Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Về truyện ngắn và cấu trúc

Về truyện ngắn và cấu trúc

CÓ GÌ Ở TRUYỆN NGẮN?
Câu hỏi đầu tiên cho chúng ta là: Tại sao ta bỏ công tìm đọc truyện nói chung, và truyện ngắn nói riêng? Câu trả lời cũng đơn giản: Để giải trí và hiểu biết hơn.
Từ hồi có ngôn ngữ, loài người đã thích thú khi theo dõi và tham dự những cuộc phiêu lưu tưởng tượng của những con người tưởng tượng và họ thấy thỏa mãn nhất ở những tác phẩm hư cấu, trong đó có truyện ngắn. Một số truyện ngắn khiến bạn thích thú khi đọc, nhưng thực ra lắm khi chúng chỉ là loại truyện giải trí, thuần túy để thời gian qua mau hơn, giúp ta tạm quên thực tại và những rắc rối nhức đầu. Một số truyện ngắn khác thì đem lại nhiều hơn thay vì chỉ đơn thuần giải trí. Chúng giúp ta nhìn sâu hơn vào khía cạnh nào đó của bản chất con người hay cuộc sinh tồn này, buộc ta phải suy nghĩ lại, đánh giá lại những điều ta đã (tưởng rằng) biết hoặc cho rằng đúng. Chúng không cho bạn chạy trốn thực tại, mà phải lao sâu hơn vào thực tại để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ta có thể tạm gọi đó là loại truyện lý giải. Tuy nhiên, thật khó vạch một biên giới rõ rệt cho hai loại truyện này. Chúng như hai chùm ánh sáng ở hai cực rọi vào chúng ta, những người ở giữa. Có chỗ chỉ nhận được một nguồn sáng, nhưng cũng có chỗ hai nguồn ánh sáng ấy giao thoa. Nhưng sự phân biệt như thế, tuy còn mơ hồ, lại giúp ta nhìn ra hai vấn đề:
1- Có hai loại độc giả. Loại thứ nhất gồm những người cả đời chỉ thích loại truyện giải trí, có thể họ đã tìm đọc loại truyện lý giải nhưng rồi đã từ bỏ nó. Loại thứ nhì là độc giả có kinh nghiệm hơn, họ không chê bỏ loại truyện giải trí, nhưng họ luôn muốn tìm đọc loại truyện lý giải vì chúng đem lại hiểu biết và kiến quan mới mẻ hơn.
2- Để thưởng thức truyện ngắn, ta không thể đơn thuần dựa vào tiêu chuẩn “đọc thấy thích”, vì như thế ta rất dễ rơi vào loại truyện giải trí. Muốn thưởng thức loại truyện lý giải, ta cần một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật truyện ngắn (khoan bàn tới triết lý truyện ngắn), tựa như kiến thức tối thiểu cần có để xem được hội họa trừu tượng, nghe được nhạc giao hưởng hay xem vũ ballet.
Loại truyện lý giải thường không thể đọc nhanh được. Nó đòi ta đọc đi đọc lại. Thậm chí một tiêu chuẩn cho truyện ngắn hay là ở chỗ nó buộc ta đọc nhiều lần mới thưởng thức được. Đọc xong một truyện ngắn lần đầu thì mới chỉ là bước khởi sự. Bạn cần suy nghĩ và đọc lại cho đến khi nhìn ra nhiều điều hơn là “diễn biến cốt truyện”, hiểu ra những ý nghĩa tế vi mà tác giả muốn trình bày, vì ở mỗi truyện ngắn, tác giả luôn muốn nói điều gì đó, nhận xét cái gì đó, và họ chọn thể loại truyện ngắn vì họ thấy nó thích hợp nhất cho việc diễn đạt những điều họ có trong đầu.
CÁC YẾU TỐ CỦA TRUYỆN NGẮN
Những yếu tố trình bày dưới đây không chỉ có ở truyện ngắn, mà còn có ở mọi loại hình sáng tạo hư cấu khác (có điều những loại hình khác thì có thể không dùng phương tiện là chữ viết). Có những truyện ngắn còn có thêm những yếu tố khác, nhưng không hẳn truyện nào cũng phải có đủ bao nhiêu đây yếu tố. Tóm lại, chúng là những yếu tố cơ bản, có vai trò giúp bạn phân tích truyện ngắn và hiểu ra những tầng ý nghĩa còn ẩn khuất đàng sau dòng chữ của tác phẩm.
