Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần XVIb

Chiến tranh và hòa bình - Phần XVIb
Chương 10 
Natasa lấy chồng trong ngày đầu năm 1813 và đến năm 1820 nàng đã có ba đứa con gái và một thằng con trai - Đứa con trai mà nàng vẫn mong ước, và hiện nay nàng đang tự mình cho bú lấy. Nàng đã đẫy ra, thân hình nở nang đến nỗi khó lòng nhận ra được cô bé Natasa mảnh dẻ và linh hoạt ngày xưa ở người mẹ phốp pháp khỏe mạnh này. Nét mặt nàng đã rõ hẳn và có một vẻ dịu hiền bình thản và trong sáng. Gương mặt nàng không còn xưa bừng bừng ngọn lửa phấn chấn vốn làm thành sức quyến rũ của nàng kia. Bây giờ nhiều khi người ta chỉ thấy được khuôn mặt và thân thể của nàng, còn linh hồn nàng thì không thể nào thấy được. Chỉ thấy một người đàn bà khỏe đẹp và mắn con. Ngọn lửa ngày xưa họa hoằn lắm mới bừng sáng lên ở nàng. Nó chỉ bừng lên trong khi chồng nàng đi xa về như bây giờ, khi một đứa con của nàng khỏi bệnh hay khi nàng cùng bá tước phu nhân Maria hồi tưởng đến công tước Andrey (nàng không bao giờ nói với chồng về công tước Andrey vì cho rằng chàng ghen với những kỷ niệm của bạn) và họa hoằn lắm, khi có việc gì tình cờ lôi cuốn nàng khiến nàng cất tiếng hát, một cái thú mà nàng đã bỏ hẳn từ dạo lấy chồng. Và trong những giây phút hiếm có ấy, khi ngọn lửa ngày xưa lại rực cháy trong thân thể xinh đẹp nở nang của nàng, nàng lại còn đáng yêu hơn cả ngày xưa nữa. Từ ngày cưới, Natasa vẫn sống với chồng ở Moskva, hay ở nhà mẹ, tức là ở nhà Nikolai. Trong giới xã giao người ta ít gặp bá tước phu nhân Bezukhova trẻ tuổi, và những người gặp nàng đều không hài lòng về nàng. Nàng không đáng yêu, cũng không lịch thiệp. Không phải tính Natasa thích cô độc (nàng không biết mình có thích thế hay không, thậm chí nàng còn có cảm tưởng là không), nhưng vì cứ thai nghén, sinh nở, cho con bú và tham dự vào đời sống của chồng từng phút nên nàng không thể nào đáp ứng được tất cả những đòi hỏi này bằng cách nào khác hơn là từ bỏ nếp sinh hoạt xã giao. Những ai đã từng biết Natasa trước khi nàng lấy chồng đều phải kinh ngạc khi thấy nàng đã thay đổi hẳn đi như vậy, xem nó như một điều gì phi thường. Chỉ có lão bá tước phu nhân, với bản năng làm mẹ của bà, là hiểu tất cả rằng những cơn bồng bột của Natasa đều do một cội nguồn mà ra, đó là nhu cầu có gia đình, có một người chồng (ở Otradnoye bà đã lớn tiếng tuyên bố như vậy, nửa đùa nửa thật, nhưng thật nhiều hơn là đùa). Chỉ có mẹ nàng là ngạc nhiên về nỗi ngạc nhiên của những người không hiểu Natasa và bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng xưa nay bà vẫn biết Natasa sẽ là một người vợ và một người mẹ gương mẫu. Bà thường nói: “Chỉ có điều là nó yêu chồng con quá sức, đến nỗi nhiều khi đâm ra ngớ ngẩn”. Natasa không theo cái khuôn vàng thước ngọc mà những người thông minh, nhất là những người Pháp, thường tuyên truyền, là con gái sau khi lấy chồng không nên buông lơi mình, không nên vứt bỏ tài năng của mình đi, mà phải chăm sóc đến bề ngoài của mình còn hơn cả thời con gái, phải quyến rũ chồng như đã quyến rũ người yêu. Natasa thì trái lại, đã vứt bỏ ngay một lúc tất cả những cái gì có sức quyến rũ của mình, trong đó có một cái có tác dụng đặc biệt mạnh mẽ là tiếng hát của nàng. Nàng đã vứt bỏ nó chính vì nó có sức quyến rũ mạnh mẽ. Nàng không để ý gì đến cách đi đứng, nói năng cho thanh nhã, cũng không buồn phô trương những tư thế đẹp mắt nhất trước mặt chồng, nàng không để ý gì đến trang sức, cũng không chú ý hạn chế bớt những đòi hỏi khắt khe để khỏi làm phiền chồng (tất cả những gì nàng làm đều trái với quy tắc ấy. Nàng cảm thấy rằng những thuật quyến rũ mà bản năng đã dạy cho nàng sử dụng trước kia sẽ đâm ra lố bịch nếu đem phô ra trước mặt chồng, con người mà: ngay từ phút đầu nàng đã hoàn toàn trao thân gửi phận với tất cả tâm hồn, không còn dành lại một góc nhỏ bí mật nào đối với chồng. Nàng cảm thấy mối liên hệ giữa nàng với chồng không phải do những cảm giác thi vị xưa kia đã thu hút “chàng” đến với nàng mà là do một cái khác, không rõ rệt, nhưng vững chắc như sự gắn bó giữa linh hồn nàng và thể xác nàng. Uốn tóc cho quăn lên, mặc váy phồng và hát những bài hát tình ca để lôi cuốn chồng - những cái đó đối với nàng xem ra cũng kỳ quặc như là trang sức để tự mình thỏa mãn với mình. Còn trang sức để làm đỏm với những người khác thì có lẽ nàng cũng thích - nàng cũng không biết có phải thế không - nhưng nàng không làm sao có thì giờ được. Đó chính là lí do chính khiến nàng không để ý gì đến ca hát, trang sức, hay chau chuốt những lời lẽ cho kiểu cách. Ai cũng biết rằng con người có khả năng tập trung tất cả tâm trí vào một đối tượng duy nhất, dù cho đối tượng ấy có vẻ vô nghĩa đến đâu Và ai cũng biết rằng không có đối tượng nào dù vô nghĩa đến đâu mà lại không được khuếch đại lên đến nỗi trở thành vô cùng tận một khi người ta đã tập trung chú ý vào đấy. Cái đối tượng mà Natasa để tất cả tâm trí của mình vào là gia đình nàng, là chồng nàng, mà nàng phải giữ làm sao cho chàng hoàn toàn thuộc về mình, thuộc về gia đình và những đứa con mà nàng phải cưu mang, sinh đẻ, nuôi nấng và dạy dỗ. Và khi càng đi sâu vào cái đối tượng đã thu hết tâm trí của mình, không phải bằng lí trí, mà bằng tất cả tâm hồn, bằng mỗi đường gân thớ thịt của mình, cái đối tượng này lại càng được khuếch đại bởi sức chú ý của nàng, và nàng lại càng thấy sức lực của mình nhỏ bé, vô nghĩa hơn, thành thở có bao nhiêu tinh lực nàng đã đem tập trung hết vào một điểm duy nhất, ấy thế mà nàng vẫn không sao làm xuể tất cả những việc nàng thấy cần làm. Những câu chuyện trò bàn về quyền lợi của phụ nữ, về quan hệ vợ chồng, về tự do và quyền hạn của hai bên, tuy hồi ấy không gọi là những vấn đề như ngày nay, nhưng cũng vẫn giống hệt như ngày nay - thì không những Natasa không để tâm mà còn chẳng hiểu chút gì nữa là khác. Những vấn đề này, hồi ấy cũng như bây giờ, chỉ tồn tại đối với những kẻ chỉ nhìn thấy trong hôn nhân sự khoái lạc mà hai vợ chồng đem lại cho nhau, tức chỉ là một yếu tố của hôn nhân mà thôi chứ không phải ý nghĩa toàn vẹn của nó, tức là gia đình. Những vấn đề ấy cũng tương tự như vấn đề làm thế nào ăn cho thật sướng miệng, hồi ấy cũng như ngày nay các vấn đề ấy không đặt ra đối với những người nghĩ rằng mục đích của bữa ăn là để nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là gia đình. Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể, thì người nào ăn hai bữa một lúc có thể sướng miệng hơn, nhưng người đó sẽ không đạt được mục đích, bởi vì dạ dày sẽ không tiêu hóa hết tất cả hai bữa ăn. Nếu mục đích của hôn nhân là gia đình, thì người nào muốn nhiều vợ hay nhiều chồng có lẽ sẽ được nhiều khoái lạc hơn, nhưng dứt khoát họ không thể nào có gia đình. Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình, thì tất cả vấn đề chung quy là đừng ăn quá sức tiêu hóa của dạ dày và đừng lấy vợ lấy chồng nhiều hơn số vợ chồng mà việc xây dựng gia đình đòi hỏi, tức chỉ một vợ một chồng mà thôi. Natasa cần có một người chồng. Nàng đã có được người chồng ấy. Người chồng ấy đã cho nàng một gia đình. Và không những nàng không thấy cần một người chồng khác tốt hơn, mà bởi vì bao nhiêu tinh lực của nàng đều dồn vào một mục đích là phục vụ người chồng ấy và cái gia đình ấy, cho nên nàng không thể nào tưởng tượng xem nếu sự thể khác đi thì sẽ như thế nào. Natasa không thích tiếp xúc với giới xã giao, nhưng chính vì vậy mà nàng lại càng tha thiết với cái thế giới của những người thân thuộc, với bá tước phu nhân Maria, với anh nàng, mẹ nàng và Sonya. Nàng tha thiết với cái thế giới trong đó nàng có thể mặc áo ngủ, để đầu tóc rối tung, rảo bước từ phòng các con ra chỉ cho họ xem chiếc tã bốn dây một vết màu vàng chứ không phải màu xanh cứt ngựa, với vẻ mặt hân hoan và nghe lời an ủi của họ nói rằng thế là đứa bé đã đỡ nhiều. Natasa buông lơi mình đến nỗi áo quần, cách trang điểm những câu nói không phải của nàng, cái tính hay ghen của nàng - nàng ghen với Sonya, với chị giữ trẻ, với bất cứ người đàn bà nào dù đẹp hay xấu - đã được tất cả những người thân thuộc đem làm đầu đề đùa bỡn hàng ngày. Theo ý cả nhà thì Piotr bị vợ xỏ mũi, và sự thật là như vậy. Ngay từ những ngày đầu chung sống, Natasa đã tuyên bố những yêu sách của mình. Piotr rất đỗi ngạc nhiên về quan niệm của vợ - Một quan niệm mà chàng thấy là hoàn toàn mới mẻ - Cho rằng mỗi giây phút của đời chàng đều thuộc về nàng và thuộc về gia đình. Piotr ngạc nhiên về những yêu sách của vợ, nhưng cũng thấy tự hào và cũng vui lòng phục tùng. Cái tình trạng phục tùng của Piotr ở chỗ không những chàng không dám tán tỉnh và thậm chí cũng không dám mỉm cười trong khi nói chuyện với một người đàn bà nào khác, chàng không dám đến các câu lạc bộ, dự những bữa tiệc “gọi là để tiêu khiển”, chàng không dám tiêu tiền theo những ý thích riêng, cũng không dám đi xa lâu, trừ những khi có công có việc - Trong số những công việc này nàng kể cả những việc nghiên cứu khoa học của chàng mà nàng chẳng hiểu tí gì nhưng cũng cho là rất quan trọng. Ngược lại, ở nhà Piotr có toàn quyền muốn làm gì thì làm, không những đối với bản thân mình mà ngay cả đối với gia đình cũng vậy. Trong gia đình, Natasa tự đặt mình vào địa vị người nô lệ của chồng, và cả nhà đều phải đi rón rén khi Piotr đang làm việc - tức đọc sách hay viết lách trong phòng. Chàng chỉ hơi ngỏ ý cần cái gì là Natasa đứng phắt dậy chạy đi làm ngay. Cả nhà răm rắp tuân theo những cái gọi là mệnh lệnh của ông chồng, tức là những ý muốn của Piotr mà Natasa cố đoán ra. Cách sống, chỗ ở, bạn bè giao dịch, những việc làm của Natasa, việc dạy dỗ các con, mọi việc đều được quyết theo ý muốn mà Piotr ngỏ ra. Ngoài ra Natasa còn tìm cách phỏng đoán những ý nghĩa có thể toát ra từ những lời nói hay những câu chuyện của chàng. Nàng đoán đúng được thực chất những ý muốn của Piotr, và một khi đã đoán ra là nàng một mực làm cho kỳ xong theo cách nàng đã chọn. Và khi Piotr muốn thay đổi ý muốn thì nàng lại dùng ngay những vũ khí của chàng để chống lại chàng. Chẳng hạn, trong một thời kỳ gay go mà Piotr ghi nhớ mãi, sau khi sinh đứa con đầu lòng yếu ớt, họ phải thay đến ba người vú em, và Natasa lo phiền quá đến nỗi sinh bệnh, một hôm Piotr giảng giải cho nàng nghe những quan niệm của Russeau mà chàng hoàn toàn tán thành, cho rằng việc dùng vú em là trái tự nhiên và có hại. Đến khi sinh đứa thứ hai, mặc dầu mẹ nàng, thầy thuốc và ngay cả chồng nàng không muốn để cho nàng tự cho con bú vì đó là một việc không thấy ai làm và thậm chí có hại, nhưng Natasa giữ vững ý mình và từ đó trở đi đứa con nào cũng tự mình cho bú lấy. Có nhiều khi trong những phút giận dỗi, hai vợ chồng cũng cãi cọ nhưng sau đấy một thời gian, Piotr vui sướng và ngạc nhiên nhận thấy những lời nói cũng như việc làm của Natasa đều phản ánh đúng cái ý kiến của chàng đã bị Natasa cãi lại. Và không những chàng thấy ý kiến ấy được thực hiện, mà còn thấy nó được tước bỏ hết những phần quá khích trong cách nói của chàng lúc đang say sưa tranh cãi. Sau bảy năm chung sống, Piotr vui sướng nhận thức một cách chắc chắn rằng mình không phải là người xấu, và chàng cảm thấy như vậy là vì thấy rõ hình ảnh mình được vợ phản chiếu lại. Trong thâm”tâm, chàng cảm thấy cái tốt và cái xấu ở trong mình lẫn lộn vào nhau và che mờ lẫn nhau. Nhưng ở vợ chàng thì chỉ thấy phản ánh những cái gì tốt thật sự, tất cả những gì không hẳn là tốt đều bị gạt đi. Và sự phản ánh này diễn ra không phải thông qua tư duy lô-gich, mà qua một con đường khác, trực tiếp và huyền bí. Chương 11 Hai tháng trước đây, Piotr lúc bấy giờ đã ở với gia đình Roxtov, có nhận được một bức thư của công tước Feodor, gọi chàng đến Petersburg để thảo luận về những vấn đề quan trọng đang làm bận tâm những người tham gia cái hội mà Piotr là một trong những người sáng lập chủ yếu. Sau khi đọc bức thư này - nàng vẫn đọc tất cả thư từ của chồng - Natasa, tuy rất khổ tâm khi phải vắng chồng, vẫn tự mình khuyên Piotr đến Petersburg. Tất cả những công việc có tính chất trí óc và trừu tượng của chồng, Natasa tuy không hiểu cũng vẫn cho là hết sức quan trọng, và luôn luôn sợ mình cản trở chồng trong hoạt động này. Đáp lại cái nhìn dò hỏi và ngại ngùng của Piotr sau khi đọc bức thư, nàng bảo chàng nên đi nhưng phải cho nàng biết đích xác ngày nào trở về. Thế là chàng được đi phép bốn tuần lễ. Từ khi thời hạn của Piotr đã hết, tức là đã hai tuần nay, Natasa luôn luôn lo buồn và bực bội. Denixov, vị tướng về hưu bất mãn với thời cuộc đã đến chơi từ hai tuần nay, kinh ngạc và buồn rầu nhìn Natasa như nhìn một bức chân dung không được giống của một người xưa kia mình yêu mến. Cái nhìn rầu rĩ, chán ngán, những câu trả lời chẳng đâu vào đâu và những câu chuyện về con cái: đó là tất cả những điều bây giờ chàng thấy và nghe được ở nàng đạo cô thuở trước đã làm cho chàng mê mẩn. Trong suốt thời gian này, Natasa buồn bã và bực bội khi để an ủi nàng, mẹ nàng, anh nàng, Sonya hay bá tước phu nhân Maria tìm cách bào chữa cho Piotr và bày ra những lí do để cắt nghĩa lại sao chàng về muộn. - Toàn là những câu chuyện vớ vẩn, nhảm nhí hết - Natasa nói - Tất cả những tư tưởng chẳng đưa đến đâu và những hội những phường ngớ ngẩn ấy. - Nàng nói về chính những việc mà trước đây nàng tin chắc là vô cùng quan trọng. Rồi nàng vào phòng trẻ để cho thằng Petya đứa con trai duy nhất của nàng bú. Không ai có thể nói với nàng một cái gì phải lẽ và có sức an ủi như thằng bé ba tháng này, trong khi nó nằm áp vào ngực nàng và nàng cảm thấy những cử động của đôi môi nó đang bú, nghe hơi thở nhẹ từ cái mũi xinh xinh của nó đưa ra. Thằng bé nói: "Mẹ giận, mẹ ghen, mẹ muốn trả thù bố, nhưng có con đây, con tức là bố đấy.". Và nàng không có cách gì trả lời được nữa. Điều đó còn đúng hơn cả sự thật. Trong suốt hai tuần lễ lo âu này, Natasa thường hay đến tìm ở đứa bé một nguồn an ủi, nàng chăm chút nó đến nỗi nó ăn nhiều quá sinh ốm. Nàng sợ hãi về bệnh tình của nó, nhưng đồng thời chính nàng đang cần nó ốm. Trong khi săn sóc nó, nàng cảm thấy nỗi lo ngại về chồng nguôi nguôi. Nàng đang cho con bú thì chợt nghe trước thềm có tiếng xe ngựa của Piotr về, và u già, vốn biết cách làm cho bà chủ vui lòng, hiện ra ở cửa không một tiếng động nhưng rất nhanh, vẻ mặt hớn hở: - Về rồi à? - Natasa thì thầm hỏi gấp, không dám cử động sợ thằng bé thức dậy. - Thưa bà, về rồi ạ - u già thì thầm. Máu dồn lên mặt Natasa và chân nàng bất giác cử động nhưng nàng không thể nào nhảy ra hay chạy ra được. Đứa bé lại mở mắt, nhìn nàng rồi lại lười biếng chìa môi ra bú, dường như muốn nói: "Mẹ đấy à". selene0802: Natasa nhẹ nhàng kéo vú ra, ru đứa bé và trao nó cho u già rồi bước nhanh ra cửa. Nhưng đến ngưỡng cửa, nàng bỗng dừng lại, dường như hối hận rằng trong khi mừng rỡ mình lại đã vội vã bỏ con, và ngoảnh lại nhìn u già đang đưa cao hai khuỷu tay lên, nhấc bổng thằng bé qua thành nôi. - Bà cứ đi đi, cứ đi đi, bà cứ yên tâm - u già mỉm cười nói thì thầm với cái vẻ thân mật thường có giữa bà chủ và người bảo mẫu. Và Natasa nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng. Denixov bỗng cảm thấy mình cũng như quýnh lên vì Piotr đã về, tuy chàng chẳng yêu mến gì Piotr. Chạy ra phòng áo. Natasa nhận ra một nóng đáng người cao lớn mặc cao khoác đang tháo chiếc khăn quàng. - Anh ấy đây rồi? Anh ấy đây rồi? Đúng rồi! - Nàng tự nhủ và chạy như bay về phía Piotr, ôm lấy chàng ghì chặt lấy chàng, nép đầu vào ngực chàng rồi lại đẩy chàng ra nhìn gương mặt hồng hào, sung sướng của chàng lấm tấm sương băng. "Phải chính anh ấy, anh ấy sung sướng, thỏa mãn.". Thế rồi đột nhiên nàng nhớ đến những nỗi buồn khổ của cảnh chờ đợi mà nàng đã trải qua trong hai tuần nay: niềm vui sướng đang sáng ngời trên gương mặt nàng bỗng nhiên biến mất, nàng cau mày và trút lên Piotr cả một tràng những lời trách móc chua cay. - Phải rồi! Anh thì thích lắm, anh thì sướng lắm, anh tha hồ chơi. Còn em thì thế nào? Ít nhất anh cũng phải nghĩ đến con chứ? Em đang cho con bú, sữa của em hỏng. Thằng Petya suýt chết. Còn anh thì cứ vui chơi. Phải, anh vui lắm? Piotr biết mình không có lỗi, bởi vì chàng không thể nào về sớm hơn, chàng biết nàng giận dỗi như vậy là không phải, và chỉ hai phút nữa là cơn giận sẽ qua, và cái chính là chàng biết mình đang vui vẻ sung sướng. Chàng muốn mỉm cười nhưng không dám. Chàng làm ra một vẻ mặt tội nghiệp, sợ hãi và cúi đầu. - Anh không có cách gì về sớm hơn, anh thề với em như vậy? Nhưng thằng Petya thế nào? - Bây giờ đã khá rồi, ta đi vào đi. Anh chẳng biết gì hết. Giá anh biết vắng anh em ra sao, em khổ sở như thế nào.
- Em khỏe chứ? - Ta vào đi, ta vào đi, - nàng nói, tay vẫn nắm lấy tay chàng. Và hai người bước vào phòng riêng. Khi vợ chồng Nikolai ra tìm Piotr thì chàng đang ở trong phòng trẻ, đang đỡ trên lòng bàn tay phải khổng lồ đứa con trai út vừa thức giấc, và đang ru nó. Trên khuôn mặt rộng của chàng với cái miệng móm há hốc bừng lên một nụ cười vui vẻ. Cơn bão đã qua từ lâu và một ánh sáng rực rỡ ngời sáng trên gương mặt Natasa đang âu yếm nhìn con và chồng. - Thế anh đã bàn bạc xong vớt công tước Feodor rồi chứ? - Nàng nói. - Phải, ổn lắm rồi. - Anh xem, ngóc lên được rồi đấy. (Natasa muốn nói đến đầu đứa bé). Thế mà nó làm cho em sợ một mẻ đấy. Anh có gặp công tước tiểu thư không? Có phải cô ta đang mê anh chàng. - Có, em thử tưởng tượng… Vừa lúc ấy Nikolai và bá tước phu nhân Maria bước vào. Piotr tay vẫn ẵm con, cúi mình xuống hôn hai người và trả lời những câu hỏi của họ. Nhưng rõ ràng là mặc dầu họ có nhiều điều rất thú vị để nói cho nhau nghe, thằng bé với cái mũi và cái đầu lắc lư của nó vẫn thu hút sức chú ý của Piotr. - Dễ thương quá! - Bá tước phu nhân Maria ngắm đứa bé và chơi với nó. - Có điều này thực em không hiểu, anh Nikolai ạ - nàng quay lại nói với chồng - làm sao anh lại không hiểu được sức hấp dẫn của những thiên thần này? - Anh không hiểu, chịu thôi - Nikolai nói, lạnh lùng nhìn đứa bé - Một cục thịt, Piotr, ta ra ngoài kia đi. Nói thế chứ chẳng có người cha nào yêu con như anh ấy - bá tước phu nhân Maria bào chữa cho chồng, - nhưng chỉ khi nào chúng đã trên dưới một năm. - Anh Piotr thì lại chăm con mọn rất thạo - Natasa nói, anh ấy bảo, bàn tay ấy đặt vào mông trẻ con thật vừa khéo, xem kia kìa. - Ấy nhưng không phải để làm việc ấy đâu. - Piotr bỗng cười xòa đoạn trao đứa bé cho người bảo mẫu. Chương 12 Cũng như trong mọi gia đình thực sự là gia đình, ở Lưxye Gorư có nhiều thế giới hoàn toàn khác nhau cùng chung sống, thế giới nào cũng giữ những đặc điểm riêng của nó, nhưng đồng thời lại nhân nhượng cho nhau, do đó mà hợp lại thành một toàn thể hài hòa. Mỗi biến cố xảy ra trong gia đình, đối với tất cả những thế giới này đều quan trọng như nhau, đều vui vẻ hay buồn rầu như nhau. Nhưng mỗi thế giới đều có những lý do của nó, hoàn toàn độc lập đối với những thế giới khác, để vui mừng hay phiền muộn về một biến cố nào đấy. Việc Piotr trở về là một biến cố quan trọng đáng mừng và mọi người đều cảm thấy như vậy. Các gia nhân là những người xét đoán đúng đắn nhầt về chủ họ, bởi vì họ không căn cứ vào những lời nói và những tình cảm chủ họ bộc lộ, mà căn cứ vào những hành động và lối sống của chủ, đều sung sướng khi thấy Piotr về, vì họ biết rằng bá tước Nikolai Ilyts sẽ không đi kiểm soát điền trang ngày một nữa, ông ta sẽ vui vẻ hơn và hiền lành hơn, và cũng vì nhân ngày lễ mọi người sẽ nhận được một món quà hậu hĩ. Bọn trẻ con và các chị giữ trẻ vui mừng, khi thấy Bezukhov trở về vì chẳng ai khéo biết cách đưa họ vào sinh hoạt cùng của gia đình bằng Piotr. Chỉ có chàng mới biết chơi trên đàn dương cầm cái điệu Scotland, (bài học duy nhất của chàng) có thể đệm theo tất cả các điệu nhảy trên đời, như chàng thường nói, và chắc chắn thế nào chàng cũng đem quà về cho mọi người. -Cậu Nikolenka, năm nay mười lăm tuổi, một cậu bé thông minh, mà gầy yếu, có bộ tóc quăn màu hung và đôi mắt rất đẹp, vui mừng bởi vì cậu Piotr, như cậu thường gọi, là người được cậu say mê và tôn thờ. Không ai cố tìm cách làm cho Nikolenka yêu mến Piotr một cách đặc biệt, và chỉ thỉnh thoảng cậu mới gặp Piotr. Bá tước phu nhân Maria, người giáo dục cậu, tìm đủ mọi cách để làm cho cậu yêu chồng mình như mình, và Nikolenka cũng yêu chú cậu, nhưng tình yêu của cậu đối với Nikolai thoáng có pha lẫn ý khinh thường kín đáo. Trái lại cậu tôn thờ Piotr. Cậu không muốn trở thành một sĩ quan phiêu kỵ, cũng không muốn được thưởng huân chương Georges như chú Nikolai, cậu muốn trở thành một người học rộng thông minh và tốt bụng như cậu Piotr. Trước mặt Piotr, gương mặt cậu bao giờ cũng sáng ngời, vì vui sướng, cậu đỏ mặt và nghẹn thở mỗi khi Piotr nói với cậu. Cậu không hề bỏ qua một lời nào Piotr nói ra, và sau đó hoặc cùng với Dexal hoặc một mình, cậu hồi tưởng lại từng lời nói một và tìm cách hiểu ý nghĩa những lời ấy. Quãng đời mà Piotr đã trải qua, những nỗi khổ của chàng trước năm 1812 (căn cứ vào những điều nghe được, cậu đã tạo nên một hình ảnh mơ hồ và thi vị về những nỗi khổ này) những hành động mạo hiểm của chàng ở Moskva, thời gian bị cầm tù. Platon Karataiev (cậu có nghe Piotr kể lại), tình yêu của chàng đối với Natasa (cậu bé cũng yêu nàng với một tình yêu đặc biệt) và nhất là tình bạn giữa chàng và công tước Andrey, người cha mà Nikolenka không nhớ được, tất cả những điều đó làm cho Piotr trở thành một vị anh hùng và một bậc thần thánh đối với cậu bé. Căn cứ vào những mẩu chuyện rời rạc về cha cậu và Natasa, nỗi xúc động của Piotr khi nói đến người đã khuất, vẻ trìu mến, trân trọng, sùng kính của Natasa khi nói đến cha mình, cậu bé hồi ấy mới bắt đầu hình dung được tình yêu một cách mơ hồ đã tưởng tượng ra rằng cha cậu trước kia yêu Natasa và khi lâm chung đã phó thác nàng cho bạn. Còn người cha kia mà cậu bé không nhớ rõ, đối với cậu là một vị thần mà người ta không thể nào hình dung ra được và hễ nghĩ đến cha Nikolenka bao giờ cũng thấy lòng se lại và mắt cậu rơm rớm những giọt lệ buồn rầu và ngưỡng mộ. Cho nên cậu bé cũng vui mừng khi thấy Piotr về. Các tân khách cũng vui mừng khi Piotr về, bởi vì hễ có mặt Piotr là bất cứ nhóm người nào cũng vui vẻ thân thiết với nhau hơn. Những người lớn trong nhà, không kể đến vợ chàng, đều vui mừng được gặp lại người bạn có khả năng làm cho cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng và êm thấm hơn. Các bà già hài lòng về những món quà mà chàng mang về, và nhất là Natasa lại phấn chấn như cũ. Piotr cảm biết tất cả những cách nhìn khác nhau của những thế giới khác nhau kia đối với mình và sốt sắng đem lại cho mỗi người những điều họ mong đợi. Piotr, con người lơ đãng nhất, hay quên nhất đời, bây giờ đã mua tất cả những thứ ghi trong bản danh sách mà vợ chàng trao cho, không quên những điều mẹ chàng và vợ chàng dặn dò, kể cả việc mua áo làm quà cho bà Belova và đồ chơi cho các cháu. Trong thời gian đầu khi mới lấy vợ, chàng lấy làm lạ không hiểu tại sao vợ chàng cứ một mực dặn chàng không được quên tất cả những thứ cần phải mua, và kinh ngạc thấy nàng khổ sở thật sự chỉ vì trong chuyến đi xa đầu tiên chàng đã quên hết. Nhưng về sau chàng đã quen với điều đó. Biết rằng Natasa không dặn chàng mua gì cho nàng mà chỉ dặn mua cho những người khác nếu chàng tình nguyện làm. Bây giờ chàng cảm thấy một niềm thích thú không ngờ của trẻ con trong việc mua qua cho cả nhà, và không bao giờ chàng quên gì hết. Chàng có bị Natasa trách chăng thì cũng chỉ vì chàng mua quá nhiều và quá đắt. Thêm vào những khuyết điểm của nàng (theo ý mọi người) hay những đức tính của nàng (theo ý chàng) là tính cẩu thả và buông lơi, Natasa bây giờ lại đâm ra hà tiện nữa. Từ khi Piotr bắt đầu sống với một gia đình đòi hỏi phải chi tiêu nhiều chàng phải ngạc nhiên mà nhận thấy rằng mình tiêu chỉ bằng một nửa hồi trước và những công việc của mình vừa đây đang gặp khó khăn (đặc biệt là do những món nợ của người vợ trước) nay đã bắt đầu ổn dần. Chàng tiêu ít hơn trước vì cuộc sống của chàng bây giờ đã ổn định: lối sống xa hoa tốn kém nhất, tức là lối sống có thể thay đổi từng phút một, bây giờ đã không còn, vả chăng chàng cũng không muốn sống như thế nữa. Chàng cảm thấy lối sống của mình lần này đã được quy định vĩnh viễn cho đến khi chết, chàng không tài nào thay đổi nó, cho nên lối sống của chàng bây giờ rất ít tốn kém. Piotr gương mặt tươi cười vui vẻ đang sắp xếp những vật đã mua được: - Xem này, có đẹp không! - Chàng vừa nói vừa dăng một tấm vải ra như một anh bán hàng. Natasa ngồi ttước mặt chàng, tay giữ đứa con gái đầu lòng ngôi trên gối, đôi mắt sáng ngời hết nhìn chồng lại nhìn vật chàng đang phô ra cho nàng xem. - Đây là quà cho bà Belva có phải không? Tuyệt! - Nàng đưa tay mân mê tấm vải. - Cái này chắc phải đến một rúp một thước. Piotr nói giá vải. - Mua đắt đấy - Natasa nói - Thôi được, bọn trẻ con chắc bằng lòng lắm và cả mẹ nữa, kể ra anh không nên mua cho em cái này: mới phải, - nàng nói, nhưng không sao nén nổi một nụ cười klti ngắm một chiếc lược vàng giát ngọc trai hồi bấy giờ mới bắt đầu thành một vật thời thượng. - Đó là vì cô Adel cứ nài ép anh. Cô ta bảo cứ mua đi mua đi. - Nhưng em sẽ cài lúc nào? - Natasa cài chiếc lược vào bím tóc - Thôi để đến khi nào em dẫn Masenka vào môi trường giao tế, lúc bấy giờ có lẽ người ta sẽ cài kiểu lược này. Thôi, ta đi nào. Thế rồi họ mang các quà biếu trước hết vào phòng trẻ con rồi vào phòng lão bá tước phu nhân. Phu nhân đang ngồi chơi bài với Belova như mọi ngày thì Piotr và Natasa, tay cắp mấy gói quà, bước vào phòng khách. Lão bá tước phu nhân đã ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã bạc phơ, phu nhân đội một chiếc mũ chụp kết hình tổ ong trùm kín hai bên mặt. Mặt phu nhân nhăn nheo, môi trên thụt vào và cặp mắt lờ đờ. Từ khi con trai bà và chồng nối chân nhau qua đời trong một khoảng thời ngắn như vậy, bá tước phu nhân cảm thấy mình bỗng dưng bị rơi lại trên thế gian này, sống không chút mục đích, không chút ý nghĩa. Phu nhân cũng vẫn ăn, uống, ngủ, thức, nhưng không phải là sống. Cuộc sống không còn đem lại cho phu nhân một ấn tượng gì nữa. Phu nhân không đòi hỏi gì ở cuộc sống ngoài sự yên tĩnh, mà sự yên tĩnh này thì chỉ có thể tìm thấy trong cõi chết. Nhưng chừng nào cái chết chưa đến, thì phu nhân vẫn còn phải sống, tức còn phải sử dụng những sức sống của mình. Ở phu nhân có thể thấy biểu hiện ở mức cao nhất cái hiện tượng mà người ta thường nhận thấy ở những đứa trẻ rất bé và những người rất già. Trong cuộc sống của phu nhân không thấy có một mục đích nào bên ngoài, mà chỉ thấy một điều rõ rệt là nhu cầu vận dụng những xu hướng và những năng lực tự nhiên của mình. Phu nhân cần ăn, ngủ, nghĩ, khóc, nói, làm việc, giận dỗi v.v. chỉ vì phu nhân có dạ dày, bộ óc, bắp thịt, giây thần kinh và gan. Phu nhân làm tất cả những điều đó mà không cần một cái gì ở ngoại giới kích thích, không phải như những người đang thời cường tráng, tức là những người không thấy ở phía sau cái mục đích họ đang đeo đuổi còn có mục đích khác mà họ không để ý, là thỏa mãn cái nhu cầu tiêu dùng những sinh lực của họ. Phu nhân nói chỉ vì, về mặt sinh lý, phu nhân phải để cho phổi và lưỡi của mình hoạt động. Phu nhân khóc như một đứa trẻ chỉ vì phu nhân cần xì mũi v.v… cần cái gì đối với những người cường tráng là mục đích thì đối với phu nhân rõ ràng là một duyên cớ. Chẳng hạn, mỗi buổi sáng phu nhân cảm thấy phải nổi giận, đặc biệt nếu tối qua phu nhân ăn một món ăn béo, thì phu nhân chọn ngay một duyên cớ dễ tìm nhất, đó là bệnh điếc của bà Belova. Phu nhân đang ngồi mãi ở cuối phòng bắt đầu nói khẽ với bà ta một điều gì. - Hôm nay hình như trời ẩm hơn mọi hôm bà à? - phu nhân nói thì thầm. Thế rồi khi bà Belova đáp: “Phải, họ đã đến” thì phu nhân càu nhàu, giọng cáu kỉnh. - Điếc ơi là điếc ngốc ơi là ngốc! Một duyên cớ khác là thuốc lá bột để hít. Phu nhân thấy nó khi thì quá khô, khi thì quá ẩm, khi thì nghiền không nhỏ. Sau những cơn giận dữ này, mặt phu nhân ngả sang màu vàng, và những cô gái hầu phòng của phu nhân căn cứ vào những dấu hiệu chắc chắn có thể biết rõ khi nào bà Belova sẽ lại điếu, thuốc lá sẽ lại ẩm, và khi nào mặt phu nhân lại sẽ vàng. Cũng như phu nhân cần phải tiết bớt mật, đôi khi phu nhân cần phải vận động những năng lực tư duy còn lại của mình vì muốn thố thi trò chơi xếp bài là một duyên cớ. Khi phu nhân cần khóc thì duyên cớ lại là kỷ niệm của cố bá tước. Khi phu nhân cần lo lắng thì duyên cớ là Nikolai và sức khỏe của chàng. Khi phu nhân cần nói những điều cay độc thì duyên cớ là bá tước phu nhân Maria, khi thì phu nhân cần vận dụng các khí quan phát âm - điều đó thường xảy ra nhất vào lúc bảy giờ sau khi nghỉ ngơi cho tiêu cơm trong gian phòng tối mờ mờ - thì duyên cớ là kể lại mãi những chuyện đã cũ rích, với những thính giả không thay đổi. Mọi người trong nhà đều hiểu tình trạng này của lão bá tước phu nhân, tuy không bao giờ họ nói ra, và ai nấy đều tìm đủ mọi cách làm phu nhân thỏa mãn. Chỉ đôi khi những nụ cười cửa miệng buồn bã và những cái nhìn mà Nikolai, Piotr, Natasa và bá tước phu nhân Maria trao đổi với nhau cho thấy họ đã cùng hiểu tình trạng của phu nhân. Nhưng những cái nhìn ấy còn nói lên một điều khác nữa: Nó nói rằng phu nhân đã làm xong nhiệm vụ của mình ở trên đời, rằng phu nhân trước kia không phải bao giờ cũng như người ra thấy phu nhân hiện nay, rằng tất cả chúng ta sẽ như phu nhân và chúng ta phải vui vẻ tự kiềm chế mình, tự thắng mình để làm vừa lòng con người mà xưa kia mình yêu, xưa kia cũng đầy sức sống như mình bây giờ, nhưng nay chỉ còn là một sinh vật thảm hại. Memento mori [282] - những cái nhìn ấy như muốn nói thế. Ở trong nhà chỉ có những kẻ hoàn toàn độc ác, ngu xuẩn, và lũ trẻ con, mới không hiểu điều đó và xa lánh phu nhân. Chương 13 Khi hai vợ chồng Piotr bước vào phòng khách, bá tước phu nhân đang ở trong tình trạng thường ngày mỗi khi phu nhân đang cần phải vận dụng trí óc bằng cách xếp bài, cho nên thấy Piotr đến, phu nhân bực mình vì phải xao nhãng mất sức chú ý đang tập trung vào mấy con bài. Tuy vậy, theo thói quen, phu nhân vẫn nói những lời thường nói mỗi khi Piotr hay con trai trở về: “Có thế chứ, mẹ mong con mãi. Thôi cũng đội ơn Chúa, và trong khi nhận các quà tặng, phu nhân vẫn nói những câu quen thuộc khác: “Cái quí không phải là quà cáp đâu con ạ, cái quí là con đã nghĩ đến một bà già như mẹ”. Phu nhân xếp bài xong mới chú ý đến các món quà. Quà biếu gồm một cái bao đựng bài rất đẹp, một cái chén uống trà bằng sứ Xevr, màu xanh xám có nắp đậy, có vẽ hình cô chăn cừu, và một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng vàng có chân dung của bá tước mà Piotr đã đặt một người làm chân dung thu nhỏ ở Petersburg làm - Đã từ lâu bá tước phu nhân muốn có một chiếc hộp đựng thuốc lá như thế. Bấy giờ phu nhân chưa muốn khóc, vì vậy phu nhân nhìn bức chân dung một cách lãnh đạm và đặc biệt chú ý đến cái túi đựng bài. - Cảm ơn con, con đã làm mẹ vui lòng - phu nhân nói, nhắc lại những câu thường ngày - Nhưng điều đáng mừng hơn cả là con đã về đây. Nếu không thì chẳng còn ra làm sao nữa con phải mắng vợ con mới được. Rõ thật buồn cười! Vắng con nó như điên dại. Nó không thấy gì cả, không nhớ gì cả. Này bà Anna Timofeyevna - phu nhân nói thêm - Bà xem cái túi bài con tôi nó mua cho tôi đẹp không này. Bà Belova khen ngợi món quà và xuýt xoa trước tấm vải Piotr mua cho bà.
Piotr, Natasa, Nikolai, bá tước phu nhân Maria và Denixov thường cần nói với nhau những điều không thể nói trước mặt phu nhân, không phải vì họ giấu giếm gì phu nhân, nhưng vì phu nhân quá lạc hậu đối với tình hình, cho nên mỗi khi bắt đầu một câu chuyện trước mặt phu nhân họ cứ phải trả lời những câu không đâu của phu nhân và phải nhắc lại một lần nữa những điều họ đã nói với phu nhân nhiều lần: nào là người này đã chết, người kia đã lấy vợ, những điều mà phu nhân không tài nào nhớ được. Nhưng theo thường lệ, lúc uống trà họ vẫn ngồi trước ấm lò ở phòng khách và Piotr trả lời những câu hỏi của phu nhân, những câu hỏi chẳng cần thiết gì đối với phu nhân mà cũng chẳng thú vị gì đối với những người khác, cho phu nhân biết rằng công tước Vaxili đã già đi, bá tước phu nhân Maria Alekxeyevna gửi lời thăm phu nhân và xin phu nhân đừng quên bà ta v.v… Cái lối trò chuyện chẳng thú vị gì cho ai nhưng cần thiết ấy vẫn kéo dài suốt cả buổi dùng trà. Xung quanh cái bàn tròn đặt ấm lò, có Sonya ngồi cạnh để rót nước, tất cả những người lớn trong gia đình đều quây quần lại. Lũ trẻ con, các gia sư và các: chị giữ trẻ đã uống trà xong, và có thể nghe tiếng họ nói chuyện trong gian phòng đi-văng ở bên cạnh. Mỗi người đểu ngồi ở chỗ thường ngày của mình. Nikolai ngồi cạnh lò sưởi trước cái bàn nhỏ trên đấy người ta dọn trà cho chàng. Milka, con chó săn già, con của con Milka trước kia, đang nằm trên một chiếc ghế bành đặt cạnh chàng; đầu nó trắng như bông, càng làm nổi bật cặp mắt đen lánh. Denixov, mái tóc quăn cũng như bộ ria mép và bộ râu má đều đã điểm bạc, mình mặc chiếc áo đuôi én của cấp tướng hở cổ đang ngồi cạnh bá tước phu nhân Maria. Piotr ngồi giữa vợ và lão bá tước phu nhân. Chàng kể lại những điều mà chàng biết là phu nhân có thể thích và hiểu được. Chàng nói đến, những việc ở bên ngoài, trong giới xã giao, và nói đến những người cùng lứa tuổi với phu nhân, ngày xưa vốn làm thành một nhóm riêng biệt thực sự hoạt động, nhưng bấy giờ đều phân tán ở khắp nơi và cũng như phu nhân, đang sống nốt trong những ngày còn lại bằng cách hái những bông lúa cuối cùng mà họ đã gieo trong đời họ. Tuy vậy đối với phu nhân chính những người này, những người cùng thời với phu nhân, lại là cái thế giới duy nhất chân chính và đứng đắn. Thấy Piotr phấn chấn, Natasa biết rằng cuộc hành trình của chàng rất thú vị rằng chàng có nhiều điều muốn kể, nhưng không dám nói trước mặt phu nhân. Denixov không phải là người nhà cho nên không hiểu tại sao Piotr lại dè đặt, và vốn là một người bất mãn với thời cuộc, chàng rất quan tâm đến những việc xảy ra ở Petersburg, nên cứ luôn luôn giục Piotr nói đến chuyện vừa xảy ra trong trung đoàn Xemenovxki, hoặc nói về Arakseyev, về Hội thánh Kinh [283] . Đôi khi Piotr cũng bị lôi cuốn theo và bắt đầu nói, nhưng Nikolai và Natasa mỗi lần như thế lại kéo chàng về với sức khỏe của bá tước Ivan hay của bá tước phu nhân Maria Antonova. - Này anh xem tất cả cái trò điên rồ kia, tất cả bọn Goxner [284] và Tatannova [285] - Denixov hỏi - Lẽ nào cứ tiếp tục được mãi như thế? - Tiếp tục chứ - Piotr nói - còn tiếp tục mạnh hơn là khác: hội Thánh kinh bây giờ là tất cả chính phủ đấy! - Con nói gì thế con? - bá tước phu nhân hỏi khi đã uống trà xong và rõ ràng là đang muốn tìm một duyên cớ để nổi giận sau bữa ăn chiều - Con nói gì chính phủ đấy, mẹ chẳng hiểu gì cả?. - Thế này, mẹ ạ - Nikolai nói xen vào, chàng vốn biết cách diễn đạt bất cứ ý gì bằng thứ ngôn ngữ của mẹ chàng - công tước Alekxander Nikolaievich Golixyn có lập một hội, vì vậy người ta nói công tước rất có thế lực. - Arakseyev và Golixyn, - Piotr buột miệng nói - Hiện nay là tất cả chính phủ. Chính phủ gì lại như thế! Ở đâu họ cũng thấy toàn là âm mưu, cái gì họ cũng sợ. - Nhưng công tước Aleckxander Nikolaievich thì có tội tình gì kia chứ? - Phu nhân nói - Ông ta là một người đáng kính. Mẹ ngày trước thường gặp ông ta ở nhà bà Maria Antonova - phu nhân nói, giọng cáu kỉnh, và càng phát cáu khi thấy mọi người im lặng, phu nhân nói tiếp - Một hội Phúc âm thì có gì là tai hại kia chứ? - phu nhân đứng dậy (mọi người cùng đứng dậy theo) và vẻ mặt nghiêm khắc lững thững bước vào phòng đi-văng ngồi bên bàn mình. Giữa cái không khí im lặng buồn tẻ này, từ phòng bên vẳng ra những tiếng cười nói của trẻ con. Rõ ràng là có một điều gì vui xảy ra giữa bọn chúng. - Xong rồi? Xong rồi? - tiếng cô bé Natasa reo lên vui vẻ át hết những tiếng khác. Piotr đưa mắt nhìn bá tước phu nhân Maria và Nikolai (chàng vẫn trông thấy Natasa) và nở một nụ cười sung sướng. - Điệu nhạc ấy tuyệt trần! - Chàng nói. Đó là chị Anna Makarovna đã đan xong đôi bít tất - bá tước phu nhân Maria nói. - Ồ! Tôi phải sang xem mới được - Piotr nói đoạn đứng phắt dậy - Em có biết - chàng nói thêm và dừng lại ở cửa lớn - Tại sao anh yêu thích đặc biệt điệu nhạc này không? Nó là những dấu hiệu đầu tiên báo cho anh biết rằng mọi việc đều tốt đẹp. Hôm nay trên đường về, càng về đến gần nhà anh càng sợ. Khi vào phòng ngoài anh nghe thằng Andriusa cười vang, anh biết như thế có nghĩa là mọi việc đều yên lành. - Tôi cũng biết cái cảm xúc ấy - Nikolai xác nhận - Nhưng tôi không thể đến xem được vì đôi bít tất ấy là một món quà bất ngờ họ dành cho tôi đấy. Piotr bước vào phòng các con và những tiếng cười reo càng to. - Nào chị Anna Makrovna lại đây! - Piotr nói - đứng ở giữa phòng, và nghe tôi hô: một, hai… và khi nào tôi nói: ba, con thì đứng đấy, còn chú này thì ba bế nào. Đồng ý chứ: Một, hai… - Piotr nói. Một phút yên lặng - ba! - và những tiếng reo vui sướng hân hoan của lũ trẻ vang dội cả gian phòng. - Hai chiếc, hai chiếc! - Bọn trẻ reo lên. Đó là hai chiếc tất mà Anna Makarovna đã đan cùng một lúc theo một bí quyết mà chỉ một mình cô ta biết được, và bao giơ cô ta cũng rút chiếc này từ chiếc kia ra trước mặt bọn trẻ một cách trang trọng khi đã đan xong. Chương 14 Lát sau lũ trẻ vào chào để đi ngủ. Sau khi chúng hôn tất cả mọi người, các gia sư và các chị giữ trẻ cúi chào rồi dẫn chúng đi. Riêng Dexal và cậu học trò của ông ta ở lại. Người gia sư thì thầm bảo cậu học trò đi xuống nhà. - Không ông Dexal ạ, tôi xin phép cô tôi cho tôi ở lại, Nikolai Bonkonxki cũng thì thầm đáp. - Cô ơi! Cô cho cháu ở lại, - Nikolenka đến gần cô nói. Khuôn mặt của cậu lộ vẻ cầu khẩn, xúc động và hân hoan. Bá tước phu nhân Maria nhìn cậu và quay về phía Piotr. - Mỗi khi có cậu ở đây là nó không tài nào rứt ra được - nàng nói với chàng. - Chốc nữa tôi sẽ đưa cháu lại cho ông. Ông Dexal ạ, chào ông! - Piotr nói, bắt tay người gia sư Thuỵ sĩ và mỉm cười nói với Nikolenka - Chúng ta đã lâu chưa được gặp nhau nhỉ, này chị Maria, độ này cháu nó bắt đầu giống anh ấy quá - Chàng nói thêm với bá tước phu nhân Maria. Giống ba cháu à? - Cậu bé hỏi, mặt bỗng đỏ bừng, và ngước đôi mắt sùng mộ sáng long lanh lên nhìn Piotr. Piotr gật đáp lại, đoạn tiếp tục câu chuyện bị lũ trẻ làm gián đoạn. Bá tước phu phân Maria đang ngồi thêu trên khung. Natasa nhìn chồng không rời mắt. Nikolai và Denixov sai lấy tẩu thuốc, vừa hỏi chuyện Piotr vừa hút thuốc và đón lấy những chén trà ở tay Sonya mệt mỏi nhưng kiên nhẫn ngồi cạnh ấm lò. Cậu bé ốm yếu, tóc quăn, mắt sáng, ngồi trong một góc phòng không ai để ý đến. Trên cái cổ mảnh khảnh nhô ra ngoài chiếc áo cổ bẻ mái đầu tóc quăn của cậu quay về phía Piotr. Chốc chốc cậu lại nhổm lên nói lẩm bẩm điều gì một mình, hẳn là đang có một cảm xúc mới mẻ và mãnh liệt. Câu chuyện xoay quanh những tin kháo vặt truyền đi từ những giới cao cấp trong chính phủ, mà phần đông thường coi như những vấn đề quan trọng về nội chính. Denixov vốn bất mãn với chính phủ vì lận đận trên bước đường công danh, khoái trá lắng nghe tất cả những chuyện ngu xuẩn mà chàng cho là hiện nay người ta đang làm ở Petersburg và bình luận những câu chuyện của Piotr với những lời nhận xét táo bạo và gay gắt. - Ngày trước thì phải là người Đức mới được, còn bây giờ thì phải khiêu vũ với bà Tatannova và bà Kruydner [286] phải đọc Ekartxthauzen [287] và đồng bọn. Quả thật tôi muốn thả anh chàng hảo hán Bonaparte của chúng ta ra một lần nữa, hắn sẽ biết cách trừ khở hết những trò ngu xuẩn kia. Tôi muốn hỏi, giao trung đoàn Xemonovxki cho cái tên lính Svartx [288] chỉ huy thì còn ra cái thể thống gì nữa, chàng quát lên, Nikolai tuy không muốn cho rằng mọi việc đều xấu xa như Denixov nghĩ, nhưng vẫn cho rằng việc phê bình chính phủ là một việc rất hệ trọng và đáng làm. Chàng cho rằng việc A được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ nào đó, còn B được bổ làm tổng đốc tỉnh nào đó, việc nhà vua nói thế này, còn ông tổng trưởng nói thế kia là những việc rất quan trọng. Chàng cho rằng mình cần phải để ý đến những việc ấy, bèn hỏi Piotr. Câu chuyện nở ra quanh những câu hỏi của hai người không vượt ra ngoài phạm vi tính chất thông thường của những câu chuyện kháo vặt của giới cao cấp trong chính phủ. Nhưng Natasa vốn biết tất cả những thái độ và những ý nghĩ của chồng, thấy rằng Piotr đã từ lâu muốn kéo câu chuyện sang một hướng khác và nói rõ cái ý nghĩ thầm kín mà chàng đã đi Petersburg để bàn bạc với người bạn mới là công tước Feodor nhưng chàng vẫn chưa thực hiện được ý muốn đó, nên nàng bèn viện trợ chàng bằng cách hỏi xem câu chuyện của chàng với công tước Feodor [289] đã đến đâu rồi. - Việc gì thế? - Nikolai hỏi. - Thì chung quy cũng vẫn một việc ấy - Piotr nói, mắt nhìn quanh - Mọi người đều thấy rằng tình thế đã hỏng bét, đến nỗi không thể nào để yên như thế này được nữa, và nhiệm vụ của tất cả những người chính trực là phải ra sức chống lại. - Những người chính trực có thể làm gì nào? - Nikolai nói, mày hơi cau lại - Người ta có thể làm những gì nào? - Đây này. - Chúng ta vào thư phòng đi - Nikolai nói. Natasa, từ lâu đã đoán biết rằng người ta sắp đến tìm nàng vào cho con bú, nghe tiếng gọi của u già liền đi về phòng các con. Bá tước phu nhân Maria cũng đi theo. Nhóm đàn ông vào thư phòng, Nikolenka Bolkonxki cũng lẻn vào theo mà Piotr không biết và, ngồi trong bóng tối, cạnh cửa sổ, bên bàn làm việc. - Thế cậu tính làm gì? - Denixov hỏi. - Lúc nào cũng toàn những ảo tưởng - Nikolai nói. - Đây này - Piotr bắt đầu nói, không ngồi xuống ghế, mà khi thì đi đi lại lại trong phòng, khi thì đứng lại, nói lúng búng và giơ tay khua lia lịa - Đây, tình hình ở Peterburg là như sau: hoàng đế không thiết gì đến chính sự. Ngài hoàn toàn chìm đắm vào cái chủ nghĩa thần bí kia (ngày nay Piotr không thể dung thứ cho người nào theo chủ nghĩa thần bí). Ngài chỉ lo tìm sự yên tĩnh, và chỉ có những bọn không có đức tin mà cũng không có pháp luật mới đưa lại cho ngài được sự yên tĩnh ấy, bọn này chặn đứng và bóp chết tất cả: bọn Marnitxki, Arakseyev và cả lũ chúng nó! - Chàng quay sang nói với Nikolai - Anh cũng phải đồng ý rằng nếu anh không tự lấy công việc điền trang mà chỉ muốn được yên thân, thì tên quản lý của anh càng tàn nhẫn bao nhiêu thì anh sẽ càng mau đạt mục đích bấy nhiêu. - Nhưng cậu nói thế để đi đến đâu mới được chứ? - Nikolai hỏi. - Ấy thế rồi tất cả sẽ sụp đổ. Ở các tòa án thì trộm cắp, trong quân đội thì chỉ có roi vọt, nào luyện tập ắc ê, nào di trú quân sự - người ta làm khổ dân, người ta bóp nghẹt giáo dục. Tất cả những cái gì trẻ trung, chính trực đều bị tiêu diệt! Mọi người đều thấy rằng không thể cứ để yên thế này được. Sợi dây đã quá căng và thế nào cũng đứt - Piotr nói (như xưa nay người ta vẫn nói khi nhìn vào hành động của bất kỳ chính phủ nào, từ khi có chính phủ cho đến nay). Ở Petersburg, tôi chỉ nói với họ một điều. - Nói với ai? - Denixov hỏi. - Anh biết là nói với ai rồi - Piotr, mắt nhìn gườm gườm một cách đầy ý nghĩa - nói với công tước Feodor và tất cả những người khác. Khuyến khích việc truyền bá giáo dục và các tổ chức từ thiện, dĩ nhiên là rất tốt. Đó là một mục đích rất hay. Nhưng trong tình hình hiện nay việc cần làm những việc khác nữa. Ngay lúc đó, Nikolai nhận thấy thằng cháu trai của chàng có mặt trong phòng. Gương mặt chàng sa sầm lại, chàng đến cạnh nó - Mày ngồi làm gì ở đây? - Sao thế? Cứ để mặc nó - Piotr nắm lấy tay cánh tay Nikolai nói tiếp - Tôi bảo họ: làm như thế còn quá ít, bây giờ cần làm những việc khác nữa. Trong khi người ta đứng chờ cho sợi dây quá căng thẳng ấy đứt, trong khi mọi người cứ đợi cuộc chính biến tất yếu ấy xảy ra, chúng ta cần phải nắm tay nhau thật chặt, càng đông càng tốt, để chống lại mối tai họa chung. Tất cả những cái gì trẻ trung và khỏe mạnh đều bị lôi cuốn vào đấy và bị hủ hóa. Người thì bị đàn bà làm hư hỏng, người thì bị vinh hoa hay tiền bạc cám dỗ và chuyển sang phe bên kia. Những con người độc lập, tự do như tôi và anh bây giờ chẳng còn ai. Tôi nói: hãy mở rộng phạm vi của hội, khẩu hiệu của anh sẽ không phải là chỉ đạo đức mà còn là ý chí độc lập và hành động. Nikolai rời đứa cháu trai, giận dữ đẩy chiếc ghế bành lại, ngồi vào ghế và trong khi nghe Piotr nói chàng bất giác ho húng hắng, mặt mỗi lúc một sa sầm xuống.
- Được nhưng hành động nhằm mục đích gì kia chứ? - Chàng quát lên - Còn thái độ của anh đối với chính phủ như thế nào? - Thì đây! Thái độ của những người cộng tác. Hội này có thể không phải là hội kín nếu như chính phủ cho phép. Không những nó không chống đối chính phủ, mà còn là hội của những người bảo thủ chân chính. Đó là hội của những người chính nhân quân tử theo ý nghĩa toàn vẹn của danh từ này. Chúng tôi chỉ muốn làm sao cho Pugatsov [290] đừng đến giết con tôi và con anh, và Arakseyev đừng đưa tôi đến một nơi di trú quân sự. Chỉ vì vậy mà chúng tôi nắm tay nhau với mục đích duy nhất là hạnh phúc và an ninh chung. - Được nhưng đó là một hội kín, tức là một đoàn thể thù địch và tai hại, chỉ có thể gây những cái ác. - Tại sao lại thế? Hội Tughenbund [291] , cái hội đã cứu châu Âu (lúc bấy giờ người ta vẫn nghĩ rằng chính nước Nga đã cứu châu Âu) có gây nên điều gì có hại đâu? Hội Tughenbund là một hội đạo đức: nó chủ trương bác ái, tương trợ, đó là những điều Jesus đã từng thuyết giáo trên cây thánh giá. Giữa câu chuyện, Natasa bước vào phòng, ngắm chồng vui sướng. Nàng vui sướng không phải vì những điều chàng đang nói. Thậm chí nàng cũng không quan tâm đến nữa vì nàng cho rằng tất cả nhứng điều đó đều hết sức đơn giản và nàng đã biết từ lâu (nàng có cảm giác như vậy vì nàng đã biết rõ hết cái cội nguồn của nó, tức là tâm hồn Piotr), nhưng nàng vui sướng khi thấy vẻ phấn chấn, say sưa của chàng. Cậu bé có cái cổ mảnh khảnh lộ ra ngoài chiếc cổ bẻ, bị mọi người quên khuấy đi, còn nhìn Piotr một cách hân hoan sung sướng hơn nữa. Mỗi lời nói của Piotr đều làm cậu bừng cháy, và trong khi xúc động, ngón tay của cậu bất giác bẻ vụn những thỏi xi và những cây bút lông ngỗng đặt trên bàn làm việc của chú Nikolai vừa đúng tầm tay cậu. - Hoàn toàn không phải như cậu tưởng đâu, còn cái Tughenbund của Đức ngày trước và cái hội của tôi đề nghị thì như thế này. - Thôi đi anh - Denixov nói oang oang, giọng dứt khoát - cái Tughenbund chỉ tốt cho bọn ngốn xúc xích (ý nói người Đức) mà thôi, tôi chẳng hiểu gì cái trò ấy hết, thậm chí tôi không phát âm được cái chữ đó nữa. - Mọi việc đều hỏng bét, mọi việc đều tệ lậu - cái đó thì tôi đồng ý, nhưng cái Tughenbund thì tôi không hiểu được, và nếu không bằng lòng thì bun [292] một trận, thế mới xong? Được như thế tôi sẵn sàng theo cậu. Piotr mỉm cười, Natasa cũng cười theo, nhưng Nikolai thì lại càng cau mày và bắt đầu chứng minh cho Piotr thấy rằng sẽ không có chính biến gì hết và tất cả các nguy cơ mà chàng nói đều chỉ có ở trong tưởng tượng của chàng mà thôi. Piotr chứng minh ngược lại, và vì chàng thông minh hơn và tế nhị hơn nên Nikolai lại cảm thấy mình lâm vào thế bí. Điều đó càng làm cho chàng phát cáu vì trong thâm tâm không phải lý luận mà do một cái gì còn mạnh hơn lý luận, chàng biết rằng những ý kiến của mình nhất định là đúng. - Tôi nói với cậu thế này nhé - chàng đứng dậy nói, tay bứt rứt cố đặt cái tẩu vào một góc nhưng không được, cuối cùng phải vứt nó đi - Tôi không đủ sức chứng minh cho cậu thấy được. Cậu nói rằng ở nước ta mọi việc đều xấu xa và sẽ có chính biến, còn tôi thì tôi không thấy thế, nhưng cậu có nói lời thề là một trò ước định, tôi xin nói với cậu về việc đó: cậu là người bạn tốt nhất của tôi, cậu cũng biết đấy, nhưng nếu cậu lập một hội kín và bắt đầu chống lại chính phủ thì, dù đó là chính phủ nào đi nữa, tôi biết rằng bổn phận của tôi cũng vẫn là phục tùng chính phủ. Và nếu bây giờ Arakseyev ra lệnh cho tôi mang một kỵ đội đến chém xả vào các cậu thì tôi sẽ đi ngay không đắn đo một phút nào. Cậu muốn cho tôi là người như thế nào, cái đó tuỳ cậu. Sau mấy câu ấy, một phút im lặng nặng nề trôi qua. Natasa là người đầu tiên lên tiếng, nàng bênh vực chồng và công kích anh. Cách bênh vực của nàng yếu ớt và vụng về nhưng nàng đã đạt được mục đích. Câu chuyện lại tiếp tục và bây giờ không còn cái giọng thù địch khó chịu như những lời nói vừa rồi của Nikolai nữa. Khi mọi người đứng dậy đi ăn tối, cậu bé Nikolenka Bolkonxki tiến đến gần Piotr, mặt tái mét, mắt sáng long lanh. - Cậu Piotr… cậu à… không… nếu ba còn sống ba có đồng ý với cậu không? - cậu bé hỏi. Piotr hiểu rằng trong đứa bé chắc phải diễn ra một sự giằng co đặc biệt, độc lập, phức tạp và khó nhọc về tư tưởng và tình cảm trong khi nghe họ nói chuyện. Chàng sực nhớ đến tất cả những điều chàng nói và hối tiếc rằng thằng bé đã nghe. Nhưng bây giờ chàng phải trả lời nó. - Cậu nghĩ rằng có - Chàng miễn cưỡng đáp và bước ra khỏi thư phòng. Cậu bé cúi đầu và mãi đến bây giờ cậu mới nhìn thấy lần đầu những kết quả của công việc phá hoại mà cậu đã gây ở trên bàn. Cậu đỏ mặt và lại gần Nikolai. - Thưa chú, chú tha lỗi cho cháu, cháu đã trót làm như thế này - cậu vừa nói vừa chỉ những cây bút lông ngỗng và những mảnh xi bị bẻ gãy. Nikolai giật mình giận dữ. - Thôi được thôi được…! Chàng nói đoạn vứt những mảnh xi và những và những chiếc bút lông ngỗng xuống gầm bàn. Và chàng quay mặt đi, hẳn là phải cố gắng lắm mới nén được cơn giận đang trào lên. - Đáng lẽ mày không nên ở đây một chút nào hết. Chương 15 Trong bữa ăn tối, họ không bàn về chính trị và về những hội kín nữa, trái lại câu chuyện chuyển sang cái đề tài mà Nikolai thích thú nhất, tức là những kỷ niệm về năm 1812 mà Denixov đã lên tiếng nhắc nhở. Trong khi nói chuyện Piotr đặc biệt dễ thương và vui nhộn. Rồi mọi người giải tán với một thái độ hết sức thân mật. Sau bữa ăn tối, Nikolai vào thư phòng, cởi áo ngoài và sau khi đã căn dặn người quản lý vẫn đứng đợi từ nãy, chàng mặc nội tẩm vào buồng ngủ. Chàng thấy vợ đang ngồi bên bàn viết hí hoáy cái gì không rõ. - Em viết gì thế, Maria? - Nikolai hỏi. Bá tước phu nhân Maria đỏ mặt, nàng sợ những điều nàng viết không được chồng hiểu và tán thành. Nàng có vẻ giấu không cho chồng biết mình đang viết gì, nhưng cũng lấy làm mừng rằng đã bị chồng bắt gặp và mình ở vào cái thế buộc lòng phải nói rõ với chồng. - Em viết nhật ký anh Nikolai ạ! - Nàng nói, và đưa cho chàng quyển vở bìa lam viết đầy những nét chữ to và rắn rỏi của nàng. - Nhật kí à? - Nikolai nói, giọng có pha chút châm biếm, đoạn cầm lấy quyển vở. Trong vở thấy viết bằng tiếng Pháp. “Ngày 4 tháng 12. Hôm nay Andriusa (đứa con đầu lòng của nàng) thức dậy, nó không chịu mặc áo nên cô Louise cho gọi tôi đến. Nó đang lúc quấy, không sao bảo được. Tôi thử dọa nó, nhưng nó lại càng dỗi già. Tôi bèn quyết định bỏ mặc nó đấy và cùng u già săn sóc những đứa khác. Tôi bảo nó tôi không yêu nó nữa. Nó im lặng một hồi lâu như thể ngạc nhiên, rồi mình mặc mỗi chiếc áo sơ mi nó nhảy đến ôm lấy tôi, mà khóc nức nở, đến nôi tôi phải dỗ mãi nó mới nín. Có thể thấy rõ rằng nó đau khổ nhất là đã làm tôi buồn phiền; rồi đến tối tôi đưa phiếu hạnh kiểm cho nó thì nó lại khóc thảm thiết và hôn tôi. Nên dùng tình cảm dịu dàng đối xở với nó thì dạy gì cũng được”. - Phiếu hạnh kiểm là cái gì? - Nikolai hỏi. - Tối nào em cũng cho hai đứa lớn những tấm phiếu nhận xét về hạnh kiểm của chúng. Nikolai nhìn vào đôi mắt trong sáng đang đăm đăm nhìn chàng, đoạn giở quyển vở đọc tiếp. Trong nhật ký có ghi tất cả những gì Maria cho là đáng chú ý trong sinh hoạt của các con vì biểu hiện rõ tính cách của chúng hay gợi ra những ý nghĩa khái quát về phương pháp giáo dục. Phần lớn đó là những chuyện vụn vặt, không đáng kể, nhưng lại có vẻ quan trọng đối với người mẹ, cũng như người cha, lần đầu được đọc quyển nhật ký nói về các con. Ngày mồng năm tháng mười hai trong nhật ký viết: “Michia nghịch trong lúc đang ngồi ăn. Ba ra lệnh không cho nó ăn bánh ngọt. Nó không được ăn. Nó nhìn những người khác ăn, có vẻ tủi thân và thèm thuồng. Tôi nghĩ rằng phạt bằng cách không cho ăn tráng miệng chỉ làm phát triển tính tham ăn. Cần nói với Nikolai”. Nikolai đặt quyển vở xuống bàn và nhìn vợ. Đôi mắt trong sáng nhìn chàng có ý dò hỏi (chàng tán thành hay không tán thành quyển nhật ký?). Không thể nào nghi ngờ nữa. Không những Nikolai tán thành mà còn say sưa thán phục vợ. “Có lẽ không cần phải làm cầu kỳ như vậy, có lẽ hoàn toàn không cấn thiết nữa là khác” - Nikolai thầm nghĩ, nhưng sức căng thẳng tinh thần dai dẳng, không biết mệt mỏi, tập trung vào một mục đích duy nhất là việc trau dồi đạo đức của con cái khiến chàng phải khâm phục. Nếu Nikolai có thể nhận thức được tình cảm của mình thì chàng sẽ thấy rằng cơ sở chính của cái tình yêu bền chặt, thắm thiết và đầy tự hào của chàng đối với vợ chính là nỗi ngạc nhiên trước sức sống tâm hồn của nàng, trước cái thế giới tinh thần cao cả mà chàng hầu như không thể nào đạt được, trong đó vợ chàng vẫn sống xưa nay. Chàng tự hào về trí thông minh của nàng và nhận thức rõ ràng sự kém cỏi của mình so với nàng về tinh thần, chàng càng sung sướng khi nghĩ rằng nàng với tâm hồn của nàng không những thuộc về chàng mà còn là một bộ phận của bản thân chàng nữa. - Anh rất tán thành, hoàn toàn tán thành, em ạ, - chàng nói, vẻ trang trọng. Đoạn chàng im lặng một lát và nói tiếp - Hôm nay anh hỏng quá. Lúc ấy em không ở trong phòng, anh với Piotr cãi nhau, và anh nổi nóng. Nhưng không thể nào khác được. Cậu ta dại dột ngây thơ quá. Anh không biết cậu ta sẽ ra sao nếu Natasa không cầm chắc dây cương. Em có thể tưởng tượng tại sao cậu ta đi Petersburg không? Ở đấy họ đã lập… - Vâng em biết - bá tước phu nhân Maria nói - Natasa đã kể cho em nghe. - Đấy em biết đấy - Nikolai nói tiếp, chỉ cần nhớ đến cuộc tranh cãi chàng đã phát cáu lên rồi - Cậu ta muốn thuyết phục anh rằng nhiệm vụ của mọi người chính trực là phải chống lại chính phủ, còn lời thề và nghĩa vụ thì… Anh tiếc rằng em không ở đấy. Và thế là mọi người xúm nhau vào tấn công anh, cả Denixov, cả Natasa. Natasa thật rõ buồn cười. Cô ta xỏ mũi cậu ấy thực đấy nhưng hễ động có tranh luận một cái gì là cô ta không nói được câu gì của mình, cô ta chỉ lặp lại những điều cậu ấy nói, - Nikolai nói thêm, bị lôi cuốn theo cái xu hướng không sao khắc phục nổi, nó thúc đẩy chàng phê phán những người thân yêu gần gũi nhất. Nikolai đã quên rằng những điều chàng nói về Natasa cũng đều có thể dùng để nói về những quan hệ giữa chàng và vợ chàng không sai một chút. - Phải, em cũng nhận thấy thế - bá tước phu nhân Maria nói. - Khi anh nói với cậu ấy rằng lời thề và bổn phận là quan trọng hơn hết; thì cậu ấy bắt đầu chứng minh một thôi một hồi. Rất tiếc là không có em ở đấy, giả sử có em thì em sẽ nói gì? - Theo ý em, anh hoàn toàn có lý. Em cũng nói như vậy với Natasa. Piotr nói rằng mọi người đang khổ sở, đau đớn, hư hỏng, và nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp đỡ đồng loại. Đã đành cậu ấy có lý - bá tước phu nhân Maria nói - nhưng cậu ấy quên rằng ta có nhiệm vụ khác gần ta hơn là chính Thượng đế đã truyền bảo, và chúng ta có thể hy sinh bản thân nhưng không thể hy sinh con cái ta được. - Ấy đấy đúng thế, anh cũng nói với cậu ấy như vậy - Nikolai nói xen, quả nhiên tưởng rằng mình đã nói như vậy thật - Nhưng họ có ý kiến của họ, đó là tình yêu đồng loại và chủ nghĩa cơ đốc mà họ lại nói tất cả những thứ đó trước mặt thằng Nikolenka nữa chứ, lúc ấy thằng bé đã lẻn vào thư phòng phá phách lung tung ra cả. - Anh Nikolai ạ, anh có biết không, thằng Nikolenka cứ làm em lo lắng luôn - bá tước phu nhân Maria nói - Nó là một đứa trẻ khác thường. Nó sợ rằng em bỏ rơi nó mà chỉ săn sóc đến các con. Chúng ta có con cái, có gia đình, còn cháu nó chẳng có ai hết. Nó bao giờ cũng cô độc một mình với những ý nghĩ của nó. - Nhưng anh thấy đối với nó em chẳng có gì phải tự trách mình cả. Tất cả những điều mà người mẹ âu yếm nhất có thể làm cho con mình thì em đã làm và đang làm cho nó. Nó là một đứa trẻ rất ngoan, rất ngoan. Hôm nay nó nghe Piotr mà ngây cả người ra. Em có thể tưởng tượng thế này không: khi bọn anh đứng dậy đi ăn tối thì anh thấy nó đã bẻ gãy hết những đồ đạc để trên bàn làm việc của anh, và ngay lúc đó nó xin lỗi. Không bao giờ anh thấy nó nói dối. Thật là một đứa trẻ tốt - Nikolai nhắc lại, tuy trong thâm tâm chàng không thích Nikolenka, nhưng bao giờ cũng muốn thừa nhận nó là một đứa bé rất tốt. - Nhưng cũng vẫn không bằng có một người mẹ - bá tước phu nhân Maria nói, - Em cảm thấy thế nên rất khổ tâm. Thằng bé thật tuyệt diệu, nhưng em sợ cho nó lắm. Đời sống giữa bạn bè sẽ có ích cho nó. - Cái đó thì chẳng phải lâu la gì, mùa hạ năm nay anh sẽ đem nó đến Petersburg, - Nikolai nói. - Phải, xưa nay Piotr vẫn là một anh chàng mơ mộng và sau này rồi cũng vẫn thế - chàng nói tiếp, quay trở về câu chuyện ở thư phòng, hẳn là câu chuyện này vẫn làm chàng xúc động. - Đấy, những việc như Arakseyev là một người tồi… thì có quan hệ gì đến ta kia chứ” Quan hệ gì đến anh, khi anh lấy vợ, nợ lút đầu lút cổ đến nỗi suýt bị bỏ tù, còn mẹ thì chẳng thấy gì, chẳng hiểu gì cả! Rồi sau đó lại có em, có các con, có công việc. Có phải vì sở thích mà anh làm việc từ sáng đến tối ở ngoài đồng hay ở trong phòng giấy đâu? Không, nhưng anh biết anh phải làm việc để cho mẹ anh sống an nhàn, để đến đáp lại cho em và đừng để cho các con nghèo đói như anh ngày xưa. Bá tước phu nhân Maria muốn nói với chồng rằng con người không phải chỉ sống bằng bánh mì và có lẽ chàng gán cho những công việc này một tầm quan trọng quá đáng, nhưng nàng nhận thấy nói thế không cần thiết và chẳng có ích gì. Nàng chỉ nắm tay chồng mà hôn. Chàng xem cử chỉ ấy như một lời tán thành và xác nhận những ý nghĩ của mình, rồi sau khi im lặng suy nghĩ một lát, chàng tiếp tục nói to những ý nghĩ của mình lên. - Này Maria ạ, - chàng nói - Hôm nay Ilya Mitrofanyts (tên người quản lý) ở làng Tanov đến nói rằng người ta đã mặc cả khu rừng tới tám mươi vạn rúp - Rồi vẻ mặt phấn chấn, Nikolai bắt đầu kể rằng chỉ ít lâu nữa chàng sẽ có thể chuộc lại điền trang Otradnoye - chỉ mười năm nữa là cơ nghiệp anh để lại cho các con sẽ hoàn toàn đâu vào đấy. Bá tước phu nhân Maria lắng nghe và hiểu hết những điều chồng nói với mình. Nàng biết rằng những khi chàng nói to những điều đang nghĩ lên như vậy, đôi lúc chàng lại hỏi nàng xem chàng đã nói gì, và nổi giận khi thấy nàng đang nghĩ đến việc khác. Nhưng bá tước phu nhân Maria phải cố gắng lắm mới có thể nghe chồng vì nàng không mảy may quan tâm đến những điều chàng nói. Nàng nhìn chồng, và tuy nàng không nghĩ đến việc khác, tình cảm của nàng cũng ở chỗ khác. Nàng cảm thấy một tình yêu đằm thắm và phục tùng con người này, con người không bao giờ hiểu hết những điều nàng hiểu và hình như điều đó lại cũng khiến nàng yêu chàng mãnh liệt hơn, với một mối tình được màu trắc ẩn tha thiết. Ngoài cái tình cảm ấy đã thu hút tâm trí nàng và ngăn cản không cho nàng đi sâu vào từng chi tiết trong các kế hoạch của chồng, trong óc nàng lại thoáng hiện ra những ý nghĩ khác không liên quan gì đến những điều chàng đang nói cả. Nàng nghĩ đến đứa cháu trai (câu chuyện chồng nàng kể lại về nỗi xúc động của Nikolenka khi nghe Piotr đã gây nên trong lòng nàng một ấn tượng rất mạnh). Thế rồi, những nét này nét khác trong cái tính cách dịu dàng, dễ cảm của nó lại hiện lên trong tâm trí nàng, và trong khi nghĩ đến cháu, nàng lại nghĩ đến các con. Nàng không so sánh cháu với các con, nhưng nàng so sánh tình cảm của mình đối với chúng và buồn rầu nhận thấy tình cảm của nàng đối với Nikolenka vẫn thiếu một cái gì. Đôi khi nàng nghĩ rằng sở dĩ có sự khác nhau như vậy là vì lứa tuổi của chúng, nhưng nàng vẫn cảm thấy mình có lỗi với nó và trong thâm tâm nàng tự hứa với mình là sẽ chữa và làm cái điều làm được - tức là yêu chồng, cả con, cả Nikolenka và tất cả đồng loại trong cuộc sống này, cũng như chúa Cơ-đốc đã yêu nhân loại. Tâm hồn bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng vươn tới cái vô cùng, cái vĩnh viễn và cái chí thiện, cho nên nó không lúc nào có thể yên tĩnh, gương mặt nàng trở nên nghiêm nghị, để lộ một niềm đau khổ cao cả, thầm kín của một linh hồn bị xác thịt trói buộc. Nikolai nhìn nàng. “Trời ơi! Nếu nàng chết đi thì chúng ta sẽ ra sao? Mỗi khi gương mặt nàng lại như vậy, ta không khỏi nghĩ đến điều đó”. Chàng nghĩ thầm. Và đứng trườc tượng thánh, chàng bắt đầu đọc kinh buổi tối
Chương 16 Natasa, khi đã ngồi lại một mình với chồng, cũng nói chuyện như người ta chỉ có thể nói giữa hai vợ chồng với nhau, tức là hiểu ý nhau rõ ràng, nhanh chóng lạ lùng, theo một con đường đối lập với mọi qui tắc luận lý, không dùng đến phán đoán, suy luận và kết, luận, mà theo một phương thức hoàn toàn đặc biệt. Natasa đã quen nói chuyện với chồng theo cách đó đến nỗi dấu hiệu chắc chắn nhất cho nàng biết rằng giữa hai vợ chồng có một cái gì không ăn ý là tính chất luận lý trong dòng tư tưởng của Piotr. Khi chàng bắt đầu chứng minh, nói năng có lý và điềm tĩnh, và khi bị lôi cuốn theo gương của chàng, nàng cũng bắt đầu làm như vậy, thì nàng biết ngay rằng thế nào hai người cũng đi đến chỗ cãi nhau. Ngay từ lúc chỉ còn hai người với nhau, và Natasa, đôi mắt mở to vì hạnh phúc, nhẹ nhàng bước đến gần và đột nhiên ôm chầm lấy chồng ghì vào ngực nói: “Bây giờ anh hoàn toàn là của em rồi. Anh không thoát đi đâu được!”. Ngay từ lúc ấy đã bắt đầu cuộc chuyện trò trao đổi trái ngược với tất cả các quy tắc luận lý, trái ngược ngay ở chỗ cùng trong một lúc họ nói đến những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cái lối nói nhiều chuyện cùng một lúc như vậy không những không cản trở họ hiểu nhau mà trái lại, đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy rằng hai người hoàn toàn hiểu nhau. Nếu trong những giấc mơ, tất cả thường phi lý, vô nghĩa và ngược đời ngoài cái tình cảm làm chủ giấc chiêm bao, thì trong cuộc trao đổi này cũng vậy, trái với mọi quy luật của lý trí, cái liên tục và rõ ràng không phải là những lời nói mà chỉ là cái tình cảm chi phối những lời nói ấy. Natasa kể cho Piotr nghe nào là sinh hoạt của anh nàng, nào là vắng chàng nàng khổ sở sống không ra sống nữa, nào là nàng càng ngày càng yêu Maria, nào là Maria hơn nàng về đủ mọi mặt. Trong khi nói như vậy, Natasa thành thực nhận rằng Maria hơn mình, nhưng đồng thời cũng yêu cầu Piotr cứ vẫn phải yêu nàng hơn Maria cũng như hơn bất cứ người đàn bà nào khác, và bây giờ chàng phải nhắc lại điều đó với nàng một lần nữa, đặc biệt sau khi đã gặp nhiều người đàn bà ở Petersburg. Piotr trả lời Natasa, kể cho nàng nghe rằng chàng không sao chịu nổi cảnh sống ở Petersburg, những tối tiếp tân và những bữa tiệc với những người đàn bà của giới xã giao. - Anh đã mất hẳn thói quen nói chuyện với các tiểu thư và các phu nhân, - chàng nói, - Chán thật. Nhất là anh lại bận. Natasa nhìn chàng đăm đăm và nói tiếp: - Chị Maria tuyệt thật? Chị ấy có tài hiểu được các con. Chị ấy dường như nhìn thấy được tâm hồn của chúng. Chẳng hạn hôm qua thằng bé Michia quấy. - Chà nó giống bố nó thật - Piotr ngắt lời. Natasa hiểu tại sao chàng lại đưa ra nhận xét này về sự giống nhau giữa thằng Michia và Nikolai, chàng bực mình khi nhớ lại cuộc tranh cãi với anh vợ và muốn hỏi ý kiến của Natasa về vấn đề này. - Anh Nikolai có một nhược điểm là cái gì chưa được mọi người tán thành thì anh ấy nhất định không chịu chấp nhận. Nhưng em thì em biết, anh đang nâng niu hoài bão mở một sự nghiệp - nàng nói, nhắc lại những lời mà Piotr đã có lần nói. - Không, - Piotr nói - Cái chính là Nikolai cho rằng tư tưởng và luận lý chỉ là một trò chơi, gần như một trò tiêu khiển cho qua thì giờ. Anh ấy xây dựng một tủ sách và tự đặt cho mình một nguyên tắc là chỉ mua một cuốn sách khi đã đọc xong cuốn trước - anh ấy đọc Simondi, Russeau, Mongteskiơ, - Piotr mỉm cười nói thêm. Em hiểu rằng anh. - chàng đang tìm cách làm cho những lời phê bình của mình nhẹ bớt, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng, khiến chàng cảm thấy không cần phải làm thế. - Thế anh bảo đối với anh ấy, tư tưởng là trò chơi à? - Phải, còn đối với anh thì tất cả những cái khác lại chỉ là trò chơi. Trong suốt thời gian ở Petersburg anh nhìn thấy mọi người như thể trong giấc chiêm bao. Khi nào có một tư tưởng gì bắt anh bận tâm suy nghĩ thì tất cả những cái còn lại chỉ là trò chơi. - Chà rõ tiếc em không được thấy các con đón anh như thế nào - Natasa nói - Đứa nào mừng nhất! Chắc là Liza? - Đúng - Piotr đáp, rồi lại tiếp tục nói đến những điều đang khiến chàng bận tâm. - Nikolai bảo là chúng ta không nên suy nghĩ. Nhưng anh thì chịu. Đấy là chưa kể thời gian ở Petersburg, anh cảm thấy (anh có thể nói cho em biết điều đó) nếu không có anh thì tất cả sẽ tan rã, ai cũng theo ý của riêng mình. Nhưng anh đã tập hợp được mọi người, bởi vì tư tưởng của anh rất đơn giản và rõ ràng. Anh không nói chúng ta phải chống lại người này người nọ. Chúng ta có thể sai lầm. Anh nói như thế này: những người yêu cái thiện hãy nắm lấy tay nhau và lá cờ duy nhất sẽ là đạo đức tích cực. Công tước Sergey là một người rất tốt và thông minh. Natasa không hoài nghi gì về chỗ tư tưởng của Piotr là một tư tưởng vĩ đại, nhưng có điều làm nàng băn khoăn. Đó là ý nghĩ rằng chàng là chồng nàng. “Có thể nào một con người quan trọng, cần thiết cho xã hội như thế lại đồng thời là chồng mình? Làm sao có thể như thế được?”. Nàng muốn thổ lộ nỗi ngờ vực này của mình với chồng. Nhưng ai là người có thể quyết định rằng chàng thông minh hơn hẳn những người khác? - nàng tự hỏi và trong tưởng tượng nàng điểm qua một lượt những con người mà Piotr rất kính trọng. Căn cứ vào những câu chuyện chàng đã kể thì trong số những người này chàng không kính trọng ai bằng Platon Karataiev - Anh biết bây giờ em nghĩ gì không? - nàng nói - Em đang nghĩ đến Platon Karataiev - Bác ta sẽ nói gì? Liệu bây giờ bác ấy có tán thành anh không? - Bác Platon Karataiev à? - Chàng nói đoạn trầm ngâm suy nghĩ một lát. Hẳn là chàng đang cố gắng thành thực nghĩ đến ý kiến của Karataiev về vấn đề này. - Có lẽ bác ta không hiểu, nhưng cũng có thể bác ta hiểu. - Em yêu anh ghê lắm! - Natasa đột nhiên nói - ghê lắm, ghê lắm. - Không, bác ấy sẽ không tán thành anh. - Piotr nói sau khi nghĩ ngợi. - Điều bác ấy sẽ tán thành là cuộc sống gia đình của chúng ta. Bác ấy muốn ở đâu cũng thấy sự êm đẹp, hạnh phúc, bình yên, và anh sẽ hãnh diện nếu được giới thiệu gia đình ta với bác ấy. Em vừa nói đến sự xa cách. Nhưng chắc em không ngờ sau khi xa cách, anh có những tình cảm đặc biệt gì đối với em. - Lại thế này nữa anh ạ. - Natasa toan mở đầu. - Không, không phải thế. Anh không bao giờ không yêu em. Và không thể nào yêu hơn thế nữa, nhưng đây là một cái gì khác hẳn, phải - Chàng không nói hết câu vì mắt họ đã gặp nhau và đã nói nốt phần còn lại. - Thật vớ vẩn - Natasa bỗng nói - Tuần trăng mật và lúc mới lấy nhau mà lại là lúc hạnh phúc nhất! Trái lại, bây giờ là thích hơn cả. Miễn là anh đừng đi. Anh có nhớ chúng ta cãi nhau như thế nào không? Cũng chỉ tại em thôi. Bao giờ cũng tại em. Nhưng tại sao chúng ta cãi nhau thì em chẳng còn nhớ nữa. - Thì vẫn chỉ có một - Piotr mỉm cười nói - Ghen. - Đừng nói nữa, em ghét lắm. - Natasa nói to - và mắt nàng ánh lên một tia sáng lạ lùng và độc ác. - Anh có gặp cô ta… - Nàng nói tiếp sau một phút im lặng. - Không, mà dù có gặp anh cũng không nhận ra - Hai người im lặng. - Này, anh có biết không? Trong khi anh nói ở trong thư phòng ấy mà, em nhìn anh - Natasa nói tiếp, hẳn nàng đang tìm cách xua đuổi đám mây đen kéo đến - Anh giống thằng bé như đúc (nàng gọi đứa con trai mình vậy) bây giờ đã đến lúc vào với nó. Đến rồi, phải đi thật rõ tiếc. Hai người im lặng vài giây. Thế rồi cả hai bỗng quay người lại với nhau cùng một lúc và bắt đầu nói. Piotr bắt đầu nói một cách tự mãn và say sưa, Natasa với nụ cười dịu dàng, sung sướng. Hai người nói vấp phải nhau, dừng lại nhường lời cho nhau: - Em muốn nói gì thế? Nói đi, nói đi em! - Không, anh nói đi, chứ em thì chỉ nói vớ vẩn - Natasa đáp. Piotr nói tiếp câu chuyện đã bắt đầu. Chàng hăm hở kể tiếp những thành công của mình ở Petersburg. Lúc bấy giờ chàng có cảm tưởng mình có nhiệm vụ đưa ra một con đường mới cho tất cả xã hội Nga và cho thế giới. - Anh chỉ muốn nói rằng tất cả những tư tưởng có hậu quả to lớn bao giờ cũng đơn giản. Tất cả ý nghĩ của anh tóm lại là nếu những kẻ xấu xa liên kết nhau làm thành một lực lượng thì những người trung thực cũng phải làm như vậy. Thật là đơn giản. - Phải. - Còn em, em muốn nói gì? - Không, chuyện vớ vẩn thôi. - Em cứ nói đi. - Không có gì đâu, toàn chuyện nhảm nhí cả - Natasa nới với nụ cười rạng rỡ hơn trước - Em chỉ muốn nói về Petya. Hôm nay con nó đang ngồi trong lòng em thì u già đến để bế nó đi: thế là nó mỉm cười, nhắm mắt, nép vào người em - Chắc nó nghĩ rằng nó đang trốn kín lắm. Dễ thương quá! Ơ kìa nó đang khóc đấy! Thôi, anh ngủ ngon nhé - Rồi nàng ra khỏi phòng. Cũng trong lúc ấy, ở tầng dưới, trong phòng ngủ của Nikolenka Bolkolxk, ngọn đèn chong vẫn thắp như mọi hôm, (đứa bé sợ bóng tối và người ta không tài nào chữa được cho nó cái tật ấy). Dexal đang nằm ngủ, đầu kê cao trên bốn chiếc gối và cái mũi La Mã của ông ta buông ra những tiếng ngáy đều đều. Nikolenka vừa mới thức dậy, mình ướt đẫm mồ hôi lạnh. Cậu ngồi trên gường, mắt mở to nhìn thẳng về phía trước. Một cơn ác mộng vừa làm cho cậu choàng dậy. Cậu vừa thấy cậu Piotr của cậu cùng với cậu, đầu đội mũ trụ, thứ mũ thường thấy vẽ trong quyển sách của Plutark. Hai người đang đi đầu một đạo quân rất lớn. Đạo quân này gồm những đường nhỏ xiên xiên màu trắng chăng trên khuôn như những sợi dây tơ nhện mùa thu mà Dexal gọi là chỉ của đức mẹ đồng trinh. Trước mặt là vinh quang, cũng làm bằng những sợi dây tơ như vậy nhưng dày hơn một chút. Cả hai, cậu Piotr và cậu, đang nhẹ nhàng và vui vẻ tiến lên, mỗi lúc một gần đến đích. Bỗng những sợi dây tơ kéo họ về phía trước bắt đầu giãn ra, rối lại, tình hình trở nên nguy cấp. Rồi chú Nikolai Ilits hiện ra trước mặt họ với dáng điệu nghiêm nghị và hung dữ. “Các người làm thế phải không? - Cậu ta vừa nói vừa chỉ những mảnh lông chim và những mảnh xi gắn thư - ta yêu quý các người, nhưng Arakseyev ra lệnh cho ta, nên hễ đứa nào bước tới là ta sẽ giết”. Nikolenka quay lại nhìn Piotr đã không ở đấy nữa. Piotr đã biến thành cha cậu, công tước Andrey, không có đường nét và hình dáng nhưng vẫn chính là cha cậu. Nhìn thấy cha, Nikolenka cảm thấy tình yêu thương làm mình yếu đuối, cậu cảm thấy mình bủn rủn, không có xương sống và hình như tan ra nước. Cha cậu vuốt ve và an ủi cậu Nhưng chú Nikolai mỗi lúc một tiến đến gần. Cậu bé sợ hãi hoảng hốt tỉnh dậy. Cậu nghĩ thầm: đó là cha ta. (Mặc dầu trong nhà có hai bức chân dung của cha cậu rất giống thực, Nikolenka không bao giờ hình dung công tước Andrey dưới hình dáng một con người), cha ta đứng cạnh ta và vuốt ve ta. Người tán thành ta, người tán thành cậu Piotr. Người bảo bất cứ điều gì ta cũng làm, Muxius Xevola [293] đã tự đốt tay mình. Tại sao trong đời ta không làm được như vậy? Ta biết rằng họ muốn ta học tập. Thì ta sẽ học tập. Nhưng một ngày kia ta sẽ học xong và bấy giờ ta sẽ làm. Ta chỉ cầu xin Thường đế cho ta gặp những điều như những con người của Plutark đã gặp và ta cũng sẽ làm như họ. Ta sẽ làm hơn họ kia. Mọi người sẽ biết, mọi người sẽ yêu ta, sẽ thân phục ta. Rồi Nikolenka bỗng thấy lồng ngực nghẹn ngào. Cậu khóc. - Cậu mệt hay sao? - Tiếng ông Dexal hỏi. - Không ạ! - Nikolenka đáp, đoạn nằm lên gối. Cậu nghĩ đến Dexal - ông ấy tốt bụng và hiền lành, ta mến ông ấy lắm - Còn cậu Piotr thật là một người tuyệt diệu! Còn cha ta! Cha! Cha ơi! Phải, ta phải làm những việc mà ngay cả người cũng lấy làm hài lòng.  
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...