Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Một mùi hương với biển và mưa

Một mùi hương với biển và mưa

MỘT 

Huy nói tiếng quê rình lại là dân biển nên nghe nặng trịch à! Cái gì mà gớm òm, chưng hửng… Cái gì mà dị, mị… khiến tôi không đừng được, phải cười. Mà cứ được cười hoài vì Huy cứ nói hoài. Con trai gì đâu mà ham nói, mê ăn.
Cũng phải thôi, vì quê của Huy có nhiều món ngon khỏi chê. Chỉ cần những món mặn có liên quan tới biển đã rất hấp dẫn, mà những loại bánh thuộc về họ hàng nhà bột y hình cũng chẳng thua sút gì! Nào là bánh khô, nổ, táp lô, hồng, rẽ quạt… Rồi bánh tổ, rế, hột xoài… Nội bánh ít mà nhớ cho đủ các loại đã thấy mệt đừ. Mệt đừ là nói theo tiếng ngoài quê của Huy. Là Tam Quan, một vùng thuộc về phía bắc của tỉnh Bình Định. Trở lại bánh ít nghe. Thì bánh ít lá gai, bánh ít trần, bánh ít bột báng… Nhiều quá, tôi nhớ không nổi nhưng Huy thì nói làu làu. Đã nói là Huy có tâm hồn ăn uống mà. Huy là em kề của Hoa, bạn tôi. Tôi theo Hoa về quê nó chơi. Ở có hơn hai tiếng đồng hồ thì Hoa nhận được điện có công chuyện cần, phải trở về thành phố gấp. Hoa hỏi: “Mày ở lại hử? Hay về?”. Huy ngồi gần đó chõ miệng qua: “Mắc gì về. Ở lại đi”. Tôi ngập ngừng: “Sợ lạ. Sợ buồn”. Cũng Huy: “Mắc mớ gì sợ? Mắc mớ gì buồn? Còn tui chi”. Hoa hùa theo: “Ờ! Được đó! Thằng em tao đang hồi rảnh. Ghe của nó phải nằm bãi để sửa…”. Vậy là tôi không cùng Hoa quay về thành phố mà ngày ngày lếch thếch theo Huy ra biển rồi lê la đi ăn hàng ở hết các chợ quán tại đây. Và cười hoài nữa bởi tiếng Tam Quan chay Huy nói.
Tôi hỏi: “Biển ở đây có cá mập không vậy?”. Huy: “Cứ lao đại ra đó là biết liền”. Tôi lè lưỡi, nghĩ: “Trời! Mình đâu có biết bơi mà cái thằng này mới giỡn chứ!”. Tôi nhủ thầm trong lòng mà Huy nghe thấu hay sao? Không, sao nheo mắt chọc:
- Tôi dòm mấy người là biết ngay ở trên bờ thì nổi, xuống nước thì chìm rồi.
- Ý nói tôi không biết bơi?
- Ai biết mấy người, trời!
- Mà tôi không biết bơi thì sao đã chứ!
- Thì đó cứ trên bãi đuổi còng, rượt cỏ lông chông chơi. Mà không, thì dòm thằng này bơi thèm chơi nghe.
Vừa nói xong, Huy đã cởi phăng áo chạy băng băng xuống tận mép nước và khoát tay đạp chân, bơi lia lịa. Không chối bỏ điều này là nhìn Huy bơi, ham ghê và thèm thiệt. Biển ở quê Huy đẹp và sạch. Tôi ưa chữ “sạch” hơn vì quá ngao ngán những vùng biển, mình đã có dịp ghé qua. Nhất là biển trong thành phố của tôi, bây giờ. Đã vậy, lâu lâu, lại có một vụ cá mập cắn người vậy ai dại gì thò chân xuống biển và tập bơi làm gì chứ! Cái nhếch nhác, dơ dáy của bãi bờ đã rất nhanh xóa sạch trong mắt ngó, mũi ngửi và tai nghe của tôi cái đẹp của sóng nước và khơi xa. Vốn là một người yêu biển vậy mà lần hồi tôi hết thích hết mê, thấy chán và ái ngại… biển. Rất hiếm khi, tôi ra đó nhưng ở đây có điên mới không chịu xuống nước. Bãi sạch, nước trong xanh và sóng rất nhẹ. Huy đã lên bờ hồi nào đang lắc lắc đầu và nghiêng tai hất nước, cười khì nghe tôi khen biển quê mình.
Đó là bữa đầu tôi được giáp mặt biển của Huy với chân không đạp nước, tóc và quần áo khô rang. Chiều sau, thì hoàn toàn là ngược lại. Tôi chúi đầu chúi óc, xây xẩm chới với trên biển. Toàn thân tôi đầm đìa nước mặn. Mắt cay xè, mũi ong óc nước thở không muốn nổi. Huy có cầm theo một miếng xốp lớn, nói để tôi ôm cho Huy tập bơi nhưng tức khan cái tính hay sợ của tôi, liệng mất. Huy tức vì sóng đã lút mắt cá chân mà tôi cứ lần khân đứng miết nên xô ngã nhào. Chưa đủ, Huy đưa tay cho tôi níu để xô tiếp. Tôi đang còn lúi chúi, chưa kịp lấy thăng bằng đã bị Huy đẩy nữa và cứ vậy. Hết xô tới đẩy, Huy làm tôi khiếp hồn sảng vía đành chọn giải pháp an toàn là ngồi thụp trên nước, mặc cho sóng xô đẩy luôn. Sóng rập rình vậy mà coi bộ còn ít ác hơn cái thằng trai biển tên Huy này. Tôi thiếu điều chết vì sặc nước, ho rũ rượi. Huy còn nhăn răng cười, nói: “Nhằm nhò gì, tui cho mấy người té ngay sát bờ. Đó, chân đâu có hỏng đất. Tập bơi thì phải uống nước bể bụng mới biết. Như muốn chạy xe được thì phải tập sao cho sứt trán, trầy cẳng mới biết chạy chứ!”.
Ngày đầu tập bơi, người ta còn nhút nhát mà gặp ngay cái ông thầy trăn ăn rắn cắn vầy cái tôi hoảng hồn cha luôn. Đó là tôi nói y nguyên câu cú của Huy, không hề cắt bỏ một chữ, một dòng nào. Ớn ợn, chiều sau rồi chiều sau nữa, tôi cũng theo Huy đi biển nhưng chỉ dám ngồi trên bãi hóng mát, nhìn trời ngó mây và dòm Huy bơi thèm chơi chứ nhất quyết không đạp chân trên sóng. Rời bãi, Huy dẫn tôi vô nhà một người quen chơi. Đang rộ mùa cá ngừ đại dương, nên người chủ đãi tụi tôi mấy món được chế biến từ loại cá này, hết sức độc đáo. Tôi nhìn mắt cá to đùng chưng cách thủy, nhợn nên không dám đụng đũa. Cũng không ăn được cải xanh cuốn cá ngừ sống xắt miếng, chấm mù tạt như mấy người đàn ông, nhưng mê quá lườn cá xào với sả ớt, cần tây và cà chua. Cái món này xúc bánh tráng ăn no kềnh vẫn còn thòm thèm. Bà chủ nhà cứ xuýt xoa vì không có sẵn bộ lòng cá bóp gỏi để tôi ăn cho biết.
Huy nói ở Tam Quan giờ hầu hết người ta đánh bắt cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp 2.500W. Cá lớn, cá nhỏ đều bị dụ hết và nếu tiếp tục kiểu này, không mấy hồi cá sẽ bị tận diệt. Đánh bắt kiểu truyền thống sản lượng ít nhưng chất lượng, con cá ngon thịt đỏ tươi giá một trăm bảy chục ngàn một ký cũng đích đáng. Tôi hỏi:
- Cá mình mới ăn…
- Đánh đèn đó! Một trăm ngàn một ký là hết cỡ.
- Sao phân biệt được, trời?
- Sao không? Dân thu mua có đồ nghề để thử. Thịt con cá đánh đèn đỏ bầm. Khác quắc…
HAI
Hôm qua, thiếu chút nữa là mọi người phải chở tôi lên bệnh viện thị trấn cấp cứu vì bội thực bánh dây. Vậy mà hôm nay bớt bớt tôi đã ngồi bên Huy ở chợ. Chồm hổm đợi bà hàng đổ từng cặp bánh xèo để chia cho nhau. Cũng do trời nữa. Đang nắng ráo vậy cái tự nhiên trở lạnh và có mưa. Huy đi ra đi vô bần thần khiến tôi nóng ruột, phải nói. Nói cũng bằng giọng trổng trổng của Huy:
- Ngồi một chỗ giùm, được không?
- Chớ tui đi sao na?
- Tôi mỏi mắt.
- Tui đi hoài chân tui không mỏi. Mấy người dòm chi mỏi mắt rồi la khan vậy trời?
- Tự tôi lỡ dòm nên mắt tui mới bị mỏi. Mà tôi cũng chóng mặt nữa.
- Chóng mặt thì ráng chịu. Mắc gì la?
- Tôi la để mà coi chừng…
- Hứ!
- Coi chừng tôi “quánh óc”.
- Ê! Cấm nhại tiếng nghe chưa? Tui…
- Tui sao? Hỗn. Em bạn tui mà bày đặt tui tui. Phải kêu chị.
- Chớ, tuổi hơn tui được mấy trỏng mà đòi.
- Tôi bằng tuổi con Hoa. Thì tôi với nó bạn.
- Khỏi cần nhắc. Tui đâu có sặc sừ mà không biết mấy người là bạn. Bạn… Bạn… Nhưng chắc gì đồng tuổi. Bà Hoa già chát đâu như mấy người.
- Tôi sao?
- Nhỏ híu.
- Giỡn. Kêu chị, xưng em đi.
- Còn lâu. Tui không có biết đàng kêu con gái là chị. Chỉ biết…
- Biết gì?
- Biết… Thì biết… rượt con gái chạy giẻ đất chơi.
Nhưng Huy đâu có chịu rượt. Huy đi. Đi rất chậm bên tôi. Hai đứa nép dưới những mái hiên để tránh mưa và ngang qua quán, chịu không nổi bởi… thơm lựng nên giở liếp, bước vô. Trời đâu phải mưa có bữa đó. Mưa thêm mấy ngày nữa. Ở nhà, được ăn ngày hai bữa cơm với mắm cua đồng ngon khỏi nói. Cua thì do Huy đi bắt mà mắm thì do chị Hai nấu. Tôi không cần mắm cua, cứ mắm nhỉ nhà làm chan cơm nóng, ăn bắt sưng mỏ. Mắm Tam Quan ngon hết biết mà ở ngay cái xứ này, không ăn. Ngu sao! Soong cơm bữa nào cũng vun mà luôn phải vét sồn sột. Huy ăn nhiều nhưng xế rồi trưa luôn đói bụng, thèm: “Trời mưa vầy có nước ăn bánh xèo vỏ là ngon nhất mà lại rẻ”. Huy nói vậy và tôi bám theo Huy không rời. Tự vì tôi cũng giống Huy. Yêu biển, ưa ăn hàng. Mưa, rủ Huy ra biển. Huy nói tôi khùng và cười ngất. Nói: “Mấy người dân phố, mưa ra biển ngắm. Tui dân biển mưa ra biển chi? Tự vì mấy người chưa chịu cái cảnh đi ghe xa bờ như tui mà gặp trời mưa. Đã khổ trọc đầu trọc óc mà còn buồn thúi ruột thúi gan. Mưa, được ở nhà vầy mà có mấy người để nói qua nói lại, để trửng giỡn là vui. Nhưng phải như có đủ tư cách để dọn mỏ ăn hàng thì vui hơn nhiều”. Cái đủ tư cách mà Huy mới nhắc đó có nghĩa là có tiền. Trời đất! Làm như tiền là cái gì ghê gớm lắm vậy. Có thể làm nên giá trị của một con người vậy. Tôi biết Huy nói vậy chỉ cho sướng miệng mình thôi. Chứ chàng trai biển rặc ri này, tôi rất hiểu, dù thời gian bên Huy đâu có nhiều.
Trời chưa kịp nắng, tôi đã phải về vì nhà gọi điện ra nói má bịnh. Đi với tiếng sóng âm âm, mùi muối mặn, những chiều lặn hụp loi ngoi trên sóng nước. Đi, khi vẫn chưa kịp thưởng thức món bao tử cá ngừ đại dương bóp gỏi. Đi, khi Tam Quan đang còn mưa trắng trời và hương bánh xèo, vị mắm đục vẫn quyện chặt lấy từng chân răng và lấp đầy hết cả vị giác. Đúng sáu tháng sau, tôi biết tin Huy chết vì một trận bão lớn ngoài biển khi theo ghe đi bạn. Hoa nấc lên: “May là còn vớt được xác”. Cũng lúc đó, tôi mới biết Huy bằng tuổi tôi mười tám. Tôi không dám theo Hoa về dự lễ tang và thương đến quắt quay những tiếng Tam Quan chay Huy nói.
BA
Có những loài hoa gợi nên một nơi chốn. Như hoa quỳ khiến liên tưởng đến Đà Lạt, Pleiku, hoa sữa thì Hà Nội, hoa phượng thì Hải Phòng… Rồi cứ thế mà nhớ về một thị thành ở trên cao, một nơi nào đó có biển hay là sông, phố cổ, nhà quê. Cũng có những mùa màng, những chuyển đổi của thời tiết làm nhớ đến một món ăn rồi… một người. Và tất cả bỗng dẫn đưa tâm hồn mình trở về với kỷ niệm.
Tôi hay nghĩ tới cái vùng quê ấy. Một vùng quê có biển: đẹp và sạch. Có rất nhiều thuyền câu cá ngừ đại dương bằng đèn pha. Nghĩ tới Huy và món bánh xèo vỏ mỗi khi trời tự nhiên ẩm ướt, lành lạnh và có mưa lất phất. Dù đang lúc ở nhà, đi ngoài phố hay ngồi trong lớp học. Dù cho giữa khi thật bận bịu hay rất rảnh rang. Mà cứ trời thế, không gian thế… là lòng bỗng chùng rồi nhớ. Hồi trước, Huy thường đưa tôi tới ăn nơi mấy cái lều ở chợ hay những cái quán xập xệ ven đường. Có những cái quán phải giở tấm liếp và cúi khom lưng mới có thể bước vô. Thích lắm khung cảnh đơn sơ ở những chỗ ấy, với vài ba bếp than có lửa nhỏ liu riu cùng dăm ba người vây quanh xúm xít. Nghe ấm áp đến lạ lùng, nhất là khi từ ngoài mưa bước vào. Mùi hương ngào ngạt dậy lên khắp cùng gian quán hẹp khiến bụng thấy đói cồn cào và tiếng kêu “xèo xèo”, “xèo xèo”… phát ra từ những cái khuôn, khiến tất cả giác quan ở trong người mở bung hết ra và được kích thích đến tận cùng. Huy cho tôi biết bánh xèo vỏ được đổ bằng bột gạo, dầu phộng. Bột không được pha chế. Bánh không có nhân và phải ăn với mắm đục. Đây là một loại mắm chưa đủ ngày để thành mắm trong nhưng được gạn lọc rất kỹ và phải đựng trong “tỉn” đất nung mới đúng cách.
Sau khi hai đứa đã lọt thỏm vào bên trong, Huy thường kiếm hai cái đòn để ngồi, lấy hai cái chén nhỏ múc mắm ra và xé ớt bỏ vô. Rồi lấy thêm hai cái đĩa không, gác hai đôi đũa kề bên và ung dung… chờ đợi. Huy vốn rất háu ăn nhưng lối thưởng thức bánh xèo vỏ bắt người ta phải như vậy. Háo hức thì được nhưng nôn nóng thì không. Mà cũng sao đâu! Y hình như chúng tôi còn ưng hơn nữa, cái khoảng thời gian được ngồi thu lu bên nhau và thích thú ngó theo đôi tay thuần thục của bà hàng. Bánh chín rất nhanh và do quá mỏng nên phải xếp theo từng cặp một. Được cặp nào, bà hàng đặt ngay vô đĩa của khách cặp đó. Phải nhìn vô mắt Huy khi xắn đôi cặp bánh ra, chấm mắm từng nửa một rồi đưa lên miệng mới thấy hết cái sung sướng của chuyện… ăn. Tôi không dám nhai vội và cũng chẳng muốn nuốt ngay. Cứ muốn giữ mãi hương vị thơm ngon của bánh, như muốn níu lại những khoảnh khắc của gần gũi với những cặp bánh xèo vỏ được san sớt cùng nhau. Cái nóng hổi từ bánh tỏa ra, từ trong lòng tỏa ra, từ những yêu thương tỏa ra khiến cho cái quán nhỏ xập xệ đỏ rực lửa bỗng như đổi khác. Chợt huyền ảo, lung linh một nét đẹp rời rợi và lạ lùng.
Biển ở đâu không biết, chỉ có điều biển trong này và rất nhiều nơi tôi biết đã hết sạch. Ngoại trừ biển ở quê của Huy. Chiều nay mưa bỗng gặp lại trong nỗi nhớ của mình: biển ở đó. Và cùng lúc ùa về, phủ đầy hết cả không gian nơi này là những tiếng “xèo xèo”… Hương vị đậm đà của những cặp bánh, bếp than ấm nồng và cả nữa, đôi mắt nhiều háo hức của một chàng trai biển, nói tiếng Tam Quan chay và còn hai năm nữa mới đến tuổi đôi mươi…
8/8/2012
Nguyễn Mỹ Nữ
Theo https://tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...