Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Hành hương Yên Tử

Hành hương Yên Tử

Dậy 5 giờ rưỡi sáng.
Ăn sáng 6 giờ: Khách sạn có soạn bánh mì croissant bơ, nhưng chúng tôi ăn le lẹ đĩa bánh cuốn, thấy xoàng xoàng nhưng no bụng.
Ra phòng khách đã thấy hai vợ chồng K, chi. N, chi. B.T, chi. B.D, cũng dân Hà thành, đứng chờ, với vợ anh tài xin phép cùng đi hành hương.
Cuộc hành trình được định như sau: Thăm Yên Tử, thăm Trúc lâm thiền viện, thăm Côn Sơn, quê của Nguyễn Trãi và thăm Kiếp Bạc, đền thờ Trần hưng Đạo.
Yên Tử cách Hà Nội khá xa, trên đường đi Hạ long. Chúng tôi phải đi sớm vì thiên hạ bắt đầu đi làm hồi 7 giờ sáng, đi trễ sẽ kẹt xe khó khăn, đi sớm một tí sẽ thoải mái hơn. Chị M sẵn sàng hoa quả, hương nến, bia nước để cúng vái và ăn dọc đường. Sau 3 giờ rưỡi lặn lội, chúng tôi đến vùng Yên Tử.
Theo lệ làng, chúng tôi tới đền phường để trình Tiền hoàng, xin các ngài cho phép đi thăm, nhưng đền đóng cửa thành chúng tôi đi thẳng vào vùng. Đường đi quanh co nhưng ít xe cộ, băng qua vài làng nhỏ, tiến tới chân núi. Phong cảnh hai bên bắt đầu thay đổi, chúng tôi không thấy ruộng nương nữa, mà qua rừng tùng cao ngất rồi len lỏi giữa rừng trúc xanh rờn, lung lay xào xạc trước gió.
Cách đây cũng không lâu lắm, khách hành hương phải lội bộ chật vật từ chân núi lên chùa Hoa Yên, khó nhọc lội qua mấy rạch nước, suối nước trong veo, mà truyền thuyết kể rằng có cả trăm người cung nữ không được phép theo hầu vua Trần nhân Tông đã, đã trẫm mình dưới suối. Bây giờ đã có cáp cheo, đưa du khách lên núi, gần chùa Hoa Yên, cao chừng 1000 mét. Trạm cáp cheo được kiến trúc theo kiểu chùa rất đẹp, rất rộng và rất sạch. Vé đi mỗi người là 50000đ, tức tương đương bằng 10 bát phở, theo giá bên Pháp là 10 x 35 quan tức 350 quan khứ hồi cáp cheo, tôi cảm thấy khó chịu, dù là đỡ khó nhọc leo núi, dù là có cô bé xinh xắn cúi rạp đầu chào, vì tôi nghĩ giá cả như vậy chỉ dành cáp cheo cho khách ngoại quốc dùng mà thôi, thảo nào mà hôm nay chỉ có chúng tôi 9 người, mấy khách hành hương kia chọn leo núi đường bộ. Như vậy quả thiệt thòi cho người trong nước, có đóng góp mà không được hưởng. Ngoài ra, ít người đi thì làm sao sinh lợi được, thà xuống giá vé cho nhiều người mua may ra không lỗ.
Chùa Hoa Yên là chùa cổ đầu tiên, ở lưng trừng núi. Đằng trước có cái lăng thờ đức Trần nhân Tôn, tức Trúc lâm sư tổ, rất là giản dị, nhưng uy nghi, với hai cây đại cổ rất đẹp, khiến tôi tưởng nhớ đến lăng Gia long ở miền Trung, cũng oai nghi, tĩnh mịch, không rườm rà, gây nên sự tôn kính nể phục. Tôi cũng tưởng tượng đến mùa xuân, cây đại bùng nở rực rỡ hoa trắng um tùm sau tường, cảnh vật sẽ đẹp đẽ đến chừng nào. Chùa gồm có mấy căn nhỏ bé thờ chư Phật tam bảo cùng các sư tổ, và một cái sân rộng đang được tu bổ. Chúng tôi xin mượn vài cái đĩa, đặt hoa quả, bánh nước rồi đốt hương cúng.
Sau đó, chúng tôi sửa soạn leo núi. Những kẻ còn lại, người mang túi hương hoa, người vác bị nước, người chống gậy, phình phổi hít mạnh, bước chân cùng nhau leo núi.
Đường lên núi có thang đá ghép xi măng, khá chắc, tuy lúc trời mưa có lẽ sẽ trơn tuột. Đường quanh co, lúc lên lúc xuống, hai bên chi chít trúc xanh cao gần hai thước, gió lay xào xạc. Đi được một chút đã bắt đầu thấm mệt, may mà K có cho mượn cây gậy để chống đi cho chắc. Đường đi khá sạch, cứ mỗi 20 mét lại có đặt một thúng để rác. Tuy vậy tôi cũng bắt gặp vài chai lọ plastic vứt lề đường, thấy ngứa mắt, tôi cũng nhặt và vứt vào sọt rác. Đi một chút, mồ hôi đã ra ướt áo. Chị N hơi lảo đảo, được chị tài biếu cây kem, ăn xong tỉnh cả người ra. Chị ấy khoe cái gì cũng lơ làng, chỉ thích ăn phở và ăn kem. Tôi tự nhắc khi về Hà nội phải rủ chị ấy đi ăn phở cùng cho vui. Mấy người kia đi trước không biết nói chuyện gì, vợ chồng anh tài đi hành hương chuyến này có lẽ để cầu xin bán được nhà, mua nhà khác cho hên hơn, vì mấy năm nay làm ăn không khá gì lắm, còn hai chị em B T BD và vợ tôi chắc đang tranh luận về Phật pháp.
Chẳng mấy chốc tới chặng đầu tiên là chùa Hang, còn gọi là chùa một Mái. Một mái vì chùa là một nửa căn nhà gỗ, với một mái bên, hai cửa sổ, bề sâu chừng hai mét, sàn bằng gỗ, được gắn sát sườn núi, đi vào phải khom đầu, thận trọng, sợ chùa lay động rớt xuống vực thẳm. Tôi chắc chùa được cất ở đây vì có một cái suối nhỏ chảy vào một vãnh nước trong khối đá, mà người ta gọi là giếng tiên, trước khi tràn đi nơi khác. Trong chùa có một bàn thờ nho nhỏ, với tượng Phật gỗ sơn vàng, bát hương và cái đĩa đựng vài tiền giấy cúng dường. Trong cùng, trong bóng tối, hình bóng một người đàn bà ngồi chờ khách mua hương hoa nước uống. Thấy vãnh nước tôi mừng quá, dùng gáo múc chút nước lau mặt cho đỡ mệt. Tuy khát nhưng tôi không giám uống, dù là suối tiên, dù có trong vắt, vì tôi còn nhớ các cụ căn dặn rừng xanh nước độc, uống vào động dại lên rừng; lên rừng đã chót, chớ động dại!.
Càng lên, đường lối càng khó khăn, tuy người ta đã xây sẵn những trạm nghỉ là những sân đá hoặc sân xi măng nho nhỏ. Thường thường cũng nơi này, có cô bán hàng với cái quầy đựng kẹo nước, thuốc lá, hương hoa, bánh trái. Hỏi mang nhiều đồ như vậy có khó nhọc lắm không thì cô ta trả lời mỗi ngày mấy chuyến đó ạ. Một mình như vậy không sợ ma hay người ta bắt à? thì cô ấy cười xòa trả lời không sợ. Thấy người ta khó nhọc như vậy để được dăm ba đồng tôi cũng cảm thương, tuy rằng lon bia từ 3000đ leo vọt lên 20000 một cách tự nhiên.
Thôi kìa, mình tới chùa Bảo Sái rồi đấy! Chùa Bảo Sái mà có người còn gọi là chùa Bảo Xác khá đẹp, có mấy từng, và mấy sân lát gạch, đặt đầy chậu cảnh. Chùa này do học trò của Trần nhân Tôn là sư Bảo Sái dựng. Chùa đẹp, cách đây không lâu, là nơi đóng phim Indochine đã đoạt giải Oscar. Đứng tựa lan can, nhìn thung lũng phía dưới xanh rờn, với những mái nhà con con, dòng sông nho nhỏ, thấp thoáng qua đám mây dưới chân, am hiểu được cái thú vị của đời sống ẩn dật người xưa. Tại hậu viện cũng có một giếng nước trong. Múc gáo nước đổ lòng tay xoa lên mặt sao mà sảng khoái thế. Một bia nho nhỏ ghi lại công đức ngài Bảo Sái tu hành chốn này, góp phần gây dựng Thiền tông Việt Nam.
Rồi lại tiếp tục leo.
"Cô ơi cô, đường lên chùa Đồng còn xa không cô?
"Thưa bác, cũng còn cả giờ đấy ạ!" cô hương khách đang xuống thang tinh quái trả lời
Một giờ nữa cơ à? Thật khổ cho thân tôi...
Đường đi càng ngày càng xấu như muốn thử thách khách hành hương. Mỗi lần ngửa mặt lên có cảm tưởng chẳng bao lâu nữa nhưng sao mỗi lần chân mình bước tới, lại cảm thấy đỉnh núi nó lại lùi đi một quãng?
A đây có cái trạm, có cả bộ đọi cơ đấy, họ lảm gì ở đây nhỉ? Có lẽ để cấp cứu khách hành hương té gẫy chân, bể đầu đấy, liệu mà cẩn thận. Họ có nước lạnh, có nên mua không nhỉ? Mình vẫn còn mà, chút nữa xuống núi hãy hay, bây giờ mang thêm nặng chết.
Lại trèo.
Bây giờ bực thang là những tảng đá to nằm ngổn ngang trên vách núi. Không trèo nữa mà nhẩy từ cục đá này lên cục đá khác. Ấy chà, coi chừng té đấy. Đường đi không rõ ràng lắm, đi đằng trước hay ngoẹo bên phải? Ngoẹo phải đấy, trên cục đá họ có chét một bãi xi măng sỏi để mình đi cho chắc, và có lẽ để mình nhận ra lối đi.
Mỗi bước đi là mỗi bước trong tỉnh thức, không có thì té lăn xuống núi. Mình chăm chú từng bước, không còn nghĩ gì khác.
Xa xa vẳng lại tiếng chuông leng keng. A sắp tới thiệt đấy.
Đây là hòn đá hình người. Kia là chùa Đồng.
Nói là chùa cho nó hay ho, chứ thật ra là hai cái am nhỏ. Một cái có vẻ xưa rồi, bằng đồng, có lẽ đã từng siêu vẹo vì được củng cố lại bằng hai bức tường xi măng, chính vị có tượng đòng thờ đức Trần nhân Tôn. Cái kia hình như mới làm, cũng tượng Phật, cũng giàn chuông treo gió thổi reo leng keng. Nghe nói ngày xưa, chùa Đồng, còn gọi là chùa Thiên Trúc, nổi tiếng đẹp, nhưng bây giờ có vẻ điêu tàn.
Mọi người thắp hương, đặt hoa lên cúng rồi lần lượt đảnh lễ, cung kính với người xưa đã từng 3 lần đuổi quân Mông xâm lược, bang giao với Chiêm thành mở rộng phía nam đất nước, rồi lặn lội về Yên tử phổ biến Phật pháp.
Từ đỉnh núi, nhìn lên trời đất bao la, nhìn dưới rừng núi trùng trùng điệp điệp, mình có cảm thú say sưa khó tả.
Máy hình thi nhau chụp, để chứng minh kỷ niệm hãn hữu, vì có mấy ai muốn đi lại cuộc hành hương quá chật vật này.
Bây giờ chúng tôi xuống núi.
Cứ tưởng xuống núi thoải mái, đâu ngờ xuống núi còn khó hơn lên. Bước lên là bước tự động, bước xuống phải cẩn thận hơn, vì dễ trượt chân, dễ chóng mặt. Chân lại mỏi rồi, không khoan thai, dẻo dang nhẹ nhàng như khi lên núi. Ái chà, chuột rút, chuột rút, đau quá, buốt cả đùi, nguy quá, không biết có xuống nổi không. Tôi đi chậm lại, mấy người đi trước quay lại ngóng nhìn. Khi ngừng buốt lại lan đến chân, thôi thì cố đi, rồi nghỉ tại trạm, vả lại quá ngọ rồi đấy, bụng đã reo, nghe nói họ có phở có mì.
Tới trạm tôi mừng quá, vì chuột rút vẫn còn đau. Anh chàng chủ quán tươi cười mời mọc.
Mấy bà rủ nhau ăn mì ramen, mì chay đấy, cũng 5 ngàn một bát, chỉ có hành, mì và nước. Tôi thì khát quá, liều gọi một lon bia, bụng cũng lo lo chỉ sợ chóng mặt vì uống bia bụng rỗng.
Uống bia ở Việt Nam là một thú vui cần thiết cho tôi. Húp từng ngụm bia vừa ngọt ngọt, vừa đăng đắng, mùi bia xông lên mũi, kích thích mấy tế bào cảm thọ trong mũi, gây sống lại những cảm giác khoái lạc, rồi nuốt qua cổ, mát rượi ở nơi ngực, là cả một hương vị khó tả. Phải uống bia Việt Nam, chứ không uống bia Âu châu, ngon nhất không phải là bia chai, bia lon, mà là bia hơi, rẻ nhất, bình dân nhất, mà là bia hơi Hà nội chứ không phải bia hơi Sài gòn. Uống bia ăn đồ nhậu như củ kiệu, tôm khô quả là sướng, nhưng sướng nhất vẫn là lúc hì hụp tô phở hay nhấm nháp mấy miếng thịt ba rọi chấm mắm tôm chua, hay nước mắm nhĩ gừng ớt.
Tôi ít khi uống bụng rỗng, may có vợ hiền tinh ý nhượng cho nửa bát mì chay. Ăn xong thấy khỏe khoắn, yêu đời thêm lên.
Chết chửa, đã gần giờ rưỡi rồi đó, phải đi ngay.
Thế là đứng dậy tiếp tục xuống núi, cùng vợ chồng K lấy cáp cheo về trạm.
Trước khi rời Yên Tử, chúng tôi thăm Thiền viện dưới chân núi. TV Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ quyên tiền Phật Tử, trong nước cũng như ở hải ngoại, xây cất xong năm 2003. Đó là một công trình lớn lao làm thầy có thể hãnh diện, ai nấy đều công nhận thầy là hậu huệ của các tổ sư Trúc Lâm, và mong mỏi thầy làm sống lại Thiền học nơi cội rễ. Thiền viện trước có chánh điện, sau có thiền đường, chung quanh là vườn với rất nhiều chậu cảnh. Chánh điện rất rộng và cao, trang trí rất giản dị và thanh lịch, với một tượng lớn sơn son thiếp vàng, cao chừng hai mét, bốn cột gỗ lớn treo 4 câu đối, một bàn lớn với hương hoa và chậu cảnh. Thiền đường, rộng, cao, và tĩnh mịch. Ở hậu viện có vài tháp thờ các tổ sư trên một mu đất.
Chúng tôi xụp lạy nơi chánh điện rồi lên xe đi thăm Côn Sơn.
Đức Bổn
Theo https://www.rongmotamhon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...