Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Chữ "xuân" trong Truyện Kiều

Chữ "xuân" trong Truyện Kiều
Với Nguyễn Du, nếu tạm che mỹ danh của ông đi bên cạnh trùng điệp những tên tuổi từ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ đến Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… của ngót nghìn năm văn chương dân tộc, chúng ta mới thấy lạnh người! Và, như Chế Lan Viên từng nghĩ: “Không có Du thế kỷ này đành tay không…”!.
1. Nguyễn Du là bậc thầy về sử dụng ngôn từ thuần Việt và Hán Việt, sử dụng thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Xét trong Truyện Kiều, với 3.254 câu lục bát, trong thế giới ngôn từ hữu hạn về câu chữ nhưng cực kỳ biến ảo về hình thái và ý nghĩa văn tự, chúng ta dừng lại - đi sâu tìm hiểu một chữ “xuân” theo các biến dạng khác nhau của ngữ cảnh để thêm một lần được học hỏi nghệ thuật dụng chữ thiên tài của Nguyễn Du qua “một khúc nam âm tuyệt xướng” (lời của Đào Nguyên Phổ trong Tựa Đoạn trường tân thanh) là Truyện Kiều!.
Thử hệ thống những câu thơ có chữ “xuân” xuất hiện và ý chính diễn đạt trong đó để có cái nhìn sơ bộ:
Câu 25: Làn thu thủy, nét xuân sơn (tả sắc đẹp Thúy Kiều). Câu 36: Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê (nói về Thúy Kiều). Câu 39: Ngày xuân con én đưa thoi (tả cảnh mùa xuân). Câu 46: Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân (chơi tiết Thanh minh). Câu 66: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương (Đạm Tiên chết trẻ). Câu 156: Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều (chị em Kiều ở thư phòng, không chơi bời). Câu 162: Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai (tả chị em Thúy Kiều). Câu 176: Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà (tả cảnh chiều xuân muộn). Câu 338: Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi (Kim Trọng tâm sự với Kiều). Câu 344: Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời (Kim Trọng tỉ tê với Kiều). Câu 345: Lượng xuân dù quyết hẹp hòi (Kim Trọng nói về Thúy Kiều). Câu 348: Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (Kiều xiêu lòng vì Kim Trọng). Câu 368: Tin xuân đâu dễ đi về cho năng (cảnh Kim - Kiều ngóng tin nhau). Câu 370: Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua (cảnh chuyển sang hè). Câu 424: Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng (Kim - Kiều thù tạc). Câu 440: Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng (Kim ngỡ là mơ khi thấy Kiều quay lại). Câu 534: Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang (cha Kim gọi chàng về chịu tang). Câu 620: Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân (Kiều suy nghĩ bán mình cứu cha mẹ). Câu 673: Cỗi xuân tuổi hạc càng cao (chỉ cảnh cha mẹ đã già). Câu 713: Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân (Thúy Vân tỉnh chiêm bao). Câu 731: Ngày xuân em hãy còn dài (Kiều nói về Thúy Vân). Câu 759: Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng (cha mẹ Kiều tỉnh giấc). Câu 786: Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong (Kiều bị nhốt trong nhà). Câu 849: Đêm xuân một giấc mơ màng (đêm Kiều bị họ Mã làm nhục). Câu 1006: Hoa xuân đương nhuỵ ngày xuân còn dài (Tú Bà khuyên Thúy Kiều). Câu 1010: Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non (Tú Bà giam Kiều để chờ bán dâm). Câu 1033: Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân (cửa lầu bị khóa). Câu 1059: Một chàng vừa chạc thanh xuân (chỉ độ tuổi của Sở Khanh). Câu 1240: Những mình nào biết có xuân là gì (Kiều phó thác đời mình). Câu 1262: Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay (Kiều nghĩ về mình). Câu 1284: Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng (Thúc Sinh - Kiều làm tình). Câu 1286: Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng (đêm Thúc Sinh bên Kiều). Câu 1294: Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân (Thúc Sinh qua lại với Kiều). Câu 1327: Chúa xuân đành đã có nơi (Kiều ám chỉ Thúc Sinh). Câu 1388: Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi (chỉ cha mẹ Thúc Sinh). Câu 1497: Rạng ra gởi đến xuân đường (đưa Kiều đến cha mẹ Thúc). Câu 1500: Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình (bỗng tiễn biệt nhau). Câu 1703: Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân (Thúc Sinh xót xa tưởng Kiều trẫm mình bị chết). Câu 1796: Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (thời gian trôi nhanh). Câu 1924: Xuân thu cắt sẵn hai tên hương trà (chùa bố trí hai kẻ hầu). Câu 1946: Chúa xuân để tội một mình cho hoa (chỉ Thúc Sinh). Câu 1950: Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh (chỉ Thúy Kiều). Câu 2060: Cửa chiều cữ đã cuối xuân (chỉ thời gian). Câu 2237: Xót thay huyên cỗi xuân già (Kiều nghĩ về cha mẹ mình). Câu 2288: Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày (tâm trạng Kiều khi gặp Từ Hải). Câu 2837: Xuân huyên lo sợ xiết bao (chỉ cha mẹ Kiều). Câu 2856: Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần (cảnh trời đất đổi thay). Câu 2860: Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày (bảng báo thí sinh đỗ). Câu 2877: Phòng xuân trướng rủ hoa đào (khuê phòng Kim - Thúy Vân). Câu 3010: Xuân già còn tốt huyên già còn tươi (chỉ bố mẹ Kiều). Câu 3026: Mười phần xuân có gầy ba bốn phần (tả Kiều ngày tái hợp). Câu 3142: Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân (Kiều đêm tái hợp). Câu 3171: Chừng xuân tỏ liễu còn xanh (Kiều ngày gặp Kim). Câu 3240: Vườn xuân một cửa để bia muôn đời (chỉ gia đình Kiều). Câu 3201: Khúc đêm êm ái xuân tình (Kiều đàn đêm sum họp).
2. Như vậy, để dựng lại cuộc đời chìm nổi của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã dành 55 câu cho sự xuất hiện của 58 chữ xuân. Mọi sự tả người, tả cảnh, tả tình, tả thế sự, suy cho cùng cũng là tập trung để lột tả một thân phận với nghìn vạn điều giằng néo xung quanh. Các yếu tố ngôn từ được huy động theo nhạy cảm thiên tài của ngòi bút cứ thế mà vận hành, đủ sức dựng lên một thân phận, một chân dung chìm nổi trong xã hội ba đào, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, vượt xa nguyên tác Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân khởi dựng ra.
Chữ xuân khi thì chỉ tuổi trẻ có vẻ đẹp và thần thái khác nhau, lúc lại ghép với từ khác để thay cho vị thế hay danh xưng cha mẹ (xuân đường, xuân huyên) hoặc người tình (chúa xuân, lượng xuân). Trong sắc thái tả cảnh thiên nhiên và định mốc thời gian, chữ xuân cũng cặp theo nghĩa tùy mỗi nơi mỗi vẻ. Chữ xuân chỉ sắc đẹp của tuổi trẻ (tả người) thường chứa đựng sự đa nghĩa và biểu cảm sâu sắc. Chữ xuân chỉ cha mẹ - bậc thân sinh, được dùng ở các văn cảnh khác nhau và thường gắn với điển tích tạo sự trang trọng, làm cho câu thơ dù diễn đạt ý tứ, hoàn cảnh riêng rẽ nhưng đều có sức đằm của nó: Cỗi xuân, xuân đình, xuân đường, xuân huyên, xuân già…
Trong Truyện Kiều, chữ xuân được dùng để chỉ thời gian xuất hiện nhiều hơn cả (17 lần). Những biến cố chính của đời Kiều chủ yếu phát sinh và tập trung vào mùa xuân nên sự xuất hiện dầy đặc chữ xuân gắn với khoảng thời gian này như một tất yếu. Chữ xuân gắn với khái niệm chỉ thời gian cụ thể, được lặp đi lặp lại nhiều lần như: Ngày xuân, chiều xuân, đêm xuân. Nếu tách biệt ra khỏi câu thơ, khái niệm chỉ thời gian này mang tính đơn nghĩa, nghiêng về cách gọi, cách biểu đạt của văn nói. Nhưng đặt vào văn cảnh cụ thể của từng câu thơ, tính đơn nghĩa vốn có của khái niệm lại được mở ra thành đa nghĩa và mang những giá trị tu từ khác nhau. Khái niệm ngày xuân (cũng như các khái niệm chiều xuân, đêm xuân) không bao giờ bị sử dụng trùng lặp nghĩa với nhau. Nó giúp cho tác giả đảm bảo được khả năng kiệm chữ, kiệm lời nhưng lại đủ sức tung hoành bút pháp và thủ pháp nghệ thuật nhằm diễn đạt mọi văn cảnh, hoàn cảnh đạt hiệu quả tối ưu nhất. Tiếp cận chữ xuân theo chiều hướng này, chúng ta thêm phần hiểu sâu hơn vì sao Nguyễn Du làm lục bát dài cả thiên truyện hàng ngàn câu mà đọc lên, luôn bắt gặp sự bất ngờ và lý thú.
3. Chữ xuân từ nghĩa trung tính chỉ mùa đầu tiên của năm, hoặc dùng để chỉ thời gian một năm đến nghĩa trừu tượng hơn chỉ tình yêu, tuổi trẻ, khi kết hợp với các từ mang khái niệm khác nhau, ý nghĩa của nó được chuyển đổi và tiếp biến, hình thành nên nghĩa mới, tuỳ theo từng văn cảnh nhất định. Dụng công nghệ thuật của Nguyễn Du còn thể hiện ở một số trường hợp khi chữ xuân được ghép với chữ khác tạo thành những vế đối chỉnh cả về câu chữ lẫn ngữ nghĩa, góp phần làm cho nhịp điệu câu thơ có giá trị lớn hơn trong ý nghĩa tổng hợp của cả câu thơ, đoạn thơ.
Trong các từ chỉ khái niệm bốn mùa được Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều, ta thấy chữ “hạ” được sử dụng 4 lần (các câu 197, 198, 591, 2565), chữ “đông” được dùng 4 lần (câu 175, 1776, 2748, 3216), chữ “thu” được xuất hiện 15 lần (các câu 25, 248, 416, 1119, 1323, 1387, 1520, 1637, 1834, 1934, 2533, 3107, 2960, 2858). Tuy nhiên, nhìn bao quát, 58 chữ xuân vẫn bộc lộ dụng công nghệ thuật của Nguyễn Du nhiều hơn cả.
Học theo thiên tài nghệ thuật của ông, không ít các nhà thơ giành cả đời mình cho thể loại thơ lục bát đã có được những câu thơ, bài thơ xuất sắc, đóng góp vào di sản thơ ca truyền thống nước ta hàng thế kỷ qua!.
 26/2/2020
Bùi Quang Thanh
Theo https://vanhocsaigon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...