Trung Hoa là xứ sở với thời tiết có đủ bốn mùa
trong năm: xuân, hạ, thu, đông. Có lẽ mùa xuân được nhắc nhở nhiều trong
thơ văn của họ, mặc dầu người Trung Hoa có những thú hưởng thụ trong bốn mùa:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
(Xuân chơi miền cỏ thơm
Hạ thưởng hồ sen biếc
Thu nhắm rượu cúc vàng
Đông ngâm thơ tuyết bạc)
Nhưng hồn xuân vẫn bộc lộ trong
những thú hưởng lạc ấy của con người. Mùa xuân là mùa hồi sinh của vạn vật. Cây
trổ lộc đơm hoa, đồng cỏ khô héo trong mùa đông trở nên xanh tốt. Người
Trung Hoa thường có hội “đạp thanh” (dẫm trên cỏ xanh) hàng năm, vào tiết thanh
minh:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh (Kiều)
Cỏ xanh tốt trên những cánh đồng
bao la biểu hiện sức sống mãnh liệt, sự trường tồn, vươn lên, bất khuất của
muôn loài trong thiên nhiên.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa (Kiều)
Màu xanh của cỏ, màu trắng của
hoa lê, hai màu hòa hợp làm nổi bật sắc thái tươi đẹp của mùa xuân. Cỏ là
loài cây có tính sinh tồn mạnh mẽ, vượt qua mọi hoàn cảnh sinh tử:
Ly ly nguyên thượng thảo
Nhất tuế nhất khô vinh
Dã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh
(Bạch Cư Dị)
(Cỏ trên đồng bát ngát
Hàng năm lượt khô xanh
Lửa thiêu không cháy sạch
Gió xuân về nẩy sinh)
Cỏ xanh tươi, mượt mà trong mùa
xuân lại là nguồn cảm hứng cho thi nhân:
Viễn phương xâm cổ đạo
Tình thúy tiếp hoang thành
Hựu tống vương tôn khứ
Thê thê mãn biệt tình
(Thảo - Bạch Cư Dị)
Xa dài thơm ngát lối
Tạnh mưa biếc gợn thành
Vương tôn lại tiễn bước
Lai láng nỗi ly tình
(Cỏ - Bạch Cư Dị)
Cỏ là cái nền mà hoa là những
nét chấm phá của bức tranh xuân. Xuân đến, muôn hoa nở rộ. Người ta dạo
chơi miền cỏ thơm, uống rượu xem hoa, như Lưu Vũ Tích trong bài “Ẩm tửu
khán mẫu đơn” (Uống rượu xem hoa mẫu đơn):
Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai
(Hôm nay bên hoa uống
Say sưa vài chén qua
Chỉ buồn hoa biết nói
Nở đâu vì tuổi già)
Hoặc người ta thưởng ngoạn hoa
mai. Mai là một trong bốn loại cây quý (tứ hữu): mai, lan, cúc,
trúc. Mai thường nở hoa đầu xuân, ở Việt Nam, vào dịp Tết nguyên đán,
cùng lượt với hoa đào.
Ở Trung Hoa, người ta thường có
cái thú “ đạp tuyết tầm mai” (dẫm tuyết tìm mai), nghĩa là dạo chơi
trong mùa tuyết để ngắm hoa mai nở đẹp trong mùa xuân.
