Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Mùa thu trong thi ca đương đại

Mùa thu trong thi ca đương đại
THU VỀ TRONG MẮT AI
“Mở cửa trời se lạnh/ Biết mùa thu đã về”. Thu về với sắc vàng của lá, sắc xanh của trời, với mối giao duyên giữa đất trời sâu thẳm, lòng thi nhân chợt thấy bồi hồi một nỗi nhớ, vấn vương với kỷ niệm rồi viết nên những vần thơ ngọt ngào trong lãng mạn đắm say.
“Đã mát rồi nắng dịu trời thu/ Màu áo trắng chớp chớp dài trên phố”, nhà thơ Vinh Anh nhận ra sắc thu không từ màu vàng của lá, màu xanh của trời mà từ tà áo trắng của em, nghĩa là nhìn thu qua sắc màu trong trắng nhất, qua những gì tinh khôi mới mẻ nhất… Một cái nhìn đương đại, không theo lối mòn của thi ca cổ điển, là phải bắt đầu từ “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”, hoặc “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” trong không gian tĩnh lặng. Ở đây “màu áo trắng” mà lại “chớp chớp dài trên phố”, từ “chớp” lặp đến hai lần đã nhấn mạnh dáng em, tà áo em “rộn ràng” trong không gian thu, để rồi “Ánh mắt dịu dàng ngày mùa thu đánh rơi/ Tôi bồi hồi nhặt cho em màu trắng/ Ôi tiếng cười bâng quơ như tia nắng/ Mùa thu mây – trong vắt - cuộc đời”. Mùa thu – mây – trong vắt - cuộc đời - bởi anh nhìn thu từ “áo trắng” của em trong ngày “khai trường”, trong bước chân em đến lớp. Nhà thơ Vinh Anh đã thêm cho mùa thu màu trắng tinh khôi ngoài những sắc màu quen thuộc như trong tranh mùa thu vàng của Lêvitan, hay trong thơ Nguyễn Khuyến và kể cả Xuân Diệu khi đã làm mới mùa thu bằng “sắc mơ phai”…
Nhà thơ Võ Văn Trực không nhìn thu, mà cảm thu bằng hương thu “Em mở cửa, hương lùa vào man mác”, bằng tiếng thu “Tiếng lá rụng ngoài vườn cây xào xạc” và trong cái bàng hoàng đến ngơ ngẩn “Anh bàng hoàng tỉnh dậy: Đã mùa thu”. Rất hiện đại mà vẫn rất cổ điển. Hiện đại ở không gian động, cái động rộn ràng của vườn cây xào xạc, của hương lùa man mác mà vẫn rất tĩnh, cái tĩnh mang đậm yếu tố Thiền của cái tâm “vô vi” khi “Anh bàng hoàng tỉnh dậy: Đã mùa thu” – nhà thơ đương đại có cái tâm Thiền đó quả là rất hiếm. Xưa, Trần Nhân Tông cũng từng có bài thơ Thiền nổi tiếng “Thụy khởi khải song phi/ Bất tri xuân dĩ quy…” (Xuân hiểu) – “Ngủ dậy mở cửa sổ/ Không biết xuân đã về”. Trần Nhân Tông thì “Không biết xuân đã về”, còn Võ Văn Trực thì “bàng hoàng” vì “đã mùa thu”. Sự hòa quyện giữa yếu tố cổ điển và hiện đại đã làm nên tứ thơ diệu kỳ cho bài thơ “Vườn thu” của nhà thơ Võ Văn Trực “Biết vậy rồi, sao vẫn cứ ngẩn ngơ/ Khi hé cửa em vào sương đẫm ướt/ Sau lưng em trĩu vườn thu quả ngọt/ Lá rải vàng như những dấu môi hôn”…
Giao cảm với khí thu, trời thu, con người dường như muốn bộc bạch, muốn giãi bày, muốn chia sẻ , nên có thi nhân như muốn níu lại cái ngập ngừng của mùa thu “Mùa thu đến ngập ngừng ngoài song cửa” để giãi bày cái ngập ngừng của tâm trạng, bởi thu về thì kỷ niệm cũng ùa về trong nắng gió xôn xao “Nắng hanh vàng như rớt, lại như ngưng/ Trái si chín ngập ngừng xanh một nửa/ Mây ngập ngừng trôi, chim vỗ gió ngập ngừng” (Những mùa thu sau lưng - Trần Quang Khanh)…
Thu về trong gió heo may “Heo may ơi, đừng làm mắt ta ngủ/ Câu thơ gầy lấp kín một đêm suông” bởi “Áo em mỏng e chừng se lạnh/ Ta lăn tăn ký ức thon gầy”. Ta lăn tăn kí ức thon gầy, vì “Gió vẫn vậy mà phổng phao bóng nhớ/ Người xa ơi ngong ngóng bấy lâu rồi”. Nhà thơ Bùi Quang Thanh cảm thu từ gió heo may để rồi bộc bạch cái tôi mong nhớ, cái tôi đợi chờ…     
“Làm sao tìm được mùa thu dịu dàng/ Tóc em mềm quá gió đùa miên man”, những câu thơ “Gọi thu” của nhà thơ Ngô Thị Hồng neo đậu trong lòng độc giả một nỗi buồn man mác, một nỗi bâng khuâng dìu dặt, một nỗi khắc khoải đợi chờ…
Làm sao tìm được mùa thu dịu dàng không chỉ là nỗi lòng của thi nhân Ngô Thị Hồng mà còn là nỗi lòng của những ai mong thu, chờ thu, cảm thu trong cảm xúc bốn mùa. Đón thu từ gió heo may, từ là vàng bay trong gió, từ chút trời se lạnh, và cũng từ tà áo em bay trên đường phố trắng mắt anh một màu trắng tinh khôi… Với Huế thu đến không từ “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, mà đến từ trong mắt ai biết mong thu, chờ thu, cảm thu bằng chính tâm hồn mình, bằng những rung động từ những vần thơ thu dịu dàng mà say đắm …
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://www.cdsphue.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...