Tuổi thơ tôi qua bốn mùa hoa
Tôi sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung với hai mùa
mưa và nắng. Tôi đã từng mơ được về thăm thủ đô, nơi có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Cũng từng
mơ đặt chân đến mũi Cà Mau, cực Nam của tổ quốc hay chinh phục Fansipan, nóc
nhà Đông Dương…
Khi tôi vu vơ kể ba nghe về mơ ước của mình, ba chỉ cười và
hát nho nhỏ:
“Rạng sớm hôm trên những cánh đồng
Gọi gió đưa hương lúa thơm nồng
Gọi nắng về có cả mồ hôi trên áo em thắm màu
Gọi tiếng chim về trên đất mẹ
Gọi nắng xuân về thêm ước vọng…”
Gọi gió đưa hương lúa thơm nồng
Gọi nắng về có cả mồ hôi trên áo em thắm màu
Gọi tiếng chim về trên đất mẹ
Gọi nắng xuân về thêm ước vọng…”
Ba nói, phương Bắc - địa đầu tổ quốc, cuối năm lạnh giá, xuân
đến là những cánh đào bung nở. Phương Nam - nắng mưa thất thường, xuân về là
mai vàng khoe sắc. Màu đỏ hoa đào tượng trưng cho sự ấm no, may mắn và ấm áp giữa
giá lạnh. Màu vàng hoa mai là nắng nhẹ đầu xuân, tượng trưng cho sự bền vững,
thành công và năm mới. Quê tôi - nơi cuộc sống và mưu sinh bằng việc đồng áng
thì mùa xuân là mùa của “hoa lúa”. Trải qua mùa đông lạnh lẽo, mưa gió rát
mặt nhưng những hoa lúa căng mọng vẫn kiên cường đối mặt với thiên nhiên khắc
nghiệt, đợi xuân về tỏa ngát cả đường làng.
“Hoa lúa” chắc chỉ có những người như ba - cả đời bán mặt
cho đất, bán lưng cho trời mới nghĩ vậy! Mỗi sáng sớm, tôi thường chạy ùa ra
cánh đồng, mở toang lồng ngực, thỏa thuê hít thở hương lúa. Hương lúa ướp mật
vào tóc con gái dậy thì, theo tôi vào giấc ngủ và cả những ước mơ mãi đến bây
giờ. Khi có dịp về nhà vào đầu Xuân, tôi vẫn cùng lũ bạn thuở nhỏ, chạy ra cánh
đồng cạnh nhà ngắm cho thỏa “hoa lúa quê hương”, gọi xuân về rộn rã. Nhắm
mắt, hít thật sâu, tận hưởng mùi thơm dịu nhẹ, không giống bất cứ loài hoa nào.
Những “hoa lúa” căng mọng, trĩu nặng qua mùa xuân, thành những hạt
lúa óng mượt, vàng ươm là niềm vui của biết bao người nông dân bội thu mùa gặt.
Nếu có quyền, nhất định tôi chọn hoa lúa làm quốc hoa của Việt Nam.
“Tôi có người vợ trẻ đẹp như Thơ
Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín” (Yên Thao)
Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín” (Yên Thao)
Mùa hè, quê tôi đón những tia nắng gay gắt và hanh khô. Mùa
mà ba mẹ tôi mỗi sáng ra đồng phải mang rất nhiều nước uống và nón che. Mùa mà
tôi được “trốn học hợp pháp” theo ba mẹ nghịch phá thỏa thích. Mùa mà
khi lớn hơn tôi đã tiếc nuối, ước gì được quay trở lại. Khi cánh phượng hồng hé
nở là lúc tôi phải chia tay bạn bè, xa trường lớp, thầy cô, xa thời học sinh
ngây ngô để chuẩn bị cho mình một hành trang mới. Phượng, loài hoa đỏ, mỏng
manh như cánh bướm, chỉ nở vào mùa hạ. Tôi đã đôi lần ngại ngùng nhặt những
cánh phượng rơi ép vào lưu bút để trao tay cậu bạn cùng lớp.
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.
(Đỗ Trung Quân)
Những cánh phượng hồng e ấp của mùa hè qua đi là lúc miền
Trung đón chờ mùa thu mưa dầm, rả rích. Mưa miền Trung không thất thường
như miền Nam, cũng chẳng nặng hạt như miền Bắc, mà dai dẳng từ ngày này qua
ngày khác. Những ngày mưa sẽ tẻ nhạt biết nhường nào nếu thiếu những ngày tôi đạp
xe đi học qua khúc quanh thơm ngát mùi hoa sữa.
Hoa sữa nở thành từng khóm nhỏ, óng ánh trong những hạt mưa
thu, tỏa hương nồng nàn vấn vương khó tả, ai vô tình gặp sẽ nhớ mãi không quên.
Chính sự nồng nàn thái quá đến nao lòng mà hoa sữa đôi lần làm người ta khó chịu
và ganh tỵ bởi mùi thơm đặc sệt hơn những loài hoa khác. Tôi giống ba, yêu hoa
sữa, yêu hương thơm phảng phất trong cơn mưa đầu thu. Nếu con đường từ nhà đến
trường mỗi sáng mùa thu thiếu vắng mùi hoa sữa, sẽ thiếu đi những kỉ niệm đẹp
tuổi học trò.
Mùa đông, lục bình tím thủy chung lững lờ trôi theo dòng nước,
mộc mạc và đậm chất quê. Đây là loài hoa duy nhất “biết đi” và “vừa
đi vừa nở”, là loài hoa báo lũ ở miền Trung.
“… Trót làm cánh bèo xanh trôi nổi
Hoa tím buồn lắm nỗi gian truân
Sông sâu nước lớn xoay vần
Chơi vơi ngọn sóng làm thân lục bình…”
Lục bình là loài hoa lãng tử, suốt đời bồng bềnh không bến đỗ.
Mỗi độ dòng sông quê nhấp nhô những cánh lục bình, là lúc xóm nhỏ ven sông vào
mùa bão lũ. Tuổi thơ tôi đã bao lần chứng kiến mẹ tôi vất vả chống chọi bão lũ,
ba loay hoay che chắn cho đàn heo mới sinh và đàn gà con vừa nở. Dù vậy, tôi rất
yêu màu tím thủy chung, hiền hòa của loài hoa vô định ấy, yêu luôn cả cách trôi
lững lờ phiêu bạt. Có lần, đầu nguồn sông Ba nước dâng cao, lục bình trôi phủ
tím cả dòng sông. Năm ấy lũ kéo về nhanh và dữ dội lắm, những người dân “trốn
lũ” có kinh nghiệm cũng bất ngờ. Cơn lũ đi qua, nước rút tới đâu dọn nhà tới
đó. Ngày còn bé, tôi chỉ biết ngồi trên tấm phản lớn nhìn mẹ quét quét, dọn dọn
đến phỏng cả tay, mỏi cả lưng.
Căn nhà nhỏ bên sông đã hơn hai mươi năm chống chọi với nước
lũ, vẫn vững vàng nhìn dòng chảy hung tợn của con sông hiền hòa. Con xóm nhỏ
bên sông giờ đây chẳng còn bình yên như xưa. Sau cơn lũ ấy, tất cả bị tàn phá,
nhà cửa bị cuốn trôi, khung cảnh hoang tàn. Riêng lục bình vẫn như thế, lại
theo dòng nước trôi về nơi xa:
“… Lục bình vẫn ê chề nơi đó
Hoa tím buồn như tỏ lòng ai
Hoa tím buồn như tỏ lòng ai
Cánh mỏng xơ xác tàn phai
Mặc dòng đưa đẩy sông dài bấp bênh…”
Mặc dòng đưa đẩy sông dài bấp bênh…”
Câu chuyện ngây ngô bốn mùa hoa của tôi với ba vẫn chưa có hồi
kết vì trong mắt ba tôi thấy đượm màu buồn. Chắc ba vẫn còn vương vấn mùa lục
bình năm ấy - loài hoa mang nỗi lo của bao người miền Trung.
Quê hương tôi, bốn mùa hoa, chất chứa cả trời ký ức tuổi thơ.
Bởi có giọt mồ hôi của mẹ, có sự vất vả của ba. Không phải nổi bật, đặc trưng
như các loài hoa phương Bắc, cũng không kiêu sa như bao loài hoa phương
Nam, nhưng quê tôi có những mùa hoa mà chỉ người con xứ Nẫu mới hiểu, mới cảm
và mới yêu da diết như hơi thở chính mình.
20/4/2019
Theo https://www.luavietours.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét