Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Thưởng thức thơ Xuân ngày Tết

Thưởng thức thơ Xuân ngày Tết

Mùa Xuân luôn gợi đến những gì tươi mới, ấm áp, hy vọng và đây chính là thời điểm tạo nên cảm xúc của các nhà thơ biết bao thế hệ.

Chúng ta từng biết đến những mùa Xuân cũ qua thơ của các nhà thơ lớp trước. Nào là phiên chợ Tết với “Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/ Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau…" (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ).

Nào là cảnh đô thị náo nhiệt: “Từng hàng thục nữ dậy thì xuân/ Đường hương thao thức lòng quân tử/ Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân/ Từng gã thư sinh biếng chải đầu/ Một mình mơ ước chuyện mai sau/ Lên kinh thi đỗ làm quan trạng/ Công chúa cài trâm thả tú cầu/ Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào đôi chén, bút đề thơ/, Những bà tóc bạc, hiền như Phật/ Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa” (Thơ xuân - Nguyễn Bính).
Rồi cảnh thôn dã: “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong… Gió về từng trận gió bay đi/ Thong thả dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng… (Xuân về - Nguyễn Bính).
Lại nhớ hình ảnh ông đồ cho chữ mỗi khi Tết đến Xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài: "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay…"… rồi thời gian trôi qua chỉ còn đọng lại trong ngậm ngùi tiếc nhớ: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? (Ông đồ - Vũ Đình Liên)…
Mùa Xuân lưu giữ biết bao phong tục, tập quán mà cha ông ta tạo dựng nên không giống bất kỳ quốc gia nào khác: “Sáng hôm mồng một Tết/ Đèn nến thắp xong rồi/ Bà tôi ngồi trong ổ/ Mặc áo đỏ cho tôi/ Ông tôi vừa thức dậy/ Nằm ngó cổ trông ra/ Trên ngọn cây đèn bóng/ Trời lất phất mưa sa/ Giờ lâu tràng pháo chuột/ Đì đẹt nổ trên hè/ Con gà mào đỏ chót/ Sợ hãi chạy le te/ Cây nêu trồng ngoài ngõ/ Soi bóng dưới lòng ao/ Chùm khánh sành gặp gió/ Kêu lính kính trên cao… (Tết - Đoàn Văn Cừ)
Mùa Xuân cũng là mùa của tình yêu đôi lứa.
Trong thơ Xuân Diệu: “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu/ Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều/ Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…” (Xuân không mùa)
Rồi như vội vàng, gấp gáp sợ nỗi Xuân qua: “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! (Vội vàng - Xuân Diệu).
Hàn Mặc Tử khi Xuân đến lại nhớ người: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa Xuân chín)… Huy Cận thoáng bâng khuâng: “Nghe nhịp đời lên em bỏ anh/ Đua theo xuân nở rộn trăm cành…" (Hồn xuân), còn Hoàng Cầm thì: “Đi vào nẻo xuân/ Gặp đường lụa đỏ/ Ai chờ em/ Mà hoa trắng ngần" (Vào xuân).
Mùa Xuân còn là mùa của hoa, không có hoa đào, hoa mai, hoa cúc, hoa lan, hoa trạng nguyên thì đâu còn là Xuân: "Xuân về tết trở lại rồi đây/ Những đóa mai vàng đẹp ngất ngây/ Cúc rạng tươi màu phô vẻ thắm/ Đào xinh sắc rực tỏa hương đầy/ Lan chờm bệ cửa khoe nụ biếc/ Giữa lối hồng nhô đóa hoa gầy/ Đó trạng nguyên kề bên vạn thọ/ Giăng đầy khắp cả cõi trần ai (Sắc đẹp mùa xuân - Dạ Thế Nhân).

Ngoài hoa, với Xuân còn là chim là bướm: “Mai vàng trước ngõ đang ra nụ/ Cúc đỏ vườn sau đã nở hoa/ Ríu rít chim ca trong nắng mới/ Khoe màu bướm lượn rợp trời xa/ Em ơi hãy đón mùa yêu đến/ Hạnh phúc tim hồng rộn tiếng ca" (Hạnh phúc xuân về - Kim Long Nguyễn).

Nhưng dường như cứ mỗi lần đón Xuân, thi nhân lại thường nuối tiếc tuổi Xuân. Xuân Diệu là rõ nhất: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian...” (Vội vàng).
Còn Trương Trọng Nghĩa khi mùa Xuân đến thì lại ngỡ ngàng với câu hỏi mình đã già ư: “Lạc giữa ruộng hoa ngày tết/ Ngỡ như mới vừa đôi mươi/ Cô em gật đầu: “Chào chú!” Giật mình mùa xuân chơi vơi”... (Về lại làng hoa).
Đó cũng là tâm trạng của Võ Thanh Phong: “Gió Xuân đang thổi qua lòng/ Tưởng như sống lại tuổi hồng ngày xưa!/ Tần ngần đứng trước rèm thưa/ Nhớ em, cứ ngỡ như vừa… mới yêu” (Gió mùa xuân).
Mùa Xuân cũng là lúc người xa xứ ngưỡng vọng về quê hương. Có biết bao bài thơ của Việt kiều viết về quê hương trong nỗi nhớ ấy.
Ở nước Mỹ xa xôi, Trần Văn Lệ nhớ nhà: “Không có mùa Xuân thì tưởng tượng/ Mình đang đâu đó ở quê nhà/ Hai cây đào trước sân đang nở/ Đà Lạt của mình, hoa ôi hoa” (Thôi vậy ngàn năm ở xứ người).
Còn Hoàng Trùng Dương ngày Tết nhớ quê quay quắt ruột gan: “Đêm mơ nghe tiếng pháo/ Tưởng đón Xuân quê nhà/ Chợ Bến Thành đông đảo/ Phố Nguyễn Huệ đầy hoa… Trên bàn thờ ngày Tết/ Đủ bánh, mứt, rượu, trà/ Thịt kho tàu, dưa giá/ Hoa trái cúng ông bà/ Chợt giật mình tỉnh mộng/ Giữa đêm trường quạnh hưu/ Tết về trên Bắc Mỹ/ Trời lạnh giá tịch liêu” (Tết ly hương).
Thơ Xuân còn có một mảng rất lớn với nhiều thi phẩm viết về những tháng ngày nhân dân ta trải qua nhiều mùa Xuân gian khổ vì chiến tranh nhưng lúc nào cũng tràn đầy lạc quan, tin tưởng.
Trong dòng thơ còn sống mãi với thời gian ấy, ta say sưa với hương Xuân cùng Tố Hữu: “Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện/ Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng/ Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh/ Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh/ Thơ đã hát, mát trong lời chúc/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…” (Bài ca mùa Xuân 61).
Rồi ta vẫn mường tượng thấy: “Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ”... và ta muốn là "Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc" (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)...
Có thể nói mùa Xuân với thơ, thơ với mùa Xuân vẫn sẽ cùng ta đi tới tương lai tươi sáng!.
26/1/2017
Theo https://thanhuytphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...