Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Trở lại Nha Trang

Trở lại Nha Trang

Trong biển nhạc mênh mông của quê hương mình, nhiều bài hát và nhiều tác giả đã đưa chúng ta sống lại cái thuở yêu đương của thời tuổi dại, những kỷ niệm của ngày xưa thân ái, cũng có tác giả dìu chúng ta đi cùng nhau suốt chiều dài cuộc chiến trên đất mẹ lầm than, và không ít tác giả đã lột tả được nét đẹp quê hương và những tự tình của dân tộc. Một trong những bài hát đã cho tôi nhiều cảm xúc trào dâng, khi nghe câu Hát: "Nha Trang ngày về, mình tôi bên bãi khuya, tôi đi vào thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió xây lại mộng mơ năm nào..." Thì lần nào cũng vậy hình ảnh Nha Trang, một người con gái mang cái tên Thật gần gũi với thành phố biển này, em mang tên Nguyễn Thị Nha Trang lại hiện về trong tâm trí tôi, ngày đó... 

Ngày ấy khi ngoài trời còn một màn đêm bao phủ thành phố, qua ánh đèn đường vàng vọt nhìn qua cửa sổ của Quân y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang, tôi thấy nhiều toán người hối hả dắt díu bồng bế nhau chạy đi chạy lại trên con đường trước mặt, nhìn chiếc đồng hồ trên tay tôi thấy mới gần bốn giờ sáng mà sao người đi trên đường nhiều như trẩy hội, tôi mặc bộ quân phục vào người, lúc này tôi cảm thấy bộ đồ này như rộng hẳn ra, rồi tôi mới chợt nhớ mình nằm điều trị sốt rét ác tính tại nơi đây cả tuần rồi còn gì, kể từ cái hôm di tản chiến thuật từ Kontum theo liên tỉnh lộ 7B, con đường đau khổ đã hằn in nhiều nỗi thống khổ của mọi người thời bấy giờ theo dòng người nối đuôi nhau dài ngoằng, thiếu thốn đủ mọi thứ, rồi chết chóc, thất lạc người thân v.v... một bức tranh thật buồn của những ngày tháng ba trên vùng cao nguyên này.
Bất chợt cô y tá người mà hằng ngày chăm sóc bệnh tình tôi qua từng chai nước biển, từng phần cơm, từng viên thuốc sốt rét đang vội vã đi ngang, tôi lên tiếng hỏi thăm:
- Chị ơi! có nghe tình hình gì không? Mà tôi thấy ngoài đường chộn rộn quá vậy?.
Cô y tá hớt hải trả lời:
- Anh lo dọn đồ đạc đi nhanh ra cầu Đá may ra còn kịp đón tàu cặp bến cho di tản, quân y viện này họ bỏ đi gần như trống trơn, mấy ổng bên kia nghe nói đến gần Nha Trang lắm rồi.
Tôi nghỉ trong lòng:
- Tình hình tồi tệ đến nữa rồi đây.
Tôi chợt nhớ mới tuần trước đây thôi, khi đoàn quân của tôi di tản còn cách cầu sông Ba chừng vài cây số, chúng tôi rải quân nằm lại chờ trời sáng mới bắt đầu đi tiếp. Trời đêm rừng núi xuống thật nhanh, cầm chiếc bi đông lắc nhẹ tôi nghe chỉ còn một ít nước, nếu không có nước thì đêm nay chưa chạm súng với địch có khi mình chết khát cũng không chừng, bổng đâu thằng Kết bạn thân thiết của tôi nó lù lù xuất hiện trước mắt khiến tôi giật mình:
- Trời, nãy giờ mày ở đâu, giờ bất chợt xuất hiện như ma vậy, bộ tính nhát cho tao chết chắc?.
Thằng Kết cười hiền nói với tôi:
- Đêm nay mà không có nước uống thì tao với mày thành ma chắc luôn khỏi cần ai nhát hết. Tao mới nghe mấy xếp nói phía trước cách nơi mình đang đứng non chừng cây số thôi có con sông con suối gì đó, tao với mày đi đến đó đi.
Đứng trước tình cảnh không còn con đường nào khác để tìm ra nguồn nước tôi đành làm theo lời thằng Kết, nhưng nghĩ đoạn đường từ nơi đóng quân tạm thời đêm ấy đến con suối nọ bao nhiêu bất trắc có thể đang chờ đón chúng tôi, nhưng có chết thì đàng nào cũng chết, nên tôi lấy cây đèn pile và khẩu súng, thằng Kết thì khoác trên vai một khẩu súng tay nó cầm gần cả chục cái bi đông được cột xỏ xâu lại mang đi cho tiện.
Dường như đất trời cũng ủng hộ chúng tôi, đêm ấy nhờ ánh trăng treo trên trời, tuy không sáng vằng vặc như đêm rằm nhưng ánh sáng lờ mờ cũng đủ soi sáng con đường nơi chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm sự sống, từ trong mé rừng rẽ ra ngoài mí lộ chúng tôi phải băng qua một khoảnh rừng rậm, may có la bàn hướng dẫn nên chúng tôi ra đến liên tỉnh lộ 7 B cũng không mấy khó khăn, vừa đặt chân lên con lộ chúng tôi thấy một đoàn gồm cả trăm mạng người, già trẻ trai gái trẻ con đủ hết đi đến gần chúng tôi, giật mình thằng Kết kéo cơ bẩm cây M16 chĩa vào đoàn người nó hét to:
- Đứng lại, ai đó đi đâu?
Tiếng người nhao nhao lên:
- Dân. Dân chúng không hà chú ơi, mấy chú là ai? Làm gì ở đây?.
Thằng Kết nghe mọi người hốt hoảng la to như thế, nó dịu giọng nói:
- Lính, lính đây, lính Sài gòn, bà con đi đâu đây?
- Mấy chú nói thiệt không? Mấy chú cho coi giấy tờ đi tụi tui mới tin.
Lúc này tôi và thằng Kết nhìn nhau hội ý, nhưng tôi cũng thấy tức cười với cái suy nghĩ:
"Ai đời Dân mà đi xét giấy tờ lính, người không có vũ khí bắt người có vũ khí trình giấy tờ"
- Nè chứng chỉ tại ngũ của tụi tui nè, chú kia chú lại đây coi đi.
Nghe thằng Kết mời xem giấy tờ, hai người đàn ông lớn tuổi đi đầu chạy nhanh đến, qua ánh đèn pile do tôi rọi, một ông đọc lướt qua thật nhanh rồi bỗng nhiên cả hai ông cùng oà vỡ mừng vui reo lên:
- Mình sống rồi bà con ơi... Mấy chú này đúng là lính Sài Gòn thứ thiệt rồi.
Tiếng reo hò bà con cô bác đúng gần đấy reo mừng khôn xiết, đợi cho đoàn người bớt phấn khích một ông vội xua tay ra hiệu cho đám đông im lặng rồi ông trịnh trọng nói:
- Hai chú em biết không, mấy ngày nay đoàn người di tản chúng tôi phải băng rừng vượt suối, đêm đi ngày nghĩ ,trên đường phát hiện có người vũ trang là tụi tui "chém vè" liền sợ gặp mấy ông phía bên kia không cho bà con di tản, may gặp mấy chú ở đây bà con mừng lắm.
Hai ông hỏi chúng tôi đi đây vào giờ này vì trời đã khuya ngoại trừ đoàn người mà chúng tôi gặp ở đây có cái không khí sôi động, chứ những nơi khác trong khu rừng này chỉ còn tiếng côn trùng rả rích, hoặc tiếng những con Nai, Mễn "tác" liên hồi trong đêm, hình như chúng đang mời gọi bạn tình tìm nhau trong một mùa trăng nơi vùng sơn lâm chướng khí hoang vu này.
Tôi nói với ông chúng tôi đi tìm nguồn nước, vì trên bản đồ không ảnh đã thể hiện một con suối ở gần đây thôi, và qua con suối này có một nhà thờ có thể bà con mình đến tá túc tại đây.
Nghe tôi nói vậy mấy người dân trong đoàn mừng rỡ ra mặt, và rồi tôi và thằng Kết làm hướng dẫn bắt đắc dĩ, dìu dắt và bảo vệ đoàn người này đi đến ngôi nhà thờ phía trước được an toàn, cứ thế đoàn người chúng tôi lầm lũi đi theo tỉnh lộ 7b mà mấy chục năm qua không một dấu chân người, có chăng là những du kích quân của phía bên kia cắt rừng đi ngang đây rồi lủi nhanh vào rừng vì đi trên đoạn đường này ban ngày dễ làm mồi cho những máy bay quan sát bay tít trên cao phát hiện.
Chừng ba mươi phút sau chúng tôi đến được con suối, nước trong veo mát rượi từ những khe đá chảy ra, mọi người ào xuống suối uống căng bụng bất chấp hậu quả xảy ra, chúng tôi cũng vậy trước mắt phải uống cho đã cơn khát, múc đầy những bi đông cho đồng đội, chuyện gì nếu có xảy ra sau này hẳn hay.
Chúng tôi tiếp tục đi thêm ba trăm thước nữa thì cái nhà thờ sừng sững hiện ra trên nền trời mờ sáng của ánh Trăng, sương đêm ướt lạnh cả đôi vai , gió núi quật từng cơn khiến đoàn người co ro, cây lá ven đường thì xào xạc khua vang, đến trước cổng nhà Thờ cha xứ ra tận ngõ đón đoàn người, cha lấy tay vuốt dầu các em nhỏ, ân cần thăm hỏi các cô bác lớn tuổi, và đoàn người lần lượt vào nhà thờ tá túc, bất chợt chúng tôi thấy ấm lòng vì đang trong hoàn cảnh ly loạn đầy khó khăn thế mà tôi với thằng Kết đã "Dũng cảm" đưa bà con đến nơi an toàn, chúng tôi định chào cha xứ và hai người đàn ông lớn tuổi trong đoàn để trở lại tiếp tục công việc nơi đơn vị đang đóng quân, cha xứ lên tiếng:
- Hai con thật dũng cảm, thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương con người, cha thay mặt đồng bào xin cảm kích tấm lòng chúng con, cầu xin chúa giúp hai con bình an, may mắn.
Tôi với thằng Kết rưng rưng xúc động, chưa kịp đáp từ lời cha xứ dạy, thì một bác lớn tuổi nắm lấy bàn tay tôi và thằng Kết, ông còn lại đặt vào lòng bàn tay hai đứa tôi những xấp tiền toàn là giấy bạc mệnh giá lớn có in hình của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Bất ngờ với thái độ trên của hai ông, chưa kịp phản ứng thì một ông nói;
- Hai chú nè, ở đời ông bà mình nói: "Thi ân bất cầu báo", nhưng hai chú rất có tấm lòng, bà con góp lại một ít gửi mấy chú ít tiền làm quà cho vui, mong hai chú nhận cho.
Tôi nháy mắt thằng Kết ngầm bảo nó không nên lấy tiền bạc của đồng bào, thằng Kết gom tiền lại và nhét vào túi áo một ông rồi nó nói:
- Bà con đang di tản khổ sở thế này, chúng cháu không dám nhận, xin ông trả lại cho đồng bào, không khéo chúng cháu phải ân hận suốt đời nếu lấy tiền này của đồng bào.
Dường như trong nghịch cảnh thì tâm hồn của mọi người đều có cách suy nghĩ và hành động giống nhau, tự dưng chúng tôi, Cha xứ, hai người đàn ông nọ nấc lên nghẹn ngào, rồi thì cha xứ lên tiếng với hai ông nọ:
- Hai anh lính này xử sự rất đúng mực, thôi hai bác cất tiền trả lại cho bà con đi, hai anh em trở về đơn vị kẻo muộn.
Trên đường quay lại đơn vị tôi và thằng Kết thật sự vui sướng trong lòng vì mình đã làm một việc tốt theo dúng câu dạy của người xưa:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Mấy hôm sau kể từ hôm đơn vị chúng tôi không tìm ra phương hướng khi cứ phải lòng vòng mãi trên một đỉnh núi rộng lớn, ở đây bạt ngàn những cây gỗ to hai ba người ôm không xuể, do nơi này bị từ trường trái đất nhiễu loạn làm cho la bàn không còn hoạt động như ý nữa, tuyệt vọng vô cùng vì lương thực và nước uống cạn đần, thời may trực thăng quan sát phát hiện đoàn chúng tôi họ đáp xuống và bốc chúng tôi ra ngay phi trường Động Tác của Tuy Hòa, cơn sốt rét trong người tôi bộc phát ngay lúc này, tôi được trực thăng chở thẳng một lèo vào quân y viện Nguyễn Huệ cho đến hôm phải tiếp tục làm người di tản tập 2 trong bộ phim nhiều tập "người di tản buồn".
Nhìn dãy giường trong phòng bệnh tôi thấy hình như mấy anh em nằm ở quanh tôi họ đã lặng lẽ rời nơi đây tự bao giờ, lúc bấy giờ tôi thật sự lúng túng, trong người thì còn rất ít tiền, lại ở một nơi lạ nước lạ cái không một người quen tôi không biết mình xoay xở ra sao, cuối cùng tôi cũng bấm bụng rời khỏi quân y Viện, tôi bước ra khỏi cổng trước khi theo đoàn người xuôi ngược kia, tôi chỉ kịp ngoái nhìn lại nơi đã dung dưỡng tôi trong tuần vừa qua, Tôi chợt nghĩ trong tình hình này ở trong quân y viện ít ra cũng có cái tâm lý được che chở an toàn trong mọi tình huống, một khi bước chân khỏi nơi ấy xem như tôi đứt liên lạc với đơn vị, với người thân ở Sài Gòn.
Tôi hòa vào dòng người đang trên đường, tôi mất phương hướng vì không biết mình sẽ đi đâu về đâu với tình hình hỗn loạn này, chợt thấy một ông cụ già đang bước đi khó nhọc, tôi đến gần và hỏi thăm:
- Dạ chào cụ ạ, cho cháu hỏi thăm đường nào ra Cầu Đá Nha Trang vậy hả cụ?.
Ông ngước mắt nhìn tôi rồi hỏi:
- Cậu theo hướng đó, cứ đi khắc sẽ đến. À mà cậu chắc mới đến đây lần đầu phải không? Loạn lạc triền miên, người khắp nơi đổ về đây khiến thành phố thêm chật chội ngột ngạt. Thế cậu đến Cầu Đá làm gì?.
Tôi thuật lại cho ông biết tình trạng "tứ cố vô thân" ở vùng đất mình đang hiện diện, nghe xong ông chặc lưỡi và ôn tồn nói với tôi:
- Cậu theo tôi đến nhà tôi tá túc tạm thời ngày mai hoặc ngày mốt cậu hẳn đi, vì giờ này dưới cảng Cầu Đá người đông nghịt, con nước này tàu bè chưa thể vào được đâu, cậu cứ nghe tôi không việc gì phải sợ.
Như một kẻ đắm tàu đang lênh đênh ngụp lặn trong biển cả mênh mông, gặp ông cụ có tấm lòng nhân hậu này tôi như vớ được chiếc phao khi mình sắp chìm sâu trong lòng biển cả, vui mừng tôi nắm chặt tay ông rồi nói:
- Dạ con cám ơn ông, sau này khi nào đất nước hết cơn binh lửa, con sẽ nhất định tìm lại thăm ông.
Một già một trẻ, tôi và cụ dìu nhau về đến nhà cụ cách đấy không xa, nhà cụ nằm cách bãi biển bởi một con đường, hàng phi lao được trồng dọc dài theo bờ biển, những ngọn gió mát mang mùi của biển mặn thỉnh thoảng thổi nhẹ vào bờ, nơi đây nằm ở một góc khuất cuối con đường nên không gian thật yên tĩnh, tôi lấy lại tinh thần từ khi gặp cụ già này, ngồi trước sân nhà ông trên chiếc ghế đá cạnh hàng liễu rũ, một hòn non bộ nước róc rách chảy từ các khe của ngọn giả sơn, bên dưới một đàn cá đủ màu tung tăng bơi lội bên những nhánh rong xanh um, quan sát chúng sống nô đùa bên nhau khiến tôi chợt thèm cái không khí gia đình của mình thuở nào, cái không khí yên bình đó đã không còn trong tôi kể từ khi bước chân vào quân ngũ cho đến tận lúc bấy giờ...
- Nè cậu em, tôi pha cho cậu ly cà phê nóng đây, còn cái này tôi nghĩ cậu ăn tạm cho qua cơn đói.
Đang thả hồn theo cuộc sống thong dong của bầy cá, thì tiếng cụ già đã đưa tôi trở về thực tại, nhìn ly cà phê bốc khói thơm tho, nhìn ổ Bánh mì thịt jambon to tướng khiến ruột gan tôi cảm nhận được cơn đói đang cồn cào trong tôi, nhìn ông cụ trên gương mặt nhăn nheo của ông đang ngời lên một niềm vui vì cụ đang dang tay cứu lấy một con người, lúc này tôi mới chợt nhớ lại cái hôm tôi với thằng Kết làm "Hiệp sĩ giữa rừng xanh" đưa đoàn người đến cái nhà thờ đêm ấy, tôi nghỉ tâm trạng của ông cụ chắc hẳn là nó không khác với tâm trạng của hai đứa tôi đêm đó.
- Dạ con cám ơn, cụ thật chu đáo đã cho con ở nhờ còn cho con ăn uống nữa.
Không khách sáo cụ thúc giục tôi:
- Chẳng có gì ơn với nghĩa cậu ơi, mình là đồng bào với nhau thôi mà, tôi giúp cậu thì sau này tôi cơ nhỡ thì người khác giúp tôi thôi, ở đời mà cậu. Thôi cậu ăn đi cho đỡ đói 
Tôi ăn ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn, thú thật trong cơn hoạn nạn thì ổ bánh mì hôm ấy đối với tôi nó quý như vàng, nó vừa giúp tôi qua cơn đói rã rời nó vừa cho tôi nhận biết được cái tình người chân thật nơi ông cụ, cái mùi hương của ly cà phê và mùi của ổ bánh mì nọ nó vẫn còn thoang thoảng trong tôi mãi đến tận bây giờ.
- Chào chú ạ!
Vừa hớp một ngụm cà phê, chợt sau lưng tôi một giọng nói trong trẻo vang lên, tôi ngoái nhìn lại một cô bé tuổi trăng tròn đang khép nép đứng bên cụ và khoanh tay chào tôi, chưa kịp đáp lời thì cụ đã lên tiếng:
- A. Ha đây là cháu Trang, cháu ngoại của tôi đó chú, cháu học giỏi lắm nha cậu.
Tôi khẻ gật đầu chào cô bé, rồi buộc miệng hỏi:
- Em tên Trang à, mà Trang Gì mới được chứ. Chẳng hạn như Thanh Trang, Huyền Trang.
- Dạ ba mẹ đặt cho cháu Tên Nguyễn Thị Nha Trang đó chú.
Nghe cô bé giới thiệu cái tên thật đặc biệt của mình, sở dĩ tôi dùng từ đặc biệt là bởi cô bé Nha Trang này đang là cư dân của thành phố Nha Trang đẹp tuyệt trần này, sau này có dịp nhìn Diện mạo tổng quát thành phố biển xanh cát trắng này từ trên phi cơ tôi phải buột miệng:
"Nha Trang ơi, sao "em" đẹp lạ thường, cái đẹp thật hồn nhiên của hàng dừa cao xanh biếc, quyện gió trời sóng biển nhảy tung tăng, bờ cát trắng trinh nguyên như tính tình con gái, khiến hồn tôi xao xuyến khi nhìn "em" đang tuổi xuân thì".
Tôi vội khen nịnh:
- Tôi phải công nhận ba mẹ em hay thật khi lấy tên thành phố thân yêu này đặt cho em, như muốn gửi gấm vào đấy cái tình yêu nồng nàn với quê hương của mình đất với biển nơi này.
Nha Trang e Thẹn đưa mắt hỏi dò tôi:
- Chú ơi! Chú Tên gì vậy? chú là lính gì vậy? Cháu thấy nhiều chú có quân phục giống y hệt chú hồi cháu về Dục Mỹ chơi với mấy đứa bạn , thôi cháu biết rồi chú là... là... Lính...
Tôi cướp lời cô gái:
- Là... lính... Biệt động quân cháu ơi. Chú Tên Hung... Huyền đó cháu.
- Ủa chú con trai sao tên Huyền, vì tên Huyền dành cho con gái không hà chú ơi, chú hổng thấy cô ca sĩ Mai lệ Huyền hát nhạc giật gân với chú Hùng Cường đó hay sao, chú mà tên Huyền chắc nhiều cô ghẹo chú lắm đa.
Tôi cười ngất, khiến ông ngoại của Nha Trang cũng cười theo:
- Ai nói với em là tôi tên Huyền?
- Thì chú mới nói thất thì chứ đâu? Chú Nói Hung... Huyền... í chết cháu xin lỗi chú Tên Hùng chứ gì, tại cháu nghe không kỹ, mà chú cũng cắc cớ thiệt nha, còn Ngoại nữa vậy mà cũng cười.
Khi biết tôi là người lính mũ nâu đôi mắt Nha Trang vui lên nhưng rồi đôi mắt Nha Trang dường như mang một nỗi buồn xa xăm nào đó, cô bé cười rồi kể cho tôi nghe câu chuyện của cô bé...
- Chú biết không, cách đây hai năm hè năm ấy...
- Nha Trang... Nha Trang kìa anh Quân của mình đang ra khỏi cổng kìa, bà thấy mặt ổng bà "mết" liền cho coi.
- Xí, ở quân trường Dục Mỹ thiếu gì anh lính đẹp trai, chắc gì anh bà bằng họ không, nhưng để tui coi nếu ông Quân mà bô trai thì tui OK liền... ha ha...
Nha Trang và Hạnh Nhi đôi bạn học thân thiết, giờ họ đang có những ngày hè ở Dục Mỹ quê nhà của Hanh Nhi, ngày chủ nhật nọ hai cô đến Quân Trường Dục Mỹ để thăm người anh của Hạnh Nhi, người mà nôn nao trong lòng hôm ấy không ai ngoài cô bé Hạnh Nhi, thấy anh mình cũng gần quá lứa mà chưa có mảnh tình vắt vai nên cô đã cố gán ghép Nha Trang cho Quân, hai cô trau đổi với nhau nhiều về anh chàng này, hôm nay Nha Trang mới có dịp nhìn tận mặt người mà bà "mai" Hạnh Nhi muốn tìm cho mình cái đầu heo do công mai mối.
- Cha ơi, dữ không hôm nay mới đến thăm anh, à đây là Nha Trang phải không, anh chào hai em. Mình vào quán nước bên đường nhé.
Nhìn nhân dáng Quân người săn chắc đen giòn bởi nắng gió của vùng rừng núi nơi này, cách ăn nói chững chạc lịch sự khiến cho Nha Trang có cảm tình ngay từ cái buổi đầu tiên ấy, cái câu của thi sĩ nào đã nói thay tâm trạng Nha Trang:
"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên".
Từ khi gặp nhau Nha Trang và Quân yêu nhau thật lòng, ba mẹ Nha Trang cũng thuận lòng khi Nha Trang ăn học thành tài thì Quân sẽ là rể Đông Sàng của nhà mình.
Chiến trường quân khu 2 bổng dưng sục sôi trở lại, hai bên chạm súng liên tục, Quân thôi không còn làm huấn luyện viên của Quân trường nữa, anh nhận sự vụ lệnh làm đại đôi trưởng của một tiểu đoàn Biên Phòng, chưa một lần về phép thăm lại người yêu. Quân đã vĩnh viễn nằm lại miền Kon Tum đầy nắng gió, Tin dữ bay về Nha Trang, cô Bé Nha Trang cùng Hạnh Nhi bay lên Kon Tum nhìn lần cuối một nấm mộ buồn của Quân nằm cạnh buôn Làng người dân tộc.
Đã qua ngày thứ hai tôi vẫn chưa rời khỏi Thành Phố này, trong lòng tôi nôn nóng, cứ dò hỏi tình hình nhưng ông Bảy, cụ già đang cưu mang mình vẫn trả lời một cách từ tốn.
- Chưa có Tàu cặp bến chú Hùng ơi, kệ nó chú ở đây với tui, có buồn thì cháu Nha Trang dẫn chú ra biển trước nhà hóng mát, tui dặn mấy đứa cháu ở Cầu Đá rồi, hể có rục rịch thì mấy đứa về đưa chú đi ngay.
Nghe ông Bảy nói tôi cũng tạm an lòng, đêm ấy ánh trăng mười sáu đẹp mê hồn, trồi lên từ dưới nước, trăng nhanh chóng trèo lên cao, thấy tôi ngồi buồn buồn Nha Trang lắc vai tôi và nói:
- Chú Hùng nè, chú thấy trăng Nha Trang đẹp không, chú cháu mình dạo mát bờ biển đi chú, ra đó cháu nghỉ chú sẽ vơi bớt nỗi buồn ngay.
- Ừ thì đi, nhưng em nhớ mang áo khoác vào kẻo lạnh.
- Không cần đâu chú, Nha Trang quen rồi, chỉ sợ chú thôi chú còn đang bệnh mà.
Nếu cô bé không nhắc thì tôi cũng quên phức mình bị con ma sốt rét đang hành hạ, khoác chiếc áo do ông Bảy trao cho, tôi và Nha Trang đi nhanh về phía Biển...
Đi dạo dọc bờ biển, gió từ ngoài khơi từng đợt thổi ùa vào, thỉnh thoảng những đợt sóng dài chạy nhanh vào bờ, tôi thấy rõ từng vỏ ốc trồi hẳn lên mặt cát sau những cơn sóng rút xa bờ, rồi những lâu đài các của bọn dã tràng cũng tan biến sau từng cơn sóng vỗ. Chọn một nơi khô ráo cách mép nước không xa lắm, tôi và Nha Trang ngồi nhìn mông lung ra biển, sóng vẫn lăn tăn chạy từ ngoài khơi vào, ánh trăng sáng phản chiếu bàng bạc xuống mặt biển một cảnh đẹp mà lâu lắm rồi tôi chưa bao giờ gặp lại, nhìn xa ra ngoài khơi vài chiếc tàu chở hàng neo đậu đèn trên boong sáng trưng:
- Chú Hùng này, chú có người yêu chưa vậy? Nha Trang thấy chú Chẳng vui bao giờ, bộ chú thất tình ai hả?
Tôi thôi thả hồn về cỏi mông lung, trả lời cô gái trẻ tôi nói:
- Người yêu hả? Có mà cũng như không, gì mà "Thất" tình, tôi có "cửu" hoặc "thập" tình rồi chứ thất thì nhằm nhò gì, mà em hỏi chi vậy?.
Đôi tay mềm mại của Nha Trang vốc từng nắm cát trắng thật chặt nhưng nào giữ được trong tay, cát tuôn theo từng kẽ ngón tay, cát vuột khỏi tay em như em đã vuột mối tình thật đẹp với Quân, hết vốc cát nọ Nha Trang lại vốc tiếp nắm cát khác rồi cầm chặt tay lại dường như em muốn nắm bắt một điều gì, em nói với tôi:
- Nha Trang hỏi vậy thôi, nay mai trở về Sài gòn rồi chú có bao giờ nhớ đến Nha Trang không?
Tôi hơi bất ngờ câu hỏi cô bé đặt ra cho mình, tôi công nhận cô bé Nha Trang này thông minh sắc sảo, cách đặt câu hỏi rất khéo, tôi nghỉ cô bé thừa biết tôi có câu trả lời như thế nào rồi, dĩ nhiên khi rời xa nơi đây chắc tôi chẳng thể nào quên Nha Trang, một người con gái có cái tên Nha Trang và Thành Phố Nha Trang yêu dấu này:
- Tôi nhớ cả hai.
Cô bé mỉm cười lộ chiếc răng khểnh thật duyên dáng, rồi cố bắt bí tôi:
- Chú Hung... Huyền nói vậy là sao?
- Thì cả Hai, thành Phố Nha Trang và cô bé Nha Trang này nè. Mà quên nữa cả ba mới phải, còn Ông Bảy Ngoại em nữa chứ
Nha Trang vui sướng reo lên:
- Chú mà quên Ngoại của Nha Trang là Nha Trang nghỉ chơi chú luôn. Hi... hi.
Tôi và Nha Trang đang miên man suy nghỉ theo cái ý của mình, bỗng đâu từ phía đàng xa tiếng súng nổ và ánh lửa trên nòng súng lập lòe, Theo phản xạ tôi nhào người đè Nha Trang nằm rạp xuống cát để tránh đạn, do lố đà Tôi vô tình đặt một nụ hôn lên gò má của Nha Trang, tôi ôm chặt em vào lòng như che chở làn đạn vô tình kia, Nha Trang thì hốt hoảng nhưng cũng nhận ra nụ hôn ngộ nghĩnh của tôi, em nói:
- Cảm ơn Anh đã che chở cho em, mình nằm đây chút nữa đi anh.
Tôi chưa kịp trả lời, thì nghe phía bên đường vang tiếng gọi của ông Bảy:
- Trang ơi! chú Hùng ơi! Về ngay nguy hiểm lắm.
Tôi tiếc nuối cái hơi ấm của Nha Trang chưa sưởi ấm lòng mình mà phải trở vô nhà, tôi dìu Nha Trang đứng dậy, phủi cát cho sạch người, hai đứa tôi vụt chạy nhanh vào nhà, đàng xa vẫn nhiều tiếng súng nổ...
Đang nằm mơ màng trên chiếc võng, tôi nghe ông Bảy lay nhẹ, ông nói:
- Chú Hùng, dậy đi tàu Hải quân cập cầu Đá rồi, nhanh lên chú mấy đứa đưa chú đi ngay, về trỏng rồi nhớ thư từ ra cho tui nha, gửi lời thăm cả nhà chú.
Chuẩn bị xong tôi ngó quanh vào trong nhà, như hiểu ý ông Bảy nói:
- Nha Trang nó còn ngủ, lúc nãy súng nổ cháu rất sợ, may mà có chú nếu không thì...
Ông bảy bỏ dở câu nói, tôi nghe giọng ông nghèn nghẹn, tôi hiểu ý ông Bảy không muốn Nha Trang ra tiễn biệt tôi vì ông không muốn Cháu ông lại mang thêm một nỗi buồn nữa kể từ khi Quân đi xa.
- Con cám ơn ông Bảy, nhất định con sẽ trở lại Nha Trang thăm mọi người. Ông cho con gửi lời thăm cô Nha Trang ông nhé.
Tôi ngồi sau lưng người cháu trai ông bảy, anh này lái chiếc Honda 67 chạy thật nhanh, trên đường đi anh cho tôi biết, cuộc nổ súng lúc đầu hôm do đám người xa lạ ở đâu đến cướp, họ bị bắn hạ một người khiến đám còn lại hoảng vía dông mất biệt. Chẳng mấy chốc Cảng Cầu Đá hiện ra, tôi ước chừng tập trung nơi này gần cả ngàn người đủ thành phần. Cảm ơn người cháu ông Bảy tôi bắt đầu tìm cách lên boong tàu, chen lấn rất vất vả qua bao lớp người ken dày đặc, không ít lần dưới chân tôi dẫm phải xác những em nhỏ nằm chết ngạt cứ mỗi lần dẫm phải ruột gan tôi như cồn cào, cảm giác tội lỗi giống như chính mình gây nên cái chết của các em.
Khi đến sát mép bờ đá do Tàu không thể cập sát mà phải đậu cách hơi xa, muốn lên tàu phải có người phía trên nắm tay rồi chân mình phải đạp trúng sợi dây cáp căng ngang phía dưới thì mới có cơ may lên được boong tàu, thiếu một trong hai yếu tố này thì không thể lên boong được, người từ phía sau lưng cứ đẩy tới, rất nhiều người bị lấn lọt khe giữa Tàu và bờ coi như một đi không trở lại, đến khi lên được boong tàu tôi mới tin mình còn sống...
Khoảng 4 h sáng tàu nhổ neo, chúng tôi chen chúc trên boong như những lũ cá mòi được xếp lộn xộn trong cái hộp , mặc dù tàu chạy ra ngoài khơi khá xa gió mạnh mà vẫn không xua được cái hơi của cả ngàn sinh linh trong cái không gian nhỏ bé của boong tàu ...
Miền nam buông súng, mọi cái mới mẻ xa lạ áp đặt vào , rồi dần dà mọi người cũng phải làm, phải ăn phải sống. Lần nọ có dịp đi theo đoàn khảo sát tour du lịch Sài gòn Nha Trang Đà Lạt, tôi Trở lại Nha Trang vào buổi chiều nọ, khi đã làm việc với du lịch Khánh Hòa xong xuôi, tôi nhờ anh Tài xế chở mình lại nơi con đường ngày xưa nơi ông Bảy đã dang tay cứu mạng, khi đến nơi tôi sững sờ căn nhà có hàng liễu rũ không còn nữa, nó biến mất tự bao giờ, tôi nghĩ mình bị lầm mà còn liên tưởng chuyện Từ Thức lên tiên, khi về trần xong Từ Thức quay lại đường cũ đễ gặp Giáng Hương thì đường mây đã bít lối, tôi cứ ngỡ mình đang ở trong một giấc mơ, khi hỏi lại người chung quanh thì họ cho biết gia đình ông Bảy đi vùng kinh tế mới nào đó và mất liên lạc kể từ đó.
Kỷ niệm xưa ùa về hình bóng Nha Trang ngồi nơi mép biển ngày nào vẫn còn trong trí nhớ của tôi, vẫn còn đấy những vỏ ốc nằm chõng chơ nằm trên cát, vẫn nhiều chú dã tràng se cát xây lên những lâu đài để rồi sóng biển vô tình xóa đi công sức của chúng, bất giác tôi nghĩ mình cũng giống chú dã tràng kia, tôi chưa xây được lâu đài mà người ơn của tôi đã bị quét khỏi vùng biển mặn này, Nguyễn Thị Nha Trang em ơi, giờ đây chỉ còn mình anh ngồi trên biển vắng vốc cát đầy tay rồi nhìn nó tay chảy qua khe kẽ tay, như anh đã mất dấu của Nha Trang từ đây.
30/3/2012
Hai Hùng SG
Theo https://www.rongmotamhon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...