Đường đến cây cô đơn
1. Bích ở lại nơi này thêm vài ngày. Một quyết
định bất chợt sau khi cô nghe Khánh đọc bài thơ Hỏi đường đến Cây cô đơn trong
bữa ăn trước khi chia tay Đà Lạt.
Bài thơ không làm Bích xao xuyến bằng giọng đọc. Khánh thủ thỉ
như nói với chính mình, dù bài thơ viết tặng cho một cô gái đang yêu. Người viết
bài thơ cũng không giấu những cung bậc cảm xúc của một người từng trải bao
thăng trầm sướng khổ. Và cả chút ngậm ngùi, rằng đã đến lúc, ta phải quay về một
nơi, còn Cây cô đơn, vẫn ở một nơi mà ta chưa đặt chân tới.
Khi xe chuyển bánh chở theo đoàn người, chở cả người đàn bà
mong muốn một lần được đến bên Cây cô đơn, trở về thành phố ồn ĩ, nóng bức;
Bích đứng lại một lúc nơi con dốc thoai thoải nằm giữa con đường dẫn ra quốc lộ
và khách sạn. Quấn lại chiếc khăn choàng cổ bằng dạ đỏ, đút tay vào túi chiếc
áo khoác cotton màu kem, cô co ro trước những cơn gió lạnh.
Lúc tra chìa vào ổ khóa căn phòng duy nhất còn người ở lại
trong dãy phòng mà đoàn nghỉ mấy ngày qua, Bích thấy ngón tay cầm chìa khóa tê
tê lạnh. Cô xoay xoay mấy vòng, mới mở được cửa.
Bước vào phòng, nhìn hai chiếc giường đơn kê cách nhau bằng một
cái tủ thấp bé, chỉ đủ để chiếc điện thoại bàn cùng cái sơ mi kẹp hai tờ giấy nội
quy và thực đơn, vẫn còn bề bộn gối chăn; Bích ngồi xuống chiếc giường mà đêm
qua Khánh nửa nằm nửa ngồi khi viết Hỏi đường đến Cây cô đơn trên tờ giấy đôi
được rứt ra từ một quyển sổ tay.
Khi gấp lại chiếc chăn suốt đêm qua ủ ấm cho Khánh, một quyết
định ập đến, cũng bất thần như cơn gió thốc tháo đang tuồn qua cửa. Bích sẽ đi
tiếp hành trình mà Khánh bỏ dở, dù bạn đã hỏi được đường đi.
Đường đi tới Cây cô đơn, trong bài thơ của Khánh có những chỉ
dẫn tỉ mỉ: sẽ băng đường bộ, rồi dốc nhẹ, rồi dốc cao, rồi vượt qua con suối nhỏ,
có cả lưu ý, đường sẽ bị lún nhẹ. Chỗ nào còn phân vân, Bích cũng làm như
Khánh, lại nhờ Google Maps.
Khi mường tượng khá rõ đường đi đến Cây cô đơn, việc tiếp
theo là chọn phương tiện đi.
Đường đi đến Cây cô đơn, “sẽ lún nhẹ” nên không thể đi bằng
taxi. Xe gắn máy là phương tiện tối ưu trong thời tiết ảnh hưởng cơn bão Sơn
Tinh, dù tâm bão cách Đà Lạt gần một ngàn ki lô mét, nếu tính theo đường chim
bay.
Đường đến Cây cô đơn, dĩ nhiên không thể đi theo đường chim
bay. Đến đó, phải đi trên mặt đường có nhiều đồi, nhiều dốc; nhiều đoạn len lỏi
giữa rừng cây và men theo con suối. Nếu mưa trút xuống, đường trơn trượt, càng
khó đi.
Với con đường khá hiểm trở, Bích không thể đi một mình, dù một
mình cô đi xe gắn máy suốt hơn hai mươi năm qua với số ki lô mét gấp ngàn lần,
so với quãng đường từ khách sạn trên đồi thông đến chỗ Cây cô đơn chơi vơi bên
con Suối Vàng.
Bích sẽ thuê một chiếc xe gắn máy và thuê người chạy chiếc xe
đó. Người bỏ tiền thuê phương tiện, dĩ nhiên sẽ phải ngồi sát vào tấm lưng gã
đàn ông cầm tay lái.
Hình ảnh thoáng qua mắt Bích: Con đường vắng giữa rừng núi rả
rích mưa. Hai người, một đàn ông, một đàn bà, đèo nhau trên chiếc xe gắn máy và
trùm chung một chiếc áo đi mưa. Xe lên dốc hay xuống dốc, thân thể hai người áp
sát vào nhau. Những đoạn quanh co khúc khuỷu nằm giữa vách núi và vực sâu, người
đàn bà sẽ phải vòng tay siết ngang bụng người đàn ông mà nửa giờ trước đó, họ
là hai kẻ hoàn toàn xa lạ.
Bích hít một hơi sâu rồi thở mạnh. Hơi thở cô cũng có những sợi
khói. Con đường đi đến Cây cô đơn cùng một người đàn ông lạ với cái mùi lạ, có
lẽ, không chỉ là mạo hiểm.
Bích thấy nhớ mùi chồng. Cái nhớ bất chợt nhưng lại xoáy vào
cô như cái lạnh đang siết vào thịt da.
Bích bước lại chỗ bàn nước. Cô lấy phích nước sôi châm vào
bình trà mà Khánh pha trước khi xách va li ra khỏi phòng. Cô vừa nhìn màn mưa
phủ trắng đồi thông, vừa uống những ngụm trà âm ấm.
Sau khi cạn tách trà, Bích gọi cho chồng.
2. Tứ không bất ngờ khi nghe vợ nói mình không về cùng
đoàn. Trái tính, trái nết với những quyết định bất thường đã trở nên bình thường
trong cuộc sống vừa chung đôi vừa riêng lẻ của cả hai. Tứ hỏi:
- Thằng nào giữ lại phải không?
- Có thằng nào đã không gọi.
- Giờ muốn gì đây?
- Lên đây đi!
- Chừng nào?
- Hôm nay!
- Đi bằng gì?
- Tùy, đi bộ cũng được!
Hỏi nhát gừng, trả lời nhát gừng, không đại từ, thiếu chủ ngữ,
vắng cung bậc cảm xúc, không rõ từ lúc nào, đã là thói quen, của cả hai.
Nửa giờ sau, Tứ gọi:
- Sẽ bay chuyến hai giờ!
- Sao không bay chuyến sớm hơn?
- Mang không đủ tiền mua cả chiếc phi cơ!
Không để cho vợ vặn hỏi thêm, Tứ tắt điện thoại.
Bích nhìn đồng hồ. Tới lúc Tứ lên máy bay còn bốn tiếng.
Khoảng thời gian đó, Bích sẽ không ngồi nhìn mưa và chờ đợi,
dù được đợi chờ, nhiều khi cũng là thứ quà tặng.
Cảm giác chờ đợi và khao khát đó, đôi khi còn giá trị hơn lúc
gặp nhau, chưa kể có lúc bên nhau mà như không nghe, không nhìn và không cảm thấy
nhau.
Tuy nhiên, để lúc gặp chồng được ấm êm và trọn vẹn, việc đầu
tiên Bích làm là tìm một căn phòng giường đôi, sau đó sẽ trả căn phòng với hai
chiếc giường đơn mà cô với Khánh đã ở mấy ngày qua.
Nhân viên khách sạn lần lượt mở cửa bốn căn phòng ở bốn vị
trí khác nhau trên tầng hai và tầng ba. Cả bốn căn phòng khi mở cửa sổ đều vướng
phải tường rào kiên cố của khu biệt thự mới. Bích và Tứ có chung nhau sở thích
là được nhìn mây trời, nhìn cây cỏ, dù căn phòng có hẹp một chút, thiếu tiện
nghi một chút.
Cuối cùng, Bích chọn được căn phòng khá biệt lập ở tầng một.
Căn phòng có cửa sổ ba cánh, mở ra khoảng sân rộng với nhiều loại hoa trồng
trong nhiều chậu lớn nhỏ khác nhau. Và ở cuối góc sân, sừng sững một cây tùng
vút thẳng lên cao.
3. Tứ nhắn: “Bay trễ 45”.
Bốn mươi lăm phút sau, Bích nhận tin mới: “Lại trễ thêm 15”.
Mười bảy phút sau, Tứ gọi:
- Lại delay thêm 45 phút, mẹ nó!
Tứ nổi nóng.
Đợi thêm ít phút cho chồng xả bớt cơn giận, Bích gọi:
- Đã đợi được mấy tiếng rồi, giờ ráng đợi thêm, nha anh!
Câu nói có đại từ và có cả dấu chấm than cuối câu của vợ làm
Tứ dịu lại:
- Ăn uống trước đi, đừng đợi!
Nói xong, Tứ ngắt.
Bích ấm ức. Cô thấy mình chẳng khác chiếc điện thoại đang
giãy giụa trong nắm tay siết chặt của Tứ.
Tâm trạng hụt hẫng bức bối đó không kéo dài và không rõ rệt
như cơn đói.
Bích thấy đói cồn cào. Cô gọi taxi ra trung tâm Đà Lạt.
Ăn xong một tô hủ tiếu và uống một ly sữa đậu nành nóng ở một
quán ăn khá ngon, cô đến quầy thức ăn nguội, mua một ít giò chả, bánh mì, rồi
nhờ tài xế ghé quầy rượu và quầy hoa.
Trở lại khách sạn, trước khi về phòng, cô mượn chỗ lễ tân cái
lọ cắm hoa.
Bình hoa hồng đỏ thắm đặt bên khung cửa sổ với những chấn
song sắt màu đen mảnh mai uốn lượn làm cho không gian ngoài kia trở nên sống động.
Màn mưa lây phây điểm xuyết thêm cho những xao động của lá, của hoa và khoác
cho cây tùng vạm vỡ chiếc áo mờ ảo của thời gian.
Thời gian như trôi thật chậm. Cây kim giây trên mặt đồng hồ cẩn
trong khung gỗ hình vuông treo trên bức tường đối diện với đầu giường mà Bích
đang cầm quyển sách, như uể oải, lười xê dịch.
Bích kéo chăn đến tận cổ, đầu gối lên cả hai chiếc gối, cố tập
trung đọc tiếp quyển tiểu thuyết Đo thế giới mà mấy ngày cùng phòng với Khánh,
những trang sách tuy hài hước, thú vị cũng không hấp dẫn bằng việc hai người
đàn bà tiết lộ những điều ruột gan khi đã thấu cảm và tin cậy.
Rồi cô trôi vào giấc ngủ khi cuộc đời của hai nhà bác học vẫn
nằm trên ngực. Cô vừa ngủ vừa ngáy. Giấc ngủ của một người vừa ăn no và được ủ ấm.
Giấc ngủ của kẻ tách khỏi cái thế giới không cùng mà ánh sáng khoa học cũng khó
có thể đo đạc hay soi rọi. Giấc ngủ không lởn vởn hình ảnh Cây cô đơn lẻ loi
trong mưa gió.
4. Bích bị giật dậy bởi tiếng chuông điện thoại bàn. Cô
với tay cầm ống nghe. Nhân viên tiếp tân báo Tứ đến.
Bích không vội ra khỏi giường mà dụ dự nằm trong chăn ấm cho
tới lúc Tứ gõ cửa. Cô tung chăn, xỏ chân vào dép, lẹt quẹt bước về phía cửa.
Tứ bước vào phòng cùng cơn gió và mùi hương của anh.
Không vòng ôm, không va chạm, cũng không chào hỏi.
Sau khi quăng túi xách lên ghế, Tứ bước đến bên cửa sổ, nhìn
ra góc sân. Mưa vẫn còn rỉ rả. Trời nhá nhem trong ánh điện hắt ra từ ban công.
