Những mùa xuân đi qua thế hệ
Trong ký ức thời trẻ thơ, tôi không thể quên được một ngày đầu
xuân năm Giáp Ngọ 1954, cha đi công tác ghé qua nhà. Nghệ An quê tôi vốn đã rất
nghèo, lại dồn sức cho kháng chiến nên càng xơ xác. Mẹ tần tảo bữa rau bữa cháo
nuôi ba chị em chúng tôi sống qua ngày.
Trước đây, mỗi lần về qua nhà, nét mặt cha đều đượm buồn vì
xót xa thấy vợ con sống cơ cực. Vậy mà lần này cha rất vui. Ông nhấc bổng tôi
lên và nói lớn: “Thằng cu này lớn lên thì nước nhà độc lập rồi, không còn chiến
tranh nữa, đất nước sẽ hòa bình, hạnh phúc!”. Lần ấy, cha về đưa tôi lên cơ
quan để san sẻ nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ. Suốt dọc đường từ Khu 4 tự do lên đến
Chiến khu Việt Bắc, tôi - cậu bé 8 tuổi bị cuốn vào không khí náo nức của Tháng hữu
nghị Việt Trung Xô. Ở đâu cũng thấy các anh chị vừa nhảy múa, vừa hát: “Yêu hòa
bình Tổ quốc chúng ta/ Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời…”. Sau này tôi mới biết:
Đó là thời kỳ ta liên tiếp thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và khắp
các vùng tự do ở miền Bắc đang nô nức tiếp tế cho chiến trường, chuẩn bị Chiến
dịch Điện Biên Phủ. Rồi Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Geneva được ký kết,
Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Cờ hoa rực rỡ khắp nơi… Tôi lớn lên trong cảnh hòa
bình.
Tôi vào đại học đúng thời điểm Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến
tranh phá hoại. Miền Bắc lại chìm trong bom đạn. Rồi sau Tết Mậu Thân 1968, tôi
rời trường đại học vào bộ đội. Khi tiễn tôi ra mặt trận, cha dặn: “Chiến trường
ác liệt lắm, cha mẹ sẽ luôn cầu chúc cho con bình an may mắn. Nhưng con ạ, đã
là người lính thì sống chết là lẽ thường tình. Con phải phấn đấu cho bằng anh bằng
em và luôn nhớ: Người anh hùng không bao giờ hành động để lấy tiếng khen riêng
cho bản thân mình”. Tôi mang lời dặn của cha suốt những năm tháng ác liệt trên
Trường Sơn. Tôi đã khóc khi lần đầu chôn cất đồng đội, một chàng trai trẻ 19 tuổi,
trắng trẻo, đẹp trai như một thiên thần. Bảy năm trên Trường Sơn gian khổ ác liệt,
tôi dần dày dạn với đạn bom, dày dạn trước những đau thương, mất mát. Vậy mà
nhiều đêm nằm trên võng, nhìn bầu trời trăng sao thấp thoáng sau tán lá, vẫn
không sao nguôi ngoai được nỗi nhớ - nhớ quê hương, nhớ cha mẹ. Gần đến thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cha đã mơ tới ngày toàn thắng, đất nước
bình yên. Lúc đó, cha không ngờ lớn lên, đứa con trai bé bỏng của mình lại phải
tiếp tục ra chiến trường ác liệt gấp bội phần.
Mùa xuân năm 1975, Ngày toàn thắng 30-4, chúng tôi sung sướng
đứng giữa căn cứ Cam Ranh bắn chỉ thiên những loạt AK thay cho tiếng pháo mừng
chiến thắng. Chúng tôi ôm lấy nhau trào nước mắt. Chúng tôi may mắn hơn bao đồng
đội đã mãi mãi nằm lại đại ngàn. Chúng tôi sung sướng khi nghĩ rằng: Vậy là từ
nay non sông đã thu về một mối. Vậy là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đã bị
chúng ta đánh bại. Từ nay sẽ chẳng kẻ thù nào dám động vào Việt Nam. Như thế hệ
cha, tôi lại mơ tới một đất nước hòa bình trường tồn và thịnh vượng.
Nhưng rồi… Mùa xuân năm 1979, hôm ấy, khi tôi đang chơi với đứa
con trai đầu lòng thì nhận được tin báo từ cơ quan. Với trách nhiệm người lính,
tôi soạn ba lô vào đơn vị chuẩn bị tinh thần có thể phải ra thẳng mặt trận. Lần
này thì tôi ra trận không phải tâm thế một chàng trai, mà tâm thế của người
cha. Không phải như cha tôi mùa xuân năm 1954, như chính mình mùa xuân năm 1975
mơ tới cảnh đất nước hòa bình trường tồn, mà lần này tôi bế đứa con trai bé bỏng
lên, ôm cả con và vợ trong vòng tay của mình và dặn dò những điều cần thiết nếu
chiến tranh ác liệt buộc vợ con phải sơ tán. Tôi cầu mong chiến tranh sớm chấm
dứt.
Rồi chiến tranh biên giới cũng kết thúc. Máu những người lính
đã đổ xuống một lần nữa để giữ yên bờ cõi. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lại thôi
thúc tôi tiễn con trai nhập ngũ.
