Tiếng vọng của thời gian
Tiếng
vọng của thời gian-> [Đọc]/ [Nghe (Mp3)]
Đêm trừ tịch ngoài trời đen như mực, trên đỉnh núi Ngàn Mây,
gió thổi nhè nhẹ từng cơn, bên trong ngôi chùa "Giác Linh" Hòa Thượng
Thích Nhơn Đức trụ trì của ngôi "Tam Bảo" đang ngồi tọa thiền trước
bàn thờ phật Thích Ca Mâu Ni. Kế bên là chú tiểu Minh châu, một đệ tử thân
tín của Đại sư Nhơn Đức, người mà sẽ làm Trụ trì tiếp theo khi Thầy Nhơn Đức
viên tịch.
Chuông chùa bỗng vang lên ngân nga, đưa âm thanh yên bình,
trầm mặc đến khắp vùng báo hiệu giờ giao thừa đã đến, xa xa vẳng nghe tiếng
chuông của các ngôi chùa kế cận hòa lẫn tiếng chuông của nhà thờ quanh vùng, tiếng
pháo đì đùng thi nhau nổ, thế là một mùa xuân nữa đang trở về trên đất mẹ,
dãy đất đã qua nhiều cơn binh lửa triền miên.
Thắp nhang lễ các bàn thờ Phật vừa xong, Trụ trì đến ngồi bên chiếc bàn tròn
phía bên hông chánh điện, thong thả rót lưng tách trà, hớp vào một ngụm trong
lòng sảng khoái. Cảm giác như thế chưa được bao lâu, chợt lòng sư Trụ Trì
chùng xuống. Câu chuyện đau thương mấy mươi năm trước lại hiện về trong tâm
trí thầy.
Trên giường của một bệnh viện ở Sài Gòn, trong phòng săn sóc
đặc biệt người phụ nữ có nước da xanh xao, người gầy rộc, dáng nhỏ thó, bà
đang mang chiếc mặt nạ hít thở khí oxy, thỉnh thoảng bà co giật từng cơn vật
vã. Tuấn con trai duy nhất của người đàn bà khốn khổ, anh đang đứng cạnh bên
bà, với tâm trạng bất lực khi biết mẹ mình mang căn bệnh ung thư máu, buổi
sáng bác sĩ điều trị thông báo cho Tuấn:
- Này cháu ơi! Tình trạng của mẹ cháu nặng lắm, chi phí điều
trị có thể sẽ rất tốn kém, tôi cho cháu biết, cháu báo lại cho gia đình để lo
liệu nhé.
Điếng hồn vì biết tình trạng của mẹ đang lâm vào hoàn cảnh
"Thập tử nhất sinh", trong khi nhà chỉ còn hai mẹ con sống bên nhau, cha Tuấn mất sớm khi Tuấn vừa bước vào tuổi lên năm, mẹ ở vậy buôn gánh bán
bưng nuôi Tuấn lớn lên từng ngày. Nay thì Tuấn đã mười bảy, học hành dang dở, chưa có sự nghiệp tương lai. bây giờ lại phải đối mặt với nghịch cảnh trên
trong lòng Tuấn bối rối như trăm mối tơ vò...
Thì thầm vào tai mẹ Tuấn nói:
- Mẹ ơi! Con thương mẹ ngàn lần, không bút mực nào kể xiết, con mong mẹ cố gắng chịu đựng con sẽ kiếm đủ số tiền lo thang thuốc chữa trị
cho mẹ, cho dù thân xác này có ra sao con cũng chấp nhận, con mong sao mẹ vượt
qua cơn bạo bệnh này để mẹ con mình sống lại như những ngày xưa.
Nói đến đây đôi mắt Tuấn ngấn lệ, mọi vật trước mắt nhòe đi, bên ngoài trời bắt đầu sập tối, không khí nóng hầm hập, bỗng bên tai tuấn
có tiếng nói thật đầm ấm:
- Cháu ơi! Bác biết mẹ con cháu cút côi, thôi thì mẹ cháu nằm
đây để bác trông hộ giùm cho, cháu nhanh chóng về kiếm tiền vào nộp cho bệnh viện
để cứu chữa cho mẹ cháu, chứ cháu khóc lóc thì có ích gì?.
Ngoái nhìn về phía sau, Thì ra Bà Hai đang nuôi người thân
cùng phòng với mẹ Tuấn đã thốt ra những lời chân tình và đúng lúc, như vớ được
chiếc phao khi đang bị chìm tàu, Tuấn khẻ cám ơn và nhờ bà dòm ngó chăm sóc mẹ
khi mình đi vắng vì không còn cách lựa chọn nào khác...
Ra khỏi cổng bệnh viện, bụng đói cồn cào, đút tay vào túi
quần tìm số tiền ít ỏi chỉ đủ cho Tuấn ăn một dĩa cơm bình dân phía bên kia
đường.
Cơm nước xong dù chưa no nhưng cũng tạm ấm lòng, ra khỏi
quán cơm Tuấn rảo bước ra bến Bạch Đằng nơi có cột cờ Thủ Ngữ, một biểu tượng
của bến cảng Sài Gòn, đi được một đoạn dài tới ngay một con hẻm trên đường Hàm
Nghi, bất chợt cơn mưa từ đâu bỗng dưng đỗ ập xuống, loay hoay chưa tìm được
chỗ trú chân, cả người ướt sũng nước, Tuấn chạy vội vào hiên nhà gần đầu con
hẻm, phía trước hàng ba của căn nhà gia chủ đặt nhiều chậu kiễng đắt tiền Như
khẳng định vị thế của mình với những căn nhà chung quanh.
Cơn mưa như trút nước, gió giật từng cơn khiến cây lá xào xạc, lạnh cóng người Tuấn nép sát vào tường đứng co ro, lúc này Tuấn cảm thấy nhớ
thương mẹ vô cùng, hình ảnh những ngày xưa "Tương đối hạnh Phúc"
hiện về...
Hôm ấy sau khi tan học về thì trời đổ mưa tầm tả, cả nhóm bạn học chung xóm với
Tuấn rủ nhau dầm mưa về nhà, đang tung tăng cùng đám bạn vui đùa trong mưa, một
đứa trong đám nghịch ngợm bày trò đánh nhau bên những vũng nước trên đường:
- Ê Tuấn! Tao chấp mày với Thằng Nam đánh với "mình ên" Tao nè, dám không?.
- Đánh thì đánh sợ gì, mà Tao giao trước nha, có bề gì thì
cấm méc với ai, u đầu chảy máu kệ nó, "có sức chơi có sức chịu",
mày đồng ý thì "móc ngoéo" với tụi tao đi.
Tuấn nói vừa dứt câu thì thằng Cường cái thằng bày đầu rủ rê
đánh nhau với Tuấn nó nói:
- Đồng ý, Thằng Quang làm trọng tài, bên nào thua thì giơ
tay đầu hàng.
Hai bên lao vào nhau dùng những "đòn" mạnh bạo
dành cho đối phương, do nhỏ con nên Tuấn bị thằng Cường đè cổ xuống vũng nước
mưa đánh cho một trận tơi tả, thằng Nam thấy thằng Cường quá Hung bạo nên nó
chạy vội về nhà Tuấn báo tin, nghe con mình đánh nhau với những đứa trẻ trong
xóm mẹ Tuấn "tất tả" chạy đến nơi.
Trước mắt Bà Tuấn nằm cạnh vũng nước mưa, bà la hoảng lên:
- Trời ơi! Con tôi... đứa nào bày chuyện đánh nhau đây, bộ
muốn giết chết thằng Tuấn hay sao vậy trời...
Bế thốc Tuấn lên và ghì chặt con vào lòng, mẹ Tuấn Trách:
- Còn con nữa, trời mưa thì ở lại trường chờ tạnh hãy về,
đã dầm mưa mà còn đánh nhau nữa thiệt là hết biết.
Tuy trách con như thế nhưng trong lòng bà thầm thương xót cho con, vì nó sống
thiếu thốn sự che chở của cha, không có gì bù đắp lại cho con...
Tuấn được mẹ chở vào Bệnh viện để chăm sóc sức khỏe sau trận
đòn "chí tử" của Thằng Cường, khi bình phục hẳn Tuấn mới nghĩ lại:
"May mà mẹ kịp thời "giải cứu" khỏi bàn tay
"sắt máu" của thằng Cường, bằng không thì... giờ không biết ra
sao?"
Đang miên man hồi tưởng những khoảng khắc "khó quên" kia, chợt ngó phía gần dưới chân, Tuấn phát giác có cái gì cuộn tròn,
định thần kỹ xem vật gì, thì ra một chú chó đen nhỏ nằm đây tự bao giờ.
Một người, một chó ai lo phần nấy nên cũng không gây ra xung
đột không đáng có khi cả hai đang trú mưa dưới hiên nhà. Để tạo cảm xúc và đánh
tan không khí buồn bã, Tuấn đùa với chú chó nhỏ đáng thương bằng câu nói:
- Hiện giờ thân phận tao với mày có lẽ ngang nhau, mình kết
bạn được không?.
Như hiểu được tiếng người con chó vẫy vẫy cái đuôi cụt ngủn,
đồng thời chú liếm vào bàn chân Tuấn, như có một luồng điện cảm giác tê rần
người, với Tuấn đó là sự đồng cảm giữa con người và con vật...
Dòm lén qua khe cửa căn nhà mình đang trú mưa, Tuấn sửng sốt
khi thấy hai người đàn ông thấp bé đang ngồi đếm và cột những xấp tiền mới cáu, cả đời Tuấn chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như thế, đang dự định đi kiếm
tiền để lo chạy chữa cho mẹ thì được nhìn thấy tiền, bản chất hiền lành của một
thanh niên tự dưng biến mất, lòng ham muốn trỗi dậy chỉ muốn chiếm đoạt đống
tiền của hai người đàn ông kia, Tuấn kềm hơi thở như sợ bị họ phát hiện ra ý đồ
đen tối của mình, lồng ngực muốn vỡ tung, một sự hồi hộp gần như quá sức chịu
đựng của một con người. Thu mình lại nép sát vào góc khuất của ánh đèn chiếu
sáng bên đường để theo dỏi tiếp và chờ cơ hội. Lúc này Tuấn cầu mong chú chó
nhỏ dể thương kia đừng lên tiếng sủa, nó mà làm như vậy thì bao nhiêu dự tính
của mình tiêu tan thành mây khói, Tuấn đưa tay vuốt ve trên lưng nó, như ngầm
hiểu hoàn cảnh đáng thương của Tuấn, chú chó vẫy vẫy đuôi nằm im như không có
ai ở kề cận bên nó.
Tiếng nói trong nhà vọng ra tuy nhỏ nhưng cũng vừa đủ cho Tuấn
nghe vì cơn mưa đã dịu bớt:
- Chuyến này thu hoạch khá lắm, phần mày ba trăm triệu nè,
nhớ ăn xài cẩn thận coi chừng người ta để ý là "tiêu tùng" nghe mậy. Mấy tay "cớm" bây giờ tụi nó "Đánh hơi" tài lắm đó,
cẩn thận vẫn hơn nghe mậy.
- Thằng em này biết rồi mà, anh Ba sao "lo xa"
quá, em "qua mặt" tụi cớm vù vù hà!
Cái tay "đàn em" vừa nói vừa híp mắt cười...
- Ờ... ờ mày hay lắm, chủ quan có ngày chết đó con, "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" mà?
Tuấn nghĩ thầm..."Thì ra hai người này làm ăn việc gì
đó, tiền thu nhập bất minh, nếu có lấy của họ chút đỉnh lo cho mẹ mình thì
cũng không đến nỗi cắn rứt lương tâm. Quan sát tiếp Tuấn thấy một gã treo bọc
tiền vào cái móc phía trên cái bửng của xe Honda, còn người đàn ông kia bước lần
ra phía cửa, tim muốn nhảy ra ngoài lồng ngực Tuấn van vái mong sao họ đừng
phát giác ra mình, thật hú vía Tuấn vẫn không bị phát hiện, cánh cửa nhà được
mở toang, gã đàn ông dắt vội chiếc xe ra đến cổng, leo kên yên hắn nhấn nút đề
máy xe, tiếng cái đề xe kêu "ren réc" vài tiếng rồi đứng yên, gã
bực dọc rồi "lầm bầm nói:
- Cái thằng cha sửa xe gì mà cà chớn quá, đang chạy ngon
lành đưa qua tay nó sửa xong thành đồ ve chai.
Đang loay hoay bấm lại cái đề nhưng chiếc xe vẫn đứng yên, dựng cái chống xe
lên, gã đưa chân đá mạnh vào phía bánh sau và chửi đổng:
- Mẹ nó chắc tao đốt cái xe này hôm nay, công việc đang gấp
gáp mà "nó" trở chứng mới chết chớ!
Vừa lúc ấy "phụp" toàn bộ khu vực bị cúp điện, trong nhà ngoài ngỏ
bao phủ một màn đêm tăm tối, cơ hội ngàn năm một thuở Tuấn nhào đến giật phăng
gói tiền và cắm đầu bỏ chạy như ma đuổi, bị giật mất gói tiền quá bất ngờ khổ
chủ quýnh quáng rượt theo Tuấn vừa chạy vừa tri hô:
- Cướp, cướp. Bắt nó bà con ơi!.
Ngay lúc này một chiếc xe du lịch trờ đến tông phải người đàn
ông khốn khổ kia, đã gặp hai chuyện không may xảy ra trong một đêm đầy mưa gió, ông ta gục chết ngay dưới bánh của chiếc xe oan nghiệt kia... Riêng Tuấn chạy
một đoạn dài, sau lưng mình Tuấn biết có vài người đuổi theo nhưng ở cự ly khá
xa, nhờ vậy khi chạy đến bờ sông bến Bạch Đằng, bất chấp đêm tối, bất chấp
cái lạnh Tuấn lao nhanh xuống dòng nước lạnh đen ngòm...
Sau một hồi lặn hụp, thả người theo dòng nước trôi, Tuấn cố
sức bơi qua bờ sông bên kia, run lập cập cố gắng bò lên bờ nằm thở hổn hển,
chợt nhớ ra lúc nhảy xuống sông cũng là lúc mình đánh rơi gói tiền đâu đó, thế
là hết, không đạt mục đích của mình mà còn làm khổ cho gia đình người đàn ông
xa lạ kia, lòng ăn năn vô cùng, nhớ đến mẹ đang thoi thóp trên giường bệnh,
Tuấn muốn la lên thật to, "sao tạo hóa bất công thế này"??????.
Trở lại bệnh viện ngày hôm sau, chết lặng trong lòng, hai
hàng nước mắt ràn rụa trên má, Tuấn nghe Bà Hai ở cùng phòng với mẹ thông báo:
- Mẹ cháu mất đêm qua rồi, khoảng 21 giờ (cũng gần trùng với
giờ phút Tuấn giật gói tiền của người đàn ông xấu số), cháu xuống nhà Vĩnh biệt
làm thủ tục mang mẹ về mai táng, Bác có chút tiền đây, cháu giữ lấy để làm
chi phí.
Cầm một ít tiền của người đàn bà tốt bụng Tuấn cúi đầu và lý nhí cảm ơn, trong
lòng hứa sẽ có ngày đền đáp.
Tang lễ cho mẹ cũng qua đi, nhờ bà con xóm giềng mỗi người góp một tay cuối
cùng mẹ Tuấn cũng có được một phần mộ trong chùa "Từ Quang Tự" tọa
lạc ở An Nhơn Xã.
Còn lại một mình trong căn nhà lụp xụp, để mong quên đi những
đâu thương mất mát, để tạm quên đi cái dày dò trong tâm hồn do đôi bàn tay
mình lỡ nhúng chàm. Bán rẻ căn nhà cho ông Hàng xóm, Tuấn trôi dạt rày đây
mai đó, dần dà số tiền bán nhà cũng cạn dần theo ngày tháng...
Không biết do cơ duyên từ đâu, sau bao ngày lận đận Tuấn
được Thầy Thích Giác Duyên tại chùa Giác Linh cho vào làm công quả, tu tập
cùng tăng chúng, có lẽ do phước báu tiền kiếp, được thầy trụ trì giáo dục hướng
theo đạo pháp rất tận tâm nên Tuấn trở thành trụ trì sau khi "sư phụ" viên tịch và lấy pháp danh Thích Nhơn Đức như phần nói trên.
Tưởng chừng cuộc đời của Thầy Nhơn Đức sẽ trôi qua êm ả cùng
câu kinh tiếng kệ, cùng những chuyến đi làm từ thiện nơi vùng xa xôi hẻo lánh
sẽ mang đến sự an lạc trong lòng. Nhưng không, một lần nữa cái định mệnh oái
ăm cứ đeo bám chưa buông tha cho thầy Nhơn Đức, nếu như ngày xưa oan âm thị
kính chỉ có trong chuyện phim, kịch... Thì ngày nay Thầy Nhơn Đức lại mang một
hàm oan kỳ lạ ở cõi "Ta bà".
Một buổi sáng sớm sương còn chưa tan trên cành cây ngọn cỏ,
ông mặt trời vẫn còn ngái ngủ, vừa dứt thời kinh công phu buổi sáng, một nữ đạo
hữu" hớt ha hớt hải" chạy vào cho thầy Nhơn Đức hay:
- Thưa Trụ trì, con đang quét lá ngoài sân, con nghe tiếng
trẻ con khóc ngoài cổng Tam quan, ai đó bỏ rơi một đứa bé, sợ quá con báo cho
thầy biết ạ!
Thầy Nhơn Đức từ tốn:
- A di đà Phật, con đem đứa trẻ vào đây cho ta xem.
Một đứa bé trai bụ bẩm, da trắng hồng, được quấn trong một
chiếc khăn dày, bên trong có một lá thư với những dòng chữ như sau:
"Xin Thầy từ bi hỷ xả nhận cháu vào chùa nuôi dạy, do
hoàn cảnh khó khăn trót dạy, nên con phải rứt núm ruột của mình để lại, mong
thầy thương xót một sinh linh bé nhỏ vô tội và cho cháu được nương náu cửa phật
để cháu còn cơ hội sống xót. Chào thầy!
(một người mẹ đau khổ).
Cũng vì chuyện đứa trẻ bị bỏ rơi này, tăng chúng và những
người sống chung quanh chùa "Giác Linh" xì xầm nó là con ruột của thầy. Dĩ nhiên lời ong, tiếng ve này thầy Nhơn Đức đều có nghe qua, nhưng chưa bao
giờ thầy lên tiếng thanh minh. Bao nhiêu yêu thương thầy dành cho đứa trẻ, dần
theo năm tháng thầy cho cậu bé quy y tam bảo đặt cho pháp danh Minh châu...
Hớp thêm ngụm trà, mắt thầy Nhơn Đức nhìn vào màn đêm mịt mù. Văng vẳng trong tiềm thức của thầy: "Cướp, cướp. Bắt lấy nó",
thầy hình dung nạn nhân nằm bất động bên vũng máu, lại thêm tiếng chuông ở đâu
xa vọng lại, có thể là TIẾNG VỌNG CỦA THỜI GIAN chăng?.
Trải qua cuộc sống thăng trầm của kiếp người, trải qua việc
"lùm sùm" của chú Tiểu Minh Châu những việc này không làm thầy Nhơn
Đức phải "bận lòng" cái "ray rứt" mà thầy đối diện
trong tâm thức của Thầy hằng ngày là hình ảnh của người đàn ông "bạc mệnh" năm xưa, ông ta bị tước đoạt mạng sống cũng bởi có một phần góp sức
ngoài ý muốn của thầy. Hằng đêm bên Tôn tượng của Đấng "Từ Phụ"
Thích ca và Bên Tượng Phật A Di Đà thầy đọc những bài kinh sám hối và hồi hướng
công đức cho nạn nhân mong ông ta được sớm siêu thoát.
Sáng mùng một tết, cả tăng chúng trong chùa Giác Linh vỡ oà
tiếng khóc, thầy Nhơn Đức đã viên Tịch, Gương mặt Thầy vẫn còn như đang thể
hiện trăn trở một điều gì đó mà thầy chưa kịp thổ lộ cùng ai, thầy ra đi mà vẫn
còn mang theo một món nợ, món nợ khó mà trả được.
Viết xong ngày đầu mùa Hạ 2010
Hai Hùng SG
Theo https://www.rongmotamhon.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét