Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Nhịp chiêng mùa xuân

Nhịp chiêng mùa xuân

Mùa xuân Tây Nguyên - Mùa con ong đi lấy mật, mùa hoa cà phê nở trắng trên khắp các triền đồi, cũng là mùa “ăn năm uống tháng” với những lễ hội truyền thống rộn rã tiếng cồng chiêng. Xuân này, hòa trong âm vang cồng chiêng rộn ràng, bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Hà đang tay trong tay nối chặt vòng xoang, sống cạn với nghĩa, với tình, với sinh khí mùa xuân. Khi ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng như hàng ngàn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với cỏ cây, gắn kết cộng đồng bền chặt.
Nghệ nhân ưu tú A Thui truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Những ngày đầu xuân, về thăm làng Kon Trang Long Loi - Thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, gặp đội cồng chiêng của thôn đang luyện tập chuẩn bị biểu diễn mừng năm mới. Với sự tham gia của các nghệ nhân, thanh thiếu niên trong làng, những bài cồng chiêng vang lên như tiếng náo nức của lòng người trước thềm xuân mới. Tiếng cồng chiêng đánh thức những cánh rừng trỗi mầm vươn dậy sau những ngày tháng ngủ vùi giữa mùa đông giá rét, thôi thúc muông thú cất tiếng gọi bạn dưới ánh nắng ấm áp mùa xuân. Với những nét độc đáo riêng trong lối trình diễn, trong từng tiết tấu, giai điệu, lúc thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai, lúc rộn ràng, sôi nổi hòa cùng với tiếng trống khi trầm, khi bổng, các nghệ nhân của đội cồng chiêng đã thổi hồn vào từng giai điệu, truyền nhiệt huyết, sức sống mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người con thôn làng. Không gian văn hóa cồng chiêng lúc này thực sự là món ăn tinh thần đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người dân nơi đây. Nghệ nhân ưu tú A Thui - người luôn tâm huyết với nghệ thuật cồng chiêng, với văn hóa truyền thống của dân tộc ở làng Kon Trang Long Loi vui vẻ chia sẻ: “Cồng chiêng đã gắn liền với đồng bào nơi đây từ rất nhiều đời. Ngày lễ, ngày hội hay dịp trọng đại nào cũng đều phải có cồng chiêng, múa xoang, để tất cả dân làng xích lại gần nhau, gắn bó và đoàn kết với nhau. Đấy là bản sắc, là niềm vui, niềm tự hào của bà con”.
Không chỉ riêng ở làng Kon Trang Long Loi mà tất cả các thôn làng DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà thì vào bất cứ mỗi dịp lễ hội nào cũng không thể vắng âm thanh cồng chiêng. Từ Lễ đâm trâu, Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mới,… Và mỗi khi nhạc chiêng vang lên thì cũng là lúc mỗi thành viên trong làng vui vầy sum họp, là lúc cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời con người, theo suốt vòng đời cây trồng, mùa màng và mọi hoạt động khác của người dân nơi đây. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Đăk Hà luôn quan tâm chú trọng việc bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng. Đến nay, toàn huyện có 74 bộ cồng chiêng, trong đó 16 bộ của tập thể và 58 bộ cồng chiêng của cá nhân; gần 50 đội cồng chiêng, xoang, trong đó có hơn 10 đội cồng chiêng thanh thiếu niên nắm vững nghệ thuật, có thể biểu diễn, tham gia lễ hội cộng đồng. Các đội cồng chiêng, xoang thường xuyên biểu diễn trong các dịp lễ hội của thôn và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của địa phương.
Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, huyện cũng không ngừng đẩy mạnh công tác lưu truyền, truyền dạy cồng chiêng, xoang cho thế hệ trẻ để tiếp thêm ngọn lửa văn hóa truyền thống huyện nhà. Cùng với sự tham gia đóng góp nhiệt tình của đội ngũ nghệ nhân tại các thôn làng, ngày càng có thêm nhiều đội cồng chiêng, xoang thanh thiếu niên, nhi đồng được thành lập và đi vào hoạt động. Qua lớp học, dưới sự chỉ dạy tận tình, tâm huyết của các nghệ nhân, các em đều nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài bản chiêng cơ bản của dân tộc mình, trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn. Ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã được truyền từ đời này sang đời khác, và cứ thế, tiếng cồng, tiếng chiêng của bà con người DTTS luôn được giữ nhịp và tiếp lửa, như giữ hồn làng từ thuở hồng hoang. Những lớp trẻ hôm nay luôn tự hào, trân trọng khi được tiếp thu, được đón nhận và truyền đạt những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, các em luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc nối mạch nguồn dòng chảy văn hóa cồng chiêng. Tự hào là một thành viên trong đội cồng chiêng của làng Kon Trang Long Loi, em Y Ô La chia sẻ tâm sự: “Từ khi em còn nhỏ đã được mẹ chỉ dạy cho tập múa xoang, được nghe cha đánh cồng chiêng rồi, và sau đó tham gia vào đội cồng chiêng cùng với các bạn ở trong làng. Em cảm thấy rất vui và hãnh diện được thừa hưởng tình yêu văn hóa dân tộc từ gia đình. Em chỉ mong muốn sau này những thế hệ các em nhỏ sau em sẽ tiếp tục được truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng và tiếp tục phát huy hơn nữa nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Tiếng cồng chiêng âm vang trong mỗi dịp lễ hội của thôn làng
Chiều xuân, mây trôi dịu nhẹ, mùi hương hoa cà phê thoảng bay trong gió, khói lam chiều ôm ấp những nếp nhà thấp thoáng sau những thôn làng vùng DTTS ở huyện Đăk Hà. Từ phía núi xa, đã nghe âm vang cồng chiêng quyện hòa tiếng trống, những bếp lửa chuẩn bị thắp lên, vòng xoang đã rộng thêm, mọi người bắt đầu hòa nhịp vào những giai điệu. Nghệ nhân ưu tú A Thui không giấu nổi niềm vui, sự mãn nguyện: “Tôi không mong muốn điều gì, chỉ là một tấm lòng yêu dân làng, yêu văn hóa dân tộc mình thôi, tôi không đòi hỏi gì đâu, chỉ muốn được cho đi thôi. Lúc nào tôi mở lớp truyền dạy là mọi người trong làng đều muốn tham gia, nhất là lớp nhỏ đi học rất đầy đủ, nhiệt tình. Với tôi như vậy là vui và phấn khởi rồi”. Không vui sao được khi mà những nghệ nhân như ông đều đã ở cái tuổi đứng bóng núi, đã trải qua biết bao mùa rẫy, bao mùa lễ hội của thôn làng, vì vậy điều họ mong muốn nhất là làm sao để văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình không bị mai một, để ngọn lửa truyền thống mãi được tiếp nối, để tiếng cồng tiếng chiêng mãi ngân xa, vang vọng từ đời này qua đời khác.
Một mùa xuân mới đã về, trong không khí hân hoan của đất trời, của lòng người, mỗi thôn làng, mỗi khu dân cư ở Đăk Hà lại tưng bừng, rộn ràng trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát rộn rã. Âm sắc của truyền thống vang vọng vào núi, theo dòng suối lan toả khắp những cánh đồng cho cây lúa tốt tươi. Và âm thanh ấy, tiếng chiêng, tiếng cồng mùa Xuân ấy sẽ đi theo những người con Đăk Hà suốt cả cuộc đời, gợi những náo nức của ngày Xuân, gợi những khát vọng bình yên no ấm trên quê hương Đăk Hà anh hùng.
Nguồn: huyendakha.gov.vn
Theo http://phunukontum.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...