Một ngày giáp Tết, tôi đến thăm con khi cả đơn vị đang cất
cao tiếng hát: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Tôi
bỗng nghẹn ngào khi nhìn con và đồng đội đang say sưa hát. Câu ca ấy của nhạc
sĩ Diệp Minh Tuyền lại đưa tôi về ký ức những mùa xuân trong cuộc đời. Những
mùa xuân đi qua thế hệ của cha và của tôi. Những mùa xuân mơ tới cảnh đất nước
hòa bình và cả những mùa xuân tiễn nhau ra mặt trận. Nào có lúc nào chúng ta muốn
chiến tranh, vậy mà chiến tranh cứ đến, buộc chúng ta cầm súng. Tôi bỗng giận
những người quay lưng lại lịch sử. Họ ngồi sa lông và phán: “Giá như đừng đánh
Pháp, đánh Mỹ như nước A, nước B thì dân mình đâu có cơ cực chịu bao cuộc chiến
tranh, đổ bao xương máu (!)”.
Vị trí địa chính trị của nước ta, diễn biến của lịch sử đã
như một đường ray định sẵn. Lịch sử đã đi qua, sao có thể nói giá như? Mà dù có
nói “giá như” thì lịch sử cũng không thể khác. Những người nói “giá như” ấy, liệu
có mong muốn giành độc lập bằng biện pháp hòa bình hơn các bậc tiền nhân? Trong
thư tịch còn ghi lại: Tháng 10-1906, Phan Chu Trinh đã viết “Đầu Pháp Chính phủ
thư” gửi chính quyền bảo hộ. Cụ tin rằng nếu chân thành với người Pháp, họ sẽ
cùng ta xây dựng nước Nam. Bởi vậy cụ viết: Dân Nam giờ cả mấy mươi triệu
người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn có chút nhân cách nào, rằng: nước
Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu,
châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường. Và cụ không ngại ngần đề
nghị: Tôi trong lòng đau đớn chua xót không biết kêu gào vào đâu, cầm bút
viết thư này, quên cả những sự kiêng sợ, các quan bảo hộ quả lấy lòng thành khoản
đãi người Nam, thì tất cũng xét bụng tôi, nghe lời tôi, cho tôi đến ngồi mà
thung dung bàn hỏi, cho tôi được phơi gan mở ruột, bày tỏ cái điều lợi hại, may
ra nước Nam có cái cơ được cải tử hồi sinh, thế là hạnh phúc của nước Nam tôi.
Lá thư ôn hòa đến tận cùng, thậm chí như cầu xin. Vậy mà người Pháp đã trả lời
cụ bằng những năm tháng tù đày. Thậm chí khi cụ chết, người Pháp vẫn còn sợ. Họ
ngăn cản, theo dõi những người dự đám tang cụ. Người chí sĩ yêu nước ấy khi là
người tù khổ sai vẫn hiên ngang: Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan
chi kể sự con con (Bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn"). Cùng thời với
cụ còn cụ Phan Bội Châu. Ai cũng biết cụ Phan Bội Châu vốn là người chủ chiến,
nổi tiếng với những câu thơ hào sảng trong bài "Á tế Á ca": Cũng
có lúc bầm gan tím ruột/ Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra. Cụ hy vọng trông cậy
vào người Nhật để đánh đuổi quân xâm lược Pháp, nhưng không thành công. Khi những
thanh niên Đông Du của cụ bị người Nhật trục xuất, cụ đang ở Trung Quốc, có kẻ
nói với cụ rằng người Pháp ở Đông Dương giờ đã thay đổi, thì cụ nghĩ ngay đến
việc bắt tay với người Pháp để chấn hưng nước nhà và đưa ra chủ thuyết “Pháp-Việt
đề huề”. Người Pháp vồ ngay cái thuyết ấy để mị dân Việt Nam, nhưng họ đâu có
thiện chí với cụ. Họ giam lỏng để cụ thành “Ông già Bến Ngự” đến hết đời.
Vâng, “giá như”. Có lúc tôi tưởng tượng thấy Đề Thám hiện lên
và hỏi những người nói “giá như”: “Các anh đã lên án gay gắt việc đánh Pháp. Vậy
các anh có dám đứng ra giữa đường hay lên mạng mà chê bai sự ngu dốt của tôi và
cả các vị Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng… vì đã đánh Pháp, khiến
cho hàng nghìn nghĩa quân phải bỏ mạng nơi sa trường? Hàng trăm đồng đội tôi bị
bêu đầu ở chợ Nhã Nam?". Chắc hẳn những người nói "giá như" sẽ
phải xin lỗi cụ. Lúc ấy cụ Đề mới ngửa mặt cười ha hả: "Các anh biết chắc
nếu làm vậy, các anh sẽ bị đa số người Việt phỉ nhổ. Vậy có phải là các anh đang
phê phán chiến tranh đâu, mà thực chất là các anh đang mị dân, trương ra cái chủ
thuyết ấy để tỏ ra mình yêu nước thương dân, hạ thấp những người cộng sản đã
lãnh đạo nhân dân đánh thắng hai đế quốc mạnh nhất của thời đại đấy chứ!".
Nhưng ngay cả khi phê phán những người cộng sản, thì những người nói "giá
như" cũng cố tình quên rằng cụ Hồ Chí Minh là người hơn ai hết muốn dân được
hòa bình, ấm no hạnh phúc. Khi thực dân Pháp bộc lộ âm mưu xâm chiếm nước ta, cụ
đã làm hết sức mình để không xảy ra chiến tranh. Chỉ đến lúc tình thế đã dồn
chúng ta đến chân tường, cụ mới phải kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến:
"Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết
tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Vậy đó. "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta
ôm cây súng". Câu ca ấy sẽ vang mãi trên môi các thế hệ người Việt, các thế
hệ người lính. Những mùa xuân sẽ đi qua các thế hệ. Chúng ta yêu đất nước, yêu
mùa xuân, yêu hòa bình, nỗ lực gìn giữ bình yên để phát triển, nhưng khi đất nước
cần, chúng ta sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòa bình, độc lập,
tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc!.
16/1/2020
Hồ Sỹ Hậu
x
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét