Trở lại với dặm dài sương bóng
Tuổi thơ trôi qua, như một dải sương êm đềm trong
hoài niệm của mỗi người, và cho dù bất hạnh hay chăn ấm nệm êm, gần như đó là một
quãng đời đáng nhớ. Nó quý, bởi đó là dòng trôi không trở lại, và cũng bởi nó
là những tháng năm góp phần quyết định cả quãng đời làm người sau đó. Sự say mê
miệt mài của tuổi thơ trong một lĩnh vực nào đó, có khi bị lãng quên dần trong
quãng thời gian bôn ba vì cơm áo, vì ước vọng thành công cùng các giá trị quy ước
của nhân quần, nhưng, như một lối mòn vẫn cứ thỉnh thoảng hiện về trong tâm thức,
trên những nẻo đường vong thân vì sinh cuộc kia, kẻ có niềm đam mê thời thơ dại
nọ vẫn cứ thỉnh thoảng ghé về lối mòn kia ngồi nghe lại, như lắng nghe một điệp
khúc tất mệnh của đời mình.
Tôi biết, Nguyễn Đắc Phúc đắm chìm trong lời ca tiếng hát từ
thuở còn tuổi ấu niên, và khi tôi quen biết anh (từ tuổi còn thơ đến lúc chớm
vào đời), tôi vẫn thấy anh ca hát hằng ngày, hằng giờ, mỗi khi có dịp, ca hát
như thể đời sống này tựu thành bằng những lời ca, và bước đi thế cuộc đang chờ
anh cũng lên bổng xuống trầm hoặc có lúc du dương như từng nốt nhạc mà anh lĩnh
hội.
Nhưng đời sống này không phải thế, hoặc ít ra, những tác động
ngẫu nhiên của quá nhiều tham số nhiễu (Trouble Parameters)
trong Hàm mục tiêu Cuộc đời (Cost function of Life) đã khiến bạn phải
dở dang trên những bước đi lưng chừng thế cuộc. Chúng tôi xa nhau vào mùa hạ
năm 1978, tôi ra Huế, Phúc đi biệt vào Sài gòn, ở trong con hẻm với một gia
đình đông người dưới một mái nhà nhỏ ở Gò Vấp.
Như một tình cờ, tôi lại vào Sài Gòn năm 1981 để thực tập tại
Trung tâm Tính toán IBM nơi đường Trần Hưng Đạo. Anh đạp xe chở tôi đi, vẫn đôi
lúc cất lên lời ca, nhưng có vẻ kém nhiệt tình hơn trước. Phần tôi, tôi vẫn
miên man với bầu không khí suy tư riêng chọn như một căn phần định nghiệp, tôi
có viết tặng anh một vài bài thơ khi ngồi cùng nhau bên vỉa hè đợi cơn giông
chiều trôi qua, hoặc trong ghế đá công viên những lần chân mỏi... Và đa phần
chúng tôi im lặng nhìn ngó chung quanh, nhưng trong mắt anh, trong mắt tôi, những
đôi mắt sớm quầng thâm mỏi mệt, như vẫn chùng sâu nỗi cô đơn và một điệu buồn
man mác...
Những con đường đan dệt dấu bơ vơ
Trăng ói mửa giữa đèn đường và dòng người bận rộn
Một thoáng nhớ, những con đường mộng triệu
Chuyện còn thơm như tỉnh giấc chiêm bao...
Rồi sau đó, chúng tôi xa nhau, chẳng hò hẹn, thư từ. Tôi nếm
trải đời mình bằng công việc và bằng những xô đẩy ngẫu nhiên, Bảo Lộc, Kon Tum,
rừng Mang Yang, Hội An, rồi trở lại Đà Nẵng sống như một thằng phải gió với từng
vết thương mưng mủ trong lòng. Nghe đâu anh trở thành Kiến trúc sư, rồi trôi
lăn trong lĩnh vực xây dựng cùng thiết kế, gần ba mươi lăm năm như thế...
Vào những năm 2000, tôi hay đến Sài gòn. Thật ngạc nhiên khi
anh vẫn còn giữ những bài thơ tôi tặng, trên giấy cũ đã vàng phai như mộng ố.
Và khi tôi đệm đàn cho anh hát bài hát mà anh nói anh đã sáng tác trên hiên
Chùa Lá ở Quang Trung, tôi hiểu được tại sao anh đã giữ những bài thơ tôi, mà
tôi dường như quên mất và hiển nhiên không còn lưu bản.
Phải, tôi hiểu, khi tôi dạo đàn và anh bắt đầu cất giọng, tôi
hiểu tại sao có mật trong những nhụy hoa và bầy ong kia cứ miệt mài cần mẫn,
tôi hiểu rằng anh vẫn giữ gìn những con đường sương mộng, những tình cảm ban
sơ, và giờ là lúc anh khước từ các công việc xã hội, những chìm nổi mưu sinh, để
bắt đầu trải lòng ra trên giấy.
Các bạn thấy đấy, đó chính là nhạc đề (theme) của bài ca Hoài
nhớ, với lời ca chủ yếu dựa trên bài thơ cùng tên của người thi sĩ và tu sĩ đã
khuất Hàn Cung Thương. Hai quãng năm nghịch rồi thuận cùng những nốt bắt cầu đã
làm cho nhạc đề kia như gọi mời một khoảnh khắc chiêm bao trong mỗi mỗi chúng
ta, và nhạc đề đó đã hứa hẹn một phát triển vừa dịu dàng, vừa tha thiết. Tiếng
đàn tôi chợt dàn trải ra trên hòa âm ngày càng phong phú dựa trên giai điệu dặt
dìu. Thính giả đêm đó cứ tưởng rằng chúng tôi đã tập dượt bài này cùng nhau trước
đó, nhưng không phải vậy, lúc đó, tôi chỉ mới vào Sài gòn buổi sáng, và chỉ mới
gặp anh đêm đó, thật lâu, sau đã quá nhiều năm.
Sau đêm đó, tôi biết rằng anh đang dần bước lại con đường mà
tuổi thơ anh một thời khăng khít. Giọng hát kia vẫn còn ấm nồng bằng cỡ tám
mươi phần trăm thời thanh niên hoa mộng...
Ca khúc ư? Đó chưa phải là âm nhạc thuần túy (pure
music), nhưng đó chính là chiếc cầu nối lại giữa đôi bờ âm thanh và ngôn ngữ. Bằng
những phối âm phong phú đến mức có thể được, âm nhạc thuần túy nói lên lời tự sự
bằng ẩn ngữ của riêng mình, và không mấy người nghe được. Tuy nhiên, với sự hỗ
trợ của ngôn ngữ thông thường, đặc biệt, dưới hình thức thơ ca, người nghe có
thể trực tiếp hiểu được đôi điều thông qua ngôn ngữ đó. Bằng cách này, một ca
khúc thành công, nó không phải dừng lại ở lời ca, mà giai điệu chuyên chở nó phải
phù hợp, và việc phát triển nhạc đề, nếu phong phú và hợp lý, thì các nhà soạn
nhạc, đến lượt họ, sẽ chắp cánh cho cả lời ca và giai điệu trong ca khúc thành
một hòa điệu phong nhiêu.
Chưa hẳn rằng một giai điệu phức tạp sẽ đem lại hiệu quả cao
cho một ca khúc, nhưng dứt khoát, giai điệu đó không thể tầm thường, hoặc có
tính lặp đi lặp lại trong các bài hát của mình như một motif mà người hiểu biết
sẽ thốt lên rằng “nghe câu trước đã biết câu sau”.
Bài hát Phù sa (với lời thơ Nguyễn Tánh), rơi vào trường hợp
giai điệu không phức tạp, nhưng khi anh cất lên những quãng ba thứ và ba trưởng
liên tiếp bằng ba nốt chính của âm giai la thứ, người nghe đã dễ dàng bị thuyết
phục. Một đằng, vì nó quá hợp với giọng hát với âm vực rộng vừa phải của anh, đằng
khác, nó chan chứa như lời thơ của Nguyễn Tánh. Sau nữa, ẩn sâu trong nhạc đề
và sự phát triển giai điệu của bài hát, tôi thấy đó là sự tiêu hóa thanh khiết
của những gì đã thấm đượm trong máu thịt anh từ tấm bé. Bản thân tôi cũng đã
đàn say sưa mỗi lần gặp anh và đệm cho anh hát bài này.
Bạn đừng ngạc nhiên khi chỉ ba nốt không thôi, bạn sẽ không
thể thấy sự trùng lặp cùng những gì bạn đã nghe trước đó. Về mặt Toán học, âm
nhạc là sự vận dụng của hình thức Combinatorics để sắp xếp một tổ hợp
(combination) giữa âm hình, tiết tấu, nhịp độ. Chỉ tính riêng trong một trường
canh, đã có đến 33 = 27 cách sắp xếp (repetition arrangement) ba âm hình đó
(chưa kể những nốt bắt cầu), nếu tính thêm các ngẫu nhiên chọn lựa từ tiết tấu
và nhịp độ, thì chỉ trong một trường canh thôi đã có quá nhiều cách sắp xếp. Về
phần mình, theo thiển ý, tôi nghĩ đó chính là một bài hát thành công, giai điệu
đơn giản nhưng đã khoác lên dáng vẻ thanh kì, hồn hậu, và điều đó cũng chứng tỏ
rằng Đắc Phúc đã thấu tình đạt ý bài thơ của người bạn Nguyễn Tánh.
Giờ đây, chỉ có một vài người thân thiết hiểu rằng tôi không
thể đi đâu quá xa. Sài gòn đối với tôi bây giờ xa lắm. Thỉnh thoảng, ở nơi xa
có người trở về cùng tôi ôn chuyện cũ. Nguyễn Đắc Phúc thỉnh thoảng trở lại Hội
an như một lần gió tạt. Chúng tôi lại ngồi cùng nhau bên dòng sông quê hương
man mác, những lúc chỉ còn hai đứa trong hoàng hôn vụt vả, tôi lại lặng im nghe
ra tiếng hát của dòng sông, và tôi yêu cuộc đời u buồn của mình biết bao.
Hai mươi hai ca khúc của Nguyễn Đắc Phúc, đó là những gì tôi
đang cầm trên tay, khi tôi ngồi viết nghê ngô những dòng này trên giấy. Tôi chẳng
có thời gian đâu để khảo sát từng bài, nhưng đọc nó, tôi biết anh không muốn làm
kẻ viết thật nhiều, và bởi vậy, giai điệu từng bài có phần chọn lọc. Cũng như bạn,
không phải bài nào tôi cũng thích, nhưng bạn có thể làm gì với hai mươi
hai bông hoa mà ai đó vừa dâng tặng, bằng cả tấm lòng khi quyết định đi lại
những lối mòn ngày xưa sương phủ, bạn sẽ làm gì khi hai mươi hai bông hoa kia
không vướng mùi vụ lợi, mà đó chính là một tình bạn Đắc Phúc muốn gởi trao?
Tôi nghĩ, có thể là không đúng, nhưng bạn sẽ nói rằng Cảm ơn,
nhẹ như một tiếng lá rơi một lần bạn đã giật mình nghe ra trong quạnh vắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét