Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Ngẫm về lời chúc "giàu sang" trong thơ Tú Xương

 Ngẫm về lời chúc "giàu sang"
trong thơ Tú Xương

Nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907), trong bài thơ “Chúc tết”, đã biểu cảm về những lời chúc “giàu” và “sang” của… thiên hạ, cách nay hơn một thế kỷ, trong xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta. Về lời chúc “giàu”, ông viết những câu bức xúc: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu/ Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu/ Phen này ắt hẳn gà ăn bạc/ Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu”. Còn về lời chúc “sang”, ông hạ những dòng nhức nhối: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thì mua tước, đứa mua quan/ Phen này ông quyết đi buôn lọng/ Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” (Có bản in là: “Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” - ĐNĐ). Ngẫm ra, thơ “Chúc tết” của Tú Xương là những lời tiên tri. Những tác phẩm văn học có giá trị thường có tính tiên tri, có khi vài trăm năm sau vẫn có tính thời sự, tính hiện đại.
Chuyện người giàu, người nghèo, kẻ sang, người hèn trong xã hội cũ làm cho Tú Xương đau đầu, phẫn uất. Có chân thực “đau đời”, biết yêu - ghét hết mực, rạch ròi và dám viết, dám nói ra điều ấy - đấy là nhân tố đầu tiên và cực kỳ hệ trọng để người ta viết được tác phẩm hay, mới trở thành nhà thơ, nhà văn đích thực! Thôi thì chuyện văn chương, “bếp núc” ấy đã đành một nhẽ, sẽ bàn luận dài dài về sau. Nhưng, từ lời chúc “giàu”, “sang” trong thơ Tú Xương, mà suy ngẫm về cái sự “giàu” và “sang” ngày nay, cũng có lắm chuyện để… thời đàm.
Phải thừa nhận rằng, trong xã hội xưa nay, có những người giàu một cách chính đáng. Bằng sự cần cù lao động, tiết kiệm, bằng trí tuệ sáng tạo, biết sử dụng đồng vốn một cách hợp lý và khả năng nhạy cảm kinh tế, có “chí làm giàu”, giữ được chữ “Tín” trong kinh doanh, nhiều người từ chỗ thường thường bậc trung, thậm chí hàn vi, đã trở thành những tỷ phú! Giàu chính đáng là rất đáng trân trọng, đáng khuyến khích. Song, lại có rất nhiều kẻ “giàu” bất chính, nhất là trong thời buổi nền kinh tế thị trường đang ở giai đoạn sơ khai và sự quản lý xã hội còn lỏng lẻo hiện nay ở nước ta!
Có hai loại người “giàu” bất chính: Một là những chức sắc “ranh nghiệp”, “ranh nhân” (không phải là những “doanh nghiệp” và “doanh nhân” chân chính! - ĐNĐ) và những người buôn bán siêu mánh làm ăn kinh tế. Họ lợi dụng những sơ hở trong luật pháp, trong quản lý kinh tế và sẵn thói ranh ma, lại móc ngoặc với những quan chức biến chất, đã buôn gian bán lậu, hàng xấu nhưng lại tăng giá vô tội vạ, hoặc được “ưu ái” nhận những dự án, những hợp đồng béo bở; hoặc ra rả “kêu lỗ” để vòi vĩnh nhà nước bù giá, cấp vốn, giảm thuế và những ưu đãi này nọ v.v... Hai là các quan chức tham nhũng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Cuộc sống “đế vương”, vênh váo và huênh hoang rởm của loại “giàu” bất chính - chỉ là “chuyện con thỏ”! Bởi thế, mà Tú Xương đã viết: “Phen này ắt hẳn gà ăn bạc”. Loại “giàu” bất chính bây giờ, mỗi “đại gia” có khi sở hữu nhiều chục, nhiều trăm tỷ đồng, chưa kể xe hơi đắt tiền, trang trại, nhà lầu nhan nhãn. So với đại bộ phận người dân nước ta, nhất là nông dân, người miền núi, các đối tượng chính sách và cả các cán bộ - viên chức chân chỉ hạt bột với đồng lương quèn, thì thật là phát… khiếp! 
“Giàu” bất chính, hầu hết là loại “trọc phú”, còn gọi là “giàu” mà ngu. Đi đêm lắm, cũng có ngày gặp ma. Mọi sự ở đời, đều có cái giá của nó. Có nhân (nguyên nhân) thì có quả (kết quả). Khối vị “giàu” bất chính đã phải vào nhà đá ngồi bóc lịch. Báo chí đã phản ánh, tòa án cũng đã xét xử nhiều; nhưng làm sao cho xuể? Chiếm đoạt tiền bạc, tài sản công hoặc tư, ranh ma làm ăn buôn bán, lừa đảo, là loại bất lương, cố nhiên rồi; nhưng suy cho cùng-quả là “đại ngu”! Đấy là chưa kể, có không ít vị giám đốc, tổng giám đốc các “ranh nghiệp” nọ, thông thường trình độ văn hóa chỉ cấp 2, cấp 3, cũng có người là “cử nhân” (mua bằng và học vị bây giờ… hơi bị dễ!). Nhưng thôi, bằng cấp không nói lên được trí tuệ và lương tâm con người. Điều muốn nói ở đây, là cái sự “giàu” bất chính!
Còn từ “sang” của Tú Xương? “Sang” đối lập với “hèn”. “Giàu” bất chính, bất lương, do tham nhũng, vơ vét, lừa đảo, như nói ở trên -đâu phải là “sang”. Chớ hiểu nông cạn: cứ “giàu” là “sang”! “Giàu” bất chính là loại “giàu hèn”, bị người đời khinh ghét, thậm chí căm giận. Ngay cả nhiều người “giàu” chính đáng, cũng có thể không “sang”. “Sang” là vừa có nhiều tiền bạc, của cải do chính mình làm ra một cách lương thiện, nhưng đồng thời lại phải có danh vọng, được đông đảo người đời khâm phục, kính trọng. Thông thường, cái “sang” phải có cơ sở là cái “giàu” chân chính, nhưng “giàu” chưa phải là điều duy nhất để trở thành “sang”. Cái “sang” thuộc phạm trù tinh thần, nó nghiêng về sự nổi danh đích thực- bởi một nhân cách cao thượng, có học vấn và sự lịch lãm. Ví như nhân vật Trạng Quỳnh huyền thoại, nhà nghèo, nhưng vì vợ ốm mà phải đến cầu thành hoàng làng giúp cho vợ khỏi bệnh. Ông đã chỉ mặt thành hoàng mà rằng: “Chú là kẻ cả trong làng/ Ta là người sang trong nước”! Tuyệt vời chưa!
Tuy nhiên, bàn cho kín kẽ, ở đời xưa nay cũng có nhiều cái “sang… mượn”, “sang… rởm” và cái “sang… xin”. Nhiều kẻ ranh ma, cơ hội, dùng tiền bạc và lời nịnh bợ, hoặc nhan sắc, cầu cạnh cấp trên mà leo lên ghế ông nọ bà kia, để nhằm đạt đến mục đích “tối thượng” là “vinh thân phì gia”. Vì thế, Tú Xương đã viết: “Đứa thì mua tước, đứa mua quan”. Hạng người đó, không thể là “sang” được!
Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở mang các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi người làm giàu chân chính, nhưng kiên quyết chống tham nhũng, chống gian lận thương mại, chống suy thoái về đạo đức và lối sống, nhằm xây dựng một xã hội có văn hóa, xây dựng một nền kinh tế minh bạch và vững mạnh, đảm bảo sự công bằng và an sinh xã hội. Chủ trương ấy rất đúng đắn, sáng tỏ. Cho nên, từ bài thơ nổi tiếng của Tú Xương mà bàn về chuyện “giàu” và “sang” xưa nay, âu cũng là theo tinh thần ấy.
Đào Ngọc Đệ
Theo https://doanthuan.wordpress.com/ 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...