Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Một bài thơ của Paul Verlaine

Một bài thơ của Paul Verlaine
Paul Verlaine và Arthur Rimbaud

Thi hào Paul Verlaine (1844-1896) sáng tác bài thơ này (*) lúc ông bị bắt giam vì đã dùng súng bắn bị thương bạn mình là nhà thơ Arthur Rimbaud.
Ngay bốn câu đầu:
Bầu trời trên mái ngói
Thật xanh, thật êm tịnh
Cành cây trên mái ngói
Đong đưa tàu lá
Người ta đã hình dung được khung cảnh giam cầm của tác giả. Trong tù, ông chỉ có một kẽ hở để nhìn ra thế giới bên ngoài: đó là một cửa sổ nhỏ, đặt trên cao, sát trần nhà để phạm nhân khó có thể cưa chấn song vượt ngục. Tất cả trời đất vạn vật đều đến với người tội phạm qua khung cửa sổ tí hon này. Nhìn nó, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, thi sĩ thấy gì? Trước hết, ông thấy trời xanh. Thật ra, dù cho trời có mây, cũng chưa chắc ông đã thấy, vì khung cửa sổ quá nhỏ, thu hẹp tầm nhìn của ông vào một khoảng trời hạn chế. Và giả sử có thấy mây mù cuốn gợn đi chăng nữa, chắc ông cũng chẳng buồn ghi nhận, vì khoảng trời mà ông muốn chiếu rọi bằng tâm hồn tù tội của ông là một bầu trời xanh thẳm, không mây, êm tịnh như mặt hồ không một gợn sóng. Đó phải chăng chính là ước vọng sâu kín nhất của ông sau hồi dao động: tìm lại một tâm hồn vắng lặng, trống trải, êm tịnh, dứt bặt các suy tư dằn vặt, như tìm lại trời xanh sau cơn bão tố?
Qua khung cửa sổ phòng giam, ngoài hình ảnh trời xanh len lỏi đến viếng thăm người tội phạm, còn có một cành cây đong đưa tàu lá, trên một mái nhà. Cảnh vật chỉ có thế: trời, cây, và mái nhà. Từ ba yếu tố hiện thực này, người thi sĩ phải tự tạo nên cho mình một khung cảnh sống, một “vũ trụ” khả dĩ đối nghịch lại được với căn phòng biệt giam lạnh lẽo, cô đơn. Ta nhận thấy nỗ lực này qua bốn câu kế tiếp:
Cỗ chuông trên bầu trời ta thấy
Lặng lẽ ngân nga
Con chim trên cành cây ta thấy
Hót khúc âu sầu
Verlaine không thấy chuông, cũng chẳng thấy chim, mà chỉ thấy trời và cây. Cũng có thể nhận xét : thi sĩ không dùng chữ “tôi” (je) mà dùng chữ “người ta” (on): chủ quan với khách quan ở đây hoàn toàn lẫn lộn. Nhìn trời, ông tưởng tượng cỗ chuông với tiếng ngân nga vọng đến phòng giam. Rồi nhìn cành cây ông hình dung chú chim đang rót những âm thanh sầu thảm vào tâm hồn mình.
“Vũ trụ” của phạm nhân loanh quanh chỉ bấy nhiêu, như lời thơ của một người tù khác, làm trong khám tử hình Côn Sơn:
Tảo khởi loạn văn quần tước táo
Cao song viễn kiến vũ không minh
Sơn đầu thảo mộc giai xuân sắc
Ngục lý lão thanh nhất tụy hình
Dịch:
Thức sớm nghe chim kêu ríu rít
Nhìn qua song sắt thấy trời xanh
Đầu non cây cỏ đều xanh tốt
Trong ngục trẻ già một tụy hình
Và:
Triêu triêu tự triêu triêu
Nhật nhật không tự tiêu
Môn ngoại nhàn phi điểu
Ngục trung nhân tiệm điêu
Dịch:
Sáng ra rồi lại sáng ra
Ngày đi ngày lại trôi qua dễ dàng
Ngoài trời chim lượn rảnh rang
Người ngồi trong khám dung nhan héo dần

(Trần Văn Ân)
Đọc các đoạn thơ này, ta gặp lại trời xanh với khung cửa sổ trên cao (cao song), gặp cây (sơn đầu thảo mộc), gặp chim (nhàn phi điểu), đối lại với tình cảnh người tù co ro trong khám. Cảnh tù quả thực chẳng có gì cả, ngoại trừ tâm tình người tội phạm. Đó là “cảnh không cảnh”, chỉ có tình. Tình chính là cảnh.
Nếu Verlaine là một thi sĩ Việt Nam hay Trung Hoa, thì có lẽ ông đã chấm dứt bài thơ ở câu thứ tám trên đây, với tiếng chim hót sầu thương. Thơ, và có lẽ cả hội họa, của người Đông Á thường nặng về gợi ý chứ không cố gắng miêu tả chính xác, dù cho đó là tả tình hay tả cảnh. Người ta nói thơ của người Đông Á súc tích, nhưng thiếu chính sác. Tuy nhiên, sự thiếu chính sác này lại là cái hay của nghệ thuật Á Đông, vì nó dành cho người đọc rất nhiều chỗ trống để “đi vào” tác phẩm mà mình đang thưởng thức. Người đọc có thể đặt tâm hồn mình vào những chỗ trống ấy, để hiện diện trong chính tác phẩm. Bài thơ của một thi hào Đông Á “sống” nhờ những khoảng trống kia, vì chúng giúp người đọc trở thành một thành phần của bài thơ, tức đem lại cho tác phẩm một thành tố sống động, có khả năng đổi thay, biến hóa.
Nhưng, Verlaine là người Pháp. Ông đã cảm thấy cần mô tả tình cảm của ông một cách rõ ràng hơn, với những vần thơ kế tiếp:
Chúa ơi! Chúa ơi! Cuộc sống đang diễn ra nơi ấy
Giản dị và bình thản
Và những tiếng xì xào êm ả kia
Đến từ thành phố
Sau khi đã vẽ lên cảnh vật nơi mình bị giam cầm, thi sĩ càng ý thức mình đang bị bỏ rơi bên ngoài cuộc sống. Nơi đây, chỉ có một mảnh trời xanh nhỏ, với cành cây phủ trên mái nhà, trong khi ở đó, ở một nơi chốn hoàn toàn xa cách, cuộc sống êm đềm đang diễn ra. Không có Verlaine trong cuộc sống này, dù cho đó chỉ là cuộc sống bình thường của mọi con người. Đau đớn! Người tù chỉ còn biết kêu cầu đến Chúa, đến người Cha trên trời của mình, như một đứa trẻ ngã đau, vừa khóc vừa dang tay đón chờ sự săn sóc yêu thương của cha mẹ. Ông đã lập đi lập lại “Chúa ơi” đến hai lần, để nhấn mạnh nơi lời kêu gọi ấy, để người đọc có thể quả quyết đó không phải chỉ là một thán từ thông thường trong ngôn ngữ hàng ngày (kiểu như: “Chúa ơi”! đã tám giờ, phải mau đi làm kẻo trễ!). Cũng cần nói rõ là bài thơ này nằm trong tuyển tập “Sagesse”, được sáng tác lúc Verlaine vừa tìm lại được niềm tin nơi Thiên Chúa.
Trong bốn câu cuối:
Anh đã làm gì, hỡi anh kia,
Mà mãi triền miên than khóc?
Này, anh kia, anh đã làm gì
Với tuổi xuân xanh?
Verlaine không những thấy mình cách biệt với cái xã hội con người đang sống bình thản ở một góc trời nào đó không có ông, mà còn tự cảm thấy xa lạ với chính mình. Cái con người mà ông mơ ước trở thành lúc còn trong lứa tuổi xuân xanh, hoàn toàn xa lạ đối với Verlaine của ngày hôm nay, một tội phạm bị giam cầm trong ngục tối. Từ những ước mơ của thời niên thiếu, ông tỉnh giấc để nhận thấy mình không còn là chính mình nữa, mà là một cái gì kỳ quái, ghê tởm, chưa bao giờ từng hiện hữu trong tâm tư.
Anh đã làm gì với tuổi xuân của anh? Đó là một câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều có lúc tự đặt ra cho mình, với một chút nghẹn ngào. Trời đất hết xuân này còn xuân khác, trong khi đời người chỉ có một mùa xuân... Mà ta đã làm gì với tuổi xuân ấy? Phải chăng không cần phải ngồi tù như Paul Verlaine, vẫn có một cái gì đó đang giam cầm cuộc đời ta, một cái gì mà ta không hề bao giờ nghĩ đến lúc xuân thời?
Verlaine là một người tội phạm, một kẻ trác táng, bị xã hội con người lên án. Nhưng, tiếng kêu “Chúa ơi!” của ông nhắc nhở cho mọi con người nhớ lại rằng luật pháp của xã hội chỉ là một sự tạm bợ, một điều bất đắc dĩ, như lời Đức Khổng Tử: “Sử vô tụng hồ?” (Giả sử không còn cần luật pháp để kiện tụng nữa thì hay biết mấy?) Verlaine kêu cầu đến Chúa như đứa con hư đốn trong Phúc Âm sau khi tiêu phá hết gia tài của cha mình, lê lết mảnh thân tàn về nhà. Người cha nhân từ không hỏi tội đứa con, không tính sổ sách để đòi nợ, và trừng phạt một cách sòng phẳng như xã hội con người thường làm, mà chỉ mở rộng vòng tay và đãi một bữa tiệc thật lớn để đón mừng người con yêu dấu. Thật vậy, sòng phẳng là kết quả của sự tính toán nhỏ mọn của con người, chứ Thiên Chúa nào cần phải sòng phẳng? Đức Ky Tô chẳng đã từng dạy trả lại một cái tát bằng cách đưa má bên kia, trả lại sự hận thù bằng tình yêu, và trong một dụ ngôn, Ngài chẳng đã từng ví Thiên Chúa như vị Chủ Điền kia, trả cho anh thợ làm việc từ sáng sớm với anh thợ chỉ mới vào làm lúc xế chiều cùng một đồng lương không hơn không kém? Tất cả là của Ngài rồi, Thiên Chúa còn cần gì phải tính toán sòng phẳng, chi ly? Đối với Ngài chỉ có sự trở về của đứa con hư đốn, cũng như tiếng gọi “Chúa ơi!” của người tội phạm Paul Verlaine. Tức là chỉ cần một sự thay đổi nội tâm, là con người có thể có được tất cả.
Khi đang suy nghĩ về bài thơ này, thì tình cờ tôi nghe được trong đài truyền thanh một đoạn tin loan báo đang có sự sửa soạn phong Á Thánh cho một kẻ sát nhân. Ông này, người Pháp, con nhà khá giả, hồi đầu thế kỷ đã đánh cướp nhà băng và giết người trong lúc kháng cự với cảnh sát. Ra tòa, ông bị kết án tử hình. Nhờ ảnh hưởng của Cha Tuyên Úy nhà tù, ông đã thay đổi hẳn con người mình, để lìa đời trong thánh thiện. Nhiều chứng nhân đã khẳng định sự thay đổi này, và nếu tôi không lầm, thì Đức Hồng Y Lustiger hiện chủ trì cho hồ sơ phong Thánh ấy. Cũng như Verlaine, kẻ sát nhân này đã bị con người lên án. Nhưng sự phán xét của Thiên Chúa không thể lệ thuộc vào sự kết án của con người. Và ông, cũng như Verlaine đều biết điều đó.
Quả thực, toàn bài thơ của Verlaine chỉ quy vào hai chữ: “Chúa ơi!”.
(*) Nguyên tác:
Le ciel est, par dessus le toit,
Si bleu, si calme
Un arbre, par dessus le toit,
Berce sa palme.
La cloche, dans le ciel quon voit,
Doucement tinte.
Un oiseau, sur larbre quon voit
Chante sa plainte.
Mon Dieu, mon Dieu, la vie est là
Simple et tranquille
Cette paisible rumeur là,
Vient de la ville.
Quas-tu fait, ô toi que voilà
Pleurant sans cesse,
Dis, quas-tu fait, toi que voilà
De ta jeunesse?.
Nguyễn Hoài Vân
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...