Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Xứ sở của những diệu kỳ

Xứ sở của những diệu kỳ

Tôi từ quan quy ẩn khi chưa đến tuổi già. Không phải vì năng lực công tác kém cỏi hay vì sức khỏe suy yếu... mà do tôi muốn thay đổi cuộc sống, khi quảng đời phía trước chẳng còn là bao! Sau hôm treo ấn từ quan, tôi quyết định quay về quê cũ, lao vào công tác từ thiện, để mong còn tìm được một chút ý nghĩa cho đời. Trong chuyến công tác ấy, tôi đã gặp em - một tình cờ đến đổi lạ lùng!
Nơi mảnh đất em sống, là miền đất tôi chưa hề đặt dấu chân.
Trong chuyến công tác cứu giúp những phụ nữ bị lạm dụng tình dục ở biên giới Việt Nam - Trung quốc, tôi đã gặp Ni sư Tâm Hạnh. Chính Ni sư là người gợi ý tôi đến vùng quê em, để giúp xây dựng một số trường mẫu giáo.
Tôi nhận lời không chút do dự. Nơi địa phương tôi đến, thầy giáo Phan là người được cử ra hợp tác và giúp đỡ tôi.
Chúng tôi tiến hành khảo sát ngay trong hôm đầu tiên để lên kế hoạch xây dựng trường. Trời vừa hành một cơn lũ lớn trước ngày tôi đến. Nay lại tiếp tục cơn bão rớt đâu đó, nên chặng đường chúng tôi phải vượt qua rất lầy lội. Cả thầy Phan và tôi, đã phải bị trượt ngã mấy bận, áo choàng rách và vấy bùn lem luốt.
Khi chúng tôi quay về thành phố, đã quá giờ ăn trưa. Bụng đói cồn cào. Tôi muốn được ăn ngay. Nhưng do người chúng tôi quá bẩn, thầy Phan đưa ra một gợi ý: ”Tụi mình vào nhà một cô học trò cũ của tôi gần đây, vệ sinh qua loa rồi đi ăn.”
Tôi nghe lời không chút phân vân. Nơi mảnh đất này, thầy Phan là thổ công. Thầy chỉ đâu, tôi theo đó.
Thầy chở tôi trên chiếc xe Honda đã bám đầy bùn, tiến về phía cổng một ngôi nhà cổ, nằm sâu trong một khu vườn rợp bóng cây. Thầy dựng xe ở cổng, rồi xăm xăm đi vào. Tôi- vì khách lạ, nên bước chân đi theo có phần chậm hơn. Khi bước vào ngưỡng cửa, thầy Phan lật mũ áo choàng ra, làm hiện rõ một mái tóc bồng bềnh, bạc phơ, sáng hẳn trong nền bóng tối của ngôi nhà cổ. Thầy đứng ngay cửa và gọi to: “Alô, có ai ở nhà không? Ra đón khách quý!”
Bóng một thiếu phụ đi nhanh ra. Khi chân vừa bước vào phòng khách, nhìn thấy bóng thầy Phan với mái tóc trắng phau, cô đi chậm lại, vừa đi vừa hát: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi... Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng? Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy? Em yêu phút giây này! Thầy em tóc như bạc thêm. Bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay...”
Lời bài hát dứt, bước chân cô vừa đến sát bên thầy. Cô dang rộng vòng tay ôm thầy Phan vào lòng. Thầy Phan và cô cùng đứng im một lúc trong khoảnh khắc thật diệu kỳ ấy.
Bóng hình một thiếu phụ trẻ đang ôm một người thầy mái tóc đã trắng phau trong vòng tay dang rộng của mình- trong giây phút này đây đã làm tôi sửng sờ. Tôi đứng bên sau - lắng nghe giọng em hát - lặng ngắm em và thầy em...rồi mắt tôi cay cay... Tôi vội chùi nhanh vì xấu hổ.
Khi nhận ra tôi - người khách lạ đang đứng chờ đợi, cô vội buông thầy, quay lại, gật chào tôi, rồi mời tôi vào nhà với một giọng Huế thật nhẹ: ”Dạ - xin chào ông!”
Thầy giáo Phan giới thiệu tôi và bày tỏ ý định của chúng tôi. Em vui vẻ đưa hai đưa tôi ra phòng tắm của gia đình rồi quay nhanh vào bếp.
Khi chúng tôi đã trút bỏ được bụi phong trần... em cũng đã chuẩn bị xong một bàn ăn với rất nhiều món ăn, được trình bày trong những dụng cụ chứa nhỏ xiu.
Tôi đến bên bàn ăn và có một cảm nhận thật bỡ ngỡ trước những gì đang thấy. Em mời chúng tôi ăn hay mời chúng tôi ngắm những bức tranh đẹp của đất trời? Đã qua hơn nửa đời người nhưng tôi chưa bao giờ được mời ăn một bữa ăn lạ lùng đến thế!
Em mời hai chúng tôi vào bàn. Lúc này, nhìn lại em, tôi mới nhận ra em đã thay đổi trang phục. Em mặc áo dài lụa Hồng hoa màu trắng ngà. Hình như em có điểm nhanh một chút má hồng và tô thêm nét son bàng bạc?. Trông em duyên - một nét duyên không diễn tả được bằng ngôn từ. Em đứng lên, lần lượt giới thiệu những món ăn mà em đã dọn mời:
“Đây là món thịt heo luộc chấm với tôm chua, ăn kèm rau xà lách, lá rau thơm, lát vả non, lát khế chua...“
Theo tay em chỉ, tôi nhìn thấy một đĩa thịt nhỏ, với những lát thịt mông heo tơ cắt mỏng thanh, sắp kiểu xếp ngói, viền vòng quanh đĩa. Giữa tâm, em điểm một nụ hoa nhỏ tỉa bằng đầu quả ớt kim đỏ chót - lót nền hoa là một cọng ngò xanh nghiêng nghiêng như mời gọi.
Em lại tiếp lời: ”Món tôm chua quê em là di sản tiếp thu từ quê hương ông, từ một cô gái tài sắc vẹn toàn miền sông nước Gò công. Ông có biết không? Đó là Đức bà Từ Dũ, ngày bà về kinh làm Quốc mẫu”
Theo lời giới thiệu, thầy Phan và tôi gắp ngay sản phẩm để cảm quan.
Em lại giới thiệu tiếp: ”Đây là món Dưa bà Cai chấm ruốc - một món ăn Huế ơi là Huế!” Nói xong, cô lại cười rồi quay sang nói với thầy Phan: “Thầy ơi! Ngày con ở Pháp, có đêm con nhớ món ruốc ni không ngủ được, nằm chảy nước mắt cả đêm đó thầy nợ!”
Thầy Phan giả lả để kiềm chế cơn xúc động: “Chà hư ăn rứa hay ho chi mà khoe!”
Em lại tiếp tục như chính em được ai đó giao trọng trách làm MC cho một đại tiệc:
“Đây là món tôm rim. Chỉ có sông nước Huế quê em mới có những con tôm rằn thịt ngọt sắc hồng này thôi. Chúng được nuôi dưỡng trong nguồn phù sa của đầm phá Tam giang tuyệt vời bậc nhất vùng Đông Nam Á này...”
Tôi gắp một con tôm đỏ ong, cong vòng, bóng mướt, kèm một miếng cơm trắng dẻo thơm - em nấu từ hạt gạo thơm có tăng cường thêm hương của ngọn lá Dứa. Một hương vị lạ lùng dậy trong vòm họng, tạo sự khoái khẩu ngây ngất!
Rồi em kể chuyện ngày xưa mẹ em nấu món Cơm vắt - Tôm rim cho cả nhà vào buổi cuối tuần, ra bên bờ sông Hương, vừa ngồi ăn, vừa ngắm cảnh chiều tà đang buông, nhuộm tím dần cả dòng sông thơ... đang lững lờ trôi xuôi qua thành phố mộng mơ, huyền ảo...
Em đã đưa tôi vào mê trận âm nhạc qua bài hát khi gặp đầu buổi. Giờ em lại đưa tiếp tôi vào mê trận của những món ăn Huế - đã qua bao đời với tiếng thơm “danh bất hư truyền”. Khi kết thúc một bữa ăn mà tôi có cảm giác mình vừa đi qua vùng cổ tích của biết bao câu chuyện về cọng rau, ngọn cỏ, con cá, con tôm...
Em lại quay vào bưng từ tủ lạnh cho Thầy Phan và tôi hai chén sứ nhỏ xíu, trắng phau, bên trong chứa một nền màu tím ngát. Tôi chưa hình dung được em sắp cho tôi ăn cái gì thì miệng em lại ngâm nga:
Sắc màu tím Huế nhớ nhung
Ai đem tô đậm? Chân dừng, mời anh?
Ăn vào, nghe vị thơm thanh
Chén chè tím Huế gợi tình bâng khuâng!
Loại khoai sắc tía biết trồng
Choái bò thả sức, đánh vồng củ to.
Nấu khoai mềm chín, chà tơi
Lượng đường vừa đủ nấu sôi khuấy đều
Muốn pha sắc tím đậm tươi
Vỏ khoai phần cứng, nấu sôi lược màu.
Múc chè lòng chén trắng phau
Lắc cho láng mặt, mâm thau dọn bày
Chè bưng tay, muỗng cầm tay
Ngắm màu tím Huế, ngẩn ngơ nỗi lòng! (*)
Giọng em ngọt, như chất ngọt khúc mía - mẹ lùi - ngày xưa tôi ăn. Sắc màu chè đậm tím màu nhớ nhung... tím Huế. Đúng như lời thơ em lột tả: tôi đang chè bưng tay, muỗng cầm tay mà lòng ngẩn ngơ về... một Huế diệu kỳ!
Tôi nghiêng người sang nói nhỏ với thầy Phan: ”Tôi chết mất anh Phan ơi!”
Thầy vừa cười vừa nói với giọng tỉnh queo: ”Khoan vội chết, xây cho xong cái trường học cho lũ trẻ rồi hẳn hay!”
Em tiễn thầy Phan và tôi ra cổng khi bữa ăn đã xong.
Lúc này em lại quay sang nũng nịu với thầy giáo của mình: “Thầy khen con nấu ăn ngon là thiệt hay giả đò?”
Thầy Phan tỉnh bơ đáp: “Tui giả đò khen để cô cho ăn, chứ cô nấu dở ẹt. Lo liệu mà học tập thêm để tui còn quay lại thêm lần nữa hí!”
Em lại cười ngắc nghẽo với thầy mình và nói: “Con xin hứa học tập thêm và sẵn sàng phục vụ. Nhưng... nếu lần sau thầy có trở lại xin hãy báo trước kẻo... kẻo...”
Ngang đoạn này cô quay sang nói nhỏ vào tai thầy Phan điều gì đó rồi cả hai cùng oà lên cười to. Tôi không nghe được gì. Mãi về sau, mấy lần tôi gặng hỏi, thầy Phan mới nói lại nguyên văn lời em:
... kẻo... khách ăn sạch hết phần chủ, làm chủ bụng đói meo! Hu Hu!”
Trên đường về thấy tôi bần thần, thầy Phan buột miệng hỏi”
“Có điều chi cần khai báo không?”
Tôi lúng túng trả lời: “Bữa cơm ngon quá!”
Thầy Phan gặng hỏi với đôi mắt đầy xoi mói:
“Chỉ có thế thôi ư?”
“Vâng chỉ có thế thôi!”
Thế thì được, chứ đừng thêm điều gì rắc rối nữa. Ở cái xứ sở này, mấy cô học trò của tôi, tầm cở con bé vừa rồi, thì không bao giờ đến tuổi này mà còn phòng khuê bóng chiếc để đợi chờ mấy tay lãng tử như anh đâu. Đừng làm con thiêu thân! Đừng làm thân bại danh liệt nghe không?”
Tôi nghe lòng thật cay đắng về những lời răn đe nửa đùa nửa thật ấy.
Tự hứa lòng thôi không nghĩ ngợi điều chi nữa.
Một đêm đã trôi qua. Tôi không ngủ được bởi những mộng mị chập chờn... Nhưng tôi phải quay về hiện thực. Một ngày mới bắt đầu. Trước tiên là phải ra bưu điện liên lạc về Pháp để xin thêm kinh phí. Bước chân tôi tiến đến quầy. Tôi nghe âm thanh thật nhẹ như khi có khi không một bài hát mà tôi đã yêu nhất trong đời:” Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi... Nên hồn tôi vẫn yêu trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ... Vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó...”
Tôi đứng chết lặng một lúc. Trái tim già nua của tôi lại bừng dậy sức sống của một thuở thanh xuân. Bóng cô nhân viên ngẩng lên, giọng hát chợt dứt, thay cho lời chào muôn thuở:” Thưa quý khách cần chi?”. Và tôi đã thấy lại tất cả bóng hình em. Thì ra em là cô nhân viên ngành Bưu chính viễn thông!
