Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Ý thức và vô thức - Sigmund Freud

Ý thức và vô thức - Sigmund Freud
Trong phần dẫn nhập này, tôi không có điều gì mới để nói cả, và tôi cũng khó tránh khỏi việc nhắc lại những gì từng có dịp nói trước đây.
Việc phân chia thế giới tâm trí thành thế giới tâm trí ý thức và vô thức chính là tiền đề căn bản của phân tâm học, không có sự phân chia này phân tâm học hẳn không có khả năng hiểu được các tiến trình bệnh lý, thường hay gặp và thường nghiêm trọng, của đời sống tâm trí, đồng thời cũng không thể đưa chúng vào khuôn khổ của khoa học. Một lần nữa, nói cách khác: phân tâm học từ chối việc coi ý thức là yếu tố tạo nên nền tảng của đời sống tâm trí, mà nhìn nhận ý thức chỉ đơn giản là một thành tố của đời sống tâm trí, có thể cùng tồn tại với các thành tố khác và thậm chí đôi lúc còn có thể bị thiếu.
Nếu ảo tưởng rằng tất cả những ai quan tâm đến tâm lý học sẽ đều đọc tiểu luận này thì tôi dễ dàng hình dung rằng nhiều hơn một độc giả , bị sốc bởi vì trí quá khiêm tốn mà tôi dành cho ý thức, sẽ rời bỏ tôi ngay từ trang sách đầu tiên và từ chối việc đọc tiếp. Vả lại, ở đây, chúng ta có sự hiện diện của cái Schibboleth (1) đầu tiên của phân tâm học. Phần lớn những người có cách tiếp cận theo triết học hoàn toàn không thể hiểu được rằng một sự kiện tâm trí lại có thể không mang tính ý thức, và coi ý tưởng này như một điều phi lý, trái với cái logic thông thường và lành mạnh. Điều này, theo tôi, có liên quan đến việc những người này chưa bao giờ nghiên cứu các hiện tượng về thôi miên và giấc mơ, những hiện tượng buộc chúng ta phải có cách nhìn nhận như tôi vừa đề cập ở trên, ngoài những gì có thể có thể về tâm lý. Ngược lại, nền tâm lý học của họ, cái tâm lý học dựa trên sự có mặt khắp nơi của ý thức, không thể giải quyết các vấn đề có mối liên hệ với thôi miên và giấc mơ.
“Có ý thức” trước hết là một cụm từ thuần túy mang tính mô tả, có liên quan đến tri giác tức thời nhất và chắc chắn nhất. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng một yếu tố tâm lý, một biểu tượng chẳng hạn, không bao giờ mang tính ý thức vĩnh cửu. Nhưng trong thực tế, ngược lại, điều làm nên đặc tính của các yếu tố tâm lý chính là sự biến mất nhanh chóng của trạng thái ý thức của các yếu tố đó. Một biểu tượng có thể mang tính ý thức ở một thời điểm nào đó, nhưng ngay sau đó không mang tính ý thức nữa, rồi sau đó lại trở lại ý thức trong một số điều kiện nhất định, những điều kiện dễ thực hiện. Giữa chúng (giữa những khoảnh khắc xuất hiện và biến mất), chúng ta không biết biểu tượng đó là gì, ta có thể nói rằng biểu tượng đó ẩn tàng, được hiểu là nó hoàn toàn có thể lại trở thành ý thức vào bất kì thời điểm nào. Khi nói rằng một biểu tượng nằm ở trạng thái vô thức, chúng tôi lại xây nên một định nghĩa đúng đắn, trạng thái vô thức này trùng hợp với trạng thái ẩn tàng và với khả năng trở lại miền ý thức. Về điểm này, các nhà triết học hẳn sẽ phản biện như sau: ta không thể áp dụng thuật ngữ vô thức trong trường hợp đặc biệt này, bởi trong thời gian biểu tượng nằm ở trạng thái ẩn tàng, nó không biểu trưng cho bất kỳ điều kiện gì của tâm trí. Chúng tôi sẽ tránh phản hồi đối với phản đề này, bởi nó chỉ dẫn chúng ta đến một cuộc chiến mà ở đó chúng tôi chẳng được lợi lộc gì.
Nhưng chúng tôi đã thu được thuật ngữ và khái niệm vô thức bằng cách đi theo một con đường khác, và nhất là bằng cách sử dụng những tình huống trong đó có sự can thiệp của tâm trí động. Chúng tôi đã học được, hay nói đúng hơn, chúng tôi đã buộc phải công nhận rằng có tồn tại các quá trình tâm trí mãnh liệt, hoặc các biểu tượng (ở đây chúng tôi chủ yếu tính đến nhân tố định lượng, tức là kinh tế) - có khả năng biểu hiện bằng các hiệu ứng giống như những hiệu ứng do các biểu tượng khác tạo ra, thậm chí bằng những hiệu ứng cũng mang hình thức của biểu tượng - có thể trở thành ý thức chứ không phải bản thân các quá trình tạo ra chúng. Thật vô ích khi nhắc lại chi tiết ở đây những điều đã được đề cập nhiều lần.
Chỉ cần nhớ lại rằng chính ở điểm này lý thuyết phân tâm can thiệp vào, nhằm khẳng định rằng nếu như một số biểu tượng không có khả năng trở thành ý thức là do có một sức mạnh đối kháng với nó, và nếu không có sức mạnh ấy, các biểu tượng này có lẽ có thể trở thành ý thức, điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ít khu biệt với các yếu tố tâm trí khác biết nhường nào, những yếu tố được chính thức thừa nhận như là chính nó. Điều làm cho lý thuyết này trở nên không thể bác bỏ, đó là nó đã tìm thấy trong kỹ thuật phân tích tâm lý một phương cách có thể cho phép thắng được cái sức mạnh đối kháng ấy và đưa các biểu tượng vô thức về miền ý thức. Chúng tôi đã đặt tên cho trạng thái mà các biểu tượng nằm trong đó, trước khi chúng được đưa về miền ý thức, là sự dồn nén, còn đối với sức mạnh tạo ra và duy trì sự dồn nén đó, chúng tôi nói rằng trong quá trình phân tích tâm lý, chúng tôi cảm nhận rõ như một sự kháng cự.
Như vậy, khái niệm vô thức của chúng tôi được suy ra từ lý thuyết về sự dồn nén. Những điều bị dồn nén, đối với chúng tôi, là nguyên mẫu của vô thức. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng có hai cấp độ vô thức: các yếu tố tâm trí ẩn tàng nhưng có thể trở thành ý thức và các yếu tố tâm trí bị dồn nén, những yếu tố này - vì bị dồn nén và không bị mối liên hệ nào trói buộc - không có khả năng trở lại miền ý thức. Cách thức chúng tôi quan niệm về tính năng động của bộ máy tâm trí chắc chắn có ảnh hưởng tới hệ thống thuật ngữ và cách mô tả thuật ngữ. Như vậy, chúng tôi nói rằng các yếu tố tâm trí ẩn tàng, tức là mang tính vô thức theo nghĩa mô tả chứ không theo nghĩa động học (2), là những yếu tố tiền ý thức, và chúng tôi dành thuật ngữ vô thức để chỉ những yếu tố tâm trí bị dồn nén, nghĩa là vô thức về mặt động học. Như vậy, chúng ta có ba thuật ngữ: ý thức, tiền ý thức và vô thức, ý nghĩa của chúng không thuần túy chỉ là về mặt mô tả nữa. Chúng tôi thừa nhận rằng tiền ý thức nằm gần ý thức hơn là vô thức, và vì không ngần ngại gán cho cái vô thức ấy một khía cạnh tâm trí, chúng tôi cũng không ngần ngại thừa nhận khía cạnh này ở cái tiền ý thức, nghĩa là ở những gì ẩn tàng. Nhưng tại sao chúng ta lại không theo gương các nhà triết học, những người đã vạch đường phân định giữa một bên là tiền ý thức và vô thức, và bên kia là ý thức? Điều này chẳng phải là logic sao?
Nếu chúng ta làm vậy, các nhà triết học đó hẳn sẽ khuyên chúng ta coi cái tiền ý thức và cái vô thức như là hai dạng hoặc hai cấp độ của psychoide (3). Đúng là làm như vậy thì tính nhất quán sẽ được thiết lập nhưng trong quá trình trình bày các sự kiện chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn, và điểm duy nhất quan trọng biết rằng các psychoide này trùng khớp gần như hoàn toàn với những gì nhìn chung được thừa nhận là thuộc về tâm trí - lại bị dồn nén ở một vị trí khuất, ủng hộ cho một thành kiến đã có từ thời các psychoide còn chưa được biết đến, ít nhất là trong những điều cốt lõi mà nó có.
Trong khi đó ba thuật ngữ của chúng tôi: ý thức, tiền ý thức và vô thức dễ sử dụng và cho chúng ta rất nhiều tự do, với điều kiện là không quên rằng nếu theo quan điểm mô tả, chúng ta có hai dạng vô thức, còn theo quan điểm động học, chúng ta chỉ có một dạng. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể thực hiện một bài thuyết trình mà không tính đến sự phân định này, nhưng trong các trường hợp khác, sự phân định này là điều không thể thiếu. Dù sao chăng nữa, chúng tôi đã khá quen với nghĩa kép của vô thức, và chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy quá phiền toái vì điều đó. Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi. Còn đối với việc phân định giữa ý thức và vô thức, nó chỉ giới hạn ở vấn đề thuần túy về nhận thức, vấn đề chứa đựng câu trả lời là có hay không bởi bản thân hành vi nhận thức không cung cấp cho chúng ta một thông tin nhỏ nhoi nào về lí do vì sao một sự việc được nhận thức hay không. Chúng ta hẳn sẽ sai lầm khi chê trách về việc tâm trí động luôn biểu hiện ở một khía cạnh kép (ý thức và vô thức) (4)
Bằng cách thừa nhận rằng lí lẽ có thể đóng một vai trò nào đó trong việc giải cho một vấn đề, cái vấn đề phụ thuộc chặt chẽ vào các thỏa ước hoặc các yếu tố cảm xúc như là vấn đề chúng tôi đang quan tâm hiện nay, chúng tôi nói điều này: kết luận về sự không tồn tại của cái vô thức bằng cách nói rằng ý thức có các mức khác nhau về độ rõ ràng tương đương với việc khẳng định sự không tồn tại của bóng tối, bởi vì ánh sáng thể hiện tất cả mọi cấp độ, từ sáng chói nhất cho đến những tia sáng lờ mờ, gần như không cảm nhận được, hoặc rút ra từ vô vàn các cấp độ của sức sống một luận cứ khẳng định sự không tồn tại của cái chết.
Những lập luận này, đến một mức độ nào đó, có thể rất xác đáng nhưng chúng không có chút giá trị thực hành nào, điều mà chúng ta sớm nhận ra ngay muốn rút ra một vài hệ quả, kiểu như: vì bóng tối không tồn tại chúng ta chẳng cần phải bật đèn; vì cái chết không tồn tại, mọi sự vật đều bất tử. Ngoài ra, bằng cách đưa cái không cảm nhận được về miền ý thức, chúng ta đánh mất điều xác thực duy nhất, trực tiếp và tức thì, gắn liền với đời sống tâm trí. Và lại, một cái ý thức mà chúng ta chẳng biết gì về nó, với tôi dường như là một giả thuyết phi lí hơn rất nhiều cái giả thuyết về một đời sống tâm trí vô thức. Cuối cùng, những người tìm cách đồng nhất cái vô thức với cái không thể cảm nhận thấy đã không tính đến những điều kiện động mà ở đó quan niệm phân tâm, ngược lại, gán cho những điều kiện đó một tầm quan trọng hàng đầu. Quả nhiên, các tác giả nói trên không chú ý đến hai điều: thứ nhất, họ quên rằng việc tập trung chú ý đủ đến những gì không cảm nhận được là khó khăn biết nhường nào và cần cố gắng biết bao nhiêu để đạt được điều đó; thứ hai, họ không cần biết rằng ngay cả khi những cố gắng đó được vây quanh bởi thành công thì ý thức cũng không thừa nhận những gì cho đến thời điểm đó đã từng là điều không cảm nhận được đối với nó, và ý thức sẽ chối bỏ điều đó.
Những nghiên cứu của phân tâm học sau này đã chỉ ra rằng sự phân biệt này, bản thân nó cũng là không đủ và không thỏa đáng. Trong số các tình huống mà ở đó vấn đề này xuất hiện đặc biệt rõ nét, chúng tôi sẽ dẫn ra một tình huống mà chúng tôi cho là mang tính quyết định. Chúng tôi hiểu các quá trình tâm trí của một người như là một tổ chức gắn bó chặt chẽ, và chúng tôi nói rằng chính cái tổ chức gắn kết đó đã tạo nên cái Tôi của người đó. Đúng như chúng tôi nghĩ, chính với cái Tôi này mà ý thức gắn kết, chính cái Tôi kiểm tra và giám sát việc tham gia vào năng lực vận động, tức là thể hiện các kích thích ra bên ngoài. Chúng tôi nhìn thấy trong cái Tôi một cấp tâm trí kiểm soát mọi quá trình bán phần này. Ban đêm nó ngủ yên, nhưng trong khi ngủ nó vẫn kiểm soát các giấc mơ. Sự dồn nén cũng xuất phát từ chính cái Tôi này, nhờ có chúng một số xu hướng tâm lý không những bị xóa bỏ khỏi ý thức mà còn bị đặt trong tình trạng không có khả năng biểu lộ. Trong quá trình phân tích, các xu hướng này bị sự dồn nén loại bỏ đứng lên chống lại cái Tôi, và phân tích tâm lý có nhiệm vụ xóa bỏ những lực cản mà cái Tôi dựng lên để chống lại chúng ta khi chúng ta nỗ lực tiếp cận các xu hướng bị dồn nén. Thế nhưng, trong quá trình phân tích, chúng ta nhận thấy rằng bệnh nhân hết sức bối rối khi bị áp đặt một số yêu cầu, và bệnh nhân không thể tạo ra các liên tưởng mỗi khi họ đến những gì bị dồn nén. Trong trường hợp đó, chúng tôi nói với bệnh nhân rằng họ đang chịu sự tác động của lực cản, nhưng bản thân họ không biết gì về lực cản đó; và ngay cả khi cảm giác khó chịu mà họ đang trải qua buộc họ phải thừa nhận rằng họ đang bị thống trị bởi một lực cản, họ cũng không có khả năng nói xem lực cản đó là cái gì và từ đâu đến. Nhưng vì cái lực cản này có cội rễ từ chính cái Tôi của bệnh nhân và là một phần của cái Tôi đó, chúng tôi đứng trước một tình huống bất ngờ. Chúng tôi đã tìm thấy trong bản thân cái Tôi một cái gì đó cũng vô thức như các xu hướng bị dồn nén và hoạt động như các xu hướng đó, tức là sản sinh ra các hiệu ứng rất rõ ràng, nhưng không trở thành ý thức và sẽ chỉ có thể được làm cho trở thành ý thức sau một quá trình làm việc đặc biệt. Vì điều này, trong công việc phân tích tâm lý, chúng tôi vấp phải vô vàn khó khăn và sự mịt mờ khó hiểu, khi muốn tạm bằng lòng với các định nghĩa quen thuộc, ví dụ như khi rút gọn khái niệm nhiều tâm ở một xung đột giữa ý thức và vô thức. Do cách chúng ta nhận thức về cấu trúc tâm lý, chúng ta cần thay thế đối lập này (giữa cái ý thức và cái vô thức) bằng một sự đối lập khác: giữa cái Tôi chặt chẽ và các yếu tố tách ra từ cái Tôi và bị dồn nén.
Nhưng điều mà chúng ta vừa nêu ra vẫn sẽ còn mang lại nhiều hệ quả mới hơn nữa đối với quan niệm về vô thức của chúng tôi. Quan điểm động học từng buộc chúng tôi phải sửa chữa một lần, quan điểm cấu trúc khiến chúng tôi phải sửa chữa một lần nữa. Chúng tôi đã phải thừa nhận rằng vô thức không trùng khớp với các yếu tố bị dồn nén. Vẫn luôn đúng nếu nói rằng tất cả những gì bị dồn nén đều là vô thức, nhưng cũng có những yếu tố là vô thức nhưng không bị dồn nén. Một phần của cái Tôi và trời ơi, phần đó quan trọng biết nhường nào, cũng có thể là vô thức, và không có gì đáng nghi ngờ cả. Và cái phần vô thức của cái Tôi ấy không ẩn tàng như là cái tiền vô thức, bởi nếu như ẩn tàng, nó sẽ có khả năng trở thành ý thức nếu được kích hoạt, và chúng ta sẽ không vấp phải nhiều khó khăn mỗi khi muốn đưa nó về miền ý thức. Như vậy chúng tôi buộc phải chấp nhận sự tồn tại của một cái vô thức thứ ba, không bị dồn nén (5); nhưng chúng tôi cũng thú nhận rằng, do tình huống này, bản chất của cái vô thức mất hết nghĩa chính xác của nó đối với chúng tôi. Vô thức trở thành một đặc tính đa nghĩa, và giờ thì những khái quát hóa và diễn dịch nghiêm ngặt mà chúng ta từng sử dụng không còn đủ nữa. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ sai lầm nếu như không coi trọng đặc tính này, bởi xét cho cùng, đặc tính “ý thức” hoặc “vô thức” chính là ánh sáng le lói duy nhất có thể dẫn đường cho chúng ta trong bóng tối của chiều sâu tâm lý.
Chú giải:
(1) Từ Do Thái trong sách của Freud. Một schibboleth là một câu hoặc một từ, chỉ được sử dụng - hoặc phát âm đúng với các thành viên trong một nhóm. Nó thể hiện việc một người thuộc về một nhóm nào đó: quốc gia, xã hội, nghề nghiệp …(ND).
(2) Bởi chúng có thể được gợi lại ở miền ý thức (ND).
(3) Psychoide là cái có vẻ bề ngoài của một hiện tượng tâm lý nhưng không hẳn là như vậy (ND).
(4) Ở chủ đề này, xem Bemerkungen uber den Begrift des Unbewussten, trong “Sammlung Kleiner Schriften zur Neurosenlehre”, sê-ri 4. Cần phải chỉ ra một hướng đi mới trong việc phê bình cái vô thức. Một số tác giả hoàn toàn nhất trí thừa nhận các yếu tố phân tâm, nhưng từ chối chấp nhận cái vô thức, và vì điều đó, họ viện đến luận chứng không thể bác bỏ rằng bản thân ý thức, với vai trò là hiện tượng, có nhiều mức độ về cường độ và độ rõ ràng. Bên cạnh các quá trình mà chúng ta có một ý thức về nó một cách mạnh mẽ, rõ ràng, thậm chí có thể nói là cụ thể, có những quá trình khác mà ở đó tồn tại một ý thức yếu, gần như không cảm nhận được; các tả giả này còn nói thêm rằng những quá trình chúng ta có ý thức về nó yếu nhất chính xác là những quá trình mà ở đó phân tâm gọi là vô thức một cách sai lầm trong khi trên thực tế chúng vẫn mang tính ý thức hay chí ít tồn tại ở “miền ý thức“, và có khía cạnh trở thành ý thức trọn vẹn và mạnh mẽ nếu như chúng ta dành cho chúng một sự chú ý đủ lớn.
(5) Hai cái vô thức đầu tiên mà Freud đã nhận diện trước đây là cái tiền đề ý thức (nội dung của nó có thể được gợi lại trong trí nhớ) và cái vô thức (nội dung của nó do cái dồn nén tạo thành và không thể gợi lại ở miền ý thức do cái ba ri e kiểm duyệt) (ND).
Nguồn: Trích từ bộ sách Phân tâm học căn bản
Theo http://bookhunterclub.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...