Hoa mai và quả mai (mơ) thường
tượng trưng cho mùa xuân và tuổi trẻ, cũng như hoa đào và quả đào (mận) vậy:
Quả mai ba bảy đương vừa
Đào non sớm liệu xe tơ
kịp thì (Kiều)
- Đào hồng hựu kiến nhất niên
xuân (Đường Thi)
(Đào (nở) hồng lại thấy một mùa
xuân)
Những bậc danh sĩ một khi lánh
đời, tìm nơi ẩn dật ở chốn lâm tuyền thường lấy cỏ cây, chim muông làm bạn,
cũng là một cách hưởng thụ xuân đời, như Nguyễn Du khi hết vướng bận với quan
trường:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ hạc là người quen
Hoa đào nở vào mùa xuân còn được
xem như là biểu tượng của tình yêu. Thôi Hộ, một thi nhân đời Đường, tình
cờ đi ngang qua cửa một vườn nhà, say sưa ngắm giai nhân đứng bên gốc
đào. Năm sau trở lại không thấy người đẹp. Ông buồn lòng ghi lại cảm
xúc trong bài thơ:
Khứ niên kim nhật thử
môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Ngày này năm ngoái bên hiên
Má hồng soi ánh hồng bên hoa
đào
Má hồng nay vắng tăm hao
Thiên huyền thoại về hai chàng
Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi chơi núi Thiên Thai, men theo rừng đào tình
cờ gặp các tiên nữ rồi sống với họ trong một thời gian. Sau nhớ quê trở về
thì cõi trần đã trải qua hàng trăm năm. Lưu Nguyễn tìm đường trở lại Thiên
Thai, mong nối lại cuộc sống cũ thì động tiên không còn nữa. Hoa đào hiện
diện trong thơ Tào Đường, mô tả cuộc gặp gỡ kỳ thú của hai chàng Lưu Nguyễn:
Bất tri thử địa quy hà xứ
Tu tựu Đào nguyên vấn chủ nhân
(Đây thuộc về đâu ai ấy chủ
Nguồn Đào muốn đến hỏi thăm
nhau)
Ngọc sa dao thảo
duyên khê bích
Lưu thủy đào hoa mãn giản hương
(Cát nâng bờ cỏ ven khe biếc
Nước cuộn hoa đào ngát suối
trôi)
Đào hoa lưu thủy y nhiên tại
Bất kiến đương thời khuyến tửu
nhân
(Hoa đào nước chảy còn trơ đó
Đâu bóng người xưa chuốc chén
say
Mùa xuân hồi phục thiên nhiên,
làm tươi trẻ cuộc đời, tạo dịp vui sống cho con người. Nhà thơ Lý Bạch
cùng bạn hữu nhóm họp, mở tiệc trong vườn đào lý:
“Huống dương xuân triệu ngã dĩ
yên cảnh, đại khối tá ngã dĩ văn chương, hội đào lý chi phương viên tự thiên
luân chi lạc sự...” (Huống chi ngày xuân hiến ta cảnh đẹp, đất trời cho mượn
nguồn văn, họp mặt vườn thơm đào mận, niềm vui từ nơi đạo lớn...)
Nhóm thi nhân nầy quan niệm cuộc
đời chỉ là hư ảo và họ chỉ muốn tận hưởng niềm vui xuân như người xưa, đốt đuốc
chơi đêm, vầy tiệc, uống rượu, làm thơ.
“Nhi phù sinh nhược mộng vi
hoan kỷ hà? Cổ nhân bỉnh chúc dạ du lương hữu dĩ dã... Khai quỳnh
diên dĩ tọa hoa, phi vũ trường nhi tuế nguyệt. Như thi bất thành, phạt
y kim cốc tửu số.” (Mà kiếp phù sinh như mộng, vui được bao
nhiêu? Người xưa đốt đuốc chơi đêm, quả điều hay vậy... Mở tiệc quỳnh ngồi
ở bên hoa, tung chén cánh say lả dưới trăng. Thơ làm chẳng xong,
phạt đúng số rượu ở vườn Kim.)
Mùa xuân quá quyến rủ con người
với nắng ấm, với trăng thanh gió mát. Cho nên vào dịp nầy, Lý Bạch không những
vầy bạn cùng uống rượu để tìm hứng cảm cho thơ, giải buồn muôn thuở:
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi...
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn
cổ sầu
(Ba trăm chung đánh ngã một
hơi...
Uống cho vạn cổ sầu vơi)
Mà khi thấy trăng đẹp chiếu
trên đá, ông cao hứng tự chuốc rượu cho mình:
Đối thử thạch thượng nguyệt
Trường túy ca phương phi
(Đối bóng trăng trên đá
Say hát khúc phương phi)
Ông uống say mèm, đến khi tỉnh
giấc chẳng biết hôm ấy là ngày nào, chỉ nghe tiếng chim hót trong hoa, gió xuân
thoang thoảng:
Giác lai phán đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
(Tỉnh dậy trông sân trước
Tiếng chim hót trong hoa
Hôm nay ngày nào nhỉ
Gió xuân thoảng oanh ca)
Cảnh xuân nhiều vẻ, trong thơ
cũng không ít màu sắc, hình ảnh, ý tưởng được phô diễn đa dạng. Lý Bạch
vui xuân với tâm hồn phóng khoáng, đầy tính chất hưởng lạc, bởi vì ông xem cuộc
đời như một giấc mộng lớn:
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
(Đời như giấc mộng lớn
Sống lao đao làm gì?)
Khác với Lý Bạch, Đỗ Phủ một đời
lận đận trên đường bôn ba, thời loạn cũng như thời bình, xa gia đình xứ sở, ông
nhìn xuân với nhãn quan của một người ưu thời mẫn thế:
Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiền lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hỏa liên tam nguyệt
Gia thư để vạn câm
(kim)
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trâm
(Xuân vọng)
(Nước mất còn sông núi
Thành xuân cây cỏ cao
Cảm đời hoa rơi lệ
Hận biệt lòng chim đau
Khói lửa liền ba tháng
Thư nhà đắt giá sao
Bạc đầu tóc ngắn gãi
Không dễ búi cài đâu
(Trông Cảnh Xuân)
Cái tinh thần “tiên ưu thiên hạ
chi ưu” (lo trước cái lo của thiên hạ) này, vẫn từng có ở danh tướng Trần Quang
Khải (đời Trần) dù đến tuổi già vẫn tưởng nghĩ đến ơn vua nợ nước, nói lên lòng
cảm khái trong buổi ngày xuân:
Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện
Ân ba hải khoát túng lân
trì
Sinh bình đởm khí luân huân tại
Giải đảo đông phong nhất phú
thi...
Khư sầu lại hữu tam bôi tửu
Phủ kiếm du du ức cố sơn
(Xuân Nhật Hữu Cảm)
(Nước cũ hồn mơ chim mỏi cánh
Ơn xưa bể thẳm cá chùng vây
Bình sinh chí khí giờ chưa nhụ
u
Quật gió xuân xoay xướng vận
hay...
Tiêu sầu những cậy ba chung rượu
Gõ kiếm non xưa vọng nhớ về)
Văn nhân không có được cái “đởm
khí” của bậc danh tướng, xuân đến chỉ cảm thấy nỗi buồn xa nhà, xa người thân
và nỗi lụy thân vào vòng danh lợi, như Nguyễn Du từng than thở:
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên
Hồng lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
(Xuân hứng một trời nhà ai rụng
Quỳnh Châu muôn dặm cảnh quây
quần
Nhà tan ngàn Hống lìa huynh đệ
Hận chất đầu phơ vút tháng năm)
Anh hùng tâm sự hoang trì sính
Danh lợi doanh trường lụy tiếu
tần
Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo
Đoàn thành thành hạ nhất triêm
cân
(Nản chí anh hùng rong ruổi bước
Lụy thân danh lợi buộc lơi vòng
Lòng người sầu não xuân tươi thắm
Thành Lạng vành khăn đẫm lệ
ròng)
Vui buồn lúc xuân đến tùy theo cuộc
sống và cảnh ngộ của mỗi người. Có người lên núi ngắm cảnh trăng sáng đêm xuân
và cảm thấy thú vị, như Vu Lương Sử:
Thưởng ngoạn da vong quy
Cúc thủy nguyệt tại thủ
Lộng hoa hương mãn y
(Non xuân lắm vẻ đẹp
Nhìn ngắm đêm quên về
Đầy tay trăng nước vốc
Thưởng hoa áo hương đầy)
Bạch Cư Dị thích ngắm cảnh hồ
xuân ở Hàng Châu với tình luyến:
Hồ thượng xuân lai tự họa đồ
Loạn phong vi nhiễu
thủy bình phô...
Vị năng phao đắc Hàng Châu khứ
Nhất bán câu lưu thị thử hồ
(Xuân đến trên hồ đẹp tựa tranh
Nước phô gương lặng núi vây
quanh...
Hàng Châu chưa nỡ rời đi được
Một nửa luyến lưu hồ nước xinh)
Với tinh thần “cư an tư
nguy” (ở nơi yên nghĩ đến chỗ nguy), Đỗ Phủ vẫn thường lo đời, thấy mưa đêm
xuân thì mừng với tiết mưa thuận gió hòa, đem lại cảnh an lạc, trong bài “Xuân
dạ hỉ vũ” (Đêm xuân mừng mưa):
Hảo vũ tri thời tiết
Đương xuân nãi phát sinh
Tùy phong tiềm nhật dạ
Nhuận vật tế vô thanh
(Mưa lành hay thời tiết
Nẩy sinh buổi đang xuân
Vào đêm ngầm theo gió
Muôn vật lặng thấm nhuần)
Vốn là nhà thơ lãng mạn, Lý Bạch
thích tán dương vẻ đẹp của giai nhân, mượn cảnh xuân để mô tả vẻ đẹp của họ, đặc
biệt là Dương Quý Phi, trong bài “Thanh Bình Điệu”:
Vân tưởng y thường hoa tưởng
dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Giải thức xuân phong vô hạn hận
Trầm hương đình bắc ỷ lan can
(Mây ngờ xiêm áo hoa dung nhan
Sương đượm nồng hoa, hiên gió
xuân
Trong gió xuân tan niềm oán hận
Đình Trầm hương bắc, tựa lan can)
Nguyễn Du, một tài thơ của đất
Việt, đã diễn đạt rất thần tình vẻ đẹp của hai nàng tố nga bằng những ý thơ đậm
màu sắc xuân:
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn
mười
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở
nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường
màu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân
sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém
xanh...
hoặc: Xuân lan thu cúc mặn
mà cả hai... (Kiều)
Mai, tuyết, trăng, mây, hoa, liễu, thu thủy,
xuân sơn, xuân lan, thu cúc... đều là những yếu tố đặc biệt của hai mùa (xuân,
thu) đẹp nhất trong năm.
Nguyễn Du cũng từng mô tả lễ hội
trong mùa xuân với nhịp sống vui tươi rộn rịp của du khách:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi
xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo
quần như nêm...
Và cảnh đẹp nhất trong ngày hội
ấy là cuộc gặp gỡ giữa đôi người trẻ, “người quốc sắc kẻ thiên tài”, giữa một
khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ánh xuân:
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu
bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài
thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm
non da trời
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự
tình
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành
dao...
(Kiều)
Nguyễn Công Trứ cho rằng xuân
là mùa quý nhất trong bốn mùa, một khắc đêm xuân đáng giá nghìn vàng:
Hội đạp thanh xa mã dập dìu
Nghìn vàng một khắc xuân tiêu
(Cảnh Xuân)
Người ta vui đón lúc xuân mới
sang và không khỏi buồn tiếc lúc xuân tàn:
Lạc hoa phi nhứ thành xuân mộng
Thặng thủy tàn sơn dị tích du
(Mộ xuân hoài cảm - Đái Thúc
Luân)
Cảm xúc nhất là lúc cuối xuân,
khách đi xa về thăm nhà thấy cảnh vật hoang vắng, tiêu sơ, chỉ còn khóm trúc
xanh chờ đợi chủ về ngắm đỡ buồn:
Cốc khẩu xuân tàn hoàng điểu hi
Tân di hoa tận hạnh hoa phi
Thỉ liên u trúc sơn song hạ
Bất cải thanh âm đãi ngã quy
(Mộ Xuân Quy Cố Sơn Thảo Đường - Tiền
Khởi)
Cửa động xuân tàn oanh yến thưa
Tân di cạn lứa hạnh phai vừa
Cảm thương khóm trúc bên song ấy
Vẫn bóng xanh chờ đón chủ xưa
(Cuối Xuân Về Nhà Trên Núi Cũ)
Không phải chỉ cảnh xuân tàn
người ta mới thấy buồn. Lúc xuân đến, thăm lại ngôi nhà hoang vắng với cảnh
vật vô tình, cái cảm giác bâng khuâng ngậm ngùi lại càng tăng gấp bội:
Lương viên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa
(Sầm Tham - Sơn Phòng Xuân Sự)
Xao xác vườn Lương lượn quạ chiều
Nhà xa dăm mái ngó tiêu điều
Cây sân, người vắng, sao hờ hững
Xuân đến hoa xưa lại nở nhiều
(Cảnh Xuân Nhà Trên Núi)
Vua Trần Thánh Tôn (đời Trần)
khi dạo vườn trong cung thấy hoa xuân nở, buồn nhớ người xưa:
Môn không trần yểm kính sinh
đài
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng
lai
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn
Xuân hoa như hử vị thùy khai
(Cung Viên Xuân Hoài Cựu)
Đường rêu bụi phủ cửa bên ngoài
Hiu quạnh ngày thưa kẻ vãng lai
Nghìn tía muôn hồng đua sắc thắm
Hoa xuân còn đó nở vì ai?
(Vườn Cung Xuân Nhớ Người Xưa)
Cảnh xuân làm vui người vô sự,
nhưng lại làm buồn nhiều cho những người sống trong cô đơn, phòng không gối chiếc,
những ly phụ thời chinh chiến, đêm nằm mơ đến chỗ chồng đi thú ở Ngư Dương,
trong thơ Đái Thúc Luân:
Niểu niểu thành biên liễu
Thanh thanh mạch thượng tang
Đề lung vong thái diệp
Tạc dạ mộng Ngư Dương
(Xuân Khuê)
Bên thành phất phơ liễu
Xanh xanh dâu trên đường
Giỏ đeo quên hái lá
Đêm qua mộng Ngư Dương
(Xuân Của Người Phòng Khuê)
Hay người chinh phụ mong đợi chồng
về theo lời hẹn năm trước:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước
nhà líu lo
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã cuốn gió đông
Phù dung lại nở bên sông bơ sờ
Hẹn cùng ta Lũng Tây năm ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi
tăm...
(Đoàn Thị Điểm - Chinh Phụ
Ngâm)
Người thiếu phụ của Vương Xương
Linh thì hối tiếc đã xui chồng đi xa tìm đường công danh, thấy khuê phòng vắng
lạnh lúc xuân về:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng
thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
(Khuê Oán)
Phòng khuê sầu hận chẳng vương
nàng
Lên gác ngày xuân đẹp điểm
trang
Bất chợt bên đường trông dáng
liễu
Công danh tìm kiếm tiếc xui
chàng
(Oán Hận Phòng Khuê)
Bi thảm nhất là cảnh ngộ người
chinh phu trở thành vị vong nhân khi chồng bỏ thân nơi chiến trường, để buồng
xuân lạnh lẽo:
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Tam thiên điêu cẩm táng Hồ trần
Khả liên vô định hà biên cốt
Do thị xuân khuê mộng lý nhân
(Trần Đào - Lũng Tây Hành)
Hung nô thệ diệt vẫn quên thân
Vùi xác đất Hồ biết mấy quân
Vô định bên sông xương xót lấp
Chỉ còn trong mộng kẻ buồng
xuân
(Khúc Hát Lũng Tây)
Cảnh xuân tươi đẹp cũng có khi
làm chết lòng người trong cuộc chia tay giữa hai người bạn thân thiết,
trong thơ Trịnh Cốc:
Dương tử giang đầu dương liễu
xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu tương ngã hướng
Tần
(Hoài Thượng Biệt Hữu)
Đầu sông dương liễu xuân tươi
Hoa dương buồn chết dạ người
sang sông
Ly đình sáo vẳng từng không
Dặm Tiêu anh ruổi tôi trông nẻo
Tần
(Sông Hoài Biệt Bạn)
Đáng buồn cho duyên phận người
cung nữ được vua yêu quí lúc ban đầu với tuổi xanh đẹp như hoa xuân:
Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ
Đóa hải đường thức ngủ xuân
tiêu
Cành xuân hoa chúm chím chào
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo
mai
Nhưng rồi lại gặp cảnh
phòng không chiếc bóng vì tình vua đã phai nhạt:
Đông quân sao khéo vô tình
Cành hoa tàn nguyệt bực mình
hoài xuân
(Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán
Ngâm Khúc)
Đời người vẫn được xem như là một
giấc xuân mộng, cuộc sống chỉ là phù du:
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
(Lý Bạch)
(Cuộc đời như mộng lớn
Sống lao đao làm gì?)
Cho nên Đỗ Phủ vốn là con người
của cuộc đời thực tế mà còn có lúc thấy xuân qua cũng than buồn và không màn đến
danh lợi; nên vui chơi:
Nhất phiến phi hoa giảm khước
xuân
Phong phiêu vạn điểm chính sầu
nhân...
Tế suy vật lý tu hành lạc
Hà dụng phù danh bạn thử thân
(Khúc Giang)
Một cánh hoa bay giảm vẻ xuân
Sầu ai bàng bạc gió xoay vần...
Gẫm suy lẽ vật nên vui thỏa
Danh vọng mà chi bận tấm thân
(Sông Khúc)
Lý Bạch từng mô tả: “Phù thiên
địa giả vạn vật chi nghịch lữ, quang âm giả bách đại chi quá khách...” (Ôi trời
đất là quán trọ của muôn vật, ánh sáng là khách qua của trăm đời...)
Thấu rõ lẽ đó, Vương Duy có
thơ:
Nhật nhật nhân không lão
Niên niên xuân cánh qui
Tương hoan hữu tôn tửu
Bất dụng tích hoa phi
(Tống Xuân Từ)
Ngày ngày người lớn tuổi
Năm năm xuân lại về
Vui say vò rượu đó
Hoa rụng tiếc làm chi
(Thơ Tiền Xuân)
Xuân, hưởng thụ với rượu với
thơ, hoặc khác hơn, sống bình thản và quên lãng mọi sự ở đời như Mạnh Hạo
Nhiên:
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
(Xuân Hiểu)
Giấc xuân sáng nào biết
Khắp nơi chim ríu rít
Đêm nghe tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít?
(Sáng Xuân)
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
(Thức giấc vén song the
Nào hay xuân đã về
Sóng đôi cánh bướm trắng
Phơ phất lượn hoa kia)
Tính cách nhàn dật, phóng
khoáng làm cho đời người bớt buồn lo trong cuộc sống thường ngày. Ở bậc
cao hơn, các thiền sư nhìn đời theo lẽ vô thường, cảnh xuân trước mắt
dù tươi đẹp, quyến rủ bao nhiêu cũng là ảo ảnh:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì
(Giác Hải)
(Xuân đến bướm hoa quen tiết ra
Đúng kỳ xuất hiện bướm cùng hoa
Bướm hoa vốn gốc đều hư ảo
Chẳng để loài kia vương
vấn ta)
Xuân đến xuân đi chỉ là chỉ là
sự tuần hoàn của trời đất, không có gì là tồn tại miên trường, cũng không có gì
là mất đi vĩnh viễn:
Xuân khứ bách hoa tận
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác)
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân về trăm hoa tươi
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến thôi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng sạch
Sân đêm vừa nở một cành mai)
Huống chi thân phận con người rất
mong manh, đời người ở cõi trần là tạm bợ, chỉ tìm thấy cuộc sống miên viễn ở
thế giới khác, thành thử không nên sợ về sự sống chết hiện tại:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Thảo mộc xuân vinh thu hựu
khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Vạn Hạnh)
(Thân như ánh chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu úa
ròng
Gẫm lẽ thịnh suy lòng chẳng bận
Thịnh suy đầu cỏ hạt sương
trong)
Lý hội lẽ nhiệm mầu của trời đất
như vậy, nên dù ở cương vị một vị vua, sống trong cảnh vương giả, Trần Nhân Tôn
vẫn xem thường mọi việc ở đời, chỉ ngắm nhìn trời xuân xanh biếc mà thấy lòng
thanh thản:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ
trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Chỉ bạng lan can khán
thúy vi
(Xuân Cảnh)
Tiếng chim thưa hoa liễu đầy
cành
Chiều dọi thềm hoa mây thoáng
nhanh
Khách đến chuyện đời không hỏi
tới
Chỉ bao lơn tựa ngắm trời xanh
(Cảnh Xuân)
Ngoài những vần thơ xuân biểu
hiện cảm xúc về thiên nhiên, gia đình, đất nước, thân phận con người trong xã hội,
ta thấy một số nhà thơ Trung Hoa có khuynh hướng Lão Trang khi diễn đạt tư tưởng
về cuộc sống nhàn dật, phóng khoáng của mình, coi đời như là mộng, nên muốn tận
hưởng các thú vui xuân như uống rượu, ngâm thơ, xem hoa, ngắm trăng, hoặc lãng
mạn hơn, chiêm ngưỡng giai nhân, hay triết lý hơn, sống lãng quên đời, như Lý Bạch,
Đỗ Khác với họ, các thi gia Việt
muốn hiển dương thiền đạo, trong khi hội nhập vào cuộc vận hành của thiên
nhiên, quán triệt lẽ vô thường của vạn vật, xem sự hưng thịnh, suy vong, sống,
chết là một nhất thể, hay là một diễn biến liên tục của đời người từ cõi trần
qua một cảnh giới khác (sinh ký tử quy: sống gởi thác về), như trong thơ của
các thiền sư Giác Hải, Mãn Giác, Vạn Hạnh, vua Trần Nhân Tôn (cũng là thiền sư
về sau)...
Mùa xuân được diễn tả thật đa dạng
với những lời thơ tuyệt diệu, hình ảnh, ý tưởng tân kỳ của những thi tài bất hủ
Hoa Việt, dù có tính chất lạc quan hay bi quan.
Ta không khỏi cảm xúc nhiều khi
ngâm ngợi những vần thơ đẹp ấy, bên cốc rượu ngọt hay tách trà hương mỗi độ
xuân về, tết đến, nhất là khi ở quê người bắt gặp những dòng thơ mang đầy tâm sự
của kẻ tha hương.
Linh Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét