Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Chuyện kể của dòng sông

Chuyện kể của dòng sông

Một ngày vào thuở xa xưa, sông Hương đã thì thầm kể cho nhân thế nghe một chuyện tình buồn.
Chuyện kể rằng…
“Cơn mưa đầu mùa Hạ bất chợt ào xuống khi tôi đang đi ngang qua cầu Trường Tiền. Tôi vội đạp xe thật nhanh về phía nhà sách Ưng Hạ, nằm ngay bên múi cầu phía bắc dòng sông. Chiếc áo dài lụa Hà Đông trắng ngà mềm mại duyên dáng mọi ngày, giờ đây lại làm tôi bối rối. Tấm vải mong manh ướt sũng nước mưa, dán sát người, phơi bày rõ những đường nét cơ thể làm tôi đâm xấu hỗ. Dựng vội xe bên vỉa hè, chạy nhanh vào trú dưới mái hiên hiệu sách, hai tay ôm chiếc cặp lên che ngực, tôi đứng trong run rẩy vì lạnh...
Một bóng áo lính đứng bên. Tôi thoáng nhận biết chiếc áo rocket ai đó vừa choàng qua vai mình. Tôi tỏ ngay thái độ chối từ... nhưng lại nghe:
”Em chịu khó choàng một chút để khỏi cảm lạnh”
Một giọng nói thật ấm và ngọt ngào khiến tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Trước mặt tôi là một gương mặt đàn ông rất phong trần trong bộ áo quần lính rằn ri dữ tợn. Tôi lí nhí cám ơn, rồi sợ hãi đứng nép một góc, im lìm không nói gì thêm. Ngoài hiên, cơn mưa liên tục xối nước xuống, tạo nên một bức màn mưa trắng xóa, che cả dòng sông Hương thơ mộng đang trôi xuôi ngoài kia. Nước tuôn dài trên đường phố, tạo nên vô số bong bóng nước phút hiện, phút tan...trên đường.
Hồn tôi du hành về một thế giới khác...
Khi cơn mưa dứt hẳn, tôi mới chợt tỉnh cơn mê, nhìn lại mới hay nơi trú mưa không còn mấy ai đứng ẩn. Vội vàng nói lời lí nhí cám ơn đưa trả chiếc áo, rồi quay ra phóng xe thật nhanh về nhà.
Chưa bao giờ trong đời, tôi nôn nao về nhà đến thế! Mọi hôm, bước chân trở về luôn nặng trĩu. Bởi nơi ngôi biệt thự vườn xanh mướt bóng cây mà trong lý lịch tôi đã ghi là nhà - tôi chưa bao giờ tìm thấy tình người.
Khi vừa đủ lớn khôn để biết quan sát, nhận dạng mọi vật thể chung quanh, tôi đã thấy chiếc giường tôi ngủ được đặt nơi xó bếp của tòa biệt thự nguy nga nhất vùng - được biết người đàn bà quê hằng đêm nằm ôm ấp tôi ngủ không phải là mẹ sinh ra tôi - những bữa cơm tôi ăn là mâm cơm hạng bét của gia đình dành cho tôi tớ... Chỉ những khi cha có lời nhắc nhỡ, thì người đàn bà tôi vẫn gọi là mẹ, mới đon đả cho người gọi tìm, để cho tôi cùng được sẻ chia những thức cao lương mỹ vị với cả nhà. Và mẹ, người đàn bà mà tôi vẫn gọi là mẹ ấy - người chỉ nói cùng tôi những lời ngọt ngào khi có sự hiện diện của cha. Khi cha quay lưng, tất cả còn lại chỉ là sự lạnh lùng.
Ánh mắt sắc như dao cau của mẹ luôn làm tôi sợ hãi. Tôi đã hiểu người đàn bà kiêu sa, đầy uy lực ấy, đã không phải là người mang nặng đẻ đau ra tôi trên cõi đời này. Còn mẹ tôi ? Theo lời vú Hoa kể lại, đã mất khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Vậy mẹ là ai? Mà sao tôi lại có mặt trong ngôi nhà này? Những thắc mắc ấy phải qua biết bao năm tháng tìm hiểu, tôi mới phác thảo được cuộc đời bất hạnh của mình.
Mẹ vốn là cô nữ sinh viên Huế dịu hiền và xinh đẹp. Nhưng số phận đã không mĩm cười. Mẹ gặp cha nơi giảng đường Đại học, khi cha là một giảng viên tuổi đời xấp xỉ gấp đôi tuổi mẹ. Nhưng không hiểu vì lẽ gì mẹ đã chọn cha, để tạo nên hình hài tôi trong cuộc đời này?
Tình yêu vụng trộm của cô sinh viên con nhà danh giá với một giáo sư lừng danh đã có vợ là một quả bom nổ, gây bao đàm tiếu cho dư luận một thời, trên đất Huế vốn dĩ rất khắt khe đạo lý. Mẹ đã được gia đình ngoại đưa đi xa để che dấu điều ô nhục. Khi sinh tôi, mẹ không còn đủ sức đã trút hơi thở cuối cùng. Đứa trẻ bất hạnh đỏ hỏn được gửi gắm ở Cô nhi viện Đà Lạt. Về sau, không hiểu cha đã dàn xếp như thế nào, đón tôi về sống dưới mái nhà này. Điều này, những năm khi đủ khôn lớn, tôi vẫn cảm thấy còn có một chút ấm áp trong lòng, vì nghĩ rằng dẫu sao cha cũng đã thể hiện được tình yêu với mẹ - Và hơn nữa, cha cũng tỏ được cái dũng khí của một người đàn ông khi phải sống bên một người vợ tràn đầy uy lực như mẹ hiện nay.
Những tháng ngày về với cha là những chuỗi ngày buồn bất tận của tôi. Có thể do cha còn quá nhiều chuyện đáng quan tâm hơn? Hoặc cha cố tình không chăm sóc đến tôi nhiều, sợ sứt mẻ tình yêu với vợ chăng? Tôi lớn lên dần trong nỗi cô độc của đứa trẻ bị lãng quên. Anh chị, do mẹ dạy bảo, đã không buồn chơi. Chị Quỳnh Như rất xinh đẹp nhưng cũng rất ích kỷ. Không bao giờ chị chia sẻ cùng tôi một điều gì. Kể cả những món đồ chơi chị đã vất bỏ, nhưng hễ thấy tôi nhặt lên cầm tay là chị giựt lại rồi quẳng ngay vào sọt rác. Tôi không hiểu vì sao chị lại đối xử như thế. Anh trai Vĩnh Hưng lại cộc cằn, ác độc. Nhiều khi vô cớ gọi tôi đến gần bên rồi cong năm ngón tay cốc mạnh vào đỉnh đầu tôi rồi hỏi một câu đến tàn nhẫn:
- “Mi biết vì răng tau đánh mi không?”
- “Dạ em không biết.”
- “Vì tau ghét mi!”
Tôi tớ trong nhà, do sợ bà chủ, cũng không dám biểu lộ tình cảm với tôi.
Bạn bè ở lớp? Một số do thấy tôi con nhà giàu, không dám chơi. Một số khác, do cha mẹ chúng kể lai lịch không mấy trong sáng của cha và mẹ đẻ, nên không chơi nốt. Thành thử, tuổi thơ của tôi, bạn tri âm tri kỷ chỉ là bến xây cuối khu vườn. Nơi có dòng sông Hương đêm ngày lững lờ trôi qua. Nơi chiếc bến xây ấy, bên trên phủ đầy giàn hoa giấy sắc tím, tôi đã từng ngồi lặng ngắm dòng sông thơ, với nét đẹp tuyệt vời của nó mỗi bình minh và mỗi chiều tà... qua biết bao ngày tháng kể từ ngày tôi về sống chung dưới một mái nhà cùng cha.
Tôi vẫn thích nhất được ngồi trên bậc cấp cuối của bến đá, xoắn cao hai ống quần, chuồi chân xuống dòng sông và để lặng yên cho lũ cá lăn tăn rỉa nhẹ vào chân mình. Cái cảm giác ấy thật thích cùng sở thích khi đi dưới trời mưa, hất tung mũ áo, để những hạt mưa như kim châm vào mặt... Những chú cá Bống, cá Cấn, cá Mại... trong dòng sông là những người bạn tri kỷ qua bao năm tháng. Rồi tôi thì thầm kể với dòng sông những nỗi buồn không thể tỏ cùng ai. Và sông cũng róc rách đáp lại... cho tôi vợi nỗi sầu.
Chiều nay thì khác hẳn. Tôi vội vã quay về vì chiếc áo ướt đang dán chặt vào người. Đường về nhà theo dọc dòng sông. Con đường Lê Lợi kéo dài kết nối một con đường mang tên nàng công chúa tài sắc nhưng bạc mệnh: Huyền Trân công chúa. Con đường ấy đã bao lần tôi đi qua. Nhưng hôm nay cảm nhận nó thật lạ lùng. Có phải chăng vì nó được tắm gội sau cơn mưa? Hay vì còn một lẽ gì khác mà nó trông thật đẹp? Dòng sông hừng sáng lại khi mặt trời vén màn mây xuất hiện ở trời tây, ria một vệt sáng xuống làm hiện lên một giải lụa tím ngần. Màu chiếc khăn quàng tím mà tôi bao lần quàng quanh cổ mỗi mùa đông về - mà chiều nay ai đã đem quẳng xuống che phủ cả dòng sông? Tôi bàng hoàng nhận ra quê mình đẹp quá. Nhưng thật buồn vì sống ngay giữa lòng quê hương đẹp đến thế, mà tôi vẫn không tìm thấy bóng hạnh phúc? Mật ngọt của cuộc đời sao khó kiếm tìm...
Miên man trong dòng suy tưởng tôi về đến nhà lúc nào không hay.
Tối nay, cha gọi lên thư phòng. Như mọi khi, sau những lần tôi gặp mặt cha, mẹ càng có thái độ lạnh lung hơn, nên dần tôi cũng không muốn gặp cha nữa.
Đã có đôi lần, tôi lén nhìn kỹ mặt cha, để tìm hiểu vì sao mẹ sinh ra tôi, đã có thể vì người đàn ông có vợ này, mà đánh đổi cả cuộc đời? Nhưng ngoài hình ảnh của một khuôn mặt rắn rỏi và lạnh lùng, tôi đã không biết được gì hơn. Khi bước chân vào phòng, tôi thấy cha đang đứng đợi. Như mọi khi tôi cúi đầu chào cha rồi đứng lặng im đợi chờ.
Cha bước đến bên tôi, đưa tay nâng cằm tôi lên, nhìn thật sâu một lúc vào mắt tôi... Cha không nói gì. Cha chỉ buông tiếng thở dài. Tôi buột miệng hỏi: ” Vì răng mà cha lại thở dài?”. Cha nói thật nhẹ như trong hơi thở: “Con giống mẹ quá!” Chỉ nói thế thôi rồi cha bảo đi ra.
Quay về căn phòng nhỏ nơi xó bếp, đi ngang qua phòng tiệc của gia đình, tôi thoáng thấy khách khứa của các anh chị rất đông. Tiếng nói cười, tiếng nhạc, tiếng cốc ly chạm nhau canh cách. Và bất ngờ, bóng dáng của người lính áo rằn dữ dằn đã khoác áo rocket cho tôi trong lần trú mưa hôm trước nơi hiên nhà sách Ưng Hạ lại hiện ra trong mắt tôi. Anh ta đang đứng đó, tay cầm ly vang đỏ, miệng đang nói cười điều gì đó với chị Quỳnh Như. Dáng anh cao, bên dáng Quỳnh Như nhỏ bé ẻo lả... Lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi bùi ngùi chua xót. Anh ta là bạn của gia đình này ư? Có nghĩa anh ta là kẻ thù của tôi? Bởi lòng tôi đang rất hận tất cả mọi người trong ngôi nhà này, kể cả cha.
Không về phòng, tôi quay ra bến sông, ngồi âm thầm trong bóng tối ngắm sông khuya.
Đêm có một vệt trắng mờ từ mảnh trăng lạnh hắt xuống.
Trên dòng sông, có một chiếc thuyền con vừa đi qua, tạo một âm thanh xao động do mái chèo khua nước.
Xa xa, vọng lại lúc bổng, lúc trầm... tiếng hát của ai đó trên sông buồn não nề...
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi! Cái tình chi!
Hai bên bờ, những ngôi nhà đã ngủ yên trong bóng tối... Tôi ngồi im lìm cho đến khi đêm buông thật khuya mới quay về phòng.
Khi đi ngang qua phòng tiệc, lại thoáng thấy chị Quỳnh Như đang nũng nịu nói cười với người lính áo rằn ri ấy. Anh ta là ai? Chắc anh ta phải có địa vị cao sang lắm mới chen chân lọt vào đôi mắt xanh của cô gái kiêu sa trong ngôi nhà danh gia vọng tộc này! Tự nhủ lòng mình thôi không nghĩ ngợi nữa. Nhưng đêm nay không hiểu vì sao tôi lại thức trắng đêm?
Tôi lại ra ngồi một mình trong vườn khuya. Trăng đã lên, rồi trăng lại lặn. Phủ đầy lên mảnh vườn khuya mảng bóng tối mênh mông. Phủ chung quanh tôi và cái xích đu dưới gốc cây Hoàng lan cũng là bóng tối. Và trong bóng tối mênh mông ấy tôi nghe tiếng con dế đang réo rắt, u uẩn khúc nhạc sầu “Chopin” nơi đám cỏ bên luống hoa nơi bờ tường .
Đêm mơ màng.
Đêm sâu lắng.
Tiếng Dế ca mãi, ca mãi... rồi cũng mệt nhoài và nhỏ dần... nhỏ dần… Tôi đơn côi bước chân về căn phòng nhỏ, nằm nhoài lên giường để tự dỗ mình vào giấc ngủ. Tôi thì thầm, thì thầm chỉ đủ để chính mình nghe:
“Hương ơi! Đã hai giờ sáng rồi răng mi không ngủ?. Gắng ngủ đi để ngày mai còn đủ sức đi đến trường!!”
Bên ngoài vườn khuya đã tan dần bóng tối. Ông mặt trời lại quay về với dương thế, đang chiếu những tia nắng dịu ban mai xuống cuộc đời. Tôi qua một đêm không ngủ, lại phải thức dậy sửa soạn đi đến trường.
Con đường đất chưa đổ nhựa trải dài đầy ổ gà với chiếc xe cộc kệch. Áo trắng học trò đơn côi. Tôi đã đi qua bao ngày tháng trên con đường quen thuộc ven sông. Con sông thơ nổi tiếng đẹp mơ màng...
Mọi ngày hai buổi, tôi đạp xe lóc cóc đi học. Hôm nay cũng thế. Đạp xe đi được một đoạn trên đường xuôi về cầu Lòn, thì xe đã bị xẹp lốp. Đành dắt xe quay về rồi phải chạy bộ thật nhanh đến nhà máy vôi Long Thọ, mới may ra đón được bạn học cùng trường để xin quá giang. Vừa dắt xe quay vào cổng, tôi gặp ngay người áo lính rằn ri ấy đang lái xe jeep đi ra. Anh ta lộ vẻ ngạc nhiên trong sự gặp gỡ bất ngờ này. Người gác cổng nói điều gì đó để anh ta hiểu được tôi là con gái giáo sư Thanh. Anh tiến đến bên tôi, nói giọng thân tình:
“Ôi Hương ơi! Anh thật vui được gặp lại em. Em lên xe anh đưa em đến trường kẻo trễ nhé!“
Một sự hờn giận vô cớ đột ngột dâng lên, đã khiến tôi từ chối thật lạnh lùng. Rồi vì sợ trễ học, tôi ôm cặp chạy nhanh ra đường. Tôi chạy thật nhanh, nhưng không thể nhanh bằng xe jeep anh ta đang lái đuổi theo. Xe anh ta vượt lên phía trước rồi dừng lại chờ. Anh xuống xe, một lần nữa ân cần ngỏ ý muốn giúp:
“Hãy lên xe để anh đưa em đi học. Đừng ngại ngùng điều chi cả. Anh là bạn em mà!”
Giọng nói ấm của anh, nét mặt chân tình của anh, đã làm tôi quên đi những căm ghét vốn dành cho tất cả bạn bè của anh chị. Tôi leo lên xe, ngồi lặng im cho đến khi đến trường. Tôi không còn nhớ mình có nói lời cám ơn hay không. Chỉ nhớ rằng mình đã tụt xuống xe và cắm cổ chạy thật nhanh vào cổng trường. Chắc chắn không phải vì sợ trễ học, mà...trốn chạy ra khỏi sự ràng buộc với người đàn ông xa lạ mà những mắt xích định mệnh đang dần trói buộc tôi!
Những ngày sau đó, tôi biết anh ta liên tục đến nhà chơi. Nhưng thế giới của tôi là xó bếp. Vì thế anh không gặp được. Còn chị Quỳnh Như, lại liên tục bám riết anh ta, nói nói, cười cười với nét mặt rạng ngời. Qua lời tọc mạch của bọn gia nhân, tôi biết anh ta là bác sĩ Kỳ Nam, một “ công tử Bạc liêu” của vùng đất phương nam.
Hèn gì!
Trong đám con trai khá đông đang bám riết tán tỉnh chị, anh ta quả xứng với “lá ngọc cành vàng” này nhất. Tôi lại càng quyết lánh mặt...
Một đêm khuya, không ngủ được, tôi lại ra dòng sông. Ngồi một mình trên bến đá, thò hai ống chân xuống dòng sông, tôi đợi chờ lũ cá đến rỉa nhẹ như kim châm vào chân mình. Thời gian trôi, trôi nhưng tôi không buồn đếm...
Hồn tôi lại du hành về nơi thế giới có bóng dáng anh. À thì ra tôi đang nghĩ đến anh dù rằng tôi luôn muốn xua bóng hình anh ra khỏi tâm tư mình. Vì răng tôi lại rứa? Tôi cũng không hiểu được vì răng!
Thình lình, từ dưới sông vang lên tiếng khua nước mạnh, rồi một bóng người bơi nhanh đến trước mặt. Trong lúc hốt hoảng, tôi đứng lên, định chạy vào nhà, nhưng chính cái giọng nói ấm áp quen thuộc hôm nào lại thì thầm bên tai tôi: “Em đừng sợ. Anh đây. Anh biết Hương sẽ ra ngồi một mình với sông Hương nên anh đã chờ em”. Nói xong anh ta leo lên bậc cấp, tự tiện ngồi bên tôi và đột ngột nắm chặt bàn tay nhỏ bé của tôi. Một luồng điện cực mạnh chạy ngang trong cơ thể tôi. Tôi bối rối chưa biết mình phải làm gì Anh nhìn sâu vào mắt tôi một lúc thật lâu rồi thì thầm lời tỏ tình: ”Hương có biết anh đã yêu em ngay từ hôm gặp em dưới cơn mưa không? Anh tiếc vô cùng vì đã không thể hỏi được em ở nơi đâu. Nhưng điều anh mong ước cũng đã đến vì số phận đã cho anh tìm được em ngay trong chính nhà em.”
Tôi thật bàng hoàng.
Cơ thể tôi như hóa đá.
Tay tôi vẫn nằm gọn trong tay anh. Đôi bàn tay to, ấm áp, hằn lên những đường gân như tay tên thợ săn thời tiền sử, đã truyền dần trong tôi một cảm giác lạ lùng. Anh dịu dàng kéo tôi vào lòng... Tôi chưa kịp phản ứng, thì đôi môi nồng ấm và mềm mại của anh ôm ấp vành môi tôi. Tôi lịm đi trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mê... tôi mơ hồ nghe từng tiếng trái tim tôi khóc, tiếng khóc hạnh phúc của những khoảnh khắc diệu kỳ.
Từ một người xa lạ, anh đã bước vào cuộc đời tôi. Cho tôi những rung động yêu thương đầu đời thiếu nữ. Chỉ mới giây phút trước, có bao giờ tôi nghĩ rằng trái tim mình sẽ mãi mãi thuộc về một người đàn ông này - một người đàn ông là bạn của những kẻ mà tôi căm ghét - chỉ sau một cái nắm tay và một nụ hôn đầu đời? Và để giờ đây với tôi, anh trở nên thân thiết quá, gần gũi quá!
Anh đã ngồi bên tôi suốt đêm. Trong bóng tối - trong im lặng. Dưới chân anh và tôi, nước dòng Hương vẫn lững lờ trôi qua... Sông vẫn làm ra vẻ như không liếc nhìn, không xoi mói... nhưng sông vẫn đủ thời gian ăn cắp bóng hình anh và tôi in dấu xuống dòng sông đang trải dài như giải lụa bàng bạc dưới đêm trăng!
Lũ cá có hay chăng mà sao chúng cũng dừng không thôi rỉa rói? Hay chúng sợ đánh động làm tan mất những khoảnh khắc diệu kỳ này?
Có ai biết đêm nay, bên dòng Hương giang thơ mộng, cuộc đời tôi đã có sự đổi thay? Tình yêu của anh cho tôi chỉ có trăng sao mây sông nước và lũ cá tí teo trong dòng nước là những chứng nhân thuận tình!
Ngôi biệt thự đang im lìm trong bóng tối. Những thành viên trong đại gia này đã ngủ say. Không ai bận tâm đến sự vắng mặt của một đứa con riêng lạc loài...
Hôm sau, anh quay về đơn vị sớm. Tôi tiếp tục cuộc sống cũ. Ngày ngày đi học và khi trở về lặng lẽ làm việc giúp đám gia nhân. Nhưng từ nay tôi không còn u uẩn nữa. Bởi tôi đã tìm thấy niềm hạnh phúc trong cõi trần ai này. Trái tim tôi đang chất ngập yêu thương. Tôi vẫn ra thì thầm kể chuyện cho dòng sông, nhưng câu chuyện không còn là những câu chuyện buồn xưa cũ. Mà tôi kể cho sông nghe những xao xuyến trong lòng mình.
Tôi ngẩng nhìn mây, tôi kể cho mây rằng tôi yêu anh biết mấy, để mây bay về nơi chiến địa anh đang đóng quân che phủ cho anh trong cơn nắng chết người.
Tôi gọi gió, nhờ gió nhắn giùm tôi lời dịu ngọt gửi đến cho anh. Anh là tất cả với tôi.
Cái nhìn về cha, cũng đã có sự thay đổi. Tôi hiểu được rằng chính cha cũng đã đau đớn trong sự chia lìa này. Và mỗi lần cha gọi vào gặp mặt, tôi đã biết nắm lấy bàn tay cha, nói với cha những lời ấm áp. Quả thật tình yêu anh cho tôi, đã làm cho tâm hồn tôi trở nên cao thượng!
Lá thư đầu tiên của anh đã đến trong chiều nay.
Tôi run rẩy bóc lá thư và đọc như nuốt chững những dòng chữ viết một lần, hai lần, mười lần, rồi nhiều hơn nữa mà vẫn tưởng chừng như chưa đọc. Lời anh đầy yêu thương - nó như dòng suối mật ong rừng ngọt lịm tuôn chảy trong lòng tôi
Benhet...
Em yêu thương!
Anh đã về đơn vị. Về lại với cảnh quen thuộc của một Benhet luôn không ngớt những trận mưa pháo... Anh đang sống trong nơi chốn ai cũng gọi là địa ngục giữa trần gian. Cái chết nó có thể đến thật đột ngột và vô tình. Bấy lâu nay anh không là kẻ tham sống sợ chết... nhưng giờ đây quả thật anh khao khát mình phải sống - để được bảo bọc và yêu thương em.
Anh đã nhìn thấy em trong một buổi chiều tình cờ dưới cơn mưa đầu mùa ở Huế. Nhìn thấy em run rẩy trong tà áo dài ướt đẫm nước mưa; Nhìn mắt em long lanh giọt nước... anh biết trái tim anh đã không thể cưỡng nhịp đập bồi hồi. Nhưng giờ phút ấy anh và em là hai kẻ xa lạ nhau trong cuộc đời này. Làm sao anh có thể đường đột bày tỏ cùng em? Tình yêu, vừa nảy sinh trong tim anh, đã thôi thúc anh cởi nhanh chiếc áo choàng để khoác cho em khỏi lạnh. Anh cảm ơn em đã không khước từ. Anh đứng bên em chờ cơn mưa tạnh-lòng anh xao xuyến bồi hồi và anh chỉ mong mưa mãi mưa hoài để em sẽ không bao giờ rời nơi trú ẩn, sẽ không bao giờ cởi trả anh chiếc áo đang khoác trên người em. Nhưng rồi cơn mưa vẫn dứt mà anh chưa đủ can đảm để hỏi nhà em ở nơi đâu. Anh tiếc nuối và thẩn thờ như kẻ đánh mất báu vật. Nhưng rồi trời đã không phụ lòng anh. Anh đã tìm thấy em trong sớm mai ngay nơi cổng nhà em - một sớm mai mà khi thức giấc, anh đã nghe tiếng chim hót ngập khu vườn - tia nắng dịu đang vén màn mây chiếu xuống cõi trần này, đủ soi cho anh nhìn thấy cô tiên nữ áo lụa Hà Đông mà anh mơ tưởng đang hiện trước mắt mình. Anh biết số mệnh đang mĩm cười và sẽ trói buộc cuộc đời anh và em. Anh quyết không để mất em thêm một lần.
Em ơi! Hãy vui lên em nhé! Hãy quên đi những buồn đau cũ! Anh luôn bên em và chia sẻ mọi điều. Anh yêu em, Hương ơi!
Kỳ Nam
Đêm ấy, tôi đã không ra dòng sông. Tôi ngồi bên bàn viết, bồi hồi viết lá thư tình đầu đời của một thiếu nữ đang yêu.
Nguyệt Biều...
Anh thương!
Thư anh đến trong chiều nay. Em đã đọc nó không biết bao lần. Em vẫn tưởng mình sẽ mãi sống đơn độc trên cõi đời này. Nhưng không ngờ số phận đã đưa anh bước vào cuộc đời em, giúp em quên đi những tháng ngày bất hạnh cũ. Em cảm ơn đất trời đã cho em gặp được anh. Em cảm ơn mẹ đã sinh ra anh cho em trong cuộc đời này. Ngôn từ bất lực không đủ diễn tả nỗi lòng em. Em chỉ biết nói rằng em đang sống những phút giây kỳ diệu của đời mình.
Từ một kẻ xa lạ, anh đã bước vào đời em, mang lại cho em sự ấm áp lạ lùng. Ánh mắt anh nhìn em, giọng nói anh bên tai em... đã làm thay da đổi thịt, biến đổi một hình hài sâu bọ xấu xí thành một cô bướm yêu đời đang vờn bay trong vườn đầy hoa nở. Em đang tìm thấy niềm tin yêu cuộc sống này. Em tin tình yêu anh cho em. Em tin em sẽ không làm anh thất vọng. Bởi ta đến bên nhau bằng chính sự rung động của trái tim mình. Không mưu cầu điều chi khác ngoài việc khát khao mang lại hạnh phúc cho nhau.
Em biết cuộc chiến đang từng ngày từng giờ từng phút cướp đi sinh mạng của biết bao người, cày xéo loang lổ bao mảnh đất quê hương. Anh của em đang là người lính, đang ngày đêm đối đầu với cái chết, ngày quay về cùng em chắc còn xa lắm. Nhưng em vẫn đợi chờ. Em luôn nguyện cầu anh được bình an. Anh ơi! Em muốn nói rằng: em cũng đã yêu anh! 
Hương
Có một điều mà tôi không hề hay biết, tất cả thư, trước khi trao tay tôi, mẹ đều đã kiểm duyệt. Và vì thế chuyện tình yêu của tôi và anh, chưa tỏ cùng ai, mẹ đã biết tường tận. Bên ngoài bà vẫn tỏ thái độ không hay biết điều chi. Nhưng trong tim, đã bừng lên lòng căm hận cũ về một bóng hình người đàn bà đã cướp đi tình yêu của bà. Nay người con gái ấy, cái bóng của mẹ nó lại tiếp tục chen vào hạnh phúc của cô gái rượu Quỳnh Như. Không! Tất cả không thể tái diễn. Bà giấu kín tất cả những toan tính đầy nham hiểm chờ thời cơ trả hận.
Trước mặt chồng, bà vẫn luôn cất giọng ngọt ngào với cô con riêng của chồng. Hương cảm thấy hơi lạ lùng? Nhưng cha thì lại thấy rất hạnh phúc.
Thư anh liên tục gửi về, anh kể tôi nghe tất cả những tháng ngày thơ ấu của đời anh, những vui buồn khi đã lớn, những ước mơ về một ngày mai khi hết chiến tranh. Và qua thư anh, cũng cho biết rằng anh đã hiểu rất tường tận chuyện buồn đau trong cuộc sống của tôi. Vì cha mẹ anh vốn là bạn học cũ của cha tôi ngày trước. Việc anh thường xuyên đến nhà tôi chơi là do cha mẹ anh muốn thế, chứ anh không đến vì bóng dáng Lý Quỳnh Như. Anh đã chọn tôi là người anh mơ ước. Anh hy vọng rằng với tình yêu của anh, giúp tôi vơi quên những bất hạnh.
Qua thư anh liên tục gửi về, tôi hiểu thêm sự tàn khốc của chiến tranh. Tôi chưa thực sự hiểu chiến tranh là gì vì đoạn đường tôi đi bao ngày qua chỉ là con đường từ nhà đến trường rồi từ trường quay trở lại... Anh đang tham gia vào cuộc, nhưng anh cũng chỉ là nạn nhân của những khát vọng đang núp dưới chiêu bài ngập đầy triết lý nhân văn cao cả. Anh đang mơ cùng tôi về một mái nhà trong khu vườn xanh mướt đầy cây trái. Ở đó, có tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ tôi sinh cho anh. Ở đó, có tiếng chim hót buổi sớm mai, trong những chùm lá cây xanh rì tràn trề sức sống... Ở đó có cả công trình y học mà anh dày công nghiên cứu, đã được đem ra ứng dụng cho đời...
Nhưng tất cả những ước mơ ấy đang còn phía trước...
Còn thực tại hôm nay anh vẫn khoác chiếc áo lính rằn ri, đối đầu với bom đạn. Anh chọn ngành y để muốn giúp nhân loại thôi quằn quại trong những vết đau nhức, chứ nào phải để cầm súng bắn vào người đối mặt?
Dù những phút giây bên nhau tuy quá ít ỏi, nhưng tôi nhận ra được rằng anh chính là người đàn ông của đời tôi. Trái tim tôi bồi hồi đập những nhịp rung động thực sự đầu đời...
Tôi liên tục hồi âm cho anh. Thư tôi, kể cùng anh những buồn đau thời thơ ấu, khi tôi được sinh ra trong oan trái của số phận. Tôi căm hận cuộc đời. Nhưng kể từ khi có anh đến bên tôi, cái nhìn về cuộc sống của tôi cũng thay đổi. Tôi cùng anh mơ về ngồi nhà hạnh phúc. Ở đó, tôi là mẹ Âu cơ dịu hiền, sớm chiều chăm sóc lũ con trong bọc trứng mà anh đã cho tôi. Tôi vui niềm vui anh đang có. Tôi đau nỗi đau anh đang chịu đựng... Với tôi, anh là sự sống, là hơi thở, là máu huyết của đời tôi...
Tôi vẫn ngày hai buổi đến trường mang theo những ước mơ gói tròn trong tâm trí. Tôi khao khát mong chờ một ngày anh về phép để được nhìn lại nét mặt thương yêu, được nghe lại giọng nói vỗ về đầm ấm, được anh đem lại những cảm giác ngọt ngào khi môi anh tìm đến môi tôi... Nhưng cuộc chiến đang ngày mỗi khốc liệt. Anh không thể trở về bên tôi khi hàng ngày, hàng giờ, bom đạn đã đang cày xéo rách nát lên da thịt của biết bao người lính. Anh cũng đang là một người lính - một lương y của thời chinh chiến - làm sao có thể có một ngày phép bình yên?
Nên tôi chỉ biết đợi chờ...
Rồi hạnh phúc cũng trở lại vào một ngày đầu xuân trên đất Huế. Trong khu vườn phủ sương mù của một sớm mai, tôi nghe tiếng anh nói... tôi bồi hồi mong đợi đêm mau buông, để ra ngồi đợi anh nơi bến nước cuối khu vườn.
Anh đã ra nơi tôi ngồi đợi khi đêm buông xuống khá lâu do anh phải ngồi hầu trà cha mẹ tôi sau buổi cơm tối. Cả hai cùng ngồi nơi bậc cuối của bến nước, chuồi chân xuống dòng sông để sẻ chia cùng lũ cá thân quen những hạnh phúc đang rộn rã trong lòng... Đêm nay, đêm trăng đầu tiên của mùa xuân, trăng của tết Nguyên tiêu, dưới ánh trăng sắc màu huyền ảo diệu kỳ, anh đã ôm tôi trong vòng tay rắn chắc của mình, đôi môi dày ấm tìm kiếm môi tôi... Những rung động ngọt ngào lại dấy lên ngập lòng tôi. Tôi cảm nhận mình hạnh phúc biết mấy! Anh hẹn cùng tôi ngày mai sẽ đưa tôi lên thư phòng thưa chuyện cùng cha. Có thể anh sẽ xin cưới tôi trong năm nay, cho dù tôi đang học dở dang, cho dù cuộc chiến chưa kết thúc. Vì nếu phải đợi chờ thì biết đến bao giờ?
Lúc đêm đã quá khuya, anh đưa tôi vào nhà. Tôi quay về phòng ngủ nơi xó bếp của mình. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc. Tôi nhắm mắt thiếp đi trong giấc mơ ngày mai sẽ đến...
Tôi bị đánh thức, không phải từ tiếng chim gọi muôn thuở nơi lùm cây ngoài song, mà bởi tiếng quát dữ dằn của Vĩnh Hưng:
- “Trời ơi! là trời! Nhục ơi là nhục!’’
Tôi mở vội mắt ra và vùng dậy. Một khung cảnh thật lạ lùng: Sao tôi lại nằm không xiêm áo bên cạnh một tên bạn vô lại của Vĩnh Hưng mà tôi vốn căm ghét? Tôi chưa định thần hiểu được điều gì đã xảy ra thì tiếng hét của Vĩnh Hưng đã gọi tiếng chân chạy rầm rập của cả nhà. Tôi loáng thoáng thấy bóng mẹ, bóng Kỳ Nam, bóng các gia nhân trong nhà...
Tiếng mẹ cả kêu gào: “Trời ơi là trời! Nhục ơi là nhục! Ông giáo sư Thanh ơi đến mà xem dòng máu của kẻ lăng loàn!“.
Tiếng gã con trai lí nhí xin lỗi: ”Vì em Hương tự nguyện nên con không kiềm chế được.”
Tôi chỉ kịp rút nhanh tấm chăn quấn vào người rồi gục xuống sàn nhà trong nỗi kinh hãi cùng cực.
Tiếng mẹ lại cất cao giọng xỉa xói tôi đã làm nhục gia phong và không ngớt mạt sát người mẹ sinh ra tôi.
Tôi chỉ biết ngẩng lên nói cùng Kỳ Nam: “Anh ơi! Tất cả là sự dối trá!”
Kỳ Nam vội đến bên tôi. Anh cúi xuống ôm tôi một lúc, rồi bế đưa tôi vào phòng tắm của gia nhân, lặng lẽ múc nước tắm cho tôi. Thân thể tôi bất động như không còn sự sống. Trên vùng da ở háng, những chất nhờn dính vết máu loang. Anh dội dòng nước làm sạch cho tôi.
Tôi như kẻ đã chết.
Mắt anh ngập đầy bóng tối.
Anh lầm lì lau sạch người tôi, mặc áo quần cho tôi như một bảo mẫu chăm sóc em bé, bế tôi lên giường nằm nghỉ. Ngồi canh bên tôi suốt mà không ăn uống, nói năng gì.
Tôi khi tỉnh khi mê với những cơn ác mộng kinh hoàng.
Anh ngồi im lìm với cái đầu đang vật lộn biết bao toan tính mình phải làm gì? Chắc chắn phải làm một điều gì đấy để lấy lại công bằng và danh dự cho người anh yêu!
Sự nhốn nháo đã dứt. Lũ gia nhân quay về công việc với lời bàn tán thầm thì... Bà mẹ lên thư phòng đay nghiến chồng về giọt máu mà ông đem về chung sống.
Giáo sư Thanh lặng im. Ông tìm xuống phòng con gái khi Kỳ Nam đang ngồi canh cho tôi ngủ. Anh lớn tiếng hỏi ông đã nghĩ gì về cuộc sống của tôi trong những tháng ngày qua? Vì sao chiếc giường tôi ngủ lại đặt trong xó bếp này? Vì sao bữa cơm tôi ăn lại ngồi chung mâm cơm hạng bét cùng lũ gia nhân? Anh kết luận ông chưa đủ trách nhiệm của kẻ làm cha, nên anh quyết định đưa tôi ra khỏi cuộc sống này.
Khi tôi tỉnh dậy, trời đã về chiều. Kỳ Nam đã chuẩn bị tất cả cho sự ra đi. Anh đưa tôi ra sân bay để về miền nam trong chuyến bay đêm.
Khi đã vào hẳn phòng cách ly, anh ôm tôi trong tay mình mặc những đôi mắt chung quanh đang nhìn xoi mói. Anh thầm thì bên tai tôi: “Từ nay em là vợ anh. Anh hứa sẽ yêu thương em suốt đời.”
Tôi đáp lời anh bằng dòng nước mắt tuôn chảy. Anh hiểu và lấy khăn lau nước mắt cho tôi.
Anh đã kể hết sự thật cho cha mẹ và thiết tha xin họ hãy vì anh mà chăm sóc tôi. Anh lại quay về đơn vị.
Cuộc chiến vẫn đang chờ anh trong bụi khói của những quả đạn nổ... Chiến tranh ngày mỗi leo thang từng phút giây. Nơi căn cứ nóng, ngày đêm vẫn không ngớt những trận mưa pháo. Nhưng bão tố trong lòng anh mới chính là trận chiến khủng khiếp nhất. Anh vẫn đang đương đầu với cái chết cận kề, vẫn ngày đêm lắng nghe tiếng rên rĩ của những thương binh... Lòng anh dấy lên nỗi cảm thương những thân phận bất hạnh. Nỗi đau thân xác đã thế, nỗi đau tinh thần sẽ ra sao?. Anh càng thương nhớ tôi biết mấy. Anh quyết tự đấu tranh bản thân để đón nhận tất cả những bất hạnh của đời tôi. Anh quyết đem lại công bằng cho những thân phận như tôi.
Trong đêm anh nhớ tôi da diết, một quả đạn vô tình đã đẩy hồn anh du hành mãi mãi về cõi xa xăm...Tôi đã đọc được lá thư cuối cùng anh viết dở trước giờ Benhet bị tấn công:
Benhet...
Hương ơi! 
Đêm yên ắng quá! Anh đang nhớ em vô cùng. Anh nhìn ra sân doanh trại - Tất cả đang chìm trong màn sương khói của núi rừng về đêm.
Chung quanh anh, những thương binh chưa tải về tuyến sau vẫn còn khá nhiều, nằm trên những chiếc giường dã chiến dính đầy máu mủ, với những tiếng rên xiết não lòng. Một mùi tanh tưởi bao trùm căn phòng. Anh bước ra bên ngoài để hít thở một lúc. Tai anh như nghe mơ hồ tiếng nước dòng Hương róc rách của đêm nào anh gặp em nơi bến nước. Rồi anh còn nghe cả tiếng dế kêu, ngửi cả mùi hương hoa Ngọc lan trên mái tóc em... Chưa bao giờ hơn lúc này, anh muốn quay về ngay bên em, để ôm em vào lòng anh... khi anh đã được đồng đội đưa về cho cha mẹ và tôi trong chiếc Pông sô cài kín vào một ngày Sài gòn đổ cơn mưa đầu mùa xối xả.
Tâm trí tôi đã trở lại bình thường để đủ nhận biết Kỳ Nam đã chết. Và tôi còn đủ ý thức để cảm nhận một sự khác lạ trong cơ thể mình. Tôi đang nghĩ gì? Tôi đang dự tính điều gì? Không ai có thể biết được vì suốt ngày tôi đã im lìm không nói.
Chiều nay, tôi xin phép ông bà Kỳ Văn về Huế. Trước giờ đi tôi lang thang một mình bên dòng sông Sài gòn, bồi hồi tưởng nhớ những tháng ngày của tuổi thơ, tôi đã đắm mình trong dòng Hương với làn nước trong xanh, chảy lững lờ trôi xuôi qua bến nước, trôi xuôi qua bao ngày tháng... mà nơi ấy, anh đã bước vào cuộc đời tôi. Tôi yêu bến nước ấy biết bao! Tôi nhớ nhung nó đến xót xa cõi lòng! Tôi phải quay trở lại với dòng sông.
Con tàu chạy thật chậm, thật chậm nhưng cũng đủ đưa tôi về đến Huế, về lại với dòng sông của yêu thương.
Đêm nay,...
... khi bóng đêm bao trùm lên cảnh vật, khi mọi sinh hoạt náo động trên dòng sông tạm lắng yên... thì dòng nước trong ngọt êm đềm của dòng Hương lại dang rộng vòng tay đón tôi trở về, để theo con triều đang lên, đưa tôi về nơi Kỳ Nam đang đứng đợi... Anh đứng nơi cửa biển mĩm cười và dang rộng vòng tay ôm tôi trở về biển khơi.
Anh ơi! Em đang trở về nơi cõi vĩnh hằng bên anh!
Sáng hôm sau, bên kia dòng Hương, chợ Đông ba lại bắt đầu một ngày sôi động. Bên này sông những cô nữ sinh áo trắng vẫn dịu dàng tha thướt trên con đường đầy lá muối bay… Ngoài sông, những con đò nhỏ của bạn chài vẫn khua mái chèo làm khuấy động những đợt sóng lăn tăn... để rồi trả lại cho dòng sông sự yên ả muôn đời...
Rồi mặt trời lại lên, chiếu những tia ánh nắng xuyên sâu xuống làm sáng lóe dòng nước, soi rõ bóng hình Hương đang nằm dang tay yên ngủ trên đám rong rêu.
Cô đang ngủ, một giấc bình yên vô tận... Trả lại hết tất cả mật đắng của đời cho dòng nước cuốn trôi!”
Viết chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh.
Huế tháng 4/2008
Hoàng Thị Như Huy
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...