Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Tính chất lãng mạn qua thi ca

Tính chất lãng mạn qua thi ca ...
"... Đôi tay nâng lấy cơi trầu,
Trước mời quý khách, sau hầu đôi bên.
Em là con gái Bắc Ninh
Kẻ tấn người tần,
Gửi lên tỉnh Bắc cho gần yến oanh..."
(Em là con gái Bắc Ninh)
Hình ảnh duyên dáng của người con gái bắc đeo yếm thắm lụa đào cổ viền, vận áo the năm thân, bao thắt lưng xanh, váy sồi rủ hình lưỡi trai, chân đi dép cong, đầu chít khăn vuông mỏ quạ, đội nón ba tầm, chân bước thung thăng, nụ cười lúng liếng, ánh mắt đong đưa đưa tình…đã gắn liền với tôi từ thuở ấu thơ… Tuy tôi sinh trưởng trong Nam tại một nơi phồn hoa đô thị nhưng nửa dòng máu chảy trong người tôi mang đậm nét trữ tình lãng mạn của quê hương quan họ. Tôi là con gái Bắc Ninh. Quê Nội mà tôi chưa một lần đặt chân về thăm là một miền quê đẹp như thần thoại, nằm nép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng, đã khơi bao nguồn cảm hứng cho các thi sĩ từ ngàn xưa đến nay. Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng và tình tứ của những nàng thiếu nữ, về sự thông minh hay chữ và thành đạt của các danh thần, văn sĩ. Theo lời ba tôi kể thì, dân ca Quan họ Bắc Ninh không những là niềm tự hào, là vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, là nét đẹp văn hóa rất riêng của người dân Việt Nam.
Người ta yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ vì yêu làn điệu trữ tình, ngọt ngào và những luyến láy thể hiện được tâm tư, tình cảm rất đỗi thiết tha của tâm hồn, mà còn yêu cả những câu chữ, lời ca bộc lộ nội tâm rất mực đằm thắm, thủy chung, dào dạt nghĩa tình, văn chương tao nhã, đắm say hồn người….Tôi thường thắc mắc hỏi ba tôi tại sao người ta gọi là quan họ? Ba tôi bảo theo như lời giải thích truyền từ đời này sang đời khác thì từ «quan họ» xuất phát từ  hai từ «quan viên» và «phường họ». Quan họ là tiếng hát “giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau”. Gần đây, tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh giải thích: “ Quan họ tức là: Nói cái nỗi mà ta yêu nhau, yêu nhau nhưng chẳng lấy được nhau…”. Có lẽ, theo ông, vì nếu ngày xưa, những liền anh, liền chị hát quan họ mà lấy nhau, thì không thể có được những câu hát da diết nhớ thương, tình tứ, sâu thẳm đến tận tim gan con người truyền lại cho hôm nay. Tôi còn nhớ khi tôi gặp chú thím tôi từ Bắc Ninh sang Pháp chơi, tôi đã được dịp nghe chú thím tôi hát những bài quan họ thật đa tình, đầy cảm xúc.
Ngồi tựa song đào
Hỏi người tri kỷ  ra vào vấn vương
Gió lạnh đêm trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường, đợi ai.
(Ngồi tựa song đào)
Theo thím tôi kể thì cứ mỗi độ xuân về, người dân Kinh Bắc lại mở hội đón năm mới. Các liền anh, liền chị trên vùng đất Quan họ lại tụ họp cùng nhau, trao cho nhau những lời ca, câu hát sâu nặng nghĩa tình. Nhưng đến hẹn lại lên, từ 13 đến 15 tháng giêng hàng năm, từng đoàn khách thập phương lại đổ về đất Bắc Ninh để thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ và cùng nhau đắm mình trong lời ca tiếng hát tràn đầy sắc xuân của vùng quê Kinh Bắc. Trong những ngày trẩy hội này, những chàng trai cô gái say mê đồng cảm với nhau qua những bài hát trao duyên đó. Có những mối tình Quan họ đã nảy sinh, một thứ tình yêu thơ mộng nhưng không kém phần đắm đuối nồng nàn…Vì biết rằng, theo truyền thống của quan họ, các liền anh liền chị phải lòng nhau «yêu nhau nhưng không lấy được nhau», cho nên họ đã gói ghém tình cảm yêu thương của mình gửi cho người bạn lòng qua từng lời hát để nói lên sự nhớ nhung khắc khoải đợi chờ
Ai làm đến nỗi dở dang
Ai làm đến nỗi nhớ thương thế này.
Còn đương cuộc rượu sánh bày
Nỡ nào Quan họ dứt dây sao đành...
(Đương vui mà về)
rồi đến khi hội tàn, giã bạn từ ly trong tiếc nuối, bịn rịn, vấn vương
Người về để nhớ cho nhau
Người ơi để áo gối đầu lấy hơi
Người về đằng ấy xa xôi
Xin người nghỉ lại với tôi bên này...
(Bỏ bạn sao đành)
để chỉ còn lại trong ký ức một nỗi lưu luyến thiết tha về một hương vị cay nồng, ấm ngọt, hồng rực môi, má của miếng trầu cánh phượng, một ánh nhìn lúng liếng trao nhau của trai gái trong mối tình quê, về những đêm bồng bềnh trên thuyền say sưa câu hát giao duyên…
... Vì ai nhớ trộm, thương thầm
Để cho con nhện giăng mùng vì ai
Xưa câu: “Đá nát vàng phai”
Nay duyên Quan họ một hai vẫn chờ...
(Nghĩa bạn, tình quê)
Từ thuở ấu thơ, tôi đã yêu thích dân ca quan họ. Tôi vẫn thường rung động mỗi khi nghe ba tôi hát hay thổi sáo bài “Người ơi, người ở đừng về”. Tuổi đời chồng chất, tôi lại thấy càng thấm thía hơn những ngôn từ thi ca đặc sắc độc đáo dùng trong lời hát quan họ. Những ngôn từ này khi thì mộc mạc thắm đượm hồn quê khi thì bóng bẩy trau chuốt, nhưng từng chữ đều chứa đầy cảm xúc, nghĩa tình và giàu về hình tượng, thi ảnh…Tỉ dụ như bài “Nhện giăng mùng”. Chúng ta ai cũng biết con nhện thì chỉ biết giăng tơ. Hình ảnh “nhện giăng tơ” thường dùng trong thi ca để ám chỉ sự vương vấn trong tình yêu. Còn “nhện giăng mùng” thì theo tôi ý lại phong phú hơn. “Mùng” ở đây có thể nói lên sự giăng mắc mịt mùng. “Nhện giăng mùng” khiến ta nghĩ tới sự quạnh vắng, cô đơn, thương nhớ... giăng mắc bịt bùng vây tỏa khi phải chia xa cùng người. Mong manh, nhưng suốt cả năm canh cũng chẳng vượt nổi sự vây bủa, bịt bùng ấy…
Người về để nhện giăng mùng
Năm canh luống những lạnh lùng cả năm
Tôi cũng rất hâm mộ cách đối đáp đặc sắc về nghệ thuật sáng tạo giữa “trai tài” “gái sắc” trong dân ca quan họ. Cách đối, từ hình ảnh, hình tượng và từ ngữ đã cho ta thấy hết nét tinh hoa độc đáo của quan họ
Bài 1:
Lóng lánh: Lóng lánh là lóng lánh ơi!
Mắt người lóng lánh như sao trên trời
Tôi nhớ người lắm lắm người ơi!...
Bài 2:
Lúng liếng Lúng liếng là lúng liếng ơi!
Miệng người lúng liếng có đôi đồng tiền
Tôi với người muốn kết mhân duyên!...
Tôi vẫn hằng nguyện mong được có một lần về thăm quê nội Bắc Ninh của tôi không phải chỉ để nghe hát dân ca, mà còn có thể học được cách têm trầu cánh phượng, đội khăn mỏ quạ, nhất là thấm được cái Tình của người quan họ.
Người về em vẫn trông theo
Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi
Người về em dặn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai.
