Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Như chim én giữa trời xuân

Như chim én giữa trời xuân

Vẻ đẹp Thung Nai (Cao Phong) được ví như 
vịnh Hạ Long trên núi. Ảnh: T.S (ST)
Cô gái có cái tên rất đẹp: Hồng Nga cùng tôi đứng rất lâu ngắm nhìn thành phố Hòa Bình lung linh trong ánh điện. Chiếc khăn trong tay Nga đã ướt vì những giọt nước mắt xúc động, song mùi nước hoa sang trọng xứ trời âu vẫn phảng phất đâu đây. Giọng Hồng Nga như quánh lại:
- Anh ạ, em đã sai lầm khi rời đất mẹ đẻ cha sinh để đến xứ sở nước người. Tám năm nay em chưa được thắp nén nhang trước bàn thờ gia tiên chiều ba mươi Tết. Tám năm không biết đón giao thừa. Một khoảng trời cách quê mình 6 múi giờ, những lúc ấy em nằm lặng trong phòng thổn thức và khát mong có một ngày được vui xuân, đón Tết ở quê hương Hòa Bình và hôm nay em đã được toại nguyện...
Nhà Hồng Nga ở phường Thái Bình. Cô lớn lên trong tình yêu của mẹ cha, sự đùm bọc của 9 anh, chị em. Năm 2000, cô đi du lịch ở Liên bang Nga với bạn bè, thế rồi cái tuổi háo hức của người đàn bà ngoài ba mươi khôn mà dại đã đẩy cô đến với Phrăng Phuốc, miền Tây nước Đức. Biền biệt mấy năm trời ở xứ người, Hồng Nga đủ đầy vật chất mà thiếu thốn tình quê. Tám mùa xuân không nhìn thấy hoa đào nở, chim én bay lượn trên cánh đồng trước cửa nhà. Cô là một con én đã chót bay xa ở bầu trời xứ lạ. Mùa xuân chỉ có tuyết trắng sân, lạnh khủng khiếp và con chim én nhỏ Hồng Nga cứ nằm trong căn hộ khép kín như một chiếc lồng hiện đại muốn trổ mà không được.
- Lần này về Nga ở hẳn hay lại ra đi?
Nghe tôi hỏi, Nga thảng thốt hơi run lên:
- Anh đừng nói chữ “đi”, em sợ lắm. Em sắp phải đi thật rồi. Em nhớ mẹ, nhớ các anh, các chị ở Hòa Bình, nhớ mùa xuân đất Việt quá nên xin phép chồng cho về mấy tháng. Đáng lẽ em đã đi rồi, nhưng mẹ bảo: “Con không ở lại quê nhà đón Tết được sao. ở lại đi con, sang bên ấy làm gì có Tết đầm ấm như ở quê mình!”
- Nga đã quyết chưa?
- Dạ, em đã xuống Đại sứ quán Đức trình bày và đổi hộ chiếu rồi. Sau Tết này em lại phải sang. Bên ấy còn một người đàn ông đang ngóng đợi em lắm!
- Thế thì Tết năm nay em như con én sổ lồng. Hãy đi chơi xuân thật nhiều, ăn thật nhiều, phải cười nhiều, để sang Đức đỡ khát khao!
Hồng Nga lặng thinh, vì trong ánh đèn dọc đường đê Đà Giang lúc tỏ, lúc mờ nên tôi không nhìn thấy được sự bối rối của em. Tôi biết lòng người đàn bà vắng chồng, xa con lúc nào cũng như lửa đốt. Chúng tôi đi xuống mép nước, thả bộ dọc dòng sông. ánh điện trên cây cầu bắc ngang qua sông Đà đổ bóng sáng dài trên mặt nước như những ngọn nến khổng lồ lung linh  trước gió. Nga bồi hồi thốt lên:
- Anh ơi! Tám năm em xa quê nay trở về thấy thị xã mình ngày xưa như thay da đổi thịt. Bây giờ lên thành phố càng thêm nguy nga, sầm uất. Về vật chất ở quê mình có khác với nơi em ở nhiều đâu, có chăng chỉ là sự gìn giữ và bảo vệ môi trường của bạn tốt hơn thôi!
Nga tâm sự với tôi những ngày đầu cô về nước lo thiếu những thứ sang trọng như quần áo hàng hiệu, kem dưỡng da xịn, nước hoa xịn... nhưng mấy lần cô đến các cửa hàng, siêu thị ở thành phố Hòa Bình cô thấy đủ đầy. Thế mới biết hội nhập kinh tế đã mang đến cho mọi miền đất sự công bằng phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của mọi người. Nga kể với tôi cái cảm xúc như nằm trong mơ khi đi trên đường Trần Hưng Đạo, Chi Lăng. Cô bảo rằng mình ngỡ ngàng khi thấy đầm Quỳnh Lâm đầy lau sậy, bèo tây biến mất tự lúc nào. Thay cho sự hoang vắng ngày xưa là những tòa nhà cao vút, từng dãy phố khang trang. Ngày trước, cô vẫn ra đầm Quỳnh lấy bèo cho lợn và ngắm đàn cò trắng chao cánh dưới ánh hoàng hôn. Vậy mà bây giờ chỉ thấy nhà nối nhà san sát. Những con đường thị xã cũ giờ rải nhựa áp phan xe chạy êm như ru... Nga tâm sự:
- Ngày em ra đi còn khó khăn lắm. Chính chúng em thực dụng quá, so sánh nhiều quá nên bước đi sai đường!
- Nga đưa chồng về đất Hòa Bình đi!
- Anh ơi, khó lắm. Henry, chồng em chưa có đủ trình độ nhận thức để hòa nhập với văn hóa đất Việt mình đâu. Em làm vợ Henry em biết nhưng em vẫn cứ thuyết phục anh ấy. Anh biết không, mỗi lần Tết đến, giao thừa chuyển năm em cứ lùi lũi đứng giữa đêm tuyết bay thả hồn về quê Việt. Em nằm mơ cũng thấy dòng Đà giang như dải lụa vắt ngang thành phố. Em nhắm mắt lại là thấy hoa đào, hoa mận trên những lối đi, còn anh ấy cứ chuẩn bị chăn giường đi ngủ!
Quê hương, mùa xuân, Tết, giao thừa với những người Việt sao mà thiêng liêng, ấm áp, thân thương là thế dù họ ở bất cứ phương trời nào. Tôi biết cô gái cùng tôi thả bộ bên dòng sông Đà đêm nay đang day dứt, nỗi niềm. Thế mới biết sống ở đời dại khôn, khôn dại với mỗi người một khác. Chỉ người trong cuộc, sống những mùa xuân xa xứ mới rõ sự cô đơn của mình hơn. Tết không bánh chưng xanh, chẳng có hoa Đào, thậm chí một nén nhang để ta thả hồn về cõi xa xăm mong một điều lành cũng thiếu... Nga nói với tôi: Em chót dại dột cũng đúng. Có những điều đã làm mà không sửa được, thế mới biết lỡ miệng cũng khổ mà lỡ chân cũng cực chẳng đã...
Tôi chợt nghĩ những lúc năm hết, Tết đến như thế này có bao nhiêu người Việt xa xứ cảm nhận như Nga. Bỗng Nga dừng bước, nói với tôi:
- Anh tìm cho em đĩa ghi những bài hát về Hòa Bình mình đi. Sang bên đó những lúc buồn em sẽ mở ra nghe để thả hồn về quê cho đỡ nhớ!
 Tôi khẽ gật đầu, đưa bàn tay cho Nga nắm. Nga hồn nhiên cất tiếng hát. Giọng cô còn trong lắm như ngày xưa cô vẫn hát ở đội văn nghệ của phường: “Hòa Bình mến yêu ơi/ Thành phố bên sông Đà/ Điện tỏa sáng lung linh...”, tôi biết Nga đang xúc động và tình yêu quê hương dào dạt trong lòng. Nỗi khát khao của cô được hưởng một mùa xuân trên đất mẹ như thế này có hạnh phúc nào bằng. Cô như con chim én trở về với đàn én và bay trên bầu trời xuân quê nhà. Rồi một mai con chim Hồng Nga lại lặng lẽ ở nơi xa xứ. Đơn côi, lặng lẽ sống trong nhớ nhung, chờ đợi một ngày nào lại được trở về sống với mùa xuân đất Việt. Tôi bảo Nga rằng chỉ còn mấy giờ nữa thôi cả bầu trời nín thở, trái đất quay hết vòng 365 ngày và chúng ta cùng non sông, Tổ quốc bước sang năm mới. Nhưng không khí mùa xuân, tiết xuân, hương xuân đã tràn khắp mọi nhà, mọi miền từ mấy hôm nay. Nga hãy tận hưởng giờ phút chuyển giao thiêng liêng của đất, trời và găm vào trái tim, khối óc một nét văn hóa độc đáo của người Việt ngàn đời không bao giờ nhạt phai.
Nga nói lại với tôi trước lúc chia tay: “Em là con chim én xa đàn”. Tôi dặn em rằng: “Bầu trời phương Nam là nơi chim tìm về trú rét mỗi khi phương Bắc vào đông. Em cứ về như con én trở về xứ sở nồng ấm, nghĩa tình. Người đi xa nhưng hồn quê Việt không bao giờ mất, nhân cách người Việt không bao giờ mất. Mùa xuân của chung nhân loại nhưng Tết Nguyên đán không phải của cả trái đất này”.
Dùng dằng nửa ở, nửa về. Đêm cuối cùng của năm cũ cứ trôi đi và giờ sang canh nhích đến rất gần. Đột nhiên Nga đổi ý:
- Anh ơi, em nghĩ lại rồi. Nhất định em sẽ trở về. Lúc ấy là bao giờ chưa nói được, nhưng em sẽ về quê mình cùng với Henry. Em sẽ thuyết phục anh ấy. Chúng em sẽ gom góp khi trở lại quê nhà sẽ làm được một điều gì có ý nghĩa cho quê hương Hòa Bình dù là nhỏ thôi như xây một vài ngôi nhà mẫu giáo cho trẻ thơ!
Tôi xiết chặt tay Nga hơn và không quên chúc em sang xuân gặp tốt lành, chúc cho ước mơ của em sớm thành hiện thực. Quê hương Hòa Bình chờ em, gia đình, bè bạn chờ em và tôi cũng chờ em ngày ấy. Em sẽ như con én trở về bay giữa trời xuân đất mẹ.
1/2/2014
Huy Định
Theo http://www.baohoabinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...