Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Bức tường, chiếc cầu và dòng sông

Bức tường, chiếc cầu và dòng sông...
Ngày 3 tháng 10 vừa qua lễ lạc hân hoan diễn ra nhiều nơi trên nước Đức, kỷ niệm 25 năm ngày hai miền Đông - Tây thống nhất (năm 1990). Truyền thông Pháp tò mò liếc mắt nhìn lại bạn đã làm được những gì trong khoảng thời gian đó. Bắt đầu một ít mảng để cuối cùng là toàn bộ bức tường sụp đổ hoàn toàn vào ngày 9-11-1989, trả lại cho Bá Linh sự nguyên vẹn của thành phố dù vẫn còn nhiều vết sẹo. Và dù vết đau của lịch sử vẫn còn âm ỉ, nó đã vô tình tạo cho Bá Linh một bộ mặt rất riêng, duy nhất.
Thành lập trong thế kỷ XIII, Bá Linh liên tục được chọn làm thủ đô qua nhiều thể chế, từ đầu thế kỷ 18 đến hết thế chiến thứ II. Sau 1945 thì bị chia làm 4 vùng chiếm đóng cho đến khi bức tường sụp đổ. Rồi từ 1990 đến nay Bá Linh là thủ đô của nước Đức thống nhất. Đây là thành phố văn hóa và nghệ thuật với rất nhiều thư viện, bảo tàng, viện nhạc kịch. Hằng năm Bá Linh đón tiếp trên triệu du khách.
Được ông Thị trưởng ví von duyên dáng "nghèo nhưng sexy", Bá Linh thu hút đông đảo nghệ nhân nhờ đời sống tương đối rẻ và tự do hạnh phúc là có thực. Thành phố thật dễ thương. Cuối tháng 7 trời mát dịu, thiên hạ đi xe đạp rất nhiều trên đường dành riêng khiến phố phường có vẻ trẻ trung, an lành thanh sạch. Thức ăn ngon, vừa miệng, hơi mặn thì xin mời chiêu bia. Chuyện bia bọt và xúc xích Đức thì nếu chưa có dịp nếm qua hẳn ai cũng nghe nói rồi. Buổi sáng hả? - ngồi với bạn nhâm nhi ly cà phê nóng thơm tho ngọt ngào, thưởng thức bánh mì trăng khuyết lừng lựng mùi bơ hay có súc cù là thì Ưumm chẳng khác gì bên mình (mình đây là... mình Pháp). Ngồi ở quán thong thả nhìn con đường trước mặt rất ít xe cộ, ngạc nhiên sao sáng trong tuần mà khu này bình an dữ vậy. Bước qua vài con đường, đằng kia là đại lộ Kurfurstendamm mà dân Đức cho là "đẹp nhất thế giới". Nước nào cũng có con đường đẹp nhất thế giới. May mắn khách sạn nằm trên đường này, mỗi sáng nghe chim chóc líu lo ngoài sân. Hai hàng cây cổ thụ bên đường lả lơi rũ bóng, bên dưới không... bận quần trắng hay bị vòng xi măng bao vây giam lỏng, đường rộng, xe và người đều nhẩn nha, không bụi bặm, không ồn ào, không tấp nập chen lấn, lề đường thênh thang bày tủ kính quảng cáo hàng cao cấp, đi bộ thấy thực sự an lành thú vị.
Nhiều khu xe cộ cũng đông đúc nhưng trật tự nên không thấy hãi. Đức là một trong những dân tộc rất tôn trọng luật pháp. Đường vắng dù đèn đỏ, khách đi bộ vẫn chờ. Thấy ai băng ẩu có thể kết luận ngay là... Pháp (nói nhỏ, chị Marine đuổi đi bây giờ!). Cứ cho sống ở Đức chừng vài tuần là mấy tay đi ẩu sẽ vào khuôn phép. Nhưng (nói nhỏ kẻo dân Đức tự ái, dỗi) cũng có người khi sang Pháp thì như chim sổ lồng, tha hồ bừa bãi lôi thôi, hả hê thực hiện cái bản năng rất người mà ở xứ họ thì tự thấy kỳ. Tại vì Pháp vốn dĩ lè phè.
Các đoạn tường
Ai đến Bá Linh cũng phải đi xem các đoạn tường còn lại, và chính các đoạn tường còn lại cũng là lý do kéo du khách đến Bá Linh. Nếu trong đêm 12 đến 13 tháng 8 năm 1961, một bức tường mọc lên như phép mầu của bà tiên ác đã chia cắt thành phố ra hai mảnh Đông - Tây, và bị gọi là Bức tường ô nhục, thì từ 1989 đến nay chỉ còn lác đác đó đây những khúc nho nhỏ. Và chúng tiếp tục kết thành bức tranh tập thể của nhiều họa sĩ nghiệp dư, mạnh ai nấy vẽ lên tác phẩm của mình. Cứ mang sơn cọ đến, hăm hở bôi xóa tranh của họa sĩ trước (thấy là... kém hơn mình), hăng say trổ tài lên, hoa lá chim chóc người ngợm phố phường cảnh vật. Thảng hoặc vài du khách dừng lại ngắm nghía chuyện trò, còn không thì họa sĩ lùi lại vài bước, gật gù tự chiêm ngưỡng tác phẩm vĩ đại của chính ta. Có người rất thời sự, vẽ cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis với nét sắc sảo sinh động cố hữu của ông, rất đạt.
Cũng có nơi bức tường thể hiện tài năng của các họa sĩ cao cấp hơn, không thấy bóng dáng bàn tay cầm cọ bôi xóa. Toàn bộ đoạn tường dài phô bày những bức tranh có khi ngẫu hứng, có khi mang đề tài hay sắc màu nào đó, cũng có khi là bức hình một thời lịch sử. Như hình Chủ tịch Xô Viết Léonid Brejnev và Tổng bí thư Cộng hòa Dân chủ Đức Erich Honecker say sưa... ngoạm môi nhau vào năm 1979,coi... ghê ghê, nhưng có đắm đuối vậy mới được xem là cử chỉ bày tỏ hòa bình hữu nghị thứ thiệt giữa hai nước, mà hẳn là cái bắt tay hàm ý "Tớ chẳng có dao kéo gì đấy nhé" là chưa đủ.
Ở một trong những đoạn tường có cổng còn lại ở ngoại ô, du khách dán má vào song sắt nhìn bên trong: cũng là bức tường nhưng khác tất cả các bức tường, nó hai lớp cao gần 4 mét, chính giữa là con đường xi măng. Rất im ắng, như có thể nghe tiếng chân xưa kia lính gác rảo sóat mỗi đêm, với hào, chó nghiệp vụ, dây kẽm gai, ụ súng và tháp canh được trang bị đèn pha... Hệ thống cảnh giác này đã được hoàn thiện mỗi ngày. Bây giờ có chăng chỉ là oan hồn những người muốn vượt qua mà thất bại. Bên ngoài, thiên hạ ngồi hóng mát, đàn địch ăn uống trên bãi cỏ dốc thoai thoải. Vui như thời chưa có bức tường.
Trong phố, thi thoảng có những tấm biển bằng đồng gắn trên mặt đất trước nhà, ghi danh tính và ngày sinh, ngày bị đi đày của người Do Thái đã từng cư ngụ. Nhiều nơi bức tường chạy ngang chia cắt một con đường. Dầu vậy vẫn thấy nhà cửa phía Đông không khang trang đẹp đẽ bằng phía Tây. Nhiều nơi khu Đông hãy còn giữ vài dấu tích. Như đèn xanh đèn đỏ là hình người đứng dang rộng hai tay, cứng nhắc thô thiển, chứ không uyển chuyển sải chân khi báo được băng qua. Như số nhà liên tục chẳng phân biệt bên lẻ bên chẵn gì, có khu chạy vòng tròn, tìm phát khờ. Đặc biệt rất nhiều quán ăn Việt Nam.
Tò mò xong, truyền thông Pháp buôn dưa lê: hai mươi lăm năm sau bờ Đông vẫn có những khó khăn: như 2 triệu dân đã bỏ đi không trở lại (bây giờ người ta hy vọng đưa số dân nhập cư Trung đông vào trám chỗ); như thiên hạ vẫn chỉ ham mua sản phẩm bờ Tây; như số thất nghiệp lên tới 11% (tức 2/3 của cả nước); như 18 đội bóng đá giải vô địch hạng nhất cũng đều chơi ác nằm tất ở phía... mặt trời lặn.
Rồi đến ngày 9-11 này, mọi phương tiện truyền thông sẽ rỉ rả tiếp, và truyền hình sẽ chiếu lại cảnh dân chúng hân hoan đổ ra đường, kẻ gậy người búa cùng nhau hét hò đập, đập, đập, cho bức tường ô nhục đổ xuống và con người kiêu hãnh đứng lên. Họ nhào vào tay nhau dù mới thấy lần đầu. Bản giao hưởng kèn xe rộn rã khắp Bá Linh. Làn sóng người cực kỳ ấn tượng nổi lên hồi chuông báo tử kết thúc cuộc chiến tranh lạnh bị áp đặt giữa người cùng dòng máu. Được tin, phiên họp Quốc hội ở Bonn đã ngừng lại, và toàn thể nghị sĩ tự động đồng thanh hát bài quốc ca. Chỉ đọc thấy thôi mà đã rợn người. Sự kiện đánh dấu ngày quan trọng này mang tên "bước ngoặt" trong lịch sử Đức.
Chiếc cầu, dòng sông
Biểu tượng lịch sử của Bá Linh còn là Cửa ô Brandenburger, bộ phận không thể tách rời của bức tường chia cắt Đông Tây suốt 28 năm, và chiếc cầu Glienicker dẫn qua Postdam. Về "sứ mạng lịch sử", Glienicker chẳng khác cầu Hiền Lương của Việt Nam là mấy. Bên dưới sông cứ lặng lẽ trôi và những con nước dập dềnh cứ trò chuyện tự tình, rất khác với kiểu nói ngọai giao lạnh lẽo bên trên. Bởi đoạn giữa cầu là ranh giới để hai cường quốc Nga - Mỹ dính dấp tới hai miền, trao đổi tù binh. Rồi cũng chính nó đã đưa bao nhiêu đợt người lũ lượt tràn qua từ phía đông, kiểu qua tây cóc biết đi đâu, đi đâu cóc biết hàng đầu cứ đi, vừa chạy vừa hớt hải hỏi thăm tên địa danh nọ kia nằm ở hướng nào. Nhưng hai miền đã thống nhất rồi thì đi đâu mà vội mà vàng. Hay là sợ hai ông to... đổi ý?
Tới đây chợt nhớ câu chuyện chắc được bịa ra răn đời: hai cha con có điều bất hòa, người con dọn sang bên kia sông và thề là cả đời sẽ không gặp bố nữa. Nhân có người thợ nề đi qua, anh thuê xây bức tường cao ngăn tầm mắt để anh không nhìn thấy bố. Rồi anh đi vắng một thời gian. Khi về, chẳng thấy tường đâu, chỉ có chiếc cầu bắc ngang sông, và ông bố hớn hở đi qua vồn vã mừng con: "Có cây cầu bố mừng quá. Từ nay bố có thể sang thăm con mỗi ngày". Và anh thợ nề quầy quậy lắc đầu khi người con nhờ làm việc khác: "Không, tôi phải đi. Còn rất nhiều chiếc cầu phải xây".
Tuy chúng đã và vẫn còn luôn mang lại rất nhiều chất liệu cho văn học nghệ thuật, nhưng mong sao ở bất cứ đất nước nào, dân tộc nào, cũng đừng có những chiếc cầu, dòng sông và các bức tường với tinh thần kiểu ấy.
Tháng 10-2015
Xuân Sương
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...