Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Tú Xương

Tú Xương

Tú Xương (1870-1907) để lại toàn thơ nôm, khoảng non trăm rưởi bài. Đó là một điều độc đáo và có ý nghĩa như cao điểm của phong trào trí thức Việt Nam làm thơ tiếng Việt.
Phong trào nói trên bắt đầu mạnh mẽ với việc diễn nôm Chinh phụ ngâm khúc vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhưng trong suốt hàng thế kỷ tiếp theo các nho sĩ ta vẫn vừa làm thơ tiếng Việt vừa làm thơ tiếng Tàu. Phải đợi đến Tú Xương, ta mới lần đầu tiên thấy một người trí thức Việt Nam tránh hẳn việc sáng tác bằng tiếng Tàu.
Tại sao Tú Xương?
Hẳn một phần do ông bắt đầu làm thơ đúng vào lúc tiếng Tàu đang hết sức nhanh chóng mất đi địa vị độc tôn trong các tầng lớn trên.
Ngoài ra, nội dung thơ chắc cũng đóng một vai trò. Xã hội Việt Nam lúc Tú Xương lớn lên, vua thì bù nhìn, quan là tay sai thực dân, dột từ nóc dột xuống, luân thường đạo lý đảo điên... Trước "những điều trông thấy" ông "đau đớn lòng"(1) bèn thơ trào phúng, mà đã trào phúng thì tiếng nào bằng tiếng mẹ đẻ. Tú Xương còn hay làm thơ có nội dung hiện thực, cũng là thứ nội dung diễn bằng tiếng Việt thì hiệu quả hơn nhiều.
Trong hoàn cảnh đất nước cực kỳ bi đát, có người bôn ba hải ngoại tìm cách cứu nước như Phan Bội Châu (1867-1940). Có người như Tú Xương vì những lý do riêng không bôn ba được, đành ở tại chỗ mà "ngóng", dù không biết "đến bao giờ".
Đi xa vì nước không đi được, đi thi thì mãi không đỗ nổi cử nhân: sống đã thiếu lý tưởng lại thêm danh phận dang dang dở dở, sống làm sao được nếu không... chơi. Hơn nữa, rất có thể trời sinh Tú Xương vốn thích chơi.
Chơi thường tốn. Bà Tú "quanh năm buôn bán ở mom sông" lo cho chồng không đủ, nên có lúc ông Tú phải tự xoay xở:
"Lúc túng toan lên bán cả Trời,
Trời cười thằng bé nó hay chơi." (bài Tự Cười Mình)
Tú Xương nổi tiếng ưa cười, cười người rồi cười cả mình. Tú Xương nổi tiếng ngông, ngông đến mức đòi "bán cả Trời". Trong tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa đất Vị Xuyên lại có "trữ" nhiều "tình" riêng, chung. Cái tình, cái ngông, cái cười, với một ít cái "thực", hòa lẫn vào nhau làm nên một thứ nội dung độc đáo.
Về hình thức, dù luật Đường hay lục bát hay hát nói, thơ Tú Xương bao giờ cũng điêu luyện, như trong mười một bài sau đây.
Đi hát mất ô
"Giày chân anh dận, ô tay anh cầm". Đi hát oai ghê.
Nay mất ô, mai mất nốt giày nhé. Để nằm nhà dăm bữa mà làm thêm mấy bài thương "cò". (2)
Ai sắm cho ai cái dận cái cầm, sao ai nỡ dận, cầm "đi sớm về trưa" với ai, hỡi ai ơi!
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm.
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa.
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?
Ba cái lăng nhăng
Ấy, vì ông Tú không chịu chừa cái lăng nhăng thứ ba, nên mới có ngày "mất ô", mất cái che đầu để "đi sớm về trưa với tình"!
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Thương vợ
Bà tú thì "lặn lội thân cò", còn ông tú thì nghiện đến "ba cái lăng nhăng"...
Trước Tú Xương độ mười mấy thế kỷ, bên Tàu có nhà thơ rất nổi tiếng chỉ mới nghiện một cái lăng nhăng mà đã vội vàng làm thơ tặng vợ. Bài Tặng Nội của Lý Bạch:
"Ba trăm sáu chục ngày trời,
Ngày ngày say bét như đời con nê.
Vợ chàng Lý Bạch ta kia,
Như ai vợ Thái thường xưa khác gì?" (Tản Đà dịch)
Chu Trạch làm quan Thái thường đời Hậu Hán, vì coi sóc tôn miếu nên giữ gìn trai giới rất nghiêm, thường ngủ ở phòng đọc sách ít khi về với vợ.
Ơ hay, cái ông Lý Bạch, người ta vì công vụ mà xa vợ còn ông thì do học đòi con nê mà xao nhãng nghĩa vụ với vợ, ông đem so sánh tình cảnh vợ ông với tình cảnh vợ người ta là so sánh thế nào?!
Ông tú Nam Định nhận có trót nghiện ba cái, rồi ông bảo "có chăng chừa rượu với chừa trà".
Hờ hững với vợ vì cái... đàn bà như ông, tưởng có làm chục bài thơ thương cò cũng còn chưa đủ!
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!
Thầy đồ
Chết, chết! "Mụ" nào đó gửi con cho thầy Xương mau mau tới trường!
Thầy đồ mà
"Dạy những khi xuống ngựa lên xe, đứng ngồi phải phép,
Dạy những lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành!",
thì trò mấy chốc đỗ ngay cái bằng... tom chát!(3)
Thầy đồ, thầy đạc,
Dạy học dạy hành.
Vài quyển sách nát,
Dăm thằng trẻ ranh.
Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía,
Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh!
YÙ hẳn thầy văn dốt vũ dát,
Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh.
Trông thầy:
Con người phong nhã,
Ở chốn thị thành,
Râu rậm như chổi,
Đầu to tầy giành.
Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo;
Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoang.
Nhà lính, tính quan: ăn rặt những thịt quay, lạp xưởng, mặc rặt những quần vận, áo xuyến;
Ðất lề, quê thói: chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, ngoài hiên cũng
cánh xếp, mành mành.
Gần có một mụ: sinh được bốn anh,
Tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành.
Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển, cờ, mũ, áo;
Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè, rượu, cơm, canh.
Chọn ngày lễ bái,
Mở cửa tập tành.
Thầy ngồi chễm chện,
Trò đứng chung quanh.
Dạy câu Kiều lẩy,
Dạy khúc lý kinh,
Dạy những khi xuống ngựa lên xe, đứng ngồi phải phép,
Dạy những lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành!
Sông lấp
"Thương hải biến vi tang điền".
Bể còn thành ruộng được, nữa là sông!
Bể dâu thường sinh thơ hay. Mà "sông khoai" gặp ông Tú, cũng sinh được thơ hay.
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò.
Hỏi mình
Bị bé Trời (4) cù lăn lóc "trải mấy mươi năm" mà đời bạc vẫn thương, kẻ thù vẫn không ghét, nhất "mình" đấy, "mình" ơi.
Trải mấy mươi năm vẫn thế ru
Rằng khôn, rằng dại, lại rằng ngu
Những là thương cả cho đời bạc
Nào có căm đâu đến kẻ thù
No ấm chưa qua vành mẹ đĩ
Đỗ đành may khỏi tiếng cha cu
Phen này có dễ trời xoay lại
Thằng bé con con đã chán cù.
Lạc đường
Một ông Tú, mà lắm Xương. (5)
Có Xương "lăng nhăng" đến "ba cái". Có Xương thi hỏng kêu giời. Có Xương "lúc túng toan lên bán cả giời" v.v... Còn một Xương nữa, cũng hay xuất hiện trong thơ ông Tú, là Xương ưu thời mẫn thế.
Vào thời điểm ấy, những người nặng lòng với nước non quả thực phải rất sốt ruột, "biết đâu mà ngóng đến bao giờ?"...
Một mình đứng giữa quãng chơ vơ
Có gặp ai không để đợi chờ
Nước biếc non xanh coi vắng vẻ
Kẻ đi người lại dáng bơ phờ
Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt
Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ
Đường đất xa khơi ai mách bảo
Biết đâu mà ngóng đến bao giờ?
Đêm hè
Chỉ thấy ánh trăng mờ mờ mà không thấy "mặt" trăng đâu, "nhạt nhèo" thật.
Vì sao "không chớp bể chẳng mưa nguồn" mà ông Tú lại buồn?
Thì chắc vẫn cái chuyện "Lạc đường" không "ai mách bảo".
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông.
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông.
Hát tuồng
Hát tuồng có thứ trên sân khấu, có thứ giữa đời. Hò hét y uông trên sân khấu được... khản cổ, hò hét y uông giữa đời được lắm cái béo bổ! Ðây kia những cái mặt giơ ra chực được bôi vôi!
Nào có ra chi lũ hát tuồng
Cũng hò cũng hét cũng y uông
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn
Tết dán câu đối
Cái ông tú hay đi hát đến nỗi mất cả ô, ông ấy làm gì ở nhà hát mà không thấy làm bao nhiêu thơ hát nói?
Tú Xương chả buồn giấu:
"Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột
Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây"... (6)
To nhỏ, mơ màng mất sơ sơ... 24 tiếng, thì giờ đâu nữa cho thơ.
Ở chỗ cần thơ hát nói thì thi sĩ thường xếp bút không làm, nhưng có khi về nhà lại đứng ngay bên cây cột nhà mình mà vung bút làm thơ hát nói!
Cái đôi câu đối Tết ấy "mẹ mày" đã khen rằng "hay thực là hay". Còn bài thơ chứa câu đối hẳn để dành sau Tết che ô đem đến nhà hát cho cô đầu tha hồ nức nở!
Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối.
Đối rằng:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
Thưa rằng: hay thực là hay!
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?
Xưa nay em vẫn chịu ngài...
Đêm dài
"Sáng lòa" là cái sáng trăng đối với con mắt kẻ vừa sực tỉnh, chứ thực ra vẫn còn đêm. Mà đêm đây hẳn là đêm dài "đô hộ giặc Tây".
Giữa những đêm hú hí với cô đầu là những đêm "ta" nằm nhà nhớ chuyện nước non...
Khi ra Bắc kết nạp đồng chí, Phan Bội Châu có ghé Nam Định, có "đốt đuốc lên soi", gõ đúng vào cửa căn nhà số 247 phố Hàng Nâu của ông Tú Vị Xuyên. Không ai biết khách và chủ đã trao đổi với nhau ra sao. Chỉ biết sau đó Tú Xương có thơ "gửi ông thủ khoa Phan" nhưng PBC không bao giờ thơ đáp lại, có lẽ do quá bận.
Chợt giấc trông ra ngó sáng lòa
Đêm sao đêm mãi thế ru mà
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết
Xao xác năm canh một tiếng gà
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc lên soi kẻo lẫn nhà!
Chú thích:
(1) Truyện Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
(2) Xem bài Thương Vợ.
(3) "Tom chát" là tiếng trống ("trống chầu") do người nghe hát ("quan viên") đánh để chấm câu và để tỏ ra thưởng thức chỗ hát hay.
(4) Trời có khi gọi là "Hóa nhi".
(5) Cái tứ của một bài thơ có thể gọi là "xương" của nó. đây ý muốn nói thơ Tú Xương có nhiều tứ khác nhau.
(6) Xem bài Thú Cô Đầu.
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...