Quê Ngoại tôi thì ruộng thẳng phì nhiêu, bốn bề sông nước bao bọc. Bến Tre là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa vùng sông nước mênh mông, nơi hội tụ của 3 cù lao lớn. Bến Tre như một cái quạt xòe ra với những nan quạt là những con sông lớn, nhỏ. Một quê hương sông nước hữu tình mà hết thế hệ này đến thế hệ khác gắn bó với những chiếc đò ngang, đò dọc, những chiếc thuyền thúng suốt mùa mưa úng, những chiếc thuyền buôn trên nhiều ngã sông xuôi ngược…
Dòng sông cũ những chuyến đò xuôi ngược
Sông chở chuyên tình tự của quê nhà
Có những chiều anh nhìn em đắm đuối
Thuở dại khờ ngày đó đã thật xa
(Chim sáo không về - Khiếu Long)
Tôi vẫn thường ước ao được đi trên con sông Hàm Luông rộng mênh mông, để được nhìn ngắm cái vẻ đẹp lấp lánh của những rặng dừa xanh biếc dọc hai bên bờ
Tới đây ngủ dưới bóng dừa,
Cá cơm ai nấu rất vừa miệng ăn.
Dường như từ đã nghìn năm,
Đất đai đó mọc bạt ngàn dừa xanh.
(Bến Tre - Lý Thừa Nghiệp)
Bến Tre là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh những anh tài trong văn học như Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Ánh, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký - người làm báo đầu tiên ở Việt Nam, người thông thạo 27 thứ tiếng nước ngoài (12 ngôn ngữ phương Tây, 15 ngôn ngữ phương Đông). Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch, phiên âm trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn. Trong bài “Học giả Trương Vĩnh Ký” nhà văn Việt Hải đã nhận định rằng: “Kiến thức uyên bác, năng khiếu thiên bẩm đã tạo cho Petrus Ký là một hình ảnh nổi bật trong văn học sử Việt Nam. Sự nghiệp văn học của ông hình thành trong bối cảnh chuyển đổi từ nền nho học sang tân học với chữ Quốc ngữ theo hệ thống mẫu tự La tinh. Và ông đã thật sự đóng góp nhiều áng văn tiền phong cho sự phát triển chữ Quốc ngữ của chúng ta dùng ngày hôm nay…
Sương Nguyệt Anh, người con gái tài ba của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, là nữ chủ bút ưu tú đầu tiên của Việt Nam. Từ nhỏ, ông ngoại tôi thường kể cho tôi nghe những giai thoại về bà. Tôi rất hâm mộ bà vì bà là người thông minh tài sắc vẹn toàn, sống có đức hạnh thủy chung. Tôi vẫn còn nhớ bài văn tế chồng đầy nghĩa tình tha thiết của bà:
Nhớ quân tử xưa
Tướng mạo thung dung
Tánh tình hậu phát
Thong thả con đường thanh đại
Bạn tần giao mấy gã đăng tâm
Tánh năng suy nghiệp huỳnh kỳ
Tài quán chúng nhiều người la bặc cả
Thương thay
Trướng hiệp quản rồi rã a giao tiếp phụ tử chia lìa
Chẳng hay đâu thảo khấu lăng loàn
Phải dự chi mà thấu lý quyền minh
Sao đến nỗi cốt bì tan nát
Ôi, xưa còn nấu thuốc linh đơn, này đã thác theo chòm mây bạc
Giọt nước mắt chảy dài trên má, ruột gan rối bời bời
Ai chẳng than tức tưởi, phận sử quân lược sa tiền
Thiếp nhỏ giọt châu sa thảm thiết!
Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà đã bán cả ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học. Tiếng tăm của bà ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 1917, bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” - tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, do một nữ sĩ tài danh điều hành.
Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con cụ Đồ
(Ca dao Bến Tre)
Bến Tre còn có kho tàng văn học dân gian với những chuyện cổ, thơ ca, câu đố …. Nơi đây, với 75 điệu lý khác nhau, là một trong những cái nôi của dân ca Nam Bộ, là vùng đất tiềm năng cho những điệu hò trên sông nước và hò trên cạn ra đời...như lý con sáo, lý mạ non, lý cái mơn, hò chèo thuyền, hò lờ, hò cấy lúa, hò  đối đáp… Lý có nhiều khả năng diễn đạt, đề cập, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thiên nhiên và xã hội, sự vật, sự việc chung quanh, vì vậy đề tài của lý vô cùng phong phú. Lý là tiếng nói của tình yêu lứa đôi hồn nhiên và mộc mạc, là ước mơ trong sáng, là khúc hát ngọt ngào thủy chung
Người về đây dừng chân trên bến
Sóng nước lăn tăn, tâm tình nhắn gởi người yêu
Có sang sông thì chim sáo hát câu hẹn hò
Chiều tà dương mãi còn chờ ai
Tia nắng soi rưng rưng
Đôi bờ bỗng nghe chim nhạn tìm nhau
(Lý Cái Mơn - Lê Giang)
Xứ Bến hiền hòa đã để lại trong lòng tao nhân mặc khách một nỗi vấn vương ngậm ngùi khi chia xa. Nhà thơ Phan Ni Tấn trong bài ca “Phải lòng con gái Bến Tre” cũng đã mang một tâm tư lưu luyến như thế
Đợi ánh trăng lên đầu cầu soi bước em về
Lòng qua như con nước
lênh đênh vào trong mong nhớ
Vịnh Bến Tre tim bồi hồi lòng muốn theo người ơi
(Phải lòng con gái Bến Tre - Phan Ni Tấn)
Tuy chưa một lần đặt chân về nơi xứ dừa xanh thân yêu nhưng quê ngoại trong tôi đẹp như điệu lý xàng xê, ngọt ngào như lời ru của mẹ khi chiều buông, thiết tha nghĩa tình như sóng nước nghìn thu xuôi về biển
Ai đem điệu lý về xuôi
Câu hò ở lại ngậm ngùi vấn vương
Ru hời mái đẩy nhịp thương
Qua sông chim sáo đoạn trường thở than
Ba tri sầu não tơ đàn
Dạ lang hoài cổ bẽ bàng phận duyên
Hỏi người tình phụ cánh quyên
Khúc ca lẻ bạn nghẹn niềm xót xa…
(Lỡ một cung đàn - Tiểu Vũ Vi)
Tôi từ nhỏ theo học chương trình Pháp. Là nữ sinh Couvent des Oiseaux, tôi hấp thụ nền văn hóa Tây phương rất sớm. Tôi thích cái nét lãng mạn phóng khoáng tự nhiên trong thi ca Pháp đã làm nổi bật thế giới nội tâm và tình cảm con người, khát khao về một tự do, tự do trong suy tưởng, tự do trong nghệ thuật, tự do trong cấu trúc làm thơ. Tôi say mê dòng thơ Jacques Prévert, Paul Verlaine, Guillaume Apollinaire hay Alphonse de Lamartine…Tôi yêu thích thơ Prévert vì thơ ông giản dị, vì ông đem tiếng nói bình dân thường ngày vào trong thơ. Thơ của ông chứa chan đầy tình cảm yêu thương. Bài thơ của ông mà tôi thích nhất có lẽ là bài “Les feuilles mortes” (“Vàng lá mùa thu”)
…C'est une chanson qui nous ressemble.
Toi, tu m'aimais et je t'aimais
Et nous vivions tous deux ensemble,
Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.
Mais la vie sépare ceux qui s'aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis…
Bản dịch của Mùi Quý Bồng:
…Một bài tình ca
Kể chuyện đôi ta.
Nàng: Em yêu Anh!
Chàng: Anh yêu Em!
Và đôi ta sống
Cuộc tình đôi lứa

Nhẹ nhàng như mơ
Hạnh phúc vô bờ…
Mà, đời không lặng yên
Gây cuộc chia phôi
Tuy nhẹ nhàng thôi
Chẳng gợn chút tăm hơi...
Và cơn sóng vô tình
Xóa vết chân ai
Bờ cát thôi không còn
In dấu tình xưa!
Người phu quét đường
Gom lá vàng, cũng là gom
Bao nhiêu kỷ niệm,
Bao hối hận, và nuối tiếc...
