Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Dấu ấn một mái trường

Dấu ấn một mái trường

Trong cuộc đời, những ngôi trường mà ta đã từng gắn bó, dù chỉ một thời gian ngắn ngủi thôi cũng luôn để lại trong ta những kỷ niệm không thể nào quên. Với tôi và bao bạn bè cùng trang lứa - những người sinh ra đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, thì trường cấp III Hải Hậu luôn đọng lại, khuấy động trong tâm trí chúng tôi những kỷ niệm không thể phai mờ về một ngôi trường có một bề dày truyền thống…
Tôi trở về trường vào một ngày đầu thu, gió nhẹ làm lao xao những tán bàng, tán phượng nơi sân trường, như đang thầm thì tâm sự, trong lòng trào dâng những ký ức xa, gần, hiện về như những thước phim… làm tôi xao xuyến. Trong đầu chợt ngẫm mấy câu văn vần như tự hỏi lòng:
“Những kỷ niệm nào đã đọng lại trong ta
Về mái trường yêu một thời gắn bó
Và những gì cháy trong nỗi nhớ
Suốt những tháng năm bươn trải với cuộc đời…’’.

Tôi nhớ về những ngày tháng được ngồi trên ghế nhà trường, với cái ngây ngô, hồn nhiên, đầy mơ ước, cùng những trò đùa tinh nghịch ngày ấy.
Lại nhớ về lịch sử mái trường: Trường tôi - cấp III Hải Hậu là ngôi trường cấp III đầu tiên của miền duyên hải Nam Định, được thành lập vào năm 1960; năm học đầu tiên chỉ có 225 học sinh của các huyện phía nam tỉnh, các lớp học mái rạ, tường đất ẩn dưới lũy tre xanh yên ả thuộc đất Văn Đàn - Đông Biên lịch sử (xã Hải Phương, nay thuộc TT Yên Định). Cái buổi ban đầu “vạn sự khởi đầu nan” của trường cũng dần qua, rồi đi vào ổn đinh và phát triển một cách vững chắc
Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, hai lần vào năm 1965, 1972 thầy trò dắt nhau đi sơ tán về Đông Cường, Triệu Thông, Phương Đức, Hải Thành, Chùa Lương… để tiếp tục “sự học’’… Đây là những  năm tháng để lại những kỷ niệm sâu sắc trong lòng các thầy, cô giáo và học sinh chúng tôi. Với sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương; bằng ý chí và quyết tâm, chung sức chung lòng của thầy trò và phụ huynh - những lớp học nhà hầm nửa chìm nửa nổi mọc lên dưới những lùm tre xanh, nối với những đường hào ngang dọc, dẫn đến các hầm chữ A - đây thực sự là những “chiến khu’’ của trường. Từ nơi đây, những tiết học, luận bình về “Đại cáo bình ngô” và giải phương trình tìm ẩn số… vẫn diễn ra, xen giữa những đợt oanh kích, trong tiếng gầm gào của bọn “giặc trời” Mỹ. Chưa một ai trong chúng tôi quên được cảnh thầy trò đội mũ rơm, đeo vòng ngụy trang đi bộ hàng cây số để đến lớp. Vất vả, gian khổ đấy, nhưng vui - cái vui của những con người say sưa với tri thức, với “chân trời mới”!. Và rồi những buổi chiều, các lớp tụ tập đóng kịch “Nổi gió”…, luyện hát “Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi”, “Ta lại đào công sự”. tạo nên một cuộc sống tinh thần đầy sôi động, mà đến nay những âm vang đó còn ngân mãi trong tôi; và cả những trò đùa tinh quái, những cái cấu chí, những cái nhìn trộm đầy si mê, cá tính và lãng mạn của cái  thời thanh niên sôi nổi “Lòng ta đầy chan chứa và ước mơ”…
Cũng những năm tháng đạn bom ác liệt đó, trên 2 ngàn học trò của trường  đã theo tiếng gọi non sông, từ bỏ bút nghiên, tạm biệt những ước mơ, hoài bão xung phong lên đường cầm súng diệt Mỹ. Những tấm gương như; Đoàn Văn Ten (quê Hải Thanh) lấy máu viết đơn tình nguyện tòng quân, rồi Vũ Viết Vô, Trần Văn Thiềng,… đã chiến đấu và hy sinh anh dũng “Thân ngã xuống làm đất đai Tổ quốc - Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”… như một Cựu học sinh của trường: Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển đã khái quát. Và cũng từ mái trường này là những tấm gương vượt khó học giỏi như anh Nguyễn Ngọc Ký, với ”đôi chân kỳ diệu’’ cùng những tác phẩm để đời như tự truyện “Tôi đi học…(anh nay đã là Nhà giáo Ưu tú) - đã và mãi mãi là thần tượng của các thế hệ học sinh, là niềm tự hào và vinh dự của nhà trường.
Đại thắng Mùa Xuân, hòa bình lập lại, nhà trường về tiếp quản chiến lợi phẩm của Quân khu 3 trao lại là Nhà tràng Đông Biên. Từ đổ nát, thầy trò và phụ huynh lại bắt tay vào cải tạo để có lớp mà học. Tiếng trống lại vang lên những sáng những chiều, cùng tiếng chuông nhà thờ - một đặc trưng của quê tôi, với trên 40% dân số theo đạo Thiên chúa. Bên những lớp lớp học sinh “mặt búng ra sữa”, là những đàn anh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi đạn bom, nay trở lại trường tiếp tục “bút nghiên”. Đó là thương binh Ngô Văn Lợi - một học sinh xuất sắc của trường được chọn cử đi học ở Đức, cùng nhiều học trò xuất sắc khác, càng tô thắm thêm truyền thống của trường.
Bước vào thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới ánh sáng các Nghị quyết chuyên đề về Giáo dục và Đào tạo, nhà trường có những giai đoạn “thăng hoa”. Từ 5 lớp ngày đầu thành lập, năm học 2018-2019 là 37 lớp,1430 học sinh; với cơ sở vật chất ngày càng khang trang to đẹp. Được thầy hiệu trưởng cho “mục sở thị” khuôn viên trường, tôi thầm nghĩ khung cảnh đâu có kém công viên; Mọi cựu học sinh chúng tôi trở về trường xưa, đều vô cùng ngỡ ngàng trước sự phát triển của trường. Các đoàn trong Nam ngoài Bắc về thăm, đều trầm trồ thán phục về cơ ngơi lý tưởng của trường ’’ít trường THPT nào có được’’ như nhận định của nhiều đoàn.
60 năm dựng xây và phát triển, trên 19 ngàn học sinh đã tốt nghiệp, phần đông vào Đại học, Cao đẳng. Cấp III Hải Hậu (nay là THPT A Hải Hậu) luôn đứng trong tốp đầu các trường THPT của tỉnh Nam Định. Tỷ lê học sinh trúng tuyển vào Đại học luôn trong tốp 100 trường THPT của toàn quốc. Ngoài trường THPT chuyên Lê Hồng Phong của tỉnh, có nhiều năm trường tôi đứng thứ Nhất, Nhì trong các trường THPT của “đất học” Nam Định. Năm 2003, trường là một trong các trường THPT đầu tiên của Nam Định và trường thứ 12 của cả nước được Bộ công nhận đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Năm 2010 là trường đầu tiên của tỉnh và tốp đầu toàn quốc được công nhận cơ sở đạt tiên chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất).
Tâm sự cùng thầy Hiệu trưởng Lê Văn Trường, được biết: Từ cái nôi đào tạo này, hầu hết học sinh ra trường đã trở thành những cán bộ của Đảng, Nhà nước, LL vũ trang; nhiều người có trình độ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà thơ, nhà báo, nhà văn, doanh nhân, những lao động giỏi… đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dưng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương Hải Hậu Anh hùng - Nông thôn mới. “Tiêu biểu như ủy viên TW Đảng Trần Văn Sơn, các tướng lĩnh, các doanh nhân thành đạt như Đinh Quang Chiến, Vũ Thị Mai Hoa… NGND Trần Tiến Dũng, TTND Hoàng Mạnh Việt và nhiều nhiều các Cựu học sinh khác nữa “…như lời thầy Trường. Riêng khóa chúng tôi 1967-1970, cũng đóng góp những cái tên đáng giá: Đó là Cục phó Cục báo chí, Tổng BT Báo Sài Gòn giải phóng, Nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển; và đó là thiếu tướng quân đội Trần Văn Đạt, thiếu tướng công an Trần Kim Tuyến   …
Đúng là “tiếng lành đồn xa’’, trường tôi đã được đón tiếp hàng trăm đoàn về thăm, học tập. Một niềm vinh dự to lớn, nhà trường được đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm, ngợi khen:” Trường trung học phổ thông A Hải Hậu là điểm sáng của quê hương Hải Hậu Anh hùng. Nhà trường có truyền thống “dạy tốt”, “học tốt”. Phòng truyền thống của trường lấp lánh những Cờ Thi đua, Bằng khen, Huân chương các loại. Năm 2010 trường được đón nhận phần thưởng cao quý “Đơn vị Anh hùng Lao động”.
Trở lại mái trường thân yêu vào lúc thầy trò nhà trường đang hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập - một cái mốc lịch sử của chặng đường dựng xây và phát triển; so với lịch sử chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, song với các cựu học sinh chúng tôi thì có ý nghĩa to lớn. Thời gian 60 năm - gần trọn một đời người - đủ để đánh giá về mái trường. Đó là sự phát triển không ngừng. Chúng tôi luôn có chung một ý nghĩ: trường tôi thực sự là vườn ươm những tài năng của “miến chân sóng” Hải Hậu đất học đất văn. Ngoài chất lượng “đại trà” luôn ổn định, thì “mũi nhọn” cũng thật đáng nể, đáng ‘’bậc anh tài’’ tuy nơi đây chỉ là vùng nông thôn thuần túy. Tham gia thi học sinh giỏi luôn trong tốp đầu của tỉnh (Năm học 2018-2019, thi học sinh giỏi văn hóa lớp 12 đạt giải Nhất toàn đoàn, với 26/27 học sinh có giải: gồm 5 Nhất, 10 Nhì…), đã có những học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia, là Thủ khoa Đại học…
Về thăm trường hôm nay, trong tôi trào dâng bao cảm xúc vui, buồn lẫn lộn, bâng khuâng  khi không còn gặp được thầy xưa, bạn cũ. Theo quy luật thời gian, nhiều Thầy Cô và cả bạn bè đã thành “người thiên cổ”, song rất vui và tự hào về sự phát triển của trường; vui nhất là nhiều học sinh của trường đã là những “kỹ sư tâm hồn“, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống nhà trường. Nguyên Hiệu trưởng Trần Tiến Dũng là Nhà giáo Nhân dân và 4 giáo viên của trường là Nhà giáo Ưu tú. Ta quên sao được những thầy “xây nền đắp móng’, cùng các Thầy, Cô tiếp bước “gieo trồng” cây truyền thống để vườn hoa “Dạy tốt”, “học tốt” sum xuê như hôm nay.
Có thể nói thời gian trôi qua, mọi thế hệ thầy trò chúng tôi luôn giữ mãi những kỷ niệm về mái trường thân thương cấp III ngày ấy và THPT A Hải Hậu bây giờ. Ký ức trong tôi không hề vơi. Gần 60 năm vẫn vẹn nguyên như thế. Cứ nghĩ về trường là lòng tôi lại thổn thức nao nao. Chúng tôi tự hào về dấu ấn một mái trường, tự hào về bề dày truyền thống ngôi trường của một miền quê Văn hóa - Anh hùng - Nông thôn mới. Tất cả, tất cả các thế hệ Thầy, Cô và học sinh của trường đang háo hức chờ đón, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập trường trong niềm vui khôn tả. Và dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường năm 2020 sẽ là ngày hội lớn đầy ý nghĩa, không những với các thế hệ thầy trò, mà còn với cả quê hương Hải Hậu chúng tôi.

5/11/2020
Nguyễn Văn Cảnh
Theo http://myloc.namdinh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...