Một trà, một rượu, một đàn bà
“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua là tại không tiền không mua”.
Một trà, một rượu, một đàn bà
Trong đời sống con người, nhất là nam giới thường mắc phải
vài thói hư tật xấu. Tứ đổ tường thường dính phải một, hai. Có nhiều người còn
tự hào về những thói hư tật xấu của mình.
Xin đọc câu chuyện vui sau đây: “Một người đàn ông đi làm việc
về thấy một gã lạ mặt, quần áo rách rưới đứng trước sân nhà, liền hỏi: - Ông là
ai mà đứng trước nhà tôi?
Gã lạ mặt trả lời: - Thưa ông, tôi lỡ đường, lại đói quá, xin
ông vui lòng giúp tôi ít tiền để tôi có được buổi ăn chiều. Người đàn ông từ chối:
- Tôi có thể giúp anh nhưng tôi biết cho anh tiền anh sẽ đi uống
rượu hoặc đánh bạc.
Gã lạ trả lời:
- Tôi thề với ông, đời tôi chẳng biết tứ đổ tường là gì, thì
khi nào tôi lại đi uống rượu hay đánh bạc.
Mắt người đàn ông sáng lên, vui vẻ nói:
- Vậy thì mời anh bước vào nhà uống miếng nước rồi tôi giúp
anh chút tiền ăn cơm chiều
Gã lạ mặt ngạc nhiên:
- Sao lại phải bước vào nhà, áo quần tôi rách rưới, dơ bẩn.
Người đàn ông nói:
- Tôi chỉ muốn vợ tôi nhìn thấy một người không có thói hư tật
xấu nó như thế nào. Vậy thôi!
Như ông Tú Vị Xuyên:
“Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ. Rượu chè, trai gái đủ tam
khoanh.”
Thế mà ông Tú chẳng ngại miệng đời, ngông nghênh làm thơ nói
ra cho thiên hạ biết đời người có tứ khoái: Ăn, ngủ, ấy, ể.
Những cái khoái của ông Tú là:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà”.
Vậy ta hãy tán gẫu về những thứ mà ông Tú là Vị Xuyên vướng
phải cho vui:
1- MỘT TRÀ:Chẳng được bao lâu. Một lần sau buổi cơm chiều, bà vợ đang rửa
chén sau nhà thì nghe chồng gọi: “Bà nó ơi! Vào xơi chè với tôi.”
Trà là thức uống thanh nhã của người Á đông. Trà, tiếng miền
Bắc gọi là chè. Có cặp vợ chồng, chồng Bắc, vợ Nam, cưới nhau.
Bà vợ ngạc nhiên la lên: “Mới ăn cơm xong no muốn chết, bụng
dạ đâu ăn chè cho nổi”. Ba miền Bắc, Trung, Nam có nhiều
tiếng khiến dân ba miền hiểu lầm nhau. Có lần người viết bài này đến thăm cô bạn
gái người Huế, thuộc dạng hoàng tộc, cũng là người trong giới cầm bút. Vừa mở cổng,
có hai con chó chạy ào ra sủa toáng lên làm tôi sợ hãi. Lúc đó, người bạn từ
trong nhà chạy ra vừa xua đuổi hai con chó vừa trấn an tôi: “Không răng mô!
Không răng mô!”. Tôi vừa sợ vừa giận, nói lớn: “Chó nhà em răng chơm chởm thế
kia, sao bảo không răng?”
Trở lại chuyện uống trà. Uống trà tinh thần sảng khoái, quên
cả mệt nhọc. Trong trà có chất thebaine, giống như chất cafeine có tác dụng
giúp cho tỉnh ngủ. Thuở xưa các dân du mục bên Tàu, mỗi lần đi săn hay chinh
chiến về, thấy loài ngựa mệt nhọc, thường hay tìm một thứ lá cây để ăn. Ăn xong
loài ngựa như khỏe ra. Loài người thấy vậy bèn lấy lá nấu nước, uống thử, thấy
nước có vị hơi đắng và chát nhưng hậu ngọt. Uống vào một lát sau thấy người khỏe khoắn. Từ đó người ta tìm ra được một thức uống mới và mỗi ngày một cố gắng cải
tiến để trà uống được ngon hơn.
Trà uống có nhiều cách. Có người tính tình giản dị, đun nước
cho sôi, bỏ trà vào bình rồi châm nước vào đợi một lúc cho ra trà, rót vào chén
lớn uống ừng ực đến đã thì thôi. Uống như vậy gọi là “ngưu ẩm”.
Có nhiều người cách uống cầu kỳ. Họ không nấu trà bằng nước
mưa mà bằng nước giếng khơi ở trên núi hoặc bằng nước suối. Các cụ bảo: “Tuyền dĩ
trà vi hữu”. Suối là bạn của trà. Còn nước giếng thì phải trong, ngọt và không
có phèn.Bậc vua chúa uống trà còn cầu kỳ hơn nữa. Mỗi sáng các cung
phi ra vườn, hứng những giọt sương đêm đọng trên lá sen rồi đem đước đun sôi
trên cái lò than nhỏ. Than phải đốt đến lúc đỏ rực để không còn khói mới bắc ấm
nước lên. Nước sôi, châm nước vào cái bình bằng đất nung màu đồng vỏ cua để
tráng ấm. Rồi mới châm nước vào trà. Nước đầu tiên cốt để rửa trà cho sạch, gọi
là nước Khất Cái. Kế đó châm nước lần thứ hai, đậy nắp bình lại giữ nóng cho ra
trà. Nước này gọi là nước Hoàng đế. Xong đổ ra chén tống rồi chuyển sang chén
quân, mới uống.
Loại bình trà tốt có màu như gan gà. Thứ nhứt Thế Đức gan gà,
thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần.
Uống trà phải uống thong thả để tận hưởng hương vị trà. Nhiều
người chỉ uống một mình vào buổi sáng tinh mơ, vừa uống vừa suy nghĩ chuyện đời.
Uống như vậy gọi là độc ẩm. Nếu có thêm một tri kỷ ngồi uống
với mình gọi là đối ẩm.Trà có nhiều loại không sao biết hết. Loại trà Bạch Mao Hầu, trà
Thiết Quan Âm, trà Trảm M. thường thấy ở Việt Nam . Vùng Thái Hồ, huyện
Bích La bên Tàu có trà Bích La Xuân nước trà màu xanh biếc, rất thơm có vị đắng
nhưng hậu ngọt. Vùng Vân Nam có thứ sơn trà danh tiếng được mệnh danh
là Điền Trà, màu vàng sậm. đắt tiền nhất là trà Mạn Đà. Trà này chỉ có bậc vua
chúa hoặc rất giàu có mới dùng nổi. Ngoài ra còn trà Mạn Nguyệt, trà Hồng Trang
Tố Lữ, trà Thập Bát Học Sĩ có mười tám bông màu sắc đều khác nhau. Trà Phong Trấn
Tam Hiệp có ba bông. Trà Nhị Kiều có hai bông và còn nhiều nữa.
Người Tàu và người Việt Nam, không ai không biết uống
trà. Miếng trà đậm đà câu chuyện. Có lẽ vì vậy, mỗi lần khách đến, chủ nhà vội
vàng nấu nước pha trà ngay. Có một ông khách đến thăm ngay lúc nhà bà bạn đang
sửa ống nước. Ống nước chính dẫn vào nhà bị khóa. Trong nhà không còn nước để nấu
trà. Bà chủ hoảng quá, chạy vội vào phòng tắm vét hết số nước còn lại trong một
cái xô” đem nấu trà đãi khách. Khi khách uống, bỗng thấy ở cổ vương vướng một vật
gì, cố gắng khạc ra thì là một sợi lông. Ông khách là người thiếu tế nhị, đưa sợi
lông ra hỏi: “Sao trong trà lại có lông?” Bà chủ nhà đỏ mặt, ấp úng đáp: “Thưa,
đó là trà Ô Long”. Ông khách thầm nghĩ Ô Long là con rồng đen đâu phải sợi lông
đen nhưng ông khách im lặng. Lúc ra về ông ghé qua khắp các tiệm trà trong phố,
hỏi xem thì không có loại trà nào là Ô Lông cả...
Còn một thứ trà rất rẻ tiền, người nghèo cũng có thể uống được.
Hương trà rất thơm ngon, tên là trà Thái Đức. Uống vào thức đái suốt đêm.
II- MỘT RƯỢU:
Rượu chữ nho gọi là tửu. “Nam vô tửu như kỳ vô
phong”. Cờ không gặp gió, lá cờ rũ xuống, xem chẳng oai hùng chút nào đàn ông
thiếu rượu, giống như lá cờ rũ, kim đồng hồ thường chỉ sáu giờ, trông phát nản.
Rượu cất bằng gạo nếp, nấu xong, dùng men ủ, vài ngày sau mới
đem ra cất. Rượu ngon hay dở còn tùy vào bí quyết và kinh nghiệm nấu. Rượu là lộc
Trời cho.
Bậc vua chúa ngày xưa, đã biết dùng rượu để di dưỡng thiên hạ,
dùng vào việc tế Trời, lễ đất, cầu phúc, cầu lợi. Vô tửu bất thành lễ.
Các bậc thánh nhân ngày xưa không ai không uống rượu. Lưu
Bang Hán Cao Tổ nhân lúc rượu say, cầm gươm chém rắn bạch, khởi nghĩa, lập nên
cơ đồ nhà Hán. Phàn Khoái dự tiệc Hồng Môn Phàn, lấy cao cắt thịt, uống rượu,
thi đua múa gươm, mưu đồ đại sự. Khổng Tử lúc hứng uống cả ngàn chung. Tử Lộ uống
như hũ chìm. Lã Bạch càng uống, làm thơ càng hay. Nhiều người không quen mùi rượu,
đọc xong thơ của Lã Bạch cũng lăn quay ra say khước. Một lần Kinh Kha rượu đã
ngà ngà, uống thêm một chén rượu tiễn đưa, rút gươm chỉ xuống dòng sông Dịch chửi
thề: - Mẹ kiếp! Chuyến này không thành công thì ông đíu thèm qua sông này nữa.
Và lần đó Kinh Kha đã hát bài nhạc Pháp “Aller Sans Retour,”
mua tấm vé tàu suốt rong chơi miền tiên cảnh.
Người tài hoa phải biết đủ cầm, kỳ, thi, họa, nhưng chưa sành
sỏi về rượu thì chưa trọn vẹn. Người sành rượu không phải chỉ biết vị, biết
hương của rượu mà còn phải nhập vào linh hồn của rượu nữa.
Rượu giúp con người thêm can đảm. Nếu không say rượu thì có
cho kẹo, Lưu Bang cũng không khi nào dám chơi dại cầm gươm chém rắn. Chỉ nhờ
lúc có rượu làm liều mà dựng nên sự nghiệp. Rượu gây thêm hào hứng cho kẻ anh
hùng đàn ông có rượu vào, khí thế oai minh, thái độ hùng dũng như cờ gặp gió,
như lân gặp pháo.
Thứ nhất rượu đã ngà ngà,
Thứ nhì chàng ở phương xa mới về.
Chàng ở phương xa mới về thì phải biết đá liên tu bất tận
nhưng nói nào ngay đá chẳng được bền. Còn rượu đã ngà ngà thì không thể chê vào
đâu được đá mạnh, đá bền bĩ, đá đến lúc các bà ngả nón chào thua mới thôi.
Lờ rằng lờ chẳng sợ ai
Sợ thằng say rượu ấy dai đau lờ.
Đấy, thằng say rượu nó hung hăng đến như thế. Vì vậy các bà
có kinh nghiệm sống lại thích có một ông chồng say.
Thấy chồng đôi ba ngày không uống rượu thì tìm cách làm thức
ăn ngon bày ra trước mắt. Dân nhậu thấy thức ăn ngon thì chém chết cũng đòi rượu
mà đòi rượu coi như sụp bẫy các bà.
Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng nhậu chơi.Dân nhậu có tính thảo ăn. Có thức ăn ngon thì nghĩ ngay đến bạn
hiền. Nếu trong lòng tâm sự đa mang, có được người bạn hiền để chén chú, chén
anh, nỉ non tâm sự thì còn gì bằng:
Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly uống cạn lòng sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly ngồi đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly vợ đè cạo gió.
Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao kể xiết. Mỗi quốc gia
có vài thứ rượu đặc biệt. Rượu Pháp nổi tiếng nhất thế giới như rượu
vang Champagne. Ai cũng biết Champange là loại rượu sủi bọt
(Sparkling wine) thường dùng trong các cuộc vui như đám cưới, sinh nhật
v.v... Napoléon, Hoàng đế nước Pháp đã nói một câu để đời về rượu Champange:
- Khi thắng trận ta uống Champange để mừng chiến thắng.
- Khi bại trận ta càng cần phải uống Champange để giải sầu.
Được sản xuất với số lượng giới hạn, 700 chai trên toàn thế
giới. Vài dòng về rượu Remy Martin cao cấp Louis XIII.
Trong nhiều thế hệ, Rémy Martin đã sản xuất loại cognac ngon
nhất thế giới, đứng đầu là Louis XIII. Được "để già" đi trong những
thùng gỗ sồi Limousine trong từ 40 năm đến 104 năm và rồi được đem ra pha với
rượu mạnh, Louis XIII được quý chuộng do ở mùi hương có một không hai và ở cái
vị hậu dường như cứ mãi vương vấn sau khi uống. Đây là loại rượu đã từng được
Thủ tướng Winston Churchill ưa thích trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng đắc cử của
mình vào năm 1951 và cũng đã được Nữ hoàng Elizabeth II nếm qua trong chuyến viếng
thăm Pháp quốc 1957. Đây là loại cognac được ưa chuộng của những bậc vương giả
cũng như những ai sinh ra để hưởng những món ngon của lạ. Loại rượu danh tiếng
này nối tiếp một truyền thống đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ qua.
Nho để làm rượu Champange phải là loại Chardonnay (chát trắng)
và loại Pinot noir (chát đỏ) của vùng Bourgonge mới số dzách. Mở Champagne cũng
là một nghệ thuật. Mở thế nào cho rượu nổ một tiếng pop khá lớn mà rượu không vọt
ra ngoài do áp suất của khí carbonique trong chai. Lan man về Champange đã hơi
nhiều, người viết xin nói tiếp về rượu Pháp. Ngoài Champange còn rượu khai vị
như Cointreau, Grand Marnier, rượu mạnh có Martell, Hennessy, Courvoisier, Remy
Martin, thứ nào cũng hết xảy nhưng phải loại XO mới tuyệt cú mèo. Đó là rượu
Tây.
Người Tàu coi trọng vấn đề ăn uống. Gặp nhau câu hỏi đầu tiên
là: - Lứ chía pừng b.i? hay Nị xực phàn m.? hoặc Nị sứ phán mỹ dầu? có nghĩa là
Anh ăn cơm chưa? Vì quý trọng miếng ăn nên người Tàu chủ trương miếng ăn, thức
uống phải ngon và bổ nên người Tàu nghĩ ra rượu thuốc như: Nhứt dạ lục giao
sinh ngũ quỷ. Một đêm lâm trận với sáu bà sinh ra năm thằng quỷ sống, hoặc nhứt
long quần ngũ hổ, một con rồng quần với năm chị cọp cái.
Ngoài ra còn Mai Quế Lộ, Ngũ Gia Bì. Thứ nào cũng cường
dương, cũng số dzách.
Nhật bản có Sa kê. Nga có Vodka, Việt Nam có
Whiskyson. Nói lái hai âm ky-song là công xi Rượu công xi Bạc Liêu thì hết xảy.
Rượu đế Phước Long rất nổi tiếng. Chất rượu trong như nước mưa, rót ra, bọt nổi
vòng quanh miệng ly, uống vào nóng muốn cháy cổ. Thở ra nếu ngồi gần vách lá có
thể làm cháy nhà như chơi. Ngoài ra còn rượu Bình tây, rượu nếp than. Sau năm
1975, VC mang vào Nam loại rượu cà phê, rượu chanh, uống như
đồ bỏ.Tôi có một người bạn là Công tử Bạc Liêu, tự pha chế một loại
rượu thuốc và đặt tên là Phu ẩm phụ hòa hài tửu, có nghĩa là rượu chồng uống vợ
khen. Nếu có văn thi hữu nào viếng nhà Công tử Bạc Liêu, nếm thử vài chung xem
đức phu nhân có khen không cho biết.
Rượu ngon, thức nhấm ngon, chỗ ngồi nhậu thoải mái, lại có
thêm bạn hiền thì uống ngàn chung cũng còn quá ít.
“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua là tại không tiền không mua”.
III- MỘT ĐÀN BÀ:Như trên đã nói, thời tiết có bốn mùa, con người có tứ khoái.
Người ta thắc mắc không hiểu tại sao cái khoái thứ ba thường làm người ta
điên đảo thần hồn, khốn khổ đến chết lên chết xuống mà vẫn muốn tìm hưởng cho bằng
được lại bị xếp vào hàng thứ ba, sau ăn và ngủ? Thật ra cũng chẳng khó khăn gì
để thắt mắc. Ca dao có câu:
Còn ăn, còn ngủ, còn gân,
Hết ăn, hết ngủ, có mần được chi?
Ăn không được, ngủ không được làm gì có xí quách mà hưởng cái
khoái thứ ba. Ăn không được thì thác, ngủ không được cũng đi đong. Không hưởng
được cái khoái thứ ba tuy có buồn nhưng vẫn sống phây phây, lại không bị đau
lưng nhức mỏi. Con người vốn yếu đuối, thường làm nô lệ cho thói quen. Nghiện
rượu, nghiện trà muốn bỏ không phải chuyện dễ nhưng theo cụ Tú Xương nghiện rượu,
trà gì cũng có thể bỏ được, còn món đàn bà thì vô phương: Họa chăng chừa rượu với
chừa trà. Thế mới biết món đàn bà khó mà thiếu được.
Trà, rượu là sản phẩm của con người. Đàn bà là tác phẩm của
Thượng Đế: Giê hô va, Đức Chúa Trời làm cho Adam ngủ mê bèn lấy xương sườn rồi
lắp thịt thế vào. Giê hô va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Adam làm
nên một người nữ, đưa đến cùng Adam. (Sáng Thế K. 2: 21, 22.)
Từ lúc Adam có thêm bà Eve để đêm đêm đem gà ra chọi chơi cho
đỡ buồn thì bao nhiêu chuyện khốn nạn xảy ra cho Adam và cũng từ đó bọn đàn ông
thất điên bát đảo luôn cho tới bây giờ. Thế mà cũng không ai tởn.Nhìn lại đời xưa, nụ cười của Đắc Kỷ làm sụp đổ nhà Thương,
Bao Tự làm tiêu tan nhà Chu, Dương Quý Phi chỉ mỉm cười cũng đủ làm Đường Huyền
Tôn són đái đó là chuyện xưa.
Còn ngày nay, xếp Edward Kennedy cũng vì nàng Mary Jo mà thân
bại danh liệt. Chú nhỏ Gary Hart cũng vì cái “lima” của chị Donna
Rice mà tiêu tùng sự nghiệp. Cả đến các bậc tu hành Jim Baker, Oral Robert,
Marvin Gorman và Jimmy Swaggart cũng vì “cái sự đời” mà sự nghiệp tiêu ma. Thế
mới biết, cổ nhân ngày xưa đã nói: Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Nhan sắc đàn bà
không có sóng mà đánh chìm được con người.
Nhưng cứ đem đàn bà ra tố khổ là điều bất công. Đàn bà cũng
trăm thứ đàn bà. Đàn bà của cụ Tú Xương thuộc loại:
“Đàn bà lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ
non” nên Tú Xương không bỏ được, lại còn được sống trong chế độ ba nuôi:
Nhỏ cha mẹ nuôi, lớn vợ nuôi, già con nuôi.
“Nhỏ thì nhờ mẹ nhờ cha,
Lớn lên nhờ vợ về già nhờ con”.
Đàn bà như vậy ngu sao mà bỏ. Cái đau là gặp phải loại đàn bà
cột tìm trâu, tối ngày mò tới đàn ông, chằn ăn, trăn quấn:
“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu vụng nhớ thầm
Họp chợ trên bụng có trăm con người”.
Gặp loại đàn bà như vậy mà vẫn không sao bỏ được mới là tai
họa. Đời sống tỵ nạn gặp phải cảnh gái thiếu trai thừa, cộng thêm cái họa là
phong tục xứ người nữ trọng nam khinh. Lộ trình của các ông cứ dần dần đi xuống
cực tiểu, trong khi lộ trình của các bà thênh thang như xa lộ không đèn.
Nếu may mắn chớp được một bà dù đẹp, dù xấu, dù hư, dù nên chắc
cũng phải khư khư giữ lấy và cũng bắt chước cụ Tú Xương mà ngâm nga:
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.** Lưu Diệc Phi sinh năm 1987. Cô được khán giả biết đến
với vai diễn Tiểu Long Nữ trong bộ phim “Thần điêu đại hiệp” và Vương Ngữ Yên
trong “Thiên long bát bộ”. Dù không tham gia nhiều phim như những ngôi sao Hoa
ngữ nổi tiếng khác nhưng tài sản của ngọc nữ lại khiến nhiều người phải “choáng
váng”. Không chỉ xinh đẹp, nổi tiếng, Lưu Diệc Phi còn sở hữu khối tài sản
khủng với biệt thự, siêu xe, váy áo hàng hiệu khiến nhiều người trầm trồ. Hiện tại,
Lưu Diệc Phi sở hữu khối bất động sản “khủng”. Cô có trong tay các căn biệt thự
cao cấp ở Bắc Kinh, Thượng Hải, và ở một số nơi...
MỘT TRÀ, MỘT RƯỢU, MỘT ĐÀN BÀ
Ông Tú Vị Xuyên, khi viết:
"Một trà, Một Rượu, Một Ðàn bà, Ba cái lăng nhăng nó quấy
ta. Chừa được cái nào hay cái nấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà...". Có
lẽ ông Tú Xương muốn làm vui lòng bà Tú, chứ sự thật ai đã nhận là đệ tử Lưu
Linh, đều biết là khó chừa rượu khi dính vào bức tường thứ nhì của thiên hạ, vì
ma men cũng hành hạ nhức nhối không thua gì ba thứ ma kia, là ma túy, ma bạc và
ma nữ, mà lại là ma nữ đa tình nữa; tôi không dám bứt dây động rừng như anh bạn
thân bảo là ma thứ tư đáng sợ nhất vì là ma femme. Nhắc tới ma men, tôi xin lạm
bàn đến một đề tài mà nhiều người thường hay lách: có nên uống rượu hay không,
rượu nào tốt cho sức khỏe?. Rượu nếp than, rượu đậu nành, rượu cần, cơm rượu
hay rượu ba si đế?. Mới đây theo khảo cứu của USDA là Bộ Canh Nông của Hoa Kỳ,
thì FDA (Food and Drug Administration), cơ quan chuyên phụ trách việc dán nhãn
cho thức ăn uống và thuốc sẽ bật đèn xanh khuyến khích cho các hãng rượu tình
nguyện được dán nhãn trên chai rượu chát đỏ (còn gọi là rượu vang, thường nồng
độ 12) là uống một ly rượu chát trong bữa ăn thường giúp ích trong vấn đề tiêu
hóa và hạ chất béo cholesterol tổng quát trong máu. Dựa trên thống kê là dân
Pháp là dân bơ sữa nhưng rất ít bị nghẽn tim và nghẽn mạch máu do thói quen
dùng rượu chát trong bữa ăn. Tin này rất phấn khởi cho giới ăn nhậu thường
phải biện hộ: "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Trong bài nói về
nghệ thuật sống này, tôi không muốn nói nhiều về bia từ 3.7 đến 6 độ, trong lúc
đó tại Bỉ quốc có tới 600 loại bia theo Burt Wolf phần lớn do các cha dòng tu
Père Trappist bán tại nhà dòng mà nồng độ tới 12 nhưng không bán ngoài tiệm, là
thức uống bình dân; rượu mùi (liqueur, cognac, cordials), là thức nhậu của dân
cao thủ chuyên nghiệp (nồng độ 40). Trong bài này, tôi chỉ dám lạm bàn đến
nghệ thuật ăn uống có liên quan đến sức khỏe thôi.
Hồi mới đến Mỹ du học, tôi chóa mắt với các động vật (fauna),
và thực vật (flora, hoa cỏ) ở Mỹ vì tôi vốn yêu vạn vật. Về sau, tôi mới
khám phá ra cây dại ở Mỹ thật là vô tích sự. Ðẹp mắt nhưng không ăn được
như các loại trái cây hoang ở Việt Nam ta: trái bứa, trái duối, trái mắm,
trái trường, trái sấu, trái say, trái say lông, trái cơm nguội (một giống của
trái trâm), trái hồng nhung, trái quần quân, trái thanh long, trái dâu tầm ăn
(mulberries), trái trứng cá, trái chùm ruột, trái mây, trái bần, trái nhàu
(noni), trái bàng, trái me dăng (giống trái phượng đỏ nhưng hình cong,
flamboyant), trái điệp, trái sim, trái mua, trái táo gai, trái chùm bao, trái
giấy, trái thù đù, trái bòn bon, trái dâu, trái keo, trái chôm, trái ngâu, trái
thị, trái ô môi, trái gấc, trái chuối lửa, chuối hột, các loại hạt như hạt dưa,
hạt dẻ, hạt bí rợ, hạt hướng dương (bông quỳ) và nhiều loại trái nữa có liên hệ
tới tuổi thơ mà tôi không thể nào nhớ hết... chỉ biết có một số sau này được trồng
trọt nhờ được nhiều người ưa thích (domesticated, cultivated). Cho đến
khi một người bạn Mỹ chỗ tôi theo du học rủ về nhà chơi. Gia đình anh có
cho tôi ăn một loại nho dại mà người Da đỏ bản xứ thường gọi tên là
Scuppernong. Mãi về sau, nhờ tìm hiểu tôi mới biết nó thuộc loại nho mang
tên Muscadine, cùng họ với loại nho Muscat mà người Pháp dùng để làm rượu vang
Muscadet, tuy lớn hơn loại nho thường gấp ba lần, thơm mùi lạ hơn và nhiều hột hơn
(hai loại Suprême Muscadine và Darlene Muscadine trồng đo được 1 inch 1/4 chiều
ngang cho mỗi trái màu đồng đen hay màu tím than). Tiểu sử Muscadine được
mô tả lần đầu tiên bởi Sir Walter Raleigh, hồi năm 1584, khi ông đổ bộ miệt
North Carolina. Muscadine bao trùm cả khu Ðông Nam của Hoa Kỳ. Ông
đã thấy giống Vitis rotundifolia (Scoppernong) mọc lan tràn trên đồi nương,
cũng như thành khóm và leo cả lên tới ngọn các cây trắc bá diệp, cả Thế Giới Mới
chưa có loại giây leo nào um tùm, sầm uất bằng Muscadine. Lúc bấy giờ,
tôi mới nhận ra là nước Mỹ được Trời đãi. Trước đây, người Mỹ, vì muốn cạnh
tranh rượu nho của Pháp, đã bỏ tiền mua cả cái lâu đài của Pháp, giở từng viên
gạch, đem về California ráp lại kể cả các thùng đựng rượu bằng cây sồi (chêne)
của Pháp, đã từng giựt giải rượu nho ngon của Mỹ, bán mắc tới 10 lần rượu nho của
Pháp, vẫn chưa đạt được vị chát cố hữu mà vẫn vị chua truyền thống của rượu nho
Mỹ. Nhiều nhà khảo cứu bắt đầu tìm ra giá trị dinh dưỡng (healthy food) của
Muscadine và nhiều triển vọng phát triển của một loại nho hoang sau hơn 400 năm
khám phá. Muscadine được Ðại học Mississipi phối hợp với USDA-ARS Small Fruit
Research Station ở Popularville, Mississipi, trồng thử năm 1990, mổi mẫu cho từ
8 tới 18 tấn nho, 1 triệu gallon nước nho tươi bán giá 7 triệu đô la.
Muscadine dùng làm rượu nho, các loại mứt nho, si rô, và toppings cho các
loại ăn sáng và tráng miệng. Và quý hơn cả là Muscadine chứa chất Resveratrol
là chất hoá học (phytochemical) rất gần gũi với chất Flavonoids trong rượu nho
của Pháp, vì cũng là chất phytochemical nên có tác dụng làm bớt đóng các chất
béo trong thành các tĩnh mạch, che chở chúng khỏi các loài sâu bọ và các thứ bệnh
cho thực vật đồng thời là chất thiên nhiên làm giảm đông máu, có rất nhiều chất
carbohydrate mà ít chất béo và ít chất đạm protein; Muscadine còn chứa nhiều chất
sợi (fiber); vài chất khoáng sản hữu ích giúp cho việc giảm áp suất huyết, chất
béo trong huyết tương, và lượng Cholesterol tổng quát. Nó có khả năng khử oxyt
hóa (antioxidant) ngăn ngừa, che chở các bịnh về tim, các bịnh về ruột, và bịnh
ung thư ruột già. Chúng ta đã biết là các chất sợi còn có ích cho các người tiểu
đường (diabetics) qua cách làm chậm sự thẩm thấu đường glucose và làm tăng sự
nhạy cảm chất insulin trong các bắp thịt thuộc đầu. Trong một phúc trình của
báo Science vào tháng Giêng năm 1997 của Ðại học Illinois ở Chicago, chất
Resveratrol được tinh chế từ nguồn gốc Muscadine là chất hoạt động chống ung
thư (anticarcinogenic activity), có nghiã là chúng ngăn ngừa sự thành hình các
bướu ác tính (malignant tumor) gây ra bởi một vài chất hóa học. Vì trái
Muscadine có da dày và ít nước cốt hơn loại nho thường, nên xác quả nho có từ
900 tới 1000 cân Anh trong một tấn, họ phải dùng để nuôi gia súc và làm phân
bón, về sau nhờ bà Betty J. Ector, một nhà dinh dưỡng học của đại học đường
Mississipi tìm ra phương pháp nghiền nhuyễn (purée) và phân tích cả vỏ lẫn hột
Muscadine, mới tìm ra giá trị vô song của nó. May mắn là Muscadine có mùi
vị thơm ngon đặc biệt, nên họ còn dùng một loại Muscadine nhỏ hơn, giống không
hột Fry Muscadine để trộn vào muffin ăn sáng và trộn vào thịt bò bầm có 15-20%
chất béo để tăng thêm chất Resveratrol. Bàn về rượu Pháp, rượu Mỹ, tôi muốn
mở ngoặc ở đây. Chuyện cũng dễ hiểu, vì giới tiêu thụ Mỹ quá hoang mang về
lời khuyên và trên nhãn hiệu các loại rượu nho Mỹ mà cơ quan công quyền liên
bang phụ trách là The Bureau of Alcohol, Tobacco and Firearms thuộc Bộ Ngân Khố
Mỹ còn mơ hồ huống chi giới tiêu thụ. Tôi không hề đả phá hay chỉ trích
việc đem Thần Rượu Bacchus của Hy Lạp ra để quảng cáo rượu không được nguyên chất
và tinh khiết, và lối dán nhãn của các công ty rượu Mỹ, nhưng vì đã có xảy ra
các vụ kiện tụng giữa Pháp và Mỹ về nhãn hiệu rượu nho. Tôi chỉ lưu ý các bạn
thích uống rượu nên đọc kỹ nhãn hiệu trước khi mua. Nếu khẩu vị các bạn chỉ cần
tinh tế một chút xíu thôi, các bạn sẽ nhận ra rằng Bordeaux Pháp hương vị dịu
hơn rượu nho đắt tiền ở Napa Valley, là trung tâm rượu nho nổi tiếng ở
California. Mặc dù ngày nay, người Mỹ đã mướn người Pháp rất cao giá qua để học
bí quyết nghề cất rượu nho, Champagne và Cognac!!! (liquors, cordials). Trước đây, Mỹ chỉ nổi tiếng về Whiskey (gốc gác Tô Cách Lan) và Bourbon
mà chúng ta thấy các anh cowboys nốc trong phim như hũ chìm, như ngưu ẩm... Tác giả Dan Berger báo động là có một loại rượu chát lấy tên nghe rất kêu
"Les trois Petites Cochons". Nghe rõ ràng rất Pháp, nhưng hỏi
ra không rõ xuất xứ, vì người bán rượu lậu này bán từ xe của anh. Lại có
một kẻ buôn rượu lấy tên rượu hiệu HMR Winery ở Paso Robles, CA. Nhìn từ
xa, rõ ràng giống y nhãn hiệu Domaine de la Romanee-Conti, với chữ ký giả bên
dưới, và chữ Burgundy thì không viết hoa. Hãng rượu Pháp kiện và đã thắng, kết
quả rượu vang kể trên phải rút ra khỏi các kệ trên thị trường. Một thí dụ
tân thời hơn, hãng E&J Gallo Winery ở Modesto, cũng California phát hành
chai rượu Gossamer Bay Chardonnay. Trong lúc trên kệ lại chưng bày
Gossamer Bay Merlot, giống hệt nhãn rượu Chardonnay nói trên... với dòng chữ nhỏ
làm tại Ý Ðại Lợi???. Ngày nay, lại xảy ra một loại nhãn hiệu mới, làm kỹ nghệ
rượu vang Mỹ bị suy thoái và bị hăm dọa trầm trọng. Theo luật Liên Bang
Hoa Kỳ, thì rượu trong chai phải chứa ít nhất 75% chất nho ghi trên nhãn hiệu. Sự thật thì rượu đó chứa 50%, hay ít hơn nữa miễn cầu chứng và FDA chấp
thuận với hàng chữ Special With Natural Flavors với tên của loại nho (varietal
grapes) là được. Giới sành điệu và lịch lãm lại nghĩ khác, nếu nhìn nhận kiểu
nhãn đó, thì rượu vang pha nước lã có chứa 75% nho hay ít hơn cũng có thể gọi
là Chardonnay with Natural Flavors hay French Colombard with Natural Flavors
sao?. Như thế có nghĩa nếu rượu chứa 50% nho, với 25% nước lã, hãng rượu sẽ
trộn một cách hợp pháp một loại Chardonnay chỉ có 37.5% là nho nguyên chất còn
lại là nước lã và mùi vị hóa học thôi sao?. Ðiều đó chúng ta không lấy làm
lạ là trên thế giới các nước sản xuất rượu nhiều nhất là Ý, Pháp rồi đến Tây
Ban Nha, nhưng chỉ có nước Mỹ là nước duy nhất bán rượu vang với chai gallon (gần
4 lít) hay vào hộp 5 lít mà thôi. Các hãng rượu ở California đã lưu ý ATF, để ổn
định lại nhãn hiệu và chấn chỉnh lại luật lệ, cho tới giờ phút này, khi chúng
ta dùng rượu chát Mỹ là phải chịu loại pha chế cho tới khi nào ATF thay cách
dán nhãn hiệu. Trong lúc đó rượu nho của Pháp được phân loại đúng theo luật
pháp đã qui định, luôn luôn được tăng cường để bảo vệ cả danh tiếng của rượu lẫn
người dùng. Nói chung rượu nho Pháp có bốn loại chánh:
Loại AOC (Appellation d\'Origine Contrôlée): loại
rượu ngon nhất và được luật pháp qui định khắt khe nhất. Khi mua, nhớ tìm
nhãn có tên như D\'origine Appellation Beaujolais Contrôlée.
Loại AOVDQS (Appelltion d\'Origine Vin de Qualité Supérieur): tương
đương gần kế các hạng rượu trên về phẩm chất cũng như về kiểm soát.
Loại Vin de Pays: Trừ các loại AOC của miền
Alsace, phần lớn đều chứa 100% loại nho được dùng trong loại này. Rượu
vùng Pays de Languedoc-Roussillon đã nổi tiếng với các loại varietal wines, thường
gọi chung là Vins du Pays d\'Oc. Các rượu trên được coi như thượng thặng,
đầy thi vị lãng mạn của miền quê nước Pháp.
Loại Vin de Table: Là rượu dùng thường nhật trên bàn ăn
của người Pháp, tượng trưng cho 70% rượu tiêu thụ. Nó được cung cấp đều đặn
về phẩm lượng và không cần phải để lâu năm.
Khi mua rượu nho Pháp, chúng ta chỉ cần để ý màu sắc, hương
thơm và mùi vị, để đánh giá về phẩm. Dẫu rượu đỏ, trắng hay hường (rosé),
màu sắc phải trong sáng. Mùi vị của rượu sẽ cho bạn biết bốn vị chánh là chua,
ngọt, chát và mặn trong số 2000 hương vị trong trời đất. Nếu chúng ta
chao đều ly khi nếm thử trước khi ăn hoặc uống mới hưởng đầy đủ được hương vị
và lạc thú trời cho. Rượu đỏ có thể để lạnh 65 độ, nhưng đừng bao giờ
đông lạnh, mùa hè có thể thêm tí đá vào. Không cần phải dùng nhiều loại
ly khác nhau: ly hình hoa tulip cũng đủ rồi. Nếu là rượu Champagne, thì nên
dùng ly ống sáo (flute) để được nhìn sủi tăm sẽ thích thú hơn. Chúng ta đại
đa số đều muốn biết nên uống rượu vang nào, đúng với thức ăn nào?. Ðể cho
là người sành điệu. Thực ra, rượu chánh là để vui thú với bạn bè, còn phù
hợp (pairing) là do ở sở thích của bạn. Tuy nhiên, để đạt étiquette,
chúng ta thử tìm hiểu thêm về cái đệ nhất khoái này. Rất nhiều nước sản xuất rượu,
nhưng nước Pháp là nước coi việc cất rượu là một việc làm phải yêu thích và tôi
luyện, và phải đổ mồ hôi như một loại tiểu công nghệ tinh xảo. Dĩ nhiên,
khi thành một tiểu xảo đã hoàn tất như một nghệ thuật, nó phải được bảo vệ bởi
một hệ thống bảo mật thật chặt chẽ cho từng chai họ sản xuất, che chở bởi luật
lệ hiện hành thật đúng mức và chu đáo. Họ có cả luật lệ ấn định kích thước
trại trồng nho, luật lệ sản lượng hàng năm, và cả luật pháp ấn định loại nho
nào được trồng ở vùng nào. Ở Bordeaux, tỉnh Gironde, các gia đình gốc quý
tộc cự phách Lafite Rothchild, Latour, Margeaux... có 115,000 mẫu, sản xuất
hàng năm 600 triệu lít rượu vang đạt doanh số 14.5 tỷ đồng francs. Sự xếp
hạng rượu bắt đầu từ năm 1855. Tại Medoc có đến 71 lâu đài có vườn nho
mênh mông chuyên sản xuất rượu được xếp hạng Grand Puy Médoc. Vùng St.
E¨million có những loại rượu được xếp hạng trên nhờ chất lượng, bao gồm cả
hương vị, màu sắc, độ đậm đặc, cũng như mức thay đổi hương vị với thời gian, vì
nhiều loại rượu vang cất giữ càng lâu thì hương vị càng đậm đà. Rượu nho vùng
St. E'million đạt được chất lượng lừng danh là nhờ yếu tố thổ ngơi. St.
E\'million là vùng đất sét pha cát, dưới đất có nhiều chất vôi và đá. Rượu nho
của vùng này đậm đặc chất cồn nhưng màu sắc nhạt hơn. Ðất vùng Médoc trên mặt sỏi
đá, nhưng bên dưới nhiều cát, cho nên rượu nho tuyệt hảo cả hương lẫn vị, khó
có rượu nào sánh kịp. Chính phương thức sản xuất cha truyền con nối đã tạo ra
hương vị tinh khiết thách thức thời gian. Danh tiếng kỳ cựu, uy tín quốc tế của
những nhà sản xuất, và trên hết, hương vị riêng biệt đã đưa rượu Bordeaux góp mặt
trong rất nhiều nghệ thuật ẩm thực của thế giới. Khi bạn chọn một chai rượu
vang Pháp, nó đã bao gồm cả lời hứa, bảo đảm về nguồn gốc lẫn phẩm chất. Chúng
ta được cái thú là lựa chọn giữa một rừng rượu ngon với phẩm chất vô song và nhất
là vừa túi tiền. Dưới đây tôi xin kính tặng các ông hoặc các bà (cho đồng
đều như tên các trận bão nhiệt đới) đệ tử Lưu Linh và Bacchus một món quà nhỏ để
quý vị khỏi phải lúng túng khi phải lựa chọn đệ nhất đẳng giải sầu: Rượu
vang trắng ngọt vừa (medium dry):
Chenin Blanc: để dùng chung với các thức ăn như
mild và strong cheese (fromage Pháp), các món tráng miệng (appetizers), tôm
cua, tôm hùm, hào, chem chép, gà vịt và các món ăn Á đông, v.v...
Johannisberg, Riesling: dùng với fromage, dip, tôm cua, đồ
biển có sauce nhẹ, cá nướng, gà vịt và các món Á đông, v.v...
Gewurtraminer: dùng với các món cheese (fromage),
gà, chim trĩ, vịt, ngỗng, heo, bê, và các món Á đông.
Các loại vang trắng không ngọt (dry):
Dry Riesling: dùng với tất cả các loại cheese, tôm hùm,
tôm cua, đồ biển như cá nướng, cá hồi salmon, heo, bê, và các món Á đông.
Sauvignon Blanc: dùng hầu hết các món trừ cá hồi, pasta
với sốt cà, gà vịt, ngỗng, heo, bê và các món Á đông.
Semillon: đi với fromage nhẹ, dip, sò hến, chem chép, đồ
biển nhẹ, cá nướng, cá hồi, pasta với sauce crème, và các món Á đông.
Chardonnay: đi với các fromage nặng mùi, sò hến,
tôm cua, tôm hùm, các món đồ biển với sốt cà hoặc sốt crème, cá hồi, pasta sốt
crème, gà, vịt, chim trĩ, ngỗng, gà lôi, heo và bê.
Loại Blush:
Blush Riesling: đi với fromage nhẹ, tôm cua, tôm hùm,
các món đồ biển sốt nhẹ, cá nướng, và các món Á đông.
Loại rượu vang đỏ:
Gammay Beaujolais: dùng chung với các món Fromage nặng
mùi, cá hồi, pasta sốt cà tô mát, gà, vịt, ngỗng, heo, bê và các loại thịt rừng
(game). Loại được gọi là Nouveau Beaujolais là loại rượu vang mới đầu mùa. Quá
hai tuần thì không được gọi là nouveau nữa.
Pinot noir: dùng cho fromage nặng mùi, cá hồi, chim trĩ,
vịt, ngỗng, heo, bê, trừu, dê, bò, và các loại thịt rừng.
Merlot: dùng với fromage nặng mùi, pasta, chim trĩ, vịt, ngỗng, heo, bê, dê, bò, các loại thịt rừng như nai, nhím, cheo và đồ tráng
miệng có chocolat.
Cabernet Sauvignon: dùng với các loại fromage nặng mùi,
pasta sốt cà, trừu, thịt rừng, bò và chocolat.
Zinfandel: đi cặp với các loại fromage nặng mùi,
pasta sốt cà, trừu, bò và các loại thịt rừng.
Loại rượu ngọt tráng miệng (dessert wines):
White Riesling, Late harvest White Riesling, Late Harvest,
Sauvignon Blanc, Port: dùng với các loại fromage, chocolat, và trái cây.
Ngoài ra phải kể một loại rượu nho ngọt đặc biệt mà không có bán ra ngoài, chỉ
dùng để làm lễ (sacrament) trong nhà thờ và phải được Vatican chấp thuận. Rượu lễ này được các Linh mục dùng khi dâng lễ, tùy theo mùa: Pâques (Phục
Sinh) thì dùng rượu lễ đỏ, mùa hè thì dùng rượu vang trắng. Mùi vị rất giống rượu
nho Dubonnet của Pháp, rất hạp với phụ nữ, dùng để khai vị (appéritif) lẫn dễ
tiêu hóa (digestif).
Loại Sparkling Wines sủi tăm: Các thứ rượu không vị ngọt
Extra Dry, Champagne Brut, Blanc de Blanc, và Blanc de Noir: dùng với các loại
fromage, dip, đồ biển đủ loại trừ rượu extra dry. Ngoài ra ta còn dùng
Sparkling Wines với Gà Vịt, món Á Đông và các món trái cây tráng miệng. Sở
thích là một chuyện, còn thích hợp hay đi đôi với nhau là một chuyện, cần có sự
sáng tạo trong sự pha chế (concoction). Người Nga nổi tiếng nghiện rượu,
nên họ quên việc giải phóng (liberation) mà chỉ chú trọng đến ăn nhậu
(libation) thì các bạn hiểu sức mạnh của rượu ảnh hưởng trên cả một dân tộc như
thế nào, như ma túy (trong đó có Á phiện trong lịch sử Trung Quốc). Trong
bài này tôi muốn nhấn mạnh một thức uống có lợi cho sức khỏe và nghệ thuật nhiều
hơn. Ðiều độ là nguyên lý sống đẹp. Có người bảo rượu là nhất đẳng thần giải
thiên sầu, nhưng có bạn lại bảo tôi càng mượn rượu, nỗi sầu càng thấm thía.
Riêng đối với thi nhân, thì càng thấm càng tốt. Càng ngấm càng tốt. Có
nhìn Sonny và Cher song ca với guitar, ca khúc Summer Wine ở thập niên 60 mới
hiểu hương yêu mùa hạ, rượu nho và mặt trời. Có nhìn các cô thôn nữ Pháp
vừa hát vừa dẫm lên nho tươi bằng đôi chân trần trong cái vạc bằng cây sồi khổng
lồ vào một mùa hè của lãng quên, trong lúc các cô gái hái nho là các sinh viên
khắp nơi về tìm job hè, đổ nho mới hái xong vào vạc, chúng ta mới thấy được cái
lãng mạn dễ thương, cái men hồn nhiên của tuổi trẻ. Bài thơ "Nouveau
Beaujolais, Mauriat và Em" tôi sáng tác để kỷ niệm một đời người, biết sống
theo đam mê và tận hưởng các thú vui của trời đất. Nghiêng bình tân khổ rượu
tươi Hương men từ tuổi đôi mươi dậy trào. Tuổi nho cuối nắng mưa rào. Khúc buồn nắng
hạ rót vào môi son. Mắt nâu chiu chắt tình con. Hương yêu tinh chất bào mòn chiêm
bao. Tỉnh say ngây ngất đảo chao. Ôi môi mắt ấy cõi nào cho anh. Không giông thuyền
cũng chòng chành. Nghe hồn men dậy môi anh nhạc nồng. Nhà thơ Thái Thụy Vy,
tên thật là Đỗ Khoa Luật, quê quán Biên Hòa, Đồng Nai, từng là một sĩ quan quân
y trong quân lực VNCH. Ông đã xuất bản nhiều sách bao gồm nhiều thi tập,
truyện ngắn, biên khảo, v.v... Ông đặc biệt yêu màu tím và vì vậy trong thơ văn của
ông, ta thấy luôn phản phất đâu đó sắc màu tím hiền hòa. Hiện ông đang cư
ngụ tại Chandler, Arizona.
Nguyễn Ngọc Quang Sưu tầm
Theo http://gocnhosantruong.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét