Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Đưa người sang sông

Đưa người sang sông

Ngày đó khi tạ từ mối tình đầu thơm thảo học trò với cô bé mang tên một dòng sông đẹp ở thành nội, để lại những cơn sóng xao lòng tuổi thanh xuân vào Quảng. Tưởng rằng những cơn sóng lãng mạn xô nhẹ mạn thuyền như xô dạt đời trai trên dòng Hương kia sẽ lắng dần theo thời gian cơm áo. Và rồi lại thấy mình ngụp lặn trong dòng sông Hàn, sông Thu những mảnh tình vá víu hư hao mà đầy mật ngọt lãng du.
Câu thơ xưa của Thâm Tâm như hào khí của người tráng sĩ nhiệt huyết đời trai, mà lại chùng lòng trước dặm trường đưa tiễn. Những cơn sóng trên sông đó vẫn âm vang trong lòng những tàn phá xô dạt như bão lòng, những tan tác như cuồng phong qua hồn trống trải..
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Có ai đưa người sang sông mà không buồn! Nhất là khi người đi chắc không có ngày trở lại. Người đi mang theo chí lớn hải hà, mong trả nợ nước non bằng tuổi xuân nhiệt huyết. Khẳng khái trước khi sang sông: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn. Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê. Tráng sĩ một đi không trở về.
Tiếng sóng trong lòng nào của Thâm Tâm khi đưa người tráng sĩ Kinh Kha qua bên kia sông Dịch lạnh băng, hẳn phải xao động một bão lớn trong hồn. Bởi người đi như đã quấn khăn tang, uống chén rượu tống biệt hào sảng khí khái. Một Kinh Kha hiếu nghĩa nặng tình, xem mạng sống nhẹ tựa cánh lông. Mẹ thà coi như chiếc lá bay. Chị thà coi như là hạt bụi, Em thà coi như hơi rượu say...
Hào khí ngất trời là vậy, mà tang thương hoài cảm cũng chập chùng như sóng khi tráng sĩ một đi không quay về. Nên Thâm Tâm dằn lòng không dám đưa người sang sông. Không đưa người sang sông mà sóng ở trong lòng đã xôn xao nức nở, mà chiều chưa xuống, vàng giọt nắng rơi chưa thắm, mà trong mắt ai hoàng hôn đến mịt mù...
Câu ca dao xưa "Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng mà bay". Tự bao giờ hình ảnh người con gái sang ngang hay sang sông, là hình ảnh người con gái đi lấy chồng. Phải chăng sông nước trùng vây trong mỗi xóm thôn, mà những tình cảm gái trai tự tình chân chất gói kín trong từng lũy tre, bờ mương, con rạch. Phải chăng sông nước chập chùng những ngày sơ khai nên phong kín những mối tình Lan và Điệp chỉ hạnh phúc khi quẩn quanh trong đường quê gần gũi. Những con sông nhỏ bé như cánh tay người tình, đứng bên này sông có thể hẹn hò ôm ấp người bên kia. Mà bên nớ bên ni đã nặng tình chòm xóm. Nhưng con sông nhỏ như con đường làng, chừng như đứng bên này có thể gởi nụ hôn và mái tóc đẫm hương chanh, hương bồ kết sang bờ kia mộng mị. Nhỏ vậy mà đã làm nên những cách ngăn xuôi ngược cho thôn trên xóm dưới, cho thôn Đông thôn Tây, cho làng Thượng làng Hạ. Nên khi người con gái vượt qua lũy tre thân quen mối tình cùng quê ấy đi sang sông về bên chồng, dù cách một con sông mà đã chừng như xa ngái. Cái mặc cảm của người ở lại hụt hẫng và lặng câm đau đáu như những con sóng nhỏ thì thầm mãi bờ đê bến này. Trăm năm đành lỗi hẹn hò. Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Người ở lại hẳn buồn vì thua thiệt, mất mát. Nhưng người đi chưa chắc gì đã vui. Những cơn mưa bên chồng dẫu sao cũng còn quá mới để thông cảm tưới mát lên cánh sáo nhỏ. Làm sao con sáo trinh nguyên ấy có thể biết ra sao ngày sau! Que sera sera! Và những bất toàn không định trước bên sông ấy. "Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng". Từ một cuộc sống thân quen êm đềm quê mình, sang bên ấy sao mà vất vả "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Là thôi hết những mộng mơ ngày cũ, hết thảnh thơi của những ngày thiếu nữ xuân thì. Để khi nuối tiếc lúc cơm không lành canh không ngọt, thở than khi chiều xuống đứng bên tê ngóng về bên ni: "Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?"
Và lời tâm sự nhắn gió theo dòng cho người em còn ở lại với mẹ già trước khi chị "Lỡ bước sang ngang":
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
(Nguyễn Bính)...
Dòng đời đưa tôi sang sông và đèo núi để xuôi nam. Duyên phận bọt bèo như con sóng ngất ngây những mảnh tình vá víu trong tháng năm bên dòng sông Hàn. Ở đó có người con gái khác đẹp như thơ Hoàng Lộc: Ta có yêu đôi người gái đẹp. Tình như mây một thuở tan rồi. Và em cũng là… là gái đẹp. Nên sợ tình ta còn mây trôi... Người con gái mang tên chùm sao Khuê. Tinh nghịch lung linh những đêm dọc đường Thống Nhất xuôi cầu Vồng về bờ sông Hàn. Thoảng hương hoa đêm trên con lộ vắng, văng vẳng tiếng hát Tôi Đưa Em Sang Sông của Nhật Ngân. Cũng bến đò An Hải để cơn mưa tháng chín lê thê những khúc luân vũ tình yêu thánh thiện, thành những nốt nhạc tròn rơi xiêu xiêu trên sông:
Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi
Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn
Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ
Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.

Tôi đưa em sang sông

Nhật Ngân - Khánh Ly

Không còn chuyến đò ngang, chỉ có chuyến phà đêm như dùng dằng giữa sông Hàn. Mà áo em xưa lồng lộng cuộn kín đời anh không nói. Nói làm sao khi ngày đó chúng mình ngồi trên ghế giảng đường mà lòng khắc khoải nghĩ tới ngày mai tương lai hấp hối. Có con sông nào hứa hẹn những vẹn toàn. Có đồi núi nào gợi mở những hân hoan. Có thành phố nào dung thân cho những con chim sáo trẻ ra trường. Chỉ có một đường bay về những vùng trời heo hút nghèo khó... Bụi phấn làm sao đủ ấm bụng trong khi ngoài kia bụi đời lấp lánh những phù hoa!
Và rồi chỉ có tôi sang sông đơn chiếc trên chuyến phà An Hải. Thả chân mình lầm lũi về Mỹ Khê. Ngồi trên bờ biển vắng cô đơn như chiếc ghe đánh cá nằm chơ vơ trên cát. Nhìn những ngôi sao Khuê chín cái nằm kề. Thương em từ thuở mẹ về với cha. Thương da diết thật mà không nói. Thương em từ khi mẹ cha mới quen, từ khi em chưa chào đời. Thương răng mà thương chi lạ rứa. Để rồi nghe sóng dâng trong lòng những nôn nao kỷ niệm. Ôi cô bé xứ Quảng mà cách một con sông Hàn thì âm giọng đã khác. Bên ni là phố mà bên nớ đã quê. Cách một chuyến đò ngang mà bên này có tiếng nhạc thính phòng kiêu sa sâu lắng. Bên kia vang câu nhạc Boléro giản đơn mộc mạc chân chất.
Ngày đó buồn vì tình, vì tương lai mịt mù, nhưng lại vui vì được thấm đẫm trong dòng sông xứ Quảng những ngọt ngào tình nghĩa bạn bè "đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm - rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say." Nghèo! Chỉ có rượu gạo rẻ tiền thôi mà ngất ngây tình bạn. Cách một ngọn đèo mà sao khác biệt. Tôi từ thâm trầm kín đáo kiểu cách của Huế, chợt rộn ràng phơi mở đến hân hoan trong “ăn cục nói hòn”, “chặt to kho mặn”, “ăn chắc mặc bền”, cãi cọ um sùm… Cái đất sao mà "Quảng" thế! Khác nhau từ âm giọng đến những món ăn trong cuộc vui lan man. Và trong những lần mềm môi bằng hữu bên chiếu rượu là tiếng đàn guitar, là những câu hát sảng khoái đất trời, như say như sưa:
Đi đến với những người hiếu khách
Ngoài ba lô còn một cây đàn
Ba lô để nhớ thời chân đất
Cây đàn nghe sóng vỗ thênh thang
Đưa người, ta cứ đưa sang sông
Không sợ tiếng sóng ở trong lòng
Thâm Tâm lên núi mà Tống Biệt
Ta về biển mặn hóa dòng sông
Nhích lại gần nhau nghe ngày xưa
Chàng An Tiêm lãng mạn trồng dưa
Có cô công chúa đi làm rẫy
Con mắt to giống như em vậy
Con mắt to thành mắt con thuyền
Có người kéo lưới đợi thuyền lên
Có người kéo lưới thương con mắt
Mắt con thuyền… a, con mắt em
(Bùi Chí Vinh)...
Ngày đó không biết nhạc và lời của ai mà nghe say đắm, mà thấm vào hồn, mà lâng lâng hào khí như lòng tráng sĩ. Vì rượu ngon bạn hiền, hay vì nhạc hay thơ thấm. Vì chí lớn đâu rồi? Bàn tay không! Mà lâng lâng như sóng vỗ thênh thang. Bởi chỉ một chữ "cứ". Đưa người ta cứ đưa sang sông. Không sợ tiếng sóng ở trong lòng. Gan thiệt! Liều mạng thiệt! Thâm Tâm mà còn sợ Tống Biệt, sợ sóng trong lòng chòng chành đời tuổi trẻ. Nhật Ngân còn ngại những cơn mưa bên sông, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim khi đưa em sang sông...
Liều mạng vậy mà tôi có được con chim sáo nhỏ sang sông cùng yên bề gia thất. Đã hết đưa người sang sông mà từ đó theo người về sông. Đã thôi không còn đơn chiếc sợ phải đưa tiễn người, hay cứ đưa người (dù người không muốn). Không có những hoàng hôn trong mắt trong, những con sóng lao xao ven bờ hò hẹn hay những cơn mưa bên sông làm lấm gót ai. Những người con gái đi qua đời tôi chắc cũng vậy.
Bao năm qua hồn thôi còn gió bão.
Bởi đời mình chừng như một dòng sông.
Một dòng sông lười mình không chảy. 
Cho ngủ yên những con sóng xao lòng.
Yên ả lắm một đời thường. Chớ không như chiều nay sóng lòng chợt xôn xao hoài niệm. Vớ vẩn, vu vơ!...
2-2013
Bảo Sinh
Theo http://ykhoahuehaingoai.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...