Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Hà Nội cung đàn xưa thương nhớ

Hà Nội cung đàn xưa thương nhớ

Hà Nội ơi! Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ. Cung đàn xưa thương nhớ thao thiết gọi ký ức thẳm sâu của biết bao con người đã từng đến và đi, đã từng sống ở Hà Nội, dù một ngày, một giờ, cũng để lại niềm khắc khoải thương nhớ khôn nguôi.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Bạn là ai? Người Pháp, người Tàu, người Bắc Nam, đồng bằng Nam Định, Thái Bình, xuôi ngược, núi rừng sông biển Tây Bắc, Sơn La, Phan Thiết, Sài Gòn…
Hà Nội ơi! Chỉ cần gọi thầm hai tiếng “Hà Nội” cũng mềm đôi môi, xao xuyến trái tim, mắt rơm rớm lệ.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Biết bao người đã nhớ Hà Nội như nhớ người yêu, năm tháng càng thêm nặng nghĩa tình.
Hà Nội ơi! Ngày xưa ai đã đặt tên Hà Nội?
Danh xưng Hà Nội xuất hiện các đây chừng 170 năm. Năm 1831 vua Minh Mạng ở kinh đô Phú Xuân - Huế đã biến Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Ông nhìn địa thế đất nước sông nơi này mà gọi tên “Hà Nội”. Thành phố Hà Nội nằm bên trong con sông Nhĩ Hà. Một phần kiến trúc kinh thành Thăng Long đã được đưa vào cung điện Huế. Thành Hà Nội năm 1888 trở thành một “thành phố nhượng địa” của Pháp.
Cho dù 143 năm kinh đô rời vào Huế, nhưng Hà Nội vẫn giữ nguyên dáng kinh thành Thăng Long nghìn tuổi. Di tích Thành cổ Hà Nội rạng rỡ soi lịch sử Quốc đô Thăng Long. Nghìn năm sau, tòa thành đồ sộ, cung điện, lầu son gác tía trong khu Hoàng thành đã mất. Song khối di tích và hiện vật khai quật đã tái hiện kinh thành Thăng Long kiêu sa một thuở và phát triển như “Rồng bay”, bay suốt cả nghìn năm. Nơi đây là núi Nùng có đền thờ thần Hoàng làng Hà Nội cổ được vua Lý Công Uẩn chọn xây Điện Càn Nguyên, Thiên An. Điện Kính Thiên thời Lê cuối thế kỷ XIX vẫn sừng sững thách đố thời gian và thử thách lòng người.
Ngày nay vào Hoàng thành, ta rưng rưng trước thềm đá với đôi rồng đá bậc thềm điện Kính Thiên thế kỷ XV, còn ấm hơi bàn tay người thợ chạm nét hoa văn mây trời vần vũ, cảm thấu lòng cha ông, đã nồi hồn mình cùng vũ trụ, gửi thông điệp nghìn năm cho con cháu.
Nhiều lần cùng sinh viên Đại học Thăng Long dạo thăm Hoàng Thành, nghiêng mình trước anh linh các đức vua Lý, Trần, Lê… tôi ước mơ. Ước gì chúng ta đủ sức mạnh tình yêu, đập ngôi nhà con rồng thực dân Pháp đã xây trên nền điện Kính Thiên. Xây lại ngôi điện Kính Thiên của cha ông, mới biến mất hơn trăm năm nay.
Ngôi điện Kinh Thiên linh thiêng và uy nghi đẫm hồn cha ông bây giờ xây lại quá dễ dàng. Đó là ngôi nhà rường đồng quê Việt, nhiều cột gỗ, ngói và đất nung, mọi chi tiết và mẫu hình của nó, chúng ta còn giữ được. Xây lại điện Kính Thiên, nối hồn người Thăng Long - Hà Nội nghìn năm trước và hiện tại, sẽ hòa chung hồn Tổ tiên, cha ông, con cháu, truyền sức mạnh tâm linh, cân bằng Âm - Dương.
Anh linh xưa đòi trả lại không gian kiến trúc cung điện nghìn năm trước, hiện về giấc mơ tôi. Trăn trở bên thềm đôi rồng đá, trái tim tôi rung lên niềm mơ ước ấy.
Ước mơ này không khó đối với một quốc gia, một Thủ đô, tự hào nghìn năm tuổi. Người Pháp vốn yêu nghệ thuật kiến trúc nhân loại cổ xưa. Họ đã giữ được rất nhiều cung điện và kiến trúc đẹp của ông cha họ trên đất Pháp. Mà bọn thực dân Pháp này, dám đạp đổ điện Kính Thiên gần một nghìn năm tuổi. Tội ác này chẳng thể tha. Cho nên mình phá nhà con rồng là phải đạo.
Thực dân pháp chiếm thành Hà Nội. Hận thiên thu hằn trong đôi mắt Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Hai ông đã tuẫn tiết vì không giữ nổi một Hà Nội yêu thương.
Hà Nội dưới ách đô hộ thực dân Pháp. Đau thương và chuyển mình mạnh mẽ. Người Pháp chiếm Hà Nội, đầy thực dụng. Họ đã xây dựng một Hà Nội trong dáng kiến trúc Paris để hưởng thụ, đã tạo ra một Hà Nội đầu thế kỷ XX như tranh, như thơ, sống mãi trong ký ức người Hà Nội và cả những người Pháp đã thua trận. Rời xa Hà Nội, họ không bao giờ quên một Hà Nội như đẹp như mơ. Họ giữ mãi trong ký ức…
Mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, nhà sưu tập ảnh người Pháp Philippe Chaplain đã cùng Tạp chí Xưa và Nay và Thư viện Hà Nội tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa”.
Hàng trăm bức ảnh đen trắng đã được rất nhiều người yêu Hà Nội chụp từ ngày xưa ấy, sắc nét, rành mạch, thơm cỏ cây hoa lá Hà Thành, đậm bóng hình bao lớp người Hà Nội tài hoa thanh lịch, đã trôi về hư vô. Để lại sau lưng “Thềm nắng lá rơi đầy”.
Hà Nội lá rơi. Hà Nội mưa rơi. Hà Nội tơi bời thương nhớ.
Người Hà Nội nay, xao xuyến tìm về cung đàn xưa dâng đầy nhạc và thơ, một đi không trở lại, cùng những bức ảnh này.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Không gian Hà Nội xưa với kiến trúc Pháp hiện về, và hình bóng con người Hà Nội hiền hòa, hồn quê chân chất ngày xưa ấy, se sắt trái tim ta.
Băm sáu phố phường thân thương hiền dịu, được người Pháp dựng xây những công trình văn hóa nghệ thuật, tượng đài, vườn hoa, bảo tàng… Nhà hát lớn xây 1900-1911 một kiến trúc “Opéra Paris” hiện giữa Hà Nội, là niềm tự hào của người Pháp.
Người ta bảo: “Khi chiếm được vùng đất mới, người Tây Ban Nha xây nhà tù, người Ý xây nhà thờ, người Anh xây ngân hàng, người Pháp xây nhà hát”.
Hệ thống tượng đài vườn hoa bên cạnh những ngôi chùa cổ, làm cho Hà Nội trở nên tao nhã, kết nối cổ kim Đông Tây. Tượng  Bà Công lý, dân gọi “Bà đầm xòe” là tượng Nữ Thần Tự do thu nhỏ trên một góc vườn hoa Hà Nội. Tượng Nữ Thần Tự Do - món quà vô giá nhân dân Pháp gửi tặng nhân dân Mỹ, đặt sừng sững ở hòn đảo Tự do New York là biểu tượng chung của nhân loại, ai một lần được chiêm ngưỡng suốt đời không quên. Vậy mà, nó xuất hiện nơi góc phố Hà Nội.
Tiếng tàu điện leng keng vòng quang băm sáu phố phường như một nốt nhạc rộn ràng. Người Hà Nội đón nhận văn minh Pháp trong tâm trạng hồn nhiên:
“Người Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Người Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba”
Hà Nôi ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Những bức ảnh “Băm sáu phố phường” trong cảnh đời thường sinh động như cuộc sống từng diễn ra nơi đây. Tranh Hàng Trống, Chợ Đồng Xuân nhấp nhô một rừng đào hoa ngày Tết, Phố Hàng Khoai, Hàng Lược, Mã Mây, Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Đường, Hàng Buồm, nón trắng, nón quai thao, những chàng khăn xếp áo the, nàng yếm trắng vai trần, quần đen, bán mua, dạo phố, những gánh hàng hoa thiếu nữ dáng kiều…
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Mỗi con phố như ô bàn cờ, những mái nhà san sát hai tầng, bóng cây trùm mát rượi, nối nhau ra Hồ Gươm: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Mành, Bảo Khánh… Nay phố Bảo Khánh như vẫn êm đềm nét nhạc xưa, tiếng dương cầm rơi nhẹ, nâng tiếng hát của nàng:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ, trong mưa thu, ai khóc ai than thở
Này con chim non, chíu chíp kêu trên cành như nhủ trời xanh…”
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Mỗi con phố mang tên một thứ hàng. Phố Hàng Mắm thơm mùi cá khô nước mắm miền biển đổ về. Phố Lò Rèn con trai cởi trần thổi bễ. Nàng mặc yếm trần phơi lưng ong, ngực nõn nường, đứng phụ giúp các chàng thật nên thơ. Các chàng và nàng dâng tấm thân trong trẻo của mình cùng lao động phố. Ngây ngô và thanh sạch. Thánh thiện và tự nhiên.
Phố Hàng Tre, nứa tre san sát. Phố Hàng Bạc sầm uất, đông vui. Phố Hàng Đào bán tơ lụa từ đời Trần, nay thêm nao nức bóng ông Tây bà đầm.
Phố Đinh Tiên Hoàng, Hồ Gươm, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, cây lộc vừng chín gốc dáng mảnh mai thiếu nữ, Phố Hàng Khay chạm khảm tinh tế màu trai ốc, sáng bảy sắc cầu vồng…
Cho dù có xây dựng kiến trúc Pháp, nhưng nét dáng phố cổ xưa “Băm sáu phố phường” với những hàng nghề vẫn được giữ nguyên sự sống, sinh hoạt, buôn bán, nghề hàng, vui chơi, ăn uống,  thờ phụng đình chùa đền miếu ngàn xưa.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Những bức ảnh hiện lên gương mặt thiếu nữ Hà Nội, ám ảnh nhớ thương muôn đời “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Những nàng gương mặt tròn, hai má bầu bĩnh, đôi mắt to, môi trầu cắn chỉ, mái tóc đen dày, vấn trần, ngôi thẳng giữa, đuôi gà hồn hậu, thánh thiện, ngây thơ, chân thành, giản dị, khiêm nhường, chăm chỉ, nết na…
Người ta đã đi tìm cuối đất cùng trời, không thấy bóng hình phụ nữ kiểu cách Hà Nội ấy. Mùa hè, các nàng mặc yếm trắng tơ lụa. Cái yếm hình lá trầu đủ che ngang bộ ngực, cánh tay trần, vai trần, lưng trần thắt đáy, váy đen thả dài. Các nàng bước đi thướt tha như ánh sáng. Nửa thân trên nõn nường “Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong”. Không một bức tranh nude của họa sĩ tài năng nào sánh kịp hình ảnh phụ nữ đời thường Hà Nội thánh thiện đầu thế kỷ XX.
Chẳng hiểu lý do gì mà chưa đầy trăm năm, chưa kết thúc một đời người, mà nét đẹp sang trọng, hồn nhiên, thoáng đẹp, nõn nường của thiếu nữ Hà Thành biến mất. Để có một thời phụ nữ thanh lịch Hà Nội phải kín đáo che đậy quá mức làm mất vẻ đẹp cơ thể tự nhiên dân dã Trời ban. Rồi những năm 1990, phụ nữ Hà Nội ra đường mặc váy tưng bừng, thay bộ áo quần xám xịt. Chiếc váy ngắn, dài nhiều kiểu dáng làm gương mặt chị em trẻ tươi, hạnh phúc.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Bao nhiêu người đẹp tài năng, bao nhiêu ngôi nhà, khu vườn, bóng cây, con đường trải đầy hoa lá, tượng đài, bức họa, công trình kiến trúc đẹp của Hà Nội xưa, nay biến cùng năm tháng. Nuối tiếc cũng chẳng thể nào giữ lại. Thương nhớ cũng đành chấp nhận chia ly. Đau đớn cũng đành lòng vậy. Cầm lòng vậy. Đó là cuộc đời. Chỉ biết rằng giây phút này đây, người Hà Nội thế kỷ XXI, còn có những bức ảnh này để mà hoài niệm, để hiểu biết và nhớ thương, cho lòng mình thêm giây phút ấm. Kết nối hồn xưa “Linh thiêng - Hào hoa”. Để hồn ta rung lên tiếng hát thầm trong tim:
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Cảm xúc về cái đẹp một đi không trở lại của Hà Nội xưa khiến lòng ta day dứt. Lẽ vô thường bãi bể nương dâu. Cuộc sống trôi đi. Đời người trôi đi. Hết lớp này đến lớp khác. Như sóng bạc đầu. Như dã tràng xe cát… Dựng xây và biến mất. Không thể giữ lại. Dù hiền tài có cố gắng đến bao nhiêu, cũng không thể giữ nổi.
Con người đành bám vào nghệ thuật. Những loại hình nghệ thuật của nhân loại đã ghi lại cái Đẹp một thời, truyền thế hệ sau, gợi về ký ức sự sống đã qua. Tiếc rằng những nghệ sĩ bao đời nay của thế gian, như kẻ lạc loài, “kẻ dở hơi”, “người điên”, “lũ chán đời”, “ngây dại”. Họ một mình, âm thầm và nhẫn nại, lánh đời vật chất, sáng tạo nghệ thuật im lìm, lặng lẽ, cô đơn, suy tư, trăn trở, buồn vui, cùng cái Đẹp, mong giải tỏa hồn mình, hồn người.
Một loại người nghệ sĩ như vậy đời nào cũng có. Số phận đã định sẵn. Họ chấp nhận không tính dại, tính khôn. Đời sau, nhờ nghệ thuật sống lại ký ức về cái Đẹp, sẽ tri ân người nghệ sĩ, như tôi từng tri ân Nguyễn Bính nhớ Huyền Trân:
Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân
Ta viết thơ này gửi cố nhân
Năm mới tháng Giêng mồng Một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Thương nhớ hết đời này qua đời khác. Từ Thăng Long đến Hà Nội. Vẫn một niềm thương nhớ đó thôi. Nhớ cảnh thêm đau đáu nhớ người. Thương nhớ Huyền Trân lòng nhỏ lệ. Người Hà Nội biết bao giờ hết thương nhớ Huyền Trân?
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ.
Tôi không thể nào quên được Ngày lễ Tình yêu năm 2000, tại Thủ đô Washington D.C, người ta tới tấp tặng nhau năm triệu bông Hồng cho Tình yêu thắp lửa.
Riêng tôi sững sờ rớm lệ. Buổi sáng. Ngày lễ Tình yêu trong một quán ăn Sài Gòn trên một con phố nhỏ của Washington D.C, tôi bỗng nghe tiếng hát vang nhè nhẹ từ máy thu thanh:
“Không gian trầm lắng như muôn tiếng tơ
Muốn nói cùng em muôn lời trìu mến
Yêu em anh đánh cung đàn đầy vơi
Hẹn em từ muôn kiếp trước trước
Nhớ em tới thuở bạc đầu
Anh vẫn âu sầu cùng đường tơ vương vấn…”
Bài hát “Dư âm” như có luồng điện sinh học tràn trong tôi, ấm Tình yêu. Ngày Tình yêu ở nửa Tây bán cầu tuyết lạnh, tôi vẫn nghe được cung đàn trái tim Việt Nam rung lên, truyền cho tôi Tình yêu, sức sống, để tôi cảm nhận rằng Thủ đô Washington không xa lạ. Tình người Việt Nam máu đỏ da vàng quấn quyện bên nhau, góc bể chân trời, yêu thương nhau như con một cha, nhà một nóc.
“Dư âm” tiếng hát trái tim Việt Nam thao thức ru bước chân tôi, để tôi đứng thẳng tự tin, làm việc và học tập trong những ngày ngắn ngủi tại Mỹ. Và như một ám ảnh truyền kiếp, “Dư âm” đã dẫn dắt tôi lựa chọn con đường nghệ sĩ. Tôi đã hiến trọn trái tim nghệ sĩ của mình cho tình yêu máu đỏ da vàng trên khắp hoàn cầu, gắn kết yêu thương, tìm về Đất Mẹ.
“Dư âm” cung đàn Việt Nam thương nhớ. Tôi bâng khuâng nhớ tiếc không đủ thời gian để gặp người chủ nhân đã tặng tôi bản nhạc “Dư âm” một buổi sáng mùa xuân ở Thủ đô ngập tuyết.
Anh là ai? Chị là ai? Có thể mãi mãi chúng ta chẳng bao giờ gặp được nhau. Nhưng “Dư âm” cung đàn Việt Nam thương nhớ đã truyền trong không gian, tình yêu thương mình dành tặng cho nhau, để cùng nhau vui sống trong hồn Việt, dù ta phải cách xa nhau góc bể chân trời.
Bài hát “Dư âm” đã vang lên trong hồn người Hà Nội đầu thế kỷ XX cùng những “Giọt mưa thu”, “Giấc mơ hoa”, “Tình nghệ sĩ”… hòa thành cây đàn muôn điệu, xây nên tòa lâu đài tâm hồn Hà Nội để ngày nay, đôi môi ta thầm thảng thốt hát ca: “Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ”.
Thăng Long - Hà Nội là Tình yêu thương, giọt máu hồng, cung đàn xưa thương nhớ, suốt ngàn năm.
Hà Nội ơi! Cung đàn xưa thương nhớ. 
Hồ Gươm mùa Hoa Sen - 2010 
Mai Thục
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...