Hoàng
hôn đã bắt đầu buông xuống, hai người lữ hành vẫn lặng lẽ phóng ngựa qua những
con đường mòn ven núi. Biết bao cảnh thương tâm xảy ra trên dặm đường thiên lý,
bọn giặc Minh có mặt khắp nơi, cướp bóc cả những vùng hoang vắng. Họ vẫn im lặng
đi, răng nghiến chặt vì nhẫn nhục, bởi họ sợ hành tung bại lộ. Họ chỉ nghỉ đêm
một tí rồi lại miệt mài đi. Người ta cứ nghĩ họ là những khách thương trên đường
về thị tứ.
Nhưng không, họ không về thị tứ, tiếp tục băng rừng. Ban
trưa, ánh sáng tràn đầy trên khuôn mặt, dù họ nhễ nhại mồ hôi, người tinh ý vẫn
nhận ra nét kiêu hùng của những chàng tráng sĩ. Vâng! hai kẻ lữ hành kia chính
là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, họ đang vội vã tìm về đất Lam Sơn, nơi người
ta đang bàn tán rằng Lê Lợi đang tụ tập nhiều nghĩa quân, chuẩn bị phất cờ khởi
nghĩa.
Buổi gặp nhau lần đầu thật vô cùng cảm động, người thì nghĩ từ
nay đã chọn được cho mình chân Chúa, kẻ thì vui mừng phấn khởi vì gặp kẻ hùng
anh, lại là người dòng dõi, con của Trung thư thị lang Nguyễn Phi Khanh. Sau tiệc
rượu đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, Nguyễn Trãi bắt đầu đêm đầu tiên ngủ ở núi rừng
Lam Sơn, lòng mải mê nghĩ đến người cha đang bị giam cầm nơi đất khách. Nhớ khi
đưa cha ra tận miền biên ải, mong được săn sóc đáp đền dù cha đang ở chốn lao
lung, Nguyễn Phi Khanh nghiêm khắc bảo Nguyễn Trãi quay về, ông nói: “Tìm cách
đem tài trí báo thù cha, nợ nước mới là đại hiếu, chứ còn lẽo đẽo theo cha thì
phỏng được ích gì?”. Giờ đây, nợ nước lẫn thù nhà, cùng với tấm lòng sắt son
phụng hiến cho nhân dân, tất cả như hòa quyện để trở thành một quyết tâm không
gì lay chuyển được trong lòng Nguyễn Trãi.
Ban ngày, ông cùng Trần Nguyên Hãn cày ruộng để chuẩn bị
lương thực như mọi người, theo sự phân công của Lê Lợi. Nguyễn Trãi thật vui mừng
khi nhận thấy Lê Lợi có tài điều khiển công việc, lại độ lượng bao dung. Đêm
đêm, ông chỉnh lý lại Bình Ngô sách mà ông đã viết trước đây, và sau cùng, quyết
định dâng lên Lê Lợi, theo đúng nghĩa chọn mặt gởi vàng. Toàn bộ tâm trí của
ông tập trung vào một điều duy nhất, làm thế nào để vạch ra những chiến lược tốt
nhất để dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, từng đội quân sẽ liên tục đi từ thắng lợi
này sang thắng lợi khác.
Sau khi được giữ chức quân sư, ông ngày đem bàn luận binh
pháp với Lê Lợi cùng các tướng. Ông cho lấy mỡ bôi lên những chiếc lá to dòng
chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (1). Thời gian sau, kiến ăn, hiện hình
dòng chữ kia trên lá. Những chiếc lá này lan truyền, như một kim chỉ nam cho biết
bao người đang chịu nhục, đang mong chờ ai đó phất cờ. Những chiếc lá này đã củng
cố thêm lòng tin tưởng của toàn quân, và trong dân chúng, tiếng đồn dần lan tỏa.
Các Hào trưởng, nhiều tướng lĩnh, nông dân kéo về tụ hội dưới trướng Lê Lợi, vì
họ tin đó là mệnh Trời, người này sẽ giải phóng được đất nước khỏi cảnh lầm
than, bóc lột, điêu tàn, người này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của họ trong bao
năm âm thầm kham nhẫn.
Thời cơ đã chín muồi, mọi chuẩn bị đã xong, Nguyễn Trãi bàn với
Lê Lợi cùng các tướng, rằng Lê Lợi cần phải xưng Vương để thuận lợi cho việc phất
cờ khởi nghĩa. Trước bao người tâm phúc, trước sắc diện ngời ngời đầy tâm huyết
của Nguyễn Trãi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương
Lôi, Lưu Trung, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Hiểm, Võ Huy, Lưu Nhân Chú, Trịnh
Võ, Phạm Cuống, Đinh Lan, Trương Chiến, Trần Nguyên Hãn cùng với bao khuôn mặt
hào khí ngất trời, quyết tâm cao độ của toàn quân, Lê Lợi chính thức xưng
Vương, với tên hiệu Bình Định Vương, trong tiếng hò reo như mở hội.
Và tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), trên mảnh đất Lam Sơn hào
hùng, ngọn cờ của Bình Định Vương tung bay phấp phới, buổi xuất quân diễn ra
trong tiếng trống trận liên hồi. Đứng trên cao dõi theo bước đoàn quân len lỏi
trên những dặm mòn sơn khê quen thuộc, Nguyễn Trãi biết rằng, sẽ có rất nhiều
những người con không bao giờ trở lại, sẽ có những người con tay nắm chặt từng
ngọn cỏ chiều như lưu luyến quê hương, khi máu họ chan hòa trên mặt đất trong
ánh trời chiều cùng những tia nắng cuối ngày đưa tiễn. Họ đang bắt đầu chặng đường
gian khổ và vinh quang nhất của một đời người, và Nguyễn Trãi cảm thấy trong
lòng biết bao lo lắng, ông miên man nghĩ đến những phương cách để từng giọt máu
đào của họ trở thành nguồn sống vô biên, mang lại hồi sinh cho đất Mẹ.
Sau những chiến thắng đầu tiên vang dội, làm khiếp hãi quân
thù, làm nô nức muôn dân, quân Minh đã cử tướng Mã Kỳ đem đại quân từ Tây Đô tiến
vào Lam Sơn. Trước sức mạnh đó, nghĩa quân chiến đấu hăng say, nhưng lực lượng
không cân, lại thêm thiếu thốn về lương thực, họ rút về Chí Linh, thuộc vùng
thượng du sông Chu, phía trên Lam Sơn, để ẩn náu. Sau cùng, họ trở lại Lam Sơn,
Nguyễn Trãi không khỏi xót xa khi nhìn đoàn quân hãy còn quá ít, ông tham mưu với
Lê Lợi tạm thời không xuất kích, bảo trì và phát triển lực lượng.
Hơn một năm sau, tháng tư năm Kỷ Hợi (1419), nghĩa quân tập
kích tiêu diệt đồn Lạc Nga. Nhưng quân Minh lại tiếp tục điều thêm quân binh
tinh nhuệ và đông đảo, lại một lần nữa, Bình Định Vương phải trở lại Chí Linh. Ở
Lam Sơn, trong vòng tay ấm áp của đồng bào, cùng với các điều kiện canh tác,
quân lực sẽ hồi sinh. Nhưng nơi đây, địa đầu hiểm trở, nắng hè như thiêu, từng
trận gió lào khô khốc dội vào vách đá, lương thực cạn dần, họ phải dùng đến thịt
ngựa chiến. Nguyễn Trãi lại tâu vua, nhất định không hàng, và ông tương kế tự kế
để thóat vòng nguy khốn.
Và rồi, một vị anh hùng đã xuất hiện để thực hành mưu kế như
vua tôi Bình Định Vương đã vạch. Đó chính là Lê Lai, ông đã sẵn sàng đổi lấy áo
bào, dưới lá cờ Bình Định Vương, giả làm Lê Lợi, mở đường máu để đánh lừa quân
giặc. Lê Lai đã hi sinh cùng hàng trăm quân sĩ, quân giặc cũng nhầm tưởng rằng
họ đã tiêu diệt được Lê Lợi cùng với nghĩa quân. Nhờ vậy mà lực lượng ít ỏi
nhưng chủ chốt của Bình Định Vương mới có thể trở lại Lam Sơn, như trở về quê
quán cũ, tiếp tục bền bĩ phát triển lực lượng, chuẩn bị cho kháng chiến trường
kỳ. Ngày nay, câu nói dân gian: "21 Lê Lai, 22 Lê Lợi" vẫn còn được
truyền tụng, vì chính Lê Lợi đã hạ lệnh chọn ngày giỗ của Lê Lai ngay trước
ngày giỗ của mình (22 tháng 8 âm lịch). Theo lệnh vua, Nguyễn Trãi cũng viết
nên hai bài văn lưu trữ ở tủ vàng để ghi nhớ công đức của Lê Lai.
Chiến thắng lại đến với những con người dũng cảm và đầy tâm
huyết. Những cửa thành lần lượt được mở toang, nghĩa quân tiến vào, vó ngựa rền
vang, nô nức lòng sĩ khí, nhân dân. Nguyễn Trãi theo sát Lê Lợi trên con đường
hành binh thiên lý, nằm gai nếm mật, dâng hết tài trí vì đại nghĩa. Các vị tướng
tài, mà trận mạc càng rèn thêm tài năng cùng dũng khí, như Nguyễn Xí, Trần
Nguyên Hãn, Đinh Lễ,..., liên tục báo công, liên tục hội đàm cùng Bình Định
Vương, Nguyễn Trãi. Và lúc nào ý kiến của Nguyễn Trãi cũng được mọi người tôn
trọng, suy xét, họ đã chuyển kế sách của ông thành thắng lợi vững vàng.
Cả miền đất rộng lớn từ Hải Vân đến Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh
Bình ngày nay), quân giặc chỉ còn cố thủ được ở các thành Tây Đô, Diễn Châu
(thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay), thành Nghệ An, Thuận Hóa. Theo kế sách của Nguyễn
Trãi, chỉ vây hãm mà không tấn công các thành đang cố thủ, để đỡ hao tổn lực lượng,
nhưng vừa vây hãm, vừa âm thầm công kích các nơi quân địch đã yếu, khiếp sợ,
mang tư tưởng đầu hàng.
Đúng như dự đoán của Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh tâm huyết,
quân giặc thay tướng chỉ huy, cử Vương Thông làm toàn quyền dẫn đại binh tăng
viện ồ ạt tiến qua. Lê Lợi lo lắng hỏi:
- Trước đây, khanh khuyên ta tránh đánh nhau khi quân giặc
đang mạnh. Đúng như ý khanh, ta đã không công kích thành Nghệ An, chỉ vờ vây hãm,
rồi ngầm sai quân đánh những nơi yếu thế. Ta đã thấy tài của khanh trong chuyện
đó. Nhưng nay, 10 vạn quân của Vương Thông khí thế bừng bừng đang tràn qua biên
giới, ta có cách nào để tránh khỏi đối đầu?
Nguyễn Trãi tâu:
- Bẩm Vương thượng, thần cũng đã suy nghĩ nhiều đến vấn đề
này, định giải bày cùng Vương thượng. Không có phương pháp nào lại mang tính cố
hữu, mọi sự phải được uyển chuyển. Trong trường hợp này, bọn Vương Thông cứ
nghĩ ta đang vây hãm các thành, nên đang thẳng đường tiến quân giải vây, lúc
đó, trong thành đánh ra, bên ngoài là đại quân Vương Thông mạnh hơn ta về nhiều
mặt, quân giặc lại đang sung sức, mong muốn lập công với Minh triều. Và chắc hắn
ta nghĩ rằng mình sắp bị tiêu diệt. Trong trường hợp này, thần trộm nghĩ, cách
tốt nhất là đối đầu với Vương Thông vào lúc hắn ta nghĩ mình không thể, và
không dám. Trong thuật dụng binh, có lúc phải lấy thần tốc làm đầu. Bây giờ, cứ
để thành Nghệ An cố thủ chờ tiếp viện, ta sai kỵ binh đón giặc ngay ở nơi mà
chúng chưa chuẩn bị xuất kích.
Lê Lợi ngẫm lại, rồi cả mừng, lập tức sai ba đạo quân gồm
8000 quân và ba thớt voi tiến nhanh ra Bắc, theo ba đường khác nhau. Điều này
trái ngược với dự đoán của cả những tướng phải chấp hành mệnh lệnh.
Tính thì tính vậy, bởi những tính toán nào, dù cẩn thận đến
đâu, thì sự thành bại vẫn còn là một vấn đề phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố.
Nguyễn Trãi như ngồi trên lửa, ngóng mãi những tin tức chiến trường. Rồi tin
vui đã đến, một kỵ sĩ phóng ngựa như bay, vừa xuống ngựa, đã vội quỳ thưa một
cách hổn hển:
- Tâu Vương thượng, tướng Phạm Văn Xảo tiêu diệt gọn 2000
quân giặc tại bến Ninh Kiều.
Tiếng vó ngựa lại dồn dập về đại bản doanh báo tin thắng trận
liên hồi. Chỉ có dưới một vạn quân mà các tướng tài Phạm Văn Xảo, Lý Triện,
Đinh Lễ, Nguyễn Xí đã phá tan 10 vạn quân giặc, tiêu diệt 5 vạn tên, và bắt quy
hàng hơn một vạn. Mưu kế của Vương Thông đã không vượt qua tài trí của Nguyễn
Trãi lúc này!
Quân Vương Thông đại bại, còn đâu nữa mà chờ mong viện binh
hùng mạnh, do vậy, các thành Diễn Châu, Nghệ An và một số thành khác lục tục
xin hàng.
Nguyễn Trãi thường tâu với vua:
- Khải tấu Vương thượng, thần trộm nghĩ, đa số quân binh cùng
tướng lãnh của ta đều đã bị tan nát cửa nhà dưới bàn tay bạo tàn của quân xâm
lược, những ngày đầu khởi nghĩa, vợ con họ ở quê nhà chưa mang theo được đã bị
khủng bố dã man. Nhưng oán thù kia nếu trả vay vay trả thì bao giờ mới dứt. Chiến
tranh bao giờ cũng là điều bất đắc dĩ, do đó, nếu chỗ nào có thể dụ hàng được,
thì đỡ hao người tốn của. Tiến công và tàn sát họ thì quân ta cũng phải tổn thất
phần nào. Vả lại, nếu các thành tự động dâng nộp, được ta đối xử tử tế, tiếng đồn
sẽ lan xa, sẽ noi gương cho những thành còn lại. Chừng đó, ta nhanh chóng đạt
được nghĩa lớn, mà tiết kiệm biết bao xương máu gian truân.
Giờ đây, đại bản doanh của Lê Lợi tiến đóng tại Bồ Đề (Gia
Lâm ngày nay), ngày ngày, chủ tớ lên lầu nhìn sang thành Đông Quan, một màn
sương bao phủ trên ngôi thành thoi thóp thở, chờ khi mỏi gối quy hàng. Chiến thắng
vẹn toàn đã gần kề, tại nơi đây, trước mặt ba quân tướng sĩ, Lê Lợi phong cho
Nguyễn Trãi chức vụ Hàn Lâm viện học sĩ kiêm Thượng thư bộ Lại. Nguyễn Trãi thảo
thư nói rõ thiệt hơn, gởi cho Vương thông đề nghị quân địch quy hàng.
Các cánh quân của Lê Lợi, theo chiến thuật của Nguyễn Trãi,
không muốn "dồn chó vào chân tường", khí thế bừng bừng, đội ngũ chỉnh
tề hướng về thành quân địch. Một mặt, Vương Thông sai người bắn tin chuẩn bị
xin hàng, nhưng bên trong, quân do thám về báo lại, chúng vẫn đang chuẩn bị củng
cố, muốn kéo dài thời gian để chờ đợi viện binh.
Quả nhiên, tin cấp báo từ Pha Lũy gởi về cho hay, danh tướng
Mộc Thạnh và Liễu Thăng đang dẫn 15 vạn quân sang, tiến về thành Đông Quan, tưởng
chừng sắp sửa đập tan bất cứ trở ngại nào trên con đường đưa quân đi tiếp viện.
Lê Lợi lại cùng chư tướng họp bàn, lắng nghe kế sách của Nguyễn Trãi. Cho đến
bây giờ, uy tín của Nguyễn Trãi trong lòng tướng sĩ dâng cao, họ đang chờ ông
dâng vua những đề nghị chính xác.
Nguyễn Trãi cũng lo lắng không cùng, ông cho người do thám thật
kỹ tình hình, thái độ của hai đạo quân giặc. Kết hợp với những nghiên cứu trước
đó của ông về nhà Minh, ông đi đến kết luận rằng, Mộc Thạnh là người từng trải
hơn, chín chắn hơn. Còn Liễu Thăng thì ngạo mạn, cậy vào cánh quân 10 vạn của hắn,
và từ xưa vốn đã coi thường nước Nam, lại thêm muốn lập công nhanh chóng. Quân
của Mộc Thạnh ít hơn, nhưng lại chọn lộ trình hiểm trở hơn để tiến về giải vây
cho Đông Quan thành, còn quân của Liễu Thăng ngang tàng tiến theo trục đường
chính từ Lạng Sơn thẳng tiến.
Nguyễn Trãi quyết định rằng cần phải chiếm ngay thành Xương
Giang để không trở ngại gì trên con đường đưa quân đến Lạng Sơn để đánh úp Liễu
Thăng. Đằng khác, nơi đây, phải khí giới chỉnh tề, làm cho quân địch tưởng rằng
quân ta sắp sửa tấn công hạ thành Đông Quan. Lê Lợi chuẩn y và phát lệnh hành
quân nhanh chóng.
Tin thắng trận làm nức lòng dân, làm sôi thêm khí thế nghĩa
quân: Liễu Thăng bị chém đầu tại núi Mã An, Lạng Sơn, cả đạo quân của hắn cũng
hoặc bị giết, hoặc quy hàng, một số mạnh ai nấy chạy về bên kia biên giới. Các tướng
tài của giặc Minh như Thôi Tụ, Hoàng Phúc cũng bị trúng kế Trần Nguyên Hãn và bị
bắt tại Xương Giang.
Nguyễn Trãi tâu vua:
- Thưa Vương thượng, đúng như dự đoán của thần, Mộc Thạnh cẩn
thận nên tiến binh chậm, giờ đây, hắn lại càng cẩn thận hơn. Trong thành Đông
Quan, Vương Thông vẫn trông chờ chủ yếu vào đạo quân thần tốc của Liễu Thăng...
Lê Lợi, lúc này đang phấn khởi, cười ha hả nói:
- Ta đoán ra ý khanh rồi. Nghĩa là vẫn không cho các tướng
đánh thành Đông Quan? Nghĩa là gởi ấn tín, vật chứng của Liễu Thăng cùng các tướng
giặc khác để Liễu Thăng hoảng hồn mà quỳ gối năn nỉ đầu hàng ?
Nguyễn Trãi cũng cả mừng vội đáp:
- Vương thượng quả thật là anh minh! Theo ý hạ thần, làm như
thế hay hơn là tiến đánh. Bọn sĩ tốt thành Đông Quan kia cũng ngày đêm run sợ,
họ khiếp hãi nghĩa quân, chẳng qua vì Vương Thông cố chờ và tin tưởng viện binh
nên mới ngoan cố. Mong Vương thượng mở lượng hải hà, không cần phải tàn sát, để
đức lại cho cơ nghiệp vững bền của Vương thượng sau này.
Lê Lợi bèn nói:
- Khá khen khanh luôn lấy lòng nhân làm trọng. Khanh an tâm,
ta luôn nghe theo những luận bàn sáng suốt của Khanh.
Nguyễn Trãi lại nói:
- Tâu Vương thượng, tuy nhiên, ta phải nhanh chóng sai Phạm
Văn Xảo tiến đánh Mộc Thạnh để địch quân không còn hi vọng nào nữa khác.
Quân Mộc Thạnh vỡ tan. Nguyễn Trãi lại thảo thư dụ hàng Vương
Thông lần sau chót. Một mặt, lực lượng nghĩa quân tiếp tục đào hào đến tận chân
thành Đông Quan, siết chặt vòng vây. Phía bên trong thành, tướng sĩ quân Minh
ngày đêm nơm nớp lo sợ, họ mong chờ quyết định sau cùng của Vương Thông, một
quyết định duy nhất mà may ra họ có thể trở về quê hương an toàn tính mạng: quyết
định đầu hàng. Và cuối cùng, Vương Thông đã quyết. Toàn bộ nghĩa quân uy nghi tề
chỉnh tiến vào Đông quan, đi đầu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh chủ
chốt.
Trên một gò đất cao ở phía Nam thành Đông quan, Nguyễn Trãi
nhìn bao quát chung quanh. Bây giờ, mùa xuân đang thay màu đổi sắc cho muôn vật,
cỏ cây. Đất nước đã thực sự hồi sinh trở lại trên khuôn mặt tươi cười của những
bà mẹ, những nông phu tươi cười đưa tay chào đón đoàn quân. Bất giác, Nguyễn
Trãi lại thở dài. Mười năm đã trôi qua, ông lại đang mường tượng đến con đường
mười năm trời hành binh không phút nghỉ. Mười năm! ôi mười năm kẻ mất người
còn, và trong niềm vui chiến thắng của muôn dân, ông cũng mường tượng ra những
bà mẹ già khóc con không trở lại, những đứa trẻ bơ vơ, những người phụ nữ khóc
âm thầm khi biết chắc rằng chồng mình đã ra đi vĩnh viễn...
Nguyễn Trãi lại chong đèn bên án thư. Giờ đây, ông say sưa viết
Bình Ngô đại cáo. Nghiên mực kia đã theo ông cả những ngày chiến tranh nơi rừng
sâu núi thẳm, giờ lại cùng tâm hồn ông, cùng khí thiêng sông núi, đọng lại
thành Tuyên ngôn độc lập của Quốc gia. Hòa bình đã thực sự trở về, ông những
mong đem tất cả sở học, đem những trăn trở, suy tư từ bấy lâu nay vào chuyện
kinh bang tế thế, giúp họ Lê ngự trị ngai vàng trong tiếng nhã nhạc thanh bình
và thịnh vượng của muôn dân...
Nhưng việc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ. Đôi khi,
lòng nhiệt tình vì xã tắc lại đem đến tai họa thảm khốc cho con người tâm huyết
đó. Khi Lê Lợi uy nghi trên chín bệ, thì cũng như bao người lãnh đạo khác, lấy
uy quyền làm trọng, lấy sự bảo đảm vương quyền làm đầu, thích được xưng tụng chứ
không thích kẻ giỏi hơn mình. Chúng ta không lạ gì chuyện Hàn Tín bị tiêu diệt
khi cơ nghiệp của Hán Cao Tổ vững vàng. Năm 1429, những đệ nhất công thần như
Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo bị bức hại, nhận lấy cái chết thảm khốc. Bản thân
Nguyễn Trãi bị hạ ngục, sau được tha.
Nguyễn Trãi cáo bệnh xin về Côn Sơn. Vốn làm quan đã vô cùng
liêm khiết, sống thanh đạm, an bần, về đến Côn Sơn, lại càng thêm thanh đạm.
Nhưng ở đây, Nguyễn Trãi sống trong vòng tay của thiên nhiên dang rộng, của lối
xóm ân cần. Nguyễn Trãi có đất trời, cỏ cây, có túi thơ, bầu rượu, có đêm khuya
thơ thẩn cùng trăng, có hàng thông xanh thì thầm nhã nhạc...
Và ông có một cuộc đời an nhiên tự tại xa chốn kinh thành náo
nhiệt phù hoa, xa đỉnh cao quyền lực, nơi ngày càng sinh sôi những kẻ tham quyền,
bầy tiểu nhân nịnh nọt. Phải, ông sẽ có một cuộc đời như thế, nhưng tiếc thay,
ông cứ mãi đau đáu về một phương trời bỏ lại, cái đau đáu của kẻ ăn tằm thì phải
nhả tơ trong cuộc phù sinh.
Ông vẫn những mong được trổ tài kinh bang tế thế, ông vẫn tin
tưởng vào sự đóng góp của mình, nếu được chắp thêm đôi cánh, ông vẫn hy vọng rằng
tấm lòng trung trinh của ông cùng bao người khác sẽ ngăn chận được Tể tướng Lê Sát
cùng bè đảng đang ngày một phát triển của ông này, như Lê Vấn, Lê Ngân, Nguyễn
Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước. Và rồi, Nguyễn Trải trở lại kinh thành bằng tấm lòng phấn
chấn lúc được vua Lê Thái Tôn vời ra giúp nước, sau khi Lê Lợi băng hà.
Tin tưởng vào tấm lòng trong sạch của mình, nên Nguyễn Trãi
chẳng sợ gì bè đảng hèn hạ tham quyền và không từ mọi thủ đoạn hại người của Lê
Sát. Năm 1434, vua Lê Thái Tôn sai Nguyễn Trải viết biểu cầu phong dâng cho vua
nhà Minh. Lúc đó, nội mật viên Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi
lại vài từ. Nguyễn Trãi cương quyết không chịu, lời qua tiếng lại, Nguyễn Trãi
bực bội chỉ thẳng tính cách bất tài của bọn họ, luôn tiện, vạch mặt chỉ tên cả
những hành động chuyên vơ vét nhơ bẩn của bọn chúng. Hiển nhiên, bọn này bẩm lại
với đảng trưởng Lê sát. Bọn chúng càng thêm căm thù Nguyễn Trãi.
Lần khác, Nguyễn Trãi can ngăn vua, xin tha tội chết cho 7 tội
phạm, vua thuận lời, tha chết 5 tên, điều này trái ý với bọn Lê Sát. Chúng lại
càng thâm thù hơn nữa, quyết định nếu có thời cơ sẽ dùng thủ đoạn "nhổ chiếc
gai trong mắt".
Nguyễn Trãi liên tục can ngăn nhà vua trong việc ăn chơi xa xỉ. Hoạn quan Lương Đăng đặt ra lễ nhạc lố lăng, tốn kém trong triều. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Liễu can ngăn vua, chỉ ra tính cách dốt nát của bọn hoạn quan này. Nguyễn Liễu, cũng một tấm lòng trung thực, ghét bọn xu nịnh, tay chân của Lê Sát, nên tức giận mắng xối xả vào mặt Lương Đăng.
Nguyễn Trãi liên tục can ngăn nhà vua trong việc ăn chơi xa xỉ. Hoạn quan Lương Đăng đặt ra lễ nhạc lố lăng, tốn kém trong triều. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Liễu can ngăn vua, chỉ ra tính cách dốt nát của bọn hoạn quan này. Nguyễn Liễu, cũng một tấm lòng trung thực, ghét bọn xu nịnh, tay chân của Lê Sát, nên tức giận mắng xối xả vào mặt Lương Đăng.
Trong khi Lương Đăng cúi gầm chiếc đầu chưa một lần biết nhục
của mình xuống, thừa nhận cái dốt của mình, thì một hoạn quan đầy thế lực khác
bước ra. Đó chính là Đinh Thắng, người cũng có quyền lực và giữ chức vụ cao
trong bè đảng của Lê sát. Hắn lớn tiếng quát Nguyễn Liễu:
- Tội mày đáng chết, dám phê phán cả ý tưởng anh minh của Đức
vua và quát mắng hoạn quan. Tao không chém được đầu mày để rửa nhục cho các hoạn
quan, thà không làm người nữa.
Và Đinh Thắng đã đúng, lời hắn trở thành sự thật. Lê Thái Tôn
nghe lời bọn Lê Sát, xử tội chém đầu Nguyễn Liễu. Nhưng sau nhờ Nguyễn Trãi và
một số quần thần trung thực can ngăn, Nguyễn Liễu bị thích vào mặt và bị lưu
đày nơi rừng thiêng nước độc, kết thúc cuộc đời một con người trí thức trong tủi
nhục sầu đau ở chốn hoang vu sơn cùng thủy tận.
Một lần nữa, Nguyễn Trãi biết mình bất lực. Ôi kinh đô phù
bình biết bao lưới giăng cùng nọc độc, ôi mộng kinh sư điên đảo những tấm lòng.
Ông lại do dự, trù trừ, lại rượu tàn khuya ngao ngán chuyện thế nhân, và rồi đi
đến quyết định sau cùng, vào năm 1438, giã biệt chốn phồn hoa, cáo quan về lại
Côn Sơn nơi có suối khe và
"Tiếng nước chảy rì rầm
Ta lấy làm đàn cầm ngân lên cung bậc
Côn Sơn có đá
Mưa xối trên rêu xanh
Một màu xanh ngan ngát
Ta lấy làm chiếu thảm
Núi ngó núi, ta ngó mình hiu quạnh
Rừng thông ru hoài vọng ngủ yên lành... "
Ta lấy làm đàn cầm ngân lên cung bậc
Côn Sơn có đá
Mưa xối trên rêu xanh
Một màu xanh ngan ngát
Ta lấy làm chiếu thảm
Núi ngó núi, ta ngó mình hiu quạnh
Rừng thông ru hoài vọng ngủ yên lành... "
Nhưng nói thì nói vậy, lòng kẻ sĩ vẫn vấn vương chuyện triều
ca, hoài vọng đóng góp cho quê hương vẫn thỉnh thoảng trở về như mặt hồ kia
không muôn đời yên ả. Giã biệt kinh thành, người vợ trẻ yêu quý, đẹp và tài hoa
của ông là Nguyễn Thị Lộ vẫn phải ở lại giúp việc triều đình với cương vị lễ
nghi học sĩ. Năm 1440, vợ chồng ông lại vô tình kết thêm thù oán nữa.
Lúc bấy giờ, vợ thứ tư của Lê Thái Tôn là Nguyễn Thị Anh đã hạ
sinh được một người con trai tên là Bang Cơ. Một tháng sau, thái tử Nghi Dân,
con của bà vợ thứ ba, bị phế truất, và Bang Cơ được lập làm thái tử. Tiếp đó,
bà vợ thứ năm của Lê Thái Tôn là Ngô Thị Ngọc Dao mang thai. Nguyễn Thị Anh lo
sợ bà này sinh đặng con trai, nên lập mưu vu cáo, đề nghị xử tội voi dày.
Nguyễn Trãi không thể nào làm ngơ được chuyện oan ức này, ông
bàn với Nguyễn Thị Lộ tìm cách kêu oan với vua, cứu người vô tội khỏi tội chết
thảm khốc. Vua Thái Tôn thuận lời, bà Ngọc Dao chỉ bị giam ở chùa Huy Văn (gần
Văn miếu). Sợ rằng Ngọc Dao sẽ tiếp tục bị hãm hại, NGuyễn Trãi đã bí mật nhờ
người đưa Ngọc Dao đi trốn ở An Bang (Quảng Yên). Mối thâm thù của bọn bè đảng
Lê Sát vẫn còn trong lòng bọn chúng, mà giờ đây, Nguyễn Trãi lại kết thù thêm với
Nguyễn Thị Anh!
Năm 1442, Nguyễn Trãi lại vui mừng khi hay tin Lê Thái Tôn
cho vời ra giúp nước trong cương vị cũ, kèm thêm chức vụ Trung thư sảnh tam
quán sự, chuyên coi về văn hóa, giáo dục và lễ nghi trong nước. Nguyễn Trãi nhận
lời vì nghĩ rằng với chức vụ này, mình dễ dàng phát hiện nhiều nhân tài đất nước,
sẽ thiết lập công bằng cho sĩ tử ở các trường thi.
Than ôi, ý nguyện chưa thành thì thảm họa giáng xuống. Quả thật
là Lê Thái Tôn có ý cần người, nên đã ghé Côn Sơn, thăm căn nhà đơn sơ của Nguyễn
Trãi và ân cần hỏi chuyện, thân mật như người một nhà xa cách đã lâu. Đó cũng
là ân huệ cuối cùng trong cuộc đời Nguyễn Trãi, mà tai họa đã âm thầm ẩn núp
bên trong.
Trong chuyến xa giá trở về, Nguyễn Thị Lộ cùng ở trong đoàn,
được thăng chức nữ học sĩ, tương lai được vào ra nơi cung cấm, dạy dỗ cung
nhân. Nàng có biết đâu đó chính là chuyến đi cuối cùng của đời mình vào tiền
khiên oan trái, vào tra tấn cực hình, một chuyến đi tiền trạm để đưa cả dòng tộc
Nguyễn Trãi ra pháp trường, máu văng tung tóe, oán khí tận trời xanh.
Lê Thái Tôn đột nhiên qua đời khi xa giá dừng lại nghỉ ở Lệ
Chi viên. Quan phụ chính nói rằng chính Nguyễn Thị Lộ đã đầu độc vua. Nguyễn
Trãi bị bắt khi ông chuẩn bị lên kinh nhậm chức. Nguyễn Trãi trở về triều àm
lòng kinh hãi, ông bị giam vào ngục tối, không ai nghe lời ông minh oan. Ông chỉ
còn biết ngẩng mặt lên trời mà than:
- Xin trời xanh soi xét cho tấm lòng này ngay thật. Ta đã bị
hàm oan, ôi mệnh trời cay nghiệt! Chỉ mong sao người đời sau tỏ tường phải
trái!
Giờ đây, vợ chồng ông như miếng mồi ngon giữa bầy lang sói.
Chúng cố tình ép cung vào tội nặng nhất. Trước sau, suốt cả thời gian tra tấn,
người ta chỉ cố hỏi một điều:
- Con đàn bà kia, có phải chồng ngươi đã bày mưu tính kế cho
ngươi giết hại Đức Vua?
Lúc bấy giờ, Thái tử Bang Cơ lên ngôi, lúc hãy còn hai tuổi.
Bà Nguyễn Phi (tức Nguyễn Thị Anh) ở bên vua mà chấp chính cùng bọn nịnh thần
gian xiểm. Mụ đàn bà ác độc này đã sai đánh Nguyễn Thị Lộ đến thịt nát xương
tan, mấy phen chết đi sống lại. Có kêu oan cũng chịu, càng kêu oan càng đánh, mụ
đứng nhìn Thị Lộ nát thịt tan xương mà trong lòng hả hê vô cùng. Mụ sai quan ép
cung cho đến chừng nào nhận tội mới xong.
Sau cùng, bọn chúng cũng khép được vào tội tru di tam tộc cho
Nguyễn Trãi. Ở pháp trường, không ai dám tỏ ra thương xót lộ liễu. Có kẻ buộc
miệng than rằng: oan quá, cũng bị hạ lệnh chém ngay.
Mười năm băng rừng vượt núi, đem hết tài trai cứu nước cứu
dân, những tưởng đem lại ấm no cho con cháu, nào ngờ đâu họ cũng phải vạ lây. Tất
cả con cháu trai nội ngoại, kể cả kẻ còn thơ dại, tất cả đều gục xuống dưới bàn
tay đao phủ, chỉ một ít con cháu gái còn sống sót, nhưng phải chịu án làm tì
thiếp, làm nô lệ trọn đời.
Hai mươi năm sau ngày nhân dân chứng kiến cái chết tang
thương của một bậc trung hầu nhân đức, may thay, vua Lê Thánh Tôn nghiên cứu lại
cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, ông đã nói cùng quần thần:
- Đáng tiếc thay, Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần mà cả
triều đình ta không ai sánh kịp. Ông đã giúp đức Thái Tổ đánh tan quân giặc, và
thời bình, ông đã giúp đức Thái Tôn chăm sóc cho dân một cuộc sống thái bình thịnh
trị. Kẻ gian kia đã bày mưu hãm hại một trung thần!
Lê Thánh Tôn tức là con trai của Ngọc Dao, xưa kia đã từng được
Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi cứu thoát. Trong bài "Quỳnh Uyển ca", nhà vua
đã hạ bút:
"Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo",
có nghĩa là: Lòng Ức Trai (hiệu của Nguyễn Trãi) sáng tợ như
sao khuê. Vâng, cả cuộc đời ông chính là một ngôi sao tỏa sáng, dù những đám
mây đen kia có tạm thời che khuất, ánh sao kia vẫn sừng sững giữa bầu trời, có
lúc lại bừng lên trong đêm tối...
Tài liệu tham khảo:
[1] Đại Việt sử ký toàn thư
[2] Lam sơn thực lục
[3] Nguyễn Trãi toàn tập, NXBKH, Hà Nội, 1969
[4] Trần Huy Liệu, Nguyễn Trãi, NXBKH, 1976
[5] Danh nhân đất Việt, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1989.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư
[2] Lam sơn thực lục
[3] Nguyễn Trãi toàn tập, NXBKH, Hà Nội, 1969
[4] Trần Huy Liệu, Nguyễn Trãi, NXBKH, 1976
[5] Danh nhân đất Việt, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1989.
Đà Nẵng, 2008
Nguyễn Văn Nho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét