Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Mùa xuân qua lối hoa hồng

Mùa xuân qua lối hoa hồng

Mưa như trút nước, mây xám xịt, những tia sét sáng rực xé bầu trời ra làm nhiều mảnh. Bầu trời đau đớn rên xiết bằng thứ âm thanh quái gở, kinh dị của loài thú dữ. Thằng Tèo co ro trong bộ quần áo mỏng dính mà nước mưa dán sát vào người, để lộ ra sự khắc khổ bởi thiếu ăn bằng những chiếc xương sườn vổng lên, ngoằn ngoèo hai bên lồng ngực.
Nấp vào một cái sạp bỏ không nơi góc chợ, nó cằn nhằn con Quy:
- Tại mày cứ nằng nặc đòi ăn cơm từ thiện, đi xa lắc, mưa ướt như chuột lột.
- Xa mà khỏi tốn tiền.
- Đáng năm ngàn bạc, bán năm tờ vé số là xong.
- Mưa gió như tận thế vầy, ai mua mà bán.
- Tận thế cũng có người sống sót chứ mày. Còn sống sót thì còn thèm tiền.
Nó không biết nói gì thêm với con Quy nữa, im lặng để mặc hai hàm răng đánh lập cà lập cập vào nhau. Nó đưa mắt nhìn về xa xôi nhưng có thấy gì đâu, ngoài màn mưa trắng xóa, dày cộm, xấu xí. Hơn mười tuổi, cái tuổi quá non nớt để nó bước vào đời. Bố mẹ nó đâu, người thân nó đâu? Nó còn không biết thì làm sao người khác biết. Nó chỉ biết là người nuôi nó quá tàn nhẫn, thường xuyên đánh đập, la rầy khi nó làm một công việc nặng nhọc nào đó mà không xong. Nó trốn đi bởi không chịu nổi những trận đòn thừa sống thiếu chết của người nuôi nó. Lang thang đầu đường xó chợ, sống bằng đồng tiền bố thí của người qua đường. Nó và con Quy gặp nhau ở cái chợ khá sầm uất nhưng rất dơ bẩn này. Con Qui thấy nó hiền lành nên luôn bị đói, ai cho gì nó cũng chẳng có phần. Lam lũ quá, con Quy thấy tội, truyền nghề bán vé số cho nó. Tuy không hoàn toàn cùng cảnh ngộ, nhưng chúng gặp và thân nhau vì chung nỗi bất hạnh, xót xa. Chúng sống yên ổn thế cũng vài năm rồi.
Sợ nó cảm lạnh, con Quy bảo:
- Mày cởi áo ra, vắt nước đi cho đỡ lạnh.
- Sao mày không cởi.
- Ông điên hả ông điên…
Vừa la lối, con Qui vừa túm áo, vừa đánh nó xối xả vào lưng vào đầu. Đánh thì đánh nhưng có đau đớn gì đâu, tay con gái mà, nó cười khằng khặc. Hết đánh, hết cười, hai đứa lại trầm tư nhìn mưa rơi. Rồi như không đoán nỗi sự dai dẳng của cơn mưa, con Qui rụt rè gợi ý nhưng mắt vẫn nhìn trời:
- Đi bán đi.
- Khùng chưa?
- Ối. Có khi người ta thấy mình ướt át, động lòng.
- Ừ, cũng có lý. Thì đi…
Hai đứa chui ra khỏi cái sạp, mỗi đứa đi về một hướng, xấp vé số trên tay. Miệt mài giong ruổi suốt buổi chiều nhưng thằng Tèo không thể nào bán hết năm tờ vé số cuối cùng. Ác là loại vé số này không trả lại cho đại lý được. Thêm nữa, sáu con số xấu đến thậm tệ : 320000. “Một con rắn với một ổ trứng“, khủng khiếp quá ai mà dám mua.
Chiều sụp xuống, hàng cơm bà Sáu cũng đã thưa người, cô Nguyệt con gái bà, nhìn dáo dác như kiếm tìm ai đó. Thất vọng, Nguyệt quay sang hỏi con Quy:
- Thằng Tèo đâu?
- Con làm sao biết hả cô, chắc nó ăn đâu đó rồi.
- À há…Dám bỏ quán tao hả. Mà bỏ sao được, năm ngàn ăn no nê, chỗ nào bán.
Rồi như chưa đã tức, Nguyệt trách cứ:
- Thương tụi mày hổng hết, mà bày đặt này nọ… Tao dọn về, coi đứa nào đói cho biết.
Bà Sáu cười hiền:
- Chờ nó chút nữa con.
Chỉ có quán bà Sáu mới thương hai đứa nó như vậy, không lấy tiền cơm thì chúng đâm hư, ỷ lại. Còn lấy thì tội nghiệp, một đĩa cơm sườn bà bán cho khách là mười lăm ngàn, còn chúng chỉ năm ngàn. Năm ngàn vừa đủ tiền gạo. Không có chúng thì bà phải gánh về, mất công phơi, mất công cất giữ. Cơm thừa ngày hôm sau không nấu lại được, dở, khách chê thì rách việc.
Khoảng nửa tiếng sau thằng Tèo mới lò mò đến, nó than thở với bà Sáu :
- Còn năm tờ, năn nỉ hết nước miếng mà chẳng ai mua. Bà Sáu mua đi, biết đâu trúng có tiền cưới chồng cho cô Nguyệt.
- Điên hả mày, giờ này người ta đã sổ tám quánh. - Nguyệt lồng lộn. Bà sáu cười cười, chìa tay về phía nó:
- Đưa đây, tao mua cho.
Bà trả tiền cho nó rồi nhét vé số vào túi:
- Sòng phẳng nghe con.
Nguyệt nhìn mẹ chưng hửng, bởi có bao giờ mẹ cô mua vé số đâu. Bà mua ủng hộ hay cho. Cho thì đúng hơn, bởi giải đã sổ lâu rồi, trúng hay trật thì tụi nó chắc chắn đã biết.
Cô nhìn nó chăm chăm, nghi hoặc.
Mưa xứ núi dai khủng khiếp. Ăn xong, nó phụ dọn hàng cho bà Sáu, con Quy giúp cô Nguyệt rửa chén bát. Họ ra về kịp lúc bảo vệ chợ đóng cửa. Hai đứa ghé đại lý thanh toán tiền và nhận vé số mới nhưng đại lý đã nghỉ, chúng đành ôm cục tiền về nhà trọ. Đó là nơi hạnh phúc nhất của đám trẻ cơ nhỡ, cơ nhỡ nhưng không bụi đời. Ở đó có đủ thành phần: bán vé số, bán báo, bán băng đĩa, đánh giày… Có đủ lứa tuổi: già lọm khọm, con nít, trai tráng, góa chồng, chết vợ. Tất cả đều lo làm ăn, buôn bán, sinh nhai bằng đồng tiền lương thiện kiếm được. Ông chủ nhà trọ hiền từ nhưng rất nghiêm khắc, ông không bao giờ chứa chấp bọn đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma túy, móc túi, mại dâm. Ông bảo: ”Nghèo nhưng phải sống thanh bạch, sống bằng công sức mình làm ra. Còn sống bằng cách liếm láp mồ hôi kẻ khác nhục lắm”. Ông đồng ý cho năm, sáu đứa trọ chung một phòng, tiền góp của mỗi người sẽ ít đi. Ông làm phúc. Ông từng thổ lộ: ”Làm nghề nào quen nghề đó. Tết nhứt, khách trọ về quê hết, cả dãy phòng đóng cửa im ỉm, buồn lắm. Có bánh, có mứt mà chẳng ai ăn. Hai vợ chồng già nhìn đòn bánh tét là ngán, chắc ký rưỡi nếp chứ chẳng chơi, khui ra ăn phải ba ngày. Thôi thì để đó chờ khách trọ vào đông đủ, hẵng tính. Dù gì thì cũng là bữa tiệc tân niên, quý người ta thì người ta mới quý mình“. Ông chủ tốt thế, nên khách nào nỡ bỏ ông khi mà giá phòng của ông không hơn nơi khác.
Vừa về đến phòng trọ thì cả đám bán vé số bu quanh nó và con Qui, om sòm:
- Bà Phương đại lý tìm hai đứa mày.
Chưa kịp trả lời thì ai đó đã oang oang:
- Hai đứa mày, đứa nào bán cặp số 0000.
Con Quy bẻm mép:
- Thằng Tèo.
Cả bọn nhào vô ôm cứng thằng Tèo, la hét om sòm:
- Sướng quá, sướng quá… Độc đắc rồi Tèo ơi.
Bà sáu cho thằng Tèo một trăm triệu đồng, bà dắt nó ra ngân hàng làm giấy bão lãnh cho nó đứng tên sổ tiền gửi nhưng người ta không nhận, lý do là nó nhỏ tuổi quá và chẳng có giấy tờ gì. Thôi thì bà đứng tên cũng được rồi đưa sổ cho nó giữ, hằng tháng bà bỏ chút thì giờ ra nhận lãi giúp nó cũng không sao. Nó tặng con Quy hai chục triệu làm vốn nhưng cũng nhờ bà Sáu giữ, khi nào thực sự cần thì nói bà Sáu.
Cầm hơn bảy tỷ đồng trong tay nhưng bà Sáu và cô Nguyệt vẫn bán cơm, bà nói: ”Để tiền xây cái nhà cho đàng hoàng, xây trên nền đất cũ chứ chẳng đi đâu. “Bà cảm ơn mảnh đất đó đã cho bà được lộc. Số tiền còn lại bà gửi ngân hàng dưỡng già, cho cô Nguyệt ít vốn, và làm từ thiện.
- Vậy là tụi con được ăn cơm miễn phí dài dài, phải không má sáu?
Thằng Tèo và con Quy đồng thanh.
- Quên đi hai cưng, hai cưng có tiền rồi. - Nguyệt đỏng đảnh.
Bà sáu chỉ cười, bà nhìn về xa xôi, mắt âng ấng nước. Bà không có con trai, bà thương thằng Tèo như con đẻ. Bà muốn nó nên người, có cuộc sống đàng hoàng. Hàng cơm của bà nếu vắng nó chắc buồn lắm, ngày hôm qua nghèo bà còn nghĩ thế mà.
Chiều hôm nay trời lại mưa, mưa nhưng không lạnh. Thì ra mỗi cơn mưa là một nỗi niềm. Với người này, mưa buồn quá, lo âu quá; gạo hết, mắm hết. Với người kia, mưa đẹp quá, dịu dàng quá, rất đáng ôm vào thơ ca. Còn bà, mưa là mưa, chả là gì cả. Mưa thuận gió hòa thì mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Mưa gió thất thường thì vất vả muôn người, mà có ai muốn vất vả đâu. Bà nhìn mưa, nhìn vào xa xôi, rồi chợt nhớ điều gì bà nói như nói cho cả bốn người:
- Mai, nhắc tao coi ngày tốt tốt, làm lại cái mộ cho ông già, hoang tàn lắm rồi!
Con Quy nhanh nhảu:
- Cho con lên mộ nữa nghe má Sáu.
Bà Sáu nhìn nó bằng ánh mắt nghẹn ngào, thương yêu.
Lý Thị Minh Châu
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...