Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIa

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIa
Phần XI 
Chương 1 
Trí tuệ của con người không quan niệm nổi tính chất liên tục tuyệt đối của sự vận động. Chỉ khi nào tách rời một cách võ đoán sự vận động đó ra từng đơn vị thì con người mới hiểu nổi những quy luật của sự vận động, dù là loại vận động nào cũng thế. Nhưng đồng thời chính cái lối phân chia sự vận động một cách võ đoán ra thành từng địa vị đã đưa đến phần lớn những sai lầm của con người. Ai cũng biết lý luận quỷ biện [225] của người cổ đại, nói rằng Asil [226] sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa đang đi trước mặt ông ta, mặc dầu Asil đi nhanh gấp mười lần con rùa, thì con rùa đã đi được một phần mười khoảng cách đó; đến khi Asil vượt được đoạn này, thì con rùa đã đi được một quãng bằng một phần mười đoạn đó, và cứ thế mãi mãi không cùng. Người cổ đại tưởng rằng không sao giải quyết được bài tính đố này. Sở dĩ đi đến kết luận vô lý như vậy - kết luận rằng Asil sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa - chỉ là người ta thừa nhận một cách võ đoán rằng sự vận động chỉ có thề chia ra thành những đơn vị rời rạc, trong khi thật sự vận động của Asil cũng như của con rùa đều toàn liên tục. Trong khi chấp nhận những đơn vị ngày càng bé đi hơn của sự vận động, ta chỉ tiến đến gần chỗ giải quyết vấn đề nhưng không bao giờ đạt được đến chỗ giải quyết cả. Chỉ khi nào thừa nhận một đại lượng vô cùng bé và một cấp số của nó tiến dần lên đến một phần mười và tổng cộng cái cấp số hình học này lại, ta mới giải quyết được cái nghệ thuật xử lý với các đại lượng vô cùng bé, và trong những vấn đề khác phức tạp hơn của sự vận động, nó đã giải đáp những vấn đề mà trước kia tưởng chừng không sao giải quyết nổi. Cái ngành toán học mới mà người cổ đại không hề biết đến trong khi xét các vấn đề sự vận động, thừa nhận những đại lượng vô cùng bé, tức là phục hồi cái điều kiện chủ yếu của sự vận động (tính chất liên tục tuyệt đối), và do đó đã sửa chữa được cái sai lầm tất nhiên mà trí tuệ con người không sao tránh khỏi khi đem những đơn vị rời rạc thay thế cho sự vận động liên tục. Trong việc tìm tòi các quy luật vận động của lịch sử cũng thấy có một tình hình giống hệt như vậy. Sự vận động của nhân loại vốn xuất phát từ vô số những ý chí cá biệt, cũng diễn ra một cách liên tục. Hiểu thấu những quy luật của sự vận động này chính là mục đích của sử học. Nhưng trong khi muốn hiểu thấu những quy luật vận động liên tục của tổng số các ý chí của nhân loại thì trí tuệ của con người thừa nhận những đơn vị võ đoán, gián đoạn. Phương pháp thứ nhất của sử học là võ đoán lấy ra một loạt những biến cố liên tục rồi tách rời những biến cố đó ra khỏi các biến cố khác và khảo sát trong khi không hề có và không thể nào có một biến cố nào có khởi điểm cả, mà biến cố này bao giờ cũng xuất phát từ biến cố nọ. Phương pháp thứ hai là tổng cộng ý chí của mọi người, trong khi cái ý chí cộng đồng đó không bao giờ được thể hiện trong hoạt động của một nhân vật lịch sử duy nhất. Khoa học lịch sử trong khi làm việc luôn luôn chấp nhận những đơn vị ngày càng nhỏ bé để khảo sát và mong theo con đường đó để tiến gần đến chân lý. Nhưng dù những đơn vị mà sử học chấp nhận có bé đến đâu chăng nữa, ta vẫn cảm thấy rằng ngay việc thừa nhận một đơn vị tách rời ra khỏi một đơn vị khác, thừa nhận rằng một hiện tượng nào đó có một khởi điểm và ý chí của mọi người đều thể hiện trong hành vi của mọi nhân vật lịch sử duy nhất, thì tự bản thân việc đó đã sai lầm rồi. Bất cứ một kết luận nào của sử học, nếu đem ra phê phán dù là phê phán không lấy gì làm gắt gao, cũng đã tan ra thành tro bụi không để lại một chút gì, chỉ vì phê phán người ta chọn làm đối tượng quan sát một đơn vị đoạn lớn hay nhỏ hơn; và người ta có quyền làm như vậy vì đơn cử được lấy ra bao giờ cũng có tính chất võ đoán. Chỉ khi nào thừa nhận một đơn vị vô cùng bé để quan sát thừa nhận khoa học vì phần về lịch sử, tức là những ý hướng cộng đồng của loài người, và dạt được cái nghệ thuật tích phân (rút ra cái tổng số của những đơn vị vô cùng bé ấy) thì chúng ta mới có thể hy vọng hiểu thấu đựơc những quy luật của lịch sử. Trong mười lăm năm đầu thế kỷ 19, ở châu Âu có một sự chuyển động phi thường của hàng mấy triệu con người. Những con người đó từ bỏ những công việc thường ngày của họ kéo nhau từ đầu này sang đầu kia châu Âu, cướp phá, tàn sát lẫn nhau, hân hoan vì đắc thắng và đau buồn vì thất bại, và trong vòng mấy năm nhịp sống thay dổi và biến thành một cuộc vận chuyển mãnh liệt lúc đầu tăng cường lên rồi sau lại giảm dần xuống. Trí tuệ của con người băn khoăn đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân của sự vận động đó hoặc sự vận động đó diễn ra theo những quy luật gì? Trong khi giải đáp câu hỏi này, các nhà sử học trình bày cho chúng ta rõ những hành động và những lời nói của vài ba chục con người trong một tòa nhà nào đó ở thành Paris, gọi những hành động và những lời nói đó bằng một danh từ là Cách mạng; sau đó họ kể lại một cách tỉ mỉ tiểu sử Napoléon và của một số nhân vật đồng lòng hay đối địch với ông ta, kể lại một vài ảnh hưởng của một vài nhân vật trong số đó đối với các nhân vật kia, rồi nói: Đấy, chính vì vậy mà có sự vận động kia, và đó chính là nhtmg quy luật đã chi phối nó. Những trí tuệ của con người không những không chịu tin lời cắt nghĩa đó, mà lại còn nói thẳng ra rằng cắt nghĩa như vậy là không đúng, bởi vì nói như vậy tức là lấy một hiện tượng trọng yếu nhất để lên thành nguyên nhân của một hiện tượng mạnh nhất. Chính tổng số những ý chí của những con người đã làm ra cuộc cách mạng, đã tạo ra Napoléon, vẫn chỉ có tổng số những ý chí đó dung túng rồi sau đó tiêu diệt cả hai. “Nhưng hễ đã có những cuộc chinh phục thì tất phải có người chinh phục. Hễ xẩy ra những cuộc đảo lộn trong quốc gia thì tất phải có những bậc vĩ nhân”, - sử học sẽ nói. Quả nhiên, hễ có những kẻ chinh phục xuất hiện, thì cũng sinh ra chiến tranh, - trí tuệ của con người đáp lại, - nhưng điều đó không chứng minh rằng các nhà chinh phục là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, và có thể tìm các quy luật của chiến tranh trong hoạt động cá nhân của một con người. Cứ mỗi lần tôi xem đồng hồ và thấy chiếc kim nhích gần đến số mười, từ ngôi nhà thờ bên cạnh tôi lại nghe có tiếng chuông nguyện bắt đầu đổ hồi, nhưng không phải thế mà tôi có quyền kết luận rằng vị trí chiếc kim đồng hồ của tôi là nguyên nhân của hồi chuông. Cứ mỗi lần tôi thấy một đầu máy xe lửa chạy thì tôi lại nghe có tiếng còi huýt, tôi lại thấy nắp hơi mở ra và thấy bánh xe chuyển động; nhưng không phải vì thế mà tôi có quyền kết luận rằng tiếng còi huýt và sự chuyển động của bánh xe là nguyên nhân khiến chiếc đầu máy xe hỏa chạy. Nông dân thường nói rằng vào tiết cuối xuân có gió lạnh là vì chồi non của cây sồi nhú ra, và quả nhiên vào tiết xuân thường có gió lạnh khi cây sồi đâm chồi non. “Nhưng mặc dầu tôi không rõ nguyên nhân của ngọn gió lạnh thổi vào tiết cây sồi mọc mầm, tôi cũng không thể đồng ý với người nông dân mà cho rằng sở dĩ gió lạnh thổi là vì cây sồi mọc mầm, bởi vì sức mạnh của gió không thể chịu ảnh hưởng của những cái mầm ấy. Tôi chỉ thấy có sự trùng nhau giữa những điều kiện vốn có trong bất cứ hiện tượng nào của cuộc sống, và thấy rằng dù tôi có quan sát chiếc kim đồng hồ, chiếc bánh xe và cái mầm sồi một cách tỉ mỉ đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể biết được nguyên nhân của hồi chuông nguyện, của sự chuyển động của đầu máy xe hỏa và của ngọn gió xuân. Muốn thế, tôi phải thay đổi hẳn vị trí quan sát và nghiên cứu các quy luật vận động của hơi nước, của cái chuông và của ngọn gió. Sử học cũng phải làm như vậy. Và cũng có những cố gắng làm như vậy. Muốn nghiên cứu các quy luật của lịch sử ta phải thay đổi hoàn toàn đối tượng quan sát, để yên các nhà vua, các vị đại thần và đại tướng ở đấy, mà nghiên cứu những yếu tố đồng nhất vô cùng bé lãnh đạo quần chúng. Không ai nói rõ được con người có thể hiểu các quy luật sử được đến đâu khi đi theo con đường này; nhưng rõ ràng chỉ đi con đường này mới mong nắm được các quy luật lịch sử và phần trí tuệ mà con người đặt vào con đường này chưa bằng một phần triệu những sự nỗ lực mà nhà sử học đã dành cho việc mô tả hành vi của nhà vua, các tướng lĩnh và các tổng trưởng và trình bày những suy luận của mình về các hành vi đó. Chương 2 Lực lượng kết hợp của mấy dân tộc châu Âu đã tràn vào nước Nga. Quân đội và cư dân Nga rút lui, tránh cuộc xung đột, rút cho đến Smolensk rồi từ Smolensk đến Borodino rầm rộ tiến nhanh về phía Moskva, mục đích của cuộc chuyển dộng của nó. Càng đến gần đích, thế nó tiến tới lại càng mạnh, cũng như một vật thể càng rơi xuống đến gần đất thì tốc độ rơi lại càng lớn. Nó bỏ lại sau lưng hàng nghìn dặm đất đói nghèo và thù địch; phía trước mặt chỉ còn mấy mươi dặm nữa là đến đích. Điều đó, mỗi người lính trong quân đội của Napoléon đều cảm biết, và cuộc xâm lăngg cứ tự nó tiến triển chỉ do cái sức mạnh của đà thúc đẩy cũ. Trong quân đội Nga thì càng rút lui, tinh thần căm thù địch lại càng bốc cháy hừng hực: Trong khi rút lui nó tập trung lại và tăng cường lên. Ở Borodino đã xảy ra một cuộc chạm trán. Trong hai đội quân không có bên nào tan rã, nhưng quân đội Nga ngay sau cuộc xung đột đã rút lui, cũng một cách tất nhiên như một quả cầu tất nhiên phải lăn ngược trở lại khi va phải một quả cầu lăn về phía nó mạnh hơn và nhanh hơn; và cũng tất nhiên như thế, tuy đã mất hết sức lực lượng trong cuộc va chạm, quả cầu tấn công kia cũng sẽ theo đà mà lăn một quãng nữa. Quân Nga rút về phía sau, qua Moskva và dừng lại ở đây. Sau đó suốt năm tuần lễ không xảy ra một trận đánh nào. Quân Pháp không xê dịch. Giống như một con ác thú bị thương nặng mất nhiều máu đang liếm những vết thương của mình, họ ở lại Moskva năm tuần lễ, không tiến hành một công việc gì cả, và bỗng nhiên, chẳng có nguyên do gì mới, họ bỏ chạy trở lại: Họ đổ ra con đường Kaluga (tuy đã thắng trận, vì sau khi đánh chiến trường Maly Yaroxlav nằm trong tay họ), và không mở một trận nào quan trọng, họ chạy càng nhanh về phía Smolensk rồi vượt qua Smolensk chạy về Vilna vượt sông Berezina rồi tiếp tục chạy mãi. Tối ngày mồng hai tháng tám, Kutuzov cũng như toàn quân đều đã tin chắc rằng trận Borodino là một trận thắng. Trong thư của Kutuzov gửi hoàng đế cũng nói như vậy. Kutuzov ra lệnh chuẩn bị một trận chiến đấu nữa để tiêu diệt quân địch không phải vì ông muốn lừa dối ai mà là vì ông biết rằng quân địch đã bại trận và bất cứ người nào tham gia trận chiến đấu cũng đều biết như vậy. Nhưng cũng tối hôm ấy và ngày hôm sau bắt đầu có những tin tức dồn dập đưa về, cho biết là binh lính bị thương vong nhiều chưa từng thấy, rằng quân đội đã tổn thất mất một nửa, và thực tế không thề nào mở một trận mới được nữa. Không thể nào tác chiến trong khi chưa thu thập được tin tức, chưa thu nhặt được thương binh, chưa bổ sung đạn được, chưa đem hết số quân sĩ tử trận, chưa chỉ định những sĩ quan chỉ huy mới thay cho những sĩ quan đã thương vong, trong khi binh sĩ chưa được ăn, ngủ cho lại sức. Nhưng đồng thời ngay sau trận đánh, vừa mới sáng hôm sau, quân đội Pháp (do cái sức mạnh thúc đẩy kia bây giờ dường như đã tăng lên theo tỷ lệ ngược với số bình phương của khoảng cách) đã tự nó tấn công vào quân đội Nga. Kutuzov đang muốn tấn công vào ngày hôm sau và toàn quân cũng đều muốn như vậy Nhưng không phải cứ muốn là có thể tấn công được, cần phải có khả năng tấn công, mà bây giờ thì chưa có cái khả năng đó. Không thể nào không rút lui thêm một chặng. Rồi lại một chặng nữa, và cuối cùng, vào ngày mồng một tháng chín, - khi quân đội đã rút về gần Moskva - mặc dầu trong hàng ngũ lòng căm thù đã lên rất mạnh, hoàn cảnh vẫn bắt buộc phải rút quá Moskva. Và quân đội đã rút lui thêm một chặng nữa, chặng cuối cùng, và để cho Moskva rơi vào tay quân địch. Những người quen nghĩ rằng các tướng lĩnh ngồi vạch ra kế hoạch các cuộc chiến tranh và các trận đánh cũng y như bất cứ người nào trong chúng ta, khi ngồi trong thư phòng trước một tấm bản dồ, suy nghĩ xem trong trận này trận kia mình sẽ điều binh khiển tướng như thế nào, ắt phải thắc mắc không hiểu tại sao trong khi rút lui, Kutuzov lại không hành động như thế này, như thế nọ, tại sao ông ta lại không chiếm lĩnh vị trí trước khi đến Fili, tại sao ông ta lại không rút ngay ra con đường Kaluga sau khi bỏ Moskva v.v… Những người quen nghĩ như vậy thường quên mất hoặc không biết đến những điều kiện tất yếu bao giờ cũng chi phối hoạt động của bất cứ nhà cầm quyền nào. Hoạt động của một vị tổng tư lệnh không hề có chút gì giống như cái hoạt động mà ta vẫn tưởng tượng ra trong khi ngồi thoải mái trong thư phòng, nghiên cứu một chiến dịch nào đó trên tấm bản đồ, với một số quân nhất định bên này bao nhiêu bên kia bao nhiêu, và ở một địa phương nhất định, và bắt đấu xuất phát từ một thời điểm nhất định nào đó. Một vị tổng tư lệnh không bao giờ ở trong cái hoàn cảnh khởi điểm của một biến cố như chúng ta thường hình dung khi xét một sự kiện. Một vị tổng thống tư lệnh bao giờ cũng ở vào giữa một loạt những biến cố đang tiến triển thành thử không bao giờ, không có phút nào ông ta có thể ngẫm nghĩ về ý nghĩa của biến cố đang tiến triển. Biến cố đó vẫn từng lúc một lộ rõ ý nghĩa của nó, và ở mỗi giai đoạn trong cái quá trình bộc lộ nhất quán, liên tục đó, vị tổng tư lệnh đều đang ở vào trung tâm của một hoạt động phức tạp, đầy những thủ đoạn, những âm mưu, những nỗi lo lắng, những mối lệ thuộc, những uy quyền, những dự định, những lời khuyên răn, những câu hăm dọa, những sự lừa phỉnh, ông ta luôn luôn buộc phải trả lời vô số những câu hỏi đề ra cho ông ta, những câu hỏi nhiều khi mâu thuẫn nhau. Các nhà lý luận quân sự thông thái nói với chúng ta một cách rất nghiêm trang rằng lẽ ra Kutuzov phải chuyển quân ra con đường Kaluga từ lâu trước khi Fili, và thậm chí còn nói rằng có người đề ra ý kiến với ông ta. Nhưng trước mắt vị tổng tư lệnh nhất là trong giờ phút gay go, không phải chỉ có một ý kiến, mà bao giờ cũng có hàng chục ý kiến trong một lúc. Và mỗi ý kiến như vậy, vốn căn cứ trên chiến lược và chiến thuật lại dẫn đến mâu thuẫn lẫn nhau. Có thể tưởng đâu công việc của vị tổng tư lệnh chẳng qua là chọn lấy một trong những ý kiến đó. Nhưng dù chỉ có thế thôi, thì ông ta cũng không thể làm được. Sự việc và thời gian không đợi ai hết. Chẳng hạn có người đề nghị với ông ta là đến ngày hai mươi tám cho chuyển quân ra đường Kaluga; nhưng khốn nỗi ngay lúc đó lại có một viên sĩ quan phụ tá của Miloradovite phi ngựa đến hỏi xem nên giao chiến ngay với quân Pháp hay là nên rút lui. Thế là ngay lúc ấy ngay phút ấy ông ta phải ra lệnh. Mà lệnh rút lui lại làm cho quân ta phải rời xa các chỗ ngoặt đưa đến con đường Kaluga. Rồỉ tiếp theo viên sĩ quan phụ tá lại có viên quản lý quân nhu đến hỏi xem phảì chở lương đi đâu, rồi một viên thủ trưởng bệnh xá hỏi phải chở thương binh đi đâu; cũng ngay lúc ấy lại có thư của nhà vua từ Petersburg gửi đến, một mực không chấp nhận ý định bỏ Moskva, còn kẻ tranh quyền với vị tổng tư lệnh, kẻ đang cố tìm cách ngầm hại ông ta (những kẻ như vậy thì lúc nào cũng có, và không phải chỉ một, mà khá nhiều) thì để ra nột kế hoạch mới, ngược hẳn với kế hoạch tiến ra đường Kaluga. Trong khi đó thì bản thân vị tổng tư lệnh đang cần ngủ và cần bồi dưỡng cho lại sức, thế nhưng lại có một viên tướng già không được khen thưởng đến khiếu nại; rồi dân sở tại đến van xin ông che chở cho, rồi một viên sĩ quan được phái đi xem xét địa thế trở về báo cáo những điều trái hẳn với viên sĩ quan được phái đi lần trước, rồi người trinh sát, tên tù binh và viên tướng phụ trách việc kiểm tra trận địa. - mỗi người đã quên không hiểu hoặc quên những hoàn cảnh thực tế tất yếu đó của bất cứ vị tổng tư lệnh nào, có thể trình bày cho ta biết vị trí các đạo quân ở Fili và bảo răng ngày một tháng chín vị tổng tư lệnh có thể hoàn toàn tự do giải quyết vấn đề bỏ hay giữ Moskva trong khi vấn đề này không thể đặt ra được vì quân đội Nga đang ở cách Moskva năm dặm. Vậy thì vấn đề này được giải quyết vào lúc nào? Nó được giải quyết ở Drissa, cũng như ở Smolensk, và rõ hơn cả là ngày hai mươi bốn ở Sevardino cũng như ngày hai mươi sáu ở Borodino, cũng như ở bất cứ ngày nào, giờ nào, phút nào trong khi rút từ Borodino đến Fili. Chương 3 Quân đội Nga rút từ Borodino đến đóng ở Fili. Yermolov vừa cưỡi ngựa đi xem địa thế về, đến gặp vị tổng soái nói: - Không thể nào chiến đấu trên địa thế này được. Kutuzov ngạc nhiên nhìn ông ta và bảo ông ta nhắc lại câu vừa nói. Nghe xong, Kutuzov chìa tay ra bảo: - Anh đưa tay đây tôi xem nào, - Kutuzov nói đoạn cầm lấy tay Yermolov để bắt mạch, rồi tiếp: - Anh ốm rồi đấy anh bạn ạ. Bận sau nói gì phải suy nghĩ nhé. Trên đồi Poklonny, cách cửa ô Dorogomilov sáu dặm, Kutuzov xuống xe và đến ngồi trên một chiếc ghế dài bên vệ đường. Một đám tướng tá rất đông xúm lại quanh ông. Bá tước Raxtopsin mới ở Moskva đến cũng nhập bọn với họ. Cả đám người sang trọng ấy phân ra làm mấy nhóm, đang bàn tán về những lợi hại của địa thế, về vị trí các đạo quân, về các kế hoạch được đề ra, về tình hình Moskva, về các vấn đề quân sự nói chung. Mọi người đều cảm thấy rằng đây là một phiên họp hội đồng quân sự, tuy không ai nói rõ như vậy, và tuy họ được triệu tập đến đây cũng không phải để họp hội đồng quân sự. Nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh các vấn đề chung. Nếu có ai cho biết hay hỏi han những tin tức cá biệt, thì cũng chỉ nói thì thầm rất khẽ, rồi lại chuyển ngay sang các vấn đề chung chung; trong đám người đó không hề thấy có ai nói đùa hay cười cợt gì cả, dù chỉ là cười mỉm thôi cũng vậy. Rõ ràng là mọi người đều hết sức cố gắng có một thái độ xứng đáng với tình hình. Và trong khi nói chuyện với nhau, tất cả nhóm đều cố gắng nghe và thỉnh thoảng lại bảo nhắc lại một câu họ vừa nói, nhưng bản thân ông ta thì không góp chuyện và không phát biểu ý kiến gì cả. Thường thường, sau khi nghe câu chuyện trao đổi trong một nhóm nào đấy ông ngoảnh mặt đi có vẻ thất vọng, dường như họ không nói đến những điều mà ông muốn biết. Nhóm thì bàn tán về địa thế đã chọn, phê phán chính cái địa thế đó thì ít, mà phê phán trí thông minh của những người đã chọn nó thì nhiều, một nhóm khác thì lại chứng minh rằng sai lầm là sai lầm từ trước kia; lẽ ra phải khai chiến cách đây ba hôm mới phải; một nhóm thứ ba thì bàn về trận đánh ở Xlanmanca mà một người Pháp mặc quân phục Tây Ban Nhan là Croxa vừa kể lại (cùng với một hoàng thân Đức phục vụ trong quân đội Nga, người Pháp này đang phân tích cuộc vây hãm thành Xaragossa có ý muốn đề nghị dùng chiến thuật ấy để phòng thủ Moskva). Trong nhóm thứ tư, bá tước Raxtopsin đang nói rằng ông ta sẵn sàng hy sinh tính mệnh dưới thành Moskva cùng với đội dân vệ, nhưng dù sao ông ta cũng không thể không phàn nàn rằng người ta đã không cho ông biết rõ tình hình, vì giá ông được biết từ trước, thì đâu đến nỗi như thế này. Nhóm thứ năm thì đang phô trương những tư tưởng chiến lược uyên thâm của mình, cho biết quân đội phải chuyển về hướng nào. Nhóm thứ sáu thì bàn toàn chuyện nhả. Gương mặt của Kutuzov mỗi lúc một thêm lo âu và phiền muộn. Qua tất cả những câu chuyện bàn tán qua lại ấy, Kutuzov chỉ thấy có một điều là không hề có một khả năng vật chất nào để phòng thủ Moskva, mà cái nghĩa trọn vẹn nhất của chữ này, nghĩa là đến cái mức mà giả sử có một vị tổng tư lệnh điên rồ nào ra lệnh xung trận, thì sẽ xảy ra một tình trạng hỗn loạn ghê gớm rốt cục trận đánh sẽ vẫn không diễn ra. Trận đánh sẽ không diễn ra bởi vì tất cả chỉ huy cao cấp không những đều cho rằng địa thế này không thể nào giữ được, mà trong khi nói chuyện họ lại chỉ bàn đến những việc sẽ xảy ra sau khi rút quân ra trận địa, trong khi chính họ cho rằng trận địa ấy không sao giữ nổi? Các sĩ quan chỉ huy cấp dưới, và ngay cả quân lính nữa (họ cũng biện luận), đều cho rằng vị trí này không thể giữ được, cho nên họ không thể chiến đấu trong khi đang tin chắc là sẽ thất bại. Nếu Benrigxen nằng nặc đòi giữ vị trí này và có những người còn bàn về chuyện ấy, thì vấn đề tự bản thân nó cũng chẳng còn có ý nghĩa nào nữa, mà chỉ là một cái cớ để gây gổ và kèn cựa nhau thôi. Những điều đó Kutuzov hiểu cả. Benrigxen, người đã chọn vị trí này, hăng hái phô trương lòng ái quốc Nga la tư của mình (mỗi lần nghe cái giọng ái quốc này Kutuzov không thể không cau mặt) và khăng khăng đòi giữ Moskva. Kutuzov thấy rõ như ban ngày cái thầm ý của Benrigxen nếu việc phòng thủ thất bại, thì sẽ đổ tội cho Kutuzov, là người đã đưa quân rút về đến tận dãy núi Vorobiov mà không mở một trận nào; nếu thắng lợi thì sẽ nhận công trạng về mình; còn nếu bị bác đi thì sẽ trút bỏ được trách nhiệm vể tội bỏ Moskva. Nhưng bấy giờ vị tướng già không bận tâm nghĩ đến những mánh khóe ấy. Ông còn mải nghĩ đến một vấn đề duy nhất và đáng sợ. Mà vấn đề đó thì ông chẳng nghe ai đưa ra một lời giải đáp nào cả. Bây giờ đối với ông chỉ có một vấn đề là: có phải chính ông ta đã để cho Napoléon tiến tận đến Moskva, và ta đã làm việc đó từ lúc nào? Việc đó được định đoạt từ lúc nào? Phải chăng từ hôm qua, khi ta ra lệnh cho Plotov rút lui, hay là từ chối ngày hôm kia, khi ta ngủ gật và ra cho Benrigxen tuỳ tiện xử trí? Hay là từ trước nữa?. Nhưng cái việc khủng khiếp ấy định đoạt từ bao giờ, từ bao giờ? Thế nào cũng phải bỏ Moskva. Quân đội phải rút lui, ta phải ra lệnh rút lui”. Ông có cảm tưởng là cái lệnh kinh khủng này cũng chẳng khác nào từ bỏ chức vụ chỉ huy quân đội. Thế nhưng, không những ông thích quyền hânh và đã quen với quyền hành (hồi ông phục vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, danh vọng của công tước Prozorovxki làm cho ông bực tức), ông lại còn tin tin chắc rằng mình là con người tiến định để cứu nước Nga. và chỉ vì vậy mà ông ta đã được cử làm tổng tư lệnh theo ý nguyện của nhân dân và trái với ý nguyện của Sa hoàng. Ông tin chắc rằng trong hoàn cảnh khó khăn này chỉ có một mình ông có thể cầm đầu quân đội, rằng trong thiên hạ chỉ có một mình ông có thể không run sợ khi phải đương đầu với tướng Napoléon bách chiến bách thắng kia; và ông thấy kinh hãi khi nghĩ đến cái lệnh mà ông buộc lòng phải ban ra. Nhưng phải quyết định một cái gì chứ, phải chấm dứt những cái chuyện bàn tán ở xung quanh đi: những câu chuyện đó đã bắt đầu quá tự do. Ông gọi các vị tướng thâm niên nhất lại, nói: - Trí óc của tôi, dù khôn dù dại, cũng chỉ biết mong chờ vào mình nữa mà thôi! Ông vừa nói vừa đứng dậy ra xe đi về Fili. Chương 4 Trong một căn nhà gỗ rộng rãi, căn nhà đẹp nhất của bác mu-gich Andrey Xovoxtyanov. Lúc hai giờ có phiên họp hội đồng quân sự. Bao nhiêu đàn ông đàn bà và trẻ con trong cái gia đình nông dân đông đúc ấy đều chen chúc cả trong gian nhà phụ sát phòng ngoài. Chỉ có một mình con bé Malasa, đứa cháu gái lên sáu của bác Andrey vừa được đức ông âu yếm vuốt ve và cho một miếng đường khi dùng trà, là ở lại trong gian nhà lớn. Ngồi trên lò sưởi, Malasa bẽn lẽn và vui mừng ngắm nghía mặt mày, quân phục và huân chương của các vị tướng bấy giờ đang lần lượt bước vào nhà và ngồi lên mấy chiếc ghế dài rộng rãi đặt ở góc thờ, dưới các tượng thánh. Còn ông cụ (Malasa thầm gọi Kutuzov như vậy) thì ngồi riêng ra, trong các góc tối bên lò sưởi. Ông ngồi thụt sâu vào chiếc ghế bành xếp đằng hắng luôn mồm và xốc mãi chiếc cổ áo tuy đã mở phanh ra nhưng vẫn có vẻ như đang chẹn ngang cổ. Những người mới vào lần lượt đến chào vị thống soái, và có người thì ông bắt tay, có người thì ông gật đầu chào lại. Viên sĩ quan phụ tá Kaixarov định vén bức màn trên cửa sổ, cạnh chỗ Kutuzov ngồi, nhưng ông giận dữ khoát tay một cái, và Kaixarov hiểu rằng đức ông không muốn cho ai trông thấy mặt mình. Chung quanh chiếc bàn gỗ mộc mạc đặt đầy những bản đồ, giấy má, bút chì, có nhiều người đứng đến nỗi những người lính hầu phải mang thêm một chiếc ghế dài đến đặt bên bàn. Ba người mới đến là Yermolov, Kaixadov và Toll ngồi xuống chiếc ghế ấy. Ngay phía dưới các bức ảnh thánh, Barclay de Tolly ngồi ở chỗ danh dự, cổ đeo huân chương Georges, khuôn mặt xanh xao ốm yếu, vầng trán cao lẫn với mái đầu hói. Đã hai ngày nay ông ta bị sốt, và lúc bấy giờ ông cứ run từng cơn. Ngồi cạnh ông ta là Uvatov, đang nói khẽ lúc bấy giờ (mọi người đều nói khẽ) với Barclay điều gì, lay hoa lên lia lịa. Tướng Dokhturov người bé nhỏ và tròn trĩnh, lông mày giương cao, hai tay đặt trong bụng, đang chăm chú lắng nghe. Ở phía bên kia, bá tước Oxtemlan Toletoy hai tay chống đầu, khuôn mặt rộng có những đường nét táo bạo và đôi mắt sáng quắc, đang ngồi im có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Raievxki, vẻ sốt ruột, lấy tay vê mớ tóc đen láy phủ lên thái dương với một cử chỉ quen thuộc. khi thì nhìn Kutuzov, khi thì nhìn ra cửa. Khuôn mặt rắn rỏi, tuấn tú và hiền hậu của Konovnitxyn sáng bừng lên trong một nụ cười dịu dàng và ranh mãnh. Ông ta bắt gặp mắt Malasa đang nhìn lại liền nháy mắt ra hiệu, khiến cho con bé mỉm cười. Mọi người đang chờ đợi Benrigxen, bấy giờ đang lấy cớ là đi xem xét lại địa thế để ăn nốt bữa ăn chiều ngon lành. Họ đợi ông ta, từ bốn đến sáu giờ, và suốt trong thời gian đó không thảo luận gì chỉ khe khẽ nói chuyện riêng. Mãi đến khi Benrigxen bước vào nhà gỗ, Kutuzov mới từ trong góc nhích ghế đến gần bàn, những vẫn chú ý ngồi sao cho ánh sáng của mấy ngọn nến vừa đặt trên bàn đừng soi vào mặt. Benrigxen khai mạc cuộc hội nghị bằng một câu hỏi: “Nên bỏ thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga hay nên cố giữ lấy?” Tiếp theo đó mọi người đều im lặng một hồi lâu. Tất cả các gương mặt đều cau lại, và trong không khí im lặng có thể nghe rõ tiếng ho hắng và tiếng hừ hừ bọc dọc của Kutuzov. Mắt mọi người đều đổ dồn về phía ông ta. Malasa cũng nhìn ông cụ của nó. Nó ngồi gần ông hơn cả và thấy rõ mặt ông đang nhăn nhó: hệt như ông sắp khóc. Nhưng đều đó chỉ thoáng trong một lát.
- Thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga - Kutuzov bỗng nói, giọng bực tức, ông nhắc lại lời của Benrigxen, khiến cho mọi người rõ cái giọng giả dối của câu này. - Thưa đại nhân, xin đại nhân cho phép tôi thưa rằng câu hỏi đó đối với một người Nga không có nghĩa gì cả. (ông chồm cả cái thân hình nặng nề của mình ra phía trước). Đó là một câu hỏi không thể đặt ra được một câu hỏi vô nghĩa. Sở dĩ tôi mời các ngài đây đến họp là để giải quyết một vấn đề khác, một vấn đề quân sự. Vấn đề đó như sau: “Cứu tinh của nước Nga là quân đội. Khởi chiến để rồi có cơ mất cả quân đội lẫn Moskva lợi hơn, hay là bỏ Moskva không khởi chiến lợi hơn? Đây, tôi muốn biết được ý kiến của các ngài về vấn đề đấy”. (ông ngả người ra phía sau dựa vào lưng ghế). Cuộc tranh luận bắt đầu. Benrigxen chưa chịu thua. Tuy vẫn chấp nhận ý kiến của Barclay và của một số người khác rằng không thể mở một trận chiến dấu phòng ngự ở Fili được, nhưng ông ta vì quá thấm nhuần lòng ái quốc Nga và vì quá yêu Moskva nên đề nghị đang đêm điều quân từ sườn phải sang sườn trái và đến hôm sau đánh mạnh vào cánh phải của quân Pháp. Ý kiến các tướng chia làm hai phe, phe thì bênh vực phe thì phản đối. Yermolov, Dokhturov và Raievexki đứng về phía Benrigxen. Không biết vì họ cảm thấy phải hy sinh ít nhiều trước khi rời bỏ thủ đô, hay vì những lý do riêng nào khác, nhưng các vị tướng ấy đường như không hiểu rằng phiên họp hội đồng này không thể nào thay đổi được hướng diễn biến tất yếu của sự việc và ngay từ bây giờ Moskva đã bị bỏ ngỏ rồi. Các vị tướng khác đều hiểu rõ điều đó, nên gác vấn đề Moskva sang một bên và bàn đến hướng đi của quân đội khi rút lui. Malasa chăm chú theo dõi những việc đang diễn ra trước mắt nó: nó hiểu ý nghĩa của phiên họp hội đồng này một cách khác. Nó tưởng rằng đây chỉ là một cuộc cãi vã riêng giữa “ông cụ” và “cái ông mặc áo vạt dài kia”. Nó thấy hai người có vẻ rất hằn học khi nói với nhau, và trong khi lòng nó đứng về phía ông cụ: Giữa chừng cuộc tranh cãi, nó để ý thấy anh cụ đưa nhanh về phía Benrigxen một cái nhìn ranh mãnh, rồi nó lại vui mừng nhận thấy ông cụ nói một câu gì làm cho cái “ông mặc áo vạt dài” kia rất bẽ: Benrigxen đề nghị nhằm chuyển quân từ sườn phải sang sườn trái để tấn công cánh hữu của quân Pháp. Giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng. Kutuzov nói: - Thưa các ngài, tôi không thể tán thành kế hoạch của bá tước đại nhân đây được. Chuyển quân ở sát cạnh quân địch bao giờ cũng nguy hiểm, lịch sử quân sự đã xác minh điều đó. Chẳng hạn… (Kutuzov làm ra vẻ như đang ngẫm nghĩ để tìm một dẫn chứng, mắt đưa về phía Benrigxen một cái nhìn trong sáng và ngây ngô). Ta, ta hẵng cứ lấy trận Fridland chẳng hạn, tôi chắc trận này thì bá tước nhớ rõ lắm; kết quả trận này không được… mỹ mãn cho lắm chỉ vì quân ta bố trí lại trong khi đang ở gần quân địch quá… - Tiếp theo là một phút im lặng mà mọi người đều có cảm giác là rất dài. Cuộc tranh luận lại tiếp diễn, nhưng chốc chốc lại có những khoảng im lặng, và mọi người đều cảm thấy chẳng có gì để mà nói nữa. Trong một khoảng im lặng như thế, Kutuzov thở dài một tiếng nặng nề như sắp nói điều gì. Mọi người đều nhìn về phía ông ta. - Ấy thế thưa các ngài! Tôi biết rằng cốc vỡ thì chính tôi phải đền - Kutuzov nói, đoạn chậm rãi đứng dậy và bước lại gần bàn. - Thưa các ngài, tôi đã được nghe ý kiến của các ngài. Trong số các ngài sẽ có những người không đồng ý với tôi. Nhưng tôi… (ông dừng lại một lúc) xin sử dụng cái quyền hạn - mà hoàng thượng và tổ chức giao cho tôi, tôi ra lệnh lui quân. - Các tướng bắt đầu giải tán với cái vẻ thận trọng, lặng lẽ và trang nghiêm như khi người ta giải tán sau một đám tang. Vài viên tướng đến nói khẽ với vị tổng tư lệnh điều gì, giọng nói khác hẳn khi họ thảo luận trong phiên họp hội đồng. Malasa, đáng lẽ phải về ăn tối từ lâu, thận trọng trườn từ trên giàn lò xuống, đôi chân bé nhỏ để trần bám vào những cái u trên lò sưởi và luồn qua chân các vị tướng mà chạy ra cửa. Sau khi các tướng đã ra về, Kutuzov vẫn ngồi chống khuỷu tay lên bàn hồi lâu. Ông vẫn nghĩ tới cái vấn đề kinh khủng ấy: “Việc bỏ ngỏ Moskva đã được định đoạt từ lúc nào? Cái việc có tác dụng quyết định vấn đề này đã xảy ra từ lúc nào? Ai là người có lỗi trong việc này?” Đêm đã khuya. Khi viên sĩ quan phụ tá Snaider bước vào phòng, Kutuzov nói với ông ta: - Thật không ngờ, thật tôi không ngờ như vậy? Tôi không thể ngờ! Snaider nói: - Thưa đại nhân, ngài cần nghỉ ngơi một chút. Kutuzov không đáp, dang nắm tay phốp pháp đặt lên bàn quát dập lên bàn quát: - Ồ không đâu! Rồi chúng nó sẽ phải ngốn thịt ngựa như bọn Thổ Nhĩ Kỳ, chúng nó sẽ phải ăn cho mà xem, miễn là… Chương 5 Cùng lúc ấy, trong một sự kiện còn quan trọng hơn việc rút quân không chiến đấu, là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva. Raxtovsin, mà chúng ta xem là người chỉ đạo sự việc này, đã hành động trái hẳn với Kutuzov. Sự việc ấy - bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva - cũng tất yếu như việc rút quân về phía sau Moskva, không đánh trận nào. Mỗi người Nga, không phải trên cơ sở suy luận, mà trên cơ sở cái tình cảm vẫn sống trong lòng chúng ta và trong lòng cha ông chúng ta, chắc cũng đã tiên đoán được những điều ấy diễn ra. Bắt đầu từ Smolensk trong tất cả các thành phố và làng mạc của đất nước Nga, không hề có sự tham dự của bá tước Raxtovsin và những lời tuyên cáo của ông ta, thế mà sự việc đều diễn ra đúng như ở Moskva. Nhân dân điềm tĩnh đợi quân thù đến, không nổi loạn, không nhốn nháo, không hành hung người nào cả. Họ bình tĩnh chờ đợi vận mệnh, cảm thấy rằng đến giờ phút khó khăn nhất họ sẽ có thể biết rõ mình phải làm gì, và hễ quân địch gần đến nơi, là những người giàu có nhất trong dân cư bỏ đi, để của cải lại; những người nghèo nhất thì ở lại, phá huỷ và đốt cháy những gì còn sót. Trong tâm hồn của người Nga, xưa kia cũng như bây giờ, đều có ý thức rằng sự thể sẽ như thế nào, và bao giờ cũng vẫn như thế. Và cả xã hội Nga ở Moskva năm 1812 đều có ý thức đó, hơn nữa, còn có cái tình cảm rằng Moskva bị chiếm. Những người đang lục tục rời bỏ Moskva ngay từ tháng bảy và đầu tháng tám đã chứng tỏ rằng họ đã đoán trước việc đó. Khi ra đi với những thứ có thể vơ theo, bỏ nhà cửa và một nửa tài sản, họ hoạt động theo một lòng yêu nước tiềm tàng, một lòng yêu nước không biểu lộ bằng lời nói, bằng việc hy sinh con cái để dâng lên bàn thờ tổ quốc hay những hoạt động giả tạo tương tự thế, mà là một lòng yêu nước bộc lộ ra một cách thầm lặng, đơn giản hữu cơ và vì vậy bao giờ cũng có những kết quả rất mạnh. “Chạy trốn trước nguy cơ là một điều đáng hổ thẹn: chỉ có những kẻ hèn nhát mới bỏ Moskva và chạy trốn” - người ta bảo vậy. Trong các tờ tuyên cáo, Raxtovsin cũng gợi ý cho họ thấy rằng rời bỏ Moskva là nhục nhã. Họ rất hổ thẹn khi phải nhận cái danh hiệu là kẻ hèn nhát, họ rất hổ thẹn khi phải ra đi, nhưng họ vẫn cứ ra đi, vì biết rằng cần phải làm như vậy. Tại sao họ phải ra di? Không thể nói rằng họ khiếp sợ vì tin lời Raxtovsin kể lại về những chuyện kinh khủng mà Napoléon đã làm trong các vùng bị chinh phục. Họ ra đi, và những người ra đi trước nhất là những người giàu sang, có học thức, vốn biết rất rõ ràng Viên và Berlin vẫn nguyên vẹn và khi Napoléon chiếm đóng hai thành này thì dân cư ở đây sống rất vui vẻ với người Pháp, những con người rất có duyên mà thời ấy người Nga rất thích, nhất là phụ nữ Nga. Họ ra đi vì đối với người Nga không thể có vấn đề: dưới quyền cai trị của Pháp thì ở lại Moskva sướng hay khổ. Dưới quyền cai trị của Pháp thì không thể nào sống được: đó là điều tệ hơn cả. Trước trận Borodino họ đã bỏ đi, và sau trận Borodino họ còn bỏ đi nhanh chóng hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi phòng thủ, bất chấp những lời tuyên bố của quan tư lệnh Moskva là sẽ rước ảnh Đức Bà Iverya ra đánh giặc, bất chấp những quả khinh khí cầu mà người ta định dùng để tiêu diệt quân Pháp và bất chấp tất cả những lời lẽ nhảm nhí mà Raxtovsin viết trong các bản tuyên các của ông ta. Họ biết rằng quân đội có nhiệm vụ phải chiến đấu, và một khi quân đội đã không làm được việc đó thì không thể đem các cô tiểu thư cùng các gia nhân lên khu Trigorư đánh nhau với Napoléon được, cho nên họ đành phải bỏ đi, mặc dù rất xót xa khi phải vứt của cải lại. Họ ra đi, không hề nghĩ đến cái ý nghĩ lớn lao của việc rời bỏ chốn thủ đô giàu có, đồ sộ này, phó mặc nó cho mồi lửa (một thành phố lớn nhà cửa toàn bằng gỗ mà dân cư bỏ đi thì thế nào cũng phải cháy); mỗi người ra đi như vậy vì bản thân mình, nhưng đồng thời chỉ riêng việc họ bỏ đi thôi cũng đã làm nên cái sự kiện lớn lao mãi mãi sẽ là sự kiện vẻ vang nhất của dân tộc Nga. Một bà lớn đã cùng mấy người đầy tớ da đen và mấy anh hề rời Moskva đi về vùng quê Xaratov từ hồi tháng sáu, với một ý thức mơ hồ là mình không thể ở lại làm đầy tớ cho Bonaparte vừa đi vừa sợ bị chặn lại giữa đường theo lệnh của bá tước Raxtovsin, con người cũng có lúc thóa mạ những ai bỏ đi, đã có lúc cho các cơ quan hành chính phân tán ra ngoài thành, đã từng phát những vũ khí không còn dùng được nữa cho kẻ say rượu, đã từng cho dỡ các tượng thánh ra, đã có lúc cấm cha Auguxtin đưa các thánh tích và các ảnh tượng ra khỏi Moskva, đã từng sung công tất cả các xe tải của tư nhân, đã dùng một trăm ba mươi sáu chiếc xe tải chở quả kinh khí cầu do Leppich làm ra, lại đã từng nói bóng gió rằng mình sẽ đốt cháy Moskva, đã từng kể lại rằng mình đã đốt nhà riêng và đã thảo ra một bản tuyên cáo gửi cho quân Pháp, long trọng trách móc họ đã phá mất cái cô nhi viện của mình, đã từng đứng ra nhận lấy cái vinh quang của việc đốt Moskva, rồi lại chối rằng mình không làm việc đó, đã ra lệnh cho nhân dân bắt hết bọn do thám giải đến cho mình, rồi lại trách móc nhân dân đã làm theo lệnh ấy, đã trục xuất tất cả các Pháp kiều ra khỏi Moskva. nhưng lại để bà Ober Salme ở lại thành phố, trong khi bà ta là trung tâm của cái xã hội Pháp ở Moskva, đồng thời lại vô cớ ra lệnh bắt và đày biệt xứ viên giám đốc bưu chính Klustarev, một con người già cả và đáng kính, đã từng triệu tập dân chúng lên khu Trigorư đánh nhau với Pháp, rồi để thoát khỏi đám dân chúng này, lại ẩy ra một người để cho họ đánh chết còn mình thì chuồn ra cửa sau, đã có lúc nói rằng Moskva mà rơi vào tay giặc thì mình cũng không sống sót lại làm gì, đã từng viết vào album những câu thơ bằng tiếng Pháp để chứng tỏ rằng mình tham gia vào việc này - con người đó không hiểu được ý nghĩa của sự việc xảy ra, lại cứ muốn tự mình làm một việc gì, muốn tự làm cho mọi người ngạc nhiên, muốn hoàn thành một cái gì cho thật xứng đáng với một trang anh hùng cứu quốc, và như một đứa trẻ con, người đó chơi đùa với những biến cố lớn iao và tất yếu là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva, và cứ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra, khi thì thúc dẩy, khi thì ngăn chặn luồng nước lũ ồ ạt của nhân dân đang cuốn mình theo. Chương 6 Khi cùng với triều đình từ Vilna trở về Petersburg, Elen lâm vào một tình cảm gay go khó xử. Ở Petersburg, Elen được một vị đại thần vào bậc nhất trong nước đặc biệt che chở cho. Còn ở Vilna thì nàng lại kết thân với một hoàng thân ngoại quốc trẻ tuổi. Khi nàng trở về Petersburg thì vị hoàng thân và vị đại thần đều đang ở đấy, cả hai đều đòi hưởng quyền được nàng chiếu cố, thế là Elen đứng trước một bài tính chưa từng gặp trên bước đường sự nghiệp của nàng: làm thế nào để duy trì quan hệ gần gũi với cả hai người, mà không ngưòi nào phật ý. Cái việc mà một người đàn bà khác sẽ thấy là một khó khăn và thậm chí không thể nào làm được nữa, thì lại chẳng hề khiến bá tước phu nhân Bezukhov phải bận tâm suy nghĩ gì: rằng được tiếng là người đàn bà thông minh nhất, hẳn cũng không phải là không có căn cứ. Giả sử nàng giấu giếm các hành tung của mình, cố dùng mưu mẹo để thoát ra khỏi tình thế khó khăn này thì như vậy chẳng khác nào tự mình thú tội, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Nhưng nàng không làm như vậy; ngay từ đầu, như một vĩ nhân chân chính có khả năng thực hiện tất cả những gì mình muốn, nàng đã tự mình đặt mình vào địa vị của người chính trực và cũng thành thật tin rằng mình chính trực, còn bao nhiêu người khác thì nàng đặt vào địa vị của người có lỗi. Lần đầu tiên khi nhân vật ngoại quốc trẻ tuổi kia dám đưa lời trách móc nàng, nàng đã kiêu hãnh cất cao mái đầu tuyệt mỹ của nàng lên, và chỉ hơi ngoảnh về phía ông ta, nàng nói giọng rắn rỏi: - Đấy đàn ông họ ích kỷ và tàn nhẫn như vậy đấy! Tôi cũng biết từ trước. Đàn bà người ta hy sinh cho các ông, người ta đau khổ, thế mà các ông đều đáp lại như thế đấy. Thưa điện hạ, ngài có quyền gì chất vấn tôi về những tình bạn, những tình quyến luyến của tôi? Người đó đối với tôi còn hơn là người cha. Nhân vật kia định nói lại một câu gì, nhưng Elen đã chặn lời nói tiếp: - Phải, có thể đối với tôi, ông ta còn có những tình cảm khác hơn là tình cảm của một người cha, nhưng đó không phải là một lý do để tôi cấm cửa ông la. Tôi có phải là đàn ông đâu mà vong ân bội nghĩa như lậy. Xin điện hạ biết cho rằng về tất cả những gì liên quan đến tình cảm sâu kín của tôi thì chỉ có Thượng đế và lương tâm tôi chứng giám! - nàng kết luận, tay đặt nhẹ lên bộ ngực đẹp đẽ đang phập phồng nâng cao, mắt ngước nhìn trời. - Nhưng xin phu nhân nghe tôi nói đã, tôi van phu nhân. - Ngài hãy kết hôn với tôi đi, rồi tôi sẽ là nô lệ của ngài. - Nhưng không thể được. - Ngài không thèm hạ cố đến tôi, ngài… Elen vừa khóc vừa nói. Nhân vật kia ra sức an ủi nàng: còn Elen thì vừa khóc sụt sùi vừa nói như đã mất hết tự chủ, rằng không còn gì để ngăn trở nàng đi lấy chồng, rằng có nhiều trường hợp hồi ấy cũng chưa có được mấy trường hợp, nhưng nàng vẫn kể được Napoléon và một vài nhân vật quyền quý khác; nàng nói nàng chưa bao giờ là người vợ thật sự của chồng nàng, rằng nàng đã bị đưa ra làm vật hy sinh. - Nhưng còn luật pháp, tôn giáo… - Nhân vật kia nói, trong lòng đã thấy xiêu xiêu. - Pháp luật, tôn giáo… Những thứ đó bày ra để làm gì, nếu không phải là để thu xếp những chuyện như thế này? - Elen nói. Nhân vật quan trọng kia ngạc nhiên, không hiểu sao một điều suy luận đơn giản như thế mà mình lại không nghĩ ra, bèn đến hỏi ý kiến của dòng tu sĩ Gia-tô [227] mà ông vẫn có quan hệ mật thiết. Sau đó ít hôm, vào một buổi dạ hội rất nhã thú mà Elen tổ chức trong biệt thự của nàng ở Jamenny Oxtrov, người ta giới thiệu nàng cho một người đứng tuổi rất có duyên, tóc trắng như tuyết, măt đen và sáng: đó là ông De Jober, một tu sĩ dòng Gia-tô mặc áo ngắn. Trong khu vườn của tòa biệt thự, dưới ánh đèn lồng và trong tiếng nhạc, ông ta đã nói chuyện rất lâu với Elen về lòng kính yêu Đức Chúa trời, kính yêu đấng Cơ đốc, kính yêu trái tim đức thánh của Đức mẹ Chúa trời, và về những niềm an ủi mà chỉ có một chân lý duy nhất có thể đưa lại cho ta trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống sau này: chân lý của Công giáo [228] - Elen nghe nói rất cảm động, và đã mấy lần nàng và ông De Jober mắt đều rớm lệ và giọng nói run run. Một khách đến mời Elen nhảy khiến cho câu chuyện giữa Elen và người chỉ đạo lương tâm của nàng phải tạm ngừng; nhưng tối hôm sau ông De Jober lại đến một mình gặp Elen và từ đấy cứ đến thăm nàng luôn. Một hôm ông ta dẫn bá tước phu nhân vào nhà thờ công giáo; nàng quỳ xuống trước bàn thờ. Người Pháp đứng tuổi rất có duyên kia để tay lên đầu nàng, và về sau này nàng kể lại rằng lúc ấy nàng có cảm giác như một làn gió mát rượi thổi vào tâm hồn. Người ta giảng giải cho nàng hiểu đó là phước lành. Rồi người ta dẫn đến cho nàng một giáo sĩ mặc áo chùng. Vị giáo sĩ nghe nàng xưng tội và rửa sạch tội lỗi cho nàng. Ngày hôm sau họ mang lại cho nàng một cái tráp đựng mình thánh và để lại cho nàng dùng lại gia. Được mấy hôm Elen thích thú được biết rằng bây giờ mình đã gia nhập giáo hội công giáo, giáo hội chân chính, và nay chính là giáo hoàng sẽ biết đến trường hợp nàng, sẽ gửi cho nàng một thứ văn kiện gì đấy. Tất cả những việc diễn ra ở xung quanh nàng và có nàng tham dự, tất cả sự chăm sóc của những con người thông minh như vậy đối với nàng, một sự chăm sóc biểu lộ dướí những hình thức thật dễ chịu, tinh tế, và cái trạng thái trong sạch như chim bồ câu trắng của nàng bây giờ (suốt thời gian nàng mặc toàn đồ trắng, thắt dải trắng), tất cả những điều đó làm nàng thích thú: nhưng không giây phút nào nàng vì sự thích thú đó mà sao nhãng mục đích của nàng. Về mưu mẹo thì thường người ngu vẫn lừa được người khôn hơn mình, do đó nàng hiểu rằng mục đích của tất cả những lời lẽ, những việc lo toan ấy chủ yếu để nàng theo công giáo rồi quyên tiền của nàng cho các tổ chức của dòng Gia-tô (người ta cũng nói xa nói gần với nàng về việc này). Trước khi có tiền, Elen một mực đòi họ phải tiến hành những thủ tục cần thiết để giải thoát nàng khỏi cuộc hôn nhân cũ. Trong quan niệm của nàng, ý nghĩa của bất cứ tôn giáo nào cũng thế, chẳng qua là làm thế nào giữ được một số nghi thức bề ngoài cho tươm tất trong khi thỏa mãn những dục vọng của con người. Và với mục đích ấy, trong một buổi nói chuyện với một vị giáo sĩ nàng một mực đòi ông ta phải cho nàng biết rõ cuộc hôn nhân cũ của nàng có thể ràng buộc nàng đến mức nào. Họ đang ngồi trong phòng khách, bên cạnh cửa sổ. Trời sâm sẩm tối. Từ cửa sổ đưa vào những mùi hoa thơm ngát. Elen mặc áo đài trắng, ngực và hoa thêu rua. Vị giáo sĩ là một người béo tốt phương phi, râu cạo nhẵn, có cái miệng rắn rỏi dễ yêu và hai bàn tay trắng trẻo đặt lên đầu gối một cách rất hiền lành, ngồi gần sát Elen và môi mỉm cười một nụ cười tế nhị, chốc chốc lại nhìn khuôn mặt nàng, cái nhìn tán thưởng một cách điềm tĩnh sắc đẹp của nàng, và trình bày cho nàng nghe quan điểm của ông ta về vấn đề đang khiến hai người quan tâm. Elen mỉm cười băn khoăn, đưa mắt nhìn bộ tóc quăn và đôi má phinh phính cạo nhẵn có ánh biêng biếc của ông ta và từng phút chờ đợi ông ta đổi hướng câu chuyện. Nhưng vị giáo sĩ mặc dầu có vẻ rất hân thưởng sắc đẹp của người tiếp chuyện, vẫn say sưa với cát nghệ thuật điêu luyện của mình trong những công việc như thế này. Lý luận của vị chỉ đạo lương tâm là như sau: vì không hiểu rõ ý nghĩa của việc mình làm, phu nhân đã phát thệ làm người vợ trung thành của một người; nhưng người này, vì trong khi kết hôn không tin vào ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân, đã phạm tội báng bổ. Cuộc hôn nhân đã không có được cái ý nghĩa hai mặt mà lẽ ra nó phải có. Nhưng tuy thế, lời thề của phu nhân vẫn ràng buộc phu nhân. Phu nhân đã vi phạm lời thề ấy. Làm như vậy có phạm tội gì Tội nhẹ hay tội trọng? Tội nhẹ, là bởi vì trong khi làm như vậy phu nhân không có ý định gì xấu. Nếu bây giờ, vì muốn có con, phu nhân bước đi bước nữa, thì tội của phu nhân có thể tha thứ được. Nhưng vấn đề lại tách ra làm hai: thứ nhất là… - Nhưng tôi thiết tưởng. - Elen nghe đã thấy chán bỗng nói xen, với nụ cười mê hồn của nàng, - tôi thiết tưởng rằng sau khi đã theo một tôn giáo chân chính thì tôi không còn bị một tôn giáo sai lầm ràng buộc nữa. Vị chỉ đạo lương tâm kinh ngạc trước cách đặt vấn đề đơn giản như chuyện dựng đứng quả trứng của Colombo [229] đó. Ông ta rất thán phục sự tiến bộ nhanh chóng không ngờ của cô học trò, nhưng cũng không thể từ bỏ tòa lâu đài luận chứng mà ông đã dầy công bóp óc xây dựng nên. - Chúng ta phải thỏa thuận với nhau mới được, bá tước phu nhân ạ, - và ông ta bắt đầu phản bác những lý luận cuả người con gái tinh thần của ông ta. Chương 7 Elen hiểu rõ rằng theo quan điểm Giáo hội mà nói thì vấn đề này rất đơn giản và dễ giải quyết, nhưng sở dĩ những người chỉ đạo cho nàng làm khó dễ như vậy chỉ là vì họ lo sợ không biết rồi chính quyền thế tục [230] sẽ có thái độ như thế nào đối với việc này. Cho nên Elen quyết định rằng cần phải chuẩn bị dư luận cho việc này mới xong. Nàng kiếm cách làm cho lão đại thần phát ghen lên và cũng nói với ông ta đúng như đã nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt câu đề thế nào để cho ông ta nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt vấn đề thế nào để cho ông ta thấy rằng chỉ còn cách cưới nàng làm vợ thì mới có thể có quyền đối với nàng được. Thoạt tiên nhân vật già này thấy nàng nói đến việc kết hôn trong khi chồng nàng hãy còn sống thì cũng lấy làm kinh ngạc không kém gì nhân vật trẻ kia; nhưng Elen có vẻ tin tưởng chắc chắn như bàn thạch rằng việc này cũng đơn giản và tự nhiên như việc một cô gái đi lấy chồng, nên ông ta cũng thấy xiêu lòng. Giá Elen có một dấu hiệu cỏn con nào tỏ ra lưỡng lự, ngượng ngùng hay e ấp, thì công chuyện của nàng chắc chắn là mười phần thất bại: nhưng chẳng những nàng không hề có lấy một dấu hiệu nào tỏ ra e ấp và ngượng ngùng, mà trái lại, nàng còn kể lại một cách ngây thơ, tự nhiên và hiền lành với các bạn thân (tức là tất cả thành phố Petersburg), rằng cả vị hoàng thân và vị đại thần đều ngỏ lời cầu hôn với nàng, rằng nàng yêu cả hai người và sợ mất lòng cả hai. Lập tức có tin đồn lan ra khắp thành Petersburg - nhưng không phải là tin Elen muốn ly hôn với chồng (nếu như vậy thì đã có rất nhiều người phản đối cái ý định phi pháp này), mà lại là tin đồn trực tiếp rằng nàng Elen phong nhã và bất hạnh đang có điều phân vân khó xử là trong hai nhân vật kia không biết nên lấy ai bây giờ. Vấn đề bây giờ không còn là ở chỗ việc này hợp pháp đến mức nào, mà chỉ là ở chỗ đám nào hời hơn và triều đình sẽ nhìn nhận việc này ra sao. Quả tình cũng có một số người cố chấp không đủ năng lực để hiểu rõ vấn đề và cho rằng ý định này là một sự báng bổ đối với thể chế hôn nhân thiêng liêng; nhưng những người như thế thì rất ít, họ lại im lặng, còn số đông chỉ chú ý đến những vấn đề quay xung quanh cái hạnh phúc mà Elen đã tìm và chỉ băn khoăn cho nàng không biết chọn đám nào hơn. Còn về chuyện chồng còn sống mà bước đi bước nữa là tốt hay xấu, thì họ không nói đến, bởi vì vấn đề này hẳn là được giải quyết rồi đối với những người thông minh hơn anh và tôi (như người ta vẫn nói), và nếu tỏ ra hoài nghi về cách giải quyết vấn đề có tốt hay không thì nhỡ ra một cái có thể tỏ rằng mình ngu ngốc và không biết cách sống ở đời. Chỉ có một mình bà Maria Dmitrievna mùa hè năm ấy về Petersburg để gặp một người con trai của bà, bà dám nói thẳng ý kiến của mình ra, một ý kiến trái ngược với công luận. Gặp Elen trong một cuộc khiêu vũ. Maria Dmitrievna, với cái cử chỉ dữ tợn quen thuộc, xắn hai ống tay áo rộng lên, đưa mắt nghiêm nghị nhìn nàng rồi bước ngang qua gian phòng bỏ đi. Ở Petersburg, người ta có sợ Maria Dmitrievna thật, nhưng họ vẫn coi bà như một người ngược đời, nên trong những câu bà vừa nói ra họ chỉ chú ý đến cái danh từ tục tĩu kia mà họ thì thầm rỉ tai nhau, cho rằng tất cả cái phong vị mặn mà của câu nói chỉ bao gồm trong danh từ đó. Công tước Vaxili gần đây đặc biệt hay quên những điều mình đã nói ra, cho nên hễ cứ gặp con gái là ông lại nhắc mãi đến hàng trăm lần, lần nào cũng chỉ có từng ấy chuyện: - Elen ạ, tôi có một câu chuyện cần phải nói với cô, - Vông tước Vaxili kéo nàng ra một bên và kéo thấp tay nàng xuống. - Tôi có nghe phong phanh là cô có những dự định về, về việc gì thì cô cũng biết đấy, con yêu quý ạ, con cũng biết rằng lòng cha rất vui sướng khi được biết con… Con đã đau khổ quá nhiều… Nhưng, con ạ, con chỉ nên theo tiếng gọi của lòng con. Cha chỉ nói với con như vậy thôi! - Nói đoạn công tước Vaxili cố che giấu nỗi xúc động (lần nào nỗi xúc động của ông cũng y hệt như thế), áp má mình vào má cô con gái rồi bỏ đi. Bilibin, bấy giờ vẫn nổi tiếng là con người thông minh nhất đời, và vốn là một người bạn vô tư khảng khái của Elen, một trong số những người bạn trai mà những người đàn bà đẹp thường vẫn có: hạng bạn trai không bao giờ có thể chuyển sang vai trò người yêu được. Một hôm nhân nói chuyện giữa một nhóm thân bằng cố hữu, ông ta giãi bày cho Elen rõ quan điểm của ông ta về việc này. - Anh Bilibin ạ. (Elen bao giờ cũng gọi những người bạn thuộc hạng Bilibin bằng họ chứ không gọi tên riêng), - Nàng đưa bàn tay trắng nõn đeo nhiều nhẫn khẽ chạm ống tay áo lễ phục của ông ta. - Anh hãy nói với lôi như nói với một người em gái nhé, bây giờ tôi phải làm thế nào? Trong hai người ấy nên chọn người nào? Bilibin có làn da trên trán lại mỉm cười suy nghĩ một lát. - Đây chẳng phải là một câu hỏi đột ngột gì đối với tôi đâu chị ạ! - Bilibin nói - Với tư cách là một người bạn chân thành tôi đã suy nghĩ lại việc của chị rồi. Thế này nhé, nếu chị lấy ông hoàng thân (ý nói nhân vật trẻ tuổi) - ông ta gập một ngón tay lại, - thì chị mất hẳn cái khả năng lấy được ông kia, mà lại làm cho triều đình phật ý. (Chị cũng biết rằng ở đây có một mối liên hệ bà con thế nào đấy) Nhưng nếu chị lấy ông bá tước già, thế rồi về sau với tư cách là quả phụ của đại thần… vị hoàng thân kia lấy chị không còn là không môn đăng hộ đối nữa. Nói đoạn Bilibin cho lớp da trán giãn ra. - Như thế mới thật là một người bạn chân thành - Elen nói, vẻ mặt rạng rỡ, bàn tay lại giơ ra khẽ chạm vào ống tay áo Bilibin. Nhưng khốn nỗi tôi yêu cả hai người, tôi không muốn làm cho họ buồn phiền. Tôi sẵn sàng dâng cả cuộc đời cuả tôi để cho cả hai người được hạnh phúc. Bilibin nhún vai để tỏ ra rằng nỗi buồn phiền ấy thì đến như ông ta cũng không sao cứu chữa nổi. “Thật là một người đàn bà cừ khôi! Như thế mới gọi là đặt vấn đề một cách dứt khoát. Ý cô ta muốn lấy cả ba người cùng một lúc hẳn” - Bilibin nghĩ thầm. - Nhưng chị ạ, không biết chồng chị sẽ nhìn nhận việc này ra sao? - Bilibin nói; vì tiếng tăm ông ta đã vững chắc cho nên mới dám hỏi một câu ngây thơ như vậy mà không sợ mất uy tín trước mặt mọi người, - Liệu chồng chị có thuận không? - Ồ! Anh ấy yêu tôi lắm cơ - Elen nói, chẳng hiểu tại sao nàng có cảm tưởng Piotr cũng yêu mình. - Vì tôi anh ấy sẽ làm bất cứ việc gì. Bilibin co lớp da trán lại để báo hiệu rằng mình sắp nói một câu dí dỏm. - Cả việc ly hôn nữa à? - Bilibin nói.
Elen cười. Trong số những người dám hoài nghi tính chất hợp pháp của cuộc hôn nhân đang dự định có công tước phu nhân Kuraghina, tức mẹ Elen. Lòng ghen tị đối với con gái luôn luôn giày vò phu nhân mà bây giờ thì đối tượng ghen tị lại là một điều thiết thân nhất đối với lòng phu nhân, nên phu nhân không sao cam tâm để yên cho việc này tiến hành được. Bà đi hỏi ý kiến một vị linh mục Nga xem tôn giáo có cho phép ly hôn và tái giá trong khi chồng còn sống không. Vị linh mục trả lời rằng điều đó không thể được và bà rất đỗi vui mừng khi vị linh mục chỉ cho bà xem một đoạn Phúc âm nói hẳn ra rằng (ông ta có cảm tưởng như vậy) không thể nào tái giá khi chồng còn sống được. Được vũ trang bằng những luận chứng mà bà ta cho là không sao bác bỏ được, một buổi sáng nọ công tước phu nhân vào phòng con gái thật sớm để có thể gặp nàng một mình. Sau khi nghe những lời khuyên răn của mẹ, Elen mỉm một nụ cười dịu dàng mà ngạo nghễ. - Nhưng mà trong kinh Thánh có dạy là ai lấy một người đàn bà ly hôn làm vợ. - công tước phu nhân nói. - Ôi thôi, mẹ đừng nói nhảm nữa. Mẹ chả hiểu gì cả. Ở địa vị tôi có nhiều bổn phận phải làm - Elen nói, chuyển câu chuyện từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, vì khi nói tiếng Nga nàng cứ có cảm tưởng là trong công việc của nàng có một cái gì không minh mạch. - Nhưng cô bạn ạ…. - Ôi sao mẹ lại hiểu rằng Đức Thánh Cha người có quyền cho phép miễn… Vừa lúc ấy tuỳ nữ ở với Elen vào gặp nàng để bảo rằng điện hạ đang ngồi ngoài phòng khách và mong được gặp nàng. - Không, cô nói với điện hạ là tôi không muốn gặp, là tôi đang giận đức ông lắm, vì đức ông đã lỗi hẹn với tôi! Ngay lúc ấy một người thanh niên tóc vàng, mặt dài, mũi cũng dài, bước vào nói: - Thưa bá tước phu nhân, vạn tội, an xá! Lão công tước phu nhân kính cẩn đứng dậy và nhún mình chào; người trẻ tuổi mới vào không chú ý gì đến bà cả. Công tước phu nhân gật đầu chào con gái và trang trọng đi ra cửa. “Không, nó làm thế là phải, - lão công tước phu nhân nghĩ thầm: bây giờ tất cả các định kiến của bà ta đều đã sụp đổ trước sự xuất hiện của điện hạ. - Nó làm thế là phải; nhưng làm sao hồi còn trẻ ta lại không biết nhỉ, mà tuổi trẻ có bao giờ trử lại nữa đâu? Mà làm như thế lại đơn giản biết chừng nào”, - công tước phu nhân tự nhủ khi bước lên xe. Đến đầu tháng tám công việc của Elen đã quyết định xong xuôi đâu và đấy. Nàng liền viết thư có báo tin rằng nàng có ý định kết hôn với N.N., rằng nàng đã theo cái tôn giáo chân chính duy nhất, và yêu cầu chồng cũ liệu tất cả những việc cần thiết để làm trọn thủ tục ly hôn - người đưa thư này sẽ cho chàng biết rõ những điều cần thiết ấy. “Đến đây tôi xin cầu nguyện Chúa đặt anh dưới sự che chở thần thánh và uy vũ của ngài. Bạn của anh. Elen”. Bức thư này được đưa đến nhà Piotr trong khi chàng đang ở trên chiến trường Borodino. Chương 8 Cuối trận Borodino, Piotr rời trận địa phận của Ratevxki chạy xuống lần thứ hai rồi cùng một toán binh sĩ dọc theo khe núi đi về phía Knyazkovo. Chàng đi ngang một trạm cứu thương, và khi trông thấy máu và nghe những tiếng kêu rên liền vội vã len vào đám lính đi xa hơn. Bây giờ Piotr thiết tha mong muốn có một điều, là làm sao chóng thoát ra khỏi những ấn tượng khủng khiếp mà ngày hôm nay chàng đã trải qua, chóng trở lại với hoàn cảnh sinh hoạt bình thường, về phòng lăn ra ngủ một giấc cho yên. Chỉ trong hoàn cảnh sống bình thường, chàng mới cảm thấy mình có thể hiểu nổi bản thân mình và hiểu tất cả những điều mà chàng đã chứng kiến và thể hiện. Nhưng cái hoàn cảnh sinh hoạt bình thường ấy thì chẳng nơi nào có. Tuy trên con đường chàng đang đi không có tiếng réo của đạn và trái phá nữa, nhưng khắp bốn phía quanh cảnh vẫn như trên bãi chiến trường. Vẫn những khuôn mặt ấy. Những khuôn mặt đau khổ, phờ phạc và đôi khi lại thản nhiên một cách kỳ dị, vẫn những vết máu ấy, những chiếc áo ca-pốt của binh sĩ ấy, những tiếng súng trường ấy, tuy nay nghe đã xa, nhưng vẫn làm cho người ta khiếp sợ: đã thế không khí lại nghẹt thở và bụi bặm. Đi được khoảng ba dặm trên con đường cái Mozaisk, chàng ngồi xuống bên vệ đường. Bóng hoàng hôn đã buông xuống mặt đất và tiếng gầm của đại bác đã ngớt, Piotr chống khuỷu tay nằm xuống. Chàng nằm như thế hồi lâu, đưa mắt nhìn theo những bóng đen đang lũ lượt kéo qua trước mặt chàng, trong đêm tối. Chàng cứ có cảm giác như một quả tạc đạn đang bay về phía chàng với một tiếng rú ghê rợn. Chàng rùng mình ngồi dậy. Chàng không nhớ rõ chàng ngồi ở đây bao nhiêu lâu. Vào khoảng nửa đêm có ba người lính mang củi khô lại ngồi gần chỗ chàng và bắt đầu nhen lửa. Họ lướt nhìn Piotr, đốt lửa và đặt một cái nồi trên bếp lửa, bẻ bánh mì khô bỏ vào cho thêm mấy miếng mỡ. Mùi thơm dễ chịu của món ăn béo bùi pha lẫn với mùi khói. Piotr nhổm dậy và thở dài. Ba người lính bắt đầu ăn, không hề chú ý đến Piotr; họ vừa ăn vừa nói chuyện. Bỗng một người trong ba người lính quay về phía Piotr nói: - Này, đằng ấy là người ở đâu thế hả? - Hẳn trong khi hỏi như vậy người lính muốn ngụ một điều mà Piotr cũng đang nghĩ đến: Nếu anh muốn ăn thì chúng tôi sẽ cho ăn, nhưng phải nói rõ xem anh có phải là người lương thiện không đã. - Tôi, tôi ấy à?… Piotr nói; chàng cảm thấy cần phải hạ bớt cái địa vị xã hội của mình đi chừng nào hay chừng ấy, để cho mấy người lính thấy gần gũi và dễ hiểu mình hơn. - Thật tình tôi là một sĩ quan dân binh, nhưng đơn vị của tôi không có đây; tôi vừa đi dự trận và lạc mất đội ngũ. - À ra thế! - Một người lính nói. - Một người lính khác lắc đầu. - Thôi được có đói thì ăn một ít. - Kavadas, người này nói đoạn lấy cái môi gỗ liếm cho sạch rồi đưa cho Piotr. Piotr đến ngồi bên đống lửa và bắt đầu ăn. Trong khi chàng cúi lom khom trên cái nồi múc từng môi lớn ăn lấy ăn để hết môi này đến môi khác, ba người lính im lặng nhìn khuôn mặt của chàng chập chờn trong ánh lửa. - Bây giờ đằng ấy cần đi đâu hả? Nói đi! - một trong ba người lính lại hỏi. - Tôi đi Mozaisk. - Thế đằng ấy là một ông lớn à? - Phải. - Tên là gì? - Piotr Kirilovit. - Ta đi đi, chúng tôi sẽ dẫn ông đi Mozaisk. Gà đã gáy sáng khi họ đã đến Mozaisk và bắt đầu leo lên cái dốc dẫn vào thành phố, Piotr cùng đi với mấy người lính, quên bẵng đi rằng quán trọ của chàng ở dưới chân dốc chàng đã đi quá mất một quãng. Trong tâm trạng bàng hoàng như lúc bấy giờ, Piotr không thể nào nhớ ra được, nếu mà không gặp người mã phu của chàng ở giữa dốc; anh ta đi tìm chàng khắp cả thành phố và bây giờ đang trở về quán trọ. Người mã phu nhận ra Piotr nhờ trông thấy cái mũ của chàng trăng trắng nhờ nhờ trong đêm tối. Anh ta kêu lên: - Bẩm ông lớn! Chà, thế mà chúng tôi đã tưởng không sao tìm ra nữa. làm sao ông lớn lại đi bộ? Ông lớn đi đâu nữa thế, xin mời ông lớn về quán trọ. - Ờ nhỉ! - Piotr nói. Ba người lính đứng lại. - Thế nào, ông tìm ra đơn vị rồi đấy à? - Một người nói. - Thôi, chào nhé! Chào ông Piotr Kirilovit, có đúng tên ông như thế không nhỉ? Chào Piotr Kirilovit nhé! Mấy người kia nói thêm. - Chào các anh, - Piotr nói, rồi cùng người mã phu trở về quán trọ. “Phải cho họ ít nhiều!” - Piotr nghĩ thầm, tay móc túi lấy ví tiền. Nhưng có một tiếng nói nào đó ở bên trong nhủ chàng “Không, không nên.” Các phòng trọ đều đã có người thuê cả. Piotr đi ra sân, leo lên xe ngựa và trùm áo khoác lên đến đầu. Chương 9 Piotr vừa gối đầu lên chiếc nệm đã thấy mình bắt đầu thiêm thiếp ngủ, nhưng chợt bên tai chàng lại văng vẳng những tiếng súng đì đùng nghe rõ gần như thật, những tiếng rên la, những tiếng trái pháo nổ toác trên mặt đất, đâu đây lại phảng phất mùi máu và mùi thuốc súng, và một cảm giác kinh hãi, hoảng sợ chiếc cái chết lại tràn vào tâm hồn chàng. Chàng hoảng hốt mở mắt và ló đầu ra ngoài trước áo khoác. Trong sân mọi vật đều im lặng. Chỉ riêng ở cổng vào có một người cần vụ đang vừa nói chuyện với bác gác cổng vừa đi di lại lại, chân giẫm lép bép lên bùn. Phía trên đầu Piotr, dưới mái hiên lơp ván tối om, mấy con bồ câu thấy phía dưới có tiếng động sợ hãi xao xác lên một lúc. Khắp sân phảng phất cái mùi hăng hắc của những quán trọ, mùi rơm khô, mùi phân ngựa và mùi hắc ín, một khí vị thanh bình khiến lòng Piotr vui tươi trở lại. Giữa hai mái hiên tối sẫm hiện ra một mảng trời trong trẻo đầy sao. “Tạ ơn thượng đế, bây giờ cảnh tượng đó không còn nữa rồi - Piotr nghĩ, và kéo áo trùm lên đầu như cũ. - Ôi ghê gớm thay sự sợ hãi của con người, và ta đã sợ hãi một cách thật là nhơ nhuốc? Còn họ… Họ thì từ đầu chí cuối luôn luôn vững dạ bình tâm…” - chàng tự nhủ. Họ đây là binh sĩ, là những người chiến đấu ở vị trí pháo binh, và cả những người đã cho chàng ăn, cả những người đã cầu nguyện trước bức tượng thánh. Họ, những con người xa lạ mà trước đây chàng không hề biết đến, trong tâm trí của chàng họ đã nổi bật hẳn lên tất cả những người khác. Phải làm lính, phải trở thành một người lính, một người lính thường thôỉ, Piotr nghĩ trong khi chìm dần vào giấc ngủ. - Phải đem hết con người mình thâm nhập vào cuộc sống này, phải thấm nhuần những cái gì đã làm cho họ trở thành những con người như thế. Nhưng làm sao cởi bỏ được tất cả những cái thừa thãi, những cái ma quái tất cả những gánh nặng của con người bề ngoài? Đã có thời lẽ ra ta có thể như vậy, ta có thể bỏ nhà trốn đi tuỳ ý. Sau trận đấu súng với Dolokhov họ có thể bắt ta đi lính. Và trong trí tưởng tượng của chàng lại thoáng hiện ra bữa yến hội ở câu lạc bộ, hôm chàng thách Dolokhov đấu súng, và hình ảnh của vị ân nhân ở Torzk. Và Piotr lại thấy hiện ra những gian phòng họp của hội. Buổi họp đó lại diễn ra trong câu lạc bộ Anh. Có một người nào quen thuộc, gần gũi và thân thiết đang ngồi ở cuối bàn. Thì chính là vị ân nhân đây rồi! “Nhưng ân nhân đã chết rồi kia mà? Piotr nghĩ bụng, - Phải, đã chết rồi, nhưng người sống mà ta không biết. Ta rất lấy làm đau xót rằng người đã chết và rất lấy làm mừng rằng người còn sống”! Một bên là bàn có Anatol, Dolokhov, Nezvixki, Denixov và những người khác cùng một giuộc với họ (trong giấc chiêm bao hạng người này cũng được xác định rõ rệt trong tâm hồn Piotr như hạng người mà chàng gọi là họ), và những người đó cũng như Anatol và Dolokhov, cao giọng hò hét, hát xướng; nhưng qua tiếng la hét của họ, vẫn nghe rõ giọng nói của vị ân nhân đang nói thao thao không ngớt. Và tiếng nói của người cũng đầy ý nghĩa và liên tục như tiếng súng ầm ầm trên chiến trường, nhưng nghe rất dễ chịu và mát lòng. Piotr không hiểu được những lời nói của vị ân nhân, nhưng chàng biết (trong giấc mơ, phạm trù các ý nghĩa cũng được xác định rất rõ) rằng vị ân nhân đang nói về điều thiện, đang nói rằng có thể trở thành những người như họ. Và khắp bốn phía, họ có những khuôn mặt hiền lành, giản dị và rắn rỏi, đang quây quần chung quanh vị ân nhân. Nhưng tuy họ rất tốt, họ vẫn không nhìn Piotr, không biết đến chàng, Piotr muốn nói một câu gì cho họ chú ý đến mình. Chàng nhổm dậy, nhưng vừa lúc ấy chàng thấy lạnh ở chân và thấy chân mình hở ra cả. Chàng ngượng quá, liền lấy tay che chân. Quả thật chân chàng đã lòi ra ngoài chiếc áo khoác mà chàng đã đắp. Trong giây lát Piotr đắp chân lại, mở mắt ra và lại trông thấy những mái hiên, nhỡng chiếc cột ấy, khoảng sân ấy, nhưng bây giờ mọi vật đã xanh mờ mờ trong ánh bình minh và lấp lánh dưới một làn sương móc giá lạnh. “Sáng rồi, - Piotr nghĩ. - Nhưng không phải thế. Ta còn phải nghe cho hết và phải hiểu những lời của vị ân nhân”. Chàng lại trùm chiếc áo choàng lên đầu, nhưng không còn thấy gian phòng họp và vị ân nhân đâu nữa. Chỉ có những ý nghĩ được thể hiện một cách rõ rệt ra thành từ ngữ, không biết do một người nào nói ra hay do bản thân Piotr tự nhủ. Về sau khi nhớ lại những ý kiến này, tuy là những ý nghĩ do những ấn tượng ngày hôm trước gợi lên, Piotr vẫn tin chắc rằng đó là lời của một người nào đó ở bên ngoài nói với chàng. Chàng có cảm tưởng là khi tỉnh chàng không bao giờ có thể suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng của mình ra như vậy. “Chiến tranh là một việc hết sức khó khăn, là việc bắt tự do của con người phải phục tùng các đạo luật của Thượng đế, - tiếng nói ấy bảo chàng. - Giản dị tức là phục tùng Thượng đế, không thể lẩn tránh Thượng đế được. Mà họ thì giản dị. Họ không nói, mà chỉ làm. Một lời nói ra là một nén bạc, mà một lời không nói ra một nén vàng. Con người không thể làm chủ một cái gì hết, một khi hãy còn sợ chết. Người nào không sợ chết, thì tất cả đều là sở hữu của người ấy Giá không có đau khổ thì con người sẽ không biết giới hạn của mình, sẽ không biết bản thân mình. - Piotr vẫn tiếp tục nghĩ, hoặc nghe ai nói trong giấc mơ. - Cái khó nhất là làm sao hợp nhất được ý nghĩ của mọi vật trong tâm hồn mình. Hợp nhất tất cả ư? - Piotr tự nhủ. - không, không phải là hợp nhất. Không thể hợp nhất những tư tưởng được, mà phải liên kết tất cả những tư tưởng đó cái đó mới cần! Phải, phải liên kết, phải liên kết!” - Piotr nhắc đi nhắc lại, lòng mừng khấp khởi, cảm thấy rằng chính những lời ấy và chỉ có những lời ấy mới diễn đạt được điều mà chàng muốn diễn đạt và giải quyết được tất cả vấn đề đang giày vò chàng. Phải, phải liên kết thôi, đã đến lúc phải liên kết rồi. - Phải thắng xe thôi [231] , đã đến lúc phải thắng xe rồi ạ, thưa đại nhân. Thưa đại nhân, - có tiếng ai nói. - Phải thắng xe thôi ạ. Đó là tiếng nói của một người mã phu đang thức Piotr dậy. Ánh nắng rọi thẳng vào mặt Piotr. Chàng đưa mắt nhìn khoảng sân bẩn thỉu của quán trọ. Ở giữa sân mấy người lính đang cho mấy con ngựa gầy uống nước bên giếng. Mấy chiếc xe tải đang kéo ra cổng. Piotr ghê tởm ngoảnh mặt đi và vội nhắm măt ngả người trên ghế xe như cũ. “Không, ta không muốn thế, ta không muốn và hiểu cái đó, ta muốn hiểu những điều đã mở ra trước mắt ta trong giấc ngủ. Giá chỉ thêm một giây nữa thôi thì ta đã hiểu được hết rồi. Nhưng ta phải làm gì? Liên kết, nhưng làm thế nào liên kết được tất cả?” và Piotr kinh hãi cảm thấy tất cả ý nghĩa của những điều mà chàng thấy và nghĩ rằng trong giấc mơ đều đã tiêu tan. Người mã phu, người đánh xe và người gác cổng kể lại cho Piotr hay rằng vừa có một sĩ quan đến báo tin quân Pháp đã tiến đến gần Mozaisk và quân ta đang rút lui. Piotr đứng dậy, sai thắng ngựa vào xe và dặn khi nào thắng xong phải cho xe đuổi theo mình, rồi ra khỏi quán đi bộ qua thành phố. Quân đội đang rời Mozaisk, để lại chừng một vạn người bị thương. Họ nằm, ngồi la liệt khắp các sàn nhà, thấp thoáng trong các khung cửa sổ và chen chúc ngoài phố. Quanh những chiếc xe bò chở thương binh đi, người ta kêu la, chửi bới và đấm đá nhau. Cỗ xe song mã lúc bấy giờ đã theo kịp chàng. Piotr mời một vị tướng quen biết vừa bị thương lên xe và cùng ông ta đi Moskva. Dọc đường, Piotr được tin em vợ mình và công tước Andrey đã chết. Chương 10 Ngày ba mươi tháng tám, Piotr về đến Moskva. Gần trạm gác, chàng gặp một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Raxtovsin. Viên sĩ quan nói: - Thế mà chúng tôi cứ tìm ngài khắp nơi. Bá tước đang cần gặp ngài lắm. Bá tước mời ngài đến ngay có việc rất quan trọng. Piotr không ghé về nhà, gọi một chiếc xe thuê đi đến nhà vị tư lệnh thành phố. Bá tước Raxtovsin sáng hôm ấy vừa mới ở ngôi biệt thự ngoại thành của ông ta ở Xokolniki trở về thành phố. Phòng đợi và phòng khách của bá tước chật ních những viên chức được ông ta triệu đến hoặc tự đến để xin lệnh. Vaxilsikov và Platov đã có gặp bá tước và ông cho biết rằng không còn cách gì phòng thủ Moskva được nữa, đành phải bỏ kinh thành cho giặc vào. Tuy họ giấu giếm không cho dân cư biết tin này, nhưng các viên chức, các thủ trưởng các cơ quan hành chính đều biết rõ không kém gì Raxtovsin rằng Moskva sẽ lọt vào tay quân địch: và để trút bỏ trách nhiệm, tất cả những người đó đều đến hỏi quan tư lệnh thành phố xem họ nên xử trí như thế nào đối với những cơ quan được giao cho họ. Trong khi Piotr bước vào phòng tiếp tân, viên tín sứ của quân đội từ phòng bá tước đi ra. Viên tín sứ khoát tay có vẻ tuyệt vọng đáp lại các câu hỏi và bước ngang qua gian phòng. Trong khi ngồi đợi ở phòng tiếp khách, Piotr đưa mắt mệt mỏi nhìn qua những viên chức hiện đang ở trong phòng, già có, trẻ con, quan võ có, thượng cấp cũng có mạ hạ cấp cũng có. Mọi người có vể bất mãn và lo lắng. Piotr lại gần một nhóm trong đó có một người quen của chàng. - Cho tản cư đi rồi gọi về cũng chẳng sao: nhưng trong tình hình này thì chẳng biết đằng nào mà nói nữa. Một người khác chỉ vào một tờ giấy chữ in đang cầm trong tay nói : - Thì đây ông ấy viết thế này đây… - Đó là chuyện khác. Đối với dân chúng cần phải thế, - người thứ nhất đáp lại. - Giấy gì thế? - Piotr hỏi. Một bản tuyên cáo mới. Piotr cầm lấy một bản tuyên cáo và bắt đầu đọc: “Để sớm có thể bắt liên lạc với đại quân, đang tiến về phía ngài, Điện hạ Tối quang minh đã rút về phía sau Mozaisk và đóng ở một địa thế vững mạnh, một nơi mà quân địch khó lòng có thể tấn công ngay được. Bốn mươi tám khẩu đại bác có đủ đạn đã được chuyển về đây cho ngài, và công tước điện hạ có nói rằng ngài sẽ bảo vệ Moskva cho đến giọt máu cuối cùng và dù có phải giao chiến với địch ngay giữa các đường phố cũng không từ. Anh em không nên hoang mang về việc các công sở đóng cửa, cần phải thu xếp công việc, còn chúng tôi thì chúng tôi sẽ xét tội quân gian. Đến khi động dụng, tôi sẽ cần đến những người trai tráng ở thành thị và thôn quê. Tôi sẽ có lởi hiệu triệu trước hai ngày, còn bây giờ thì chưa cần, cho nén tôi im lặng. Dùng rìu cũng tốt, dùng gây nhọn cũng hay, nhưng tốt hơn cả là dùng nạng chĩa đinh ba: một tên giặc Pháp không nặng hơn một bó lúa mì đen đâu. Ngày mai, sau bữa ăn chiều, tôi sẽ cho rước ảnh Đức Bà Iverya đến nhà thương Ekaterina. Ta sẽ làm phép cho nước ở đây linh thiêng đặng các thương binh chóng lành. Bản thân tôi thì nay vẫn khỏe mạnh: vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều trông rõ”. Piotr nói: - Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí… - Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, - người viên chức lúc nãy nói. Thế còn, “vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ” nghĩa là thế nào? - Piotr hỏi. - Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói - và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. - Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr - À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân… - Tôi thì chẳng nghe gì cả, - Piotr dửng dưng đáp. - Các ngài nghe nói thế nào? - Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi. - Thế ngài nghe họ nói thế sao? - Thì họ bảo là… - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, - là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí… - Cũng có thể đúng, - Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi - Thế còn ai đây? - Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ? - À thế ra đây là Veressaghin à? - Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói: - Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm. Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể: - Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra. Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, - viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. - người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thỏa thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: “Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy”. Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. “Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?” - “Chính tôi viết ra”. Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. - Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. - Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế… - À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! - Piotr nói. - Đâu có! Có cần gì đâu, - viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, - Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn.”Mày làm thế nào mà viết ra được? - bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. - Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết”. Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: “Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra” - À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra tòa án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? - “Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra”. Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra tòa và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết. Chương 11 Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài. - À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. - Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. - Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? - Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. - Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga. - Phải, tôi là hội viên Tam điểm, - Piotr nói. - Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt. - Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? - Piotr hỏi. - Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, - Raxtovsin quát. - Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu, - Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, - còn Veressaghin. - Ấy đấy! - Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, - Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, - Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, - Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, - Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: - Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì? - Có làm gì đâu, - Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi. Bá tước cau mặt. - Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, - ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, - Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả? Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có. Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ. Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc. “Họ - những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi và hiểu rõ”. Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không. Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng. Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào. Chương 12 Gia đình Roxtov ở lại Moskva cho đến ngày mồng một tháng chín, tức là còn cách ngày quân địch tiến vào thành có một hôm. Sau khi Piotr vào trung đoàn cô-dắc của Obolenxki và đi đến Belaya Txerkov là nơi thành lập trung đoàn này, bá tước phu nhân có nơm nớp lo sợ. Lần đầu tiên ý nghĩ rằng cả hai đứa con trai của bà đều ở mặt trận, rằng cả hai đều đã đi xa sự che chở của bà, rằng nay mai một trong hai đứa, mà cũng có thể là cả hai, có thể tử trận như ba đứa con một người quen của bà, ý nghĩ ấy đã đến với bá tước phu nhân rõ rệt đến mức tàn nhẫn. Bà cố tìm cách gọi Nikolai về, bà đã định thân hành đi tìm Petya, chạy cho cậu ta một chỗ làm nào ở Petersburg nhưng cả hai việc ấy đều không thể thực hiện: Petya không thể nào về được, trừ khi nào cả trung đoàn trở về, hoặc giả cậu có rời trung đoàn chăng nữa thì cũng chỉ để thuyên chuyển sang một trung đoàn tham chiến khác. Nikolai bấy giờ đang đóng quân ở một nơi nào đấy và sau bức thư vừa rồi, trong đó có kể tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria thì không nhận được tin gì của chàng nữa. Đêm đêm, bá tước phu nhân cứ thao thức không ngủ được, và hễ chợp mắt là chiêm bao thấy hai con đã tử trận. Sau khi suy nghĩ và được bạn bè mách bảo rất nhiều, bá tước đã tìm được một phương sách để làm cho phu nhân yên lòng. Ông cho chuyển Petya từ trung đoàn của Obolenxki sang trung đoàn của Bezukhov bấy giờ đang thành lập ở gần Moskva. Mặc dầu Petya vẫn tại ngũ, nhưng thuyên chuyển như vậy thì bá tước phu nhân cũng có được một niềm an ủi là ít nhất cũng còn được một đứa con trai ở gần mình, và có thể hy vọng thu xếp thế nào cho thằng Petya của bà đừng đi đâu xa và lo cho nó một chức vụ gì mà chẳng bao giờ phải ra trận. Trong khi chỉ có một mình Nikolai ở trong vòng nguy hiểm, bá tước phu nhân có cảm tưởng (thậm chí phu nhân còn lấy làm hối hận về điều đó) là mình quý đứa con trai lớn hơn hết thảy các con: nhưng đến khi thằng con út, đứa con nghịch ngợm biếng học, cái gì trong nhà cũng làm vỡ làm gãy, ai trong nhà cùng quấy rầy, cái thằng Petya hếch mũi ấy, với đôi mắt đen vui vẻ, đôi má hồng hào mơn mởn có lớp lông măng mới chớm mọc, đã dẫn thân vào nơi ấy, nơi của những người đàn ông hung dữ, tàn ác chẳng biết tại sao đang đánh nhau và lại lấy việc ấy làm vui, - đến khi ấy người mẹ lại cảm thấy rằng chính nó mới là đứa con mình quý hơn cả, quý hơn các con khác nhiều. Càng đến ngày Petya trở về Moskva bao nhiêu bá tước phu nhân lại càng sốt ruột bấy nhiêu. Bà đã bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến được. Không những khi thấy Sonya trước mặt, mà ngay cả khi thấy Natasa hay bá tước Ilya Andreyevich, bà cũng bực bội nghĩ: “Những người ấy thì ở đây làm gì, ngoài Petya ra, tôi có cần đến ai đâu!”. Cuối tháng tám, gia đình Roxtov nhận được một bức thư thứ hai của Nikolai. Thư gửi từ tỉnh Voronez là nơi chàng được cử đến để mua ngựa. Bức thư này không làm cho bá tước phu nhân yên lòng. Khi biết rằng một trong hai đứa con trai đã ra ngoài vòng nguy hiểm, bà lại càng lo thêm cho Petya. Mặc dầu ngay từ ngày hai mươi, hầu hết những người quen của gia đình Roxtov đã rời khỏi Moskva, mặc dầu mọi người đều khuyên nhủ bá tước phu nhân đi cho sớm, bà một mực không chịu nghe theo ai nói đến chuyện đi đứng gì cả, một khi Petya, đứa con cưng mà bà yêu quý như điên như dại, vẫn chưa về. Thái độ âu yếm thiết tha một cách bệnh tật của người mẹ không làm cho chàng sĩ quan mười sáu tuổi ấy vừa lòng. Tuy phu nhân giấu không cho cậu ta biết ý định của bà là không để cho cậu đi xa nữa, Petya vẫn hiểu những điều dự tính của mẹ, và tự bản năng vẫn sợ mình trở nên mềm yếu như đàn bà trước mặt mẹ (cậu ta tự nhủ như vậy), nên cậu ta đối xử với bá tước phu nhân rất lạnh nhạt, thường hay lánh mặt phu nhân và trong thời gian ở Moskva chỉ gặp gỡ chuyện trò với Natasa, mà xưa nay cậu vẫn quý mến đặc biệt, một tình trìu mến chị em gần giống như tình yêu. Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến. Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ. Trong vòng ba ngày trước khi Moskva rơi vào tay giặc, cả gia đình Roxtov luôn luôn lo lắng bận rộn việc này việc nọ. Người chủ gia đình là bá tước Ilya Andreyevich luôn luôn đi đây đi đó trong thành phố thu thập những tin đồn đại, và khi về nhà thì hối hả ra những mệnh lệnh mơ hồ thu xếp việc chuẩn bị ra đi. Bá tước phu nhân theo dõi công việc thu xếp đồ đạc, cái gì bà ta cũng không vừa ý, và luôn lẽo đẽo theo sau cậu Petya bấy giờ vẫn cứ tránh mặt mẹ, bà ghen với Natasa vì Petya cả ngày chỉ ngồi với nàng. Chỉ một mình Sonya lo toan đến mặt thực tiễn của công việc, tức là việc xếp đồ đạc lên xe. Nhưng suốt thời gian gần đây Sonya buồn rầu và lặng lẽ khác thường. Bức thư của Nikolai, trong đó có nhắc đến nữ công tước Maria, đã khiến bá tước phu nhân vui mừng nói ngay trước mặt nàng rằng bà ta cho cuộc gặp gỡ giữa nữ công tước Maria và Nikolai là do Trời xếp đặt trước. Phu nhân nói: - Khi Bolkonxki đính hôn con Natasa tôi chẳng vui mừng gì, nhưng xưa nay tôi vẫn ước mong và cũng tiên cảm thấy rằng Nikolenka sẽ lấy công tước tiểu thư. Được như thế thì thật tốt quá! Sonya cảm thấy rằng như vậy là đúng, rằng Nikolai chỉ có cách lấy một người vợ giàu thì công việc tiền nong của gia đình Roxtov mới mong cứu vãn được và nữ công tước Maria là một đám rất tốt. Nhưng nàng thấy tủi lắm. Tuy nàng buồn khổ, hay có lẽ chính vì nàng buồn khổ, Sonya đã lĩnh lấy tất cả những công việc xếp dọn đồ đạc rất vất vả, và suốt ngày nàng bận rộn với những công việc đó. Cứ mỗi khi cần sai bảo gì người nhà, bá tước và phu nhân lại nhớ đến nàng. Petya và Natasa thì ngược lại không những không giúp đỡ cha mẹ mà còn làm vướng và quấy rầy mọi người nữa. Và gần như suốt cả ngày bao giờ trong nhà cũng có tiếng reo, tiếng chân chạy và tiếng cười vô cớ của hai chị em. Hai người cười đùa vui vẻ vậy tuyệt nhiên không phải vì có chuyện gì đáng cho họ vui mừng; nhưng trong tâm hồn họ đang vui, cho nên bất cứ chuyện gì cũng đều là một nguyên nhân khiến họ cười đùa vui vẻ, Petya vui bởi vì cậu đang ở nhà, vì cậu vừa ở Belaya Txerkov là một nơi mà chỉ nay mai đã đánh nhau và nhất là vì Natasa cũng đang vui: xưa nay tâm trạng của cậu vẫn phục tùng tâm trạng của chị. Còn Natasa vui là vì nàng đã buồn quá lâu, vì bây giờ chẳng có gì nhắc nàng nhớ lại những nguyên nhân đã khiến nàng buồn, và vì nàng đang khỏe mạnh. Nàng vui cũng lại vì đang có một người thán phục nàng (lòng thán phục của người khác đối với nàng là chất dầu nhờn cần thiết để cho bộ máy chạy được trơn tru). Nhưng cái chính khiến họ vui như vậy là hiện nay chiến tranh đã chuyển đến gần Moskva, là sẽ có đánh nhau ở các cửa ô, người ta sẽ phân phát vũ khí, mọi người đều bỏ đi nơi khác, nói chung là đang diễn ra một việc gì khác thường, và điều đó bao giờ cũng làm cho người ta vui thích, nhất là khi người ta còn trẻ.
Chương 13 Ngày thứ bảy ba mươi mốt tháng tám, trong nhà Roxtov mọi thứ đều như đảo lộn cả lên. Tất cả các cửa đều mở toang, bàn ghế đều bị khuân đi hay xếp ra một chỗ khác, gương soi, tranh ảnh đều được tháo cất. Trong các phòng la liệt các rương hòm; rơm rạ, giấy gói và dây dợ bừa bãi giữa nền nhà. Những người nông dân và gia nô bước nặng trên sàn gỗ vác đồ đạc ra ngoài. Ngoài sàn ngổn ngang những chiếc xe tải của nông dân, có chiếc đã chất đầy và đã ràng dây, có chiếc hãy còn bỏ không. Ngoài sân và trong nhà rộn rịp những tiếng nói và tiếng chân đi lại của đám gia đình của những người nông dân vừa đánh xe đến. Từ sáng, bá tước đã đi đâu vắng. Bá tước phu nhân nhức đầu vì cảnh ồn ào nhộn nhịp nên phải nằm trong phòng đi-văng mới, đầu chườm khăn tẩm giấm, Petya không ở nhà (cậu ta đến nhà một người bạn bấy giờ đang cùng cậu bàn cách chuyển từ dân binh sang bộ đội chủ lực). Sonya đứng trong phòng lớn để trông coi người nhà dọn đồ pha lê và đồ sứ. Natasa ngồi bệt giữa căn buồng tan hoang, giữa những chiếc áo dài, những chiếc khăn choàng, những dải lụa vứt ngổn ngang, đôi mắt đờ đẫn nhìn xuống nền nhà, tay cầm một chiếc áo dài khiêu vũ đã cũ, chính chiếc áo đài nàng đã mặc hôm đi dự vũ hội lần đầu tiên ở Petersburg, kiểu áo này đã không còn hợp thời trang nữa. Natasa thấy ngượng vì trong khi cả nhà đều bận rộn mà nàng thì chẳng làm gì, nên từ sáng nàng đã thử cố bắt tay vào làm việc. Nhưng tâm hồn nàng cứ để đâu đâu, mà tính nàng thì không thể và không biết làm một việc gì mà lại không đem lại hết tâm hồn và sức lực dốc vào việc đó. Nàng đứng một lúc với Sonya trong khi xếp dọn các đồ dùng bằng sứ, nàng cũng muốn giúp đỡ một tay, nhưng rồi lại bỏ đấy chạy về phòng thu xếp dồ đạc của mình. Lúc đầu, nàng thấy vui vui khi ngồi phân phát áo dài và dải lụa cho các cô hầu gái, nhưng về sau, khi thấy rằng những thứ còn lại cũng vẫn phải xếp sắp nàng bắt đầu thấy chán. Dunusia, chị xếp hộ tôi nhé! Chị nhé! Và khi Dunusia vui lòng hứa với nàng là sẽ làm tất cả, Natasa ngồi xuống sàn nhà, cầm chiếc áo khiêu vũ ngày trước và suy nghĩ miên man, nhưng những ý nghĩa của nàng hoàn toàn không có liên quan đến những việc lẽ ra bấy giờ phải khiến nàng bận tâm. Tiếng nói chuyện của những người đầy tớ gái ở phòng bên và tiếng chân họ bước vội ra thềm sau đưa nàng trở về cõi thực. Natasa đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ngoài phố có một đoàn xe rất dài chở đầy thương binh vừa dừng lại. Những người đầy tớ gái, những người nô bộc, bà quản gia, bà u già, mấy ông đấu bếp, mấy chủ xà ích, quản mã, mấy cô phụ bếp đều ra đứng ở cổng xem thương binh. Natasa trùm chiếc khăn vuông trắng lên đầu, hai tay cầm hai khăn mùi xoa và đi ra đường. Bà già Mavra Kuzminisna, bà quản gia cũ của gia đình Roxtov, tách ra khỏi đám gia nhân đứng ở cổng, lại gần một chiếc xe tải trên có phủ một tấm diềm bằng thứ vỏ cây và nói chuyện với một viên sĩ quan trẻ tuổi xanh xao nằm trong xe. Natasa bước mấy bước đến cạnh chiếc xe va rụt rè dừng lại, tay vẫn giữ hai múi khăn, lắng tai nghe xem bà quản gia nói những gì. - Thế ông chẳng có ai thân thuộc ở Moskva cả à? - Mavra Kuzminisna nói. - Giá ông vào nhà nào mà nằm thì hơn… Hay ông vào nhà tôi cũng được. Chủ nhà sắp đi rồi. - Không biết họ có cho không, - Viên sĩ quan nói, giọng yếu ớt. - Kìa thủ trưởng của tôi kia kìa… bà thử hỏi xem. - nói đoạn viên sĩ quan chỉ một ông thiếu tá to béo bấy giờ đang đi ngược trở lại dọc theo đoàn xe. Natasa đưa mắt hoảng sợ nhìn vào mặt viên sĩ quan bị thương và lập tức đến gặp viên thiếu tá. Nàng hỏi: - Cho thương binh ghé vào nhà chúng tôi được không? Viên thiếu tá mỉm cười đưa tay lên vành lưỡi trai, nháy mắt hỏi: - Thưa, tiểu thư có lòng chiếu cố đến ai ở đây ạ? Natasa điềm tĩnh nhắc lại câu nói, và tuy hai bàn tay nàng vẫn cầm hai dầu mũi chiếc khăn vuông, vẻ mặt và dáng điệu của nàng nghiêm trang đến nỗi viên thiếu tá không cười nữa và im lặng suy nghĩ một lát như tự hỏi xem có thể làm như vậy được không, và có thể làm đến mức nào, rồi đáp: - Ô được chứ, sao lại không, được chứ. Natasa khẽ cúi đầu rồi quay gót bước nhanh về phía Mavry Kuzminisna đang đứng nói chuyện với viên sĩ quan, vẻ cảm thông và thương xót. - Được đấy ông ấy bảo là được! - Natasa nói thầm. Chiếc xe có diềm của viên sĩ quan được vào sân nhà Roxtov và mấy chục chiếc xe chở thương binh, theo lời mời của dân phố cũng bắt đầu được đánh vào các sân và đến đỗ ở trước thềm các nhà ở phố Povarxkaya. Natasa hình như thấy làm vui thích được giao thiệp với những con người mới lạ trong một hoàn cảnh khách thường. Cùng với bà Maria, nàng cố sức đưa vào sân nhà hàng cho thật nhiều xe chở thương binh. Mavra Kuzminisna nói: - Dù sao cũng phải thưa với cụ nhà. - Không sao, không sao, thì có mất gì đâu nào! Chỉ còn có một ngày nữa, chúng tôi có thể dọn sang bên phòng khách mà ngủ cũng được. Có thể nhường cho họ tất cả các gian của chúng tôi. - Chà tiểu thư bày vẽ lắm trò thật! Dù là trong các dãy nhà dọc, trong phòng gia nhân, trong phòng u già cũng được xin phép. - Được rồi tôi sẽ xin. Natasa chạy vào nhà và kiễng chân đi qua cánh cửa hé mở vào phòng đivăng. Từ trong phòng đưa ra mùi giấm và mùi thuốc giọt Hoffman. - Mẹ ngủ hở mẹ? - Ờ mẹ vừa mê ngủ sợ quá! - bá tước phu nhân lúc bấy giờ vừa chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy nói. Natasa quỳ xuống bên cạnh mẹ và ghé mắt vào sát mặt bá tước phu nhân nói: - Mẹ ạ, mẹ yêu dấu của con, con xin lỗi mẹ nhé, con đã làm mẹ thức giấc, từ rày con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, mẹ tha lỗi cho con nhé. Marra Kuzminisna bảo con đến. Ngoài kia có mấy người thương binh, họ mới chở đến, mấy người sĩ quan. Mẹ cho phép mẹ nhé? Họ chẳng có chỗ nào mà ở cả; con biết mẹ sẽ cho phép… - Natasa nói nhanh một hơi không dừng lại thở. - Sĩ quan nào? Họ cho ai đến? Mẹ chẳng hiểu sao cả. - Bá tước phu nhân nói. Natasa bật cười, bá tước phu nhân cũng mỉm cười yếu ớt. - Con biết thế nào mẹ cũng cho… con sẽ bảo họ thế. Natasa hôn mẹ, đứng dậy ra ngoài. Trong phòng lớn nàng gặp bá tước nói với giọng bực bội. - Câu lạc bộ thì đóng cửa rồi, cảnh sát thì đang rút lui. - Ba ạ, con mời mấy người bị thương vào nhà, không việc gì chứ ba? - Natasa nói. - Cố nhiên là không việc gì. - bá tước lơ đễnh trả lời con - nhưng việc ấy chả có gì quan trọng, bây giờ thì ba yêu cầu con đừng có lo đi làm những việc vớ vẩn như thế, phải lo giúp đưa đồ đạc lên xe, mai đã đi rồi… Và bá tước cũng ra lệnh cho người quản gia và các gia nhân như vậy. Đến bữa ăn chiều, Petya về nhà và cũng kể lại tin tức vừa nghe được. Petya kể lại rằng hôm nay dân chúng đã đến nhận vũ khí ở điện Kreml, rằng tuy trong tờ yết thị của Raxtovsin có nói là ông ta sẽ có lời kêu gọi trước hai ngày, nhưng bây giờ chắc người ta đã thu xếp đến ngày mai và toàn dân sẽ cầm khí giới lên Trigorư, và ở đấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn. Trong khi Petya nói, bá tước phu nhân đưa mắt sợ hãi và e dè nhìn khuôn mặt vui mừng, phấn khởi của đứa con trai. Bà biết rằng hễ mình nói một lời nào để xin Petya đừng đi đánh trận (bà biết rằng cậu ta rất vui mừng để trận đánh sắp tới này), thì cậu ta sẽ nói một cái gì về các đấng trượng phu, về danh dự, về tổ quốc, - một cái gì rất vô nghĩa, rất đàn ông, rất lì lợm mà bà không sao cãi lại được, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Cho nên bà hy vọng có thể thu xếp thế nào để ra đi trước khi xảy ra trận đánh này và lừa cho Petya cũng đi theo với tư cách là kẻ bảo vệ và che chở cho bà; sau bữa ăn chiều bà cho mời bá tước lại và khóc lóc van xin bá tước cho bà đi ngay, đi ngay đêm nay nếu có thể được. Tuy từ trước đến nay bá tước phu nhân không hề có chút sợ hãi về nỗi phải ở lại Moskva, nhưng bây giờ, với cái tính đa mưu không tự giác của người mẹ thương con, bà lại nói rằng mình sẽ khiếp sợ đến chết mất nếu không được đi ngay đêm ấy. Và bây giờ bà đâm ra sợ tất cả, sợ thật chứ không phải giả vờ nữa. Chương 14 Bà Schoss hôm đi thăm cô con gái về có kể lại những việc bà ta trông thấy ở ty rượu ngoài phố Myasnixkaya lại càng làm cho bá tước phu nhân hoảng sợ hơn nữa: đang đi về nhà qua phố ấy bà gặp phải một lũ say rượu đang quấy phá ở trước cửa ty, bà phải thuê một chiếc xe chở khách đi vòng vào một ngõ hẻm trở về nhà. Người xà ích có kể cho bà nghe rằng dân chúng đã chọc thủng các thùng rượu trong kho, rằng trên có lệnh cho họ làm như vậy. Sau bữa ăn chiều, trong nhà Roxtov mọi người đều bắt tay vào việc thu xếp đồ đạc và chuẩn bị ra đi một cách hối hả khác thường. Lão bá tước, đột nhiên tháo vát hẳn lên, sau bữa ăn chiều cứ từ trong nhà đi ra sân rồi lại từ ngoài sân đi vào nhà, mồm quát tháo huyên thuyên làm cho gia nhân đã vội lại càng vội thêm. Petya đứng sai bảo ở ngoài sân. Nghe những lời sai bảo mâu thuẫn lung tung của bá tước, Sonya luống cuống chẳng còn biết làm gì nữa. Các gia nhân cãi nhau, gọi nhau í ới, chạy ầm ầm trong các gian phòng và trong sân. Natasa, với cái tính hăng say đặc biệt của nàng đối với những việc nàng làm, cũng bắt tay vào sửa soạn thu xếp. Thoạt tiên thấy nàng xông vào sắp xếp đồ đạc, mọi người đều có ý nghi ngại. Ai cũng nghĩ rằng nàng chỉ biết đùa nghịch thôi, nên chẳng ai chịu nghe những lời sai bảo của nàng; nhưng nàng kiên trì và say sưa dòi hỏi mọi người phải phục tòng nàng; nàng nổi giận, suýt khóc lên vì họ không chịu nghe nàng, và cuối cùng họ đã phải tin rằng nàng muốn làm thật chứ không phải đùa. Kỳ công đầu tiên của nàng, một kỳ công đã khiến nàng phải hao hơi tổn sức rất nhiều và đã làm cho nàng có uy tín, là việc xếp sắp các tấm thảm. Trong nhà bá tước có nhiều tấm thảm Gôbơlah và thảm Ba-tư rất đắt tiền. Khi Natasa bắt tay vào việc, trong phòng lớn có hai chiếc thùng gỗ đang mở nắp, một chiếc đã xếp đồ sứ đầy gần lên đến miệng, một chiếc thì đựng thảm. Trên các bàn hãy còn nhiều đồ sứ, và họ vẫn còn bưng ở nhà kho ra nhiều nữa. Cần phải xếp vào một chiếc thùng nữa mới đủ; người nhà đã chạy đi kiếm thùng. Natasa nói: - Khoan đã, Sonya ạ, ta sẽ xếp tất cả hai thùng này cũng đủ. - Không được đâu, tiểu thư ạ, đã thu xếp rồi mà không được. - Người chủ thiện nói. - Không, để yên tôi xem đã. Và Natasa bắt đầu lấy những chiếc đã ăn và đã tách bọc giấy ở trong thùng ra. Nàng nói: - Đĩa ăn phải để vào đây này, để vào giữa các tấm thảm ấy. Chỉ riêng các tấm thảm không thôi cũng đã chiếm hết ba thùng rồi còn gì. - Thì cứ để yên tôi xem nào. Và Natasa bắt đầu dỡ đồ đạc ra với những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, - Cái này không cần, - Natasa nói khi đỡ mấy bộ đĩa Kiev, - cái này thì cần, cho vào thùng đựng thảm, - nàng nói khi cầm đến mấy bộ đĩa sứ Xacxoni. - Thôi đi Natasa, để cho chúng tôi xếp, - Sonya nói giọng trách móc. Người quản gia cũng nói: - Thôi, tiểu thư ạ! Nhưng Natasa không chịu thua. Nàng dỡ hết đồ đạc ra và bắt đầu xếp lại rất nhanh, quả quyết gạt những tấm thảm và những bộ đĩa thừa ra. Và quả nhiên, sau khi đã gạt bỏ bớt những đồ đạc rẻ tiền không đáng mang theo, bao nhiêu đồ quý đều xếp gọn vào hai thùng. Nhưng cái thùng đựng thảm không sao dậy nắp được. Lúc bấy giờ có thể lấy bớt ra một ít, nhưng Natasa cứ một mực không chịu. Nàng đi xếp, xếp lại, giẫm, ấn, bắt người quản gia và cậu Petya mà nàng huy động đến làm việc với nàng phải đè thật mạnh lên nắp thùng, và chính nàng cũng đem hết sức lực ra ấn nó xuống. - Thôi Natasa ạ, - Sonya nói, - Mình thấy rồi, Natasa làm thế là phải, nhưng hãy bớt tấm thảm trên cùng đi. - Không, - Natasa kêu lên, một tay đưa lên vén mái tóc xõa xuống khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của nàng, một tay ấn nắp thùng - Ấn mạnh đi Petya! Vaxitits, ấn mạnh đi nào! Mấy tấm thảm đã ép chặt xuống. Nắp thùng đã đóng lại được. Natasa vỗ tay reo lên mừng rỡ, ứa cả nước mắt ra. Nhưng chỉ một lát sau nàng đã bắt tay vào một công việc khác. Bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn tin rằng, và bá tước không hề phật ý khi người nhà nói với ông rằng Natasa đã bảo làm khác hẳn lời sai phái của ông, và các gia nhân đã đều hỏi Natasa xem xe chất như đã đủ chưa và nên chằng dây chưa. Nhờ những cách thu xếp của Natasa, mọi việc đều được giải quyết gọn gàng: những đồ không cần dùng được bỏ lại, còn những đồ quý nhất thì được sắp xếp thật chặt chẽ. Tuy mọi người đã ra sức xếp đặt cho thật nhanh nhưng đến khuya vẫn chưa xếp hết được. Bá tước phu nhân ngủ thiếp đi. Lão bá tước đành hoãnn đến sáng mai mới lên đường, và đi ngủ. Natasa và Sonya để nguyên áo dài ngủ trong phòng đi-văng. Đêm đó có thêm một người bị thương được chở qua phố Pavarkaya, và bà Mavra Kizminisna bấy giờ đang đứng ở cổng, liền cho xe của họ rẽ vào sân nhà Roxtov. Theo ý bà Mavra thì người bị thương này là một nhân vật trọng yếu. Họ chở người ấy trên một chiếc xe song mã phủ diềm, mui trên buông kín. Trên ghế đánh xe, bên cạnh người xà ích, có một người nội bộc đã già trông rất oai vệ ở phía sau có một chiếc xe chở một viên bác sĩ và hai người lính đi theo. - Xin mời ngài vào nhà chúng tôi, xin mời quý vị. Chủ chúng tôi sắp đi rồi cả nhà bỏ trống, - bà Mavra nói với người lão bộc. - Thôi cũng đành, - người hầu phòng thở dài đáp, - cũng không mong gì về đến nhà được! Chúng tôi cũng có nhà ở Moskva, nhưng xa lắm, mà nay nhà chẳng còn ai. Mavra Kizminisna nói: - Xin cứ vào nhà chúng tôi, chủ chúng tôi cái gì cũng có đủ, xin cứ vào - Rồi bà nói thêm - Thế nào, bị thương nặng lắm à? Người lão bộc khoác tay ra dáng tuyệt vọng: - Không mong gì đưa về đến nhà! Phải hỏi bác sĩ mới được - và lão bỏ ghế xà ích bước xuống. lại gần chiếc xe sau. - Được! - viên bác sĩ nói. Người hầu phòng lại trở về sau song mã, ghé mắt nhìn vào trong xe, lắc đầu, rồi bảo người đánh xe quay vào sân, và đứng lại bên cạnh Mavra Kizminisna. - Trời ơi! Lạy chúa Jesus! - Bà Mavra thốt lên. Bà đưa người bị thương vào nhà, nói: - Các chủ nhân không nói gì đâu… Nhưng không thể đem người bị thương lên gác được nên họ đưa vào dãy nhà dọc và đặt người ấy nằm trong gian phòng cũ của bà Schoss. Người bị thương ấy chính là công tước Andrey Bolkonxki. Chương 15 Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva. Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn tỏa ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không. Trong ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh của gia đình Roxtov chẳng có dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ những điều kiện sinh hoạt cũ đã bị đảo lộn. Về phần gia nhân thì chỉ có một điều là đêm hôm qua trong số tôi tớ rất đông đúc của nhà này có ba người trốn đi, nhưng đồ đạc thì chẳng mất mát chút gì, còn về giá cả thì ba mươi cỗ xe đưa từ thôn quê lên quả là một giá rất đắt. Không phải chỉ riêng, mà từ cuối hôm ba mươi mốt tháng tám cho đến sáng ngày mồng một tháng chín lại có nhiều người lính cần vụ và gia nhân của các sĩ quan bị thương, và ngay cả những người bị thương nữa ghé lại nhà Roxtov và các nhà bên cạnh cũng đều van xin các gia nhân và nói hộ với chủ cho họ nhờ mấy chiếc xe tải để ra khỏi Moskva. Người quản gia nghe họ van nài như vậy cũng thấy thương hại những người bị thương nhưng cũng cương quyết từ chối, nói rằng việc này thì dù chỉ thưa lại với chủ nhân thôi anh ta cũng không dám. Những người thương binh bị bỏ lại thật đáng thương, nhưng có thể thấy rõ là nếu đã nhường một chiếc xe tải thì không có lý gì lại không nhường tất cả, rồi đến xe nhà cũng phải nhường nốt. Người quản gia suy tính hộ cho chủ như vậy. Sáng ngày mồng một, bá tước Ilya Andreyevich thức dậy, rón rén bước ra ngoài phòng ngủ để khỏi kinh động giấc ngủ của bá tước phu nhân mới chợp mắt lúc tờ mờ sáng. Mình mặc chiếc áo ngủ dài bằng lụa màu hoa cà, bá tước đi ra thềm. Những chiếc xe tải đã chằng dây đang đứng im trong sân. Viên quản gia đang đứng cạnh bậc thềm nói chuyện với một người lính cần vụ già và người một sĩ quan trẻ tuổi xanh xao tay treo băng. Trông thấy bá tước, người quản gia làm một cử chỉ nghiêm nghị ra hiệu cho họ lảng ra xa. - Thế nào đấy, xong cả chưa Vaxilits? - Bá tước hỏi, tay xoa xoa cái đầu hói và đưa đôi mắt hiền hậu nhìn viên sĩ quan và người lính cần vụ, khẽ gật đầu chào họ (bá tước vốn thích những người mới gặp). - Thưa bá tước, bây giờ cho thắng ngựa ngay cũng được ạ. - Thế thì tốt lắm, chốc nữa bá tước phu nhân ngủ dậy là đi ngay! Thế còn ông thì sao? - bá tước quay sang nói với viên sĩ quan. - Đêm qua ông nghỉ lại nhà tôi đấy chứ? Viên sĩ quan lại gần. Gương mặt xanh xao của anh ta chợt đỏ ửng lên. - Thưa bá tước, xin bá tước gia ân, cho phép tôi… tôi van ngài… cho tôi ngồi nhờ trên một chiếc xe tải nào của bá tước, chỗ nào cũng được. Đây tôi chẳng có hành lý gì cả… Ngồi trên xe tải… thế nào cũng được… Viên sĩ quan chưa nói hết câu thì người lính cần vụ đã đỡ lời van xin bá tước cho chủ. - À! Được được được - Bá tước hối hả nói. - Tôi rất vui lòng, rất vui lòng. Vaxilits, anh bảo bỏ bớt đồ trên xe xuống, anh xem… phải cho chu tất nhé… - bá tước nói lúng búng, chẳng rõ ông ta muốn bảo làm gì nữa. Nhưng ngay trong giây lát đó vẻ biết ơn nhiệt thành của viên sĩ quan đã củng cố những điều sai bảo của bá tước. Bá tước đưa mắt nhìn quanh: trong sân, ngoài cổng, ở các khung cửa sổ bên dãy nhà dọc đều thấy có những người bị thương và những người cần vụ. Mọi người đều nhìn về phía bá tước và mon men lại gần bậc thềm. - Thưa bá tước, xin bá tước ghé vào phòng khách. - Viên quản gia nói. - Bẩm bây giờ bức tranh thì thế nào ạ? Bá tước theo anh ta vào nhà, sau khi nhắc lại là không được từ khước những người bị thương xin ngồi nhờ xe tải. - Thôi thì bỏ bớt ít đồ xuống cũng được, - ông nói thêm, giọng thì thầm có vẻ bí mật, như thể ông sợ có ai nghe thấy. Đến chín giờ bá tước phu nhân thức dậy. Matriona, người hầu phòng cũ của phu nhân, vốn làm một chức vụ tương tự như chức trưởng phòng hiến binh của phu nhân, đến báo cáo với phu nhân rằng Maria Karlovra đang bất bình lắm, và áo dài mùa hạ của các tiểu thư không thể bỏ lại được. Bá tước phu nhân hỏi tại sao bà Schoss lại bất bình như vậy, thì hóa ra các rương hòm của bà ta đã bị bỏ xuống và tất cả xe tải đều bị tháo dây ra cả (bá tước quá thật thà đã cho bỏ đồ đạc xuống để chở thương binh). Bá tước phu nhân liền cho gọi chồng lại. - Thế nào đấy mình, nghe nói lại bỏ đồ đạc xuống à? - Mình ạ! Số là thế này… bá tước phu nhân thân mến của tôi ạ… vừa rồi có một sĩ quan đến xin tôi nhường cho vài xe để chở thương binh. Vì rằng đồ đạc thì còn sắm lại được, chứ họ mà phải ở lại đây là mình thử nghĩ mà xem!… Quả tình trong sân nhà ta… chính chúng ta cũng đã gọi họ vào, ở đây có cả những sĩ quan. Mình ạ, tôi thiết tưởng, quả tình thì, mình ạ. Thế này nhé… Thôi để cho họ cùng đi… Việc gì mà vội?
Bá tước nói một cách rụt rè như thường lệ mỗi khi nói đến chuyện tiền nong. Bá tước phu nhân thì đã quen với cái giọng này, một giọng nói xưa nay vẫn báo trước một việc gì có tổn thương đến tài sản của con cái, như việc bày phòng tranh, làm nhà ủ cây, tổ chức diễn kịch hay hòa nhạc trong nhà, và phu nhân đã quen cho là mình có nhiệm vụ nhất luận phản đối những việc mà bá tước nói ra với cái giọng rụt rè đó. Phu nhân làm ra vẻ nhẫn nhục, ngậm ngùi và nói với chồng: - Bá tước ạ, mình đã làm hỏng mất vtệc bán ngôi nhà, thế mà bây giờ mình còn muốn huỷ hoại cả sản nghiệp của các con ư? chính mình nói rằng của cải trong nhà có đến mười vạn. Mình ạ, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu? Tuỳ mình đấy! Cần phải làm gì chứ. Mình thử nhìn mà xem: nhà Lopukhin đã dọn đi hết từ ba ngày nay. Mình không thương tôi thì cũng phải thương lấy các con chứ. Bá tước khoát tay một cái và chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài. - Ba ơi! Việc gì phải thế hở ba? - Natasa nói, và theo bá tước vào phòng mẹ. Chẳng có gì cả! Việc gì đến mày? - Bá tước giận dữ nói. - Không, con nghe thấy rồi. Tại sao mẹ không chịu hả ba? - Thì việc gì đến mày nào? - bá tước quát lên. Natasa bỏ ra đứng cạnh cửa sổ và ngẫm nghĩ một lúc. - Ba ạ, Berg đến kia kìa, - nàng nói, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Chương 16 Berg, người con rể của ông bà Roxtov, bấy giờ đã lên đến chức đại tá, đeo huân chương Vladimir và huân chương Anna trên cổ vẫn làm một chức vụ yên tĩnh và thú vị là chức sĩ quan phục việc ở văn phòng thứ nhất của tham mưu trưởng quân đoàn hai. Ngày mồng một tháng chín, Berg từ quân đội trở về Moskva. Chàng chẳng có việc gì ở đây cả; nhưng chàng nhận thấy rằng trong quân đội ai cũng về Moskva để làm một việc gì đấy. Cho nên chàng cũng thấy cần phải xin về đấy để thu xếp việc nhà. Berg đến nhà ông nhạc trên cỗ xe rất lịch sự thắng hai con ngựa hồng béo tốt, bờm và đuôi đen, giống như đúc hai con ngựa của một vị công tước mà chàng quen biết. Chàng chăm chú nhìn những chiếc xe tải ở ngoài sân, và khi bước lên bậc thềm, chàng rút chiếc khăn mùi soa sạch sẽ ra, thắt góc khăn lại thành một cái nút, Từ phòng ngoài, Berg bước vội vào phòng khách ôm hôn bá tước hôn tay Natasa và Sonya rồi vội vàng hỏi thăm sức khỏe của bà nhạc. Lão bá tước nói: - Lại còn hỏi sức khỏe! Nào, anh thử nói tôi nghe nào, quân đội ra sao? Sẽ rút lui hay mở một trận nữa? Berg nói: - Thưa ba, chỉ có Thượng đế vĩnh hằng mới có thể định đoạt số phận của tổ quốc. Quân đội thì đang hừng hực tinh thần anh dũng, và hiện nay các vị tư lệnh đang họp hội đồng. Rồi đây sẽ ra sao thì không biết… Nhưng con xin thưa với ba là nói chung cái tinh thần dũng cảm, cái tinh thần quả cảm của quân đội Nga, thật xứng đáng với các anh hùng cổ đại, mà họ đã biểu lộ ra trong trận chiến đấu ngày hai mươi sáu thì không có lời nào tả xiết… con xin thưa với ba rằng (chàng đấm vào ngực đúng như một viên tướng đã từng đấm ngực khi nói mấy câu này trước mặt chàng, tuy chàng đấm có hơi muộn, vì lẽ ra phải đấm ngực đúng vào lúc nói mấy chữ “quân đội Nga”), con xin nói thật rằng những người chỉ huy như con không những không phải thúc ép quân sĩ mà lại còn phải kìm bớt những cái… những cái… phải, những chiến công anh hùng chẳng kém gì các anh hùng cổ đại ấy, - câu này chàng nói một hơi rất nhanh. - Ở nơi nào đại tướng Barclay de Tolly cũng luôn luôn xông pha ở hàng đầu quân đội. Còn quân đoàn của con thì bố trí ở một sườn núi. Ba thử tưởng tượng xem! - và đến đây Berg kể lại tất cả những điều chàng còn nhớ được qua những câu chuyện chàng đã nghe kể gần đây, Natasa cứ nhìn chòng chọc vào Berg khiến chàng lúng túng, dường như nàng muốn tìm ở trên mặt Berg một lời giải đáp cho một vấn đề gì đang khiến nàng bận tâm. - Nói chung cái tinh thần anh dũng mà các chiến sĩ Nga đã biểu lộ ra thì thật không thể nào tưởng tượng cho hết, không thể tìm một lời ngợi khen cho xứng đáng? - Berg vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Natasa, và dường như muốn xin nàng buông tha cho, chàng cười nụ để đáp lại cái nhìn chòng chọc của Natasa - Chàng nói tiếp: “Nước Nga không phải ở Moskva, nước Nga ở trong lòng những người con của nó!” Thưa ba có phải thế không ạ? Vừa lúc ấy bá tước phu nhân từ trong phòng đi-văng bước ra, vẻ mệt mỏi và bực dọc. Berg vội vã đứng phắt dậy hôn tay phu nhân, hỏi thăm sức khỏe của bà và lắc đầu tỏ ý ái ngại, đứng yên bên cạnh bà. - Phải, thưa mẹ, con xin nói thật rằng đây là một thời buổi khó khăn và buồn khổ cho mọi người Nga. Nhưng việc gì phải lo âu? Bây giờ mẹ đi hãy còn kịp… - Tôi không hiểu hiện nay người ta làm những gì, - bá tước phu nhân nói với chồng, - Họ vừa nói với tôi là sửa soạn chưa xong gì cả. - Phải có người sai bảo họ với chứ. Thế này đâm ra lại tiếc thằng Mityeuka. Cứ mãi thế này thì rồi không biết đến bao giờ! Bá tước định nói một câu gì nhưng rồi nghĩ lại thế nào lại thôi. Ông rời ghế đứng dậy đi ra cửa. Bấy giờ Berg, tuồng như để xỉ mũi, rút khăn mùi soa ra và nhìn cái nút thắt ở góc khăn, nghĩ ngợi một lát, buồn bã lắc đầu một cách có ý nghĩa. Chàng nói: - À, thưa ba, con có một việc quan trọng cầu xin ba… - Hả?… - bá tước dừng lại nói. - Vừa rồi con đi ngang nhà Yuxupov, - Berg tươi cười nói, - Viên quản lý nhà này vốn quen con, chạy ra hỏi xem con có mua gì không. Con ghé vào… ấy, cũng chỉ vì tò mò muốn xem thử. Trong ấy có một cái tủ con và một cái bàn trang điểm thật là… Chắc ba cũng biết rằng Veruska vẫn ước ao có một cái bàn như thế, chúng con đã có lần cãi nhau về việc này (khi nói đến chiếc tủ con và cái bàn trang điểm Berg bất giác chuyển sang cái giọng vui mừng mà chàng vẫn thường có mỗi khi nói đến những tiện nghi trong nhà chàng). Trông thích quá: có nhiều ngăn rút ra được, lại có một cái ngăn kéo bí mật kiểu Anh nữa ba ạ! Veruska muốn có một chiếc từ lâu. Cho nên con muốn cho nhà con một món quà bất ngờ. Ở đây con thấy có nhiều nông dân ở ngoài sân. Ba cho con mượn một đứa, con sẽ cho tiền uống rượu rất hậu và… Bá tước cau mày và đằng hắng mấy cái. - Anh hỏi bá tước phu nhân ấy, tôi không biết. Nếu phiền thì thôi vậy, - Berg nói. - Nguyên con chỉ muốn làm cho Veruska mừng. - Chà thôi! Cút hết đi cho rảnh, cút đi, cút đi!. - Lão bá tước quát, Váng hết cả đáu lên! - Nói đoạn bá tước bỏ ra ngoài. Bá tước phu nhân khóc. - Phải! Thưa mẹ, thời buổi thật là khó khăn, - Berg nói. Natasa theo bố và có vẻ đang chật vật suy nghĩ điều gì lúc đầu còn đi theo bá tước, nhưng về sau nghĩ thế nào nàng lại rẽ xuống thang gác. Trên bậc thềm, Petya đang đứng phân phát vũ khí cho các gia nhân sẽ ra khỏi Moskva. Những chiếc xe tải đã thắng ngựa vẫn đứng ngoài sân. Có hai chiếc đã tháo dây ràng. Một viên sĩ quán, có một người lính cần vụ đỡ, đang leo lên một trong hai chiếc xe ấy. - Chị có biết vì việc gì không? - Petya hỏi Natasa (Natasa hiểu ngay rằng Petya muốn hỏi vì sao cha mẹ cãi nhau). Nàng không đáp. - Vì cha muốn nhường tất cả các xe vận tải cho thương bình, Petya nói. - Valxilits bảo em thế. Em thì em cho rằng… - Tao thì tao cho rằng… - Natasa bỗng quay mặt vào Petya nói to gần như quát lên, vẻ giận dữ… tao cho rằng như thế thật là xấu xa, thật là ti tiện hết sức! Chúng ta có phải là người Đức đâu chứ? Cổ nàng nghẹn ngào vì những tiếng nấc. Và sợ rằng cơn giận của mình sẽ giảm bớt nếu để cho nó phát tiết ra một cách vô ích, nàng hấp tấp quay gót và chạy rất nhanh lên thang gác. Berg đang ngồi cạnh bá tước phu nhân, lựa lời kính cẩn và thân mật an ủi bà nhạc. Bá tước tay cầm tẩu thuốc đang đi đi lại lại trong phòng khi Natasa mặt này muốn biến sắc đi vì tức giận chạy xổ vào như một trận cuồng phong và bước rất nhanh về phía mẹ. - Thật là ghê tởm, thật là ti tiện - Nàng quát lên. Không thể tin là mẹ đã bảo họ làm như vậy được. Berg và bá tước phu nhân ngơ ngác và kinh hãi nhìn nàng. Bá tước dừng lại bên cửa sổ lắng tai nghe ngóng. - Mẹ ạ, không thể như thế được; mẹ thử nhìn ra sân mà xem! - nàng thét lên. - Họ phải ở lại đấy! Con làm sao thế? Họ là ai? Con muốn làm gì? - Họ là thương binh ấy! Không thể như thế được mẹ ạ; như thế thì chẳng còn ra làm sao nữa… không phải, mẹ yêu dấu của con ạ: không phải thế, mẹ tha lỗi cho con, mẹ ạ. Mẹ ơi những đồ đạc chúng ta mang đi theo, đối với nhà ta có nghĩa gì! Chỉ xin mẹ nhìn ra sân mà xem… Mẹ ạ!… Không thể như thế được!… Bá tước đứng lên cửa sổ nghe Natasa nói, không ngoảnh mặt lại. Bỗng ông bắt đầu thở phì phì và ghé mắt sát cửa sổ. Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn con; bà đã thấy cái vẻ hổ thẹn thay cho mẹ trên gương mặt Natasa, bà đã thấy rõ nàng xúc động đến nhường nào, và đã hiểu tại sao chồng bà không ngoảnh mắt lại nhìn bà. Bá tước phu nhân bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh. - Chà, thôi các người muốn làm gì thì làm. Tôi có hề ngăn cản ai đâu? - Phu nhân nói, tuy vẫn chưa chịu thua hẳn. - Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, mẹ tha thứ cho con! Nhưng bá tước phu nhân đẩy con gái ra và lại gần bá tước. - Mình ạ! - mình xem nên thế nào thì cứ bảo nó làm… vừa rồi là vì tôi không rõ. Phu nhân nói, mắt nhìn xuống đất như người có lỗi. - Trứng… trứng mà lại đòi dạy khôn cho vịt… - bá tước nói nghẹn ngào qua những giọt nước mắt sung sướng ôm hôn phu nhân bấy giờ đang hài lòng được giấu khuôn mặt hổ thẹn của mình vào ngực chồng. - Ba ơi, mẹ ơi! Cho con đi bảo họ nhé! Nhé… - Natasa nói. - Chúng ta vẫn sẽ mang theo những thứ gì cần thiết. Bá tước gật đầu ưng thuận, và Natasa chạy rất nhanh như những khi chơi trò chạy thi, lao mình qua phòng lớn, đâm bổ vào phòng trước và nhảy xuống thang gác ra sân. Gia nhân vây quanh Natasa và không chịu tin cái mệnh lệnh kỳ quái mà nàng truyền đạt lại, mãi cho đến khi bá tước phu thân hành thay mặt cho phu nhân ra xác nhận nhường tất cả các xe tải cho thương binh, còn rương hòm thì bỏ vào các nhà kho. Nghe xong, gia nhân vui mừng và cần măn bắt tay vào công việc mới. Bây giờ không những cho việc này là kỳ quặc, mà ai nấy còn thấy rằng không thể làm cách nào khác thế được. Tất cả những người ở trong nhà, dường như lấy làm tiếc rằng, đã không làm việc này sớm hơn, đều đon đả bắt tay vào việc xếp chỗ cho các thương binh. Những người bị thương lê ra khỏi phòng, vây quanh mấy chiếc xe tải, gương mặt xanh xao nhưng mừng rỡ. Ở các nhà bên cạnh cũng có tin truyền đi là có xe tải chở thương binh, và những người bị thương có nghỉ ở các nhà khác bắt đầu lục tục kéo đến gia đình Roxtov. Trong số các thương binh có nhiều người yêu cầu đừng cất bỏ đồ đạc, cứ để cho họ ngồi lên trên. Nhưng đồ đạc đã bắt đầu bỏ xuống rồi và không thể ngừng được nữa. Để lại tất cả hay để lại một nửa thì những bát đĩa, những tượng đồng, những bức họa, những tấm gương mà đêm qua họ đã ra công xếp đặt cẩn thận như vâỵ, thế nhưng họ vẫn tìm ra cách bỏ bớt thêm nhiều đồ đạc nữa để có thêm xe cho thương binh. - Có thể chở thêm bốn người nữa - viên quản lý nói, - Tôi xin nhường chiếc xe chở đồ đạc của tôi, chứ không thì họ sẽ ra sao? - Cả chiếc xe chở tủ quần áo của tôi nữa, - bá tước phu nhân nói, - Dunusia sẽ cùng ngồi xe với chúng tôi cũng được. Chiếc tủ áo cũng được bỏ xuống, và chiếc xe được đánh đi đón thương binh ở cách đây hai nhà. Tất cả những người trong gia đình cũng như các gia nhân đều phấn chấn vui vẻ. Natasa bấy giờ ở trong một tâm trạng khích động và sung sướng mà đã từ lâu nàng chưa cảm thấy. Mấy người đầy tớ đang cố buộc một chiếc hòm ở phía sau một cỗ xe. Họ nói: - Làm thế nào mà buộc bây giờ? Ít ra cũng phải để lại một chiếc xe tải mới được. - Hòm dựng gì thế? - Natasa hỏi. - Đựng sách của bá tước. - Để xuống. Vaxilits sẽ mang cất đi. Sách thì chẳng cần. Trong xe đã chật ních. Họ băn khoăn hỏi nhau không biết Piotr sẽ ngồi vào đâu. - Ngồi trên ghế xà ích ấy. Phải không Petya - Natasa gọi to. Sonya cũng xếp dọn không ngừng tay; nhưng mục đích của nàng ngược hẳn với mục dích của Natasa. Nàng thu xếp những đồ đạc phải bỏ lại kê thành một danh sách theo nguyện vọng của bá tước phu nhân, và cố tim cách mang theo được từng nào hay từng ấy. Đến khoảng hơn một giờ trưa bốn cỗ xe nhà của gia đình Roxtov chở nặng những đồ đạc và đã thắng ngựa sẵn sàng đứng ở trước thềm. Những chiếc xe tải chở thương binh lần lượt từ trong sân kéo ra. Chiếc xe song mã chở công tước Andrey khi đi ngang trước thềm đã khiến Sonya chú ý; bấy giờ nàng đang cùng một người đày tớ gái xếp chỗ ngồi cho bá tước phu nhân trong chiếc xe cao lớn của bà đỗ ở cạnh thềm. Sonya ló đầu ra cửa xe hỏi: - Xe ai thế nhỉ? - Thế tiểu thư không biết à? - người đầy tớ giải đáp, - Xe của vị công tước bị thương, tối qua ngủ tại nhà ta đấy. Xe của công tước sẽ cùng đi với chúng mình. - Công tước nào? Tên là gì? Chàng rể ngày trước của nhà ta ấy mà, công tước Bolkonxki đấy! - Người đầy tớ thở dài đáp. Nghe nói sắp chết rồi thì phải. Sonya nhảy vụt ra khỏi xe và chạy đi tìm bá tước phu nhân lúc bấy giờ đã mặc quần áo đi đường, đội mũ và choàng khăn, vẻ mệt mỏi, đang đi đi lại lại trong phòng khách chờ những người trong gia đình đến đóng cửa phòng một lát [232] và cầu nguyện đôi chút trước khi ra đi. Natasa bấy giờ không có mặt ở trong phòng. - Mẹ ơi! - Sonya nói, - Công tước Andrey đang ở đây, bị thương gần chết. Anh ấy sẽ cùng đi với nhà ta. Bá tước phu nhân kinh hãi mở mắt ra và nắm lấy tay Sonya lấm lét nhìn quanh, thều thào: - Natasa? Đối với Sonya cũng như đối với bá tước phu nhân, tin này thoạt đầu chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Họ đều biết rõ Natasa của họ, và mối lo cho tình trạng của nàng khi nàng biết tin này lấn át hết lòng thương đối với con người mà cả hai đều quý mến. Sonya nói: - Natasa chưa biết; nhưng anh ấy sẽ đi cùng với chúng ta. - Con vừa bảo là anh ấy sắp chết à? Sonya gật đầu: Bá tước phu nhân ôm chầm lấy Sonya mà khóc. “Không ai lường hết được những con đường do Chúa định” - Bà nghĩ thầm, lòng cảm thấy trong tất cả những sự việc đang diễn ra đã bắt đầu hiện bàn tay quyền lực vô cùng mà trước kia mắt của con người không thể trông thấy. - Mẹ ạ xong cả rồi đấy. Mẹ với Sonya có chuyện gì thế… - Natasa chạy vào phòng nói, gương mặt phấn chấn. - Có chuyện gì đâu, - bá tước phu nhân nói, - Xong rồi à, thế thì ta đi, - Và phu nhân cúi xuống sát chiếc túi thêu để giấu vẻ mặt biến sắc đi vì xúc động. Sonya ôm lấy Natasa và hôn nàng. Natasa đưa mắt nhìn Sonya có ý dò hỏi: - Sonya làm sao thế? Có việc gì xảy ra? - Không… chẳng có gì cả. Natasa vốn rất tinh ý; nàng hỏi ngay: Có chuyện không hay cho em à? Chuyện gì thế? Sonya thở dài không đáp. Bá tước, Piotr, bà Schoss, Vaxilits bước vào phòng khách, họ đóng các cửa lại và mọi người im lặng ngồi xuống một lát, không ai nhìn ai. Bá tước đứng dậy trước tiên và thở dài đánh phào một cái, đưa tay làm dấu thánh trước bức tượng thánh. Mọi người đều làm theo. Rồi bá tước ôm hôn Mavra Kuzminísna là người sẽ ở lại Moskva và trong khi họ cầm lấy tay và hôn lên vai ông, bá tước vỗ nhè nhẹ lên lưng họ, miệng lắp bắp mấy câu gì không nghe rõ nhưng rất dịu dàng, ý chừng muốn an ủi họ. Bá tước phu nhân bỏ vào phòng bày tượng thánh, Sonya vào theo thì thấy phu nhân đang quỳ trước những bức tượng còn lại rải rác trên tường (những bức quý nhất, có gắn bó với nhiều kỉ niệm gia đình, thì đều được mang theo). Trên thềm và trong sân, các gia nhân tuỳ hành đeo những chiếc dao găm và những thanh gươm mà Petya đã phân phát cho họ, ống quần xỏ vào ủng, mình nai nịt rất chặt, đang từ biệt những người ở lạì. Cũng như ta vẫn thường thấy những khi ra đi, có rất nhiều vật bị bỏ quên hoặc không được xếp đặt chu đáo cho nên hai người hành bộc đứng hai bên cửa xe để chuẩn bị đỡ bá tước phu nhân bước lên bậc phải đứng chờ khá lâu, trong khi mấy người đày tớ gái từ trong nhà mang thêm nào là gối đệm, nào là tay nải chạy ra xe, hết xe này lại đến xe kia, rồi lại chạy vào nhà. - Các người suốt đời cái gì cũng quên! - Bá tước phu nhân nói. - Mày cũng biết là tao có ngồi được thế này đâu! Yefim nghiến răng không đáp, gương mặt biểu lộ vẻ oán trách, và nhảy vào xe sửa lại chỗ ngồi. - Chà, cái bọn này! - Bá tước lắc đầu nói. Lão Yefim. người xà ích duy nhất được bá tước phu nhân tin cậy và để cho đánh xe, ngất ngưởng trên ghế xà ích, không hề lần nào quay lại nhìn lại phía sau. Ba mươi năm kinh nghiệm đã cho lão biết rằng còn phải chờ lâu mới nghe câu: “Gửi Chúa!” và ngay đến khi ra lệnh lên đường, thì người ta cũng lại bảo dừng xe vài lần để sai người chạy về lấy mấy thứ bỏ quên, và sau đó lại bảo dừng xe một lát nữa, và tự thân bá tước phu nhân sẽ ló đầu ra cửa xe để dặn dò khẩn khoản lão ta cho xe đi cẩn thận mỗi lần xuống dốc. Lão biết như vậy cho nên lão cứ bình tâm chờ đợi, kiên nhẫn hơn mấy con ngựa, nhất là con ngựa hung thắng bên trái tên là Xokol, lúc bấy giờ đang dẫm chân và cắn hàm thiếc. Cuối cùng mọi người đã lên xe. Bậc xe đã được nhấc lên và bỏ vào trong, cánh cửa xe đã đóng lại, phu nhân đã cho người chạy trở lại lấy thêm cái tráp; và đã dặn dò khi xuống dốc phải cấn thận. Lúc bấy giờ Yefim mới chậm rãi cất mũ và làm dấu thánh giá. Người quản mã và các gia nhân đều làm theo. Yefim đội mũ lên đầu nói: - Gửi Chúa! Người mã phu cho ngựa xuất phát. Con ngựa bên phải rướn cổ dưới chiếc vòng càng, những ổ díp cao kêu cót két, và thùng xe lắc lư chuyển đi. Người hành bộc nhảy lên chiếc xà ích trong khi chiếc xe chuyển bánh. Chiếc xe khi ra đến đường cái vấp bánh vào tảng đá lát dường gập nghềnh và xóc lên một cái; các xe khác khi đi ngang chỗ đó cũng lần lượt xóc lên, và đoàn xe nối đuôi nhau trên đường phố đi ngược lên dốc. Khi đi ngang qua chiếc nhà thờ ở trước mặt, mọi người ở trên xe kiệu, xe mui, xe Briska đều làm dấu thánh giá. Các gia nhân ở lại Moskva đi hai bên đoàn xe, tiễn chân những người ra đi một đoạn. Natasa ít khi có được một cảm giác vui mừng như bấy giờ khi ngồi cạnh bá tước phu nhân trong cỗ xe ngắm những bức tường của Moskva đang bị rời bỏ chậm rãi lùi về phía sau, rồi nhìn ra sau. Thỉnh thoảng nàng lại thò đầu ra ngoài cửa sau, rồi nhìn về phía trước, xem đoàn xe tải dài chở thương binh đi trước xe họ. Ở quãng đầu của đoàn xe này có thể trông thấy chiếc xe song mã buông mui kín của công tước Andrey. Nàng không biết người nào đang ở trên xe, nhưng cứ mỗi lần muốn biết vị trí của đoàn xe nàng lại đưa mắt tìm chiếc xe song mã. Nàng biết rằng nó đi đầu đoàn. Ở Kudrin có mấy đoàn xe tương tự như đoàn xe của nhà Roxtov. Từ phố Nikitxkaya, từ Prexnya, từ Potnivinxki đổ ra và dọc phố Xadovaya bấy giờ đã có hai hàng xe nhà và xe tải đi song song. Khi đi xung quanh tháp Xukharev, Natasa bấy giờ đang tò mò đưa mắt nhanh nhìn qua những đám người đi xe và đi bộ, bỗng vui mừng và ngạc nhiên reo to: - Trời ơi! Mẹ xem kìa, Sonya xem kìa, đúng là anh ấy! - Ai? Ai? - Xem kìa, trời ơi, anh Bezukhov đấy? - Natasa nói, người chồm ra ngoài cửa xe nhìn một người cao to lớn và to béo mặc áo kaftan kiểu như những người đánh xe ngựa thường mặc, cứ trông dáng người và cách đi cũng rõ là người quý tộc cải trang, đang đi cạnh một ông già thấp bé không có râu tiến về phía cái cổng tò vò ở tháp Xukharev. Natasa nói: - Trời ơi, đúng là anh Bezukhov mặc áo kaftan, đi với một ông già bé loắt choắt như trẻ con ấy. Trời ơi, xem kìa, xem kìa! - Không phải đâu, làm gì có chuyện vô lý thế. - Mẹ ơi! - Natasa kêu to lên, - Không phải anh ấy thì mẹ cứ chặt đầu con đi! Con cam đoan với mẹ như thế. Đứng lại, đứng lại! - nàng thét người đánh xe; nhưng người đánh xe không sao dừng lại được vì lúc bấy giờ từ phố Messanxkaya lại có thêm những đoàn xe nhà và xe tải kéo ra, họ cứ quát tháo đoàn xe của gia đình Roxtov, giục đi đi để khỏi nghẽn lối người khác. Quả nhiên, tuy bấy giờ xe đã đi cách chỗ lúc nãy, mọi người trong gia đình Roxtov đều trông thấy Piotr, hay là một người nào giống Piotr một cách dị thường, mặc áo kiểu kaftan của những người đánh xe, đang bước trên đường phố, đầu cúi gầm và vẻ mặt nghiêm trang, bên cạnh một ông già nhỏ không có râu, trông như một người nô bộc. Ông già đã để ý thấy người con gái ở trong cửa xe nhòm ra, và kính cẩn chạm vào khuỷu tay Piotr, vừa nói gì với chàng vừa chỉ về phía chiếc xe song mã. Piotr hồi lâu không hiểu ông ta nói gì, vì hình như chàng đang mải suy nghĩ miên man. Cuối cùng, khi đã hiểu chàng nhìn theo hướng tay chỉ, nhận ra Natasa và chưa kịp suy nghĩ, chàng lập tức tiến về phía xe. Nhưng đi được mươi bước, chàng lại như sực như nhớ ra điều gì, liền dừng lại. Natasa bấy giờ đang chồm ra ngoài cửa sổ, gương mặt nàng vụt sáng lên trong một nụ cười trìu mến và chế giễu.
- Anh Piotr Kirilyts! Lại đây nào! Chúng tôi nhận ra anh rồi! Thật là kì lạ - nàng giơ tay về phía Piotr gọi to. - Anh làm sao thế? Sao anh lại mặc thế này? Piotr cầm lấy bàn tay giơ ra và vừa bước vừa hôn lên bàn tay một cách vụng về (vì lúc bấy giờ xe vẫn tiếp tục đi) - Bá tước làm sao thế? - Phu nhân hỏi, giọng ngạc nhiên và có ý thương xót. - Làm sao? Tại sao à? Thôi xin miễn hỏi, - Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn Natasa lúc bấy giờ đang nhìn chàng với đôi mắt long lanh (ngay khi chàng chưa nhìn. Piotr cũng đã cảm nhận được luồng mắt của nàng), tỏa ra một ánh sáng huyền diệu đang thấm sâu vào người chàng. - Anh thì thế nào? Hay là ở lại Moskva? Piotr im lặng một lát rồi hỏi, có vẻ ngơ ngác: - Ở lại Moskva? À vâng, ở lại Moskva. Thôi xin chào cô. - Chà giá được làm đàn ông, tôi sẽ ở lại với anh ngay. Ờ hay quá - Natasa nói, - Mẹ cho con ở lại mẹ nhé. Piotr thẫn thờ nhìn Natasa và toan nói một câu gì, nhưng bá tước phu nhân đã ngắt lời: - Nghe nói bá tước có dự trận vừa rồi thì phải? - Vâng, có, - Piotr đáp. Ngày mai sẽ có thêm một trận nữa - Piotr bắt đầu nói, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng. - Nhưng anh làm sao thế? Trông anh lạ quá. - Thôi, xin đừng hỏi tôi, đừng hỏi nữa, chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Ngày mai, à không? Thôi xin chào. Xin chào nhé, thời buổi thật là khủng khiếp! Nói đoạn chàng bỏ đi lên vỉa hè. Natasa vẫn chồm ra cửa xe, và ánh mắt sáng trong trẻo của nụ cười trìu mến, vui vẻ, hơi giễu cợt của nàng hồi lâu còn chiếu dõi theo Piotr.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...