T của Apollinaire thì đa dạng hơn có lẽ vì ông đi đây đó nhiều, học rộng, có nhiều mối tình sâu đậm, kinh nghiệm sống của ông cũng phong phú, tác phẩm của ông viết lại nhiều. Bài thơ của ông gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất là bài «L’adieu» và bài «Le pont de Mirabeau»
L'Adieu
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur Terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
(Lời vĩnh biệt - Bùi Giáng)
Hiện tại tôi sinh sống và định cư tại Pháp. Mỗi lần tôi về lại Paris kinh kỳ ánh sáng, thả bộ theo dòng sông Seine, đứng trên cầu Mirabeau, nhìn dòng nước lặng lờ trôi, tôi lại nhớ những dòng thơ trữ tình của ông:
L’amour s’en va comme cette eau courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente
Et comme l’Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont
je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé

Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont
je demeure
(Le Pont de Mirabeau - Guilaume Apollinaire)
Tình đã mất như nước sông muôn thuở
Lững lờ trôi
tình còn mãi lê thê
Hy vọng mong manh, đau đớn, ê chề
Rồi đêm đến,
ngày qua,
anh vẫn đó
Theo năm tháng dòng đời trôi vàng võ
Như thời gian
tình yêu chẳng quay về
Dưới nhịp cầu nước vẫn cuốn trôi đi
Rồi đêm đến
ngày qua
anh vẫn đó
(Nước chảy qua cầu - Nguyễn Tâm Hàn)
Đường Thi và thơ đường luật đến với tôi rất muộn màng. Thế giới Đường thi là một thế giới huyền thoại thần tiên thoát tục, phong phú, đa dạng, bát ngát, vô biên, vô tận, là một bức tranh thủy mạc hài hòa, đượm hồn thơ ý nhạc... Tôi yêu thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Lương Ý Nương…Bài thơ này của Lý Bạch đã gợi trong tôi nỗi nhớ quê hương sâu sắc khi mình đang mang thân viễn xứ lưu lạc nơi đất người.
Tĩnh dạ tứ 
Sàng tiền minh nguyệt quang, 
Nghi thị địa thượng sương. 
Cử đầu vọng minh nguyệt, 
Đê đầu tư cố hương. 
Dịch Nghĩa
Đầu giường, ánh trăng rọi sáng, 
Tưởng là sương trên mặt đất 
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng 
Cúi đầu nhớ quê cũ

Bản dịch của Trần Trọng San
Trước giường ngắm ánh trăng sa,
Trắng phơi mặt đất, ngỡ là ánh sương
Ngẩng đầu trông ngắm vầng trăng;
Cúi đầu lại nhớ xóm làng ngày xưa.
Tôi yêu thơ văn từ thuở nhỏ. Trong văn chương tôi hình như có chút kết hợp hài hòa giữa nét lãng mạn đa tình của con gái quan họ Bắc Ninh và vẻ đẹp ngọt ngào thủy chung của người dân Bến Tre; giữa một lối thơ tự do phóng khoáng viết theo từ những cảm xúc chân thành như thơ Tây Phương không gò bó theo lề luật cấu trúc và một tâm hồn thơ sâu sắc «tức cảnh sinh tình» của Đường thi. Với tôi, làm thơ viết văn, trước tiên là để muốn đóng góp một phần nhỏ nhoi của mình trong việc «gìn vàng giữ ngọc» nền văn học và tiếng Việt của mình nơi quê người, và cũng để cho tôi cùng chia sẻ sự đam mê nghệ thuật của mình với những người đồng cảm:
"Thơ là những rung động tuyệt vời của cảm xúc, phát xuất từ niềm hạnh phúc, nỗi đớn đau, sự muộn phiền và xen lẫn đâu đó thấp thoáng những ước mơ, nỗi mong chờ và cả niềm hy vọng... Những người làm thơ là những người muốn chuyên chở những cảm xúc đó bằng sự kết hợp giữa tâm hồn và vần điệu... Để rồi những bài thơ được hình thành và từ đó gởi đi mong chia sẻ với những người đồng cảm…" (Khiếu Long).
28/4/2007
Bích Phượng
Theo http://www.ninh-hoa.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...