Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Tết trong ký ức của tôi

Tết trong ký ức của tôi

“Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi!. Tết đến trong tim mọi người...”. (1). Loa phát thanh của đơn vị vang lên bài hát về ngày Tết, có một vài đồng đội đang ngân nga hát theo, lòng tôi chợt thấy xốn xang và ấm cúng đến lạ kỳ. Sớm mai, trời se se lạnh, sương giăng phủ kín hồ Bà Yên, cảnh vật như khoác lên mình màu áo mới. Cái lạnh ít ỏi của miền Nam trong những ngày cuối năm đọng lại trong làn sương sớm cũng đủ để tôi cảm nhận được một năm nữa sắp trôi qua. Trong khoảnh khắc giao mùa của những ngày cuối năm dễ làm lòng người xao xuyến, chợt những ký ức về ngày Tết của quê hương ùa về trong tâm hồn tôi.

Hình bóng quê hương luôn trong tôi với những cung đường quanh co, uốn lượn bên thửa ruộng bậc thang nhuộm vàng màu lúa chín, xen kẽ là sắc xanh của cỏ cây, hoa dại và cả những đồi chè xanh mướt trải dài bát ngát, ẩn hiện những nếp nhà sàn nhỏ xinh. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, mảnh đất sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc anh em. Tết quê tôi, không lấp lánh ánh đèn, cũng không có các khu trung tâm thương mại mua sắm sang trọng hay các khu vui chơi nhộn nhịp. Tết quê tôi chỉ có hương xuân thoang thoảng trong gió, và hoa ban, hoa mận đua nhau nở trắng. Xuân về là dịp những gốc đào thân xù xì, cành là là xuống ven đường, ven suối, khoe sắc hoa màu hồng thắm. Các cô sơn nữ người Mường, người Thái, người Tày, Nùng,… thì diện những bộ váy áo dân tộc sặc sỡ với nụ cười tươi tắn làm sáng lên khung cảnh đẹp và bình yên nơi Tây Bắc xa xôi.

Tết trong ký ức của tôi là ngày 28 Tết cùng mẹ ra vườn hái lá dong, mang về rửa sạch, để ráo nước rồi chiều tối cả nhà quây quần trong ngôi nhà sàn ấm cúng gói bánh chưng. Gạo nếp mẹ tôi ngâm sẵn, thứ gạo nếp hạt dài, săn chắc, mùi thơm dịu dàng được trồng trên nương rẫy mà quê tôi nhà ai cũng có. Thịt heo, đậu xanh là hai nguyên liệu chính để làm nhân bánh chưng. Thịt lấy từ heo mà mẹ tôi nuôi cách Tết vài tháng để dành riêng cho dịp này. Buổi tối, cả gia đình tôi ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, mấy chị em tôi háo hức chờ đợi bánh chín như chờ đợi một điều gì đó thiêng liêng lắm. Điều tuyệt vời nhất của chúng tôi lúc ấy là ngồi bên bếp lửa hồng, trong cái lạnh của vùng núi Tây Bắc đầu xuân hòa quyện với mùi thơm của bánh chưng để được nghe bố kể chuyện về những ngày bố tham gia bộ đội. Còn mẹ thì luôn dặn dò, truyền dạy về những phong tục, tập quán của ngày Tết dân tộc Mường cho chúng tôi nghe. Đó là truyền thống được lưu giữ cho đến tận ngày nay, nên thế hệ trẻ chúng tôi tiếp nhận và sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau để cùng nhau gìn giữ bản sắc của dân tộc. Từng câu chuyện, từng lời dạy như những dòng chảy cứ ngấm vào sâu thẳm tâm trí của chúng tôi. Rồi tôi chìm dần vào giấc ngủ khi trong đầu vẫn còn in hình ảnh của bố cùng đồng đội trong những chuyến hành quân.

Tết trong ký ức của tôi là những ngày đầu xuân cùng bố mẹ và các chị đi hội làng. Làng tôi chỉ toàn người dân tộc Mường. Vào ngày này, con cháu các dòng họ người Mường dù đi đâu xa cũng cố gắng quy tụ về chung vui. Lễ hội có ý nghĩa cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi, dân bản hạnh phúc, sống vui vẻ hòa thuận. Ngoài phần lễ, Hội làng còn diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đi cà kheo, ném còn... mang đậm bản sắc của dân tộc Mường.
Tết trong ký ức của tôi là vào ngày mồng 1 Tết, xúm xít cùng mấy chị em chạy ra cổng ngóng Đoàn “hát Sắc Bùa” - là đội hình diễn tấu cồng chiêng, có từ 6 đến 12 người, trong đó có một người hát chính đi trước. Đoàn hát đến các gia đình trong bản để chúc Tết bằng những câu hát ngọt ngào của dân tộc. Cách chúc Tết này là nét đặc trưng và độc đáo của dân tộc Mường. Đoàn hát đi đến đâu tấu chiêng đến đó. Khi vào đến sân nhà tôi, người đi đầu cất bài hát tiếng Mường chúc Tết gia đình, chúc cho gia đình mạnh khỏe, sang năm mới làm ăn phát đạt. Sau đó, bố tôi xuống sân mời Đoàn lên nhà uống chén rượu xuân cùng gia đình và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, rồi họ tiếp tục đi đến gia đình khác.
Tết trong ký ức của tôi là được cùng gia đình và người thân quây quần, ấm cúng bên vò rượu, thứ rượu được làm từ gạo nếp thơm trồng trên nương. Cả sự khéo léo của người phụ nữ Mường được gửi gắm trong đấy nên rượu cần có vị ngọt riêng. Mỗi bữa tiệc bên rượu cần, những câu hát quen thuộc lại vang lên và đó là nét đặc trưng không thể thiếu để mỗi người trong gia đình, cũng như cộng đồng dân tộc Mường gần gũi nhau hơn và cùng gửi gắm những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới ấm áp, may mắn, hạnh phúc.
Mỗi miền quê Việt Nam lại có những phong tục đón Tết riêng tạo nên những nét văn hóa đặc sắc và phong phú của dân tộc. Dù cuộc sống quê tôi còn muôn vàn khó khăn, nhưng những nụ cười rạng rỡ của các cô thiếu nữ, ánh mắt trong veo, thơ ngây của những đứa trẻ đã làm mùa xuân quê tôi thêm rạng ngời, khiến lòng người trỗi dậy tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên nguyên sơ, thanh khiết của núi rừng đại ngàn.
Thấm thoát đã chín năm tôi học tập và làm việc xa nhà. Hình ảnh và kỷ niệm về mùa xuân yên bình nơi núi rừng Tây Bắc là ký ức ngọt ngào luôn đọng lại trong trái tim tôi. Những năm trước tôi đều về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng năm nay là một năm đặc biệt đối với tôi. Tôi đã trở thành một nữ TNXP. Nhận thông báo trực Tết tại đơn vị, tôi hào hứng chờ đón cái Tết của vùng đất Phương Nam, mới mẻ và ấm cúng bên đồng đội của mình.

Chú thích:
(1) Lời trong bài hát “Ngày Tết quê em” sáng tác Từ Huy.
Bùi Mỹ

Theo http://www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn/

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...