Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIVb

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIVb
Chương 9 
Về đến trạm gác, Petya gặp Denixov đứng ở phòng ngoài. Denixov đang đợi Petya về, lòng bồn chồn lo lắng và tự giận mình sao lại để Petya đi như vậy. - Đội ơn chúa! - chàng reo lên. - Chà, đội ơn chúa! - chàng nhắc đi nhắc lại trong khi nghe Petya hân hoan kể lại chuyến đi vừa qua, - quỷ bắt cậu đi, cậu làm cho tôi không chợp mắt được đấy. - Thôi đội ơn chúa, bây giờ đi mà đi ngủ. Còn đủ thì giờ đánh một giấc từ giờ đến sáng. - Ờ không, - Petya nói, - Tôi chưa buồn ngủ, tôi biết cái thói của tôi là hễ đã ngủ rồi thì thôi chẳng biết trời đất là gì nữa. Vả lại tôi đã quen thức trước khi ra trận. Petya ngồi một lát trong ngôi nhà, lòng khấp khởi vui mừng nhớ lại những chi tiết trong chuyến đi vừa qua và hình dung rõ rệt những gì xảy ra trong ngày mai. Rồi nhận thấy Denixov ngủ thiếp đi cậu đứng dậy đi ra ngoài. Ngoài sân hãy còn tối mịt. Cơn mưa nhỏ đã tạnh khi nước mưa đọng trên lá cây hãy còn nhỏ giọt xuống. Gần nơi trạm gác, thấp thoáng bóng những cái lán của lính cô-dắc và những con ngựa buộc chung một chỗ. Sau ngôi nhà có hai chiếc xe tải làm thành hai vệt đen sì, bên cạnh có mấy con ngựa đứng, và dưới hẻm núi bập bùng một ngọn lửa đỏ đang lụi đần trong số lính phiêu kỵ và lính cô dắc cũng có nhiều người không ngủ dây đó; xen lẫn với tiếng nước mưa rơi lộp bộp và tiếng ngựa nhai thóc rào rào gấn sát bên cạnh, còn nghe tiếng người nói khe khẽ, gần như thì thầm. Petya từ phòng ngoài bước ra sân, đưa đôi mắt nhìn bóng tối ở chung quanh và đến gần hai cỗ xe tải. Dưới xe có ai đang ngáy “khò khò” và ở xung quanh xe có những con ngựa đóng yên đang nhai thóc. Trong bóng tối, Petya nhận ra con ngựa của cậu, được cậu đặt tên là Karabakh tuy nó là con ngựa vùng tiểu Nga, và lại gần nó. - Nào, Karabakh, mai ta sẽ làm nên chuyện, - Petya vừa nói vừa ghé sát mũi vào mũi ngựa mà hôn. - Kìa cậu không ngủ à? - người cô-dắc ngổi dưới gầm xe nói. - Không, này anh… Likhatxov, có phải tên anh là thế không nhỉ? Chả là tôi vừa mới về mà. Chúng tôi vừa đến trại quân Pháp xong. - đoạn Petya kể tỉ mỉ cho người cô-dắc nghe đầu đuôi chuyến cậu ta đi trinh sát, lại còn giảng dải thêm cho anh ta rõ tại sao cậu ta cho rằng thà liều mạng như vậy còn hơn là làm ăn hú họa. - Thôi cậu nên ngủ một chút, - người cô-dắc nói. - Không, tôi đã quen thức, - Petya đáp. - À, đá lửa trong súng tay của anh ta đã mòn hết chưa? Tôi có mang theo đây. Anh cần không? Lấy một ít mà dùng. Người cô-dắc từ dưới gầm xe chui ra để nhìn Petya cho rõ. - Chả là tôi vẫn quen làm việc gì cũng phải cho cẩn thận, - Petya nói, - Nhiều người có cái lối làm hú họa, không chuẩn bị gì cả rồi về sau lại ân hận. Tôi không thích thế. - Đúng vậy, - người cô-dắc nói. - À còn cái này nữa, anh ạ anh mài hộ tôi thanh kiếm nhé; nó bị cùn… (nhưng Petya không dám nói dối là nó chưa được mài lần nào cả). Có được không anh? - Được chứ. Likhotsov đứng dậy lục lọi một lúc trong cái đẫy, và một lát sau Petya đã nghe thấy âm hưởng hùng tráng của chất thép đưa trên đá mài. Cậu leo lên chiếc xe tải và ngồi trên thành xe. Người cô-dắc ngồi mài gươm dưới gầm. - Thế nào, anh em ngủ cả rồi à? - Petya hỏi. - Cũng có người ngủ. Cũng có người thức như ta. - Thế còn chú bé thì sao? - Vexenny ấy à? Nó lăn kềnh ra ở cạnh cửa ấy. Suốt ngày nó lo sợ nên bây giờ ngủ say lắm. Bây giờ thì nó bằng lòng lắm rồi. - Sau đó Petya im lặng hồi lâủ, lắng tai nghe những tiếng động ở chung quanh. Trong bóng tối có tiếng chân bước và một bóng đen hiện ra. - Bác mài gì thế? Một người đến cạnh xe hỏi. - À mày gươm cho công tử. - Hay đấy, người kia nói (Petya thấy hình như hắn ta là một người lính phiêu kỵ) - Này, các bác ở đây có cầm cái chén không? - Kia kìa cạnh bánh xe ấy. - người lính phiêu kỵ đến lấy cái chén, - Hình như sắp sáng rồi thì phải, - hắn ta ngáp dài nói, đoạn bỏ đi. Lẽ ra Petya phải biết rằng mình đang ở trong rừng với đội du kích của Denixov, cách đường cái một dặm, rằng mình đang ngồi trên một cái xe tải cướp được của quân Pháp, bên cạnh có buộc mấy con ngựa, rằng ở phía dưới là bác cô-dắc Likhatsov đang mài gươm cho cậu, rằng cái vết đen ở bên phải là một trạm kiểm lâm, và cái vệt sáng đỏ ngàu ở bên trái là một bếp lửa đang lụi dần, rằng người vừa đến tìm cái chén là một anh lính phiêu kỵ đang khát nước; nhưng cậu chảng biết gì cả và cũng chẳng muốn biết. Cậu đang sống trong một xứ sở thần kỳ trong đó không có gì giống cõi thật hết. Cái vệt đen lớn có lẽ đúng là trạm kiểm lâm, nhưng cũng có thể là một cái hang lớn dẫn đến tận lòng đất sâu thẳm. Cái vệt dỏ kia có lẽ là ngọn lửa, nhưng cũng có thể là một con mắt của một con quái vật khổng lồ, có lẽ đúng là cậu đang ngồi trên chiếc xe tải nhưng cũng rất có thể không phải trên chiếc xe tải, mà trên một cái tháp cao ngất trời, cao đến nỗi nếu ngã xuống thì phải suốt một ngày, suốt một tháng mới đến mặt đất Cứ phải bay mãi, bay mãi mà không bao giờ chạm đất. Có lẽ người đang ngồi dưới gầm xe chỉ là bác cô-dắc Likhatsov thôi, nhưng cũng rất có thể đó chính là con người tốt nhất, can đảm nhất, kỳ diệu nhất, tuyệt vời nhất mà trên đời mà không ai biết đến. Có lẽ vừa rồi đúng là một anh lính phiêu kị đi tìm chén uống nước, rồi cầm chén đi xuống hẻm núi nhưng cũng có thể là hắn ta đã mất hút, biến hẳn đi và thật ra không hề tồn tại. Bây giờ dù Petya có trông thấy gì chăng nữa cậu cũng sẽ không hề ngạc nhiên. Petya đang sống trong một xứ sở thần kỳ, trong đó cái gì cũng có thể xảy ra. Cậu nhìn lên trời. Cả bầu trời nữa, cũng thần kì như trên mặt đất Trời đang quang dần, và trên các ngọn cây mây lướt nhanh, như đang mở dần ra cho các vì sao xuất hiện. Đôi khi người ta có cảm tưởng là mây quang dần để lộ bầu trời trong trẻo đen kịt. Đôi khi những khoảng đen ấy lại trông như những đám mây. Đôi khi trời lại trông như cứ cao lên dần, cao lên mãi; đôi khi bầu trời lại trông như hạ thấp hẳn xuống, đến nỗi có thể với hẳn tay đến được. Petya nhắm mắt lại và bắt đầu gật gà gật gù. Những giọt nước mưa rơi lộp bộp. Có tiếng nói chuyện rì rầm. Mấy con ngựa hí lên và quay ra đánh nhau. Đâu đấy có tiếng ai ngáy. Xoẹt xoẹt xoẹt xoẹt tiếng gươm xiết trên đá mài đều đều và Petya chợt nghe những tiếng nhạc hài hòa đồng cử một điệu âu ca nào đấy, âm hưởng ngọt ngào và trang trọng. Petya có khiếu âm nhạc chẳng kém gì Natasa, và hơn cả Nikolai, nhưng cậu chưa bao giờ học âm nhạc, không hề nghĩ đến âm nhạc cho nên những âm thanh đột ngột vang lên trong tâm trí cậu có vẻ mới mẻ và hấp dẫn lạ thường. Tiếng nhạc mỗi lúc một rõ. Điệp khúc lớn dần lên, chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Đó chính là lối hành nhạc thường gọi là phú cách khúc tuy Petya không hề có một khái niệm gì về phú cách khúc. Tiếng các nhạc cụ đang cử khi thì giống như tiếng vĩ cầm, khi lại nghe như tiếng kèn đồng nhưng lại hay hơn và trong trẻo hơn tiếng vĩ cầm và tiếng kèn đóng. Mỗi nhạc cụ có một điệu riêng, và chưa hết một nét nhạc đã hòa với một nét nhạc khác mở đầu gần như thế, rồi thành một nét thứ ba, rồi một nét thứ tư, và tất cả những nét nhạc ấy hòa lại thành một, rồi lại tản mác ra, để rồi lại hòa làm một, khi thì thành một điệu nhạc thánh đường trang nghiêm, khi thì thành một khúc khải hoàn tưng bừng, chói lọi. “Ồ phải rồi, ta đang nghe tiếng nhạc này trong giấc mơ, Petya tụ nhủ người gật về phía trước. - Nó ở trong tai ta đây mà. Và có lẽ đây là nhà của ta cũng nên. Nào, cử lại xem. Tiếng nhạc của ta ơi! Cử lên nào!”. Petya nhắm mắt lại và từ khắp bốn phía, những âm thanh nghe như từ xa vẳng lại bắt đầu rung lên, hòa vào nhau tản mác ra, lẫn vào nhau rồi tất cả lại hòa thành điệu âu ca ngọt ngào và trang trọng ấy “ồ tuyệt quá đi mất! Muốn bao nhiêu cũng được và muốn như thế nào cũng được”. - Petya tự nhủ. Cậu thử chỉ huy dàn nhạc khổng lồ kia. “Nào, khẽ bớt, khẽ bớt, bây giờ thì lắng hẳn xuống đi”, và các âm thanh liền tung theo. “Nào, bây giờ thì to hơn lên, vui hơn lên, vui hơn nữa, hơn nữa”. Và từ một nơi sâu thẳm mịt mùng đưa lên những âm thanh trang trọng mỗi lúc một thêm mạnh mẽ. “Nào, thanh nhạc bắt đầu hòa theo!” - Petya ra lệnh. Và từ xa xa, những đầu những giọng nam vang lên, rồi đến những giọng nữ. Tiếng hát to dần, to dần theo một tiến trình lên giọng đều đặn và trang nghiêm, Petya thấy sợ và vui trong khi lắng nghe những âm hưởng du dương lạ lùng ấy. Điệu hát dâng lên thành một khúc khải hoàn trang trọng, những giọt nước rơi lộp bộp, thanh gươm xiết trên đá mài; xoẹt, xoẹt, xoẹt và mấy con ngựa lại hí lên, đánh lẫn nhau, nhưng không phá rối điệu đồng ca, mà lại nhập vào thành một bộ phận của nó. Petya không biết những khúc nhạc ấy kéo dài bao lâu, cậu chỉ say sưa thưởng thức, luôn luôn lấy làm lạ về cái khoái cảm của mình và tiếc rằng không có ai để cùng chia sẻ. Tiếng nói dịu dàng của Likhatsov làm Petya bừng tỉnh. - Thưa cậu, xong rồi đấy ạ, có thể chém đứt đôi thằng Pháp. Petya mở bừng mắt. - Sáng rồi, đúng là đã sáng rồi! - cậu kêu lên. Bây giờ đã trông thấy rõ mấy con ngựa trước đây chìm trong bóng tối cho đến đuôi ngựa trông cũng rõ, và qua những cành cây trụi lá đã hiện ra ánh sáng ướt át của buổi rạng đông. Petya rùng mình choàng dậy, móc túi lấy một đồng rúp đưa cho Likhatsov, vung gươm lên, thử lưỡi gươm rồi tra vào vỏ. Mấy người cô-dắc cởi dây buộc ngựa và thắt đai yên cho ngựa. - Chỉ huy trưởng đây rồi, - Likhatsov nói. Từ trạm gác rừng Denixov bước ra, cất tiếng gọi Petya và ra lệnh chuẩn bị xuất phát. Chương 10 Trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông, quân sĩ nhanh nhẹn tìm lấy ngựa của mình, thắt đai yên và ai nấy đều theo lệnh về chỗ. Denixov đứng cạnh trạm ra những mệnh lệnh cuối cùng. Đội binh của đơn vị du kích, trong tiếng lép bép của hàng trăm bàn chân giẫm lên bùn. Xuất phát trước đi lên con đường cái và chỉ một loáng đã khuất giữa rặngcây trong làn sương mù của buổi rạng đông. Viên thủ lĩnh ra mệnh lệnh cho quân cô-dắc. Petya cầm cương ngựa sốt ruột chờ lệnh lên yên. Mặt cậu, vừa rửa nước lạnh và nhất là đôi mắt cậu, bừng bừng như lửa, sống lưng như có một luồng điện chạy qua, và toàn thân cứ rung lên từng đợt. - Thế nào xong cả chưa? - Denixov nói. - Đưa ngựa ra đây. Họ đưa ngựa ra. Denixov nổi cáu với người cô-dắc vì đai yên thắt lỏng; chàng mắng người cô-dắc rồi lên yên. Petya xỏ chân vào bàn đạp, con ngựa theo thói quen cứ muốn cắn chân cậu nhưng Petya bây giờ đang có cảm tưởng như mình không có trọng lượng nữa, đã nhanh nhẹn nhảy lên yên quay lại những người lính phiêu kỵ ở phía sau đang xuất phát trong bóng tối, và cho ngựa lại gần Denixov. - Anh Vaxili Fiodorovich, anh giao cho tôi một nhiệm vụ gì chứ? Anh nhé… tôi van anh… - Petya nói. Denixov có vẻ như đã quên rằng Petya có tồn tại ở trên đời này. Chàng quay lại nhìn cậu. - Tôi chỉ xin cậu một điều, - chàng nghiêm nét mặt nói, - là phải nghe tôi và đừng có tự ý chạy tứ tung lên. Suốt dọc đường Denixov không nói với Petya một câu nào nữa, chàng lặng thinh ngồi trên mình ngựa. Khi họ đến ven rừng; ở phía đông trời đã bắt đầu sáng rõ hơn. Denixov nói thì thầm mấy tiếng với viên thủ lĩnh cô-dắc, và đoàn cô-dắc bắt đầu tiến qua mặt Denixov và Petya, khi họ đã đi qua hết, Denixov giục ngựa đi xuống dốc núi. Lũ ngựa trượt chân trên sườn dốc, thỉnh thoảng lại ngồi bệt mông xuống, đoàn quân kéo xuống hẻm núi. Petya cưỡi ngựa đi cạnh Denixov, toàn thân cậu mỗi lúc một rung mạnh thêm. Trời sáng dần, chỉ có làn sương mù che khuất những vật ở xa xa. Xuống đến chân dốc, Denixov ngoảnh lại và gật đầu ra hiệu cho người của mình đứng cạnh chàng, nói: - Hiệu lệnh? Người cô-dắc giơ cao tay lên, một tiếng súng nổ. Và ngay lúc ấy có tiếng vó ngựa phi rầm lập ở phía trước tiếng hò reo ở khắp bốn phía và thêm nhiều tiếng nổ nữa. Nghe thấy những tiếng vó ngựa và tiếng hò reo đầu tiên, Petya lập tức quất ngựa và buông cương cho ngựa phi lên trước, không thèm nghe Denixov đang quát gọi cậu khi nghe tiếng súng nổ, Petya có cảm giác là trời bỗng sáng hẳn lên như giữa ban ngày, cậu phi về phía cầu. Phía trước quân cô-dắc đang phi ngựa trên đường cái. Trên cầu, Petya đuổi kịp những người cô-dắc bị tụt lại sau, và tiếp tục phi lên trước. Phía trước mắt có những người nào không rõ - chắc là lính Pháp - đang từ mé đường bên phải chạy sang mé đường bên trái. Một người ngã lăn ra giữa bùn, dưới chân ngựa Petya. Cạnh một ngôi nhà gồm có một đám cô-dắc đang xúm xít lại làm gì không rỡ. Từ giữa đám đông đưa ra một tiếng rú kinh khủng. Petya cho ngựa phi lại gần đám người và vật đầu tiên mà cậu ta trông thấy là khuôn mặt tái mét của một tên lính Pháp, hàm dưới run run, đang nắm giữ lấy cán một ngọn giáo chĩa vào người hắn. - Ura!… Anh em ơi… quân ta… Petya reo lên và buông lỏng cương cho ngựa bấy giờ đã nóng máu phi dọc đường làng tiến lên phía trước. Phía trước có nhiều tiếng súng nổ. Những người cô-dắc, những người lính phiêu kỵ và những người tù binh Nga rách rưới từ hai bên đường đổ ra, la ó ioạn xạ cả lên. Một tên lính Pháp mặc ca-pốt xanh; vẻ ngang tàng, đầu không đội mũ, mặt đỏ và cau có, đang dùng lưỡi lê chống chọi với quân phiêu kỵ. Khi Petya phi lại thì tên Pháp đã gục xuống. “Lại muộn rồi!” - ý nghĩ đó thoáng qua đầu Petya, và cậu nhắm nơi có tiếng súng dồn dập phi tới. Những tiếng súng vang lên từ sân tới nhà trang chủ đêm hôm qua Petya đã đến với Dolokhov. Quân Pháp ở đây nấp sau dãy hàng rào, trong khu vườn rậm rạp mọc kín những bụi cây, bắn vào đám quân cô-dắc xúm xít ở phía trước. Phi đến gần cổng, Petya trông thấy Dolokhov trong đám khói súng, mặt xanh như tàu lá, đang quát gọi quân lính. “Đi vòng ra phía sau! Đợi bộ binh đến!” - chàng quát trong khi Petya phi ngựa tới gần. - Đợi à? Ura! - Petya reo lên, và không chậm một phút, cậu phi đến chỗ có tiếng súng và khói phủ dày đặc. Một loạt súng nổ, những viên đạn lạ bay vèo vèo và những viên khác trúng đôm đốp vào những vật gì không rõ. Toán cô-dắc và Dolokhov đuổi theo Petya phi ngựa vào cổng. Trong đám khói chập chờn dày đặc lính Pháp đứa thì vứt súng rời các bụi cây chạy về phía quân cô-dắc, đứa thì chạy xuống dốc về phía ao, Petya ngồi trên ngựa phi dọc theo sân nhà trang chủ, hai tay không giữ cương mà lại dang rộng ra vẫy rất nhanh một cách kỳ quặc và người mỗi lúc một nghiêng hẳn về một bên. Con ngựa vấp phải một đống than hồng đang tàn lụi trong anh ban mai, liền đứng lại, và Petya rơi phịch xuống mặt đất ướt át. Những người cô-dắc thấy chân tay cậu giật giật rất nhanh, trong khi đầu cậu im lìm không nhúc nhích. Một viên đạn đã xuyên qua sọ Petya. Sau khi điều đình với viên sĩ quan chỉ huy Pháp vừa từ trong tòa nhà cầm thanh gươm buộc chiếc khăn trắng ra gặp chàng để xin hàng, Dolokhov xuống ngựa và đến cạnh xác Petya nằm im lìm dưới đất, hai tay dang rộng ra. - Thế là xong, - chàng cau mày nói đoạn ra cổng đón Denixov đang cưỡi ngựa tới.
- Chết rồi à?! - Denixov kêu lên khi trông thấy từ xa cái tư thế nằm của Petya, một tư thế rõ ràng của người chết mà chàng đã quá quen thuộc. - Thế là xong, - Dolokhov nhắc lại, như thể lấy làm thích thú khi nói mấy tiếng đó, đoạn bước nhanh về phía đám tù binh mà người cô-dắc vừa xuống ngựa đang vây quanh. - Không bắt sống đấy nhé? - chàng quát với về phía Denixov. Denixov không đáp, chàng đến gần Petya, xuống ngựa và giơ hai tay run run quay khuôn mặt tái nhợt dính máu và bùn của Petya về phía mình. “Tôi quen ăn ngọt. Nho khô này ngon lắm, anh lấy hết đi mà ăn…” chàng mường tượng nhớ lại, và mấy người cô-dắc ngạc nhiên ngoảnh lại nhìn khi nghe những tiếng âm thanh như tiếng chó sủa phát ra từ cổ Denixov khi chàng quay phắt đi, đến cạnh hàng rào và vịn vào đấy. Trong số những tù binh mà Denixov và Dolokhov cứu thoát có Piotr Bezukhov. Chương 11 Kể từ khi đoàn tù binh trong đó có Piotr rời Moskva ra đi, bộ chỉ huy Pháp không hề ra lệnh gì mới về đoàn tù binh này, ngày hai mươi hai tháng mười nó không còn đi với những đoàn xe tải đã cùng xuất phát từ Moskva nữa. Một nửa đoàn xe chở lương khô cùng đi với họ mấy chặng đường đều đã bị quân cô-dắc đánh cướp, còn lại một nửa đã đi vượt lên trước, những người kỵ binh đi bộ, lúc đấu đi phía trước mặt tù binh, nay không còn lấy một người nào: tất cả đều biến đi đâu hết. Những đội pháo binh mà trên những chặng đường đầu tiên vẫn thấy thấp thoáng ở phía trước thì nay đã nhường chỗ cho những đoàn xe tải không lồ của nguyên soái Juyno có những đơn vị người Vext phali hộ tống. Phía sau đoàn tù binh là đoàn xe chở đồ đạc của kỵ binh. Qua Vyazma, các quân đoàn Pháp trước kia đi thành ba đạo, nay dồn lại thành một lũ người. Những dấu hiệu mất trật tự mà Piotr đã nhận thấy ở trạm nghỉ đầu tiên sau khi dời Moskva nay đã đến mức thậm tệ. Suốt hai bên lề đường, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang những xác người chết; những người lính rách rưới thuộc nhiều đơn vị khác nhau bị tụt lại, nối đuôi nhau không ngớt, khi thì đuổi theo kịp đoàn quân đang trẩy đi khi thì lại tụt lại phía sau. Trong khi hành quân, đã mấy lần có báo động hão: những lúc ấy bọn lính áp giải tù binh giơ súng lên bắn loạn xạ va cắm đầu giẫm lên nhau mà chạy, nhưng rồi sau đó lại tập hợp và mắng lẫn nhau về sự sợ hão huyền vừa qua. Ba đoàn cùng đi với nhau ấy - đoàn xe chở đồ đạc của kỵ binh, đoàn tù binh và đoàn xe tải của Juyno - vẫn còn làm thành một cái gì thống nhất riêng biệt, tuy cả ba đều tan rã rất nhanh. Trong đoàn xe của kỵ binh, lúc đầu có đến một trăm hai mươi cỗ xe, nay chỉ còn được sáu mươi: những cỗ khác đều bị cướp mất hoặc bị bỏ lại. Trong đoàn xe của Juyno cũng có mấy chiếc bị bỏ lại hay bị cướp mất. Ba chiếc bị những toán lính tụt lại sau của quân đoàn Davu đánh cướp. Qua những câu chuyện trò của bọn lính Đức, Piotr biết rằng quân Pháp cắt cho đoàn xe tải một đội hộ tống mạnh hơn là đội quân áp giải tù binh, và một trong số các bạn đồng ngũ của họ, một người lính Đức, đã bị xử bắn theo lệnh của đích thân nguyên soái vì người ta thấy trong người hắn có một cái thìa bằng bạc của nguyên soái. Nhưng trong ba đoàn này thì đoàn tù binh tan rã nhanh hơn cả. Trong số ba trăm ba mươi người xuất phát từ Moskva nay chỉ còn sống sót non một trăm. Tù binh còn làm cho hắn áp tải khổ sở hơn cả những bộ yên ngựa của đoàn xe tải kỵ binh hay những đồ đạc của Juyno. Những bộ yên ngựa và những cái thìa của Juyno thì họ còn biết là những thứ dùng được, chứ lẽ gì mà những binh sĩ đói rét như họ lại phải canh giữ một lũ tù người Nga cũng đói rét như thế, cứ chết dần ở dọc đường và hễ tụt lại sau là bị bắn chết theo lệnh cấp trên, điều đó họ không những không sao hiểu được, mà lại còn ghê tởm nữa. Và những người lính đi áp giải, dường như sợ rằng trong cái tình cảnh đáng buồn mà chính họ đang trải qua, họ sẽ lại thương xót tù binh như trước đây và do đó mà làm cho tình cảnh của họ càng thêm khốn đốn, cho nên họ đối xử với tù binh càng thêm nghiêm khắc và hằn học. Ở Dorogobuie, trong khi bọn lính áp giải nhốt tù binh vào một cái chuồng ngựa rồi đi cướp phá các kho lương của quân mình, có mấy người tù binh đào ngạch chốn đi, nhưng lại bị quân Pháp bắt được và đem bắn. Cái quy chế được thiết lập khi xuất phát từ Moskva, định rằng sĩ quan và lính thường trong đoàn tù binh phải đi riêng ra đã bị huỷ bỏ từ lâu: tất cả những người còn đi bộ được đều đi thành một đoàn, và ngay từ chặng thứ ba Piotr đã gặp Krataiev với con chó chân khuỳnh khuỳnh lông tía đã chọn Krataive làm chủ. Rời Moskva được ba ngày thì Krataiev lại lên cơn sốt như khi ở nhà thương Moskva, và Krataiev lại càng kiệt sức thì Piotr lại càng xa dần bác ta. Piotr cũng không biết tại sao nữa, nhưng từ khi Krataiev bắt đầu yếu đi, thì Piotr lại phải vật lộn với bản thân mới đủ, can đảm đến gần bác. Rồi thì đến gần Krataiev và nghe những tiếng rên khe khẽ của bác những khi nằm xuống nghỉ ở các trạm, ngửi thấy cái mùi bây giờ mỗi ngày một thêm nặng từ người Krataiev bốc lên, Piotr lại lảng đi thật xa và không nghĩ đến bác ta nữa. Phải sống giam cầm, trong cái lán, Piotr đã nhận ra không phải là lý trí mà là mỗi đường gân thớ thịt của mình, rằng con người sinh ra là để hạnh phúc, rằng hạnh phúc ở ngay trong con người, trong việc thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên của con người, và người ta khổ sở không phải là vì thiếu thốn mà là vì thừa thãi; nhưng bấy giờ trong khoảng ba tuần hành quân gần đây, chàng lại biết thêm một chân lý mới đầy sức an ủi nữa - chàng đã nhận ra trên đời này không có gì đáng sợ cả. Chàng đã nhận ra rằng nếu trên đời này không có một tình cảnh nào có thể làm cho ta hoàn toàn sung sướng và tự do, thì cũng không có một tình cảnh nào có thể làm cho người ta hoàn toàn bất hạnh và mất tự do được. Chàng đã nhận ra đau khổ và tự do đều có một giới hạn, và giới hạn đó là rất gần nhau, rằng một người đã từng đau khổ vì trên chiếc giường lát bằng hoa hồng của mình đã có một cánh hoa bị gấp lại, thì cũng đau khổ đúng như chàng bấy giờ khi ngả lưng trên mặt đất trơ trụi, và ẩm ướt, một bên người thì rét cóng, còn bên kia thì nóng ran lên; rằng trước kia thì chàng đi đôi giày khiêu vũ hơi chật, chàng cũng thấy đau đớn như bây giờ khi chàng đi chân không giày (giày của chàng đã bị rách nát từ lâu), đôi chân đầy những mụn loét, chàng đã nhận ra rằng trước đây lấy vợ hoàn toàn theo ý muốn của mình - như chàng vẫn tưởng, - chàng cũng chẳng tự do như bây giờ, khi người ta nhét chàng vào chuồng ngựa để nghỉ đêm. Trong tất cả những thứ mà về sau chính chàng cũng gọi là những nỗi khổ cực, nhưng lúc bấy giờ chàng không cảm thấy, thì cái chính là đôi chân không giầy đầy những chỗ sưng phồng và lở loét. Thịt ngựa thì ngon và bổ cái dư vị của chất diêm tiêu dùng thay muối lại còn đâm ra dễ chịu nữa là khác. Trời không có những cơn rét dữ dội, ban ngày khi đi đường hầu như lúc nào cũng thấy nóng, còn ban đến thì đã có bếp lửa. Những con rận nhung nhúc ở trên người chàng làm cho chàng thấy ấm. Thời kì đầu chỉ có một điều làm cho chàng khổ: ấy là đôi chân. Ở trạm nghỉ thứ hai, khi nhìn thấy chỗ loét trên chân dưới ánh lửa trại Piotr đã nghĩ rằng chân như thế này không tài nào bước đi được nhưng khi ai nấy đều đứng dậy lên đường, chàng cũng khập khiêng bước theo, và về sau, khi đã nóng người lên, chàng bước như thường chẳng thấy đau đớn gì nữa, tuy đến chiều thì đôi chân nhìn lại càng khủng khiếp hơn trước. Nhưng chàng không nhìn xuống chân, và nghĩ sang chuyện khác. Mãi đến bây giờ, Piotr mới hiểu hết tác dụng của sức sống con người và hiệu lực bổ ích của cái khả năng bẩm sinh con người có thể đổi hướng chú ý; nó có tác dụng như cái nắp an toàn các nồi hơi, cứ mỗi khi sức ép vượt qua mức bình thường, lại mở cho chỗ hơi thừa thoát ra ngoài. Chàng không thấy và không nghe thấy người ta bắn chết những người tù binh tụt lại sau, mặc dầu đã hơn một trăm tù binh chết như vậy Chàng không nghĩ đến Krataiev mỗi ngày một kiệt sức và chắc hẳn chẳng bao lâu nữa sẽ phải chịu số phận ấy. Piotr lại càng nghĩ ít về bản thân nữa, tình cảnh của chàng càng khó: khăn, tương lai càng khủng khiếp, thì những ý nghĩ những kỷ niệm và những hình ảnh vui tươi và đầy sức an ủi lại càng đến với chàng nhiều hơn, bất chấp cả tình cảnh hiện tại của chàng. Chương 12 Trưa ngày thứ hai, Piotr đi trên một con đường bùn lầy lên dốc, mắt nhìn đôi chân của mình và nhìn những chỗ lồi lõm trên mặt đường. Thỉnh thoảng chàng lại ngước mắt nhìn đám người quen thuộc ở chung quanh, rồi lại nhìn xuống chân, cả hai thứ này đều đã trở thành một cái gì của bản thân. Con chó lông tía Xery chân khuỳnh khuỳnh vui vẻ chạy bên lể đường, thỉnh thoảng lại nhấc một cái chân sau lên và chạy ba chân lên đề khoe tài và tỏ rõ sự thỏa mãn của nó rồi chạy cả bốn chân, vừa sủa vừa nhảy vào những đám quạ đậu trên những xác chết. Con Xery bây giờ vui vẻ và khỏe mạnh hơn ở Moskva. Hai bên đường đâu đâu cũng nhiều thứ thịt, kể từ thịt người cho đến thịt ngựa, ở nhiều giai đoạn thối rữa khác nhau, mà chó sói lại không dám lại gần những đoàn người đang kéo qua, cho nên Xery tha hồ chén no nê. Trời mưa lâm thâm từ sáng sớm, và người ta là cứ có cảm giác là mưa sắp tạnh, trời sẽ quang, nhưng chỉ tạnh được một lát thì mưa, lại đổ xuống mạnh hơn, mặt đường ướt sũng không còn hút nước được nữa, cho nên những rãnh bánh xe đi nước chảy đầy ăm ắp. Piotr bước đi, đưa mắt nhìn hai bên đường, bấm đốt ngón tay, đếm từng ba bước một. Chàng nhẩm nói với cơn mưa: Nào, nào, mưa nữa đi! Chàng có cảm tưởng là mình không nghĩ đến việc gì hết. Nhưng ở một nơi nào xa xăm, sâu thẳm chàng đang nghĩ về một điều gì quan trọng và đầy sức an ủi. Điều đó là một kết luận hết sức tế nhị mà chàng đã rút ra từ lúc nói chuyện với Karataiev tối hôm qua. Hôm qua ở trạm nghỉ đêm, bếp lửa chỗ Piotr ngồi tắt ngấm, chàng rét quá liền chạy sang bếp lửa bên cạnh cháy to hơn. Bên bếp lửa ấy, Platon người chùm áo khoác kín mít như chùm nấm đang ngồi kể một câu chuyện mà Piotr đã nghe kể nhiều lần, giọng rõ ràng, dễ chịu nhưng đã yếu hẳn đi vì bệnh hoạn, bấy giờ đã qua nửa đêm. Vào quãng này Platon vẫn thường lên cơn sốt nên hoạt bát hẳn lên. Khi đến gần đống lửa và nghe thấy giọng nói yếu ớt, ốm đau của Platon, trông thấy khuôn mặt tiều tuỵ của bác ta sáng bừng lên trong ánh lửa, tim nhói lên một cách khó chịu, vì lòng thương xót của con người ấy làm chàng sợ hãi và chàng toan bỏ đi, nhưng quanh đấy không có đám lửa nào khác, nên Piotr đành ngồi bên dống lửa, cố ý không nhìn Platon. - Sao sức khỏe bác thế nào? - chàng hỏi. - Sức khỏe ấy à? Ốm mà than khóc thì trời chẳng cho chết đâu. Karataiev nói đoạn lập tức kể tiếp câu chuyện bỏ dở: - Thế rồi, cậu ạ… - Platon kể tiếp, một nụ cười thấp thoáng trên khuôn mặt gầy gò xanh sao long lanh một ánh sáng vui vẻ, khác thường, - Cậu à, thế rồi… Piotr đã biết câu chuyện này từ lâu. Karataiev đã kể năm sáu lần cho một mình chàng nghe và khi kể bao giờ cũng vui vẻ một cách lạ thường. Nhưng dù Piotr có biết rõ câu chuyện này đến đâu, chàng cũng lắng nghe như nghe câu chuyện gì mới mẻ, và cảm giác say sưa bình lặng của Karataiev trong khi kể chuyện cũng chuyển sang Piotr. Đó là chuyện một người lái buôn già, xưa nay cùng gia đình sống đạo đức, và luôn kính sợ Chúa, có lần đi chợ phiên Maxkarye có một người bạn, một người lái buôn giàu có. Ghé lại nghỉ đêm trong một quán trọ, hai người lái buôn ngủ thiếp đi, và sáng hôm sau người ta thấy người bạn bị cắt cổ chết, còn bao nhiêu tiền bạc thì bị lấy sạch. Dưới gối của người lái buôn già, họ tìm thấy một con dao vấy máu. Người lái buôn bị đưa ra tòa, bị phạt roi, bị xẻo mũi - theo đúng luật lệ, - Karataiev nói, - Và bị đày khổ sai. - Cậu ạ, thế rồi (Piotr đến vào lúc Karataiev kể đến đoạn này), mười năm qua, hay hơn nữa, ông già kia sống ở trại khổ sai. Ông ta sống phục tùng rất phải đạo, không làm việc gì xấu. Ông ta chỉ xin Chúa cho ông ta được chết. Thế rồi một đêm nọ có mấy người bạn tù khổ sai ngồi quây quần với nhau như chúng ta ngồi với nhau như thế này, có cả ông già ngồi ở đó nữa. Họ quay ra nói chuyện ai phạm tội gì mà đày đọa, ai có tội gì trước Chúa. Thế là họ bắt đầu kể, kẻ thì giết một mạng, người, kẻ thì kể giết đến hai mạng người, có kẻ thì bỏ đi trốn, thế thôi, chả có tội tình gì. Rồi họ quay ra hỏi ông già. “Thế còn bác thì can tội gì?” “Các bạn đáng mến ạ, tôi thì bị đày vì tội lỗi của tôi và của người kia. Ông ta nói thế. Tôi chả giết người, tôi chả lấy của ai cả tôi lại sẵn lòng chia sẻ cho anh em ăn mày. Các bạn ạ tôi làm nghề buôn bán; của cải của tôi cũng khá” - ông ta nói thế, và ông ta kể cho bọn họ nghe đầu đuôi câu chuyện. “Tôi chẳng buồn cho cái thân tôi đâu. Chẳng qua là chúa chọn thế thôi. Chỉ thương cho bà lão nhà tôi và mấy đứa trẻ”. Thế là ông già khóc. Tình cờ trong bọn họ có người đã giết người lái buôn kia. Anh ta bảo: “Thế thì ở đâu hả bác? Năm nào? Tháng nào?” Anh ta hỏi hết. Lòng anh ta đau xót lắm, Anh ta đến gần ông già như thế này và sụp xuống chân ông ta. “Thế là vì tôi, anh ta bảo, mà bác phải tù tội khổ sở thế này. Sự thật đúng là như thế đấy anh em ạ, người này bị đày oan uổng. Chính tôi, anh ta nói thế, chính tôi đã giết người ấy và đã dúi con dao xuống dưới gối bác khi bác đang ngủ. Bác ơi, anh ta nói thế, bác hãy vì Chúa mà tha tội cho tôi”. Karataiev ngừng kể, mỉm cười vui vẻ, mắt nhìn đống lửa, tay xếp lại mấy thanh củi. - Ông già mới nói: “Chúa sẽ tha tội cho anh, còn chúng ta thì đều có tội với Chúa cả, tôi phải khổ sở thế này cũng vì tội lỗi của tôi”. Đoạn ông ta khóc thảm thiết. Cậu ạ, thế rồi. - Karataiev nói, nụ cười hân hoan mỗi lúc thêm rạng rỡ, dường như điều mà bác ta sắp kể mới thật là chỗ hay nhất và có ý nghĩa nhất của câu chuyện, - Cậu nghĩ thế nào hả cậu? Thế rồi kẻ sát nhân ra thú tội với quan trên. Tôi đã giết sáu mạng người, anh ta nói thế (đó là một tay đại ác), nhưng tôi chỉ thương cho ông già này. Xin đừng kể cho ông ta phải than khóc vì tôi. Anh ta nói rõ đầu đuôi, họ mới biên giấy gửi đi các nơi theo các luật lệ. Đường thì xa, tòa án này lại có tòa án nọ xét duyệt biên chép cũng phải mất nhiều thì giờ. Việc đến tai Sa hoàng. Cuối cùng có chiếu của nhà vua ban xuống: cho ông già lái buôn ra, bồi thường cho ông ta đúng như đã định trong chiếu chỉ. Tờ giấy gửi đến nơi, người ta mới đi tìm ông già. Thế ông già vô tội bị đày oan kia đâu rồi? Có giấy của sa hoàng. Họ đi tìm, - hàm dưới của Karataiev rung rung - nhưng chúa đã tha cho ông ta rồi, ông ta đã chết. Thế đấy anh bạn ạ. Karataiev kết thúc và im lặng mỉm cười nhìn trân trân phía trước một hồi lâu.
Không phải bản thân câu chuyện này, mà là ý nghĩa huyền bí nào đó, cái niềm vui say sưa dọi hào quang lên gương mặt của Karataiev trong khi kể chuyện, cái ý nghĩa huyền bí của niềm vui đó mới chính là điều đáng tràn ngập lòng Piotr như một cảm giác mơ hồ và đầy vui sướng. Chương 13 - Về chỗ! - Bỗng có tiếng quát. Đám tù binh và lính áp giải vui vẻ nhốn nháo lên và như đang chờ đợi một cái gì vui sướng và long trọng. Bốn bề vang lên những tiếng hô, và từ bên trái hiện ra một tốp người mặc quần áo chỉnh tề cưỡi những con ngựa tốt phóng nước kiệu vượt qua đoàn tù binh. Trên mọi gương mặt đều lộ ra cái vẻ khẩn trương thường thấy mỗi khi thất sắp có những nhân vật cao cấp đến, tù binh dồn lại thành một tốp, họ bị dồn sang một bên lề đường! Đoàn lính áp giải sắp lại thành hàng ngũ. - Hoàng đế! Hoàng đế! Nguyên soái! Quận công! - và ngay sau đoàn lính hộ tống no đủ, một cỗ xe kiệu thắng ngựa xám hàng dọc đi qua, bánh xe lăn ầm ầm. Piotr thoáng nhìn thấy khuôn mặt béo tốt trắng trẻo, đẹp đẽ, điềm tĩnh của một người ngồi đội mũ ba góc. Đó là một vị nguyên soái, nguyên soái đưa mặt nhìn bóng dáng to lớn rất dễ nhận thấy của Piotr, và cau mày ngoảnh mặt đi. Trông vẻ mặt của vị nguyên soái ngoảnh đi, Piotr thấy hình như ông ta có ý ái ngại cho chàng và muốn che giấu cảm giác đó. Viên tướng chỉ huy đoàn vận tải, mặt đỏ gay có vẻ hốt hoảng, thúc con ngựa gầy phóng theo cỗ xe kiệu. Mấy viên sĩ quan xúm lại binh lính quây quần bên họ. Ai nấy vẻ mặt đầy căng thẳng và xúc động. - Ngài vừa nói gì thế? Ngài nói gì thế? Khi xe nguyên soái đi qua, đoàn tù binh dồn lại thành một tốp, và Piotr trông thấy Karataiev. Sáng hôm nay, chàng chưa trông thấy bác ta lần nào. Karataiev mặc áo khoác ngồi tựa lưng vào một cây bạch dương. Trên mặt bác ta, ngoài cái vẻ cảm khích vui sướng như khi kể chuyện về ông già vô tội bị đày ải, còn sáng ngời lên vì một vẻ gì trang trọng mà trầm tĩnh. Karataiev nhìn với đôi mắt tròn hiền hậu bấy giờ đang rưng rưng nước mắt, và hình như muốn gọi Piotr để nói một điều gì. Nhưng Piotr sợ cho mình quá. Chàng giả vờ như không trông thấy Karataiev nhìn mình, và vội vã lánh đi. Khi đoàn tù binh lại lên đường, Piotr ngoảnh mặt lại nhìn phía sau. Karataiev ngồi bên lề đường, dưới gốc bạch dương, hai tên lính Pháp đang đứng nói gì với nhau ở bên cạnh bác ta. Piotr không nhìn lại nữa. Chàng khập khiễng bước lên dốc. Phía sau, ở chỗ Karataiev ngồi, có tiếng súng nổ. Piotr nghe rõ tiếng súng nổ này, nhưng ngay giây lát chàng nghe thấy nó, Piotr sực nhớ rằng mình chưa tính xong những chặng đường từ đấy đến Smolenxk mà chàng đã bắt đầu tính từ lúc viên nguyên soái chưa đi xe qua. Và chàng lại nhẩm tính toán. Hai tên lính Pháp, trong đó có một tên cầm súng trường còn bốc khói, chạy qua cạnh Piotr. Mặt cả hai đều tái mét, và vẻ mặt của họ - một trong hai tên rụt rè liếc nhìn Piotr - có một cái gì giống như vẻ mặt mà Piotr đã thấy ở tên lính Pháp trẻ tuổi trong buổi hành hình dạo trước. Piotr nhìn tên lính và nhớ rằng hôm kia trong khi ngồi sưởi, hắn ta đã cháy mất chiếc áo sơ mi và bị chúng bạn chế giễu. Con chó cất tiếng gào lên ở phía sau, chỗ Karataiev ngồi lúc nãy. “Đồ ngu, sao nó lại rống lên như thế?” - Piotr nghĩ thầm. Các bạn tù binh đi cạnh Piotr cũng như chàng không nhìn lại chỗ có tiếng súng nổ và có tiếng chó giống lên; nhưng trên mọi gương mặt đều hiện lên một thần sắc nghiêm nghị. Chương 14 Đoàn vận tải, đoàn tù binh và đoàn xe chở đồ của nguyên soái đóng lai ở làng Samsavo. Mọi người đều chen chúc quanh đống lửa. Piotr lại gần một đống lửa ăn miếng thịt ngựa nướng, nằm quay lưng về phía lửa và ngủ thiếp đi. Giấc ngủ của chàng bấy giờ lại giống như giấc ngủ dạo trước Mozaisk sau trận Borodino. “Cuộc sống là tất cả. Cuộc sống là Thượng đế. Mọi vật đều di chuyển, và sự vận động ấy chính là Thượng đế. Và một khi còn cuộc sống thì còn lạc thú tự nhận thức được cái bản chất Thượng đế của mình. Yêu cuộc sống là yêu Thượng đế. Khó hơn cả và đáng quý hơn cả là yêu cuộc sống ấy với những nỗi đau khổ mà mình phải chịu mặc dầu vô tội”. - Karataiev! - Piotr nhớ lại. Và Piotr lại thấy hiện lên hình ảnh ông thầy giáo già hiền lành hồi trước dạy địa lý cho chàng ở Thuỵ sỹ, tưởng chừng như ông hãy còn sống vậy. “Khoan”, - ông già nói, đoạn cho Piotr xem một quả cầu Quả địa cầu này là một hình sinh động phập phồng không có kích thước, cả bề mặt quả địa cầu làm bằng những giọt nước dính sát vào nhau. Và những giọt nước này không ngừng chuyển động, đổi chỗ, và khi thì mấy giọt nhập lại thành một, khi thì một giọt lại tách ra thành nhiều. Mỗi giọt đều muốn phình ra, chiếm thật nhiều không gian, nhưng các giọt khác cũng muốn thế, nên ép giọt kia lại, đôi khi tiêu diệt nó, đôi khi lại hòa làm một với nó. - Cuộc sống là như vậy đấy, - ông thầy giáo già nói. - “Đơn giản và rõ ràng quá. - Piotr nghĩ, - Làm sao trước đây ta lại không biết nhỉ”. Ở trung tâm là Thượng đế, và mỗi giọt đều muốn phình rộng thêm ra để phản ánh Thượng đế cho thật nhiều. Và mỗi giọt đều lớn lên, lan ra, teo lại, và mất đi trên bề mặt, chìm xuống chiều sâu, rồi lại nổi lên. Đấy Karataiev cũng lan rộng ra và mất đi như vậy. - Đã hiểu chưa con? - ông thầy giáo già nói. Đã hiểu chưa, đồ chết tiệt? - có tiếng quát, và Piotr bừng tỉnh. Chàng nhổm người lên rồi ngồi dậy. Bên đống lửa có một tên lính Pháp ngồi xổm. Hắn vừa đuổi một người Nga sang bên để lấy chỗ ngồi nướng miếng thịt xóc ở đầu que thông nòng súng. Ánh than hồng soi khuôn mặt rám nắng hầm hầm, với đôi mày cau lại. - Hắn thì cần gì? - tên lính càu nhàu, quay phắt về phía một tên khác đứng sau lưng… đồ kẻ cướp! Và người lính vừa quay que thông nòng vừa nhìn Piotr gườm gườm. Piotr quay mặt đi, nhìn vào bóng tối. Một người tù binh Nga, người vừa bị tên Pháp xô ra, đang ngồi bên đống lửa và lấy tay vuốt vuốt một vật gì. Nhìn sát hơn, Piotr nhận ra con chó lông tía đang ngoắt đuôi ngồi cạnh người lính. - À đã về đấy hử? - Piotr nói - Chà, pla… chàng không nói hết. Trong tư tưởng của chàng cùng một lúc hiện lên một mớ hình ảnh hòa trộn lẫn vào nhau, hình ảnh đôi mắt của Platon nhìn chàng khi ngồi dưới gốc cây bạch dương, tiếng súng phát ra từ chỗ ấy, tiếng chó rống lên, vẻ mặt tội lỗi của hai tên lính Pháp chạy qua cạnh chàng, khẩu súng trường bốc khói, sự vắng mặt của Karataive ở trạm nghỉ này và chàng đã sẵn sàng hiểu rằng Karataiev đã bị bắn chết, nhưng ngay giây lát ấy, trong lòng chàng, chẳng biết từ đâu đến, lại hiện lên những kỷ niệm buổi tối mùa hè năm nào chàng cùng cô thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp ngồi hóng mát trên bao lơn một tòa nhà ở Kiev. Và cũng không liên hệ những kỷ niệm ngày hôm nay lại với một phong cảnh mùa hè pha lẫn với một buổi tắm sông, hình ảnh quả cầu phập phồng, và chàng buông mình xuống nước, cho đến khi nước ngập quá đầu. Trước khi mặt trời mọc, Piotr choàng người dậy vì những tiếng súng nổ liên hồi rất to và tiếng quát tháo. Mấy tên lính Pháp chạy ngang qua mặt Piotr. Suốt hồi lâu Piotr không sao hiểu được chuyện gì vừa xảy ra. Từ phía chàng nghe những tiếng reo hò mừng rỡ của các bạn tù. - Anh em ơi! Các cậu ơi! - những người lính già vừa khóc vừa nổi người khi ôm lính cô-dắc và lính phiêu kỵ. Lính phiêu kỵ và lính cô-dắc xúm quanh tù binh và đem nào áo, nào giày, nào bánh mì ra mời họ; Piotr ngồi giữa đám đông khóc nấc lên không thốt lên lời; Chàng ôm lấy người lính đầu tiên đến cạnh chàng và vừa ôm và vừa khóc vừa hôn lên anh ta. Dolokhov đứng bên cổng tòa nhà đổ nát nhìn tốp lính Pháp đã bị tước khí giới đi qua. Đang xúc động vì những việc vừa xảy ra, quân Pháp bàn tán với nhau rất to tiếng; nhưng khi đi qua Dolokhov đang cầm roi ngựa đập đập vào ủng và nhìn nhìn họ với đôi mắt lạnh như thuỷ tinh, một cái nhìn chẳng hứa hẹn điều gì là tốt lành gì cả, họ liền im lặng. Bên kia cổng, một người lính cô-dắc của Dolokhov đứng đếm số tù binh, cứ một trăm tên lại gạch một phần lên cổng. - Bao nhiêu? - Dolokhov hỏi người cô-dắc đang đếm tù binh. - Hơn một trăm rồi ạ, - người cô-dắc đáp. - Đi đi, đi đi! - Dolokhov giục. Chàng đã học được cái giọng này ở quân lính Pháp, và khi bắt gặp mặt những tên tù binh đi ngang, khóe mắt chàng ngời lên một ánh sáng tàn nhẫn. Denixov, mặt lầm lầm, bỏ mũ xuống đi theo mấy người cô-dắc đang khiêng xác Petya Roxtov đến cái huyệt mới đào xong ở ngoài vườn. Chương 15 Kể từ ngày hai mươi tám tháng mười, khi trời bắt đầu giá rét, cuộc bỏ chạy của quân lính Pháp chỉ thêm bi đát vì cảnh những người chết cóng hoặc chết bỏng ở các bếp lửa, và cảnh hoàng đế, các quốc vương và các quận công mặc áo choàng ấm tiếp tục ngồi xe kiệu cùng với nhiều của cải cướp được; vì thực chất thì quá trình trốn chạy và tan rã của quân đội Pháp. Kể từ khi ở Moskva, ra đi cũng không hề mảy may thay đổi. Từ Moskva đến Vyazma, quân đội Pháp từ bảy vạn ba nghìn người, không kể quân cấm vệ (đạo quân này trong suốt cuộc chiến tranh chẳng làm gì ngoài việc cướp bóc) từ bảy vạn ba nghìn người ấy chỉ còn ba vạn sáu nghìn (trong số này chỉ có năm nghìn người bị chết trong các trận đánh). Đó là vế đầu của cấp số quyết định các cấp số sau khi cách tính chính xác như toán học. Quân đội Pháp vẫn theo tỉ số ấy mà tan rã và bị tiêu diệt từ Moskva đến Vyazma, từ Vyazma đến Smolensk. Từ Xmoleaxk đến Betrya, Berezina, từ Berezina đến Vilna, không kể trời lạnh đến mức như thế nào, bất chấp những cuộc truy kích, những cuộc chặn đường và những điều kiện khác xét riêng từng cái. Sau Vyazma quân Pháp không đi thành ba đạo nữa mà nhập lại thành một lũ và cứ thế mà đi cho đến cùng. Bertie có viết cho vua ông ta như sau (ta đã biết rõ các nhà chỉ huy quân sự thường cho phép mình đi xa sự thật đến nhường nào khi mô tả tình hình quân đội). “Tôi thấy cần phải tâu để bệ hạ rõ tình hình của quân đội bệ hạ trong các quan đoàn mà tôi đã có dịp quan sát trong hai ba ngày nay ở nhiều chặng hành quân khác nhau. Quân đội đã hoàn toàn tan rã. Trong hầu hết các trung đoàn số binh sĩ đi theo các quân kỵ giỏi lắm chỉ còn một phần tư, còn lại thì đi lẻ ra nhiều hướng vì nhiều mục đính riêng tư, hy vọng tìm lương ăn và thoát khỏi bị kỷ luật. Nói chung, họ xem Smolensk như nơi họ nghỉ cho lại sức. Mấy ngày gần đây nhưng người ta thấy nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt đạn vứt súng đi. Trong tình trạng này thì dù ý định của bệ hạ có thế nào chăng nữa, quyền lợi quân sự của bệ hạ cũng yêu cầu tập hợp lại quân đội ở Smolensk, bắt đầu bằng việc thanh toán những phần tử không chiến đấu như những kỵ binh mất ngựa, những hành lý và những đồ đạc của pháo binh không còn cân xứng với lực lượng hiện nay nữa, ngoài những ngày nghỉ ngơi ra, lương thực cũng rất cần cho binh sĩ đã kiệt sức vì đói và mệt. Mấy ngày gần đây đã có nhiều người chết dọc đường hay ở các trại lộ chiến. Tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng và khiến ta phải nghĩ rằng nếu không có phương sách gì để cấp tốc để bổ cứu, tôi sợ đến khi có chiến tranh ta không còn làm chủ được quân đội nữa. Ngày mùng tám tháng mười một, cách Smolensk 30 dặm Nga”. Sau khi ùa vào Smolensk là nơi họ xem như cõi đất hứa hẹn, quân Pháp giết nhau để tranh giành lương thực, cướp phá cả các kho lương thực của họ, và khi đã cướp đi hết sạch, họ lại tiếp tục chạy trốn. Mọi người đều đi mà chẳng biết mình đi đâu và để làm gì. Napoléon với cái thiên tài của ông ta, còn biết điều đó ít hơn ai hết, vì không có ai ra mệnh lệnh cho ông ta cả. Tuy thế ông ta và những người thân cận vẫn giữ những tập quán cũ: viết mệnh lệnh, thứ tự, báo cáo, nhật lệnh; gọi nhau là “Bệ hạ, hiền huynh, công tước Ecmuun, quốc vương Napoli v.v…” Nhưng những mệnh lệnh và báo cáo đều chỉ có thể trên giấy tờ, không có việc gì được thực hiện theo những mệnh lệnh đó cả, vì không nào thực hiện được, và tuy họ gọi nhau bằng những chức tước long trọng và xưng hô như anh em cùng họ, mọi người đều cảm thấy mình là những con người thảm hại và xấu xa đã làm nhiều điều ác mà nay họ phải trả nợ. Và tuy họ giả vờ lo lắng đến quân đội, mỗi người chỉ nghĩ đến cái thân mình và nghĩ cách làm sao trốn thoát cho nhanh. Chương 16 Hoạt động của quân Nga và quân Pháp trong thời kỳ chiến dịch rút lui từ Moskva đến Neman giống như một trò bịt mắt bắt dê, trong đó cả hai người chơi đều bị bịt mắt và người trốn thỉnh thoảng lại rung chuông để cho người tìm biết chỗ. Lúc đầu người trốn rung chuông, không sợ địch thù, nhưng khi nguy hiểm đến nơi thì hắn ta lại cố lặng lẽ chuồn đi cho khỏi bị người ta bắt và nhiều khi tưởng là chạy trốn mà hóa ra là xông thẳng vào tay đối thủ. Lúc đầu quân Napoléon còn cho biết nó đang ở đâu - đó là vào thời kỳ đầu cuộc rủt quân trên con đường Kaluga, nhưng về sau, khi kéo lên con đường Smolensk, nó chạy trốn, tay giữ chặt lấy quả chuông và nhiều khi tưởng là mình chạy trốn mà hóa ra là đâm thẳng vào quân Nga. Vì quân Pháp chạy trốn và quân Nga đuổi theo đều rất nhanh, và do đó, ngựa đều kiệt sức cả, cho nên cái phương tiện chủ yếu để tìm hiểu vị trí phỏng chừng của quân địch - tức là những cuộc trinh sát của kỵ binh - nay không còn nữa. Ngoài ra, hai quân đội lại luôn luôn thay đổi vị trí và thay đổi rất nhanh cho nên những tin lức báo về, dù là tin tức gì, cũng đều không còn xác thực nữa. Nếu ngày mồng hai có tin cho biết là ngày mồng một quân địch ở một nơi nào đấy, thì đến ngày mồng ba, khi đã có thể tiến hành một việc gì quân đội đã đi được hai chặng đường rồi và đã đến một vị trí khác hẳn. Quân đội này chạy trốn, quân đội kia đuổi theo. Từ Smolensk quân Pháp có thể chọn nhiều đường rút khác nhau; và người ta có thể tưởng ở đây, sau bốn ngày đóng trại, quân Pháp có thể biết được quân địch ở nơi nào, nghĩ ra một cái gì có lợi và mưu tính một việc gì mới. Nhưng sau bốn ngày đóng trại, đám quân hỗn loạn ấy lại bỏ chạy, không phải sang phải, cũng không phải sang trái, mà lại theo đường cũ. Con đường bất lợi hơn cả, con đường Kraxnoye và Orsa, không hề có kế hoạch và chiến thuật gì hết, chỉ theo vết cũ mà chạy. Đinh ninh rằng quân địch ở sau lưng chứ không phải ở trước mặt, quân Pháp chạy thành một tuyến dài, mỗi toán cách nhau đến hai mươi bốn tiếng hành quân. Người chạy trước ai hết là hoàng đế, sau đến các quốc vương rồi đến các quận công. Quân Nga tưởng Napoléon sẽ đi chếch sang phải về phía đông Dniepr, và chỉ có làm như vậy mới hợp lý, nên cũng đi chếch sang phải và đi lên đường cái lớn dẫn đến Kraxnoye. Và ở đấy, như trong trò bịt mắt bắt dê, quân Pháp đâm sầm vào đạo tiến của quân ta. Bỗng đâu trông thấy địch ngay trước mặt, quân Pháp hoảng hốt dừng lại nhưng rồi lại bỏ chạy, bỏ mặc những bạn đồng ngũ đang theo sau. Ở đấy suốt ba ngày quân Pháp như len qua hàng ngũ quân của Nga, từng đơn vị lần lượt kéo qua, đầu tiên là quân của phó vương, rồi đến quân Davu, và sau đó đến quân Ney. Tất cả đều bỏ rơi lẫn nhau, bỏ rơi tất cả những thứ nặng nề, bỏ hết đại bác, bỏ lại một nửa quân số và chạy miết, chỉ đến đêm mới len đi vòng qua cánh phải quân Nga thành những hình bán nguyệt. Ney rút sau cùng vì còn bận chôn mìn phá thành Smolensk tuy những bức thành này chẳng làm phiền ai cả (mặc dầu tình cảnh quân Pháp rất bi đát, hoặc chính vì vậy, cho nên như đứa trẻ bị ngã đau họ muốn đạp nền nhà họ). Rút sau cùng với quân đoàn của ông gồm một vạn người, Ney chỉ còn được một nghìn quân khi chạy đến Orsa họp với Napoléon, sau khi đã bỏ hết quân lính và đại bác rồi thừa lúc đêm tối lẻn qua lừng vượt sông Dniepr. Từ Orsa, họ tiếp tục chạy theo con đường đến Vilna và cũng vẫn trò chơi bịt mắt bắt dê với đạo quân truy kích họ đúng như trước Đến sông Berezina [265] , họ lại lâm vào tình trạng hỗn loạn, nhiều người bị chết đuối, nhiều người đầu hàng, nhưng những ai qua sông được lại tiếp tục chạy. Vì tổng tư lệnh của họ mặc vội áo da lông, ngồi trên xe trượt tuyết và bỏ các bạn chiến đấu chuồn đi một mình, ai có thể chốn được cũng chốn theo, còn ai không chốn được thì đầu hàng hay chết. Chương 17 Có thể tưởng đâu đối với chiến dịch rất chạy này, một chiến dịch trong đó quân Pháp đã làm tất cả những gì có thể làm được để bị tiêu diệt, trong đó đám người ấy không tiến hành một cuộc di chuyển nào có chút gì hợp lí kể từ khi đổ ra con đường Kaluga cho đến khi tên tổng chỉ huy bỏ quân đội lại để chạy để thoát thân. - Có thể tưởng đâu với mỗi thời kỳ chiến tranh này thì các sử gia, những người vẫn thường gán những hành vi của quần chúng cho ý muốn của một con người không còn có thể mô tả cuộc rút quân này theo quan niệm của họ nữa. Nhưng không, các sử gia đã viết ra hàng núi sách về chiến dịch này, và đâu đâu cũng thấy nói đến những mệnh lệnh tác chiến của Napoléon và những kế hoạch sâu sắc của ông ta những cuộc di chuyển của quân đội và chủ trương thiên tài của các nguyên soái. Vì sao rút từ Maly Yaroxlav theo một con đường dài hoang tàn trong khi có thể đi một con đường bỏ ngỏ dẫn đến một miền trù phú hoặc theo con đường song song mà sau đó Kutuzov đã dùng để truy kích họ? Các sử gia cắt nghĩa điều đó bằng nhiều luận điểm sâu sắc. Họ cũng dùng những luận điểm sâu sắc khi diễn tả việc rút lui của Napoléon từ Smolensk đến Orsa. Kế đến, họ lại mô tả tư thế anh hùng của ông ta ở Kraxnoye, đâu như ở đấy ông ta đã định thân hành ra chỉ huy quân đội ứng chiến, ông ta chống một cái gậy bạch dương và nói: - Ta đóng vai hoàng đế đã đủ rồi, đã đến lúc đóng vai tướng lĩnh. Họ kể như vậy mặc dầu ngay sau đó ông ta lại chạy dài, phó mặc những đơn vị tán loạn đang tụt lại sau cho số phận. Sau đó, họ lại miêu tả cho ta thấy lòng dũng cảm cao quý của các nguyên soái, nhất là Ney, lòng dũng cảm cao quý ở chỗ Ney lén lút vòng quanh rừng để vượt qua sông, Dniepr và chạy về Orsa, bỏ lại tất cả quân kỳ và đại bác cũng như chín phần mười quân đội. Và cuối cùng việc vị hoàng đế vĩ đại từ bỏ đại quân anh hùng cũng được các nhà sử học miêu tả như một hành động gì vĩ đại và thiên tài. Ngay cả cái hành động chạy trốn cuối cùng này mà ngôn ngữ của loài người gọi là mức tột cùng của sự hèn hạ, một hành động mà bất cứ đứa trẻ nào cũng biết làm xấu hổ, ngay cả hàng động đó nữa cũng được thanh minh trong ngôn ngữ của các sử gia. Đến khi không còn có thể tiếp tục kéo dài những sợi dây rất đàn hồi của những suy luận sở học thêm nữa, đến khi một hành động đã hiển nhiên làm trái ngược với cái mà nhân loại gọi là tốt hay chỉ là đúng thôi cũng vậy, thì các sử gia lại vớ lấy khái niệm là sự vĩ đại để cứu vãn tình thế. Đối với cái gì là vĩ đại thì không có gì xấu cả Đã là một con người vĩ đại thì dù có làm việc gì khủng khiếp đến đâu cũng không thể buộc tội được. “Thật là vĩ đại” - các sử gia nói như vậy, và không còn cái gì tốt cái gì xấu nữa, mà chỉ còn cái “vĩ đại” và cái “không vĩ đại”. “Vĩ đại” là tốt mà không vĩ đại là xấu. Vĩ đại theo họ là thuộc tính của một số người đặc biệt nào đó mà họ gọi là anh hùng. Và Napoléon, trong khi chuồn về nhà trong chiếc áo khoác ấm, bỏ mặc không những các bạn chiến đấu mà ngay cả những người (theo ông ta) đã bị ông ta dẫn tới đây, cũng cảm thấy việc đó là vĩ đại, và tâm hồn ông ta cảm thấy thanh thản. - Từ cái cao cả (ông ta thấy trong bản thân có một cái gì đó cao cả thật) sang cái lố bịch chỉ có một bước) - Napoléon nói thế. Thế nhưng trong năm mươi năm trời cả thế giới đã lặp đi lặp lại: “Cao cả! Vĩ đại! Napoléon vĩ đại! Từ cái cao cả sang cái lố bịch chỉ có một bước”. Thế mà khòng ai thoáng có ý nghĩ rằng thừa nhận cái gì vượt ra ngoài tiêu chuẩn cân nhắc xấu tốt là vĩ đại, chẳng qua là vì thừa nhận nó là vô nghĩa và vô cùng nhỏ bé. Đối với chúng ta, những người được chúa Cơ đốc ban cho các tiêu chuẩn cân nhắc cái gì là tốt cái gì là xấu, thì không thể có cái gì không cân nhắc được cả. Và ở nơi này không có sự giản dị, không có cái thiện cái chân, thì ở đấy không có sự vĩ đại được. Người Nga nào đọc những đoạn sử kể lại thời kỳ cuối của chiến dịch 1812 mà không có một cảm giác nặng nề, vừa bực tức vừa bất mãn, vừa nghi hoặc? Người nào lại không tự đặt cho mình những câu hỏi: làm sao không bắt, không tiêu diệt toàn bộ quân Pháp, khi cả ba đoàn quân gộp lại đông gấp bội quân Pháp bao vây chúng, khi chúng đã hỗn loạn, quá đói và quá rét, phải lũ lượt ra hàng và khi (như lịch sử kể lại cho chúng ta) mục tiêu của quân Nga chính là chặn đứng, cắt đứt và bắt tất cả quân Pháp làm tù binh? Làm thế nào mà chính đạo quân Nga với một số quân kém hơn, đã giao chiến ở Borodino nhưng đến khi đã bao vây quân Pháp từ bốn phía và đặt mục tiêu bắt chúng, lại không đạt đến mục tiêu đó? Chả nhẽ quân Pháp có một ưu thế hơn hẳn quân ta đến nỗi ta không thể nào tiêu diệt chúng mặc dầu đông hơn gấp bội sao? Làm sao điều đó có thể xảy ra được? Sử học (cái mà người ta gọi bằng danh từ này), khi giải đáp những câu hỏi này nói rằng điều đó xảy ra là vì Kutuzov, cũng như Tomlaxov, cũng như Tsitsagov hay tướng này tướng nọ đã không tiến quân mà thế nọ thế kia. Nhưng tại sao họ lại không thực hiện tất cả những cách tiến quân ấy? Nếu mục tiêu đã vạch ra trước không đạt được là do lỗi của họ, thì tại sao họ lại không bị đưa ra tòa và không bị xử tử?
Nhưng dù có thừa nhận rằng Kutuzov, Tsitsagov v.v… là những kẻ đã gây ra sự thất bại của quân Nga, thì cũng không tài nào hiểu nổi tại sao ngay trong hoàn cảnh của quân Nga ở Kraxnoye và ở sông Berezina (trong cả hai trường hợp quân Nga đều có ưu thế về quân số), họ lại không bắt gọn toàn bộ quân Pháp với những nguyên soái những quốc vương và bản thân hoàng đế mặc dầu đó là mục tiêu của họ? Lối giải thích nói rằng sở dĩ có hiện tượng kỳ lạ này là do Kutuzov cản trở việc tấn công (các sở gia quân đội Nga vẫn nói như vậy) là một lối giải thích không đứng vững vì ta biết rằng ý muốn của Kutuzov đã không cản nổi quân đội tấn công ở Vyazma và Tarutino. Thế thì tại sao quân đội Nga, đã từng thắng trận Borodino với một lực lượng yếu hơn một quân địch lúc này đang sung sức, lại bị những toán quân Pháp toán loạn đánh bại ở Kraxnoye và ở Berexzine, mặc dù lực lượng mạnh hơn chúng? Nếu mục đích của quân Nga là cắt đứt đường rút lui và bắt sống Napoléon và các nguyên soái, và mục đích ấy không những không được thực hiện mà bao nhiêu cố gắng nhằm đến mục đích ấy còn thất bại một cách hết sức nhục nhã, thì thời kỳ cuối cùng của chiến dịch được người Pháp xem như một loạt thắng lợi là hoàn toàn đúng, còn các sử gia Nga mà trình bày nó như một thời kỳ chiến thắng là hoàn toàn sai. Các sử gia quân sự Nga, trong chừng mực phải tuân theo luận lý vô hình chung đã đi đến quyết định này, và mặc dù đã viết nhiều câu thống thiết nói về lòng dũng cảm và lòng tận trung v, v… đều phải bất đắc dĩ thừa nhận rằng cuộc rút lui của Pháp từ Moskva là một loạt thắng lợi của Napoléon và một loạt thất bại của Kutuzov. Nhưng dù có gạt hẳn lòng tự ái của dân tộc ra một bên, người ta cũng cảm thấy trong bản thân kết luận này có mâu thuẫn, bởi vì một loạt các thắng lợi của quân Pháp đã đưa họ đến chỗ hoàn toàn bị tiêu diệt còn loạt thất bại của quân Nga đã đưa họ đến chỗ hoàn toàn bị tiêu diệt quân địch và giải phóng tổ quốc. Cội nguồn của mối mâu thuẫn này là ở chỗ các sử gia xem trọng khi nghiên cứu các biến cố theo những thư từ của các nhà vua và các tướng tá, theo các bản thông điệp, các bản báo cáo v, v… đã giả định một mục tiêu giả dối, một mục tiêu mà hoàn toàn không có trong cuộc chiến tranh 1812; Mục tiêu cắt đứt đường rút lui và bắt sống Napoléon cùng với các nguyên soái và quân đội của ông ta. Mục tiêu này không hề có; và không thể nào có, vì nó không nghĩa lí gì hết, và không thể nào đạt được. Mục tiêu này không có nghĩa lý gì, thứ nhất là đạo quân hỗn loạn của Napoléon đang chạy chốn ra khỏi nước Nga với tất cả tốc độ có thể được, nghĩa là nó đang thực hiện chính cái điều mà bất cứ người Nga nào đều mong ước. Thế thì việc gì phải tìm cách tiến công kiểu này kiểu nọ, trong khi quân Pháp đã chạy nhanh hết sức bình sinh của nó rồi. Thứ hai, không lý gì lại đi chặn đường những con người đang dốc hết tinh lực để chạy trốn. Thứ ba, không có cái lý gì lại chịu mất quân lính để tiêu diệt các đạo quân Pháp đang tự tiêu diệt, không cần những nguyên nhân bên ngoài với một cấp số tiến nhanh đến nỗi (dù không gặp trở ngại gì trên đường trốn chạy, họ cũng không thể đưa qua biên giới nhiều hơn cái số quân họ đã đưa được và tháng chạp năm ấy, tức là một phần trăm toàn bộ quân đội. Thứ tư không có lý gì để bắt sống hoàng đế, các quốc vương, các quận công, là những người mà nếu bắt được tàì gây rất nhiều khó khãn cho hoạt động của quân Nga. Ngay những nhà ngoại giao khôn khéo nhất thời ấy cũng thừa nhận như vậy. (J. Maistre và nhiều người khác). Lại càng không có lý gì để bắt các quân đoàn Pháp trong khi chính quân mình đã tan rã mất một nửa trước khi đến Kraxnoye, thế mà còn phải cắt ra mấy sư đoàn đi áp giải tù binh, mà trong khi quân lính mình không phải lúc nào cũng được cấp lương thực đầy đủ còn những tù binh bắt được thì đang chết đói. Tất cả cái kế hoạch sâu sắc nhằm cắt đường rút lui và bắt sống Napoléon cùng với quân đội của ông ta, cũng giống như kế hoạch của một người làm vườn, muốn đuổi những súc vật đang giẫm đạp vườn rau của mình ra ngoài, lại chạy ra cổng vườn và đánh vào đầu chúng. Để thanh minh cho người làm vườn đó, chỉ có thể nói được một điều, là anh ta đang tức giận. Nhưng về phần những người soạn ra kế hoạch tác chiến kia thì không thể nói như vậy được, bởi vì họ không phải là những người bị thiệt hại khi vườn rau bị giẫm đạp. Nhưng việc cắt đường rút lui của Napoléon và quân đội của ông ta không phải chỉ là một việc vô lý, đó còn là một việc không thể nào làm được. Không thể làm được, thứ nhất là vì, nếu kinh nghiệm đã cho thấy rằng trong một trận đánh mà các đạo quân di chuyển dài đến năm dặm thì, họ không bao giờ di chuyển đúng như kế hoạch đã định và việc Tsitagov Kutuzov và Vitghenstian có thể gặp nhau đúng giờ ở địa điểm đã định là một việc khó xảy ra đến nỗi có thể xem là không thể nào có được: chính Kutuzov cũng đã nghĩ như vậy: Ngay từ khi nhận được bản kế hoạch, ông ta nói rằng những cuộc tiến công trên những khoảng cách lớn không bao giờ đưa lại những kết quả như đã dự định. Thứ hai, việc đó không thể làm được vì muốn chặn đứng được cái lực quán tính đang đẩy quân đội Napoléon chạy lùi về phía sau, cần phải có những lực lượng lớn hơo những lực lượng hiện có của quân đội Nga không biết bao nhiêu mà kể. Thứ ba, việc đó không thể làm được vì thuật ngữ quân sự “cắt đứt” chẳng có ý nghĩa gì hết. Có thể cắt đứt một miếng bánh mì chứ không thể cắt đứt một đạo quân. Cắt đứt một đạo quân - chặn đường của nó - là một việc không thể nào làm được bởi vì chung quanh bao giờ cũng có nhiều chỗ có thể đi vòng qua. Lại có đêm tối là lúc mà chẳng ai trông thấy gì: các nhà khoa học quân sự cứ xét qua hai trường hợp ở Kraxnoye và Bezezina cũng đủ thấy điều đó. Còn như bắt làm tù bỉnh thì không thể nào bắt được một con én khi nó không chịu đậu lên bàn tay. Có thể bắt sống kẻ nào ra hàng, như người Đức thường bắt, theo đúng mọi quy tắc chiến lược và chiến thuật. Nhưng quân Pháp không thấy ra hàng là có lợi, và họ nghĩ như vậy là đúng, vì dù có chạy trốn hay bị bắt làm tù binh thì cũng vẫn chết đói chết rét như nhau mà thôi. Nguyên do thứ tư và chủ yếu khiến việc đó không thể làm được là từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh điễn ra trong những hoàn cảnh khủng khiếp như cuộc chiến tranh 1812, và quân đội Nga trong khi truy kích quân Pháp đã dốc hết sức lực của mình rồi, nó không thể làm hơn thế nữa nếu không muốn tự tiêu diệt. Trong cuộc hành quãn từ Tikhon đến Kraxnoye quân đội Nga đã mất đến năm vạn người ốm và tụt lại sau, nghĩa là một con số ngang với dân số một tỉnh lỵ lớn. Một nửa quân số đã bị loại ra khỏi hàng ngũ mặc dầu không chiến đấu. Trong thời kỳ này của chiến dịch, quân đội không có ủng, không có áo khoác, ăn uống thiếu thốn, không có vodka, hàng tháng phải ngủ giữa tuyết trong khi trời rét đến mười lăm độ dưới không, ngày thì chỉ kéo dài có bảy tám giờ, còn lại là đêm, lúc mà kỷ luật chẳng còn tác dụng gì; ở đây quân lính không bị lùa vào tử địa - nơi không còn có kỷ luật gì nữa - trong vòng vài tiếng đồng hồ như trong một trận chiến đấu; ở đây quân lính sống ròng rã hàng tháng trời trong một cuộc vật lộn từng phút một với cái chết - chết đói và chết rét; trong vòng một tháng đã chết mất nửa quân đội. Ấy thế mà khi viết về chính thời kỳ này của chiến dịch, các sử gia lại kể lể với chúng ta nào là Miloradovich phải cho đến nơi nọ, trong khi Tsitsagov phải di chuyển sang nơi kia (di chuyển trong lớp tuyết dày lút đầu gối), nào là ông này đã đánh bật và cắt đứt v.v. Những người Nga dở sống dở chết đã làm tất cả những gì có thể làm được và cần phải làm để đến mục đích xứng đáng với dân tộc, và họ chẳng có lỗi gì nếu có những người Nga khác ngồi phòng ấm bàn những việc không thể làm được. Sở dĩ có mâu thuẫn kỳ lạ, ngày nay không sao hiểu nổi sự kiện thực tế và cách miêu tả của sử học chẳng qua là vì các sử gia viết về biến cố này phải lo viết lịch sử của những tình cảm đẹp đẽ và những lời nói hoa mỹ của các tướng soái chứ không phải viết lịch sử của các biến cố. Họ tưởng những lời lẽ của Miloradovich những cuộc phần thưởng của những kế hoạch của viên tướng này, viên tướng nọ nhận được kế hoạch của ông ta là những điều quan trọng lắm, còn vấn đề năm vạn người nằm lại trong những bệnh xá hay những nấm mồ thì thậm chí họ cũng không hề nghĩ tới nữa, bởi vì đó không phải là đối tượng nghiên cứu của họ. Thế nhưng, chỉ cần gác lại một lúc việc nghiên cứu những bản báo cáo và những bản kế hoạch của các tướng tá để đi sâu vào sự chuyển động của hàng chục vạn người đang trực tiếp tham gia vào biến cố, là tất cả những vấn đề trước kia có vẻ không thể giải quyết nổi đột nhiên đều được giải quyết một cách chắc chắn, dễ dàng và đơn giản lạ thường. Mục đích của nhân dân chỉ có một: giải phóng đất nước khỏi cuộc xâm lăng. Mục đích ấy đạt được trước hết là một cách tự nhiên, vì quân Pháp chạy trốn, cho nên chỉ cần đừng chặn họ lại là được. Thứ hai, mục đích ấy đạt được là do tác dụng của cuộc chiến tranh nhân đã tiêu diệt quân Pháp, và thứ ba là do đại quân Nga đi theo vết chân quân Pháp, sẵn sàng hành động nếu quân Pháp dừng lại. Quân đội Nga phải tác động như một ngọn roi đối với một con thú đang chạy. Và người chăn thú có kinh nghiệm biết rằng tốt hơn cả là nên giơ cao ngọn roi lên để dọa con vật, chứ không phải cứ quất vào đầu con vật đang chạy.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...