Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Những hạt sương trên cỏ

Những hạt sương trên cỏ 

1. Tháng Mười tâm trạng 
Chị ngả đầu lên thành ghế, mắt nhắm lại, để mặc tiếng nhạc và lời ca đang tràn ngập căn phòng, ngấm vào từng sợi tóc, hơi thở, làn da trên cơ thể.  
“… Nỗi nhớ dâng đầy trong em                          
khuôn mặt anh               
nụ cười anh,                                
bờ môi ấm…
Tưởng như máu trong tim đông lại,
Nỗi nhớ dâng đầy,
Dâng đầy…
Ôi! Chẳng có dòng sông, mặt biển nào ngăn cách,
Mà sao, mà sao,                 
Em không thể tới bên anh?
Để nỗi nhớ như con thuyền vượt sóng,
Đến bến bờ chỉ là giấc mơ thôi…”  
Một cái gì rưng rưng trong dạ…
Giọt nước mắt dừng lại tận đáy lòng, không thể trào lên khóe…
Chị úp mặt vào lòng bàn tay, thả tiếng dương cầm lăn đi từng giọt, từng giọt qua khe ngón…
Như cát bay bay xào xạo thuôn từng ngón thon dài,
Nhớ:  anh vừa thủ thỉ, vừa vốc từng vốc cát, thả bay dọc đôi chân trần của chị, lúc hai người dạo mỏi, nằm dài sát cạnh nhau trên bờ cát biển đêm nào.
Chị ngửa mặt, mắt nhìn đăm đắm lên bầu trời đầy sao, tay dang rộng, cảm thấy cát lở mát rượi dưới lưng mình. Và chỉ nhắm nghiền mắt,  khi anh nhỏm dậy xoay người, và bắt đầu rủ rỉ…  
“… Ôi! Chẳng có dòng sông, mặt biển nào ngăn cách,
Mà sao, mà sao,                  
Em không thể đến bên anh?...”  
Chàng ca sĩ bồn chồn nhắc thêm  lần nữa câu hỏi dịu dàng ấy,
Dịu dàng và buốt giá như thể một chiều tháng Mười đang thong thả bước trên đường vắng, bỗng sững lại lúc làn gió lạnh thoảng qua, khiến rặng cây đầy lá vàng óng ánh, chợt rùng mình trút bay loạt lá tả tơi…  
Tại sao chính lúc đó, câu hỏi buồn dịu dàng lại chợt hiện về với trái tim ta?  
“… Căn phòng đêm nay câm lặng, sao như lửa cháy bốn bề…
Em bốc cháy, như lá khô gió cuốn,
Mê man trong nỗi đớn đau…
mà không thể,
không thể,
ra ngoài nỗi nhớ đâu anh…”  
Chị thảng thốt ngồi dậy, bước về cửa sổ.
Cúi mình nhìn xuống mặt đường vắng tanh, nơi hàng cây vàng óng ban chiều rung động lao xao, nay chỉ còn lại lớp thảm vàng ướt dịu ngập ánh điện, trải dài vô tận dưới những gốc cây sừng sững đứng lặng câm. 
Chị khoác áo, đi xuống đường, khi giọt dương cầm cuối cùng dừng lại cuối bản nhạc, vỡ tan ra, đọng lại nơi nỗi lòng rưng rưng của chị…  
Đã bao nhiêu lần rồi, Anh chợt hiện về như thế…
Lần nào cũng trọn vẹn, đủ làm thành một nỗi đắm say, 
bắt đầu từ một ánh mắt âu yếm, một nụ cười yêu dấu khiến trái tim đàn bà lạng đi choạng vạng, 
nụ cười khiến lòng ta day dứt theo năm tháng, như kẻ nghiện rượu lúc tỉnh lúc say,  thấy bầu trời nằm nghiêng, và cây luôn luôn trút lá…  
Anh là ai, có sứ mệnh gì trong đời mà tạo nên Tâm trạng cho hết thảy mọi giây phút trong đời người đàn bà?
Để đêm cứ phải nhớ thương, ngày cứ phải lao đao, bước cao bước thấp, đi trong đời thường, như uống rượu bùa mê?  
Để khi đất trời đột ngột thay áo…  
Mùa Xuân, 
nụ cười và ánh mắt Anh loang loáng hiện hữu, khiến cây đang tý tách đâm chồi, lá đang tung tăng nảy lộc, bỗng sững lại nghẹn ngào đi một phút…
Bởi nắng yếu ớt xanh xao lúc đó đã biết trước nỗi đau sinh nở,
Bởi Em đã biết trước tan vào biển mắt Anh, nụ hôn Anh là mất đi vĩnh viễn khả năng tự kiềm chế…
Mà muốn đủ nghị lực đi hết suốt cuộc đời,
Một cuộc đời càng đi càng thấy vô tận trong nỗi niềm cô đơn
Phải không được có nỗi mê say Anh…  
Để làm gì ư? Tại sao ư?  
Để đủ minh mẫn đêm Hè nghe dế hát, bài hát từ Đất…
Bài hát kể cho cô gái nhỏ biết tại sao trong nhà không chỉ có mẹ có cha, mà còn có cả những người em, người chị, người anh, ra đời trước và sau ta…
Bài hát nhắc ta về những miền đất lạ, những mùa đất trời lạ, mà càng khám phá ra càng biết mình là hạt cát muộn mằn chẳng thuộc về đâu, có thể đã ra đời từ hàng bao thế kỷ trước, có thể sẽ tan biến nhanh như hạt mưa rơi xuống biển cả mênh mông…
Bài hát mà khi thành Đàn Bà rồi ta mới hiểu:  ước mơ trong cuộc đời có người Đàn Ông như cây bách cây tùng, chỉ là ước mơ huyễn hoặc, lung linh nhiều màu sắc, 
Thoắt vỡ tan, hay bay bổng như bong bóng xà phòng…  
Anh âu yếm, hôn, chiều chuộng, như nắng sớm vuốt ve trái đất,
Rồi sung sướng xiết bao, sau đó được biến thành cậu bé ngủ vùi trong lòng mẹ,
Để chẳng phải lo toan, chẳng suy ngẫm gì, cũng chẳng mộng mơ,
Và để mặc người đàn bà một mình đến với mùa Thu…  
Nếu đàn bà sinh ra chỉ để làm mẹ,
Chắc ta sẽ đỡ buồn hơn khi nhớ về một nửa của đời mình.   
Ơi cuộc đời!
Khi trào dâng tâm trạng, nhìn đâu, nghĩ gì, cũng chỉ thấy bóng hình một người thôi.
Phải chăng Thượng đế sinh ra nhau,
để ta và Ai trọn vẹn một tâm tình, 
một bóng dáng, 
một linh hồn, 
và sau hết, một cảm giác Sống?  
Rồi khi Đông về, 
gạt sang tất cả hờn giận, buồn tủi, bâng quơ, phân vân, cô quạnh… 
người Đàn Bà lại khao khát muốn có Ai bên cạnh, 
khao khát thức dậy trong bình minh ngọt ngào giữa vòng tay,
Và tạm quên đi…
Nhiều nỗi niềm lắm lắm…  
Chị đã đi lang thang khắp dãy phố nhỏ của mình gần suốt đêm, nhặt lá vàng, ném đi, rồi lại nhặt lấy…
Chị đã hát một mình trong lòng bài hát nhớ thương, một ánh mắt, nụ cười, vòng tay âu yếm…
Chị đã thả mặc một tâm trạng tháng Mười, mà năm nào chị biết trước cũng sẽ nghe nó nức nở, khi thu sang, cây trút lá, nắng ra đi…
Nhiều lần lắm rồi, ôi  tháng Mười tâm trạng!  
Và đêm nay, lòng chị tan nát…
Bởi khi quỳ giữa thảm lá vàng đẫm sương, xoay xoay một cuống lá, đúng lúc đó, cơn gió ào ào từ đâu ập tới, khiến cây bỗng nghiêng cành trút lá như mưa, chị ngửng lên và nhìn thấy: một bầu trời không còn gì nữa, chỉ khẳng khiu trơ trụi những cành cây xác xơ…
Chị bất chợt nhận ra chất lãng mạn êm ái nhất của cuộc đời: Cái kết cục sẽ đến…  
Anh sẽ không kể  lại được cho Em nghe 
Mình thức dậy,  
sau lần đi vĩnh viễn
Sẽ thôi kể về nhau, bằng muôn vàn tâm trạng,  
bằng khát khao,  
bằng kỷ niệm,  
bằng bốn mùa, 
bằng nhạc, bằng lá, 
bằng hoa…
Anh và Em sẽ thôi hết gặp nhau, 
để Ta cùng nghe kể…  
Cho dù, hình như chưa hết đâu anh, 
sau cái Kết cục…  
Bởi thảm lá vàng nằm lại đất đen,
Vẫn cùng thiên nhiên hát bài ca Tâm trạng…
Đấy là điều đáng ghi nhất trong dạ, 
giữa muôn vàn hữu hạn Ta cùng hưởng với nhau.   
2. Nhắc nhở của Mùa  
Đôi khi ta quên: 
học viết để khỏi phải nói, để những ý nghĩ trong đầu bùng lên trang giấy, để con người đỡ phải gặp gỡ nhau, để thôi giải thích bằng cử chỉ, bằng lời hùng biện, để thôi thêm đau đớn, mỗi bận diễn đạt tâm hồn chỉ bằng giao tiếp…  
May sao con người biết viết.  
Trời đất có ngẫu nhiên khi nhắc đến chức năng biết viết của người, lúc bỗng đổ cơn mưa?
Ông trời không chịu nổi lũ người cứ đi lại nhởn nhơ trong nắng, cứ cười cợt như thể sinh ra chỉ để vui chơi, cứ mặc nhiên coi đời sống là cái gì bằng phẳng, vĩnh cửu và đầy thỏa mãn. 
Không, làm gì có chuyện đó!
Đi liền với những hạn hữu vật chất, con người cần phải được nhắc nhở liên tục rằng: không có thiên đường nơi trái đất, chẳng có sự bình an, càng lấy đâu ra cân bằng mong mỏi của tâm hồn?  
Một buổi trời đổ mưa, cây rùng mình lắc nước, tuôn xối xả từ ngọn xuống, bầu trời tối sầm và lạnh giá, gió ào ào từng đợt từng đợt xớn xác dội về.
Cái linh hồn bé nhỏ của kẻ tha hương chợt băng giá, tan ra từng mảnh…  
Có phải biết bao nhiêu thơ văn, nghê thuật, đẫm ướt nước mắt nhân loại, đã than khóc hộ linh hồn những lúc như thế, từ đời nọ qua đời kia, từ quốc gia này đến quốc gia khác, 
mà sao kẻ bất hạnh vẫn nuôi hy vọng vào một tia nắng le lói, một mảng sáng của nụ cười hoàng hôn trước khi vụt tắt ngấm sau dãy núi?
Có phải hơi ấm của nắng mặt trời dù chỉ mong manh trong ba mươi ngày hè nóng bỏng, cũng đủ duy trì niềm tin bất diệt vào sự sống, cho dù mùa thu đã bắt đầu đi qua, chôn vùi lũ dế cùng tiếng than van rên rỉ của chúng xuống lớp đất đen…  
Ta gặp một vòm bát ngát đầy những quả dẻ dại, căng mọng, tròn đầy, trĩu xuống cành, đung đưa trong gió, 
chỉ chực chờ sẵn một làn gió mạnh nồng nàn, cuốn tung quả lên không gian rồi quật xuống đất,
để lớp vỏ căng vỡ toang và hất trọn đám hạt nâu bóng bên trong lăn ra, lăn mãi tận chân trời…  
Làm sao ngăn được sự sống? Làm sao ngăn được cơn khát sống của tinh túy đất trời?  
Chỉ đôi khi ông trời đổ mưa, dâng lệ lên đầy khóe mắt, lồng ngực run lên bởi những cơn nức nở của linh hồn.
Khiến ta tan vụn ra cùng đất cát, sau cơn mưa lại ngủ vùi trong hơi thở mát lạnh của đất trời, và biến hóa vào trạng thái đớn đau khác của thiên nhiên.  
Đấy là ông trời bảo tồn sự sống cho ta, để ta quay trở về với bút,
Và linh hồn.    
3. Nhật ký tháng Chạp 
Từ cách xa hàng nghìn cây số, em hỏi:
- Sao dạo này chẳng thấy viết lách gì thế?
- Ừ, thế đấy!
- Lười à?
- Ừ, có thể… Không, đúng ra vì mình không muốn chia xẻ nữa.
- Hì, hì… cố lên! Hì…
Tại sao lại cố lên nhỉ? Cố cái gì? Mình đã từng cố lên nhiều lần quá rồi sao?  
Chiều công viên phẳng lặng nao lòng. Không một ngọn gió. Hàng cây vàng xuộm đứng chôn chân, đợi trút nốt những tầng lá vàng cuối cùng trước khi Đông tới.
Như ta buổi nào sinh ra, nay kiên nhẫn đợi số mệnh kéo nốt ngày tháng trôi đi…
Sao lại có một thuở: chỉ mỗi một ước ao chia xẻ?
Đất trời có chia xẻ với ai đâu, nhẫn nhục đợi đông qua, xuân tới, hè về, thu đi…  
Có thể, đất trời nhẫn nhục vì biết vẫn có bàn chân em dạo chiều nay trong công viên, để ngắm cây nghiêng nghiêng trút lá, cành mảnh mai rùng mình, biết sẽ còn lạnh hơn nhiều lắm. Và đất lở dưới chân, đợi chôn sâu màu óng ánh của lá phai, mây trắng bay lần cuối, và sương lạnh tràn về nứt ngón.  
Có thể, ta thôi chia xẻ vì biết mình sẽ phân chia như đất, như lá, như mây…
Và phân chia cả những mảng đau cuối cùng, còn đọng lại như hơi thở nồng nàn mỏng manh,
Của trái tim cố gắng hoài niệm niềm đau và sự nổi giận.
Trút nốt lá đi cây! 
4. Không gian   
Anh muốn vào không gian nào của em?  
- Không gian màu trắng -  
Nơi mọi vật bình yên. Nơi nắng chiếu để trẻ con đến lớp, người, làm ong chăm chỉ, thu cóp của cải, chuẩn bị cho rất nhiều bình yên, mười năm, hai mươi năm, đến chừng chưa rơi lá…
Nơi có những người đàn ông, đàn bà màu sữa, rơi từng lớp, từng lớp những nỗi nhàm chán, vô vọng chiều tà, như tường bóc từng lớp vôi vữa, nắng mưa cuối đời chỉ gạch trơ cũng thừa đủ bình yên.
Bình yên, bình yên, câu chữ cũng không buồn lột tả hết. Như đất dành làm đường đi, vườn hoa kia mua vui một giờ đồng hồ buồn tẻ, để làm gì? Bình yên, để ta vỗ về những câu hát ngớ ngẩn, chẳng hát về tình ai, chẳng cần trái tim ai, chẳng biến hóa thành gì, chút bụi mờ ảo nào của đất?
Để ta sáng sáng khoác tấm áo hồng thơ mộng, yêu đời, yêu anh, yêu câu chữ, yêu làm văn thơ, yêu được sống…
phải rồi, sống những nỗi bình yên trong những vai trò,
giả dối, ngớ ngẩn, vớ vẩn,
để bình yên, tưởng đang cùng chim bồ câu gù gù trong nắng,
hoặc đang rên lên với giấc mộng hồi sinh, 
của đất, cây, hoa lá…
Nhưng ta làm gì có mạch nước ngầm nào dưới đất? Làm gì có rễ xuyên đá tầng, sỏi cát? Làm gì có cầu vồng cuối chân trời gọi những cơn mưa?
Ôi, bình yên giả dối!
Ôi, cái tôi giả dối, dệt một phút thanh bình trong mắt những ai ai…     
Anh muốn vào không gian nào của em?    
- Không gian màu đen 
Nơi ta kê chiếc giường tang tóc,
Từ lúc mộng mơ những giấc mơ hồng
Nơi ta mặc áo tang ngay từ khi biết làm đẹp,
và để tang mình, suốt một đời thiếu phụ,
đừng nghĩ màu đen xấu, 
Người ơi.
Ta thương nàng con gái, yêu ta cồn cào một thuở,
Nụ cười buồn, ánh mắt đen, bờ vai xinh nõn, nàng khoác màu áo tang cùng ta lang thang giữa những ngôi mộ, trên những lối dạo nghĩa trang, Mình nói với nhau biết bao âu yếm, mà chỉ những mối tình dâng hiến mới tạo ra lời. Ta đau vì không yêu Em được, vì ta cũng là Em, Em không biết sao?
Không gian màu đen dành cho những tình yêu ấp ủ,
Trong trái tim những kẻ ra đời, vào đời,
Để chịu tang.
Ta thương gã trai, một lần lọt vào không gian hẹp của những mộng mơ đen. Nhưng chàng cần những không gian màu xanh,
Để mơ tình yêu vĩnh cửu, mơ bình yên no đủ, 
như màu xanh từ trời, chiếu xuống làng nghèo nước lũ cuốn đời chàng đi…
Ta khoác thêm miếng voan đen lên tóc, 
để thay chàng thêm một lần nữa chịu tang.
Chịu tang cho những số phận buồn,
Của cha suốt đời dấu lửa lòng,
Của mẹ suốt đời không ngẩng mặt nhìn mây,
Của chị của em ngoan ngoãn như lũ cừu bị bỏ đói, được ăn
Của bạn của bè, tóc muối tiêu vẫn vơ vẩn ra vào,
Của cả một thời đại, ta sắp đi qua, vẫn chẳng khác chút gì ngày linh hồn ta cập bến.  
Ôi! anh có thể cùng Ai chịu tang?  
Anh muốn vào không gian nào của em?  
- Không gian trong suốt
Nơi không màu, gió lặng, đất hiền hòa mát rượi
Nơi ta ngồi im, dàn trải mình trong ý nghĩ
Nơi ta trong suốt như không khí, nơi ta mát như sao đêm, nơi ta dịu dàng như lá
Nơi chỉ lặng im diễn tả được lòng mình
Anh không xôn xao, Em không thổ lộ
Không đau buồn, chẳng mộng mơ, chẳng cần an ủi, chẳng tìm giao tiếp…
Trong đáy tim em,
Một không gian trong suốt,
Long lanh giọt lệ,
Một đêm. 
5. Không gian buồn  
Mỗi người có một không gian riêng, để buồn vui, giận hờn, để suy nghĩ xô dạt, đẩy, lẫn nhau, như những lớp sóng ngoài khơi tràn biển.
Bỗng một hôm, không gian của anh, chạm vào không gian em, khi ta cùng chung một khung cửa sổ vô hình, nhìn vào đời…
Nhìn thấy bóng mình sao cô đơn, sao mỏng manh, sao buồn rầu như một mảng tinh tú rơi xuống sân nhà thuở nhỏ, rực sáng trước khi ngấm tắt, như một ảo ảnh ấu thơ?
Nhìn thấy cuộc đời những người có liên quan, cứ rơi lả tả xung quanh như lá rời cành, ngẫu nhiên và không hề mang bất kỳ một mục đích.  
Từ chung một khung cửa sổ vô hình, ta thì thầm thổ lộ:
Về những giây phút cứ đi qua, mang theo ước mơ không thực hiện được của cha, những hoài vọng vụn vặt không bao giờ thỏa mãn của mẹ…
Về những ngày giờ đuổi ta trên con tàu định mệnh lạ, đưa đến những bến bờ ngẫu nhiên, xa xăm và không lời giải thích…  
Đấy là lúc ta hiểu tại sao có những không gian trong suốt chạm vào nhau:
Vô ích ta cùng hiểu chung một ngôn ngữ, vô ích có những người cùng giống nòi lao xao xung quanh, vô ích trong ký ức có bóng dáng một mảnh đất quê hương, một điệu nhạc, một thói quen được gọi tên tập quán…
Tất cả, đối với loài chim di cư, bay sang miền đất lạ ẩn náu, đều chung gọi dưới một cái tên: sự hiện hữu lạc loài.  
Có thể chất lạc loại này ẩn náu dưới làn da con người ngay từ khi rời bầy đàn để tiến hóa?
Có thể chất lạc loại này tạo nên nỗi phân vân đi - ở, hòa nhập - bảo tồn, tự do - bị quy định… hay dù dưới bất kỳ tên gọi gì, lạc loại vẫn là nỗi buồn thường trực mỗi ngày, mỗi giờ sống, mỗi phút nghĩ suy, thường trực khi ta tỉnh, trong giấc mơ, hay cả những phút ta tưởng mình hòa thành một khối với thiên nhiên, với xứ sở sống động quanh ta?…
Có thể chất lạc loài này, cùng ngày tháng, biến thành tường thành xây kiên cố, chắn không cho mưa phùn gió bấc của những phút suy tư vô thức lọt vào?… Trong bức tường thành vô cảm, ta vẫn đọc tên những giấc mơ khai phá của tổ tiên, vẫn vinh danh những chiến tích của lịch sử dân tộc, vẫn ngâm bài ca dao, gợi nhớ đến những cánh đồng lúa xôn xao dưới bóng tre, và bầy trẻ ngủ quên trên lưng trâu, và những bài ca yêu nơi chôn rau cát rốn…
Trong bức tường thành ta vẫn ngỡ mình chưa hề đi khỏi nhà, vẫn là một bóng dáng Việt da vàng, chân đất, lùi lũi đi tìm những bình minh no đủ, những ước mơ thoát cơn lũ, cơn hạn, những ký ức chiến tranh đè nặng lên mọi số phận từ lúc đất nước có tên…
Nỗi lạc loài này bỗng nhiên hôm nay thức tỉnh,   
Là khi anh chợt nhận ra, xót xa không cho được em đôi điều giản dị: một đêm hè Á đông đen mướt như nhung dội nước cho em rửa chân bên giếng, một phút cầm tay nhau thong dong trên bờ đê ngợp nắng, một vị hương cau ngát dưới hè khi tóc em xõa chạm vào anh…
Là khi em xót xa không cho anh được đôi điều giản dị: thay vì viết cho anh từ Cốm, em đặt nhành lúa nếp mọng tháng Tám vào tay anh, thay vì viết cho anh trái thị nhân duyên rơi vào giỏ, em mang cho anh cả một trời quê nồng Vôi, Trầu, Cau quệt ướt môi mọng hồng những ai ai, trong đám cưới làng ta…  
Đấy là lúc anh ạ, nỗi buồn ta gặp nhau, lúc xa xôi quá đỗi một nỗi buồn dân Việt…
Vô ích kiên cố ngày thường ru ngủ trái tim những bầy chim di dân nhạy cảm…  
Khi không gian buồn Em, chạm vào không gian buồn Anh,   
Là lúc ta thổ lộ nỗi lòng yêu như từ một khung trời quê hương xa mù tắp,
Với tình yêu ta trần trụi hiến dâng, như Chử đồng Tử thấp thoáng dưới màn Tiên Dung giữa trời Việt cao và đất rộng,
Như đám cưới cha mẹ ngày nào chỉ ngô khoai sắn và những ước mơ xinh.
Như giấc mộng liệu đã thành của đứa trẻ chân trần, chạy trên đất quê nhà với cánh diều mơ ước được bỏ xứ, đi đâu thật xa…  
Những nỗi Nhớ có đưa ta quay về bến đò cũ?
Hay chỉ chạm vào nỗi lòng ta trong một phút yếu mềm,
Lúc giữa khoảng không gian buồn, Ta lạc lẫn vào nhau?      
6. Cuộc gặp gỡ  
Cạnh nhà cô có một công viên lớn. Cô thường ngồi trên một ghế gỗ dài, ngắm những hàng cây xanh thấp thoáng trước mặt và suy nghĩ. Khi cảm thấy cuộc đời này có gì không ổn. Và cuộc sống của cô thường xuyên không ổn.  
Một lần, cô phát hiện, công viên vào đêm còn hay hơn nhiều. Tán lá xum xuê trên đầu cô, phủ bóng râm khi trời giữa trưa, hoặc phe phẩy mang làn gió mát đến những chiều nóng bức, nhưng đêm về, tán lá này dường như sinh động hơn, sống động hơn lúc ban ngày. Đêm đêm, ngồi dưới sự chở che của vòm lá, cô cảm thấy như có những linh hồn khác từ đâu bay lượn đến, trò chuyện với mình, vòm lá xốn xang lúc đó hình như cũng lắng đọng lại, nghe cô thổ lộ bằng những cái tai non xanh nghe ngóng, đôi lúc chúng cùng cô thở dài hoặc sà xuống thấp, ve vuốt hoặc hôn lên má cô. Đôi khi cô rất ngạc nhiên, vì mình không hề lên tiếng, vậy mà rõ ràng, có những âm thanh dịu dàng đáp lại nỗi im lặng tư lự của cô, bằng tiếng gió dịu dàng: "Chào em, chào em..” bằng tiếng dế nỉ non: ”đừng buồn, đừng buồn...” hoặc tiếng lá rì rào cọ vào nhau: ”tôi nghe đây, tôi nghe đây…”
Từ lúc đó, đêm nào cô cũng đến với hàng cây xanh rợp lá trong công viên cạnh nhà.  
Một đêm, cô sửng sốt đứng lại, khi thấy một người đang ngồi trên chiếc ghế quen thuộc của mình. Tán lá xum xuê tỏa bóng xuống thành ghế, hình như đang trò chuyện với anh?
Cô ngồi xuống một đầu ghế, liếc nhìn người lạ ngồi đầu ghế bên kia. Khuôn mặt nhìn nghiêng của anh giống như một bức tượng, với những nét lượn mang vẻ bình thản trong sáng, thậm chí, khi nghe tiếng động, anh quay lại nhìn cô, cô còn đọc được một nét cười hiền hòa từ đôi mắt anh.
Một người đàn ông rơi từ trên trời xuống mặt đất, từ những đám mây biến hóa không ngừng cả ngày lẫn đêm, hay từ những dãy tượng các hoàng đế, luôn đứng im lìm trên quảng trường thành phố, bỗng hôm nay tách ra, bước xuống và đến đây, hay chỉ đơn thuần đấy là một tinh tú từ trời rảo bước xuống trần hằng đêm, lạc vào công viên của cô?
Làm sao cô biết được, có ai nói cho cô biết đâu? Cũng như chưa từng ai cho cô biết, tại sao cuộc đời cô luôn luôn không ổn?  
Quay sang phía người đầu ghế kia, cô bắt đầu thổ lộ, bằng muôn vàn câu hỏi lộn xộn vừa đến hoặc đã ấp ủ từ lâu trong cô:  
- Hãy nói cho em biết, thái độ chôn vùi từng giây phút hiện hữu của em vào công việc, là niềm hạnh phúc hay chính là sự bất hạnh? Có phải vì thiếu vắng một thực thể khác trực tiếp liên quan đến em, thứ mà không có nó, em mất đi sự cân đối về tất cả: màu sắc, hình thái, động cơ, sự linh động của một con người, hay chính xác hơn của một linh hồn… và sau cùng, một ham muốn sống?
- Hãy nói cho em biết, một cá nhân mong ước gì từ một cá nhân khác, một cách chính đáng, lành mạnh và không ảo tưởng, như đòi hỏi từ chính bản thân họ? Đấy có phải là một nhu cầu có thật không? Hay đó chỉ là sự ích kỷ, một nỗi áp đặt ý muốn cá nhân, mượn màu áo chia xẻ, với kẻ khác mà thôi? Nếu giả thuyết này đúng, chẳng nhẽ chỉ cô đơn là trạng thái duy nhất có thật của mỗi cá nhân con người?
- Nếu cô đơn là trạng thái duy nhất đúng, em sẽ mang được gì cho anh? Và suy đến tận cùng : ta có cần đến nhau?
- Trạng thái đặt tất cả sự chú ý của con người mình vào một tâm điểm, một trường vũ trụ, đấy có thể là một công việc, một đam mê chơi, hay nỗi nhớ về một người, trạng thái đó là sự bất mãn với bản thân, hay sự say mê bản thân, hay nói đúng hơn, một khát vọng được tỏa hết năng lượng sống? Ai có lỗi trong việc này? Làm sao thỏa mãn được nó đây?
- Anh có phải là chất xúc tác để em đến với công việc em thích một cách lành mạnh, đắm đuối và hết lòng, như em hằng khao khát thể hiện mình như thế? Hình như thiếu chất xúc tác này, niềm vui em đi vắng, và nỗi buồn khiến công việc em trì trệ, thậm chí bị ngưng đọng. Bởi vậy sự hiện hữu vô hình liên tục của anh trong em, hình như mạnh hơn khát khao đoàn tụ chốc lát? hay chỉ là nghị lực nơi em, mà em cố giữ vì biết buông nó ra, không chỉ mất anh mà mất luôn cả bản thân sự tồn tại của mình?
- Sau cùng, có phải mọi khao khát chỉ có, khi ta độc thoại? với ai cũng được, với cái gì cũng được, miễn là đang có mặt bên cạnh sự cô độc ấy. Hay nó luôn ngủ yên nơi nào đó trong linh hồn, để rồi một hôm anh gọi thượng đế đến bên em, cho thêm một đối tượng lắng nghe những buồn phiền, để em gọi khát vọng mình trở dậy.   
Chẳng ai đáp lời, hay vì những suy nghĩ của cô mới chỉ trong cõi vô hình, chưa nhận dạng được, hoặc ở dạng khí chẳng hạn, chưa tìm được hình thức trần gian nào, đến với người cô hỏi. Vì anh, ở đầu ghế bên kia đã biến mất tự lúc nào. 
Có thể đấy chỉ là ảo giác của đêm, cùng mong ước của trí tưởng tượng con người, hay chỉ là ước mơ của cô thoát thai trong giây lát?
Bởi vậy, cuộc gặp gỡ này phải chăng, chỉ là một trong những đêm mở, là bậc thang cần bước tiếp, sau những buồn vui sống ban ngày, như nhát vẩy đũa tiên của bà tiên định mệnh, người rất thích vui đùa với những nỗi trớ trêu của số phận con người, lúc thì hóa phép cho ta gặp một thiên thần, khi lại cho ta đứng trơ trọi một mình giữa ngã ba đường?   
7. Hãy yêu nỗi cô đơn  
Có ai bắt con người phải cô đơn đâu? Ông trời sinh ra đôi chân để ta muốn đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp. Thậm chí cho ta luôn đôi tay, để muốn ôm cái gì thì ôm, muốn giữ cái gì thì giữ…  
Nhưng, có một ngày, con người không muốn gì hết.
Nó muốn được ngồi một mình.  
Thế giới xung quanh nó sẽ giống hệt cái sân khấu trong buổi biểu diễn, khi tấm màn nhung đen sẫm từ từ kéo lên… nó nhìn thấy toàn bộ vũ trụ hiển hiện : những đường viền xanh của núi, đồi, rừng, những đường viền trắng phau của bờ cát biển, những cánh chim chấp chới phía chân trời, khi mặt trời đỏ úa từ từ lặn ngụp, sau những bờ đá sóng dội dạt dào…
Con người, chen chúc, hò hét trên những chuyến xe chật chội, lao vào thành phố, những tòa nhà nhấp nhô như dãy hộp thủy tinh, mờ ảo trong màn bụi vàng, pha khói đen, như bức tranh bột màu xanh đỏ, tím, vẽ lại cuộc trốn chạy vô phương của sinh vật sống trước khi trái đất nứt làm đôi...
Và sau cùng, trên sân khấu ấy, nó chỉ nhìn thấy còn đúng một kẻ sót lại. Có thể với đôi tay buông xuôi uể oải, từng bước tiến về phía biển gào sóng, có thể với đôi chân lững thững hút sâu vào những khu rừng rập rình dâng hiến hiểm nguy, có thể với cái đầu chúi về phía trước, muốn chui tọt vào hang động ầm ầm thác réo, hay chỉ giản đơn hơn, nằm dài bất động trên cánh đồng mưa rơi lặng lẽ, chờ đợi linh hồn tách ra, bay lên hòa cùng lũ quạ đen kịt lượn lờ…  
Đấy là những lúc con người vẫn đi tìm sự cứu rỗi, từ thiên nhiên, từ quan hệ, từ chất độc xúc tác vỗ về cảm giác, từ hy vọng được ngủ quên đi giây lát, và từ niềm hoài ước được yêu thương, như một con thú nhỏ bị bắt từ hoang vu, mang về nhốt trong chuồng, vẫn mơ ngày được sưởi nắng ấm.  
Con người cô đơn thật sự là khi còn lại một mình trên sân khấu cuộc đời. Xung quanh không một tiếng động, không một bóng hình, không một ảo giác, không hy vọng cứu vớt. Chỉ còn lại một mình với một trái tim nóng bỏng, một trí óc sắc lạnh như lưỡi dao, và một nỗi đau buốt vô hình không diễn tả nổi, chỉ tựa như ta đang nghe trăm tiếng khóc gào bên tai, và bay chơi vơi trong một khoảng không vô tận… Khi nào bắt gặp mình buốt giá trong cái cô đơn tuyệt vọng không phương cứu chữa này, bạn sẽ hiểu mình sinh ra để làm gì?  
Người nhạc sĩ sẽ gõ lên phím đàn âm thanh ngập ngừng đầu tiên, để rồi cả một biển âm thanh ào ạt không gì ngăn nổi trào dâng, chứa đựng những đợt gió gào rú, những cơn mưa như trút, những biển sống thần, những réo gọi phù sa, hay chỉ âm thầm một tiếng mưa tý tách, tý tách từ mái lá rỏ ròng…  
Người họa sĩ ngoệch ngoạc nét chì xanh biếc hy vọng bầu trời, lên trang giấy trắng, rồi mở ra bát ngát một không gian sắc màu, mùi hương thơm ngào ngạt của những cánh đồng hoa, của đàn ong dính chặt cánh vào nỗi quyến rũ yêu mật ngọt, của nắng xôn xao trên mắt ướt hạnh phúc của nàng Xuân, hay nụ cười buồn lá vàng bay chấp chới trên cánh đồng sương phủ của bà chúa Thu, và trên con đường vô tận trải về những miền tìm kiếm niềm vui, nàng Tuyết trắng bay bay, sà áo mỏng lạnh toát xuống những nụ hoa băng, muốt mắt bên đường…  
Kẻ cầm bút run rẩy làm rơi tuột chữ cái đầu tiên lên trang giấy, để rồi không dừng lại được nữa, ngọn bút như một lưỡi xẻng bị thôi miên, đào, đào, bới bới, như một kẻ xúc lên, đổ đi một chất liệu huyền bí gì đó tuôn chảy vô tận trong cơ thể con người, lưỡi xẻng ngập sâu hơn, đào, xúc, như một kẻ man rợ say với giấc mơ gặp vàng dưới lòng đất, ngọn bút hoan hỷ thọc sâu vào từng đường lách bí hiểm của con tim, ngác ngơ giữa hơi thở buồn phiền từ phổi, và bất lực sững sờ giữa biển nước mắt dâng đầy khóe, khi con người tan ra thành gió, nắng, mưa, tan vào hạnh phúc được gục vào ngực nhau, tan vào một nụ hôn tích tắc nồng ấm, khiến thần Chết phải làm ngơ quay mặt…  
Chỉ nỗi cô đơn hiểu được vũ trụ này, dù chỉ vài khoảnh khắc, với toàn vẹn màu sắc âm thanh, đường nét, và thần thái của sự sống. Bởi ta sống trọn một phút cô đơn của ta, là ta sống trọn một niềm yêu dâng hiến, cho những gì, cho những ai nâng niu sự hiến dâng đơn chiếc này.  
Bạn hãy yêu lấy nỗi cô đơn!   
8. Những hạt sương trên cỏ    
Buổi bình minh thức dậy, bước ra đường,
Anh có nhìn thấy những hạt sương vương trên cỏ?   
Đấy là em, đêm lặng lẽ dạo chơi trong công viên.
Đêm Xuân.
Em vạch lá, tìm nụ orgona tím duy nhất sót lại trên cành.
Em bóc nhựa đang âm ỉ trào dọc thân gỗ, mang mùi thơm xa vắng, gợi hương hẹn hò đầu tiên…
Em dịu dàng bước giữa những cành mềm xanh ẩm ướt, xòa xuống má,
có phải thuở thiếu nữ em đã mơ đi tìm anh như thế?
Mang theo một lẵng quả thông của Pautôpxki, một cây phong non trùm khăn đỏ của Ajmatov, một hình bóng chàng quý tộc cô đơn đến với Jane Eyre?   
Ta ngồi xuống cỏ, mở trang sách cuộc đời đọc dưới ánh sao đêm.
Trang sách sao kỳ lạ, chẳng gọi ta vào những triền miên mơ ước,  
Một chiều bên bờ biển, cô bé ngắm thủy triều lui,
Mơ được gặp hoàng tử trong lâu đài xây trên cát,
Và rơi lệ lần đầu tiên, khi biết bình minh lên, nàng tiên cá sẽ vĩnh viễn biến thành bọt biển, vô ích được Chàng ôm trong tay, cùng nhảy múa suốt đêm…  
Trang sách vẽ mảnh vườn con sau nhà, có bụi ngâu giấu diếm một thanh ghế gỗ, để cô bé thuở nào, sau chiều mưa, chống cằm ngồi ngắm lá rơi, nghe dế hát, nhìn kiến nhẫn nại xếp hàng, mơ về một miền thổ lộ…  
Trang sách có lũ con trai rụt rè liếc trộm,
Sao những chàng trai khiêm tốn ấy không cướp lấy ta, đưa ta bay đến xứ hoang vu xa lạ, nơi có những nụ cười rụt rè, những lời âu yếm ngắn ngủi… nhưng là nơi có những tâm hồn biết kính trọng bản thân?  
Để trang sách đêm nay không dày lên thêm,
những nỗi buồn tha thứ, những nhượng bộ lạc loài, những bình yên dối trá, đánh tráo nỗi tự trọng của con người với mặc cả sinh tồn?   
Cuốn sách đời, ghi thêm đêm nay,  
gặp Nhau như định mệnh,
như đêm suy tư, 
lúc nào cũng rất dài,
nỗi buồn đọng rất lâu,
và lòng người bao giờ cũng mau tha thứ…  
Những đốm lửa lập lòe, sáng trắng lá đêm, 
gọi em,
về bên anh lặng lẽ,
hôn những niềm vui san sẻ,
những câu chữ chứa hồn,
những cao thượng đời thường, 
tái hiện về, giữa giấc mơ, ta tưởng mất.  
Để rạng sáng mai này 
ta bỗng nghe trong không gian làn nhạc êm ái, như tiếng đại phong cầm ngân nga buổi rửa tội, 
gió ban mai nhẹ nhàng gấp lại 
trang sách đời phiền muội, ưu tư…  
Để:   
Buổi bình minh thức dậy, bước ra đường
Anh có nhìn thấy những hạt sương vương trên cỏ?    
Là những hạt nước mắt buồn vui em, đọng lại đêm qua
Đợi tia nắng anh, hôn khô mí mắt.      
9. Những trầm ngâm  
Ta phải chăng đã hiểu? Để chợt dừng lại những thư dài tha thiết, với bao bày tỏ nỗi lòng, vừa âu yếm, vừa đau khổ, vừa tuyệt vọng. Như thể con người tự hành hạ mình. Bằng cách tự treo thân xác mình, lên bức tường đóng đinh, hay tự vả vào mặt, hoặc (nên thơ) hơn, đăm đăm hứng chịu luồng gió lạnh buốt thốc vào tim.
Ta phải chăng chợt hiểu? Nỗi đau khổ thế nào, tuyệt vọng ra sao, với cùng ai gánh vác. Thậm chí, có đôi điều, ta còn chưa nhận diện bao giờ.
Bởi viết trả lời, là điều khó có thể. Bởi bản năng hồn nhiên, ngay lập tức đáp lại nhau tín hiệu - là giá trả cho một đời gốc rễ.   
Nghe để hiểu, đọc để hiểu. Một cách mang máng cũng là hiểu. Một cách không trọn vẹn cũng là hiểu. Và ơ thờ nhất, những bức thư tình có thể đọc như những dòng văn thơ.
Nhưng viết - trả lời.
Ta lạnh toát người khi chợt nhận ra một nỗi niềm tuyệt vọng.  
Ngôn ngữ này không phải tiếng mẹ đẻ. Chỉ giông giống mà thôi. Bởi môi trường nuôi đã phụt tắt. Đã từng có, đã tắt từ lâu, đã được khơi lại, đã được bồi đắp, nhưng như núi lửa hơn một lần câm lặng, chỉ còn lại thạch nham, còn quặng, chỉ còn lại những gì được biến hóa từ đất lửa nung mà thôi. Còn lửa táp làm sao nhen nhóm lại từ đầu?
Mỗi, đọng lại cùng ta, tiếng mẹ đẻ đã biến hóa tự lúc nào.   
Ta, loài cỏ cây đất Việt bứt gốc rễ từ xa. Loại cỏ cây dai dẳng mầm sống, chựng lại dần năm tháng, bỗng một ngày muốn nhú rễ, đâm chồi?   
Ta đi tìm, gặp lại nhau trong nỗi ưu tư ốm yếu, nỗi ưu tư phiền muộn bứt gốc, chặt cành,  
tự mình hay từ người khác?  
cũng thế thôi.
Chỉ biết rằng đó là cớ gây ra nỗi u sầu, vất vưởng, nghiện ngập, từng lúc, từng ngày. Nghiện ngập, vất vưởng, u sầu, nhưng không biết chính xác vì thiếu gì hay thừa gì trong đời?   
Một sáng thức dậy, thấy nhớ ra cái gì mang máng. Từ tuổi thơ : tiếng rao của hàng quà rong trên phố? Hay một phút lặng nhìn, thấy cha ngồi đọc báo, bên ấm trà mạn mẹ pha? hay chỉ một mảng mây trôi lừ lừ, từ khung cửa sổ bé xíu, ấu thơ?
Một tối chưa ngủ được, bỗng thoảng hương nhài từ đâu bay tới. Hay hàng phượng vĩ thắm, gọi ve ra rả bên hồ thành phố, khiến nôn nao? Hay tiếng mưa tý tách, vẳng một giọng thơ trên đài, cô vắng theo đêm? Hay một chiều đông thất thểu gói, khăn, theo sau mẹ về quê, đi hoài mải miết trên con đê gió lùa thông thống?  
Mọi mênh mang ký ức quện lại, dính vào tâm hồn và tâm tính kẻ lưu vong.  
Nó luôn luôn quần quật. Từ biểu hiện sống đến lối mòn suy nghĩ. Đầu óc nó mải miết, từ lúc mở mắt đến lúc ngáp dài, lăn ra giường. Nó luôn luôn hớt hải, từ cách đi, đứng, ngồi, ăn, uống, trò chuyện. Nó giống miếng cao su, lúc quăn tít, lúc dão ngoét, tự quăng mình xuống bất kỳ nơi nào âm thầm nhất của đất, của đám đông, của cuộc sống. Nó tránh ánh sáng như tránh tà, tránh những niềm vui đon đả ngày thường, của nắng lên từ hừng đông, của gió phơi phới trên các ngọn cây, của tiếng chuyện trò ngồi lê đôi mách bám theo dân bản xứ trên tàu điện, dưới metro, tránh tất cả những gì tự nhiên nhất của đời sống con người diễn ra xung quanh nó.  
Vì nó là dân lưu vong.  
Đến từ một miền đất lạ. Và ngượng nghịu ngồi lại, không mọc rễ được xuống đất, cũng chẳng lan bò như tằm gửi quanh gốc sồi. Nó co rúm lại một góc, lặng lẽ hiện hữu, lặng lẽ sinh tồn, lặng lẽ nhân giống.
Nhân giống từ những đứa con được bốc đến từ một khoảng chân trời trời xa lạ. Từ một miền biển thấp thoáng những dãy núi đá vôi, từ một cách đồng trũng cứ mùa lụt tới là trắng xóa như biển, hay từ dãy phố nghèo chật hẹp, mỗi lần sắp về đến cổng nhà, lại đụng phải một cái miếu bỏ hoang bên cây si rễ tỏa sum suê. Những miền đất không liên quan gì đến xứ sở bốn mùa rõ rệt này, những gia phả họ tộc, không chút tơ vương gì với những người khác tiếng, đi lại xung quanh nó.
Nó ở lại đất người, nhưng trong cái hình hài dúm dó vì lao động, vì mưu sinh và vì thương nhớ này, quê hương bỏ quên lúc nào cũng hiện hình đầy ăm ắp. Khiến nó lủi thủi, đơn độc khi chiều tan, lúc trở về nhà, nó luýnh quýnh tìm đồng hương khi rảnh rỗi, văng vẳng trong lòng một giọng nhạc quen xưa khi nghe chim hót, hoặc trĩu nặng chiều ba mươi Tết lúc đông buồn, thả tuyết rơi mênh mang… rồi ước mình chỉ đang ngủ mê, giấc mê xứ lạ ngắn ngủi mà thôi.  
Bởi nó là kẻ lưu vong.  
Nó cứng cỏi như cây, bởi đôi chân đi xa, vượt biển, cưỡi mây, đi từ góc này của quả đất sang góc kia quả đất, nhưng vĩnh viễn mắc lại trong tim, trong óc, một khoảng đất trời khác, một khoảng không gian khác, với muôn vóc hình nỗi quằn quại sinh tồn.
Nó biến dạng. Giống như loài hoa hoặc sinh vật biến màu, biến mùi để thích nghi với điều kiện thiên nhiên ở mỗi miền sinh thái khác nhau. Chỉ ngơ ngác đọng lại, những gì ấp ủ vấn vương. Da diết tình thương của mẹ, và bỏng rát vị nhớ, như nhấm nháp một ngụm trà xanh quê.  
Nó trả giá cho sự phân thân này.
Bằng nỗi đau ngôn ngữ. Cả của người lẫn của ta.
Ký ức đất quê ngủ quên, bỗng hồn nhiên thức giấc.
Vô thức đòi đi đến tận cùng nỗi chơi vơi, bởi chiều nay ngực buốt.  
Cái gì vậy?  
Nỗi buồn lưu vong chẻ đôi con người, chẻ đôi tiềm thức, chẻ đôi khát vọng hòa hợp yên bình với tồn tại hữu hạn mỗi ngày.
Chừng nào chưa nhận ra buồn này, nó còn tuyệt vọng. Còn đi tìm nơi bấu viu, còn đau, còn mộng ước…
Biết làm sao?  
Dù sau rồi, người yêu lại nhau với nỗi thức tỉnh hấp hối, muộn mằn.
Ai trở lại niềm vui ai, khi ngày u uất?
Ai trở lại giấc mộng ngắn ngủi ai, lúc hừng tỉnh lạ, một bình minh?  
Dù hạnh phúc sau cùng, ước mong những kiếm tìm nguồn đau cùng thức dậy 
như sao rơi trên biển dịu dàng giao nhau, trước giờ tan biến vào cõi xanh hư vô, 
trao nhau chút mỏng manh ngày sống,  
giữa một giấc lưu vong,   
đúng không, bạn? 
khi ta viết ra, một nỗi buồn không viết…   
10. Bài ca đêm hè   
Anh nghe nhé, bài ca đêm hè em:  
Dế nỉ non: đừng vội ngủ, đừng vội ngủ, gió thì thào: lại đây, lại đây mình dạo chơi đêm, hương hoa ngào ngạt: hít thở tôi đi, hãy cho tôi vào lồng ngực bạn…
Bụi đinh tử hương tưởng còn vương Xuân tím, giờ chỉ um tùm một xó dựa mát lành, cho đôi uyên ương nào dụi đầu nhau thủ thỉ?
Hàng phong phất phơ lá cuối đường, an ủi rặng liễu buồn khát nước, nhớ hồ bơ vơ, và  bãi cỏ công viên, nao nức đợi  đêm về, đợi sương tràn hôn một niềm yêu đẫm ướt,
Em bâng khuâng thong thả dưới bầu trời đầy sao, thốt mơ về một miền anh, quấn quýt…  
Đêm hè,  
Ta vứt tất những lớp sáng bao bọc ngày suy tư,
Ta vứt tất những khổ hạnh đạo đức giờ, làm người chín chắn
Ta vứt tất niềm say mê phải xuyên tải qua chữ
Ta vứt luôn nỗi điềm đạm, để đến bến bờ mong.  
Ta vứt hết chấm, phẩy trong câu, để trọn vẹn nỗi đắm say từ chữ A đầu tiên, đến nét Z cuối cùng khép lại…
Ta vứt vào sọt rác những luật lệ ngày thường, để mở toang cánh cửa sổ nàng Juliet đón người tình, dù ngày mai cùng đi đến mộ…
Ta muốn ôm xiết nhau dưới gốc mai trĩu quả, 
trên đầu, một mảnh trăng lưỡi liềm ngơ ngác, 
tại sao không, khi linh hồn ta chỉ là một, hỡi ai?  
Đêm hè không vương những nỗi đau nóng bỏng mặt trời ngày,
Đêm hè buông tiếng thở êm của đất, tiếng cựa mình muốn thoát của nhựa cây…
Đêm hè gọi nỗi nhớ anh từ một mảnh rụt rè chữ: Sợ
Ai sợ sao Hôm, bình minh không chịu rời quấn quýt, quên đổi chỗ sao Mai?
Ai sợ đêm ngắn ngủi, sợi tơ vương em chưa đủ độ dài quấn nỗi nhớ thương ngày?
Hay chỉ nỗi đau từng biết trước: đêm hè buông, gọi mai nắng tắt, thu sang?  
Đêm hè,  
Bay dưới một trời sao lung linh,
Em mang cho anh chút lạnh sương khuya, khi trút bỏ áo ngày, mát rượi da đêm
Mang gió vuốt ve tóc, cùng cây lá hôn lên vầng trán,
Để anh bình yên, những muốn gối cánh tay em,
Cất sang một bên, những lãnh đạm, thờ ơ, những bận bịu ngày ngày…
Đêm hè em, để anh biến thành con sông êm ả , thành rừng cây vô tư thiu thiu dưới gió trong lành,
Để thiếp đi chút xíu, chút xíu thôi…  
Đêm hè,   
ta rón rén bay về ký hiệu cây số không, nơi ai còn nhớ?
Đặt trên bệ đá quảng trường, một bông hồng mộng mơ.  
11. Tâm trạng kẻ yêu   
Có bình thường không - Tâm trạng kẻ đang yêu?
Có tâm thần không - linh hồn kẻ thương nhớ?  
Câu hỏi này trao ai, khi trí khôn, ta trả người,  
thượng đế?  
Orgona xuân ngập ngừng, bứt từng cánh tím :
Yêu - Không yêu - Yêu từ trái tim - Yêu chân thành - Yêu dứt.
Hồng đỏ hè rạo rực bói cánh mềm:
Yêu - Không yêu - Yêu từ trái tim - Yêu chân thành - Yêu dứt.
Cúc thu vàng tình nguyện ngắt cánh chờ:
Yêu - Không yêu - Yêu từ trái tim - Yêu chân thành - Yêu dứt.
Hoa tuyết đông, lất phất lạnh, rơi thầm:
Yêu - Không yêu - Yêu từ trái tim - Yêu chân thành - Yêu dứt.  
Kẻ ngác ngơ yêu lủi thủi giữa phấp phỏng mộng mơ!    
Ta trộn nhớ thương của tim, dập vùi nét bút: tại sao cứ đau nhói thế này, một mảng nhớ nhung?
Ta muốn chiếm đoạt gì - từ kẻ khác?  
một hiện hữu không gian, thời gian, hay chỉ một tín hiệu đập con tim?
Ta tham lam gì từ ai - thực thể nào xa lạ,  
trói buộc nhau mấy giờ khắc, vấn vương?
Tất cả như viển vông, như khắc nghiệt, như mệnh danh hư vô say đắm?
Hy vọng mang tên: nỗi tự sát dâng mình?  
Ta gọi thiếu vắng này vào cơn thảm sát: tàn sát bản thân, tàn sát xúc cảm ai, tàn sát nỗi biện bao…
Biến bụi tro thành bài thơ buồn bã, hay khúc hát ưu tư gọi mắt ướt long lanh…
Để quên nhanh một tâm tình vơ vẩn, 
để cứu mình khỏi lũ tuyệt vọng cuốn trôi, 
để khắc khoải Anh, biến thành hiện thực sống bướng bỉnh Em!
Để ta thoát cũi sổ lồng, những cơn điên bất chợt, 
những hạnh phúc hụt hơi.  
Ước mơ thành kẻ bình thường - kẻ chưa yêu, nhẹ nhõm
Ước mơ hết chứng tâm thần - dứt khoảnh khắc chót yêu.  
Bởi khi chờ, ai đến được với ai,
Tình như đã Lịm đi giữa ngày thường mòn mỏi  
Bấy lang thang, tâm trạng kẻ đang yêu, 
vẫy vùng,  
đợi một hôm,  
thoát nạn. 
12. Đêm chuyển
(Tặng anh)  
Đêm nay, giữa trang sách rộng mở trước mặt, giữa ngổn ngang từ điển, và tiếng kêu o o không ngừng của cái máy tính, tôi lại gặp bóng hình dịu dàng của chàng nhà văn trẻ tuổi, chàng mỉm cười nhìn tôi, từ bàn đọc của chàng.   
Một hôm nào, tôi bơ vơ lật sách và thấy chàng ngồi đó, cúi đầu chào. Tôi như kẻ bị thôi miên, theo chân chàng bước vào một vương quốc mộng mơ nhưng đã lạnh lẽo từ bao giờ, vương quốc của một người cầm bút. Để lại thêm một lần nữa, đêm đêm tôi ra đi, theo muôn nẻo của những người đâu đâu đến, về những miền trời đất xa xôi, và lắng nghe bao tâm tình thổ lộ. Để cũng lại đêm đêm, quay trở về bàn viết, tôi lật giở nhẹ nhàng từng trang từ điền, gõ bàn phím, tìm cách giải mã những ký hiệu bí ẩn mà những người lạ đã trao cho mình.  
Đêm đêm, tôi tìm ra những khoảng trời cảm xúc, mà con người ở đây, con người ở kia, con người cuối chân mây góc biển xứ sở nào, cũng đều vui, buồn, giận hờn, yêu ghét như nhau, tôi tìm thấy biển sâu tâm hồn của đất trời chung, run rẩy biến hóa vào nhau, để rồi cập bến trái tim người bằng Chữ.  
Tràn nỗi khắc khoải ai, tôi đi tìm một bến bờ thổ lộ, bỗng tình cờ gặp chàng nhà văn trẻ có mái tóc buồn rũ trán hôm nay, như gặp ông nhà văn già có đôi mắt buồn vô tận hôm qua, hay gặp một vị nhà văn khác, hói trán trang nghiêm, ngày hôm kia…
Họ trao cho tôi những day dứt của một đời cảm, ngắm, nghĩ, bằng những câu chuyện ta vừa thấy hôm nay, hôm trước, từ bao người sống cạnh ta, hay từ những người quen đã khuất. Họ khiến tôi buồn thêm nhiều lần nữa, muốn tôi đau cho đến hết cuộc đời, muốn tôi đi suốt chiều dài sâu thẳm của suy tư, để đêm đêm, đủ chữ, biến những cảm nhận này thành tiếng mẹ đẻ sinh thành ra tôi.   
Đêm, tôi thắp nỗi nhớ thương một tâm tình xa xôi yêu dấu - một nửa kia của tôi - thành ngọn đèn kiên nhẫn tỏa, như ánh sáng của trăng sao, để chuyển từ ký hiệu ngôn ngữ này sang ký hiệu ngôn ngữ khác những vui buồn, đam mê, mất mát, sống còn, của biết mấy thời gian khao khát giấc mơ người, hoàn thiện.   
Cuộc hành trình này thảng thốt nỗi nhọc nhằn, bởi lúc, dường như sắp ngả vào vòng tay ai êm ái nghỉ, là mặt trời mọc, chim hát ca, lá giật mình rũ mạnh sương khuya, để nỗi nhớ mong ta, bay lên thành cơn gió, rì rào đón chân trời hửng bình minh…
Vô tận chờ là những đêm nhung nhớ, biến tình vào những trang lô xô câu chữ, kín lời giải mã những khoảnh khắc buồn vui, chờ đợi, âu yếm, dạt dào nhau. Chỉ bởi yêu, tôi mới hiểu bao điều các nhà văn gửi gắm, để đêm đêm tôi gỡ nỗi xa xôi ngôn từ, để một lần cho bạn, cảm những gì họ đã viết, bằng máu từ tim, bằng danh dự, bằng tình người và bằng nước mắt, suốt đời.   
Chàng nhà văn trẻ đợi tôi bên cửa rừng xanh êm ả, nơi gặp mẹ chàng trong một sáng sương mù, chàng khiến lòng tôi lẫn lộn: đời là giấc mộng giữa cơn tỉnh ngày thường?
Ông nhà văn già nhắn nhủ tôi đôi mắt buồn vô tận: con ơi, hãy tha thứ những tình bạn bạc lòng, những trái tim không đủ máu trào dâng, nuôi nỗi thủy chung, những phù du nhẹ dạ của đời người.
Vị nhà văn hói trán nhắc tôi đau nỗi buồn kiếp tồn tại, vì con người đã chết một lần trong đời, cớ sao vẫn phải chịu nhìn cảnh sống đớn hèn?   
Tôi muốn tìm một niềm an ủi, vào nghị lực đêm, cho hết những giấc mơ dài ngày…
Tôi muốn tải hồn tôi về, khi chuyển ký hiệu của người đời vào câu chữ,
Dù biết rằng: những giấc mơ buồn sẽ chỉ dài thêm, 
không bao giờ dứt đoạn,  
bởi cuộc sống con người, có lẽ, 
chỉ dành cho những kẻ, đêm không thức bao giờ.  
13. Thời gian  
(Mình đã cho nhau điều khó nhất trên đời: thời gian)   
Hồi còn bé, cha tôi thường chở tôi bằng xe đạp ra bãi biển, chiều chủ nhật. Khi tôi nghịch cát, hoặc lon ton nhặt ốc, bắt dã tràng, hay đờ người ra ngắm những con sứa to bằng cái mâm vật vờ dạt trôi, cha tôi ngồi trên một mô cát xa xa, dưới rặng thông, hút thuốc. Nhiều chiều chủ nhật của tuổi thơ tôi, đã trôi qua trong tiếng sóng biển ì oạp dội về, trong tiếng gió vi vu của rặng thông, trong ánh mắt xa xăm rõi về nơi vô định của cha, trong sự thỏa thuận, không cần lên tiếng, êm đềm giữa hai tâm hồn. Lúc khác, cha đưa tôi ra công viên chơi. Khi tôi mải miết vồ châu chấu, hoặc kiên nhẫn theo chân lũ kiến tha mồi về tận hang, dưới một gốc xà cừ óng ánh dòng nhựa chảy, cha tôi ngồi trên ghế đá, lặng lẽ thả tâm hồn vào khói thuốc. Khi tôi nghịch chán, hay chiều đã tà, cha đưa tôi về nhà, tôi sung sướng vì đã hưởng cùng cha một buổi chiều êm ả như thế.
Lớn hơn một chút, tôi được ông cho về làng quê. Tôi có thể ra ao ngồi ngắm bèo trôi, xem chuồn chuồn nhào lượn cả buổi chiều, hoặc thiu thiu ngủ, trong tiếng kẽo kẹt của bụi tre, khi nằm lăn ra chõng của bà cụ bán nước vối đầu làng, lúc cha tôi đi làm công việc của ông.
Lại có lúc, cha có vẻ giả tảng không biết tôi trốn trong tủ sách, cửa tủ luôn khép hờ, một cái tủ đặt trong góc nhà tối nhất, sau một cánh cửa phòng, ai có thể nhìn thấy cái gì trong đó, nếu không mở toang nó ra mà lục lọi? Tôi ngồi trong đó, và đọc từ ánh sáng hắt qua khe cửa, đọc tất cả những gì mình nhìn thấy trong tủ, miệt mài với tình yêu sách của cha, trong những ngày thơ bé.
Nếu với những đứa con khác trong gia đình, cha tôi là hiện thân của nỗi tưng bừng khi cùng tham gia các trò chơi, hoặc đưa chúng đến những nơi náo nhiệt trong thành phố, thì tôi dường như là đứa con duy nhất ông không cần phải chiều chuộng hoặc chăm sóc nhiều, bởi trong im lặng, ông cũng biết là tôi thích gì, muốn gì.  
Điều này chỉ khi lớn lên ta mới vỡ lẽ.  
Tôi đã từng tin tưởng rất lâu, mình là đứa con không được cha yêu trong ngần ấy anh chị em. Vì cha rất nghiêm khắc với tôi, và rất ít khi nhân nhượng, với mỗi một mình tôi. Em tôi có thể trì hoãn bài tập về nhà, nhưng tôi phải làm ngay. Đứa em khác có thể bỏ một buổi học, còn tôi không. Tôi luôn luôn phải cố gắng, ép mình vào những chuẩn mực rất cao - đối với một đứa trẻ lúc ấy - để được nhìn thấy nụ cười hài lòng của cha, tuy ít ỏi, nhưng dành cho mình. Như thế nào đấy, ký ức tôi luôn luôn ghi đọng lại sự buồn bã bơ vơ của mình, vì hình như cha - người mà sau này tôi mới hiểu - có ảnh hưởng lớn nhất với mình, lại xa xôi với mình hơn bất kỳ ai trong gia đình. Thậm chí, theo một quy luật tất yếu vô hình nào đó, tôi ngả sang yêu và bênh mẹ công khai, chống lại cha.   
Chỉ sau này lớn lên, ta mới vỡ lẽ: kích thước thời gian - kích thước cuộc đời của một đứa con gái trong gia đình, chính do bề dày trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc của một người cha mang lại. Trí tuệ của người cha, mở đường cho tự do phát triển nhân cách của những đứa con. Và đặc biệt đối với đứa con gái nhỏ, thật là một điều may mắn, khi nó được yêu một người đàn ông uyên bác, ngay từ trong vô thức.  
Cha biết, tôi quan sát ông trong suy tư lặng lẽ của một đứa trẻ.  
Một chiều, tôi nghe mách có người hỏi cha mình ngoài ngõ. Cái gì đó xui khiến tôi chạy phăng ra cửa, thay vì vào gọi mẹ. Tôi áp sát mặt mình vào mặt một người đàn bà trẻ xinh đẹp đang giật mình lùi lại, và thì thầm:
- Này cô, đây là lần cuối cùng cháu nhìn thấy cô tìm bố cháu đấy! Cô nghe rõ chưa?
Rồi một lần, giữa một cơn sốt cao, tôi nghe tiếng lào xào trên đầu giường mình, như những tiếng vọng về từ một đám sương mù: „đúng con bé có đôi mắt đẹp tuyệt nhà anh đây, nó đã đuổi em dữ tợn như một con mèo hoang…”   
Từ đằng xa, tôi bơ vơ ngắm những mối tình tuyệt vọng của cha. Nhưng không chấp nhận nỗi giận giữ và căm hờn của mẹ. Trong câm lặng của những tình cảm tan tác này, thấp thoáng một nỗi đau thời thế nào đó của cha, mà chỉ khi hoàn toàn trưởng thành, tôi mới hiểu linh cảm của mình là đúng.  
Vì tình yêu với mẹ, tôi gắng thể hiện tất cả thiên tài sớm sủa của mình vào các giải thưởng có thể giành giật được, để đưa về cho mẹ vui lòng. Tận sau này đi xa, kiếm tiền gửi cho mẹ, tôi vẫn còn nhìn thấy sự giận giữ nực cười của mình với cha, dù trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi luôn xót xa cho nỗi bất lực trước thời cuộc và đời sống của ông, dù chỉ bằng linh cảm, điều suốt đời, đến tận khi ông mất, tôi vẫn không diễn đạt được, dù chỉ một lần, cho ông biết.  
Khi cha tôi mất, tôi trở về nhà, chỉ đủ thời gian để nhấm nháp nỗi ngạc nhiên của chính mình: hình như mọi người đang than khóc cho thói quen luôn luôn có cha bên cạnh, đã bỏ họ đi xa, chứ không phải vì nỗi đau mất mát, vì ít lâu sau, họ yên ổn trở lại với thói quen mới là ông luôn vắng mặt. Để kiểm chứng nỗi ngạc nhiên này là có thật, tôi đã nắm chặt tay cha, trước khi người ta đặt ông vào quan tài, đôi tay buốt như đá, sẽ không bao giờ còn đưa tôi đi bất kỳ chốn nào nữa.
Tôi thức nhiều đêm sau đó, trước lúc lên đường, để đọc tất cả mọi giấy tờ, ghi chép cha để lại, trong một cái cặp đen rách nát, mà những người khác không để ý. Tôi ngồi đọc thu lu trong một góc gác xép, như xưa kia ngồi trong tủ sách, trong trạng thái không liên quan đến bất kỳ ai, và bất kỳ điều gì trên trần thế, chỉ liên quan đến hai thứ : linh hồn cha và chữ.
Tôi đọc những vần thơ chưa bao giờ tôi biết, cha viết cho tôi, về tôi, và về những tuyệt vọng thời thế của ông, ẩn náu sau những mối tình lang bang vơ vẩn, mà đúng là tôi đã mơ hồ linh cảm, ngay khi còn bé. Giờ đây, tôi còn nhận rõ hơn nữa, nỗi tuyệt vọng thời thế này chỉ có ở những tâm hồn đàn ông có tri thức. Một trí tuệ đàn ông đau lặng lẽ - bao nhiêu người thân, sống quanh ông hiểu được?  
Từ linh hồn cha, giờ đây tôi biết rõ, chữ, sách, chính là trí tuệ, là sự uyên bác cha đã dùng để yêu tôi, để nghiêm khắc bắt tôi học tập, bắt tôi tự nâng mình lên một kích thước sống trong đời.   
Tôi đã khóc xót xa rất lâu, câm lặng, không một tiếng động, chỉ nước mắt chảy không ngừng trên mặt, trong tim, trong lòng. Tôi không thể nức nở như mọi người khác, có lẽ vì sống với cha, tôi đã biết không gian đích thực dành cho con người là sự câm lặng.  
Chỉ sau khi cha mất, tôi mới nhìn thật rõ cuộc sống mơ hồ từ trước tới nay của mình.
Ai cũng đều trải qua một thời kỳ như thế: lưỡng lự giữa ngã ba đường, khi sợi dây quá khứ đã đứt, và tương lai là một bức tranh mờ mịt sương mù.
Với con người, tia sáng dẫn đường le lói duy nhất, có lẽ chỉ phụ thuộc duy nhất vào tình yêu của họ. Người ta sẽ nhận ra đường, nếu một ngày nhận ra cái mình yêu.  
Từ khi gặp anh, tôi đã nhận ra điều mà tôi yêu quý: tri thức
Từ khi gặp anh, tôi mới nhìn rõ, giấc mơ mà suốt đời mình muốn gặp : sự uyên bác của người đàn ông.  
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời ngộ nhận, rằng cha, hình như không yêu mình
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời bơ vơ trong cảm giác vươn tới một điều gì không vươn tới được.
Nếu không gặp anh, tôi sẽ suốt đời sống trong cảm giác không được thể hiện, cái mình muốn thể hiện.
Bởi vì tuổi ấu thơ vô thức, làm sao ta nhận ra hình dáng, bản chất sự hiện hữu của chính mình?  
Người đàn ông uyên bác thứ hai trong đời sau cha, tôi gặp, giống như một mặt hồ phẳng lặng. Anh giống cha tôi, để tôi tự điều chỉnh, tự vươn lên, tự nhận thức
Anh để những đợt sóng cuồng điên của tôi tự xô dạt ào ạt, và lắng xuống, cũng tự thân.
Để bỗng những ngày ấu thơ của tôi dàn trải trước mắt, như một cuộn phim,
Để tôi nhìn thấy tôi là ai, sống trên quả đất này làm gì? Tại sao cho đến tận ngày hôm nay, mình vẫn không ngừng bị xuyên tạc, bị dối lừa, bị ngơ ngác mình đã làm gì ai?   
Từ mặt hồ phẳng như gương soi của anh, tôi đã nhìn ra bản chất sự hiện hữu của mình: một hạt cát, không hơn không kém. Một hạt cát dự phần xây những lâu đài mộng ảo trên cát. Một hạt cát bám vào gót chân trần nàng tiên cá, khi nhảy vũ điệu tình yêu rớm máu trong lâu đài con người, nhưng bình minh lên, hạt cát sẽ cùng nàng tan vào bọt biển, trở về với đại dương. Một hạt cát không tưởng, những muốn hướng về cái bất tử, bởi vậy loay hoay giữa đời thường, những mong kiếm tìm bình yên.
Trong tĩnh lặng, trong cô đơn, trong tri thức, hạt cát mượn một kiếp người này, sau cùng, cũng đã hiểu ra thời gian của nó.  
Còn anh, cũng như cha, tôi muốn biết: họ từ đâu đến? Trong hình hài gì, trước khi mượn một kiếp sống của người để thể hiện ý muốn của mình? Bởi con người chỉ là sự hiện hữu của những biến thái vũ trụ, biến thái thiên nhiên đang tràn ngập quanh ta.
Tôi ước hiểu được hình hài thời gian, của những người đàn ông uyên bác - những người, một kiếp, tôi đã được yêu.   
14. Kỷ niệm ngày sinh  
Đã sang đúng ngày sinh của tôi. Trân trọng, như thể người ta chờ đợi phút giao thừa, chuông đổ hồi thánh thót ngân xa, pháo hoa bắn đầy trời, rượu sủi bọt, tiếng hát từ dàn đồng ca của các thiên thần đâu đây vang vọng tới…
Tôi mỉm cười, ngồi gõ bàn phím.
Hiểu ra một điều: đầu tiên và sau cùng, còn lại một mình.
Chẳng bấu víu vào ai, chẳng tìm ai, chẳng mong dựa dẫm, chẳng chờ bất cứ niềm hạnh phúc lớn lao nào. Đau khổ phút này đi vắng, không gặm nhấm, không quằn quại, vì thấy: mỗi người có một vũ trụ riêng, chớ lấy vũ trụ của người khác, làm của mình, rồi ảo vọng.
Điều duy nhất, con người có thể làm được: phát tín hiệu.  
Cho người khác hay cho bản thân mình?
Có lẽ cho cả hai.  
Cho người khác, là lúc ta bày tỏ sự nhận thức và tình cảm của mình với cái Khác của người khác. Thật may mắn nếu cái Khác này hợp với ta và làm ta sung sướng. Nhưng chớ quên, sau rốt, đấy chẳng phải thế giới của ta.  
Phát tín hiệu cho mình: là khi ta bày tỏ Ta nhận thức và sống như thế nào dưới tác động của thế giới này. Ta tiêu hóa thế giới này ra sao? Chịu được nó hay không?
Điều quan trọng nhất: đây là tín hiệu của riêng mình ta với thế giới, bởi vậy, chắc chắn ta đơn độc, đơn độc từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Vấn đề còn lại duy nhất: lúc nào, thời gian bao lâu ta đi tìm người đời để vui vầy phút chốc, tạm quên đi trạng thái một mình này.  
Tại sao vẫn cứ muốn yêu? Một người nào đấy? đi tìm sự hòa đồng làm một, để có cảm giác ta nằm trong vũ trụ, và vũ trụ không bỏ rơi ta?  
Cuối cùng, té ra tình yêu từ hai cá nhân chỉ nằm trong niềm vui công việc, công việc sáng tạo ra một cái gì đó, trở thành thực thể thứ ba, như thể trút hết tinh túy của sức lực tinh thần vào đấy, mới đủ độ cho nỗi cháy bỏng yêu đương, vì cá nhân con người, không chịu đựng nổi sức hủy hoại của tình yêu.   
Duy nhất một thứ chịu đựng nổi lửa thiêu đốt của tình yêu, trong một khoản khắc: xác thịt. Tượng trưng đẹp nhất của cái hữu hạn: dùng xác thịt đi hết một cơn điên của tình yêu tinh thần. Vậy mà chính tinh thần giải thoát cho xác thịt, cho dù sự giải thoát này đau đớn như một cơn sinh đẻ: vứt bỏ một phần cơ thể mang niềm vui cho bản thân mình.
Vượt qua giới hạn khó khăn này, một sinh linh, thôi buồn bã, một mình đi trên đường Thu vắng, lá vàng bay lao xao bỏ lại sau lưng, nhìn nắng ươm như mật, tâm hồn nhẹ bỗng, thênh thang, bay bổng cùng vòm lá xanh rợp trên đầu, và hiểu: đúng thế, chỉ còn lại trạng thái một mình, cái duy nhất có thật lúc này, với ta…   
Chưa, chưa hết.
Bởi còn nhận ra nắng vàng, lá xanh, hoa đỏ, là ta còn đam mê, còn biết hiến dâng, kể cả hiến dâng nỗi khát cháy tự thân, như đôi chân tự dẫn cơ thể lên dàn lửa, để tri thức này, tình cảm này, trong một phút biến thành ngọn lửa rừng rực, cháy trọn một kiếp tro bụi hình hài …  
Hãy đợi, hỡi Ta!                                          
15. Thanh thản 
Một buổi, bỗng nhiên thấy lòng mình thanh thản.
Gió lặng, chiều,
mát rượi không gian,
sau cơn mưa, cây, lá, đất trầm ngâm… 
Lòng lặng lẽ, không gợn nhớ, không một nỗi niềm mong,
trong tim không một lời thủ thỉ,
trong óc không một ảo giác, không ám ảnh những bóng hình gì. 
Giây phút thanh thản này,
Anh ở đâu trong em? 
Người đã cất Nhau đi,
Vào túi đựng ngày Hôm Qua:
Trong chứa chất những lo lắng, khắc khoải, mong đợi, bồn chồn,
những giây phút chong chong không thể ngủ,
những chập chờn giả thuyết ảo hình,
những nỗi khát, thiêu đốt tâm can vọng tưởng. 
Đêm đêm ngọn lửa lòng nhảy múa
một ngọn lửa,
chưa kịp cháy sáng ai,
đã đủ độ, thiêu thế gian thành tro bụi. 
Nắm tro tàn còn lại, một hôm thức tỉnh
rằng: tất cả chỉ là ảo giác đời bày ra
để khát khao một cơn mơ được khát,
khi khô những mộng mơ, đất khát những đêm mưa  
Phút bên cạnh ta đây, 
giây phút chợt làm ta thức tỉnh
một chiều mưa mát dịu tận tâm can,
cây, lá, đất, trầm ngâm suy tưởng… 
Nếu anh thực sự có thật, trong em
giây phút này đây, em và anh là một,
không thể khác 
Em sẽ không bao giờ đi tìm anh nữa,
không bao giờ khắc khoải nỗi âu lo,
không bao giờ buồn vui cô đơn, thẫn thờ như con đò chưa cập bến
không bao giờ đặt câu hỏi tại sao, bao giờ, giá như…
để nỗi buồn
giống lá xoay nghiêng, rơi dịu dàng vào khoảng trống bơ vơ 
Nếu trong em,
Anh là có thật.                                            
16. Thu. 
Nỗi nhớ sang thu,
giống chiếc lá phong đang ngả màu, bay nhẹ đến cửa sổ phòng ai, chờ nhẹ nhàng cửa mở,
để lá khẽ đậu trên bàn,
ai bất chợt, nhận ra… 
Trời nghiêng thu,
anh xa thẳm, giữa một chiều nắng nhạt, cuối hè phai,
để ý nghĩ em, nhớ về anh,
lẽ đâu từ biệt… 
Anh,
lặng im như trang sách kín chữ, như những cất dấu suy tư trong những chữ cái chắp hình hài,
muốn em - chiều hè tan, thu tới - hãy mượn âm thanh, gọi tên sự vật?  
Anh,
nỗi buốt nhớ xa xôi không hẹn gặp, muốn em định nghĩa khái niệm: nỗi hấp hối  kéo dài là gì? ở đâu? ai đang chứa chấp?  
Ta có bao giờ màng trạng thái: ngày sống sẽ chia tay ta? 
Mọi người cứ sống thênh thang, như thể đời sống này là vĩnh cửu. Một mai hy vọng tắt, họ sẽ thay nhau than khóc thê thảm, và ra đi trong nỗi khiếp sợ chưa kịp đặt tên.
Hoặc từ tốn hơn, bệnh tật sẽ nhân danh ngày giã biệt đến sớm, để từ đó mỗi giờ, người sẽ quen dần trạng thái chết từ từ, và chấp nhận, dù là nỗi bình an day dứt. 
Đã mấy ai nghĩ: ta đang chết đây, giữa khi đang sống?
Đấy chính là trạng thái hấp hối kéo dài. 
Anh muốn em biết: cơn hấp hối có tình yêu, hơn một nỗi trống rỗng ra đi? một người yêu ta, nắm bàn tay thổ lộ, hơn một mình lủi thủi đến hoàng hôn? 
Anh muốn em nhìn, tình ta là như vậy?  
Vâng,
Em ước nguyện yêu trong cơn hấp hối kéo dài này! 
Thích lắm,  
Đi giữa biển lá vàng bay tan tác và biết rằng: mai, Đông sẽ cuốn tiếng Thu này xào xạc chia tay, chỉ còn mộng mơ khẳng khiu đọng lại, chờ giá rét chôn vùi nốt những mầm mơ…
Đi giữa vàng hoe phai sắc nắng, ngẩng đầu ngắm chùm quả, hôm qua xanh mơn mởn, hôm nay đã nâu vàng, mai gió lạnh về, sẽ quật tan cành, quả văng xuống đất, và hạt tròn ngơ ngác rời vỏ nứt, sẽ lăn tận chân mây…
Đi giữa phố phường rộn rã một mình, nghe tiếng chuông nhà thở, đổ nỗi nhớ ngày ai cùng ta hội ngộ… 
Bỗng xa xôi, nỗi hình dung gặp mặt, ngỡ ngả đầu  âu yếm tựa vai nhau,
mà mình vừa thoáng bóng ta, niềm vui đã cất cao tiếng hát, giữa lồng ngực véo von, khiến không gian quanh ta dừng chuyển động, cơ thể ta bất động, và thời gian - khoảng cách quy định duy nhất giữa mình với ta - bỗng thẹn thùng chạy trốn… 
Vài khoảng khắc thôi,
ta mượn màu xanh của rừng cây phủ, mượn sắc thắm của hoa, mượn làn sương mỏng sa, thoáng bay trên hồ nước, mượn những hạt sỏi lăn dưới gót chân, mượn nắng ấm miên man, hôn nụ cười hạnh phúc…
ta mượn chút hồn của thiên nhiên bao la, mượn mộng mơ em, yêu ai ngay từ trên trang sách, mượn giọng nói anh, lời thủ thỉ từ đất, chân thành… 
Ta mượn một chiều,
biến nhau thành lâu đài cổ xưa soi bóng bên hồ liễu rủ, thành cánh rừng vĩnh viễn biếc xanh, thành ngọn gió trong veo, thả niềm âu yếm rải xa trên đường lăn tăn sỏi, thành duy nhất một khoảng không gian yêu,
dù tháng ngày tiếp sau đang chờ đợi,
sẽ gọi ta, như một cơn hấp hối kéo dài… 
Em đọc từ mắt anh nỗi mệt mỏi tháng ngày dài,
Anh có nhận từ nụ cười em, cơn đau dấu kín? 
Mặc tất cả, hỡi niềm vui gần gụi,
biết mấy dấu yêu, biết bao tin cậy,
lâu đài này vẫn đứng vững cùng thời gian vì thế,
tượng đài này, bia mộ này ấm áp hơi thở nhân gian vì thế,
dù quá khứ điêu tàn.  
Em đã cùng anh,
mượn áo choàng thời gian, tàng hình bay về quá khứ,
lục tung những ước mơ, không có bóng hình ai…
bay lại hiện tại, nơi giấu diếm giọt nước mắt buồn, những ngả chia đôi,
bay về tương lai, không, làm gì có đám mây nào hứa hẹn? 
Khi trong một chiều hè phai hấp hối,
Em trọn vẹn là Anh. 
Em đang hát nho nhỏ, bài tình ca bên cửa sổ,
Khi lá phong xanh nhuộm sắc, biến thành lá phong đỏ,
anh yêu!  
17. Hồng sắc                                                     
Anh muốn tin những chiều tím xưa,
vẫn biêng biếc tím
sau dãy sương lung linh mờ ảo
sông, núi, cỏ, hoa vẫn lặng lẽ, cạnh nhau 
Anh vẫn muốn tìm
những chân trời hoàng hôn rực đỏ
lá phong cuốn bụi,
đỏ ối buồn,
những sắc áo chia ly.. 
Anh vẫn muốn mơ, thời gian là màu xanh bất tận,
trên lối ta về, trên đồng cỏ, từ bầu trời,
từ lau, lá,
từ bức họa ngút ngàn rừng thẳm,
vẽ, cho ai…  
Anh gọi, niềm thương, từ ửng hồng má phớt
với mộng mơ,
hơi ấm nồng tuổi xuân, như mây trắng bay ngang trời  biếc
đọng, vấn vương… 
Anh đặt đoạn ghế buồn,
trên nền vàng, thu đang xa hút,
Muốn em dịu dàng,
xoay xoay cuống lá, gió bay bay.. . 
Để anh nhớ bao chiều,
tiếng cười vang xa,
dội  từ thời trai trẻ
dội vào trang giấy học trò, cô bé mải chơi…  
Sắc hồng nồng nàn, những ngày phai, xa xôi nhớ
Sắc hồng rụt rè, lo lắng… giọng cười bay,
Sắc hồng mong manh, báo nỗi cô đơn không hẹn trước
Sắc hồng bụi mờ, ai day dứt,
những trầm ngâm… 
Có một chiều,
khung trời xanh làm nền vải,
ký ức mờ, vương vất sợi tơ vàng,
Anh gọi xa xôi về, nơi chân  trời sôi nổi,
nơi thời gian đổi màu, mơ ký ức xuân tràn. 
Nhấm nháp vui, buồn
từ hồng sắc,
lãng quên… 
18. Mặt nước hồ thu
(Tặng anh)  
Không, lòng ưu phiền không chối từ cảm giác,
cảm giác dừng lại khăng khăng, giữa giấc ngủ mơ màng
trí óc muốn đặt tên, muốn nhận danh trong  quấy tìm vô thức,
trái tim lùng sục hết cơn đau, xóa ảo ảnh, như phũ phàng lạnh ngắt mưa đêm…  
Chữ âm thầm thu vén, gọi điên dại bao miền ẩn ức,
Lẫn lộn ta, mình, bối rối, những nhớ nhung
Những hình hài, mơ hết mông lung,
dư vị đắng xói mòn đầu lưỡi
giữa mơ hồ phác thảo, lỡ bức họa về nhau 
Ta lặng nghe mình, cảm giác tràn nhức nhối,
Như đánh mất nhau vài thời khắc mặc nhiên,
như người lữ hành ốm, mê man trong giường bệnh, không ăn không dậy, không sống, chỉ bất động, im lìm…
Để ước vọng cuối đường gọi tên nhau, không cần dồn sức, không cần gắng khổ đau, không cần nuối tiếc…
Đến tròn vẹn như cảm giác mình, ta… 
Một cái gì đã rơi, xoay tròn phai nắng úa,
Một cái gì đã bay, như bụi lẩn không gian,
Một cái gì đã xa, như dư đọng cuối cùng của hồi chuông nhà thờ đổ,
Một cái gì rón rén trở lại, bình yên,
từ mặt nước hồ thu, không gợn sóng,
hôm nay 
Cơn khát anh, dừng nghẹn, giữa cây dâng nhựa, ứa trào vết cắt
Cơn khát anh cô độc, giống giọt nước cuối cùng trong giếng hoang sa mạc,
hay chỉ giọt sương rơi?
Cơn khát chiều nay ta uống dịu bằng nước mắt chôn cánh hồng lần cuối,
hầm sâu lâu đài mộng mơ, giấc mơ vua chúa cũng từng yêu
Cơn khát xa rải đường vắng bụi mờ,
chân du khách, lữ hành những mong giờ trở lại… 
Cơn khát rồ dại,
ai là kẻ ôm hết niềm vui trần gian, nỗi buồn tồn tại, nỗi khắc khoải đơn chiếc, nỗi rồ dại dập bút, nỗi trốn chạy  tức giận của linh hồn?
Ai là kẻ biến thành bệ đá cho ta giơ cao búa,
Biến thành chim bồ câu, cho ta thả ăn trong lòng bàn tay,
biến thành cây cho ta chăm bẵm,
biến thành lời, cho linh hồn  thủ thỉ bên lòng? 
Bởi lẽ,
cô đơn mặt đất
chỉ biến em thành hình ai, bóng chiều lủi thủi,
chỉ biến anh thành vương vất em, cầm bút lặng im 
Những cô đơn mặt đất cứ tìm nhau
trời san sẻ buồn, trút thêm vào ưu tư của đất..
Để làm gì ư?
Để dạy nhau trọn vẹn kiếp cô đơn.
Mặt nước hồ thu lặng ngắt,
Êm ả làm gương soi cho  trời xanh, mây trắng hững hờ,
Lá phong vàng cuốn xoay, lăn tăn gợn nước,
rong rêu ngậm tủi buồn, nước biếc, loanh quanh. 
Để hết một cảm giác em, nhớ về anh, lạnh vắng
thắp đốm lửa sưởi trong tim, đợi  đông đến,
những cô đơn mặt đất,
giao nhau.   
19. Những mảng màu 
Anh gửi em những mảng màu buồn bã,
tím tan, trắng đọng lại,
màu năm tháng đi qua… 
Tím rừng già, cây ơi, sao buốt nhớ,
chỉ mặt trời nhợt nhạt phía xa xa,
soi đường về, em hỡi,
những dừng chân… 
Anh gửi em từng mảng chân trời,
dàn trải mãi
Sao thế anh, cây cỏ muôn màu
chẳng muốn tụ lại nhau? 
Anh đợi gì từ xác xơ con đường mòn nhỏ
Em tìm gì từ đất tím đọng, tuyết phai màu? 
Em chẳng tìm ra trên đời,
không gian nào lặng yên như thế,
nơi chỉ sắc màu êm ả quện nhau,
nơi chỉ cây im, mặt trời nghiêng buồn bã 
Anh muốn gọi xa xôi về,
cũng chẳng có đâu anh. 
Những mảng màu đất trời, cây lá, không gian…
tan vào nhau, nức nở,
ngày sẽ tàn như thế,
đúng không anh?   
20. Lời của chữ 
(Khi đất trời thắp lửa thay mùa)                        
Chiều ra phố, 
Thấy rặng phong dấu một điều bí ẩn,
Đám lá xanh lè lưỡi nghịch, liếm vai,
Chùm lá đỏ chạm tóc mềm,
Loay hoay cuống gẫy 
Bụi quả dại dấu một điều bí ẩn
Những nhành đỏ đung đưa, chi chít  mắt mơ màng 
Chiều thu vàng dấu một điều bí ẩn,
Nắng tan mật ngọt, rải nỗi nhớ con đường... 
Ta dừng lại giữa khoảng trời xanh lồng lộng, hoa cúc chải tóc vàng trong thảm cỏ bát ngát, nắng dịu dàng nhảy nhót, hôn lên má, lên môi, lên mắt ta, gió thò tay tinh nghịch xoa rối tóc, vuốt ve, khiến ta ngỡ ngàng, lòng bâng khuâng tự hỏi: 
Cái gì vậy? 
Dấu đâu đây một thông điệp vô hình 
Giúp bước chân, bỗng nhiên thoăn thoắt
Giúp miệng cười, tha thiết, dáng em hiền. 
Để một chàng trai, chợt dừng chân ngạc nhiên khi em băng qua phố,
Để hai chàng trai im bặt chuyện trò, dịu dàng nhìn em đến từ hành tinh lạ,
Để nhiều đàn ông bỗng nhiên tươi tỉnh
để một người già thân hao mòn, gà gật ngủ trên ghế 
bỗng choàng tỉnh dậy, dụi mắt nhìn xa…  
Cái gì vậy?
Lòng ta tự hỏi  
Dấu đâu đây một thông điệp vô hình 
Để tiếng chuông tàu điện vui lanh canh, một người, hai người, ba người, nhiều người xinh đẹp thế?
Để mùi huệ thơm mát, bay từ tóc cô hàng hoa áo đỏ, sang chàng áo trắng đang vuốt tóc cười duyên dưới rặng cây trên phố, 
Để trang sách đọc dở, chữ nhảy loi choi, rối bời mắt ta, trang không chịu lật…
Để vui vui, ngắm rừng cây bên đường lao vun vút, bỏ lại sau lưng tiếng cười, lũ học trò đang trêu chọc nhau, đi giữa lòng đường 
Để bất ngờ bình yên ùa vào lòng, như chiều xưa, vui sướng nhớ… 
Dấu đâu đây một thông điệp vô hình  
Ôi!
Trái tim bỗng sững một giây,
sực tỉnh, 
Hai mươi tư chữ cái, đọc chiều nay, tay ai
tinh nghịch?
hóm hỉnh?
dịu dàng?
hay âu yếm?
hay chỉ một nỗi thanh thản nhẹ nhàng,  
xếp câu chữ lên không gian xa nhớ: 
Anh Yêu Em. 
21. Say
Những cơn say đến dễ dàng thế sao?
Đôi lần gặp mặt,
mắt nhìn vào mắt nhau, bừng sáng, một hôm trò chuyện,
má ửng hồng, trêu chọc, cười đùa, lục lại quá khứ, vẽ hiện tại, ao ước những  vu vơ…
thiếu vắng chợt gọi về  tâm tưởng,
dưới chân cầu thang, lúc tạm biệt, quay đi…
Không,
cơn say đến dễ dàng làm sao,
bởi lòng em nguội lạnh,
bởi lòng anh bơ vơ,
Đã quá lâu rồi.
Lúc,
trời vẫn thu xanh biếc,
Nho tím óng ánh, huệ muốt trắng, cúc vàng,
Và đôi làn sương mơ mỏng, giăng kín mặt hồ,
ngọn liễu cúi đầu,
khi ta buồn ngơ ngác,
suy tư…
Tiếng cười từ ngõ vẳng ra,
gió vi vu mang vị đêm ẩm ướt,
anh đưa em về, xe máy lượn vòng vèo, những ngả đường mát rượi tiếng cười em, lúc ngẫu hứng, anh biến thành thi sĩ…
giữa đêm,
những vì sao, như thể muốn một lần rơi xuống đường làm sỏi,
vì thừa hiểu, những vơ vẩn tâm tình người, lẫn vào gió,
thầm thì bên tai:
ơ hay, sao em buồn lâu thế?
niềm vui anh, cơn mơ anh, đam mê anh, chất chứa, đợi nhân đôi
lâu lắm,
lâu lắm rồi… 
Anh không thể chỉ lang thang chia xẻ,
với cát vàng biển,
với cây lá xanh xao,
Lúc kiếm tìm thiên nhiên buồn bã. 
Hay giữa đô thị, giữa những tòa nhà chung, lẫn nét vẽ riêng anh
Lúc giữa đám bạn bè,
Hay ngập lún
những đêm chong chong thức…
Bởi anh là bản thân cuộc sống,
cuộc sống quê em,
cứ ào ạt dâng thủy triều cơn khát,
khát nỗi thương yêu,
khát nỗi hiến dâng,
khát em,
hòa nhịp…
Có lẽ nào sức sống nơi anh,
tiếp hơi thở hồi sinh, khi em kiệt sức, quay về với đất?
khi vắt cạn nỗi buồn xa năm tháng,
khi câu chữ đêm đêm
thay bờ môi, thay vòng tay ôm xiết,
của gió thoảng bên hồ, của hoa sữa rơi trên hè phố nhỏ,
của tiếng Việt trong trẻo ngân bên tai em,
từ bình minh cho hết cạn, đêm dài?
Nỗi mơ ước cơn say,  từng chiếc lá,
dụi vào nhau đợi phút rụng bên thềm,
Dù anh là đất ẩm ươn mầm,
em là niềm buốt nhớ giấc sinh sôi
Cơn say khát,
Ta chỉ mơ gặp gỡ…
22. Những mảng linh hồn
Ta vẫn nghĩ con người chỉ có một linh hồn.
đúng vậy, nhưng nó dày từng lớp,
như củ hành được tạo nên, bởi tầng tầng lớp lớp những mảng trắng dạn dày, bóc hết lớp này, lớp sau lộ diện
Những mảng linh hồn ta cũng vậy,
một đời sống bên trong đủ lớp, đủ tầng.
Vào một ngày, ta ngỡ ngàng phát hiện,
có những mảng linh hồn mình, ta chưa hề nhận biết,
nhưng bất chợt hiện ra,
từ một người lạ, thân quen.
Anh là mảng mai sau linh hồn em,
khi ta đi hết bến,
đến tận cùng yêu thương,
và những nỗi khổ đau
Anh là cánh cửa dẫn đến ngày tận thế,
bởi hết đường dạo bước tương lai, 
Em chợt nhận ra từng nẻo đường đơn độc,
ta lầm lụi một mình,
tới phút lâm chung
Làm sao nỡ,
để hồn ai lang thang một mình
về phía chân trời, mặt trời lặn?
Lúc mảng tâm hồn em cũng đi về hướng đó,
góc tương lai?
Thôi, chúng mình cùng vẫy chào cuộc sống,
bước vào sâu, sau cánh cửa nỗi tận cùng.
hòa thành mảng tâm hồn dày dặn,
như những tầng khí quyển, trái đất này.
23. Ám ảnh piano
Từng giọt pianô tan vào không gian,
khiến con tim em buốt,
nỗi khát sống nơi anh: nồng nàn, day dứt, tê tái, nhức nhối, lặng yên
giữa bâng quơ, thoáng suy tư ngơ ngác,
khiến em rơi nước mắt trong tim: ôi, anh buồn đến thế?
Nắng ngập tràn trên phố hôm qua,
biến thành nỗi rưng rưng, sáng nay em thơ thẩn,
giữa những làn xe vội vã ùa dâng,
giữa dòng người vui vẻ, phố phường  ngập sức sống xôn xao.
Lòng em quay về góc pianô giá lạnh,
Anh thưởng thức mỗi đêm,
để nghe nỗi  gắn bó đời da diết, gặm nhấm cô đơn,
trên từng nốt nhấn pianô.
Em nhìn thấy nụ cười anh buồn bã,
Như trên cánh đồng bát ngát, ánh mắt anh âu yếm rõi theo một mầm xanh đang nhú, một chú thỏ trắng co giò phóng nhanh, một ngọn cỏ lay vơ vất bên đường, một nụ hoa tươi xinh cười trong cỏ…
Em nhìn thấy nụ cười anh buồn bã,
Chia ly, chia ly nỗi khát sống thế gian…
Em rón rén bước đến sau anh,
choàng tay qua đôi vai câm lặng,
ôm xiết anh vào lòng,
truyền hơi ấm  trái tim em,
xuyên qua từng nốt nhấn pianô,
hôn hồn anh lặng lẽ…
Đừng buồn, đừng buồn, những giọt pianô,
Mình sẽ cùng nhau lang thang đến những bến bờ lạ,
rắc nước từ dòng sông long lanh mặt trời nóng bóng,
lên má lên vai,
lên môi cười em, anh, dù buồn bã
Đừng buồn đừng buồn, những giọt pianô,
thời gian muốn dừng lại,
để chúng mình thưởng thức nỗi ưu tư,
bởi anh quá yêu những ban mai, ngập tiếng cười rộn rã,
bởi anh quá say những màu sắc đê mê,
tan trong quay cuồng thế gian, chóng mặt 
bởi anh chưa phút nào,
bình yên trong vòng tay em dịu mát,
mát như những cánh rừng đẫm sương, như những nỗi chờ mong
đợi đêm đến, thì thầm với đất…
Âm thanh tan từng phút nhớ thương em,
nghĩ về anh,
giữa tiếng pianô, đưa em về thế giới khát tình yêu, khát bình yên, khát nỗi niềm xẻ chia sâu lắng…
Đừng buồn, đừng buồn,
em nắm chặt tay anh! 
24. Thảng thốt
Chẳng có gì chứng minh, ngày hôm qua khác hôm nay, dù đời ta đã ngắn đi một mẩu...
Chưa kịp lưu luyến,
một bờ môi, một hơi thở, ánh mắt nhìn..
Khát vọng nắm giữ chưa xúi bẩy,
khiến lòng ta đau khổ...
lẽ đâu vì,
niềm vui chia xẻ xinh đẹp quá, tròn trịa quá,
nỗi mơ hồ?..
Những vô lý đời thường chưa làm ta quằn quại,
gặp lại bản thân mình,
chưa kịp gửi linh hồn đến muôn phương?...
Không,
chẳng có gì làm ta ngạc nhiên nữa,
chỉ tò mò,
không hiểu bên kia cổng trời, lấy gì để yêu nhau?
Có những nụ hôn nhẹ như không khí, chẳng chứa chút dục vọng, dính đời thường,
Sao thế nhỉ, thể xác không thiêu đốt, không đòi nghiến ngấu, tiêu diệt những giấc mơ?
Có lẽ vì
ta đã thành không khí,
thứ không khí lãng đãng trôi, mang giọng đùa vui anh, mang mơ màng em như sương khói...
Có lẽ chúng mình đã nghịch ngợm
chui sang bên kia cổng trời từ bao giờ,
ừ,
đúng vậy!
để em chỉ vui tươi nhớ lại,
ánh mắt đùa hóm hỉnh của anh,
và giọng cười phá lên của em,
mỗi lần anh tinh nghịch...
Đúng rồi, bên kia cổng trời, mình đã chui vào,
đã cập bến từ lâu...
Ôi lạy Chúa! đừng bắt con nhớ lại khát vọng đời người thiêu đốt tâm can,
đừng bắt con buồn, nỗi chia ly một mai rồi sẽ đến,
đừng, đừng,
những hàng lệ chảy, nỗi buốt con tim, những câm lặng băng giá…
ta từ đấy đi ra,
Không, tất cả,
chẳng xứng đáng với tình cảm này.
Anh đừng yêu em nhiều hơn nhé,
chỉ đủ bằng, anh yêu bản thân,
để em khát nỗi hồn nhiên cây cỏ,
khi trong hình hài hiện hữu này,
em mới chỉ dừng lại, sát bên anh... 
25. Tạ từ
Mình tìm kiếm những ban mai không rét mướt,
giữa mùa đông
mình mơ gặp những môi cười đồng cảm, vắng ưu tư
giữa đời thường.
mình tìm kiếm những vòng tay ôm ấp, tóc gối tay kề,
một mình,
giữa những cơn mơ
Em tạ lỗi cùng anh đêm nay,
với huyễn hoặc lứa đôi
với trò chơi trò bịt mắt bắt dê,
để lâng lâng vài giờ không lo nghĩ
Để trốn thoát đời thường, để biến thành họa sĩ, để vẽ lên trời một dải ngân hà xa, để kéo giọng vĩ cầm tơ vương trong gió, để đốt ngọn nến màu thả trong những chiếc đĩa bập bềnh trôi...
Em tạ lỗi cùng anh đêm nay,
hai đứa trẻ cuối cùng, rớt rơi trên đường mòn đầy đá sỏi,
con đường chẳng dẫn về nhà, chỉ dẫn tới những vì sao...
Một lần thôi, ta đã trộn vào nhau,
Đủ đan buộc thành một vòng tròn nhỏ,
ôi vòng sáng mộng mơ, em xin anh,
nhận lời từ tạ.
Anh - giấc mộng cuối cùng trước buổi bình minh - em
Hãy đợi em,
tự chữa vết thương này,
bằng câu chuyện bắt đầu kể đêm nay,
khi cúi đầu,
từ tạ. 
26. Chào nhé, Đông này!
Thôi tạm biệt, những niềm vui tìm kiếm,
những niềm mơ, phác họa bấy nhiêu thôi,
trả lại bạn một mùa Đông dang dở,
lá bàng xanh, hoa huệ trắng, cúc tươi vàng
Thôi tạm biệt những sớm trưa quấn quýt
mơ ngày dài cứ thế hồn nhiên trôi,
trời Đông tẻ nhạt, bỗng một hôm ấm áp,
như chúng mình, bất chợt nhận ra nhau,
Thôi tạm biệt những niềm đau ta xé nhỏ,
tặng lẫn nhau, như quà sớm Giáng sinh,
để một mai, mình cười, buồn nhớ lại,
những sớm Đông nào, tìm nắng ấm trên môi nhau.
Thôi tạm biệt, em xin anh đừng hoài niệm,
những ngày Đông vui, rong ruổi, chỉ bấy nhiêu,
hẹn những ban mai kiếm niềm thương vĩnh cửu,
từ rặng phong buồn, từ một góc chân mây.
Thôi tạm biệt, người ơi, em sẽ nhớ 
những ngày vui ngắn ngủi, chơi vơi
giá buốt  tim anh, những giấc mơ không chợp mắt
gọi em trở về,
thao thức nốt những ngày Đông...                                      
27. Nức nở
Em đi qua một đêm nức nở,
trong tim,
không dấu được tình yêu, nỗi tuyệt vọng, vị nhớ thương anh đắng trên đầu lưỡi,
lúc đọc thơ Tình, anh viết cho ai.
Em đi qua một đêm không ngủ,
sương khuya âm thầm len lỏi,
chui vào phím bấm tay buồn, vào đôi mắt chong chong, vào nỗi lòng nặng trĩu,
lúc em đọc thơ Tình, anh viết cho ai.
Nỗi đau chia ba anh nhỉ,
dù ai người hờ hững quay lưng,
tuyệt vọng em, nhân ba lần anh nhỉ,
với tuyệt vọng thơ anh, san sẻ bước chia ly ai,
Mình thấu hiểu những cơn, tim nức nở,
trải lòng anh, vào câu chữ quặn đau,
em nhức nhối, cơn mê anh không ra khỏi,
Văn chương nào giam giữ một đời thương?
Có phải người này là cây thánh giá của người kia,
cần gánh vác?
hay chỉ cây thánh giá đời mình, ta tự dựng đêm nay,
lúc cảm thơ anh, cô độc, vật vờ...?
Ban mai hồng mong niềm an ủi,
nức nở em, mơ gánh nặng nỗi đau anh,
câm lặng đêm tàn, còn nguyên niềm tuyệt vọng,
Em vẫn chỉ là em, sao thay thế được, hỡi anh?
28. Yêu 
Em đã yêu anh khi em dịch sách,
Yêu những nỗi đau xa cách,
những mong ước mệt nhoài,
những đêm dài tìm kiếm
những thổ lộ hừng đông
khi dùng chấm, phẩy, hỏi, ngã, ba chấm, đóng ngoặc…
ngăn cách Em Anh
Em đã yêu anh khi em dịch sách,
gặp
những tâm hồn ao ước, những giấc mơ bùi ngùi
những con người éo le,
rời đời thường, bước vào trang sách
Khi em chuyển giọng Yêu từ ngôn ngữ này, sang tiếng Yêu của một ngôn ngữ khác!
Em đã yêu anh khi em dịch sách
yêu vẻ đẹp trí tuệ Anh dấu trong chữ nghĩa,
yêu khát vọng hiến dâng Mình cho đời sống,
Anh hằng mong.
Em trải lòng em lên từng trang sách dịch,
nắn nót chọn câu, từ, dấu,
sao bày tỏ hết tấm lòng yêu,
yêu những xót xa đời cao thượng
yêu những mảnh tình người
vùi dập, đớn đau.
Anh,
đã dạy em,
biết yêu,
khi đêm đêm,
em,
chong đèn,
dịch sách.
2008
Nguyễn Hồng Nhung
Theo http://amvc.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...