Em nhận ra tôi, mỉm cười thật tươi, rồi ân cần giúp tôi mọi thủ tục. Em vừa làm công việc, vừa hát lại thật nhỏ trong miệng bài hát tôi yêu: “Người ơi! Còn nhớ mãi trưa nào chiều nào vàng bướm bên ao? Người ơi! Còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao? Còn đó tiếng khung quay tơ, còn đó con diều vật vờ, còn đó biết bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa...” Hình như em hát mà em không hề hay biết mình đang hát. Em hát mà không cần phải mong có ai nghe. Tiếng hát thật thanh thoát hồn nhiên, mà đã lâu lắm rồi tôi không nghe.
Tôi muốn sống để xây cho xong nốt ngôi trường nhưng sao số mệnh lại trêu tôi, để giờ đây tôi lại muốn làm con thiêu thân. Tôi muốn chết ngay trong giờ phút này. Nhưng... lịch thần chết chưa ký, nên tôi lại phải lầm lũi quay về. Suốt buổi chiều mãi bận bịu với mấy ông thợ xây dựng về hợp đồng, về giá cả vật liệu... nên tôi tạm quên những rung động lạ trong trái tim mình.
Khi bóng đêm buông xuống trên thành phố trầm buồn và sâu lắng này, tôi đã không chịu nỗi cảnh cô đơn, thay quần áo, đi lang thang dưới mưa để tìm cảm giác lạ của một đêm mưa Huế- những đêm mưa mà biết bao nghệ sĩ đã cảm nhận được cái hồn của nó, sáng tác nên những tác phẩm bất hủ cho đời. Tôi lầm lũi đi mãi qua những con đường không biết tên, qua những con đường mà trước đây bước chân tôi chưa từng in dấu... Đêm thật tĩnh lặng và thê lương! Tôi dừng chân trước một quán trà bên đường- với ánh đèn vàng buồn hắt ra từ những chiếc đèn lồng và thoảng vọng tiếng nhạc từ những nhạc cụ truyền thống.
Tôi bước vào. Căn phòng đầy bóng tối. Chỉ nơi dàn nhạc đang biểu diễn là có ánh sáng mờ. Một lần nữa trái tim tôi ngưng đập khi tôi nhìn thấy bóng em. Em ngồi đó, trong tà áo dài vải the màu nâu gụ. Em ôm cây đàn Tranh và đang nghiêng người rung nhẹ năm ngón tay, đã từng nấu cho tôi ăn những hương vị tuyệt trần, lên những dây phím, tạo nên âm điệu của khúc Giọt mưa thu buồn não nuột:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ. Trong mưa Thu ai khóc ai than hờ...”
Tôi ngồi trong bóng tối - ngắm nhìn em.
Em không hề hay biết tôi đang có mặt trong giây phút này.
Em không hề có cái ngẩng đầu nhìn về phía tôi, mãi rung những dây phím, theo tiếng hát của người ca sĩ cho đến nốt nhạc cuối cùng.
Đến khi quán đóng cửa, tôi mới là khách ra sau cùng, để lại sau lưng một quán vắng không người.
Em đã ra về theo lối cổng sau và tan biến trong làn mưa đêm buồn hiu hắt.
Tôi đi tiếp mãi trong đêm mưa...
Tôi quyết định rời Huế lên giám sát công trình xây dựng. Thầy Phan tỏ vẻ ngạc nhiên, vì không nhất thiết tôi phải làm điều ấy. Nhưng chỉ mình tôi tự hiểu vì sao tôi phải chọn việc rời xa Huế có em? Tôi không thể làm con thiêu thân. Tôi phải sống vì còn biết bao việc phải làm. Và chuyến ra đi này là cuộc chạy trốn. Thằng tôi hèn nhát chạy trốn với chính mình!
Khung trời Hồng Hạ không có bóng em. Tôi đã sống đơn độc ở đó suốt bốn tuần lễ thi công. Khi ngôi trường đã nhô mái ngói đỏ au trên nền vòm lá xanh ngút ngàn của rừng Hồng Hạ, tôi thu xếp hành trang trở về...
Thầy Phan đón tôi trở về với một thông báo hấp dẫn: “Đêm cuối cùng của anh với Huế, chúng tôi cám ơn anh bằng một đêm du thuyền trên sông Hương. Thay vì thuê ban ca Huế như mọi du khách vẫn làm, học trò cũ của tôi sẽ đảm nhiệm tất cả”
Năm tiếng “học trò cũ của tôi”, nghe thật bình thường, nhưng với tôi là đợt sóng mạnh làm chao đảo hồn tôi. Tôi thầm ao ước sẽ có em trong đám học trò cũ của tôi” của cái ông Phan già khó tính luôn răn đe đủ điều.
Tôi đợi đêm mau buông.
Và điều đã đến còn ngoài mong ước của tôi.
Em đã đến, không chỉ tham dự mà là người dẫn chương trình- cho đêm du thuyền trên dòng sông đầy huyền thoại.
Trời không trăng sao. Ánh sáng hắt lên từ những chiếc đèn lồng bằng quả bóng, được chủ thuyền thả xuống quanh thuyền, làm cảnh vật lung linh. Tôi nhìn thấy em trong sắc áo tím - màu của chén chè hôm nào em đã nấu cho tôi ăn. Trời se lạnh nên em đã quàng thêm chiếc khăn nhỏ.
Em đứng một mình, phía đầu mũi thuyền.
Thuyền đã bắt đầu nhổ neo ra sông.
Khi thuyền đã ra giữa dòng, đang lao vào khoảng bóng tối u uẩn của một đêm không trăng, giọng em lại buông lơi từng tiếng, từng tiếng, như em đang nói vọng về từ một cõi xa xăm...:
Đêm nay, trên dòng sông Hương, giữa sóng nước đang rì rào lời tình ca muôn thuở, chúng ta sẽ cùng Huế tiễn đưa một người...
Anh không phải do Huế sinh ra.
Anh chưa bao giờ nghe tiếng hát của dòng Hương trong những đêm trăng cô tịch?
Anh chưa bao giờ nghe tiếng thông reo trên núi Ngự trong những chiều lộng gió ngày đông?
Anh chưa bao giờ đến đỉnh Vọng cảnh để ngắm Huế vô tận giữa đất trời?
.... Nhưng anh đã yêu Huế vô cùng! Tình yêu ấy đã thôi thúc anh về với Huế, dựng xây cho Huế những công trình..
Chúng tôi biết anh yêu Huế của chúng tôi... Và chúng tôi biết chúng tôi yêu anh như yêu Huế của mình. Tình yêu của chúng tôi được gói tròn trong những khúc hát đêm nay, để ngày mai anh sẽ gói theo trong hành trang giã biệt...
Và …tiếng hát Kim Lan sẽ mở đầu thay cho lời tình tự qua khúc hát “Chuyển bến” Nhạc lời Đoàn Chuẩn - Từ Linh”.
Trong ánh sáng loáng thoáng của một đêm mơ, tôi thoáng thấy bóng một thiếu phụ xuất hiện khi mờ khi ảo qua ánh lung linh của những ngọn nến vừa được đốt lên trong khoang thuyền. Một chất giọng ngọt ngào đầm ấm cất lên: “Chiều nay sao dâng nhanh màu tím? Và mây bay theo nhau rời bến. Thuyền cắm tay sào từ cuối thu. Ngoài kia sông nước như đón chờ... Còn đêm nay nữa ta ngồi với nhau, ngước mắt trông trời. Ngày mai anh đã xa rồi, tình tan vỡ chìm trong lãng quên...”
Vâng chỉ còn duy nhất một đêm nay nữa thôi, chúng ta còn được ngồi bên nhau. Ngồi bên nhau trên chiếc thuyền mơ...
Anh có lời gì để nói hay chăng?
Có thể tim anh đang bồi hồi xao xuyến? Vì lẽ đó đã chẳng nói nên lời? Ngọc Hương sẽ thay anh nói lời hẹn ước cùng Huế đêm nay qua bài hát ”Hẹn một ngày về” của nhạc sĩ Lê Hữu Mục”
Tim tôi như ngưng đập trong tiếng em buông lơi và trong tiếng hát như vọng về từ cõi mộng: ”Về đây trong hoa lá hỡi cánh chim giang hồ. Về đây trong sắc hương thắm tươi say mơ. Huế lờ lững dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ”
Tôi chưa hề biết các chị là ai? Nhưng đêm nay các chị đang hát cho tôi. Chị cũng như em, đang đưa tôi vào mê trận của cuộc đời: “Huế ơi! Sao nỡ làm say lịm hồn tôi!”
Tiếng em lại ngân lên, thánh thót như tiếng suối reo: “Hạnh phúc của cuộc đời là những gì em mơ, anh mơ. Nhưng bóng hạnh phúc cũng có khi chợt đến rồi chợt đi... Vậy đêm nay, khi hạnh phúc đang trong tầm tay, ta hãy nâng niu, ôm ấp để tận hưởng những giây phút thần tiên của cuộc sống. Khúc hát “Thiên thai” nhạc và lời của Văn Cao - Phạm Duy sẽ do Lý Mai trình diễn để đưa anh về nơi xứ sở đào nguyên - nơi người anh mơ đang đứng đợi. Và mong rằng anh sẽ quên được lối về trần...”
Đáp lời em, Lý Mai cất giọng nữ cao: “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc chốn đào nguyên…”
Ngoài sông mưa cũng ngừng rơi để lắng nghe. Cả những người trong khoang thuyền cũng lắng nghe. Ai cũng một lần mơ đến chốn thiên thai. Ai cũng một lần mơ mình quên đường về trần thế...
Còn với tôi?
... Trong đêm nay, thiên thai mà tôi mơ tưởng là thế gian này! Nơi có em đang đứng nói lời dịu ngọt. Em đứng đó - Tôi ngồi đây. Thật gần và cũng thật xa vời vợi!
Em còn tiếp tục nói, tôi tiếp tục nghe, tiếp tục say đắm... cho đến khi ánh nến dần tàn lụi... để trả lại cho khoang thuyền bóng tối mênh mông. Lời em lại cất lên:
Cuộc đời cho ta, mỗi người một số phận!
Có thể là em đang ngập đắm trong đau thương?
Có thể là anh đang chan hòa trong niềm hạnh phúc tuyệt diệu?
Nhưng cho dù là nỗi khổ hay niềm vui...tất cả đều là chất liệu của cuộc đời. Xin hãy dang rộng vòng tay ôm nó và cùng mang theo nó trong hành trình phía trước. Bài ca “Đưa em tìm động hoa vàng” Lời thơ Phạm Thiên Thư - nhạc Phạm Duy sẽ do người dẫn chương trình xin hát tặng gã từ quan trong giây phút biệt ly.
Và lời ca cũng xin được khép lại một đêm mơ trong cuộc đời trần thế.”
Tiếng em lại cất lên cao vút thê lương: “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say... Nhớ xưa em chữa theo chồng, mùa đông may áo, áo hồng đào rơi. Mùa thu em mặc áo da trời, sang đông lại khoác lên người áo hoa. Thôi thì em chẳng còn yêu tôi, leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng...’
Tôi không trách em, chỉ trách mình sao đến Huế quá muộn màng, để bây giờ chỉ biết van xin nhân thế: “... khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu...”
Thầy Phan tiễn tôi ra sân bay. Khi tôi vào hẳn trong phòng cách ly, thầy mới điện vào- với một giọng thật buồn: “Cô ấy là một phụ nữ tài hoa- cô ấy có thể làm được những điều kỳ diệu như anh đã thấy .Nhưng tất cả những việc làm ấy, chỉ đủ đổi lấy những viên thuốc cho người chồng đã bất động trên giường bệnh nhiều năm qua...
Chính vì điều này mà tôi đã sợ hãi khi anh muốn làm con thiêu thân. Chỉ cần anh không giữ được chính anh thì miệng lưỡi của cái thế gian này vô cùng khủng khiếp!
Xin chúc anh lên đường bình an. Xin chúc anh quên được Huế của chúng tôi!
Mắt tôi lại cay cay. Tôi không còn xấu hổ, để mặc nước mắt rơi ngập đầy gò má, xách túi thiểu não bước lên máy bay...
Quay nhìn Huế, bóng hình nhạt nhòa qua nước mắt…
Nhưng trong hồn tôi in đậm không phai... những diệu kỳ!.
Huế, một đêm mơ
(*) Trích “Những Rung Cảm Của Một Tâm Hồn Huế“ của
Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Hoàng Thị Như Huy.
Hoàng Thị Như Huy
Theo http://vietvanmoi.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...