Nhìn cây tùng sừng sững sẫm đen sau ánh điện, Tứ thốt lên:
- Cái cây ác quá!
- Có cây còn ác hơn.
- Ở đâu?
- Ở cách đây hơn bốn mươi cây số.
- Xa thế à? Cái cây đó có ăn được không?
Bích thấy mình quá đoảng. Cô lật đật pha bình trà rồi bày thức
ăn nguội ra bàn. Tứ ăn ngon lành. Bích mở chai vốt ca rót ra hai ly. Cô đưa ly
rượu cho chồng. Rồi hai ly rượu chạm vào nhau.
Tứ khen rượu uống được. Bích thấy rượu khá ngon. Ấm nồng. Và
còn có cái gì đó, hơn cả sự ấm nồng.
5. Tứ vào phòng tắm. Sau khi tắm nhanh bằng vòi nước
nóng, anh điều chỉnh nhiệt độ trước khi xả nước nóng vào bồn tắm cho vợ rồi bước
ra với chiếc khăn quấn ngang bụng.
Bích đưa cho chồng chiếc áo choàng trắng vừa lấy ra từ mắc áo
treo trong tủ. Lấy cho mình một chiếc có kích cỡ nhỏ hơn, cô bước vào phòng tắm.
Ngâm mình trong bồn nước ấm, Bích thấy sảng khoái. Da dẻ săn
chắc, đường cong mềm mại trong làn nước óng ánh dưới ánh đèn vàng khiến làn da
như phủ lớp mật loãng. Thân thể cô trở nên hoàn hảo.
Sự hoàn hảo khiến Bích vừa ngỡ ngàng lại vừa phấn khích. Cô với
tay lấy lọ tinh dầu hoa hồng, rải mấy giọt vào bồn tắm.
Bích choàng áo khoác vào thân thể vừa được lau khô, bước ra
khỏi phòng tắm.
Tứ nửa nằm nửa ngồi trên giường, tay chĩa thẳng cái remote về
phía ti vi. Anh đang dùng cái điều khiển từ xa để tắt ti vi.
Trên màn hình là hình ảnh một người trong đoàn người đi thăm
người dân ở vùng đất mà cơn bão Sơn Tinh vừa quét qua, đang trao những phần quà
cứu trợ. Cái remote trên tay Tứ hết pin hoặc pin yếu nên anh bấm liên tục mà
không tắt được ti vi.
Tiếp theo hình ảnh trao quà là một người đàn bà nét mặt vẫn
còn vẻ thất thần sau tai họa, đại diện cho bà con sống sót sau bão lũ, hai tay
bợ túi quà, lấp vấp nói lời biết ơn.
Tứ nhảy khỏi giường, phóng ba bước tới chỗ ti vi, vừa ấn nút
tắt, vừa hậm hực:
- Tiền ghi hình, phát hình mua được mấy tấn gạo!
- Thì cũng để cho họ có việc làm!
- Việc đáng làm thì lại không làm. Như chuyến bay trễ gần 3
tiếng đồng hồ vừa rồi, hành khách không hề nghe một lời xin lỗi, mà đúng ra, họ
phải bồi thường.
Bích thấy cái lạnh len vào làn da mát rượi thơm tho của mình:
- Nếu bồi thường chắc hãng máy bay phá sản.
Cái giọng bình thản của vợ khiến Tứ không buông tha:
- Vấn đề không chỉ là tiền bạc mà còn là khoảng thời gian mất
đi và trạng thái chờ đợi bức bối mà họ gây ra cho khách hàng.
- Do sự cố chớ họ đâu có muốn…
Tứ chặn lời vợ:
- Cái họ muốn là hình ảnh vừa chiếu trên ti vi, là cái sự biết
ơn…
- Anh đi quá xa rồi…
Đại từ nhân xưng được thốt ra từ vợ không còn khiến Tứ xao
lòng:
- Không xa đâu! Tất cả đều có dây nhợ với cuộc sống, tất cả đều
là thứ mà chúng ta hít thở.
- Nhưng ngay lúc này, trong căn phòng này, nơi có những bông
hồng…
Bích không thể nói tiếp. Lời lẽ vướng lại nơi cổ họng, cô thấy
nghèn nghẹn.
Tứ cũng hụt hẫng. Cái cảm giác của kẻ dùng hết sức đấm vào
túi bông gòn khiến anh đỏ mặt. Tứ quay quắt người tiến về phía cửa sổ đang mở rộng.
Trong động tác quay người đột ngột, vạt áo choàng dạt ra. Hình ảnh một con đực
thời ăn lông ở lỗ bày tênh hênh trước mắt Bích.
Khép chặt vạt áo choàng, Bích gọi cho tiếp tân, nhờ mang thêm
một chiếc chăn.
6. Sáng hôm sau, lúc ngồi ăn sáng trong quán ăn nằm ở cuối
con dốc, có đến hai lần Bích định nói với chồng về Cây cô đơn và hành trình đi
đến đó.
Lần thứ nhất, cô vừa mở miệng thì bàn ăn bên cạnh có cuộc điện
thoại mà người gọi nói quá to, to đến mức thực khách cả quán đều nghe rõ.
Lần thứ hai, Bích vừa lên tiếng thì nghe tiếng gọi tính tiền
từ một bàn ăn khác. Cô cũng kêu tính tiền và cùng chồng ra khỏi quán ăn.
Việc đi tìm Cây cô đơn, đã không thể nói được với chồng trên
giường ngủ, cũng không nói được ở quán ăn nhộn nhạo. Bích nghĩ, có lẽ, nói ở một
quán cà phê là thích hợp nếu tìm được một chỗ ngồi trong một không gian tĩnh lặng.
Bích nắm tay chồng, kéo anh vào quán cà phê cách khách sạn nửa
con dốc. Quán cà phê bình dân nằm trong khuôn viên của khu bảo tàng, nơi cô với
Khánh đã hai lần cà phê trong lúc chờ bảo tàng mở cửa. Cả hai lần, cô và Khánh
đều không chờ được cho tới giờ cửa mở.
Lần này, Bích với chồng cũng ngồi đúng vào chỗ mà cô với
Khánh từng ngồi. Khuôn viên đã có nắng. Bức tường rêu, bờ cỏ, hoa dại, những
chiếc lá lìa cành… tất cả loang loáng thứ ánh sáng tinh khiết sau mấy ngày mưa
dầm.
Con đường đến Cây cô đơn, chắc cũng đã hửng nắng. Đợi chồng uống
hết tách cà phê, Bích khẽ khàng lên tiếng:
- Tối hôm qua, khi nghe anh xuýt xoa khen cây tùng ở góc sân,
em có nói đến một cái cây…
- Ở cách đây hơn bốn mươi cây số chớ gì?
- Quãng đường cũng khá dài nhưng bù lại, mình sẽ tận mắt
chiêm ngưỡng Cây cô đơn.
- Cây gì?
- Cây cô đơn!
- Cây... cô đơn...
Sau thoáng ngập ngừng,
Tứ tiếp:
- Cây nào đứng thẳng cũng đều là Cây cô đơn.
Nghe chồng nói, bất giác Bích nhìn lên đồi thông đang rì rào
trong gió.
Tứ cũng nhìn theo hướng nhìn của vợ. Rồi anh đứng lên, sải bước
về phía đồi thông, nơi sự cô đơn tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy của đại ngàn.
Bích không vội chạy theo chồng. Cô mở điện thoại, vào danh bạ,
tìm số của Khánh. Cô định gọi tác giả bài thơ Hỏi đường đến Cây cô đơn và nói:
“Trong cõi nhân gian vừa rộng vừa hẹp này, dường như, mỗi chúng ta đều là một
Cây cô đơn”.
Nhưng trong danh bạ điện thoại, Bích tìm không thấy tên
Khánh.
Bích Ngân
Bích Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét