Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Tình nghĩa bên dòng kênh

Tình nghĩa bên dòng kênh

Lấy cây Sào chống chiếc Ghe tách bến xuôi về con kinh phía ngã ba sông cái, cha con ông Sáu trong bụng thật vui bởi chuyến ghe từ chợ Quận lần này ông đã cất đủ các loại hàng hóa mà bà con trong ấp dặn dò để chuẩn bị cho cái tết Nguyên Đán, nhẩm tính trong đầu nếu chuyến hàng cuối năm này mà gom hết tiền đã bán chịu cho bà con trong năm thì tết này gia đình ông Sáu có điều kiện sắm sửa ba ngày tết thật tươm tất, ông sáu vừa chèo Ghe vừa gọi con Thắm con gái của ông đang ngồi sắp xếp đồ đạc trong khoang:
- Thắm ơi! Con xem lại cái sổ mua chịu của bà con coi họ còn thiếu mình bi nhiêu, con áng chừng được rồi để tía liệu bề với má mày lo cái tết này coi.
Đang dời mấy khạp tương hột, mấy can đựng dầu hôi gọn vào một chỗ để có lối đi lại trong lòng ghe, Thắm nghe tía biểu lo tính tiền nợ nần của bà con nên Thắm đáp vội:
- Dạ con nghe rồi Tía ơi! Để dọn cho gọn đồ đạc xong con sẽ cộng sổ liền, chu cha hổng biết mấy cô bác có trả hết cho mình hôn tía, mà con thấy nhiều nhà tội ghê đi, họ nghèo quá lấy tiền đâu mà trả.
- Tía biết rồi, cũng như mọi năm thôi vì năm hết tết đến ai cũng lo cho xong ba cái nợ nần, họ chạy đủ chỗ để trả cho mình, nếu nhà nào đơn chiếc không có khả năng trả thì tía cũng cho họ thôi, thậm chí Tía còn cho quà Tết cho họ nữa đó con.
Nghe Tía mình thổ lộ cách đối nhân xử thế có tình có lý như vậy, đồng tình với ông Sáu Thắm cười giòn rồi nói:
- Tía con Number one nha.
- Cha mày, hôm nay còn bày đặt tiếng tây tiếng U với tía nữa hả, phải vậy thôi cô ơi, hổng lẽ mình biết bà con khó khăn mà mình ép họ vô đường cùng.
Gia đình ông Sáu là dân cố cựu ở cái ấp này, ngày ông còn chập chững bước đi thì ông được ông Nội và Tía cho đi theo chiếc Ghe để xuôi ngược miền sông nước rồi, nghề buôn bán hàng xén và hàng tạp hóa trên ghe xuồng rất cực nhưng với nhà ông Sáu nó lại là cái niềm vui không dễ gì bỏ được, vì đi đây đi đó ấp trên xóm dưới, giao thiệp đủ tất cả loại người, sang có, hèn có, thậm chí cả những người không bình thường lúc tỉnh lúc mê, nhưng dù họ là ai đi chăng nữa thì hai bên mua bán thật thà không cân gian bán lận, lấy cái tình mà cư xử lẫn nhau, có lúc chủ nhân của những căn nhà lá nhỏ nhoi nằm cạnh bờ con rạch khuất sau rạng dừa nước họ đứng trên bờ kêu í ới để mua hàng, khi ghe của ông Sáu tấp vào họ chỉ mua một ít muối, gạo v.v... Khi trả tiền xong có người cho ông Nải chuối, trái bình bát, bần chua, tuy giá trị về vật chất không nhiều nhưng khi nhận được nhũng món quà này ông Sáu rất vui trong bụng, bởi:
"Của cho không bằng cách cho" được bà con nơi đây thực hiện đúng theo câu tục ngữ này.
Bán hàng trên ghe không cần phải trương bảng hiệu hoặc quảng cáo chi hết, bà con thương hồ lấy ghe xuồng làm nhà, nên Ghe của họ bán món gì thì cứ treo lũng lẵng trên cây tre dựng đứng trên ghe xuồng, nhờ vậy chỉ cần nhìn từ đàng xa thôi thì những người trên bờ biết được ghe kia, xuồng nọ bán hàng gì thì réo lên cho họ tấp vô, mua hàng hóa xong thì có khi bên mua không phải trả bằng tiền, có lúc trả bằng cặp gà, con Vịt, có lúc khoai, lúa dùng để làm phương tiện thanh toán cho nhau, không bên nào câu nệ nhất quyết mua hàng phải trả bằng tiền mặt bao giờ, bán buôn như vậy đó mà chẳng bao giờ nghe họ cãi vã nhau, chẳng bằng các cuộc mua bán nơi phố thị chỉ cần hơn thua chút ít trong buôn bán thì cũng đủ để sanh chuyện rồi. nhẹ thì thóa mạ nhau, nặng một chút thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, vô tình thấy những cảnh này thì buồn biết bao cho cái tình người nơi phố thị.
Thu hết tiền hàng, nợ nần trong năm được bà con trả hết, duy nhất có gia đình chú Sáu Mành nhà nằm cuối con kênh do hoàn cảnh quá chật vật nên chú Sáu Mành đành xin lùi ngày trả nợ, dẫu biết rằng mắc nợ hai năm là điều tối kỵ trong cuộc sống, nhưng vì hoàn cảnh thắt ngặt quá sức nên chú đành phải xin với ông Sáu cho ra giêng tháng rộng ngày dài chú cố gắng đi làm công cho các chủ ruộng rộng lớn phía bên kia bờ kênh để trả hết món nợ cho ông Sáu.
Thấy hoàn cảnh của chú Sáu quá túng thiếu khi xuân về tết đến, ông Sáu làm đúng theo lời đã nói với Thắm, ông xóa hết nợ nần cho chú Sáu, ông còn Tặng chú Sáu một ít lạp xưởng, bánh trái nhằm để chú Sáu còn thấy được bóng dáng nàng Xuân thấp thoáng nơi mái lá tồi tàn của mình.
Trên đường Lui ghe về nhà sau chuyến đi mệt nhọc, Thắm ngồi trong khoang kiểm lại tiền bạc, còn ông Sáu thôi không chèo ghe nữa, ông gác cái máy đuôi tôm lên, ông nỗ máy chạy phăng phăng trên mặt nước, gió hai bên bờ kinh thổi thốc vào mát cả người, vừa cầm cần lái vừa nhâm nhi chút rượu cho ấm lòng khi chiều đang dần buôn xuống, ghe chạy ngang những đám dừa nước ven bờ tạo những đợt sóng thi nhau đánh vào bờ, tiếng máy đuôi tôm vang lên khiến bầy cò, bầy diệt đang đậu trên ngọn mấy cây bần hốt hoảng bay lên và cất tiếng kêu oăn oắc hình như chúng đang bực bội khi bị quấy rầy khi đang chuẩn bị qua đêm ở cái tổ trên cây.
Đang lướt êm trên mặt nước, ghe của ông Sáu chuẩn bị ra đến ngã ba sông cái, vậy là còn không bao lâu nữa hai cha con ông Sáu sẽ được đoàn tụ với gia đình sau chuyến đi buôn bán dài ngày, ông Sáu khoan khoái ngước nhìn bầu trời trong sáng với những dãy Ráng chiều vàng rực phía đàng tây, đang thả hồn về với ngày tết của những năm trước đây, rồi mĩm cười một mình với cái tết sắp đến, chợt từ phía Ngã ba sông, một chiếc Ho bo đang bay hết tốc độ lướt trên mặt nước, nó lao nhanh như một mũi tên đang hướng về ghe hai cha con ông Sáu, nghe tiếng kêu như xé gió của chiếc Ho bo, con Thắm nhoài người ra khỏi khoang thấy tình thế nguy kịch có thể sẽ bị chiếc Ho Bo điên khùng nọ đụng phải, Thắm la lên:
-Tía... Tía, coi chừng đó tía ơi! 
Ông Sáu hốt hoảng khi nghe con gái báo động cho mình, ông bẻ vội bánh lái chiếc ghe để tránh chiếc ho Bo nọ, chiếc Ho Bo khi quẹo vào Kênh nó cũng không ngờ có ghe ông Sáu đang trờ tới, tên cầm lái Ho Bo cũng hốt hoảng bẻ lái sang hướng khác, có lẽ do quy ước với nhau như thế nào đó, nên khi đối mặt nhau thì mỗi tài công phải rẽ theo hướng bắt buộc để tránh va chạm, chiếc ghe và Ho bo không đụng nhau nhưng rốt cuộc cả hai lũi vào bờ thật mạnh khiến cả hai đều bị chìm xuống dòng kênh.
- Chết rồi tía ơi!
- Thắm ơi con ở đâu?
Cũng may phước khi chiếc ghe chìm hẳn thì hai cha con Ông Sáu cũng đang nổi lên đang bì bỏm dưới nước, còn đám thanh niên đi Ho bo trước khi đâm vào bờ bọn họ mạnh ai nấy phóng thẳng xuống kinh, thấy Ghe ông Sáu chìm dần họ kêu nhau:
- Chết bà rồi tụi bây ơi, ghe họ chìm rồi hổng biết người trên ghe có sao không nữa, lên bờ dọt gấp bây ơi.
Cả đám bơi vô bờ rồi lũi nhanh lên đường đê và biến mất hút sau hàng cây so đũa, bà con sống dọc hai bên bờ kinh nghe tiếng động mạnh dưới kinh họ biết chuyện chẳng lành, thanh niên trai tráng cùng mọi người chạy ra xem, khi thấy ông Sáu và con Thắm đang lốp ngốp dưới nước, tức thì vài ba thanh niên phóng vội xuống nước, miệng thì la lên:
- Trời bác Sáu với em Thắm kìa, ra vớt gấp tụi bây ơi.
Khi ông Sáu và Thắm được dìu lên bờ kinh, hoàn hồn ông Sáu nói:
- Thắm có sao không con, ba cái thằng quỷ đi Ho bo này là đám công tử miệt vườn ở ngoài chợ quận chớ đâu? Tổ bà nó chắc đám này mới nhậu xong rủ nhau vô đây quậy nè.
Nghe Tía rũa cái đám công tư bột gây ra cảnh dỡ khóc dỡ cười cho mình với tía, Thắm nói:
- Con không sao, hơi bị đau cái giò thôi, còn tía kìa, máu chảy dưới chân đó tía.
Thấy chân ông Sáu bị trầy một vệt dài và rĩ máu, một bà già đứng bên cạnh liền nói:
- Cái này đắp cục thuốc xĩa ăn trầu vô chút xíu là cầm máu liền.
Rồi bà kêu một đứa nhỏ:
-Tèo con, con xẹt vô nhà bà nói cô Út Đẹt con bà nó lấy cho bà cục thuốc xĩa rồi con mang ra cho bà liền, đi lẹ lên con.
-Dạ con đi liền .
Cục thuốc xĩa được bà già rịt chặt vào vết thương, ông Sáu nghe đau rát vô cùng khiến ông ngọ ngậy bàn chân, bà già thấy vậy lấy tay vỗ vào bắp vế cái chân đau của ông Sáu rồi bà la lớn:
- Ông Sáu này tướng tá ông bậm trợn như vầy bị vết thương có chút xíu vậy mà cũng sợ đau. Bởi vậy thấy thương mấy chú lính mình lắm nghe, trước đây mấy ổng quánh giặc bị thương hà rầm mà ông nào cũng cắn răng chịu đau không hề la một tiếng, còn ông Sáu này thì... Ẹ quá ha... ha, mới có trầy da chút xíu mà mặt mày nhăn nhó thấy phát ớn.
Chợt nhớ lại từ lúc chìm ghe đến giờ cái keo thủy tinh đựng tiền cũng chìm theo ghe thì lấy tiền đâu sắm tết, Thắm nói với ông Sáu:
- Tía ơi! Sẵn mấy anh Hai đây cứu mình tía nhờ mấy ảnh lặn xuống ghe mò cái keo đựng tiền đi tía.
Nghe nhắc đến cái keo đựng tiền còn nằm dưới kênh, cái đau nhức ngoài da của ông lúc bấy giờ không ăn thua gì so với cái đau trong lòng, vì đồng tiền đi liền khúc ruột, mà tiền đang ở dưới kinh khác nào ruột rà của bộ đồ lòng của ông đang ngâm nước dưới kinh thì hỏi làm cho ông Sáu không bị đau mới là chuyện lạ.
Đang chú ý đến nét đẹp dịu dàng của một bông hoa đồng nội, nghe Thắm nói đến cái keo Đựng tiền chìm dưới nước, hai anh thanh niên đã ra tay vớt hai cha con ông Sáu bèn nói với nhau:
- Ê mày Tài, vụ này ngộ nghe mậy vì từ nhỏ tới giờ ai cũng đựng tiền trong tủ, trong bóp, hoặc giỏ xách gì đó chứ ai mà đựng tiền trong cái keo, cái keo chỉ đựng bánh kẹo gì thôi chứ ai đi đựng tiền bao giờ.
Anh thanh niên tên Tài đáp lời:
- Thằng Xuân mày hổng biết đâu, cô Thắm đựng tiền trong cái keo là có ý đó chứ chẳng phải chuyện chơi đâu nghe mậy, đựng tiền trong keo có chìm ghe như vậy thì nó không bị ướt, hoặc nó không bị trôi tiền đi chứ gì?
Chẳng cần chờ ông Sáu lên tiếng nhờ cậy, thằng Xuân, thằng Tài phóng ùm xuống Kinh, cũng may nơi ghe chìm nước không sâu, nên Hai đứa vùng vẫy, ngoi lên hụp xuống hồi lâu thì thằng Xuân đã khệ nệ hai tay khiêng cái keo đựng tiền đầy nhóc tiền và... nước trong đó.
Trên bờ bà con vỗ tay hoan hô kịch liệt, khi nhận lại cái keo tiền trên tay của thằng Xuân, con Thắm đỏ bừng má lúc bàn tay nó chạm phải bàn tay thằng Xuân thì con Thắm nghe như một luồng điện chạy nhanh khắp châu thân rồi theo phản ứng tự nhiên nó buông tay ra khỏi keo dựng tiền, phía thằng Xuân cũng vậy lần đầu tiên trong đời nó chạm phải bàn tay của một nàng trinh nữ khiến nó cảm thấy nóng rang cả người, nó mắc cở rồi cũng buông keo đựng tiền ra khỏi tay. Cái keo tiền lúc bấy giờ không còn ai nắm giữ nên nó rơi tự do xuống đất.
- Rẽng... Rẽng... rẽng.
Tiếng Thủy tinh chạm đất bể văng tung tóe, may mà không ai bị thương tật gì, tiền văng khắp nơi, ác một nổi lúc này lại có cơn gió thổi đến, tiền được dịp bay tứ tung khiến cả đám đông xúm lại lượm tiền Làm náo động cả một vùng quê êm ắng lâu nay.
Ông Sáu thấy tiền mồ hôi nước mắt của gia đình mình bấy lâu kiếm được, vậy mà hôm nay lão thần gió quái ác toan tiếp sức cho thiên hạ xúm lại hôi của của mình, gương mặt ông Sáu và con Thắm nặng nề mệt mõi vô cùng.
Tưởng đâu toàn bộ số tiền sẽ bị mất rất nhiều khi đám đông tranh giành lượm lặt, điều kỳ diệu đã xảy ra khiến ông Sáu không thể tin vào tai vào mắt của mình. 
Chính bà già tặng cục thuốc xĩa cùng thằng Xuân với thằng Tài, ba người đứng ra kêu gọi mọi người không nên tham của rơi nên hầu như số tiền hoàn lại cho khổ chủ không xuy xuyển bao nhiêu, với ông Sáu quả thật chuyện này còn đẹp hơn một giấc mơ tốt lành trong cuộc đời, vì có lần ông Sáu đọc được một tin ở Sài gòn có người đàn ông chở tiền trên xe Honda, do sơ suất anh ta làm rơi nhiều cọc tiền trên đường nhựa, vừa dựng chóng xe lên chưa kịp nhặt nhạnh lại số tiền kia thì bị chính những người quanh đấy xúm lại lượm tiền rồi mạnh ai nấy nhét vội tiền vào người và chuồn thật nhanh khỏi chỗ ấy, nạn nhân sững sờ ngồi ôm đầu giữa đường, anh ta đau khổ tột cùng vì lối hành xử bất nhân của đám người không có lương tâm kia.
Vậy mà ông Sáu không bị mất tiền hôm ấy thì quả đúng là chuyện cổ tích giữa đời thường, qua việc này ông mới nhận rõ tình người nơi miền sông nước đối đãi với nhau thật là quý...
Để đền ơn cho ân nhân của mình, ông Sáu gửi cho Tài, Xuân và bà già nọ mỗi người một số tiền với cách nói khéo là tiền lì xì tết, một lần nữa khiến ông Sáu ngạc nhiên lẫn khâm phục với họ vì không ai chịu nhận số tiền trên cho dù nếu họ có nhận đi chăng nữa thì cũng thật xứng đáng đâu thể chê trách.
Thấy không còn cách nào khác, ông bèn lên tiếng mời các ân nhân này đến thăm nhà ông trong những ngày tết sắp đến:
- Thôi tui mời hai chú em với bà chị đây tết ghé nhà tui chơi, để bà vợ tui ở nhà bả biết được ân nhân của cha con tui chứ.
Bà già chưa kịp lên tiếng thì Xuân và Tài mừng như mở cờ trong bụng vì hai anh chàng này có dịp theo cô Thắm về làng rồi.
Đang ngồi đếm lại đống dừa khô để kịp giao cho thương lái mang lên Sài gòn bán trong những ngày giáp tết, ngước mắt nhìn ra ngỏ bà Sáu thấy hai cha con ông Sáu lù lù xuất hiện, linh tính báo cho bà sáu biết có chuyện chẳng lành, bà đứng phắt lên chạy nhanh ra cổng rồi dồn dập hỏi:
- Tía con về bằng cái giống gì sao không thấy Ghe ghiết đâu hết trơn vậy? Bộ có chuyện gì hả. Trời sao tui lo quá, hèn chi con mắt bên phải tui nó cứ giật miết từ hôm qua đến giờ.
Thuật lại đầu đuôi câu chuyện, nghe đến đâu bà Sáu mồ hôi tuôn chảy đến đấy, đưa bọc tiền cho bà Sáu ông Sáu nói:
- Nè cái này coi như lộc cuối năm nghe bà, nếu không có hai chú đó với bà già nọ thì tết này cả nhà mình treo niêu luôn đó bà.
- Trời phật ơi, vậy hả, bởi vậy ở hiền gặp lành ông ơi, với lại ở quê mình bà con tuy ít học nhưng cư xử có lễ nghĩa lắm ông à.
Chiều ba mươi tết khi mọi chuyện trong nhà được chuẩn bị đâu đó xong xuôi, ông Sáu bắt cái bàn tròn với mấy cái ghế đẩu dưới tàng cây mận, không khí chiều ba mươi dường như nó đẹp hơn tất cả mọi buổi chiều trong năm, trên bầu trời trong veo nắng nhẹ xiên chiếu qua cành cây kẻ lá, rót đầy tách trà xanh nóng hổi, hớp nhẹ một ngụm ông Sáu cảm thấy tâm hồn thật thư thái, tuy chiếc ghe bị chìm ngoài kênh tạm thời ngưng việc làm ăn, nhưng ông quan niệm của đi thay người, vì còn người thì còn làm ra của cải...
Nhìn xa ra trước ngỏ nhà phía xa xa ông thấy bà con đốt những đống un khi dọn dẹp vườn tược nhà cửa để ăn tết. Trên bầu trời từng đàn chim bay về tổ, tiếng kêu ríu rít của chúng khiến ông Sáu thấy nôn nao trong dạ, rồi ông có cái suy nghĩ ngộ nghĩnh về lũ chim ông nói một mình:
- Tết tới rồi chắc mấy con chim này cũng ăn tết như con người chăng.
Đang thả hồn rong chơi đây đó, tiếng con Thắm hỏi làm ông quay về thực tại:
- Giờ nay châm lửa nồi bánh tét được chưa tía. Con thấy mình nấu sớm một chút cho khỏe tía ơi, chứ nấu trễ thì sáng mồng một còn lo lui cui vớt bánh thì cực cả năm đó tía.
- Ờ thì cũng được, con lo canh bánh giùm tía luôn nghe, con rủ rê mấy đứa lại canh bánh cho vui, à hôm qua Tía nghe thằng Xuân với thằng Tài tối nay nó đến nhà mình chơi phải không?
Nghe nhắc đến hai vị ân nhân của gia đình mình, Con Thắm lấy làm vui trong bụng, vì qua hành động hôm chìm ghe họ đã thể hiện đầy tình người nơi xóm nhỏ, rồi cái chạm tay vô tình với thằng Xuân, ánh mắt hai đứa cũng tình cờ chạm nhau khiến Thắm xao Xuyến mãi trong lòng, thằng Xuân thì chẳng những con tim nó đang rung động mà nó còn ao ước gặp lại nàng tiên trong giấc mơ của mình, nên khi nghe ông Sáu mời đến thăm nhà thì với thằng Xuân còn gì hơn thế nữa...
- Đúng rồi Tía, hổng chừng chút nữa hai ảnh tới đó tía.
-Vậy nói má con xào liền cho tía dĩa lòng gà, còn con thọc cho tía hai trái xoài tượng chút nữa tía nhậu với hai đứa nó cho vui.
Lấp ló ngoài hàng tre ngoài ngỏ nhà ông Sáu, Thằng Xuân và thằng Tài còn e dè chưa dám vô, thấy dáng người lạ con chó mực trong sân lao ra sủa inh ỏi khiến hai đứa hoảng sợ quăng chiếc xe đạp xuống lộ đất rồi cùng đu lên nhánh cây ổi gần đó, đước nước con mực càng sủa hăng, nó nhảy cẩng lên nhe răng táp vào lưng áo thằng Xuân, thời may thằng Xuân kịp rướn người lên nên con mực ngoạm cái vạc sau xé rách một miếng. Thằng Tài thì nhanh chân hơn nó đu người trên nhánh rồi leo phóc lên chẳng ba ngồi nhe răng cười khi thấy thằng Xuân bị con mực quần tơi tả:
- Xuân ! Bộ mày ăn thịt chó dữ lắm hay sao mà con mực bác Sáu nó "Thương" mày quá vậy?
Đang bực mình gặp chuyện không may, đã vậy nghe thằng bạn thân ghẹo mình nên Xuân cự nự:
- Trời ơi! Thấy thịt chó tao chạy dài rồi, ăn đâu mà ăn, tại chó nhà bác Sáu dữ quá, mày hay lắm há, ngon nhảy xuống đất đi biết thế nào là lễ độ liền.
- Ngu sao xuống hả mậy, áo mày rách tơi tả rồi sao gặp em Thắm được?
Xuân chưa kịp trả lời thì tiếng chân thình thịch của Thắm chạy ra miệng kêu to:
- Mực hư quá nghen, vô vô... Khách quý của chị đó cưng. 
Con mực cụp đuôi rồi đi vào sân nhà, Thắm nhìn thái độ thiểu nảo của hai Hiệp sĩ đang ở trên cây ổi bèn lên tiếng ghẹo:
- Cây ổi đó trái chua lòm hà anh Xuân anh Tài ơi, xuống đi vô sau vườn có cây sá lỵ ngon lắm em hái cho ăn.
Biết bị chọc quê, hai chàng ngượng chín cả người, nhưng Tài cố thanh minh:
- Tại con Mực nhà Thắm dữ như chằn tinh gấu ngựa, nó rượt hai đứa sợ quá mới ra nông nỗi như vầy nè, còn ghẹo tụi tui nữa hả?
Ông Sáu giờ mới chạy ra:
- Xuân, sao áo xống rách te tua vậy bây?
Thôi vô nhà ông cho mượn tạm cái áo khác, rồi hai đứa bây ở lai rai với ông vài xị đến giao thừa rồi dìa. 
Hết hai xị rượu, dĩa lòng gà cũng vơi đi, trên bàn còn dĩa xoài tượng chấm nước mắm đường là còn nhiều, ông Sáu kêu Thắm mua thêm hai xị nữa để giải quyết dứt điểm dĩa xoài tượng, Thắm chưa kịp ra khỏi nhà thì từ đầu ngỏ có dáng người ôm cả lít rượu đi xiêu vẹo muốn ngã xuống đất đôi lần. Liếc mắt thấy người đàn ông nọ, ông Sáu nói nhỏ cho Xuân và Tài nghe:
- Cha nội đó là Hai lỳ, nhà kế bên kia, ổng say xĩn tối ngày, giờ lọ mọ qua chi đây hổng biết nữa, rồi ông lên tiếng:
- Chú Hai nó xĩn rồi hổng chịu ở nhà nghĩ đi cho phẻ, đi đâu đây.
Hai lỳ lè nhè:
- Nói gì ngộ vậy anh Sáu, tui qua đây nhậu giao thừa với anh nè, rượu tui còn nhóc nè, khỏi mua, mồi thì có chi dùng nấy, tết mà... Ủa ủa hai chú em đây là là...
- Ân nhân của gia đình tui đó chú.
- A, vậy hay quá, hai ân ân quấc với tụi tui hết lít này rồi về há.
Hai đứa đưa mắt nhìn nhau ra hiệu cùng rút lui. Thấy tình thế không vui, ông Sáu nói khéo:
- Thôi hai đứa ra sau vườn đi, con Thắm hái cho mớ trái cây về chưn tết nghe bây.
Được ông Sáu vẽ đường cho hưu chạy hai đứa khoái chí dông thẳng ra phía sau vườn, để lại bàn nhậu hai ông già cố tri cuối năm ngồi ôn lại sổ đời.
Còn dăm ba phút nữa thì giao thừa, quýnh quáng thằng Xuân với thằng Tài ôm bọc trái cây bự tổ bà chẳng dự tính chào từ biệt ông Sáu để ra về, sợ xông đất đầu năm nhà ông Sáu lỡ mà sang năm làm ăn không suôn sẽ thì bị ông bà Sáu quở cho một trận thì buồn lắm.
Biết vậy ông Sáu không cho, ông nói:
Đầu năm đầu tháng có Xuân có Tài trong nhà ai mà không ham, thôi hai đứa ở đây xông đất cho ông đi, ông lì xì luôn cho. 
Được lời như cởi tấm lòng hai đứa ở lại đón giao thừa với gia đình ông Sáu, nồi bánh tét năm đó được mấy đứa trẻ canh lửa củi nên chín ngon lành.
Cho mỗi đứa hai đòn bánh tét mang về nhà để dùng lấy thảo ba ngày xuân, Thằng Xuân và thằng Tài không những nó chở bánh tét, trái cây về nhà mình mà chúng nó còn chở nặng cái tình cảm mà cả nhà ông bà Sáu dành cho hai đứa, nhất là con Thắm, nó đã gieo mầm yêu thương trong lòng thằng Xuân, chắc rằng một vài xuân nữa Thằng Xuân sẽ là người lèo lái chiếc ghe thay thế ông Sáu mang hàng hóa về ấp nghèo cho bà con mỗi độ tết đến xuân về.
10/11/2012
Hai Hùng SG
Theo https://www.rongmotamhon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...