Sức bứt phá của mùa xuân
Với người Việt Nam, chu kỳ một năm 12 tháng cùng bốn mùa Xuân -
Hạ - Thu - Đông thực sự quan trọng. Đó là một chu trình không chỉ của vũ trụ mà
của lòng người, của sự vận hành cuộc sống. Theo đó 4 mùa trong năm đều có những
đặc trưng và dự vị riêng chi phối công việc và cảm xúc con người. Mùa xuân ở Việt
Nam thật sự chứa đựng ý nghĩa đặc biệt. Trong bốn mùa của năm mùa nào cũng đẹp
thì mùa xuân có sức sống mãnh liệt hơn cả, truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn cả và có
sức cuốn hút hơn cả. Có thể cắt nghĩa những ưu thế của mùa xuân bằng nhiều điều,
nhưng căn bản hơn cả là từ sức bứt phá của mùa xuân. Sức bứt phá của mùa xuân
được hội tụ từ nhiều phía trở thành sức mạnh có tính ma lực của một mùa được
coi như chúa của các mùa trong năm.
Sức bứt phá từ ý chí con người: Mùa xuân ở Việt Nam thường
trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch tức từ tháng chạp đến
tháng ba âm lịch trong năm. Đây là thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Thời
điểm mà con người và xã hội cần hoàn thành những chương trình đã định của một
năm sắp qua và khởi đầu cho những dự định và kế hoạch của một năm sắp tới. Khỏi
phải nói sự kết thúc và bắt đầu luôn đặt ra những quyết tâm và cảm xúc cho con
người và xã hội như thế nào. Sức mạnh tiềm ẩn vừa có tính bản năng vừa có tính
nhận thức của con người là ý chí quyết tâm và cảm xúc chiến thắng. Trong thời
điểm cuối năm và đầu năm là thời điểm giao thời đòi hỏi những bứt phá quyết liệt.
Điều đó làm cho con người có sức mạnh hơn lúc nào hết. Họ nhìn nhận, đánh giá,
xác định, dồn sức cho những công việc còn dang dở để hướng tới sự trọn vẹn. Họ
háo hức bước tiếp hoặc hoạch định những nội dung chương trình mới để bước lên
những tầm cao mới. Với một tâm lý như vậy, con người của mùa xuân là con người
của sức mạnh. Một sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần nhằm bứt phá để hoàn
thành và tạo những nấc thang mới.
Sức bứt phá từ thiên nhiên đất trời: Việt Nam thuộc nước
nhiệt đới, khí hậu khắc nghiệt, các mùa trong năm được phân định rõ ràng bởi thời
tiết, khí hậu, thiên nhiên. Có thể nói với Việt Nam, mùa nào trong năm cũng có
ưu thế và hạn chế riêng của nó. Trong cái ưu thế và hạn chế chung đó mùa đông
và mùa xuân gần như ở hai thái cực của nhau. Lại là hai mùa nối tiếp nhau. Những
khắc nghiệt của mùa đông, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía bắc thật rõ. Khi
mùa đông đến, khí hậu thời tiết đầy thách thức đối với con người và vạn vật. Do
ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên có những đợt rét giá kéo dài kèm theo sương
muối, tuyết rơi. Sức khỏe con người bị đe dọa nghiêm trọng với nhiều loại bệnh
tật, sự đi lại bị hạn chế, sự nối kết như bị giãn ra, sức sống cộng đồng như bị
thuyên giảm. Vạn vật kém phát triển, thiên nhiên cây cỏ hoa lá úa tàn. Vật nuôi
cây trồng có khi bị ảnh hưởng đến mức tàn khốc. Trên nền của sự hắt hiu hoang