1- Xung đột: Xung đột là yếu tố rất cơ bản ở hầu hết truyện ngắn. Khó mà sáng tạo tác phẩm về một cuộc đời êm ả, êm đến độ chẳng có gì để nói. Xung đột có thể giữa người với người, người với môi trường sống của họ, hoặc chỉ xảy ra trong bản thân nhân vật. Nghĩa là, nó có thể lộ ra bên ngoài, có thể chỉ ở nội tâm. Để nhận ra xung đột, ta cần tự hỏi “Nhân vật chính gặp vấn đề gì?”
Xung đột sẽ quyết định hành động truyện. Khác với đời thực, các hành động truyện đã được tác giả lọc lựa kỹ trước khi kể cho bạn nghe để trình bày được điều tác giả nghĩ. Trong cả rừng biến cố trong đời thực, ta có thể khó nhìn ra ý nghĩa của từng biến cố. Nhưng những biến cố được chọn lọc và dàn xếp trong truyện ngắn thì thường dễ nhìn ra ý nghĩa hơn.
Xung đột luôn có kết cục, kể cả kết cục là “không giải quyết được xung đột.” Nói cách khác, nhân vật có thể thắng hoặc thua trong cuộc xung đột. Kết cục của xung đột không nhất thiết phải “có hậu”. Nhưng truyện ngắn hay thì luôn đưa ra một kết cục rất thuyết phục, và có vẻ như đó là kết cục duy nhất hợp lý và đáng tin.
2- Chỗ đứng của tác giả: Tuy tác giả có thể chọn nhiều chỗ đứng theo ý thích khi kể lại câu chuyện, nhưng sau đây là những chỗ đứng thường gặp:
- Người kể biết tất cả: tác giả như một thượng đế trên cao nhìn xuống và biết tất cả về mọi nhân vật, kể cả những ý nghĩ, và có thể đưa ra những phê phán nữa (“Sợi thừng” được viết theo kiểu này). Chỗ đứng này rất phổ biến trong ngụ ngôn hay cổ tích, và thường bị lạm dụng nhất. Lối kể này có nguy cơ tác giả sẽ chen giữa người đọc và câu chuyện (để khuôn định hay chỉ đạo người đọc), và việc tác giả chuyển đổi chỗ đứng liên tục sẽ khiến câu chuyện mất đi sự thống nhất, và xa rời thực tại (vì trên đời đâu có ai biết được mọi thứ).
- Người kể biết có giới hạn: tác giả chỉ biết rõ về một nhân vật (thậm chí hiểu rõ nhân vật đó hơn chính anh ta), và kể lại câu chuyện qua con mắt và ý nghĩ của nhân vật đó (“Eveline” được viết theo kỹ thuật này). Chỗ đứng này đem người đọc tới gần đời sống thực hơn một người kể chuyện biết tất cả, nhưng có giới hạn ở chỗ rất khó làm cho nhân vật ấy biết hết các biến cố trong truyện. Với một tác giả kém cỏi, ta sẽ thấy nhân vật thường xuyên nghe lén, tình cờ nghe được hay ngẫu nhiên có mặt ở nơi sự kiện xảy ra.
- Một nhân vật: tác giả cho nhân vật kể lại câu chuyện mình từng trải qua (nhân vật ở đây sẽ là “tôi”, trong khi người kể biết có giới hạn sẽ có nhân vật là “anh ta” hay “chị ta”). Chỗ đứng này làm câu chuyện có vẻ thật hơn. Với chỗ đứng này, tác giả ít có cơ hội lý giải câu chuyện, do đó có nguy cơ tác giả sẽ trút tất cả kiến thức và sự tinh tế của mình vào nhân vật (trong khi nhân vật có thể không phải là người có học như tác giả).
- Một người quan sát: tác giả kể lại những gì mắt thấy tai nghe như đang diễn ra trên sân khấu, không hơn không kém, không biết gì về ý nghĩ hay tình cảm của các nhân vật, không bình luận nhận xét gì cả. Kỹ thuật này ngày càng thắng thế trong truyện ngắn hiện đại (như trong “Bọn sát thủ”). Người đọc phải ghi nhận sự kiện và tự lý giải. Nên điểm hạn chế là tác giả phải có nhiều diễn biến, hành động và đối thoại.
3- Bối cảnh: Đó là không gian và thời gian trong đó câu chuyện xảy ra. Ngay cả bầu không khí của truyện cũng là một phần bối cảnh. Bối cảnh có thể rất quan trọng đối với diễn biến của câu chuyện, ảnh hưởng tới các nhân vật và quyết định hành động trong truyện, nhất là bối cảnh lịch sử (như trong “Bài học cuối cùng”). Bối cảnh giúp ta hiểu tại sao câu chuyện phải xảy ra như thế. Nhưng ở nhiều truyện, bối cảnh có thể chẳng quan trọng gì cả, vì chúng thường đề cập tới những vấn đề phổ quát, có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
4- Nhân vật: truyện ngắn thường xoay quanh một nhân vật. Nhân vật ấy có thể tiêu biểu cho một giới, một lớp người (trong “Chú voi con” nhân vật voi con đại diện cho lớp trẻ con luôn tò mò), hoặc có thể là một nhân vật đặc thù nào đó với đủ mâu thuẫn và phức tạp như con người trong đời thật (như Hogan trong “Ông Hogan đã cướp ngân hàng như thế nào”). Nhưng dù là nhân vật kiểu nào, họ đều có những điểm phổ quát khiến người đọc thấy rằng chính họ từng gặp một con người như thế trong đời thực.
Những nhân vật đơn giản, không mâu thuẫn và ít phức tạp thường ít gặp trong truyện ngắn hiện đại, vì mẫu người đó xa rời thực tế, nó chỉ cho thấy mức độ hời hợt trong quan sát của tác giả. Thực vậy, trên đời có ai dám chắc mình đã hiểu tường tận ông A hay bà B nào đó? Nên hiểu được nhân vật trong truyện bao giờ cũng dễ hơn hiểu được con người trong đời thực, nhất là với tác giả viết giỏi.
Nhân vật có thể không thay đổi ở cuối truyện hoặc vẫn còn y như cũ tùy ý đồ của tác giả. Người đọc kinh nghiệm thường ít quan tâm chuyện nhân vật có hành động gì, mà chú ý tới cách nhân vật hành động ra sao. Sự thay đổi có thể là tốt hơn, hoặc xấu hơn, nhưng phải là một thay đổi quan trọng, xảy ra trong tầm khả năng của nhân vật (nếu không sẽ là gượng ép), trong một khoảng thời gian hợp lý và chịu tác động của tình huống mà nhân vật gặp trong truyện.
5- Chủ đề: Tác giả luôn có một điều gì muốn nói trong mỗi truyện ngắn. Tuy câu chuyện họ kể là hư cấu nhưng họ luôn muốn nói đến một điều gì đó có thật trên đời và nhiều người có thể gặp. Như thế chủ đề thường có giá trị phổ quát. Chủ đề ít được tác giả nói ra nhưng người đọc kinh nghiệm có thể nhìn thấy. Nhìn được chủ đề, người đọc có thể nhìn ra ý nghĩa các chi tiết mà trước đó bị bỏ qua, nhờ đó họ có thể lãnh hội trọn vẹn tác phẩm.
Nhưng không hẳn truyện ngắn nào cũng có chủ đề. Những truyện kinh dị chỉ có mục đích là gây hồi hộp hay nổi gai ốc. Những truyện phiêu lưu thì càng ly kỳ càng tốt. Truyện hình sự thì chỉ đặt ra một bí ẩn để người đọc cố khám phá ra. Nhưng loại truyện lý giải thì chắc chắn có chủ đề, vì nó là mục đích của việc viết truyện và là sợi dây xâu chuỗi, nối kết hầu hết chi tiết và diễn biến trong truyện. Tóm lại, chủ đề tạo ra sự thống nhất cho câu chuyện.
Tuy chủ đề luôn có tính phổ quát, nhưng qua từng thế hệ tác giả, các chân lý ấy luôn được xét lại, đặt thành vấn đề, nên người đọc cần cẩn trọng, đừng kết thúc một truyện ngắn mà không suy nghĩ về chủ đề của nó, đừng hài lòng với một ý nghĩ muốn thu gọn chủ đề thành một chân lý hay châm ngôn quen thuộc. Mỗi truyện ngắn lý giải đều đem lại một cái nhìn mới về cuộc sống và đời người.
6- Bút pháp: đó là ngôn ngữ kể chuyện của tác giả, cách chọn từ, âm hưởng của từ, cấu trúc câu và tiết điệu, cách dùng những ẩn dụ, vân vân. Giọng văn kiệm lời, lờ đờ trong “Bọn sát thủ” đã khắc họa sâu hơn hành động truyện. Lối đan xen những câu thoại và ý nghĩ của nhân vật trong “Sợi thừng” nằm trong ý đồ của tác giả muốn miêu tả sự tù hãm của cuộc sống với rất nhiều điều không thể nói ra được.
7- Ẩn nghĩa: Từ này được dùng để tạm dịch khái niệm irony (mỉa mai, trớ trêu, cay đắng). Một ẩn nghĩa trong lời nói là kiểu nói trong đó điều nói ra trái ngược với điều trong bụng muốn nói (đó là kiểu mỉa mai, nói lẫy của người Việt). Một ẩn nghĩa kịch tính là sự trái ngược giữa điều nhân vật nói ra với chân lý phổ biến mà người đọc hiểu rõ (thí dụ, mẹ cô Cám bảo cô ‘đừng kiếm chuyện hại con Tấm nữa’ thì độc giả biết ngay chuyện đó trái với thực tế). Một ẩn nghĩa trong tình huống là chuyện sự việc xảy ra trái với điều người ta mong đợi (trớ trêu).
Tác giả sử dụng ẩn nghĩa thì có thể tiết kiệm ngôn từ, tránh dài dòng vì có thể gợi tới những ý nghĩa khác mà không cần phải nói ra. Hiểu được ẩn nghĩa, người đọc dễ nhìn ra ý đồ của tác giả, tức nhìn ra chủ đề của truyện.
8- Biểu tượng: Cũng như ẩn nghĩa, biểu tượng được tác giả dùng để gợi cho người đọc hiểu điều mình không nói ra. Trong một số truyện, biểu tượng hòa hợp một cách tự nhiên với văn bản đến nỗi người đọc phải có kinh nghiệm mới nhận ra ý nghĩa biểu tượng của nó. Ở một số truyện khác - thường là những truyện đã khá xa rời chủ nghĩa hiện thực - thì người đọc phải lý giải nhiều chi tiết hay diễn biến theo hướng biểu tượng thì mới hiểu ra ý nghĩa câu chuyện. Trong loại truyện thứ nhất, biểu tượng củng cố ý nghĩa, nhưng trong loại truyện thứ nhì, nó chuyên chở ý nghĩa.
Một biểu tượng có thể có nhiều ý nghĩa, như một viên kim cương nhiều mặt. Nhưng như thế không có nghĩa nó có thể có bất kỳ ý nghĩa nào. Ý nghĩa của nó phải phù hợp với câu chuyện và do nội dung truyện quyết định.
9- Phóng tưởng: truyện ngắn hiện đại ngày càng mang nhiều phóng tưởng. Người đọc sẽ thấy ngày càng có nhiều tác giả đưa nhân vật của mình vào những tình huống khác thường, hoặc không thể có thật, buộc nhân vật của mình làm những chuyện không thể hiểu hay lý giải được. Ta có thể hiểu rằng, khi chủ nghĩa hiện thực không còn đủ sức chuyển tải ý tưởng sáng tạo của tác giả, và đã trở thành nhàm chán với người đọc, thì đó là thời của những chủ nghĩa phi hiện thực, trong đó có vai trò của phóng tưởng. Suy cho cùng, một tình huống phóng tưởng cũng là một môi trường để tác giả khảo sát bản chất con người, tựa như nhà khoa học cho con chuột chạy vào một mê cung (một tình huống khó có thể có trong cuộc đời con chuột ấy) để xem xét phản ứng của nó vậy. Như thế phóng tưởng có thể chuyển tải chân lý thông qua biểu tượng và ẩn dụ.
Người đọc kinh nghiệm sẽ không đánh giá truyện ngắn theo tiêu chuẩn nó có hợp lý, có thể xảy ra, hay không, mà họ sẽ thận trọng tìm hiểu ý đồ của tác giả khi sử dụng nhiều yếu tố phóng tưởng như thế. Dĩ nhiên, phóng tưởng rất thường được dùng để gây cảm giác rùng rợn, ngạc nhiên, mới lạ (như trong truyện khoa học viễn tưởng, truyện ma… chẳng hạn), nhưng điều đó không có nghĩa rằng tác giả nào sử dụng phóng tưởng cũng vì mục đích đó.
Những yếu tố trên hiện diện ở mọi truyện ngắn, hoặc nhiều hoặc ít. Chúng sẽ là công cụ để bạn hiểu cấu trúc của truyện ngắn, và giúp bạn phân tích và hiểu (tức thưởng thức trọn vẹn) truyện ngắn trong muôn hình vạn trạng của nó.
Sau đây là một loạt truyện ngắn được lựa chọn để thể hiện hết các yếu tố của truyện ngắn. Cuối mỗi truyện sẽ có những câu hỏi để giúp bạn phân tích và tìm hiểu các ý nghĩa trong truyện. Chúng giống như những bài tập và phần trả lời sẽ được in ở cuối sách. Truyện đầu tiên, “Chú voi con" (R. Kipling) là chuyện có nhiều yếu tố của truyện ngắn nhất tuy ở dạng rất đơn giản, do đó sẽ là dịp thao dượt trước khi bạn đi tới những truyện ngắn phức tạp hơn sau đó. Hy vọng các bạn thấy lý thú khi đi qua tập truyện này.
Phạm Viêm Phương
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...