp lại càng rạo rực sức sống hơn bao giờ hết khi tiếp nhận "hơi xuân". Điểm sáng của bài thơ chính là từ cái "hơi xuân" ấy cùng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của tác giả…Đẹp và thi vị biết bao. Phải có một tâm hồn thanh khiết, sự rung cảm mãnh liệt trước thiên nhiên thì Nguyễn Trãi mới có thể cảm nhận được cây chuối " bén hơi xuân".
Không chỉ nhằm mục đích miêu tả cây chuối, nhà thơ bắt nhận nét đẹp đặc trưng của nó để thể hiện một tâm trạng một cảm xúc và một sức sáng tạo đầy nghệ thuật, đầy chất thơ.
Tình như một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

Quả thật, hồn thơ của Nguyễn Trãi rất trẻ trung, tình tứ, giàu cảm xúc, rất nhạy cảm, thấm nhuần nét đẹp tinh tế. Từ hình ảnh nõn chuối cuốn lại mà nhà thơ có thể liên tưởng đến một "bức phong thư" và càng độc đáo hơn là "tình thư". Có thể nói hồn thơ trữ tình bay bổng đã tạo nên một câu thơ hay độc đáo đến thế. Và thoáng qua một làn gió thì chính làn gió ấy lại "gượng mở xem". Một câu hỏi giữa dòng thơ - một câu hỏi mà không có câu trả lời. Gió nơi đâu? - câu hỏi của xúc cảm, của sự rung động của hồn thơ đầy nhạy cảm, khao khát được biết lời lẽ bức thư tình "phong còn kín". Cử chỉ "gượng mở xem" rất nhẹ nhàng, ý nhị và kín đáo. Có lẽ vì vậy mà Xuân Diệu đã từng nói "Ức Trai có cái đẹp trong tâm hồn nên khi gặp cái đẹp ngoài vũ trụ thì tương ứng ngay, thốt ra thơ đẹp". Thật vậy, chỉ có một tâm hồn rất đẹp, rất nhạy cảm và phải tĩnh lặng hồn mình vào trong cõi không gian ấy thì Nguyễn Trãi mới có thể đạt được thần bút ấy. Đúng như có người nói: "Người nghệ sĩ phải sáng tạo ấn tượng riêng của mình... khẳng định và nâng cao giá trị của ấn tượng ấy". Đạt được đỉnh cao nghệ thuật ấy, Ức Trai đã thể hiện một tâm hồn cao đẹp đầy chất thơ.
Nguồn: http://tuthienbao.com/                                                        
TÔI YÊU EM   A. Puskin

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
(Bản dịch thơ của Thúy Toàn)
Trong muôn vàn bài thơ tình, Tôi yêu em của A.Puskin như một hạt sương mai trên cành lá biếc. Ở thi phẩm này người đọc có thể cảm nhận một tình yêu vượt thời gian, nồng nàn, say đắm nhưng cũng vô cùng chân thành, đằm thắm và …vị tha “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG 
Lý Bạch là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Ông đã viết hơn cả ngàn bài thơ bất hủ.
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận.
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Ngô Tất Tố dịch    
GIỤC GIÃ - Xuân Diệu
Đắm say trong những bài thơ tình với nỗi khát khao về một tình yêu vĩnh cửu, Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình, đã để lại cho đời những lời tình tự muôn thuở.Nhưng sâu thẳm trong các thi phẩm của “Nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà thơ mới” là nỗi khắc khoải về thời gian. Xuân Diệu cảm nhận dòng trôi chảy của thời gian như một quy luật nghiệt ngã của tạo hóa.Thời gian trôi qua, tuổi trẻ, mùa xuân, tình xuân cũng không còn…Vì vậy thi nhân sống vội vàng,cuống quýt, nồng nhiệt. GIỤC GIàlà thi phẩm thể hiện quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu và cũng là tấm lòng yêu cuộc sống thiết tha, nồng nàn của một trái tim “xanh non   
GIỤC GIÃ
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa,
 Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt:
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Ðời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành,
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ
Vì chút mây đi, theo làn vút gió.
Biết thế nào mà chậm rãi em ơi?
Sớm nay, sương xê xích cả chân trời,
Giục hồng nhạn thiên di về cõi Bắc.
Ai nói trước lòng anh không phản trắc,
Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?
Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Ðốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi;
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! tình non sắp già rồi...
(XUÂN DIỆU - Gửi hương cho gió)
TRƯỜNG HUYỆN
Nguyễn Bính
Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 trong phong tràoThơ mới, Nguyễn Bính in dấu trong lòng độc giả với một phong cách thơ “chân quê” mộc mạc, bình dị.
Những Tương tư, Chân quê, Mùa xuân xanh, Lỡ bước sang ngang, Một trời quan tái,Trường huyện ….của thi nhân đã vượt thời gian đến với nhiều thế hệ trong dáng dấp của “ Hồn xưa đất nước”. Trong đó Trường Huyện đã để lại một làn “hương sen ngát”, cứ vương vấn không thôi ….
NGUYỄN BÍNH - Một trời quan tái
Chịu ảnh hưởng văn học lãng mạn phương Tây, nhất là văn học Pháp, các nhà Thơ mới giai đoạn 1930 - 1945 đã cách tân nền thơ Việt trên toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật. Riêng Nguyễn Bính vẫn giữ “Hồn xưa đất nước” trong các sáng tác của ông. Thơ Nguyễn Bính in đậm dấu “chân quê” kể cả những bài thơ tình của thi sĩ. Hình ảnh Thôn Đoài, Thôn Đông; cau ,trầu; bến, đò; mâm cau phủ lụa điều…trong thơ về đề tài tình yêu của Nguyễn Bính đã tạo cho các thi phẩm nét duyên thầm, cuốn hút tâm hồn bao thế hệ. Nhưng bên cạnh nét duyên ấy, sự cuốn hút ấy thơ tình Nguyễn Bính còn vượt thời gian bởi những tứ thơ độc đáo, mới lạ của một hồn thơ lãng tử.  Trong bài Một trời quan tái, người đọc vẫn tìm thấy những hình ảnh: thôn sâu quạnh tiếng gà, mâm cau phủ lụa điều, cau được tươi mùa lụa…nhưng có lẽ cái thần thái của bài thơ đọng lại trong khổ thơ cuối cùng “Chiều nay…thương nhớ ….mấy cho say!”. Không “chín nhớ mười mong”, cũng không thành “bệnh tương tư” như trong Tương tư. Nỗi nhớ trong Một trời quan tái quay quắt, da diết, trĩu nặng…nỗi nhớ không vơi cạn, ngưng đọng ….
MỘT TRỜI QUAN TÁI
Chiều lại buồn rồi, em vẫn xa,
Lá rừng thu đổ, nắng sông tà
Chênh vênh quán rượu mờ sương khói
Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà.
Tôi đi mãi mãi vào sơn cước
Em vuốt tua rèm cửa vọng lâu
Lá úa kinh thành rơi ngập đất
Lòng vàng hỏi vẫn nhớ thương nhau?
Có những mâm cau phủ lụa điều
Đi vào trong gió lạnh hiu hiu,
Những xe hoa cưới, sao mà đẹp!
Cửa kính huy hoàng vạt áo thêu.
Em có buồn chăng? Tôi vẫn xa
Chiều nay say nhắp chén quan hà
Bao giờ cau được tươi màu lụa?
Được đón em bằng xe kết hoả
Thân em là liễu, dạ em tơ,
Mềm yếu bền chăng với đợi chờ?
Chua xót lòng tôi mơ ước mãi
Áo bào nguyệt bạch, ngựa kim ô!
Tôi lạnh đầu sông, giá ngọn nguồn,
Nhớ nhà thì ít, nhớ em luôn.
Chênh chênh bóng ngả, sầu lau lách
Chiều ngái hương rừng, lối nhạt son.
Đã mấy năm rồi thương mến nhau
Em còn thơ dại biết chi đâu!
Đến nay ba bảy mai đương độ
Ai đánh em bằng giá ngọc châu?
Châu ngọc làm sao hái được nhiều
Tôi là thi sĩ của thương yêu,
Lấy đâu xe cưới ngời hoa trắng?
Với những mâm cau phủ lụa điều
Chiều nay… thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!
Nguyễn Bính
MÙA THU - và những cảm xúc thi ca
Mùa thu là đề tài khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật vô tận cho các văn nghệ sĩ…Chúng ta sẽ mãi nhớ bức tranh Mùa thu vàng của họa sĩ Levitan (Nga), sẽ không quên Giọt mưa thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Thu vàng của nhạc sĩ Cung Tiến, Thu cô liêu của nhạc sĩ Văn Cao….Đặc biệt, đề tài mùa thu được các thi nhân khắc chạm vào thế giới thi ca với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau… Thi phẩm vượt thời gian xin mở cửa đón từng bước thu đi trong vườn thơ Việt…
Mùa thu trong thơ ca trung đại Việt Nam
Mùa thu trong thơ ca trung đại được sáng tác bởi bút pháp ước lệ, tượng trưng, chịu ảnh hưởng thơ ca cổ điển Trung Hoa, đặc biệt là Đường Thi. Bức tranh mùa thu trong thơ của các tác giả giai đoạn này được cảm nhận qua các hình ảnh như lá ngô đồng rơi, rừng phong chuyển màu, sen tàn, cúc nở hoa,sương lạnh, âm thanh tiếng chày đập áo… Song, vẫn có thể cảm nhận nét riêng của tình thu trong từng thi phẩm…
Đến thế kỷ XIX, chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đã đem đến cho mùa thu trong thơ ca trung đại một dáng vẻ mới; thoát khỏi tính ước lệ, tượng trưng để đến với sắc màu của một mùa thu ở một vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ - quê hương tác giả. Trong ba bài Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm Tam nguyên Yên Đổ đã dùng rất nhiều từ láy, lấy chất liệu từ hiện thực đời sống ở nông thôn Việt Nam để vẽ bức tranh thiên nhiên mùa thu trong sáng, thanh nhẹ, thơ mộng, bình dị, hiền hòa…mang đậm hơi thở của sự sống và nét riêng của mùa thu xứ Bắc. Qua ba bài thơ thu nức danh của Nguyễn Khuyến, chúng ta không thấy “Ngô đồng nhấtt diệp lạc…”, “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, “ Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”…mà thay vào đó là những hình ảnh quen thuộc ở nông thôn như: Cần trúc lơ phơ, Mấy chùm trước giậu…Năm gian nhà cỏ…, Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe, Ao thu lạnh lẽo…
Đêm thu cùng Hoàng Giang Nguyễn
Nhược Thủy làm thơ
Lá đỏ đầy sân, cửa trúc ôm
Đầy thềm trăng sáng, quá hoàng hôn
Chín từng thấm ướt sương đêm vắng
Bốn vách kêu ran dế lạnh buồn
Thu khí nhạc trời kinh thảo mộc
Ngân Hà sao ngọc chuyển càn khôn
Phòng cao một bóng ngồi không ngủ
Chí lớn theo dòng thơ mới tuôn
Nguyễn Trãi (1380 - 1442)
Tiếng chày thu nện vải trên sông
Tiếng chày đâu dội khắp trên sông
Xa xứ đêm trăng khách chạnh lòng
Hay ải Tiêu quan chinh phụ khóc
Tiếng thu lời ly hận hòa chung?

Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

(1) Tiêu quan: Tên một cửa ải xa xôi hiểm trở tại Quan Trung phía bắc Trung Quốc. Các đời Đường, Tống xây đồn lũy ở đây để chống rợ Thổ Phồn.
Cảnh thu
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.
Ngô Chi Lan (Triều đại Lê Thánh Tông)
Xuân Diệu bình bài Cảnh thu của nữ sĩ Ngô Chi Lan: Mbước tiến ca thơ”, “Li văn  đây đã trong sáng, lin, thomái, không vt v, không gn, và có nhc điu”.
Thu dạ I 
Phiền tinh lịch lịch lộ như ngân,
Đông bích hàn trùng bi cánh tân.

(Sao vàng lấp lánh ánh sương dầy,
Dế khóc tường đông giọng đắng cay)

Nguyễn Du (1766 - 1820)

Quách Tấn dịch
Thu dạ II
Vạn lý thu thanh thôi lạc diệp,
Nhất thiên hàn sắc tảo phù vân.

(Muôn dặm tiếng thu dồn lá rụng,
Đầy trời sắc lạnh quét mây bay)
Nguyễn Du (1766 - 1820)
Quách Tấn dịch
Thu Điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)
Thu Ẩm
Năm gian nhà nhỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm khuya đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.

Nguyễn Khuyến
(1835 - 1909)
Thu Vịnh
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào!

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)
Mùa thu trong thơ ca cận hiện đại và hiện đại
Là thi sĩ thuộc xu hướng lãng mạn giai đoạn đầu thế kỉ XX - 1920, Tản Đà đã mở đường cho trào lưu Thơ mới. Người “bắc cầu” cho nền thơ cũ và thơ mới đã tiếp nối dòng thi ca về mùa thu với Cảm thu tiễn thu. Mặc dù vẫn còn những thi liệu cổ điển trong bài thơ những nhà thơ của sông Đà, núi Tản đã khoác cho thi phẩm một diện mạo mới của thể thơ (số tiếng của mỗi dòng thơ). Có thể nói cảm thu tiễn thu đã mở ra một tín hiệu mới về đề tài mùa thu trong thơ Việt.
Sang giai đoạn 1930 - 1945, với sự xuất hiện của phong trào Thơ mới, mùa thu được cảm nhận bằng cảm quan của những trí thức Tây học, chịu  ảnh hưởng văn học lãng mạn Pháp - Mùa thu xôn xao trong từng câu chữ, mùa thu rạo rực trong âm thanh, mùa thu sống động với những bước thu đi. Nhưng có lẽ, cái đặc sắc về khung cảnh thiên nhiên  mùa thu trong Thơ mới là …đẹp mà buồn.
Chúng ta hãy lắng nghe Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), cảm nhận bước thu đi trong vườn hoa ở Đây mùa thu tới (Xuân Diêu), Đi vào Thu rừng cùng Huy Cận và ngẩn ngơ trong nỗi “tương tư lá vàng” (Thu - Trần Huyền Trân), lạc vào thế giới “vàng rơi... vàng rơi… thu mênh mông (Bích Khê)…
Cảm thu tiễn thu
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương
Tản Đà (1889 - 1939)
Tiếng thu
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Lưu Trọng Lư
Thu
Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
Trần Huyền Trân
Đây mùa thu tới
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...
Mây vẩn từng không, chim bay đi.
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
Xuân Diệu
Thu rừng
Bỗng dưng buồn bã không gian,
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
Sắc trời trôi nhạt dưới khe;
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.
Sầu thu lên vút, song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.
Non xanh ngây cả buồn chiều
- Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.
Huy cận
Tỳ bà
(Trích)
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê…
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Bích khê
Vĩ thanh
Mùa thu không chỉ khơi gợi cảm xúc thi ca mà còn gợi nỗi nhớ nhung, bâng khuâng, xao xuyến…lẫn một thoáng mơ hồ buồn tròng lòng người…Mùa yêu thương.
Thu… không gian đầy những lời nhớ nhung, những hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau…(Thu - Xuân Diệu)
BIỂN ĐÊM - Victor Hugo
Victor Hugo (1802-1885) là nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn của Pháp - một thiên tài nở rộ và rọi sáng của văn học Pháp. Sự nghiệp sáng tác của Hugo gắn với thế kỉ XIX. Toàn bộ sự nghiệp sáng tác vừa bao la vừa sâu thẳm của ông là “… Một tiếng vọng âm vang của thời đại”. Tên tuổi của Hugo đã được thế giới ngưỡng mộ không chỉ do những kiệt tác của nhà văn mà còn do hoạt động không ngừng nghỉ vì sự tiến bộ của con người - Victor Hugo là nhà văn nhân đạo chủ nghĩa.
Ông là nhà văn đầu tiên của nước Pháp khi mất được đưa vào chôn cất ở điện Pantheon, nơi trước đó chỉ dành cho vua chúa và các danh tướng. Năm 1985, vào dịp 100 năm ngày mất của ông. Thế giới đã làm lễ kỉ niệm Hugo - Danh nhân văn hóa của nhân loại.
BIỂN ĐÊM là tiếng lòng của Hugo về thân phận con người, về sự lãng quên, về dòng trôi của táng năm trong cuộc đời. Mượn hình ảnh của những người thủy thủ bị đắm tàu trong một đêm going bão trên đại dương mênh mông vô cùng, Huygo đã gợi cho người đọc nhiều liên tưởng…Cái rợn ngợp, nhỏ bé, hữu hạn của con người trước vũ trụ, nỗi đớn đau khôn cùng khi mất người thân yêu, sự lãng quên theo thời gian của lòng người….Tất cả được thể hiện qua lớp ngôn ngữ thơ biểu cảm, tượng hình: “Cơn cuồng phong cuốn sạch trong đời/Ném tan tành trên mặt nước xa khơi!”, “Cơn cuồng phong cuốn sạch trong đời/Ném tan tành trên mặt nước xa khơi!”….và giọng thơ thiết tha, trầm lắng.
BIỂN ĐÊM, bài thơ vừa trữ tình vừa triết lý nhưng trên tất cả đó là bài thơ của tấm lòng nhân đạo, của một hồn thơ luôn hướng về nhân loại với tình yêu thương sâu thắm và luôn tâm niệm: “yêu thương là hành động”.
ĐÊM ĐẠI DƯƠNG
(Oceano nox – Victor Hugo)
Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa
Cuối chân trời u ám, đã thành ma!
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng,
Chôn vùi thân giữa sóng muôn trùng!
Biết bao đã chết rồi lái bạn
Cơn cuồng phong cuốn sạch trong đời
Ném tan tành trên mặt nước xa khơi!
Còn ai biết nổi chìm kiếp ấy
Mỗi sóng xô vồ cướp lấy mồi
Một mảnh thuyền, một tấm thân trôi!
Còn ai hay, hỡi người xấu số
Giữa mênh mông, thi thể về đâu
Trán anh va vào đá nhô đầu!
Ôi! Biết bao mẹ cha hi vọng
Ngày lại ngày trên bãi bờ quê
Ngóng trông ai không thấy trở về!
Tối đến, trên đống neo hoen gỉ
Nhà nhà vui, bên lửa vây quanh
Có khi người nhắc đến tên anh.
Trong khúc hát, tiếng cười, câu chuyện,
Giữa cái hôn của cả người yêu,
Lúc anh nằm dưới đáy xanh rêu!
Người lại hỏi: anh đâu rồi nhỉ
Vua đảo nào, hay gặp chốn giàu sang?
Rồi chẳng còn ai nhớ… dần tan 

Thân trong nước, tên trong trí nhớ…
Thời gian qua dần phủ bóng đen
Trên biển sâu và lòng lãng quên!
Chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa
Người người lo thuyền lưới, đi cày
Chỉ đêm đêm, giông bão gào lay
Những người vợ bơ phờ mỏi mắt
Kể về anh, khêu lớp tro tàn
Của lòng đau và của lò than!
Và đến lúc khép rồi nấm mộ
Chẳng còn ai biết nữa tên anh!
Hòn đá trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn ai nhớ anh đâu!
Ôi! Đâu hết những người thủy thủ
Chìm trong đêm, bi thảm đời người
Kinh hoàng bao lòng mẹ, biển ơi!
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt bọng kêu la
Mỗi chiều về, lại đến cùng ta!
(Trích tập thơ TIA SÁNG VÀ BÓNG TỐI - Victor Hugo).
Tăng Thị Vân và Nguyễn Quốc Khánh
Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...