Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Hoa phấn bồi hồi

Hoa phấn bồi hồi...
Có một loài hoa màu trắng/ bay trên tóc thầy bâng khuâng/ Tôi gọi tên là hoa trắng/ những ngày đi học xa xăm...
Bụi phấn trở thành biểu tượng gắn bó với người thầy từ những vần thơ bồi hồi xúc động. Niềm xúc động xuất phát tự đáy lòng, từ niềm kính yêu thiêng liêng về người thầy, từ sự cảm thông sâu sắc về người thầy, từ sự kính trọng thân thương về người thầy…
Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay/ Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng/ Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn/ Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi…
Nhưng cảm xúc thiêng liêng về người thầy chỉ là bỗng, là bất chợt mà sao không thường trực? Có phải cứ đến ngày 20 tháng 11 lúc đó mới nhớ, mới thương, mới cảm động. Sao hàng ngày tóc thầy cứ bạc thêm từng sợi? Có phải vì công việc bộn bề? Có phải vì: Em lạ lẫm bước chân vào Đại học/ Mặc áo sinh viên ngơ ngác giảng đường/ Mắt kiếm tìm giữa bè bạn bốn phương/ Bóng dáng thân thương bạn mình ngày ấy/ Tìm đâu được, một mình, thôi thì vậy/ Em tự tin kiêu hãnh, buổi ban đầu/ Đã một thời bài luận được khen “sâu”/ Phương trình toán em cho là đơn giản… Có phải vì: Dòng sông lớn dần theo năm tháng/ Người lái đò tuổi bạc thời gian/ Đưa người khách sang sông/ Đưa khát vọng vào bờ/ Nhưng biết bao giờ,/ Người khách/ Quay đầu ngó lại?!
Biết bao giờ người khách quay đầu ngó lại, đó cũng là cái tứ thơ thường gặp khi viết về người thầy. Dòng sông, con đò, mái chèo cứ miết mải trôi, cứ nhẫn nại sang sông… và cứ hi vọng, cứ chờ đợi, cứ mong: Con muốn hiểu, thầy ơi - người đưa đò vĩ đại/ Con đến với cuộc đời từ sự hy sinh thầm lặng ấy/ Trên chuyến đò của thầy chở nặng yêu thương…
Người đưa đò đưa khách sang sông, biết ai có ngoái đầu nhìn lại, người đi đò có còn cầm viên gạch gõ vào cánh cửa thời gian, gõ vào cánh cửa tri thức, gõ vào chính trái tim mình để biết vì sao mình mải miết sang sông, để biết vì sao có những thầy giáo nhọc lòng phiền muộn bởi cái non nớt, cái vội vàng, cái cạnh tranh len vào trang giấy trắng…
Kiến thức con người, đâu là giới hạn?/ Em không tìm ra định luật bù trừ/ Nên nghĩ mình sức học hẳn còn dư/ Đâu biết được, ấy là thầy độ lượng!/ Năm đầu tiên em ngỡ mình lạc hướng/ Bài luận văn chỉ đủ điểm là cùng/ Cảm ơn thầy, cuộc sống vẫn bao dung/ Em chưa vấp nhưng hiểu mình nông cạn...
Vì nông cạn, hời hợt mà biết bao học sinh vội vã đến trường, vội vã mưu sinh mà quên mất người thầy đang mải miết chèo con đò tri thức đưa mình cập bến: Chuyện một con đò dầm dãi nắng mưa/ Lặng lẽ chở từng dòng người xuôi ngược/ Khách sang sông tiếp hành trình phía trước/ Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò?
Phải có thời gian lùi lại, phải bước qua cái tuổi học trò thì mới hiểu, mới thấm cái nghĩa thầy trò. Cái vô tâm, cái vụng về của cái thuở dại khờ là niềm tiếc nuối bâng khuâng: Có thể bây giờ cô đã quên em/ Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết/ Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt/ Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm…
Xa trường, xa lớp, xa cô mới nhớ cái thuở cắp sách đến trường, mới thấm thía lời cô giáo dạy, mới mơ ước: Ước gì... Hiện tại chỉ là mơ/ Cho em được trở về chốn ấy/ Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái/ Được vui buồn cười khóc hồn nhiên/ Em nhớ hoài tiết học đầu tiên/ Lời cô dạy: “Văn học là nhân học”/ Và chẳng ai học xong bài học làm người!/ Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười/ Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp/ Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược/ Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi/ Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!/ Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ với bao thế hệ học trò, và những người thầy ngày ngày đến lớp nhẫn nại, nhọc nhằn: Một dòng đời - một dòng sông/ Mấy ai là kẻ đứng trông bến bờ/ Muốn qua sông phải có đò/ Đường đời muôn bước phải nhờ người đưa ...
Con đò, mái chèo, bụi phấn… gợi lên bao vất vả, cực nhọc, có cả sự bạc bẽo, lãng quên vậy mà hễ viết về người thầy các biểu tượng đó lại xuất hiện. Phải chăng cảm xúc thi ca nói hộ cho người thầy rằng nghề giáo một đời thanh bạch, nghề giáo một đời hẩm hiu, nghề giáo một đời vất vả… Nếu nghĩ như thế thì chắc sẽ không có ngày Nhà giáo Việt Nam vinh quang và tự hào. Nếu nghĩ như thế thì làm gì có tri thức và khoa học. Từ muôn đời người thầy vẫn là niềm tự hào cho tất cả các thế hệ học sinh. Các biểu tượng con thuyền, mái chèo, bụi phấn xuất hiện trong trang thơ viết về người thầy không phải để ta thán, kể lể mà đó cũng là cách tôn vinh người thầy.
Người thầy không nhìn thấy mà trò nhìn thấy, xã hội nhìn thấy. Người thầy không biết một đời đưa khách sang sông có mấy ai còn ngoái lại gọi lên một tiếng Đò ơi, nhưng nhà thơ nhìn thấy…
Có người qua đò quên luôn người đưa đò, nhưng còn biết bao người nhớ đến, ngoái lại nhìn mãi hình bóng người đưa đò. Sau cái nhìn đó tâm thức họ bừng sáng một niềm tin.
Biết bao nhiêu năm tháng, biết bao nhiêu thế hệ học trò cứ hát bài Bụi phấn, mà mấy ai còn nhớ xem tác giả viết ca khúc đó là ai. Không cần biết bởi lời của ca khúc cũng chính là lời của trái tim mình. Cũng như tôi khi viết bài này, có sử dụng thơ của nhiều tác giả, nhưng cũng là lần đầu tiên tôi không trích dẫn bài thơ nào của tác giả nào, bởi xin một lần mượn thơ của các tác giả để giãi bày tâm sự, nghĩ suy của mình về nghề thầy cay đắng mà vinh quang, người thầy vất vả nhọc nhằn mà trân trọng biết bao.
Bởi thế, mà bụi phấn đã thành hoa phấn, hoa phấn bồi hồi bay trên tóc thầy bâng khuâng!.  
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://www.cdsphue.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Cuốn theo chiều gió” hơn 80 năm vẫn dậy sóng văn đàn 17 Tháng Năm, 2023 256 Bị chỉ trích phân biệt chủng tộc, “Cuốn theo chiều gió”...