tàn của mùa đông, mùa xuân đến mang theo không khí ấm áp, nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng
cho cuộc sống và vạn vật. Sau bao ngày mặt trời trốn chạy nay xuất hiện soi tỏa
nguồn ánh sáng ấm áp rạng rỡ cho không gian. Những làn mưa xuân giăng rãi như vỗ
về thiên nhiên vạn vật sau bao ngày “bị đối xử tàn nhẫn”. Con người như được
thoát ra từ cái vỏ bọc khô cứng từ bên ngoài cơ thể đến bên trong tâm hồn… Sự
thay đổi của khí hậu, thời tiết làm thay đổi cả cuộc sống con người. Trước cái
nắng ấm áp của mùa xuân đẩy lùi cái giá lạnh hắt hiu của mùa đông lòng người
như được sưởi ấm lan tỏa. Trước cái sức sống bời bời của thiên nhiên và vạn vật
con người như được truyền thêm sức sống mãnh liệt. Những hứa hẹn về cuộc đời,
tình yêu dâng trào. Những hy vọng về một năm mới với nhiều thành quả tốt đẹp. Tất
cả như được lột xác. Để rồi, đất trời cứ óng ả nồng ấm, con người cứ hối hả yêu
thương, thiên nhiên cứ lên hương ngút ngát, cỏ cây hoa lá đua nhau nẩy lộc đâm
chồi. Sức sống, sức hồi sinh của mùa xuân thật là vô cùng vô tận. Đó chẳng phải
là sự bứt phá kỳ diệu của mùa xuân!
Sức bứt phá từ tình người, tình đời, tình yêu lứa đôi: Mùa
xuân là mùa của tình đời, tình người, tình yêu lứa đôi. Mùa xuân thổi vào lòng
người biết bao cảm xúc nồng nàn, thăng hoa: Mùa xuân có tết cổ truyền, mùa của
lễ hội, mùa của tình yêu, mùa của thi ca… Bấy nhiêu làm cho lòng người náo nức,
tràn trề năng lượng. Cái tết cổ truyền Việt Nam với những nét nhân văn, bản sắc
như chiếc lạt buộc thắt tình người từ bao nhiêu đời nay. Tết của tình thân, tết
của cộng đồng, tết của sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ. Dù đi xa đến đâu, dù
nghèo đến mấy tết là sự xum họp, là sự hướng về gia đình, tổ tiên, cội nguồn.
Dù hạnh phúc hay khổ đau, dù mặn mà hay tẻ nhạt tết là nghĩ đến nhau, là sự vun
đắp. Dù còn nhiều điều chưa vui, nhiều điều đáng trách tết là sự thể tất, bỏ
qua… Cứ thế, cứ thế tết là niềm vui, là sự thức dậy tình người, tình đời. Thế rồi,
mùa xuân cũng là mùa lễ hội, mùa thức dậy những giá trị văn hóa tinh thần và
văn hóa tâm linh khiến con người tự gắn mình với quá khứ, hiện tại, tương lai của
cộng đồng, dân tộc. Những giá trị thiêng liêng như một sợi dây vô hình, hữu hiệu
sưởi ấm và gắn kết tình người, tình đời. Mùa xuân, sức xuân làm nảy nở, thức dậy
bao tình yêu lứa đôi. Đơm hoa kết trái trong mùa xuân,tình yêu lứa đôi như cái
duyên của đất trời, của cuộc đời. Mùa xuân cho họ sức sống, gắn kết, hạnh phúc,
thăng hoa.
Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân của mỗi năm, mùa xuân của muôn đời.
Thế nhưng mùa xuân không bao giờ cũ, trái lại mùa xuân luôn mới với sức bứt phá
kỳ lạ. Sức sống của mùa xuân luôn thổi vào mỗi con người, mỗi cuộc đời một niềm
tin sức sống mới. Từ trong giá rét, mùa xuân về mang lại cho con người và cuộc
sống nhiều cảm xúc thăng hoa, bằng một sức bứt phá lạ kỳ.
3/2/2019
Lộc Bích Kiệm
Nguồn: Văn nghệ số 4+5+6/2019
Theo http://baovannghe.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét