Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân

Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân… 
1. Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, như là mới bắt đầu, có thể đang lên của sự hưng vượng, chưa dừng lại và kết thúc quá trình. Nó là cái dương chưa trưởng thành đầy đủ, và đó là điều khiến cho biết bao thi nhân giao cảm, giãi bày. Nếu như Trần Nhân Tông (Thế kỷ XIII) thể hiện tâm thức Thiền trong ba bài thơ Xuân hiểu, Xuân cảnh, Xuân vãn, thì Nguyễn Trãi (Thế kỷ XV) lại thể hiện tâm thức của nhà nho trong thơ xuân viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trong các bài Trại xuân đầu độ (Bến xuân đầu trại), Mộ xuân tức sự (Tức cảnh cuối xuân), Tảo xuân đắc ý, Trừ tịch, Vãn xuân…
2. Trại xuân đầu độ
Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô chu trấn nhật các sa miên
(Dịch nghĩa: Bến xuân đầu trại: Cỏ xuân ở bến đò đầu trại xanh như khói,/ Lại thêm có mưa xuân, nước vỗ vào nền trời/ Đường đồng nội vắng tanh, ít người qua lại,/ Con thuyền đơn chiếc gác đầu lên bãi cát ngủ suốt ngày)
Màu xanh của cỏ (thảo lục), của nước (thủy), của trời (thiên) dường như càng xanh thẩm hơn bởi mưa xuân (xuân vũ)... có phải thi nhân xưa đã gặp nhau trong thi tứ khi miêu tả sắc xuân, sau này Nguyễn Du cũng có câu thơ nổi tiếng về mùa xuân: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, và ý thơ đó cũng bắt đầu từ câu thơ cổ Trung Hoa: Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa...
Phép tu từ so sánh ở câu thơ thứ nhất nhấn mạnh không gian mờ ảo như sương khói trong mưa xuân, cỏ xanh, trời xanh, nước xanh: Độ đầu xuân thảo lục như yên... Sức sống mùa xuân thể hiện trong câu thơ thứ hai ở ý thơ: thủy phách thiên – nước vỗ trời – không gian hai cực dường như đối ứng nhau, xích lại gần nhau. Vừa mới miêu tả thảo lục như yên, lại nhìn thấy thủy phách thiên thì đúng là lối miêu tả rất Ức Trai trước thiên nhiên.
Mở đầu bằng hai câu tả cảnh và kết thúc bằng hai câu ngụ tình, kiểu kết cấu quen thuộc trong thơ tứ tuyệt đời Đường: Dã kính hoang lương hành khách thiểu,/ Cô chu trấn nhật các sa miên. Vẫn là ngụ tình trong cảnh. Không gian vắng lặng, con đò đơn chiếc... dù muốn dù không khi nhà thơ nói đến cô chu thì cảm giác cô đơn, quạnh quẽ đã xuất hiện. Nhà thơ Lý Bạch khi tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng cũng từng viết Cô phàm viễn ảnh bích không tận (Cánh buồm cô đơn trôi về xa phía chân trời)... Sau này, Hồ Chí Minh trong lần bị giải đi vào lúc chiều tối cũng nhận ra đám mây cô đơn trôi chầm chậm giữa bầu trời - Cô vân mạn mạn độ thiên không...
Nơi nhà thơ ngắm sắc xuân, mưa xuân là bến đò nơi đồng nội ít người qua lại – đó cũng là lý do để con đò cô đơn – cô chu. Nhưng vế sau của câu thơ lại là trấn nhật các sa miên – gác đầu lên bãi cát ngủ suốt ngày, thế mới nhàn tản, ung dung, thư thái, đó mới là ý tứ của Trại đầu xuân độ. Có ung dung, nhàn tản mới ngắm được sắc xanh của cỏ xuân, nước xuân, trời xuân, mới thấy không gian mờ ảo như sương như khói trong mưa xuân... Đương nhiên người ngắm chúa xuân đã từng là cánh tay phải của Lê Lợi, từng là trung tâm của cuộc kháng chiến, nay về ở ẩn ở Côn Sơn, tránh sao khỏi cái cảm giác cô đơn vắng lặng khi ở bến xuân.
Bến đò, dòng sông, con thuyền... là nơi nhà thơ gửi gắm ẩn ức, tâm sự, nỗi niềm của mình:
- Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
- Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
- Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then…
3. Mộ xuân tức sự
Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai
(Dịch thơ: Tức cảnh cuối xuân: Trong lúc nhàn nhã suốt ngày khép cửa phòng văn,/ Ngoài cửa không có một khách tục nào tới / Trong tiếng cuốc kêu, xuân sắp tàn,/ Đầy sân mưa phùn nhẹ rơi khi hoa xoan đang nở)
Không gian vắng lặng, con người nhàn nhã, có cảm giác như tất cả đang ngưng đọng trong nỗi niềm ẩn ức của tác giả, thì đột nhiên hình ảnh thơ chuyển hướng bất ngờ: Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai- Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân. Những giọt mưa xuân ấm áp lất phất rơi đã mở bung những cánh hoa xoan trắng muốt trước sân. Màu trắng thanh tao của những cánh hoa xoan li ti đã làm cho bức tranh mùa xuân thêm hoàn thiện. Quan sát cảnh vật để rút ra những nhận xét tinh tế, tác giả như muốn gửi gắm vào không gian mùa xuân niềm khao khát bù trì của mình – Giọt mưa xuân mở những cánh hoa xoan, còn lòng mình ai thấu hiểu đây? Ai mở nó ra đây?. Tình như một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem (Ba tiêu).
Mùa xuân trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi là nơi để nhà thơ trải lòng mình trước những biến động của cuộc đời, khi mà nhà thơ thấm thía: Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay… Đọc hai bài thơ xuân bằng chữ Hán của ông, ta thấy có chút gì đó cô đơn, vắng lặng, nhưng trong thi tứ lại tươi mới, đột phá, thể hiện nỗi khao khát bù trì của thi nhân.
4. Nguyễn Trãi viết về mùa xuân bằng thơ Nôm nhiều hơn. Cảm xúc tự do, biểu hiện bằng tiếng mẹ đẻ là lợi thế cho nhà thơ bày tỏ sự tiếc xuân, thèm xuân, gây nên niềm xốn xang rạo rực trong trái tim yêu cuộc sống của thi nhân và của cả độc giả.
Mười hai tháng trọn mười hai,
Hết tấc đông trường, sáng mai
Hắc Đế, Huyền Minh đã đổi ấn
Sóc phong, bạch tuyết hãy đeo đai
Chong đèn chực tuế cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai
Chẳng thấy lịch quan tua xá hỏi
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài?
(Trừ tịch)
Năm hết, Tết đến vẫn không ai tặng lịch để biết tháng giêng đủ hay thiếu: Chẳng thấy lịch quan tua xá hỏi / Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài? Nhưng con người ham sống, yêu đời vẫn rạo rực đón xuân: Chong đèn ngồi đợi năm mới, mắt cay xè - Chong đèn chực tuế cay con mắt,/ Đốt trúc khua na đắng lỗ tai - đó mới là con người nhập cuộc, con người háo hức Nguyễn Trãi. Nhà thơ đã từng hân hoan, rạo rực khi viết về Cây chuối: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm – Tự bén hơi xuân đã tốt lại càng thêm tốt. Nay thì chong đèn, đốt trúc...
Viết về mùa xuân cũng là cách để nhà thơ ký thác tâm sự, sự ký thác thật tài tình khi sử dụng phép đối trong ngôn ngữ: cay con mắt >< đắng lỗ tai. Đón năm mới mà cay con mắt, đắng lỗ tai, thì ra cay và đắng cũng là nỗi niềm của quan Nguyễn Trãi bởi Tết rồi mà Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi.
Nhà thơ đa tình, lãng mạn Nguyễn Trãi trong thơ gửi cho Nguyễn Thị Lộ: Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng/ Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng/ Ngoài ấy dầu còn áo lẻ/ Cả lòng mượn lấy đắp hơi cùng; và còn lãng mạn hơn với những câu thơ trong bài thơ Vãn xuân: Cầm đuốc chơi xuân này khách nói/ Tiếng chuông chưa dóng ắt còn xuân – Thắp đuốc lên mà chơi cho hết những giây phút cuối cùng trong cái đêm cuối cùng của 90 ngày xuân ấy bởi vì Xuân xanh chưa dễ hai phen lại/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên (Bài 201), và Cướp thiếu niên đi thương đến tuổi, Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân (Vãn xuân). Cầm đuốc chơi xuân là ý tứ trong Xuân dạ yến đào viên tự của Thi tiên Lý Bạch (Bỉnh chúc dạ du).
Cầm đuốc chơi xuân, tiếc xuân, 52 lần nhắc đến mùa xuân trong 254 bài thơ Nôm càng chứng tỏ sự luyến tiếc của tác giả, luyến tiếc một quá khứ đẹp, luyến tiếc tuổi trẻ, luyến tiếc những gì đã qua một đi không trở lại, những gì đã qua là thỏa chí bình sinh cho chí làm trai của Nguyễn Trãi. Viết nhiều về mùa xuân cũng chứng tỏ sự khác biệt trong thi pháp thơ Nguyễn Trãi, bởi thi nhân xưa thường viết về mùa thu nhiều hơn.
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://www.cdsphue.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...