Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần VIa

Chiến tranh và hòa bình - Phần VIa
Phần VI 
Chương 1 
Năm 1808 hoàng đế Alekxandr đến Erfurt để hội kiến với hoàng đế Napoléon một lần nữa, và trong giới thượng lưu tai mắt ở Petersburg người ta bàn tán rất nhiều về cuộc gặp gỡ long trọng và vĩ đại này. Năm 1809 hai vị chúa tể của thế giới - như hồi ấy người ta thường gọi Napoléon và Alekxandr - đã thân thiết với nhau đến nỗi vào năm ấy, khi Napoléon tuyên chiến với Áo, thì một quân đoàn Nga liền được diễu qua biên giới để phối hợp tác chiến với kẻ thù cũ là Bonaparte nhằm chống lại kẻ đồng minh cũ là Áo hoàng; đến nỗi trong giới thượng lưu người ta bàn tán rằng có lẽ Napoléon sẽ kết hôn với một người em gái của Hoàng đế Alekxandr. Nhưng ngoài các vấn đề đối ngoại ra thì hồi ấy công chúa Nga đặc biệt tha thiết quan tâm đến những cuộc cải cách chính trị bấy giờ đang được tiến hành trong khắp các lĩnh vực của bộ máy cai trị trong nước. Trong khi đó cuộc sống, cuộc sống thật của con người với những điều thiết thân về sức khỏe, bệnh tật, công việc, nghỉ ngơi, với những vấn đề tư tưởng, khoa học, thi ca, âm nhạc, tình yêu, bạn bè, tình bạn, thù hằn, dục vọng, vẫn trôi qua như thường lệ, bất chấp và vượt qua mọi sự thân thiện hay hiềm khích về chính trị với Napoléon Bonaparte, vượt qua mọi cuộc cải cách ở trên đời, công tước Andrey đã hai năm nay không rời khỏi chốn thôn quê. Tất cả những biện pháp mà Piotr đã nghĩ ra để cái cách điền trang nhưng không thu được lấy một kết quả gì, vì chàng cứ luôn luôn nhảy từ việc này sang việc khác, tất cả những biện pháp đó công tước Andrey đều đã thực hiện, tuy không cho ai biết và cũng không phải hao hơi tốn sức cho lắm. Chàng là người có được đến một mức rất cao cái tính kiên trì thực tiễn mà Piotr vốn thiếu, cho nên tuy chẳng phải ra sức gì mấy chàng vẫn làm cho công việc tiến hành có kết quả. Ba trăm nông nô thuộc một điền trang của chàng được chuyển thành nông dân tự do (đó là một trong những tấm gương đầu tiên ở Nga), còn ở các điền trang khác thì lực dịch được thay thế bàng địa tô ở Bogutsarovo công tước Andrey xuất tiền thuê một bà đỡ để trông nom các sản phụ và trả lương cho một ông linh mục để dạy cho con cái nông dân và gia nô biết đọc biết viết. Công tước Andrey dành một nửa thời giờ để về Lưxyê Gorư sống bên cạnh cha già và đứa con trai nhỏ bây giờ đang giao cho các bà vú em coi sóc, còn một nửa thời giờ thì chàng ở “tu viện Bogutsarovo” - như cha chàng vẫn gọi điền trang của chàng. Tuy có nói với Piotr rằng rất hờ hững đối với các biến cố bên ngoài trên thế giới, chàng vẫn kiên tâm theo dõi các biến cố đó, chàng gửi mua về rất nhiều sách và khi có những người mới ở Petersburg về thăm chàng hay cha chàng, chính chàng cũng lấy làm lạ rằng những con người sống ngay giữa luồng nước xoáy của cuộc đời ấy về mặt hiểu biết những sự kiện ngoại giao và nội trị đang diễn ra lại kém xa một người nằm lỳ ở thôn quê như chàng. Ngoài những công việc điền trang, ngoài việc đọc đủ các loại sách ra, công tước Andrey bây giờ còn chủ tâm phân tích và phê phán hai chiến dịch thất bại vừa rồi của quân ta và soạn ra một dự án cải cách quy chế và luật lệ của quân đội. Mùa xuân năm 1809 công tước Andrey đi đến các điền trang của con trai ở Ryazan do chàng đảm dương việc trông coi. Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường. Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước. Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thỏa mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói: - Thưa đại nhân, thật là khoan khoái. - Cái gì? - Bẩm thật là khoan khoái ạ. “Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm - Phải chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường. - Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê và cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi”. Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng. Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc! - Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những mềm hi vọng và những sự dối trá của các người. Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy. “Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của chúng mình hết rồi”! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa. Chương 2 Vì những công việc trông coi điền trang Ryazan, công tước Andrey phải tiếp xúc với viên đô thống [124] quý tộc là bá tước Ilya Andreyevich Roxtov, và vào trung tuần tháng năm công tước Andrey đến nhà ông ta. Mùa xuân bấy giờ đã chuyển sang tiết oi bức. Rừng đã khoác bộ áo xanh um tùm, không khí đầy bụi và khí trời nóng nực đến nỗi hễ đi ngang chỗ có nước là thấy thèm tắm. Công tước Andrey lòng không vui và tư lự vì nghĩ đến việc phải đến thỉnh cầu viên đô thống quý tộc về công việc. Xe chàng tiến vào khu vườn lớn của gia đình Roxtov ở Otradnyi. Về bên phải, sau mấy khóm cây chàng bông nghe một giọng con gái vui vẻ reo lên, rồi thấy một tốp thiếu nữ chạy ùa về phía lối xe đi. Người chạy trước đến gần xe nhất là một cô thiếu nữ mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ lạ lùng, mặc chiếc áo dài bằng vải hoa vàng, đầu chít một tấm khăn mùi soa trắng để tuột ra ngoài mấy món tóc rối. Cô thiếu nữ vừa chạy vừa cất tiếng reo to, nhưng chợt nhận ra người lạ cô nhìn lảng đi nơi khác rồi phì cười bỏ chạy trở lại. Công tước Andrey chợt thấy lòng se lại chẳng hiểu vì sao. Ngày hôm nay trời đẹp quá, ánh nắng rực rỡ quá, chung quanh tươi vui quá; và cô gái mảnh dẻ, xinh xắn kia không hề biết và không muốn biết rằng có chàng tồn tại trên đời này, cô bằng lòng và vui sướng với cuộc sống riêng của mình - Chắc là một cuộc sống vô nghĩa, nhưng vui tươi và hạnh phúc. “Cô ta có chuyện gì mà vui thế? Cô nghĩ đến cái gì? Hẳn không phải đến quy chế quân sự hay việc tổ chức nông dân ở điền trang Ryazan. Cô ta nghĩ gì thế” Cái gì làm cho cô ta sung sướng?” - công tước Andrey bất giác băn khoăn tự hỏi. Bá tước Ilya Andrêyevich năm 1809 cũng sống ở Otradnyoe như mọi năm trước, nghĩa là tiếp đãi hầu hết cả tỉnh, suốt ngày săn bắn, tiệc tùng, diễn kịch, đàn sáo. Cũng như đối với bất cứ người khách nào mới đến, bá tước Roxtov mừng rỡ tiếp đãi công tước Andrey và khăng khăng một mực nài ép chàng nghỉ lại nhà. Suốt một ngày dài dằng dặc công tước Andrey phải trò chuyện với hai ông bà Roxtov và các vị thượng khách đến chật cả nhà để dự mấy ngày lễ thánh sắp đến. Bolkonxki mấy lần nhìn Natasa vui đùa giữa đám thanh niên, trong lòng cứ băn khoăn tự hỏi: “Không biết cô ta nghĩ gì? Cái gì làm cô ta sung sướng thế” Đến tối, nằm một mình trong phòng riêng, chàng lạ nhà không sao ngủ được. Chàng lấy sách đọc, rồi tắt nến đi, rồi lại thắp lên. Căn phòng đóng cửa sổ kín mít, rất nóng bức. Chàng thấy bực cái lão già ngốc nghếch kia (chàng gọi bá tước Roxtov như vậy) đã giữ chàng lại, bảo là các giấy tờ cần thiết đang ở trên tỉnh, còn phải cho người lên lấy. Chàng nghĩ bực mình sao mình lại ở lại đây làm gì. Công tước Andrey đứng dậy, ra mở cửa sổ. Chàng vừa mở cánh cửa chớp ra thì ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ như nãy giờ đã trực sẵn ngoài cửa sổ từ lâu. Chàng mở rộng cửa. Đêm hôm ấy mát mẻ, trong sáng và yên tĩnh. Ngay trước cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một phía thì tối đen, phía kia thì lóng lánh như bạc. Ở phía dưới hàng cây cao có những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng loang loáng. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một cái nhà sương đọng lấp lánh, về phía phải có một cây to um tùm, thân đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao. Công tước Andrey chống khuỷu tay lên khung cửa sổ, mắt chàng đăm đăm nhìn lên bầu trời. Phòng của công tước Andrey ở tầng giữa; ở các phòng tầng trên cũng có người, họ cũng chưa ngủ. Chàng nghe có tiếng nói của một người con gái ở phía trên vẳng xuống. - Một lần nữa thôi mà, - công tước Andrey nhận ngay ra giọng người con gái vừa nói câu này. - Thế thì bao giờ cô mới chịu đi ngủ? - Một giọng khác đáp lại. - Em không ngủ, em không thể ngủ được đâu, biết làm thế nào được! - Nào, lần cuối cùng thôi mà… Hai giọng phụ nữ hòa nhau hát một câu, có lẽ là câu cuối của một bài nhạc nào đấy. - Chà tuyệt quá! Thôi, bây giờ thì ngủ nhé. - Chị đi ngủ đi, còn em thì chịu, - giọng người ban nãy đáp, nghe như đang đi ra phía cửa sổ. Có lẽ cô thiếu nữ nhô hẳn người ra ngoài cửa sổ vì có thể nghe rõ cả tiếng áo sột soạt và tiếng thở. Mọi vật đều im bặt và lắng lại như vấng trăng, như ánh trăng và những bóng tối trong vườn. Công tước Andrey cũng không dám cử động, sợ mấy cô gái ở tầng trên biết mình đang thức. Giọng nói ban đầu lại vẳng xuống: - Sonya! Sonya! Ngủ làm sao được kia chứ! Xem này, tuyệt quá! Ôi! đẹp quá đi mất! Kia dậy đi chị Sonya, - giọng nói nghe gần như muốn khóc - Thật chưa bao giờ có một đêm huyền diệu như thế này. Sonya cằn nhằn đáp lại một câu gì không rõ. - Không, chị phải ra đây xem cơ, trăng đẹp quá… Ôi! Tuyệt quá! Chị ra đây. Sonya ơi, Sonya yêu quý của em, chị ra đây! Đấy chị thấy không? Đây này, cứ ngồi xổm như thế này nhé, vòng tay xuống dưới hai đầu gối thế này - Ôm thật chặt, thật chặt vào, phải cố lấy sức, - thì thế nào cũng bay bổng lên cho mà xem. Đây này! - Thôi thôi, lại ngã bây giờ. Có tiếng hai người giằng co nhau, rồi giọng trách móc của Sonya. - Hơn một giờ sáng rồi còn gì. - Ồ chị thì chỉ làm hỏng hết cái thú của em thôi. - Chị đi đi đi đi… Mọi vật lại im lặng, nhưng công tước Andrey biết rằng nàng vẫn ngồi đấy. Thỉnh thoảng chàng lại nghe tiếng cử động khe khẽ, thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài. - Ồ trời ơi! Trời ơi! Làm sao thế này! - Nàng bỗng kêu lên. - Thôi đi ngủ thì đi ngủ vậy! - Rồi nàng đóng cửa lại. “Vẫn không hay biết gì đến ta!” - Công tước Andrey nghĩ trong khi lắng tai nghe tiếng nói của nàng và không hiểu tại sao, chàng cứ chờ đợi và sợ rằng nàng sẽ nói một điều gì về mình, “Lại cô ấy, cứ như là cố tình vậy” - chàng nghĩ. Trong tâm hồn chàng bỗng trào lên một mớ ý nghĩ rối ren bất ngờ cùng với bao nhiêu hy vọng trẻ trung không ăn nhập gì với cuộc đời chàng. Cảm thấy mình không đủ sức hiểu nổi tâm trạng mới mẻ của mình, công tước Andrey ngủ thiếp đi. Chương 3 Sáng hôm sau công tước Andrey từ biệt mỗi một mình lão bá tước và ra về trước khi các tiểu thư xuống phòng khách. Bấy giờ đã là đầu tháng Sáu. Trên đường về nhà, công tước Andrey lại đi ngang khóm rừng bạch dương có cây sồi già đã từng gợi cho chàng những ấn tượng kỳ lạ khó quên. Tiếng lục lạc trong rừng nghe còn mơ hồ xa xăm hơn một tháng rưỡi trước đây; cánh rừng trông non rải rác trong rừng không còn tương phản với cảnh đẹp xung quanh; bây giờ chúng đã hòa mình vào khung cảnh chung, đã trổ những ngọn chồi non xanh mịn. Suốt hôm trời oi bức. Đâu đây một trận giông đang sửa soạn kéo đến, nhưng chỉ có một đám mây đen nhỏ hắt mấy giọt mưa trên bụi đường và trên khóm lá xanh mọng. Phía bên trái, cánh rừng tối sẫm với những bóng cây rợp mát; phía bên phải, thì ẩm ướt, bóng lộn, lá cây óng ánh dưới nắng, chỉ khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Cảnh vật đều nở hoa; có tiếng họa mi thánh thót khi xa khi gần. “Phải, ở đây, trong khóm rừng này có cây sồi mà dạo nọ ta đã từng đồng tình, - công tước Andrey nghĩ thầm. - Nó đâu rồi nhỉ?”. Chàng nhìn sang bên trái đường và bất giác đưa mắt ngắm phía một cây sồi lớn không nhận ra rằng đây chính là cây sồi mà chàng đang tìm kiếm. Cây sồi già bây giờ đã đổi mới hẳn, tỏa rộng thành một vòm lá xum xuê thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rấu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được rằng chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy. “Phải chính cây sồi dạo trước” - Công tước Andrey nghĩ, và chàng bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình. Chiến trường Austerlix với bầu trời cao lồng lộng, khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi đã tắt thở, Piotr trên chuyến phà, người con gái bồi hồi rung động trước cảnh đẹp đêm ấy, và cả cái đêm hôm ấy, vầng trăng - tất cả những cái đó đều cùng hiện lên trong ký ức của chàng. “Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt, công tước Andrey đột nhiên nghĩ thầm, và ý nghĩ này có cái sức mạnh của một điều quyết định, không thể nào thay đổi được nữa”. Ta biết rõ những gì ở trong ta ư? Không đủ. Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết cơ: cả Piotr, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời. Phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ta, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta, như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!”.
Về đến nhà, công tước Andrey định đến mùa thu sẽ đi Petersburg và ngồi nghĩ ra nhiều lý do này nọ để biện hộ cho ý định này. Cả một loạt lý luận phải chăng, hợp lý sẵn sàng hiện ra để giúp chàng cắt nghĩa tại sao chàng lại cần phải đi Petersburg và hơn nữa phải nhận một chức vụ của Nhà nước. Ngay đến giờ chàng cũng chưa hiểu vì sao đã có lúc chàng có thể nghĩ về sự cần thiết phải sống một cuộc sống hăng hái, cũng đúng như một tháng trước đây ý nghĩ đi ra khỏi làng đối với chàng sẽ là phi lý. Chàng thấy rất rõ ràng tất cả những kinh nghiệm của chàng về cuộc sống tất sẽ phí và trở thành một điều vô nghĩa nếu chàng không đem nó ra sử dụng và không trở lại hoạt động với đời. Thậm chí chàng không hiểu nổi tại sao trước đây cũng dựa trên những lập luận thảm hại ấy chàng đã yên trí là sau nhưng bài học đường đời ấy mà còn tin rằng mình có thể hữu ích, còn tin vào hạnh phúc và tình yêu, thì thật là tủỉ nhục. Bây giờ lý trí nói với chàng những điều khác hẳn. Sau chuyến đi, công tước Andrey thấy chán cảnh sống ở thôn quê, chàng không còn thấy thú vị trong những công việc trước kia nữa, và nhiều khi đang ngồi một, mình trong phòng làm việc, chàng đứng dậy, đến trước tấm gương và nhìn mặt mình một hồi lâu. Rồi chàng quay lại nhìn bức chân dung của nàng Lyza quá cố, tóc uốn quăn theo kiểu Hi Lạp, đang âu yếm và vui vẻ nhìn chàng trong chiếc khung thiếp vàng. Nàng không còn nói với chàng những lời lẽ khủng khiếp trước kia nữa, nàng chỉ vui vẻ nhìn chàng, vẻ giản dị và tò mò. Và công tước Andrey chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, khi cau mày, khi mỉm cười ôn lại những ý nghĩ điên rồ, không thể nói ra được bằng lời, bí ẩn như một tội ác, những ý nghĩ có liên quan đến Piotr, đến danh vọng, đến cô gái ở cửa sổ, đến cây sồi, đến nhan sắc đàn bà và tình yêu, những ý nghĩ đã biến đổi cả cuộc đời của chàng. Và trong những giờ phút như vậy nếu có ai đến gặp chàng, chàng thường lỏ ra đặc biệt kiên nghị, nghiêm khắc và lạnh lùng, và nhất là chàng lý sự một cách khó chịu. Trong những phút như vậy có khi công tước tiểu thư Maria vào phòng chàng và nói: “Anh ạ, cháu Nikolai hôm nay không cho đi chơi được đâu lạnh lắm”. Và những lúc ấy, công tước Andrey thường trả lời em rất xẵng: - Nếu trời ấm thì nó sẽ mặc áo sơ mi mà đi chơi nhưng trời rét thế này thì phải mặc thêm áo ấm cho nó, sinh ra áo ấm là để dùng vào những việc như thế. Đấy, nếu trời rét thì phải làm như vậy chứ không phải là lại ở nhà trong khi trẻ nó cần không khí. - chàng nói với một giọng lý sự đặc biệt, như muốn trừng phạt một người nào về sự chuyển biến bí ẩn, phi lý đang diễn ra trong tâm hồn chàng. Trong những trường hợp như vậy, nữ công tước Maria thường nghĩ rằng công việc trí óc làm cho đàn ông khô cằn đi nhiều quá. Chương 4 Công tước Andrey đến Petersburg vào tháng Tám năm 1809. Đó là lúc mà danh vọng của Xperanxki lên đến cực điểm, và cũng là lúc viên đại thần trẻ tuổi ấy thực hiện những cuộc cải cách của mình một cách kiên quyết nhất. Cũng vào tháng tám năm ấy, hoàng thượng bị đổ xe, bị thương ở chân và phải ở lại Petersburg ba tuần, hàng ngày chỉ gặp một mình Xperanxki. Vào thời ấy, ngoài hai đạo dụ nổi tiếng cho dư luận xôn xao, bãi bỏ các chức tước trong triều đình và lập các kỳ thi vào các quan chức chưởng giáp trợ tá [125] và cố vấn quốc gia [126] , người ta còn soạn ra cả một hiến pháp nhà nước nhằm thay đổi chế độ tư pháp, hành chính và tài chính hiện hành ở Nga, kể từ hội đồng quốc gia cho chí ban quản trị xã. Bây giờ là lúc những mong ước khoáng đạt mơ hồ của Alekxandr đang được thực hiện và thành hình, những mong ước mà nhà vua đã ấp ủ từ hồi mới lên ngôi và hy vọng thực hiện với sự giúp đỡ của những người giúp việc của ngài Txartorixki, Novoxinsov, Kochubey và Xtrovanov mà chính ngài thường gọi đùa là “Tiểu ban cứu quốc” của mình. Bấy giờ Xperanxki đã thế chân cho những người ấy về mọi quan chức bên nội chính, còn Arakseyev thì thế chân cho họ về quân sự. Công tước Andrey đến Petersburg được mấy hôm đã phải đến trình diện ở triều đình với tư cách là thị thần [127] và trong những buổi triều hội, Hoàng đế Alekxandr đã hai lần gặp chàng mà chẳng nói với chàng lấy một lời. Từ trước công tước Andrey đã luôn luôn có cảm tưởng là nhà vua không ưa mình, không ưa cái diện mạo và cả con người mình. Trong cái nhìn lạnh lùng và cao xa của nhà vua đối với chàng, bấy giờ Andrey càng thấy điều mình ước đoán là đúng. Mấy vị triều thần cắt nghĩa cho công tước Andrey hiểu rằng hoàng thượng lạnh nhạt với chàng như vậy là vì chàng đã thoát ly mọi hoạt động từ năm 1805. Công tước Andrey nghĩ: “Bản thân ta vẫn biết rằng con người không làm chủ được lòng yêu ghét của mình, cho nên tốt hơn là đừng nghĩ đến việc thân hành đem bản bút ký về quy chế quân đội trình lên nhà vua làm gì, rồi sự thực tự nó sẽ nói thôi”. Chàng đem chuyện này nói với một vị thống soái già vốn là bạn của cha chàng. Ông thống soái ấn định cho chàng một buổi hội kiến, tiếp chàng rất niềm nở và hứa sẽ tâu lại với hoàng thượng. Vài hôm sau công tước Andrey nhận được một bản thông báo cho hay rằng chàng phải ra mắt quan tổng trưởng Chiến tranh là bá tước Arakseyev. Đến ngày đã định, đúng chín giờ sáng công tước Andrey bước vào phòng khách của bá tước Arakseyev. Công tước Andrey vốn không quen riêng Arakseyev và chưa bao giờ gặp ông ta, nhưng những điều chàng được biết về Arakseyev ít làm cho chàng kính nể con người này. “Ông ta là tổng trưởng Bộ chiến tranh, là một nhân vật thân tín của hoàng thượng: không ai có quyền động đến những phẩm chất cá nhân của ông ta cả; họ đã giao cho ông ta xem xét bản bút ký của ta, - như vậy nghĩa là chỉ có một mình ông có quyền đem nó ra thực hiện.” - công tước Andrey nghĩ trong khi cùng ngồi đợi với nhiều nhân vật quan trọng và không quan trọng trong phòng tiếp tân của bá tước Arakseyev. Công tước Andrey hồi còn làm việc nhà nước, phần lớn là làm sĩ quan phụ tá, đã trông thấy rất nhiều phòng khách của các nhân vật quan trọng và hiểu rất rõ tính chất của từng loại phòng khách như vậy. Phòng khách của bá tước Arakseyev có một tính chất hoàn toàn đặc biệt. Trên gương mặt của những nhân vật không quan trọng ngồi đợi đến lượt mình được tiếp kiến trong phòng khách của bá tước Arakseyev hiện rõ vẻ e thẹn và khúm núm. Trong gương mặt của những nhân vật có chức vụ cao hơn đều thấy rõ một vẻ lúng túng giống nhau, được che đậy dưới một vẻ ung dung bề ngoài và như có ý tự giễu cợt mình, giễu cợt cái địa vị của mình, và giễu cợt người mình đang đợi. Người thì đi đi lại lại ra dáng tư lự, người thì nói chuyện thì thầm và cười với nhau, và công tước Andrey nghe rõ tên gọi đùa “ Sila Andreyevich” [128] và mấy tiếng “ông bác sẽ cho cậu một chầu” ám chỉ bá tước Arakseyev. Một vị tướng (nhân vật quan trọng) có lẽ mếch lòng vì phải chờ đợi quá lâu, ngồi chéo chân lên ghế và cười nụ một mình ra dáng khinh khỉnh. Nhưng cánh cửa vừa mở ra, thì trong khoảnh khắc tất cả mọi gương mặt đều đồng loạt phản chiếu một cảm xúc duy nhất: sợ hãi. Công tước Andrey một lần nữa yêu cầu viên trực nhật vào báo tên mình, nhưng người ta nhìn chàng một cách ngạo nghễ và cho chàng biết là lúc nào đến lượt chàng hẵng hay. Sau mấy người được viên sĩ quan phụ tá đưa vào phòng làm việc của tổng trưởng rồi lại đưa ra, đến lượt một sĩ quan dáng dấp sợ sệt và khúm núm khiến công tước Andrey phải kinh ngạc, được đưa vào cái cửa khủng khiếp kia. Cuộc tiếp kiến viên sĩ quan kéo dài một hồi lâu. Chợt từ phía sau cánh cửa vẳng ra những tiếng nói khó chịu, và viên sĩ quan, mặt tái xanh, môi run lẩy bẩy, bước ra khỏi phòng và ôm đầu đi qua phòng khách. Sau đó công tước Andrey bước vào một căn phòng sạch sẽ không có gì sang trọng và bên chiếc bàn chàng thấy một người trạc bốn mươi tuổi, lưng dài, tóc húi ngắn, mặt có những nếp nhăn dày, đôi lông mày nhíu lại phía trên đôi mắt đục màu xanh nhờ nhờ như có pha màu nâu, cái mũi đỏ khoặm xuống, Arakseyev, quay đầu về phía công tước Andrey, nhưng không nhìn chàng. - Ông xin việc gì? - Arktseye hỏi. - Thưa ngài, tôi không xin gì cả! - Công tước Bolkonxki phải không? - Tôi không xin gì cả; hoàng thượng có lòng chuyển cho quan lớn tập bút ký của tôi… - Ông bạn rất quý ạ, xin ông biết cho rằng bản bút ký của ông tôi đã có đọc - Arakseyev ngắt lời. Ông ta nói mấy tiếng đầu với một giọng ôn tồn, rồi không muốn nhìn vào mặt công tước Andrey nữa và giọng nói ngày càng chuyển thành cáu kỉnh và khinh bỉ. - Ông đề nghị những đạo luật quân sự mới à? Luật thì nhiều lắm, luật cũ đấy cũng chưa có ai thi hành cho. Bây giờ thì ai cũng soạn luật cả, viết vốn dễ làm hơn mà? - Tôi lĩnh ý hoàng thượng đến đây mong ngài cho biết ngài định sử dụng tập bút ký của tôi như thế nào. - công tước Andrey lễ phép nói. - Tôi đã có quyết định về bút ký của ông và đã chuyển sang Uỷ ban rồi. Tôi không tán thành, - Arakseyev vừa nói vừa đứng dậy và lấy ở bàn viết ra một tờ giấy đưa cho công tước Andrey nói. - Đây! Trên tờ giấy có viết ngang mấy dòng chữ bằng bút chì, không có chữ hoa, sai hết chính tả, không có dấu chấm câu: “Soạn không chu đáo, bắt chước quy chế quân sự Pháp và khác với điều lệ quân đội một cách không cần thiết”. Công tước Andrey hỏi: - Bản bút ký của tôi được chuyển cho Uỷ ban nào? - Uỷ ban quy chế quân sự; và tôi có giới thiệu ngài vào làm uỷ viên trong Uỷ ban đó. Nhưng không có lương. Công tước Andrey mỉm cười. - Tôi cũng không mong thế. - Uỷ viên không lương. - Arakseyev nhắc lại… - Tôi đã được hân hạnh. Ê! Cho vào! Còn ai nữa? - Ông ta vừa quát vừa cúi đầu chào công tước Andrey. Chương 5 Trong khi chờ đợi thông báo về việc bổ nhiệm uỷ viên, công tước Andrey gặp những người quen cũ, nhất là những người mà chàng biết là có thế lực và chàng có thể sẽ cần đến. Bấy giờ ở Petersburg chàng có một cảm giác giống như đệm trước khi ra trận khi chàng cảm thấy tò mò và bồn chồn lo lắng, và có một cái gì thu hút chàng mãnh liệt đến các giới quyền cao chức trọng, nơi đang quyết định tương lai, nơi nắm giữ vận mệnh của hàng triệu người. Xem cái vẻ hằn học của các quan chức cao tuổi, cái vẻ tò mò của những kẻ không am hiểu, cái vẻ dè dặt của những người am hiểu, cái vẻ vội vàng lo lắng của mọi người, cái tình trạng số tiểụ ban này tiểu ban nọ không sao kể xiết. - mỗi ngày lại càng được biết thêm mấy tiểu ban như thế - công tước Andrey cảm thấy rằng hiện nay, năm 1809, ở thành phố Petersburg này đang sắp diễn ra một trận thi đấu lớn trong chính giới, và người tổng chỉ huy trận này là một nhân vật mà chàng chưa hề biết, một nhân vật bí ẩn mà chàng đoán chắc phải là một thiên tài: người đó là Xperanxki. Cái công cuộc cải cách mà chàng chỉ biết lờ mờ. Và Xperanxki, con người chủ chốt trong công cuộc này, bắt đầu khiến chàng quan tâm hết sức đến nỗi trong trí óc chàng việc cải cách quy chế quân đội chẳng bao lâu đã tụt xuống hàng thứ yếu… Công tước Andrey đang ở một cương vị thuận lợi bậc nhất đế được tiếp đãi ân cần trong tất cả các giới tai mắt hồi ấy ở Petersburg. Phái cải cách mềm nở tiếp đón và mời mọc chàng, trước hết vì chàng vốn được tiếng là thông minh và học vấn sâu rộng, thứ hai việc giải phóng nông nô đã khiến chàng nổi tiếng là người có tư tưởng tự do. Phái những người già bất mãn thấy chàng là con trai lão công tước Bolkonxki, nên chờ mong chàng sẽ đồng tình với họ mà lên án những cuộc cải cách. Giới phụ nữ, giới giao tế thượng lưu niềm nở tiếp chàng, vì chàng là một đám giàu có và quyền quý. Chàng như đã trở thành một nhân vật mới, chung quanh bao bọc một ánh hào quang đậm màu thơ mộng do câu chuyện chàng tử trận và cái chết bi thảm của vợ chàng tạo nên. Ngoài ra, tất cả những ai biết chàng từ trước đều đồng thanh nhận rằng năm năm nay chàng đã khá hơn trước nhiều và đã nhũn nhặn, chín chắn hơn xưa, rằng chàng không còn cái vẻ vờ vĩnh, kiêu căng, ngạo mạn như trước nữa, rằng nay chàng đã có cái thái độ trầm tĩnh của một người đã sống nhiều. Họ bàn tán về chàng, chú ý đến chàng và mong được gặp chàng. Sau buổi đến yết kiến bá tước Arakseyev một hôm, công tước Andrey đến thăm bá tước Kochubey vào buổi tối. Chàng kể cho bá tước nghe chuyện chàng tiếp xúc với Sila Andreyevich (Kochubey cũng gọi Arakseyev như vậy với cái vẻ giễu cợt bâng quơ, không biết nhằm vào cái gì, mà công tước Andrey đã nhận thấy trong phòng khách của quan tổng trưởng Bộ chiến tranh). - Anh bạn ạ, ngay cả việc này nữa, cũng không thế không qua tay Mikhail Mikhailovich. Đó chính là người làm ra mọi chuyện. Tôi sẽ nói với ông ấy. Ông ấy có hứa tối nay sẽ đến. - Ông Xperanxki thì liên quan gì đến các quy chế quân sự? - công tước Andrey hỏi. Kochubey mỉm cười, lắc đầu như có ý ngạc nhiên về sự ngây thơ của Bolkonxki, rồi nói tiếp: - Cách đây mấy năm hôm tôi với Xperanxki có nói chuyện về anh, về mấy chú nông dân tự do của anh đấy… Một ông già sống từ thời Ekaterina bấy giờ đang ngồi trong phòng khách nghe nói liền quay đầu lại nhìn Bolkonxki ra vẻ khinh khỉnh và nói: - A thế ra công tước chính là cái người đã giải phóng bọn mu-gich của ông đấy phỏng? - Điền trang nhỏ quá thu nhập chẳng được bao nhiêu cả - Bolkonxki đáp cố làm cho hành động của mình bớt ý nghĩa để khỏi khiêu khích ông già một cách vô ích. - Công tước sợ lạc hậu chắc? - Ông già đưa mắt nhìn Kochubey nói. - Có một điều làm cho tôi thắc mắc, - Ông già nói tiếp - là nếu cho chúng nó tự do thì ai sẽ cày bừa cho? Soạn luật thì dễ, cai trị thì khó. Cũng như bây giờ đây, tôi xin hỏi bá tước nếu mọi người đều phải thi cả thì ai sẽ đứng đầu các nghị viện? - Tôi thiết tưởng những người đã thi họ đứng đầu chứ? - Kochubey đáp, vừa tréo chân lại vừa đưa mắt nhìn quanh. - Đấy như ở chỗ tôi có ông Pryanitsnikov, một người rất tốt, một con người vàng ngọc chứ không phải, năm nay ông ta sáu mươi tuổi rồi, chả nhẽ ông ta cũng phải thi sao? - Phải, cũng khó thật. Vì nay học vẫn ít được truyền bá quá nhưng… Bá tước Kochubey không nói hết. Ông ta đứng dậy nắm lấy tay công tước Andrey và ra đón một người vừa mới bước vào, thân hình cao lớn, trán rộng và hói, tóc vàng, trạc bốn mươi tuổi, khuôn mặt dài dài, nước da trắng lạ thường. Người mới vào mặc lễ phục màu xanh, cổ đeo huân chương chữ thập và ngực đính một ngôi sao ở bên trái. Người đó là Xperanxki. Công tước Andrey nhận ra ông ta ngay và lòng chàng như có cái gì thắt lại, như ta vẫn thường thấy trong những giờ phút quan trọng của cuộc đời. Đó là vì kính trọng, vì ganh tị hay là vì chờ đợi, - chàng cũng không rõ. Cả con người Xperanxki có một cái gì đặc biệt khiến người ta có thể nhận ra ngay. Trong cái xã hội chàng đã từng sống, công tước Andrey chưa thấy người nào có những cử chỉ chậm chạp, vụng về mà lại đầy vẻ trầm tĩnh và tự tin như vậy, chàng chưa thấy người nào có đôi mắt lim dim và hơi ướt với cái nhìn vừa kiên quyết vừa dịu dàng, một nụ cười không có ý nghĩa gì nhưng lại rắn rỏi, một giọng nói nhỏ nhẹ, đều đều và đặc biệt là một nước da trắng mịn lạ lùng trên khuôn mặt và nhất là trên hai bàn tay hơi to nhưng mềm, múp, và trắng lạ lùng như vậy. Công tước Andrey chỉ thấy cái nước da trắng và cái vẻ mặt dịu dàng ấy ở những người lính đã nằm nhà thương rất lâu. Đó chính là Xperanxki, quốc vụ khanh và báo cáo viên của hoàng đế, đã từng đi theo nhà vua đến Erfurt và đã gặp gỡ, nói chuyện với Napoléon mấy lần ở đấy. Xperanxki không đưa mắt nhìn lướt từ người này sang người khác như người ta thường làm một cách không tự giác khi bước vào một nơi đông người, và không nói vội. Ông ta nói khe khẽ, tin chắc rằng người ta sẽ nghe mình, và nói với ai thì chỉ nhìn vào người ấy. Công tước Andrey đặc biệt chăm chú theo dõi từng lời, từng cử chỉ của Xperanxki. Cũng như mọi người, nhất là những ai thường xét đoán đồng loại một cách nghiêm khắc, khi gặp một nhân vật mới, nhất là một nhân vật như Xperanxki: một người mà chàng đã biết tiếng, công tước Andrey bao giờ cũng chắc mẩm sẽ tìm thấy ở người đó những phẩm chất hoàn mỹ nhất của loài người. Xperanxki nói với Kochubey ông ta lấy làm tiếc à không đến sớm hơn được vì có việc phải nán lại ở hoàng cung. Ông ta không nói rõ là chính hoàng thượng đã giữ ông lại. Công tước Andrey cũng để ý tới sự khiêm tốn đáng chú ý này. Khi Kochubey giới thiệu công tước Andrey Bolkonxki, Xperanxki chậm rãi đưa mắt sang phía chàng và vẫn giữ nụ cười như cũ, bắt đầu im lặng nhìn chàng. - Tôi rất làm mừng được làm quen với công tước; cũng như mọi người, tôi đã được nghe nói về công tước - Xperanxki nói. Kochubey nói qua mấy lời về việc Arakseyev tiếp Bolkonxki. Xperanxki mỉm cười rộng miệng hơn nữa. - Ông giám đốc ban quy chế quân sự - ông Maritxki là bạn thân của tôi - Xperanxki nói, phát âm rõ ràng từng chữ từng vần, - và nếu ngài muốn, tôi có thể giới thiệu ngài với ông ta. (Xperanxki đứng lại) Tôi hy vọng rằng ngài sẽ thấy ông ta đồng tình với ngài và sẵn lòng ủng hộ tất cả những gì hợp lý. Xung quanh Xperanxki các tân khách đã quây lại thành một vòng, và ông già lúc nãy nói chuyện về người viên chức Pryanitsnikov của mình cũng đến xin hỏi Xperanxki một câu. Công tước Andrey không tham gia vào câu chuyện. Chàng để ý quan sát mọi cử động của Xperanxki, con người mới đây còn là một anh học trò trường dòng vô danh mà nay đã nắm trong tay - trong đôi tay trắng trẻo và múp míp ấy - cả vận mệnh của nước Nga, như Bolkonxki tự nhủ. Công tước Andrey không khỏi kinh ngạc về cái phong thái điềm tĩnh và xem thường của Xperanxki khi trả lời ông già. Ông ta có vẻ như đứng ở một cao điểm chót vót mà hạ cố nói với ông già kia. Khi ông già nói hơi to quá thì Xperanxki mỉm cười và đáp rằng ông ta không có quyền được phán đoán thiệt hơn về những việc hoàng thượng có ý muốn làm. Ngồi nói chuyện được một lúc giữa dám tân khách, Xperanxki đứng dậy và đến gần công tước Andrey mời chàng theo mình đi đến đầu kia phòng. Có thể thấy rõ rằng ông ta thấy cần phải lưu ý đến Bolkonxki. - Vừa rồi chuyện trò với cụ già ấy hăng quá nên tôi chưa kịp nói xong chuyện với công tước, - Xperanxki nói, miệng mỉm cười dịu dàng và khinh khỉnh, cái nụ cười dường như thừa nhận rằng ông ta cũng như công tước Andrey đều hiểu rõ cái kém cỏi của những người vừa nói chuyện với ông. Điều đó làm cho công tước Andrey rất hài lòng. - Tôi biết công tước từ lâu: trước hết là nhân việc ngài giải phóng nông dân, đó là tấm gương đầu tiên ở nước ta và mong sao tấm gương ấy ngày càng có nhiều người theo hơn; sau nữa là vì ngài là một trong những vị thị thần không bực mình vì cái đạo dụ mới ra về các quan chức trong triều đình, một đạo dụ đã gây rất nhiều lời bàn ra tán vào. Công tước Andrey nói: - Vâng, cha tôi không muốn rằng tôi lợi dụng cái quyền ấy; tôi bắt đầu làm việc nhà nước ở những cấp bậc thấp. - Cụ thân sinh công tước tuy là một người của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng là cụ hơn những người ở thời đại ta rất nhiều, những người công kích biện pháp ấy, tuy thật ra nó chỉ phục hồi lại một sự công bằng tự nhiên mà thôi. - Nhưng tôi thiết tưởng những lời công kích đó cũng có cơ sở. - Công tước Andrey muốn cưỡng lại ảnh hưởng của Xperanxki mà chàng đã bắt đầu thấy tác động đến mình. Chàng cảm thấy khó chịu nếu việc gì cũng đồng ý với ông ta: chàng muốn nói ngược lại. Thường ngày chàng vẫn nói năng dễ dàng và lưu loát, nay lại thấy khó diễn đạt khi nói chuyện với Xperanxki. Tâm trí chàng đang mải dồn vào việc quan sát nhân cách của con người nổi tiếng này. - Có lẽ vì dựa trên lòng hiếu danh cá nhân - Xperanxki nói nhẹ. - Một phần cũng vì quốc gia nữa, - công tước Andrey nói. - Ý công tước muốn nói thế nào? - Xperanxki hỏi, mắt hơi nhìn xuống. - Tôi là một người khâm phục Mongtexkiơ - công tước Andrey nói. - và tư tưởng của Mongtexkiơ cho rằng nguyên lý của các chế dộ quân chủ là danh dự thì tôi thấy là không thể chối cãi được. Có những quyền hạn và đặc quyền của giới quý tộc theo tôi là những phương tiện để củng cố danh dưh. Nụ cười vụt tắt trên khuôn mặt Xperanxki và điều đó tôn diện mạo của ông ta lên rất nhiều. Có lẽ ông ta thấy ý nghĩ của công tước Andrey rất đáng quan tâm. - Nếu ông nhìn vấn đề theo quan điểm ấy - Xperanxki mở đầu ông ta nói tiếng Pháp một cách khó khăn rõ rệt và nói còn chậm hơn khi nói tiếng Nga, nhưng giọng nói vẫn hoàn toàn điềm tĩnh. Xperanxki nói rằng không thể củng cố danh dự L honnuer, bằng những ưu thế có hại cho quá trình phục vụ nhà nước, rằng danh dự L honnuer, có thể hoặc là một khái niệm tiêu cực răn người ta dừng làm những chuyện đáng trách, hoặc là một cội nguồn nào thúc đẩy người ta đua nhau giành những phần thưởng khích lệ để biểu hiện danh dự. Lý luận của ông ta ngắn gọn, đơn giản và rành mạch. - Cái thể chế dùng để củng cố danh dự ấy, cái cội nguồn của sự ganh đua, là một thể chế giống Legion d honnuer (Đoàn danh dự) của đại đế Napoléon, nó không có hại mà còn thuận lợi cho việc nước, chứ không phải là một đặc quyền của đẳng cấp nào hay của triều đình. Công tước Andrey nói: - Tôi không cãi điều đó, nhưng không thể phủ nhận rằng những đặc quyền của triều đình cũng đạt đến mục đích ấy: mỗi người triều thần đều thấy mình phải xứng đáng với địa vị của mình. - Nhưng bản thân công tước cũng đã từng không muốn hưởng đặc quyền đó. - Xperanxki nói đoạn mỉm cười lỏ ra rằng mình muốn dùng một lời nhã nhặn để chấm dứt câu chuyện đang làm cho công tước Andrey lúng túng. - Nếu ông vui lòng cho tôi được cái hân hạnh tiếp ông hôm thứ tư tới thì sau khi nói chuyện với Marnitxki tôi sẽ báo cho ông rõ về việc ông đang lưu ý và ngoài ra tôi sẽ được hưởng cái thú được nói chuyện kỹ với ông. Xperanxki nhắm mắt lại, cúi mình chào và, theo lối Pháp, không từ giã các tân khách, cố gắng không làm cho ai chú ý đến mình, bước ra khỏi phòng. Chương 6 Trong thời gian đầu ở Petersburg công tước Andrey đều cảm thấy tất cả những ý tưởng chàng đã hun đúc nên trong thời gian sống cô độc đã hoàn toàn bị lu mờ đi trước những lo âu vụn vặt của cuộc sống ở kinh đô. Tối tối khi trở về nhà, chàng ghi vào sổ tay bốn năm cuộc gặp gỡ hay thăm viếng cần thiết đúng vào giờ này giờ nọ. Phải theo cho đúng nhịp sống, phải bố trí thời gian thế nào cho kịp đi đây đi đó đúng giờ đã định: việc ấy đã chiếm một phần lớn tinh lực của chàng. Chàng không làm gì, thậm chí cũng chẳng nghĩ gì, chàng không có thì giờ để nghĩ, mà chỉ nói, và chàng đã nói có kết quả tốt những điều mà chàng đã suy nghĩ khi còn ở thôn quê. Thỉnh thoảng chàng lại khó chịu nhận thấy rằng cùng trong một ngày chàng đã nói đi nói lại y nguyên một câu ở hai ba nơi khác nhau. Nhưng suốt ngày chàng bận rộn đến nỗi không có thì giờ nghĩ đến chỗ mình chẳng nghĩ gì cả. Xperanxki hôm gặp chàng lần đầu ở nhà Kochubey, cũng như hôm thứ tư sau tiếp riêng chàng ở nhà và nói chuyện lâu với chàng một cách tin cậy, đã gây cho công tước Andrey một ấn tượng mạnh mẽ. Công tước Andrey vốn đã cho rằng quá nhiều người là những kẻ vô tài bất lực đáng khinh, nên muốn tìm một con người xứng đáng là hiện thân của cái lý tương hoàn hảo mà chàng vươn tới, vì vậy chàng dễ dàng tin rằng Xperanxki chính là cái lý tưởng của một con người thông tụê và có đạo đức. Giả sử Xperanxki cũng xuất thân từ cái xã hội của công tước Andrey, cũng cùng chịu một lối giáò dục và cũng có những tập quán đạo đức như chàng, thì Bolkonxki sẽ chóng thấy ông ta có những khía cạnh yếu đuối, thường tình, không có gì siêu việt. Nhưng bây giờ thì cái đầu óc logic kia, rất xa lạ đối với chàng, lại càng khiến chàng thêm kính nể. Hoặc vì quý trọng năng lực của công tước Andrey, hoặc cần thấy phải lôi kéo chàng theo mình, Xperanxki đã đem cái lý trí vô tư và bình thản của mình, và đem dùng lối nịnh tinh vi thu hút công tước Andrey, đồng thời kết hợp với thái độ tự tin tự hào là mặc nhiện khẳng định rằng người tiếp chuyện mình cùng với mình nữa là hai người duy nhất có năng lực thấy hết được sự ngu ngốc của tất cả những người khác, cũng như sự sáng suốt và sâu sắc trong những ý nghĩ của mình. Tối hôm thứ tư, trong buổi hội kiến với công tước Andrey, Xperanxki đã mấy lần nói: “Còn như chúng ta thì chúng ta chú ý đến tất cả những cái gì vượt ra khỏi khuôn khổ của những tập quán đã ăn sâu”, hay vừa mỉm cười vừa nói: “Nhưng chúng ta thì lại muốn rằng sói cũng no mà cừu cũng nguyên vẹn”, hay “ Họ không hiểu được điều đó đâu…” - và tất cả những điều đó, Xperanxki đều nói với cái vẻ như muốn ngụ ý: “Ông với tôi, chỉ có hai người. Chúng ta hiểu được họ là những người như thế nào và chúng ta là những người như thế nào”. Lần nói chuyện lâu đầu tiên với Xperanxki hôm ấy chỉ làm cho công tước Andrey càng củng cố thêm cái cảm giác mà chàng đã thế nghiệm khi trông thấy Xpcranxki lần đầu. Chàng thấy ông ta là một người có trí tuệ phi thường, lý luận sắc bén, biết tư duy chặt chẽ, đã nhờ nghị lực và kiên nhẫn mà đạt đến quyền lực và chỉ vận dụng quyền lực để phục vụ nước Nga. Dưới mắt công tước Andrey, Xperanxki chính là con người biết giảí thích một cách hợp lý mọi hiện tượng trong cuộc sống, chỉ có cái gì hợp lý mới thừa nhận là hiện thực, và trong mọi việc gì đều biết dùng lý trí làm cái thước đo: chính chàng vẫn ước ao làm một con người như thế. Khi Xperanxki trình bày sự việc, tất cả đều có vẻ đơn giản và minh bạch đến nỗi công tước Andrey việc gì cũng bất giác đồng tình với ông ta. Chàng có phản bác và tranh cãi chăng cũng là vì cố ý muốn giữ độc lập tư tưởng và cố sao dừng khuất phục hẳn trước những ý kiến của Xperanxki. Mọi việc đều ổn thỏa như thế cả, nhưng chỉ có một điều khiến công tước Andrey bối rối: đó là cái nhìn lạnh lùng, lãnh đạm của Xperanxki, cái nhìn không cho người ta đi vào tâm hồn mình, và bàn tay trắng, mềm của ông ta mà công tước Andrey thường bất giác đưa mắt nhìn, như người ia vẫn thường nhìn tay những người có quyền lực. Cái nhìn lãnh đạm và bàn tay mềm nhũn ấy không biết tại sao cứ làm cho công tước Andrey bứt rứt khó chịu. Còn một điều nữa khiến chàng khó chịu, là nhận thấy Xperanxki khinh người quá sức, và trong khi đưa luận chứng ra để xác minh cho ý kiến của mình, ông ta sử dụng quá nhiều thủ đoạn khác nhau. Xperanxki dùng phương pháp suy luận, trừ lối tỷ dụ ra, và công tước Andrey có cảm tưởng là ông ta chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác một cách quá táo bạo. Khi thì ông ta đứng trên lập trường của một người hành động thực tiễn mà công kích những người mơ ước viển vông, khi thì ông ta lại đứng trên quan điểm châm biếm và mỉa mai giễu cợt những người đối lập với mình, khi thì ông ta lý luận một cách chặt chẽ, khi thì ông ta lại đột nhiên bay bổng lên lĩnh vực siêu hình. (Đó là phương tiện chứng minh mà ông đặc biệt hay dùng). Ông chuyển vấn đề lên những đỉnh cao chót vót của siêu hình học, quay ra định nghĩa không gian, thời gian, tư tưởng, và rút ra những điều phản bác: rồi lại hước xuống lĩnh vực tranh luận như cũ. Nói chung, nét chủ yếu trong trí tuệ của Xperanxki khiến công tước Andrey kinh ngạc là lòng tin chắc chắn không gì lay chuyển nổi vào sức mạnh và quyền hạn của lý trí. Có thể thấy rõ rằng không bao giờ Xperanxki thoảng có cái ý nghĩ mà công tước Andrey vẫn thường có là dù sao cũng không thể diễn đạt được tất cả những điều mình nghĩ, và không bao giờ Xperanxki có ý nghi ngờ tự hỏi xem phải chăng tất cả những gì mà mình tin tưởng có thể là những điều nhảm nhí không đâu? Và chính cái phong thái trí tuệ đặc biệt này của Xperanxki đã hấp dẫn công tước Andrey nhiều nhất. Trong khoảng thời gian đầu làm quen với Xperanxki, công tước Andrey thấy khâm phục ông ta một cách nhiệt thành say sưa, giống như cảm giác khâm phục trước đây của chàng đối với Bonaparte. Xperanxki là con một ông linh mục: những người ngu ngốc có thể vì thế mà khinh miệt những người thầy tu và con thầy tu như vậy, - và điều này khiến công tước Andrey càng thêm trân trọng cái cảm giác khâm phục của mình đối với Xperanxki và vô hình trung tăng cường thêm cái cảm giác đó trong lòng chàng. Trong buổi tối đầu tiên mà công tước Andrey ngồi tiếp chuyện Xperanxki, trong khi nói về Uỷ ban soạn luật, Xperanxki đã mỉa mai kể lại cho công tước Andrey nghe rằng Uỷ ban soạn luật này tồn tại đã năm mươi năm nay, tốn của công quỹ hàng triệu bạc nhưng chẳng làm gì cả, rằng Rozenkampf đã dán nhãn hiệu lên tất cả các điều khoản của khoa lập pháp so sánh. Xperanxki nói: - Nhà nước trả cho họ hàng triệu bạc chỉ để họ làm công việc ấy thôi đấy. Chúng ta muốn cấp cho Thượng viện một quyền tư pháp mới, nhưng chúng ta không có luật. Cho nên ngày nay những người như công tước mà không ra cáng đáng việc nước thì thật là có lỗi. Công tước Andrey nói rằng muốn thế phải qua một quá trình học đào tạo về tư pháp, mà chàng thì không được đào tạo như vậy nhưng có ai được đào tạo gì về tư pháp đâu, cho nên còn biết làm thế nào được? Đó là một cái circulus viciosus [129] mà chúng ta phải cố sức vùng ra khỏi. Một tuần sau công tước Andrey được cử làm uỷ viên trong Uỷ ban soạn thảo quy chế quân đội, ngoài ra - một điều mà chàng không thể nào ngờ được - còn làm trưởng ban soạn luật trong Uỷ ban nữa. Theo lời yêu cầu của Xperanxki, chàng nhận trách nhiệm nghiên cứu phần đầu của bộ luật hộ và tham khảo bộ luật Napoléon [130] , và bộ luật Justiniani để soạn ra chương “Nhân quyền”. Chương 7 Hai năm trước đây, năm 1808, trở về Petersburg sau khi đi thăm các điền trang, Piotr bất giác trở thành người đứng đầu hội Tam điếm ở Petersburg. Chàng tổ chức những hội quán tụ xan [131] , kết nạp những hội viên mới, lo việc hợp nhất các chi hội và sưu tầm những hiến chương nguyên bản cho nó. Chàng xuất tiền ra xây dựng các đền thờ của hội và bù vào số tiền quyên cho hội, vì các hội viên phần nhiều đều rất bủn xỉn và nộp tiền chẳng mấy khi đúng hạn. Hầu như chỉ có một mình chàng bỏ tiền ra cung cấp cho nhà tế bần do hội lập ra ở Petersburg. Trong khi đó cuộc sống của chàng vẫn như cũ, chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt say sưa và phóng túng ngày trước. Chàng thích ăn ngon, uống rượu, và tuy cho rằng như vậy là vô luân và nhục nhã, chàng vẫn không tránh khỏi những cuộc truy hoan của những nhóm thanh niên chưa vợ mà chàng thường lui tới. Song trong khi say mê với công việc và những cuộc vui chơi, sau một năm Piotr đã bắt đầu cảm thấy rằng cái nền tảng Tam điểm trên đó chàng càng củng cố đứng vững bao nhiêu thì lại càng sụt xuống bấy nhiêu. Đồng thời chàng cảm thấy rằng nó càng sụt xuống bao nhiêu thì vô hình trung chàng lại càng gắn bó với nó bấy nhiêu. Khi Piotr vào hội Tam điểm, chàng cảm thấy mình như một người yên trí đặt chân lên bề mặt phẳng của một khoảng đồng lầy. Đặt được một chân xuống thì thấy lún. Muốn biết cho thật chắc khoảng đất mình đứng có vững hay không, người đó đặt chân kia xuống và lại càng lún sâu hơn, và thế là bây giờ người đó lội trong vũng lầy, bùn ngập đến đầu gối. Ioxif Alekxeyevich bấy giờ không ở Petersburg (gần đây ông ta không tham dự vào công việc của các hội ở Petersburg nữa và ở hẳn Moskva không đi đâu cả). Tất cả các “Anh em” hội viên trong chi hội đều là những người mà Piotr quen biết trong sinh hoạt thường ngày, và chàng thấy khó lòng quan niệm được rằng họ chỉ là những người anh em trong hội Tam điểm, chứ không phải là công tước B hay Ivan Vaxilievich D, là những người mà trong sinh hoạt thường ngày chàng biết là rất kém cỏi và yếu đuối. Dưới những tấm tạp đề che ngực và nhừng dấu hiệu của hội, chàng hình dung thấy họ mặc phẩm phục và đeo những chiếc huân chương mà họ đã kiếm chác được trong cuộc sống. Nhiều khi đi thu tiền quyên về chàng tính được cả thẩy hai ba mươi rúp về khoản thu chi trong số quyên, phần lớn là ghi chịu, ấy thế mà một nửa số hội viên đó lại giàu có chẳng kém gì chàng. Những lúc ấy Piotr nhớ lại lời thề của hội Tam điểm: mỗi người anh em trong hội đều thề sẽ hiến tất của cải của mình cho đồng loại; và trong thâm tâm chàng thấy nổi lên những mối ngờ vực mà chàng cố gạt đi. Chàng chia tất cả các anh em hội viên mà chàng biết ra làm bốn loại. Loại thứ nhất là những người không tham gia các hoạt động của chi hội, cũng không tham gia vào các công việc thế tục, mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu những điều bí ẩn của khoa học Tam điểm, chuyên chú các vấn đề như ba cách gọi Thượng đế, hay ba nguyên lý của mọi vật: diêm sinh, thuỷ ngân và muối, hay ý nghĩ của hình vuông và của các hình tượng trong đền Salomon. Piotr kính trọng loại hội viên này, phần lớn gồm các hội viên cũ trong đó có cả Ioxif Alekxeyevich, nhưng chàng không quan tâm đến những điều họ nghiên cứu. Lòng chàng vốn không thiên về mặt thần bí của hội Tam điểm. Piotr liệt vào loại thứ hai chính bản thân chàng và những anh em hội viên giống như chàng, là những người đang tìm kiếm, đang do dự chưa tìm thấy trong hội Tam điểm một con đường thẳng thắn và sáng sủa, nhưng hy vọng là sẽ tìm thấy. Trong loại thứ ba chàng xếp những hội viên (họ chiếm số đông nhất) chỉ thấy hình thức bề ngoài của hội Tam điểm, không biết gì ngoài những lễ nghi của hội, và trân trọng làm theo cho thật đúng cái hình thức bề ngoài đó, không hề nghĩ đến nội dung và ý nghĩa của nó. Vilarxki và ngay cả vị đại sư của tổng hội chính là thuộc loại này. Cuối cùng loại thứ tư cũng gồm một số đông hội viên, đặc biệt là những người, mới gia nhập gần đây theo sự quan sát của Piotr thì đó là những người chẳng tin tưởng gì hết, chẳng ước mong gì hết, họ vào hội Tam điểm chẳng qua chỉ là để tìm cách gần gũi những hội viên trẻ, giàu có và có thế lực nhờ các quan hệ giao thiệp và dòng dõi quyền quý, vì trong chi hội số hội viên này rất đông. Piotr bắt đầu cảm thấy không thỏa mãn về hoạt động của mình. Nhiều khi chàng có cảm tưởng là hội Tam điểm ít nhất là cái hội Tam điểm mà chàng được biết ở đây chỉ có hình thức bề ngoài.
Chàng không có ý hoài nghi bản thân hội Tam điểm nhưng chàng ngờ rằng hội Tam điểm Nga đi theo một con đường lầm lạc và đã tách ra khỏi cỏi nguồn của nó. Vì vậy đến cuối năm Piotr ra nước ngoài để học hỏi những điều bí mật cao đẳng của hội. Mùa hè năm 1809 Piotr đã trở về Petersburg. Qua những thư từ đi lại giữa các hội viên Tam điểm ở trong nước với các hội viên ở nước ngoài, người ta biết rằng trong thời gian ra ngoại quốc Piotr đã chiếm được lòng tin cậy của nhiều nhân vật cao cấp trong hội, đã hiểu thấu được nhiều điều bí ẩn, được thăng lên trật cao nhất và có đem về nước nhiều điều có lợi cho sự nghiệp của hội Tam điểm Nga. Các hội viên ở Petersburg không ngớt đến gặp Piotr, họ đều tìm cách lấy lòng chàng và ai cũng có cảm giác là chàng đang có điều gì che giấu và đang sửa soạn một việc gì không rõ. Hôm ấy là phiên họp trọng thể của chi hội đệ nhị cấp. Piotr có hứa trong phiên họp này sẽ truyền đạt lại những điều mà các vị lãnh đạo cao cấp của hội đã giao phó cho chàng chuyển về các anh em hội viên ở Petersburg. Cử tọa đã đông đủ. Sau các nghi thức thường lệ Piotr đứng dậy và bắt đầu nói. - Thưa các dạo huynh thân mến, - Piotr nói lắp bắp, mặt đỏ ửng lên, tay cầm bài diễn từ viết sẵn. - Gìn giữ những bí mật của chúng ta trong cảnh im lặng của hội sở chưa đủ, cần phải hành động… hành động. Chúng ta đang ở trong trạng thái mê ngủ, thế mà nhiệm vụ của chúng ta là phải hành động. - Nói đến đây Piotr cầm quyển vở lên và bắt đầu đọc: “Để truyền bá cái chân lý thuần tuý và góp phần làm cho đạo đức toàn thắng, ta phải làm sao cho con người thoát khỏi các thành kiến, truyền bá những quy tắc phù hợp với tinh thần thời đại, lãnh lấy trách nhiệm giáo dục thanh niên, liên hệ chặt chẽ với những người thông tuệ nhất, mạnh dạn và đồng thời khôn khéo khắc phục tình trạng mê tín, hoài nghi và ngu dốt, dào tạo những người tận tuỵ với chúng ta thành những con người gắn bó với nhau vì mục đích duy nhất và có quyền lực, có sức mạnh. Để đạt đến mục đích nói trên phải làm sao cho đạo đức thắng thói xấu, phải cố làm sao cho người tốt được nhận trên thế gian này một phần thưởng vĩnh cửu về đạo đức của mình. Nhưng các chế độ chính trị hiện hành cản trở rất nhiều cho việc thực hiện những ý định lớn lao này. Trong tình hình như vậy phải làm gì? Có nên giúp sức cho cách mạng, lật đổ tất cả, dùng bạo lực để tiêu diệt bạo lực không? Không, việc đó rất xa lạ đối với chúng ta. Bất cứ một cuộc cải cách nào thực hiện bằng bạo lực cũng đều đáng chê trách bởi vì cái ác sẽ không được sửa chữa chút nào một khi mà con người vẫn như cũ, và bởi vì sự thông tuệ không cần đến bạo lực. Toàn bộ chương trình của hội phải nhằm làm sao đào tạo ra những con người cứng rắn, có đạo đức và gắn bó khăng khít với nhau vì một lòng tin duy nhất, một chí hướng duy nhất, đó là làm sao truy nã thói xấu và sự ngu dốt, nâng đỡ tài năng và đạo đức ở khắp mọi nơi và bằng đủ mọi cách: đưa những người xứng đáng ra khỏi tro bụi kết nạp họ với khối huynh đệ của chúng ta. Chỉ có như vậy thì hội ta mới có đủ quyền lực dần dần trói tay những kẻ gây sự rối loạn và chi phối mà họ không hề hay biết. Nói tóm lại, cần phải thiết lập một hình thức quản trị chỉ huy tôan thế giới, nhưng vẫn không phá vỡ các mối liên hệ công dân, và trong khi đó tất cả các hình thức cai trị khác đều có thể tiếp tục tồn tại và tiến hành như cũ, và có thể làm đủ mọi việc, trừ những điều ngăn trở mục đích cao cả của hội ta, là làm sao cho đạo đức thắng thói xấu. Mục đích này chính Cơ đốc giáo cũng đã đặt ra. Cơ đốc giáo dạy rằng con người phải thông tuệ và nhân hậu. Và để mưu đồ lợi ích cho chính bản thân mình phải noi gương và theo lời dạy bảo của những người thông tuệ và đạo đức nhất. Vào thời mọi vật đang chìm đắm trong cõi tối tăm thì cố nhiên chỉ cần lời truyền giáo là đủ; sự mới mẻ của chân lý khiến cho nó có một sức mạnh đặc biệt; nhưng ngày nay thì ta lại cần có những phương tiện mạnh hơn thế rất nhiều. Ngày nay cần phải làm sao cho con người là kẻ đi theo tình cảm của mình, lại tìm thấy trong đạo đức những khoái lạc cảm quan. Không thể tiêu diệt dục vọng được, mà phải cố gắng hướng dục vọng đến một mục đích cao cả; cho nên cần làm sao cho mỗi người đều có thể thỏa mãn dục vọng của mình trong khuôn khổ của đạo đức, và Hội của chúng ta phải làm sao cung cấp phương tiện nhằm thực hiện việc đó. Hễ khi nào trong khắp các nước đều có một số người xứng đáng của hội ta, mỗi người như vậy lại dào tạo thêm hai người khác, và tất cả những người đó lại sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, - đến lúc ấy hội có thể làm được tất cả, tuy trước kia trong bóng tối hội cũng đã làm được nhiều cho hạnh phúc của nhân loại”. Bài diễn từ này không những đã gây nên một ấn tượng mạnh trong chi hội mà còn làm cho chi hội xôn xao lên. Phần đông các hội viên thấy trong bài diễn từ này có những tư tưởng của chủ nghĩa khải phát nguy hiểm nên ngồi nghe với một thái độ lạnh nhạt khiến Piotr phải ngạc nhiên. Vị đại sư lên tiếng bác lại Piotr. Piotr liền phát triển ý kiến của mình, mỗi lúc một hăng. Đã từ lâu chưa có một buổi họp nào sôi nổi như thế này. Cử tọa chia ra làm nhiều phe: phe thì lên án Piotr, buộc tội chàng là ảo tưởng, phe thì lại bênh vực Piotr. Trong phiên họp này lần đầu tiên Piotr kinh ngạc nhận thấy trí tuệ của con người khác nhau vô cùng tận, đến nỗi không có một chân lý nào có thể được hai người nhìn nhận giống nhau. Ngay cả những hội viên tưởng đâu đứng về phía chàng, cũng hiểu ý chàng theo lối của họ, với những sự hạn chế, với những sự thay đổi mà chàng không thể chấp nhận được, vì yêu cầu chủ yếu của Piotr chính là làm sao truyền đạt tư tưởng mình cho người khác đúng y như chính mình quan niệm. Đến khi buổi họp kết thúc, vị đại sư nhận xét một cách mỉa mai và không có thiện ý rằng Piotr đã quá nóng, và nói rằng trong khi tranh luận không phải chàng chỉ luân theo lòng yêu đạo đức mà còn tuân theo lòng hiếu thắng nữa. Piotr không đáp lại chỉ hỏi một câu vắn tắt là đề nghị của chàng có được chấp nhận hay không. Họ trả lời là không, và Piotr không đợi xong các nghi thức thường lệ đã bỏ chi hội ra về. Chương 8 Piotr lại lâm vào cái tâm trạng chán chường mà chàng vẫn rất sợ. Ba ngày sau buổi đọc diễn từ ở chi hội Tam điểm, chàng nằm trên đi văng, không tiếp ai và không đi đâu hết. Vừa lúc ấy chàng nhận được một bức thư của vợ van xin chàng cho gặp mặt. Elen viết trong thư rằng vắng Piotr nàng rất buồn, và nàng chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời cho chàng. Cuối bức thư nàng báo tin nay mai nàng sẽ từ nước ngoài trở về Petersburg. Tiếp theo bức thư lại có một hội viên Tam điểm trong số những người chàng coi thường nhất đến quấy rối chàng trong cảnh cô tịch. Hắn lái câu chuyện sang mối quan hệ giữa vợ chồng Piotr và lấy tư cách đạo huynh mà khuyên nhủ Piotr, nói rằng chàng đối xử nghiêm khắc với vợ như vậy là không phải, và không chịu tha thứ cho một người đã biết hối hận như vậy là đã vi phạm những quy tắc quan trọng nhất của hội. Cũng vào hồi ấy bà nhạc của Piotr, vợ chồng công tước Vaxili, cho người đến mời chàng, van nài chàng đến thăm bà dù chỉ vài phút để thương lượng một việc hết sức quan trọng. Piotr thấy rõ ràng người ta đang âm mưu một chuyện gì đây, người ta đang tìm cách làm cho chàng tái hợp với vợ, và trong hoàn cảnh chàng hiện nay, điều đó không hẳn làm chàng khó chịu. Bây giờ Piotr cũng chẳng thiết gì nữa: trên đời này chàng chẳng thấy có việc gì là quan trọng, và trong tâm trạng buồn chán hiện nay. Chàng chẳng thấy quý sự tự do của mình nữa mà cũng chẳng muốn khăng khăng ý định trừng phạt vợ. “Chẳng có ai phải, cũng chẳng có ai trái, thế nghĩa là nàng cũng chẳng có lỗi”. - Chàng nghĩ thầm. Sở dĩ Piotr không tỏ ý tái hợp với Elen ngay cũng chỉ vì trong cái tâm trạng chán nản của chàng hiện nay chàng không đủ sức mưu toan một việc gì hết. Giá Elen đến với chàng lúc bấy giờ, chàng cũng sẽ không đuổi nàng đi. So với những điều đang làm cho Piotr bận tâm, thì chung sống hay không chung sống với vợ có nghĩa lý gì? Không trả lời vợ, cũng không trả lời bà nhạc, một hôm đêm đã khuya Piotr sửa soạn hành lý để lên đường đi Moskva để gặp Ioxif Alekxeyevich. Đây là những điều chàng ghi trong nhật ký: “Moskva mười bảy tháng Mười một. Tôi vừa đi gặp ân nhân về và vội vàng ghi lại những điều tôi đã thể nghiệm trong cuộc gặp gỡ đó, Ioxif Alekxeyevich sống thanh bần và đã ba năm nay mắc một chứng bệnh ở bàng quang rất đau đớn. Chưa có ai nghe ông thốt ra một tiếng rên hay một lời than phiền bao giờ. Từ sáng sớm cho đến khuya, trừ những bữa ăn hết sức đạm bạc, ông làm việc khoa học, Ioxif Alekxeyevich tiếp tôi rất ân cần và bảo tôi ngồi xuống chiếc giường ông đang nằm; tôi làm dấu các hiệp sĩ Phương Đông và Jerusalem, ông cũng làm dấu đáp lại và dịu dàng mỉm cười hỏi tôi đã học hỏi thêm được những gì trong các chi hội Phổ và Scotland. Tôi cố kể lại thật rành rọt cho ông nghe tất cả mọi điều, trình bày cả những nguyên tắc của tôi đề nghị ở chi hội Petersburg và kể lại cách tiếp đón thiếu thiện ý của cử tọa và sự đoạn tuyệt xảy ra giữa tôi và các anh em. Ioxif Alekxeyevich im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi trình bày cho tôi nghe quan điểm của ông về tất cả những việc trên, và quan điểm này phút chốc đã rọi sáng cả thời dĩ vãng và cả con đường tôi sẽ đi. Ioxif khiến tôi phải ngạc nhiên khi hỏi tôi còn nhớ ba mục đích của hội là gì không: 1. Là giữ gìn và tìm hiểu điều bí mật, 2. Gội sạch và tu thân để hấp thụ điều bí mật ấy, và 3. Sửa đổi nhân loại thông qua việc cố gắng gột sạch mình. Trong ba mục đích ấy thì mục đích nào là quan trọng và chủ yếu nhất? Dĩ nhiên là gội sạch và tu thân. Chỉ có mục đích này là lúc nào ta cũng có thể vươn tới trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời chính mục đích này đòi hỏi ta phải khổ công nhiều nhất, cho nên ta sẽ phạm vào tội kiêu căng mà buông lơi mục đích ấy, rồi hoặc quay vào điều bí ẩn mà chúng ta không xứng đáng được hấp thụ vì không trong sạch, hoặc quay ra sửa đổi nhân loại trong khi bản thân ta là một con người đê hèn và truỵ lạc. Chủ nghĩa khải phát không phải là một học thuyết trong sạch vì nó quá say mê hoạt động xã hội và đầy kiêu căng. Trên cơ sở đó Ioxif Alekxeyevich lên án bài diễn từ của tôi và toàn bộ hoạt động của tôi. Tôi chân thành đồng tình với ông. Nhân nói chuyện về việc gia đình tôi Ioxif nói: “Bổn phận chủ yếu của một người Tam điểm chân chính, như tôi đã nói là tu thân, nhưng nhiều khi người tả cho rằng nếu gạt bỏ được tất cả những khó khăn của cuộc sống thì sẽ sớm đạt được mục đích này. Nhưng trái lại, ông ơi thật ra thì chỉ trong cảnh náo nhiệt của thế gian ta mới có thể đạt được ba mục đích chính: 1. tìm hiểu bản thân, vì con người chỉ có thể hiểu được mình qua sự so sánh, 2. tu thân: chỉ có đấu tranh mới đạt đến điều đó được, và 3. đạt đến cái đạo đức chính là yêu cái chết. Chỉ có những biến cố của cuộc sống mới cho ta thấy rõ cái vô nghĩa của nó và có thể giúp ta có được một tình yêu bẩm sinh đối với cái chết hay là yêu sự tái sinh để bước vào cuộc đời mới”. Những lời này càng thêm quý giá vì Ioxif Alekxeyevich tuy đau đớn rất nhiều về thể xác nhưng vẫn không bao giờ tham sống mà lại yêu cái chết, mà người ta chưa thấy mình đủ sẵn sàng để đón lấy, mặc dù cuộc sống bên trong của người đã trong sạch và cao quý vô cùng. Sau đó ân nhân giảng giải cho tôi rõ hết ý nghĩa của hình vuông cao cả của vũ trụ và chỉ rõ rảng số ba và số bảy là cơ sở vạn vật. Người khuyên tôi không nên cắt đứt quan hệ với các anh em ở Petersburg và trong chi hội chỉ nên giữ chức vụ đệ nhị cấp cố gắng làm sao cho anh em bớt khuynh hướng kiêu căng, hướng họ về con đường chân chính là tự tìm hiểu và tu thân. Ngoài ra, đối với bản thân thì người khuyên tôi trước hết phải theo dõi mình, và với mục đích ấy, người cho tôi một quyển vở, chính quyển vở tôi đang viết mấy dòng này và từ raỷ trở đi tôi sẽ dùng để ghi tất cả mọi hành động của tôi”. “Petersburg, hai mươi ba tháng Mười một. Tôi lại chung sống với vợ tôi. Bà nhạc tôi đến khóc lóc bảo tôi là Elen hiện ở đây và cô ta van xin tôi nghe cô, rằng cô không có tội tình gì, cô rất đau khổ vì bị tôi ruồng bỏ, và còn nói nhiều nữa, tôi biết rằng chỉ cần thuận gặp cô thôi, tôi sẽ không còn đủ sức từ chối ý muốn của cô ta nữa. Trong khi đang phân vân tôi không biết nhờ ai giúp đỡ và khuyên răn. Giá có ân nhân ở đây thì Người đã bảo ban cho tôi. Tôi về phòng riêng đọc lại thư từ của Ioxif Alekxeyevich, nhớ lại những buổi tối nói chuyện với Người, và sau đó đi đến kết luận rằng mình không nên từ chối người đang van xin mình và đang tay ra nâng đỡ bất cứ ai, huống hồ đây lại là con người liên hệ gần gũi với mình như thế, cho nên dành phải vác lấy cây thập tự giá của mình vậy. Nhưng nếu vì nghĩ đến đạo đức mà tôi tha thứ cho cô, thì cuộc tái hợp này chỉ nên có một mục đích tinh thần mà thôi. Tôi đã quyết định như vậy và đã viết thư cho Ioxif Alekxeyevich như thế. Tôi nói với vợ tôi là tôi xin cố quên tất cả những điều qua, xin cô tha thứ những (cách cư xử không phải của tôi đối với cô còn cô thì không làm nên tội gì mà tôi phải tha thứ). Tôi rất vui mừng khi nói với nàng như vậy. Thôi cô ta cũng không nên biết là phải thấy lại mặt cô ta tôi khổ tâm đến nhường nào. Tôi dọn lên ở trên các phòng trên của căn nhà lớn và sung sướng cảm thấy mình đã đổi mới”. Chương 9 Cũng như thường lệ, bấy giờ giới thượng lưu quý tộc thường họp mặt ở cung đình và ở các buổi vũ hội lớn, phân chia ra làm mấy nhóm, mỗi nhóm có một bản sắc riêng. Trong số đó thì rộng rãi, nhất là nhóm Pháp, nhóm của liên minh Napoléon - Tức của bá tước Rumiansev và Colanhcu. Một trong những người có địa vị tai mắt ở nhóm này là Elen, bấy giờ vừa mới về với chồng ở Petersburg. Ở nhà mình nàng thường tiếp các quan chức trong sứ quán Pháp và một số đông những người nổi tiếng thông minh lịch thiệp thuộc khuynh hướng này. Elen đã từng ở Erfurt trong thời gian điễn ra cuộc hội kiến lừng lẫy giữa hai vị hoàng đế và ở đấy nàng đã kết thân với tất cả các nhân vật tiếng tăm của Napoléon ở châu Âu. Ở Erturt nàng rất được hâm mộ. Chính Napoléon có lần trông thấy nàng trong nhà hát liền hỏi xem nàng là ai và có khen ngợi sắc đẹp của nàng. Việc nàng được ca tụng là một người đàn bà đẹp và trang nhã không làm cho Piotr ngạc nhiên, bởi vì mỗi năm nàng lại đẹp thêm ra. Nhưng có một điều khiến chàng phải ngạc nhiên là trong vòng hai năm nay vợ chàng không biết làm thế nào mà lại được tiếng là “Một người đàn bà rất có duyên, vừa đẹp lại vừa thông minh. Công tước Đơlinnhơ - Nổi tiếng viết cho nàng những bức thư dài hàng tám trang. Bilibin thì để dành những câu dí dỏm của mình đến khi nào có mặt bá tước phu nhân Bezukhov mới đem ra nói lần đầu. Được tiếp nhận trong phòng khách của bá tước phu nhân Bezukhov tức là đã có một văn bằng về trí tụê; bọn thanh niên đều đọc sách trước khi đến dự những tối tiếp tân ở nhà Elen để khi ngồi trong phòng khách có chuyện mà nói, và các thư ký đại sứ quán, hay ngay cả các quan đại sứ nữa, cũng cho nàng biết những điều bí mật ngoại giao. Thành thử ra Elen cũng trở thành một thứ lực lượng nào đó. Piotr vốn biết rằng nàng rất ngốc nên đôi khi dự với cảm giác băn khoăn và kinh hãi lạ lùng trong những tối tiếp tân và những bữa tiệc của nàng, trong đó người ta nói về chính trị, thi ca và triết học. Những lúc ấy chàng có cảm giác giống như một người làm trò ảo thuật luôn luôn tự nhủ rằng lần này thế nào cái trò bịp bợm của mình cũng bị bại lộ. - Nhưng phải chăng chính vì cái sự ngu ngốc lại cần thiết cho việc điều khiển một phòng khách như thế này, hoặc vì chính những người bị lừa cũng lấy làm thú vị rằng mình bị lừa như vậy, cho nên trò lừa bịp không bao giờ bị lộ, và cái thanh danh một người đàn bà có duyên và thông minh của Elen Vaxilievna Bezukhov đã quá ư vững chắc, đến nỗi nàng có thể nói ra những điều nhảm nhí và khờ khạo hết sức mà mọi người vẫn lấy làm khâm phục môi lời mỗi chữ của nàng, và thế nào họ cũng tìm thấy trong đó một ý nghĩ sâu xa mà chính nàng không hề ngờ đến. Piotr chính là ông chồng cần thiết cho người đàn bà hào hoa phong nhã đó. Chàng đúng là anh chồng gàn dở và đãng trí, vị vương bá chẳng làm phiền ai và không những không làm hỏng cái ấn tượng trang nhã chung của phòng khách mà còn được làm cái nền tương phản để tôn vẻ lộng lẫy và thanh lịch của vợ mình lên. Hai năm nay Piotr chỉ chú tâm đến những công việc không dính dáng đến cuộc sống vật chất và hoàn toàn coi thường tất cả những chuyện khác, cho nên trong giới giao thiệp của vợ, chàng có được cái vẻ dửng dưng lơ đãng và hiền lành hòa nhã với mọi người một cách rất tự nhiên, không chút giả tạo, và vì vậy người ta bất giác thấy kính nể chàng. Chàng vào phòng khách của vợ như vào nhà hát, ai cũng quen, đối với ai chàng cũng vồn vã như nhau và đối với ai chàng cũng lãnh đạm như nhau. Đôi khi nếu câu chuyện làm cho chàng chú ý, chàng cũng tham gia góp chuyện vào, và những lúc ấy, chẳng cần biết các vị ở đại sứ quán có mặt ở đấy hay không, chàng lúng búng nói ra những ý kiến nhiều khi chẳng hợp một tí nào với không khí lúc bấy giờ. Nhưng cái định kiến cho rằng chàng là ông chồng gàn của người đàn bà thanh lịch nhất Petersburg đã kiên cố đến nỗi chẳng ai lấy làm điều những lời đường đột của chàng. Trong số những chàng thanh niên hàng, ngày đến nhà Elen có Boris Drubeskoy bây giờ đã tiến khá xá trên con đường công danh, sau khi Elen ở Erfurt về, và là người khách thân nhất của gia đình Bezukhov, Elen gọi chàng là thị đồng của tôi và nói năng cư xử với chàng như với một thằng bé. Nàng cũng cười nụ với Boris như cười nụ với mọi người: nhưng đôi khi trông thấy nụ cười này Piotr thấy khó chịu. Đối với Piotr, Boris có một thái độ kính nể đặc biệt, nghiêm trang mà lại buồn buồn. Cái sắc thái lễ dộ này cũng khiến Piotr lo lắng. Ba năm trước Piotr đã khổ tâm quá nhiều vì hành động sỉ nhục của vợ cho nên bấy giờ chàng cố tránh một sự sỉ nhục lương tự, trước hết là bằng cách tự xem mình không phải là chồng của Elen nữa, và thứ đến là không cho phép mình nghi ngờ vợ. “Không, bây giờ đã là nữ sĩ rồi thì tất cô đã từ bỏ những thói ham mê trước kia, - Chàng tự nhủ, - Chưa bao giờ nghe nói một nữ sĩ lại có những chuyện yêu đương cả”, - chẳng biết chàng rút ở đâu ra cái quy luật này, nhưng rõ ràng chàng tin nó lắm. Song, lạ thay, việc Boris có mặt trong phòng khách của vợ (và Boris hầu như lúc nào cũng có mặt) vẫn có tác động đến chàng ngay cả về cơ thể: nó trói chân trói tay chàng, chàng thấy cử động của mình chẳng tự nhiên và thoải mái chút nào nữa. “Lạ thật, sao mình thấy có ác cảm với hắn quá - Piotr nghĩ thầm, - Trước kia mình còn có cảm tình với hắn nữa kia mà”. Dưới mắt giới thượng lưu Piotr là một vị vương công, là anh chồng hơi mù quáng và buồn cười của một thiếu phụ trứ danh, một anh gàn thông minh, chẳng làm gì cả, nhưng cũng chẳng làm hại ai, một anh chàng rất hiền lành và rất tốt. Còn trong tâm hồn Piotr thì suốt thời gian ấy diễn ra một quá trình phát triển nội tâm phức tạp và khó nhọc mở ra cho chàng thấy nhiều điều và đưa lại cho chàng nhiều tâm trạng, ngờ vực cũng có mà vui sướng về tinh thần cũng có.
Chương 10 Chàng tiếp tục viết nhật ký, và đây là những điều chàng viết trong khoảng thời gian này: “24 tháng mười một. Ngủ dậy lúc tám giờ, đọc Kinh thánh, rồi đi làm (bây giờ theo lời khuyên của vị ân nhân, Piotr đã vào làm trong một tiểu ban) trở về nhà ăn bữa trưa một mình (bá tước phu nhân đang tiếp nhiều người khách mà tôi không ưa), ăn uống có điều độ, và sau bữa ăn ngồi chép mấy văn bản cho các anh em hội viên. Đến tối xuống nhà với bá tước phu nhân và kể một câu chuyện buồn cười về B, và mãi đến khi mọi người đã cười phá lên, mới sực nhớ ra rằng mình không nên kể câu chuyện này. Đi ngủ tinh thần sảng khoái, yên tĩnh. Xin đấng Thượng đế cao cả hãy giúp con đi theo bước Người: 1. Thắng sự giận dữ bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn, 2. Thắng sự tà dâm bằng sự kiêng kỵ và lòng kinh tởm, 3. Xa lánh hư danh, nhưng không rời bỏ: a) công việc phụng sự nhà nước, b) công việc gia đình, c) quan hệ bạn bè và d) công việc kinh tế. “27 tháng mười một. Dậy muộn và khi tỉnh dậy nằm lười trong giường rất lâu. Xin thượng đế hãy giúp đỡ cho con thêm nghị lực để con có thể đi theo con đường của Người. Đọc Kinh thánh nhưng không có được cái cảm xúc lẽ ra phải có. Hội viên Uruxov nói đến những dự án mới của hoàng đế. Tôi toan công kích, nhưng sực nhớ đến những quy tắc của mình và lời ân nhân dạy rằng một hội viên Tam điểm chân chính phải là một người hoạt động hăng hái cho nhà nước khi quốc gia cần đến, và phải là người biết bình tĩnh nhìn những công việc mà mình không có bổn phận làm. Cái lưỡi là kẻ thù của tôi. Hai đạo hữu G.V và O đến thăm tôi, hôm ấy có buổi nói chuyện chuẩn bị kết nạp một người anh em mới. Họ giao cho tôi làm thuyết sư. Tự cảm thấy mình yếu đuối và không xứng đáng. Sau đó nói chuyện về cách giải thích bảy cột trụ và bảy bậc cấp của đèn, 7 khoa học, 7 đức tính, 7 thói xấu, 7 bản năng của đức thánh linh. Hội viên O, hôm đó rất hùng biện. Đến tối, làm lễ kết nạp. Cách xếp đặt mới của hội quán đã góp phần làm cho cảnh tượng của buổi lễ thêm phần tráng lệ. Boris Drubeskoy là người mới được kết nạp. Tôi là người giới thiệu, đồng thời cũng là thuyết sư. Một cảm xúc kỳ dị tràn ngập lòng tôi khi tôi cùng đứng với Boris trong thần miếu tối om. Tôi bất chợt nhìn thấy mình có lòng căm ghét Boris, tôi cố nén đi mà không sao nén nổi. Và chính vì vậy tôi ước ao thật sự cứu Boris ra khỏi sự xấu xa và đưa anh ta lên con đường chân lý, nhưng những ý nghĩ xấu về Boris vẫn không rời tôi. Tôi có ý nghĩ rằng Boris vào hội chẳng qua là muốn tìm cách gần gũi một số người, lấy lòng những kẻ có thế lực trong chi hội chúng tôi. Anh ta mấy lần hỏi xem trong chi hội chúng tôi có N, và S, không (tôi không thể trả lời cho anh ta biết điều này được), và theo những điều tôi quan sát thì Boris không thể có lòng tôn kính cần thiết đối với hội thánh của chúng ta, và anh ta lại quá chú tâm và hài lòng với con người thể xác nên không thể mong muốn trau đồi về đạo đức được. Nhưng ngoài những điều này ra thì tôi không có cơ sở gì để nghi ngờ anh ta nữa. Nhưng tôi vẫn thấy hình như anh ta không thành thật, và suốt thời gian Boris với tôi đứng sát mặt nhau trong căn phòng tối. Tôi có cảm giác là anh ta mỉm cười ngạo nghễ khi nghe những lời tôi nói, và tôi muốn đâm thẳng thanh gươm mà tôi đang cầm sát ngực Boris vào người anh ta. Hôm ấy tôi không thể hùng biện và cũng không thể thành thật nói cho các anh em và vị đại sứ biết những mối ngờ vực của tôi. Hỡi đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên, hãy giúp tôi tìm ra những con đường chân chính đưa tôi qua các ngõ ngách khúc khuỷu của sự dối trá” Kế theo đó trong nhật ký thấy có ba tờ để trắng, rồi đến đoạn sau đây: “Đã nói chuyện riêng dài và bổ ích với hội viên B. Anh ấy đã khuyên tôi nên gần gũi hội viên A. Tôi được biết thêm nhiều điều, mặc dù tôi không xứng đáng, Ađonai là tên của đấng đã sáng tạo ra vũ trụ. Elohim là tên đấng trị vì muôn vật. Tên thứ ba, cái tên không thể nói ra được, có nghĩa là TẤT CẢ. Những câu chuyện của B đã đem thêm nghị lực, thêm chí kiên quyết và soi sáng cho tôi trên con đường đi tới đạo đức. Bên cạnh anh ấy không thể nào hoài nghi được. Tôi đã thấy rõ sự khác nhau giữa các khoa học thấp kém của thế gian với cái khoa học thiêng liêng của chúng ta, là học thuyết bao trùm tất cả, các khoa học của loài người gặp cái gì cũng chặt khúc ra để mà hiểu, gặp cái gì cũng giết chết đi để mà xem xét. Trong nền khoa học thiêng liêng của hội thì cái gì cũng thống nhất, mọi vật đều được nhận thức một cách toàn vẹn và sinh động. Ba nguyên tố của vạn vật là diêm sinh, thuỷ ngân và muối. Diêm sinh có thuộc tính của đầu và lửa; hợp nhất với muối, nó nhờ linh chất lửa mà gây ra sức hút đối với thuỷ ngân, hút được thuỷ ngân, giữ nó lại và cả ba chất đó kết hợp lại mà sinh ra các vật thể riêng biệt. Thuỷ ngân là cái bản chất lỏng và bay bổng của tinh thần - là Cơ đốc là thánh linh, là Người. “Ngày 3 tháng 12. Dậy muộn, đọc Thánh kinh, nhưng không có cảm xúc gì. Sau đó ra ngoài, và đi đi lại lại trong gian phòng lớn. Muốn suy nghĩ, nhưng trí tưởng tượng chỉ hình dung ra một sự kiện đã xảy ra bốn năm trước đây. Ông Dolokhov sau trận đấu súng có gặp tôi ở Moskva. Ông ta nói với tôi là ông ta hy vọng rằng bây giờ tinh thần tôi đã yên tĩnh hoàn toàn, mặc dầu vắng mặt vợ tôi. Lúc đó tôi im lặng không đáp. Sáng nay tôi nhớ lại mọi chi tiết của lần gặp gỡ này và thầm nói với Dolokhov những lời hết sức hằn học và những câu trả lời hết sức chua chát. Mãi đến khi nhận thấy mình điên cuồng trong cơn giận, tôi mới sực tỉnh và vứt bỏ ý nghĩ này; nhưng tôi hối hận chưa đúng mức. Sau đó Boris Drubeskoy đến và bắt đầu kể chuyện này chuyện khác, còn tôi thì nghe nói anh ta mới đến đã thấy bực mình, và nói với anh ta một câu rất khó chịu. Boris cãi lại. Tôi đỏ bừng mặt và nói với anh ta nhiều điều khó chịu và thậm chí còn thô bỉ nữa. Boris lặng thinh, còn tôi thì chỉ ghìm mình lại được khi đã muộn rồi. Trời ơi, tôi hoàn toàn không biết đối xử với Boris cho phải. Nguyên nhân gây ra điều đó là tôi tự ái. Tôi tự đặt mình cao hơn anh ta, và vì thế tôi đã thành ra kém cỏi hơn anh ta, và vì anh ta khoan dung đối với những lời lẽ thô lỗ của tôi, còn tôi thì lại khinh bỉ anh ta. Xin Chúa hãy giúp cho tôi khi có mặt Boris thấy rõ được sự hèn hạ của mình và hành động có lợi cho cả anh ta nữa. Sau bữa ăn chiều tôi ngủ thiếp đi, và trong khi ngủ bỗng nghe rõ mồn một tiếng ai nói vào tai bên trái: “Mày đã đến ngày tận số”. Tôi chiêm bao thấy mình đi trong bóng tối, đột nhiên xung quanh chó xổ ra vây lấy tôi, nhưng tôi cứ đi không chút sợ hãi; bỗng một con chó nhỏ cắn vào bắp chân bên trái tôi và không buông ra nữa. Tôi lấy tay bóp cổ nó. Nhưng vừa đẩy được nó ra thì một con khác to hơn bắt đầu vào cắn người tôi. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, và càng nâng lên cao thì nó lại càng to thêm và nặng thêm. Chợt thấy đạo huynh A đến khoác tay tôi, dẫn tôi vào một tòa nhà. Muốn vào đến nhà này phải đi qua một lấm ván hẹp. Tôi bước lện tấm ván. Tấm ván oằn xuống và sụt. Tôi khó nhọc lắm mới với tay lên một dãy hàng rào và bắt đầu leo lên. Chật vật mãi một lúc tôi mới trườn được lên trên hàng rào, mình vắt sang một bên, chân thì buông thõng ở bên kia. Tôi nhìn trở lại thì thấy đạo huynh A đang đứng trên hàng rào và đưa tay chỉ cho tôi xem một con đường rộng rãi dẫn vào vườn, chỉ khu vườn và tòa nhà nguy nga ở phía trong. Tôi tỉnh dậy. Lạy Chúa, đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên. Hãy giúp tôi thoát khỏi lũ chó, tức là những dục vọng của tôi và cái dục vọng cuối cùng gom góp sức mạnh của tất cả các dục vọng trước và hãy giúp tôi bước vào ngôi đền đạo đức mà tôi đã được trông thấy trong giấc chiêm bao”. “Ngày 7 tháng mười hai. Tôi chiêm bao thấy Ioxif Alekxeyevich ngồi trong nhà tôi. Tôi mừng lắm muốn lấy thức ăn ra thết đãi ông ta. Tôi nói chuyện huyên thuyên với mấy người khác và chợt nhớ ra rằng điều đó có thể làm ông ta phật ý, tôi muốn lại gần và ôm ông ta. Nhưng ông nói nhỏ với tôi mấy lời về giáo lý của hội, nói khẽ đến nỗi tôi nghe không rõ. Sau đó tất cả chúng tôi đều ra khỏi phòng, và đến đây xảy ra một việc thật kỳ lạ. Chúng tôi người ngồi kẻ nằm trên nền nhà. Ioxif Alekxeyevich nói với tôi một điều gì đấy. Nhưng tôi lại muốn tỏ ra cho ông thấy tôi đa cảm, và không lắng nghe lời ông nói, tôi bắt đầu tưởng tượng cái trạng thái của con người bên trong của mình và ơn Chúa đang chiều sáng tâm hồn tôi. Tôi ứa nước mắt và lấy làm hài lòng rằng ông đã để ý thấy thế. Nhưng ông nhìn tôi ra dáng bực tức và vụt đứng dậy, không nói chuyện nữa. Tôi đâm luống cuống và hỏi ông xem những điều vừa rồi có phải nói về tôi không; nhưng ông không đáp, chỉ nhìn tôi một cách dịu dàng, và sau đó bỗng thấy cả hai đều ở trong phòng ngủ của tôi ở đấy có một chiếc giường đôi, Ioxif Alekxeyevich nằm ở bên giường, tôi tha thiết muốn đến vuốt ve ông và nằm bên cạnh ông. Ioxif hỏi tôi: “Anh hãy nói cho thật, anh ham mê cái gì nhiều nhất? Anh có biết rõ không? Tôi chắc là anh đã rõ”. Câu hỏi này làm cho tôi lúng túng. Tôi trả lời rằng lười biếng là dục vọng lớn nhất của tôi. Ông lắc đầu ra vẻ không tin. Tôi càng thêm lúng túng và trả lời rằng tuy ở chung với vợ theo lời khuyên của ông nhưng không phải ăn ở như hai vợ chồng. Nghe nói thế, Ioxif đáp lại rằng không được tước phần ái ân của mình đối với vợ, và cho tôi hiểu rằng đó là bổn phận của tôi. Nhưng tôi đáp lại rằng tôi lấy làm hổ thẹn về việc đó; rồi bỗng nhiên mọi việc điều biến mất. Tôi tỉnh dậy và trong đầu óc hiện ra một câu thánh kinh: “Sự sống là ánh sáng của con người, và ánh sáng soi rọi trong bóng tối và bóng tối không tiếp nhận ánh sáng”. Khuôn mặt của Ioxif Alekxeyevich bây giờ trẻ trung và sáng sủa. Hôm ấy, tôi nhận được một bức thư của ân nhân trong đó nói về bổn phận vợ chồng.” “Ngày 9 tháng mười hai. Tôi vừa nằm chiêm bao thấy những điều mà khi sực tỉnh đã khiến tim tôi đập rất mạnh. Tôi thấy tôi đang ở Moskva, ở nhà tôi, đang ngồi trong phòng lớn. Từ trong phòng khách tôi chợt thấy Ioxif Alekxeyevich bước ra. Tự dưng thấy ngay ràng ông đã trải qua quá trình tái sinh, tôi liền chạy ra đón ông. Tôi ôm hôn ông, hôn cả bàn tay ông, và Ioxif nói: “Anh có nhận thấy rằng bây giờ mặt tôi khác không?”. Tôi nhìn ông, vẫn ôm ông trong lòng và thấy rằng, mặt ông rát trẻ, nhưng trên đầu không có tóc, và nét mặt khác hẳn. Tôi bảo Ioxif Alekxeyevich: “Nếu tình cờ gặp ông, tôi cũng vẫn nhận ra” và trong khi đó tôi nghĩ thầm: “Có thật như thế không?” bỗng tôi thấy Ioxif năm xoài ra như một xác chết: sau đó ông dần dần tỉnh lại và cùng tôi đi vào căn phòng lớn, tay cầm một quyển sách to, khổ giấy lớn gấp đôi. Tôi nói: “Chính tôi viết đấy”. Ông nghiêng đầu đáp lại. Tôi giở sách ra, trong sách trang nào cũng có một hình rất đẹp. Và tôi biết rằng những bức tranh này mô tả những cuộc ái ân của linh hồn với người yêu của nó. Và trên các trang giấy tôi trông thấy hình ảnh một cô gái đồng trinh rất đẹp mặc áo trong suốt, thân hình cũng trong suốt, đang bay lên các tầng mây. Tôi biết rằng nàng trinh nữ chẳng phải cái gì khác hơn là hình ảnh của thiên “Thánh ca trong các Thánh ca” [132] . Nhìn vào những bức tranh này tôi thấy đang làm một việc xấu xa, nhưng tôi không thể nào rời mắt ra được. Lạy Chúa! Hãy cứu giúp con! Nếu tình trạng con bị ruồng bỏ là do ý chí của Người, thì con cúi xin vâng mệnh Người, nhưng chính con gây nên sự đó, thì xin Người hãy chỉ bảo cho con phải làm gì. Con sẽ chết ngập trong vòng tay truỵ lạc nếu Người rời bỏ con hoàn toàn”.
Chương 11 Tuy đã ở nông thôn tình hình tiền nong của nhà Roxtov trong vòng hai năm vẫn không khả quan hơn. Mặc dầu Nikolai Roxtov giữ vững ý định của mình, vẫn tiếp tục phục vụ trong một binh đoàn đã chiến tối tăm, tiêu liền tương đối ít, lối sinh hoạt ở Otradnoye và nhất là cách quản lý công việc của Mitenka đã làm cho công nợ của nhà Roxtov mỗi năm một tăng. Lão bá tước cho rằng chỉ còn một cách cứu vãn duy nhất nữa là đi làm việc nhà nước, cho nên ông đã lên Petersburg xin một chức quan; đi xin một chức quan và đồng thời như ông nói, cũng để cho các tiểu thư tiêu khiển một lần cuối cùng nữa. Ít lâu sau khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Berg đến dạm hỏi Vera và được chấp thuận. Hồi ở Moskva, họ Roxtov vốn thuộc giới xã giao cao nhất, tuy họ cũng không biết và không hề nghĩ xem mình thuộc vào giới nào. Nhưng khi đến ở Petersburg thì môi trường giao thiệp của họ trở nên phức tạp và không rõ ràng. Ở Petersburg họ được coi là người “các tỉnh” và ngay cả những người trước đây đến ăn uống trong nhà Roxtov ở Moskva, mà gia đình Roxtov không hề hỏi xem thuộc giới nào, bây giờ cũng không thèm hạ mình xuống giao du với họ. Ở Petersburg gia đình Roxtov cũng giống như ở Moskva, nghĩa là họ rất sẵn lòng đãi khách, và khách khứa đến ăn tối ở nhà họ thuộc đủ các hạng người: những người láng giềng của họ Otradnoye, những lão trang chủ nghèo cùng đến với mấy cô con gái của họ và ngự tiền phu nhân Peronxkaya, Piotr Bezukhov và con trai ông trưởng trạm bưu vụ huyện bây giờ lên làm việc ở Petersburg. Trong các tân khách nam giới chẳng bao lâu có một số trở thành người nhà của họ Roxtov: Boris, Piotr (một hôm lão bá tước gặp anh ta ở giữa phố liền kéo về nhà) và Berg. Berg suốt ngày ngồi chơi ở nhà gia đình Roxtov và có những cử chỉ săn sóc ân cần đối với bá tước tiểu thư Vera đúng như một chàng thanh niên có ý định cầu hôn. Berg đã không uổng công khi cho mọi người xem cánh tay phải bị thương trong trận Austerlix và cầm gươm bằng tay trái, tuy chẳng để làm gì cả. Giọng kiên trì và quan trọng chàng đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện chàng bị thương đến nỗi mọi người đều tin rằng hành động của chàng là hợp lý và đáng khen, - và cuối cùng Berg đã được thưởng hai huân chương về trận Austerlix. Trong cuộc chiến Phần Lan Berg cũng đã tìm được cách tỏ ra xuất sắc. Chàng nhặt một mảnh tạc đạn đã giết chết một viên sĩ quan phụ tá đứng cạnh quan tổng tư lệnh và đem về cho thủ trưởng. Cũng như sau trận Austerlix, chàng kể cho mọi người nghe một cách kiên trì và dai dẳng đến nỗi mọi người đều tin rằng làm như thế là rất phải; - và nhân chiến dịch Phần Lan, Berg lại được thưởng hai huân chương nữa. Năm 1808, chàng đã là đại uý cận vệ, có nhiều huân chương và được giữ những chức vụ rất thuận lợi ở Petersburg. Mặc dầu một số người có tính hoài nghi thường cười mỉm khi nghe nói đến những đức tính cửa Berg, nhưng người ra không thể không thừa nhận rằng Berg là một sĩ quan cần mẫn, can đảm được cấp trên rất tín nhiệm và là một thanh niên có tư cách, có một tương lai tốt đẹp và ngay bây giờ cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội. Bốn năm về trước, gặp một anh bạn người Đức trong một kịch viện ở Moskva, Berg đã chỉ Vera Roxtov cho người ấy và nói bằng tiếng Đức: “Das son mein Weib werden” [133] và từ phút đó Berg đã quyết định là sẽ lấy nàng. Bây giờ, ở Petersburg sau khi đã suy xét gia cảnh của họ Roxtov và địa vị của mình chàng cho rằng đã đến lúc ngỏ lời bèn đến dạm hỏi Vera. Lời dạm hỏi của Berg lúc đầu được tiếp nhận với một vẻ ngạc nhiên không lấy gì làm vinh dự cho anh ta. Lúc đầu người ta còn lấy làm lạ rằng con của một anh quý tộc vô danh ở Liiland [134] lại dám đi hỏi bá tước tiểu thư Roxtov; nhưng Berg vốn có một nét đặc biệt là vị kỷ một cách ngây thơ và thật thà đến nỗi cuối cùng ông bà Roxtov cũng nghĩ rằng nếu anh ta đã tin chắc rằng như thế là tốt, thậm chí rất tốt nữa là khác, thì chắc sẽ tốt thật. Hơn nữa gia cảnh họ Roxtov bây giờ đã sa sút lắm, và chú rể không phải không cần biết điều đó, nhất là vì Vera đã hai mươi bốn tuổi đầu, đi đã khắp nơi, thế mà mặc dầu chắc chắn là nàng đẹp, lại đứng đắn song cho đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi nàng. Gia đình Roxtov bèn ưng thuận. - Đấy anh thấy không. - Berg nói với một sĩ quan cùng đơn vị mà chàng gọi là bạn chẳng qua cũng chỉ vì chàng biết rằng người ta ai cũng có bạn. - Đấy anh thấy không, tôi đã cân nhắc đã suy tính cặn kẽ đâu đấy, và nếu tôi chưa nghĩ hết mọi lẽ hoặc thấy có chỗ chưa có lợi thì tôi chưa lấy vợ đâu. Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi, cha mẹ tôi thế là từ nay yên chí rồi, tôi đã thu xếp cho ông cụ bà cụ một cái ấp ở vùng Oxtzai [135] , còn tôi thì có thể sống ở Petersburg với số lương của tôi. Với của hồi môn của cô ta và với cái tính ngăn nắp của tôi, có thể sống khá giả. Tôi lấy vợ không phải vì tiền, tôi cho rằng như thế là cao thượng; nhưng vợ cũng đóng góp plần mình, chồng cũng đóng góp phần mình, như thế mới phải. Tôi có công việc nhà nước, cô ta thì có những người quen có thế lực và một ít của cải. Thời buổi này cái đó phần nào cũng đáng kể đấy chứ, phải không nào? Và cái chính là cô ta xinh đẹp, đứng đắn lại yêu tôi… Berg đỏ mặt và mỉm cười: - Tôi cũng yêu cô ấy thật vì tính cô ấy rất đứng đắn và rất tốt. Còn như em gái cô ta thì khác hẳn - Cũng cùng một nhà, sao lại khác tính đến thế… tính nết thật khó chịu, chẳng khôn ngoan tý nào, không thể sánh với chị được, lại thế này thế khác… anh biết đấy chứ… Thật khó chịu… Còn như vị hôn thế của tôi thì… Anh đến nhà tôi… - chàng định nói: đến nhà tôi ăn bữa trưa, nhưng liền nghĩ lại và nói tiếp:” Uống nước chè” rồi uốn lưỡi rất nhanh phun ra một đám khói thuốc lá hình vòng tròn thể hiện một cách trọn vẹn những ước mơ hạnh phúc của chàng. Sau cảm giác ngạc nhiên lúc ban đầu do lời cầu hôn của Berg gây nên, trong gia đình bấy giờ lại có cái không khí vui vẻ tưng bừng thường thấy trong những trường hợp như thế, nhưng đó chỉ là không khí vui vẻ bề ngoài, không thật. Đối với cuộc hôn nhân này những người trong nhà không khỏi cảm thấy ngượng ngùng và hổ thẹn. Dường như bây giờ họ thấy xấu hổ vì họ không quý Vera lắm nên mới sẵn lòng tống khứ nàng đi như vậy. Người cảm thấy bối rối nhất là lão bá tước. Có lẽ nếu hỏi vì sao ông bối rối thì ông không biết trả lời sao, nhưng sự thật thì chính vì tình cảnh tiền nong của ông hiện nay. Lão bá tước tuyệt nhiên không thể biết mình còn được bao nhiêu, nợ bao nhlêu và có thể cho Vera những gì làm của hồi môn. Mỗi lần sinh con gái, bá tước đều cắt ra một thôn ba trăm nông nô làm của hồi môn; nhưng một thôn đã bán đi rồi còn một thôn nữa thì đã đem cầm cố, đến nay đã quá hạn chuộc nên cũng phải bán nốt, vì vậy không thể cho con gái một điền trang nào. Mà tiền thì không có. Berg đã đính hôn được hơn một tháng, và chỉ còn một tuần nữa là đã đến ngày cưới, thế mà bá tước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề của hồi môn và chưa có lần nào tự mình bàn việc này với vợ. Khi thì bá tước định cắt cho Vera điền trang Ryazan khi thì muốn bán rừng, khi lại muốn vay tiền bằng ngân phiếu. Vài ngày trước lễ cưới, một buổi sáng sớm Berg vào phòng làm việc của bá tước và mỉm cười rất nhã nhặn kính cẩn xin ông nhạc tương lai cho biết bá tước tiểu thư sẽ được nhận những gì làm của hồi môn. Nghe câu hỏi này, một câu hỏi mà ông đã đoán trước từ lâu, bá tước luống cuống đến nỗi không kịp suy nghĩ gì nữa nói bâng quơ: - Tôi rất thích, cậu biết lo như thế là tôi thích lắm, cậu sẽ được hài lòng. Rồi bá tước vỗ vai Berg và đứng dậy, định chấm dứt câu chuyện. Nhưng Berg nở một nụ cười rất dễ ưa và phân trần rằng nếu chàng không được biết chắc chắn số hồi môn của Vera và không được nhận trước, ít nhất một phần, trong số của cải dành cho nàng chàng sẽ buộc lòng phải từ bỏ cuộc hôn nhân này. - Vì rằng, xin bá tước xét cho, nếu bây giờ tôi dám cưới vợ mặc dầu không có những phương tiện chắc chắn để chu cấp cho vợ, thì như vậy là tôi đã xử sự một cách đê hèn. Cuối cùng bá tước muốn tỏ ra mình hào phóng và để khỏi nghe những lời đòi hỏi khác, bèn nói rằng ông sẽ trao cho chàng một ngân phiếu tám vạn rúp. Berg dịu dàng mỉm cười, cúi xuống hôn vào vai bá tước và nói rằng anh ta rất biết ơn, nhưng hiện nay anh không thể nào xếp đặt cuộc sống gia đình cho ổn thỏa nếu chưa nhận được ba vạn tiền mặt. - Ít ra là hai vạn, thưa bá tước, Berg nói thêm, - và nếu được thế thì về sau chỉ cần một ngân phiếu sáu vạn nữa. - Ừ được rồi bá tước nói thật nhanh, - Chỉ xin anh bỏ qua, anh bạn nhé, tôi sẽ đưa hai vạn tiền mặt, ngoài ra sẽ thêm một ngân phiếu tám vạn nữa. Thế đấy, thôi anh hôn ông nhạc đi nào! Chương 12 Natasa đã mười sáu tuổi; bấy giờ là vào năm 1809 đúng cái thời gian mà bốn năm về trước nàng bấm đốt ngón tay ước hẹn với Boris sau khi hôn chàng. Từ dạo ấy nàng không lần nào gặp lạị Boris. Trước mặt Sonya và mẹ, mỗi khi câu chuyện đả động đến Boris, Natasa nói một cách rất ung dung như nói về mọi việc đã xong xuôi, rằng tất cả những việc trước kia đều là những chuyện trẻ con đã quên từ lâu, không việc gì phải nói đến nữa. Nhưng trong thâm tâm, Natasa vẫn băn khoăn tự hỏi không biết lời ước hẹn của nàng với Boris chỉ là một trò đùa hay là một lời hứa quan trọng có thể ràng buộc đời nàng. Từ năm 1805, kể từ ngày Boris rời khỏi Moskva lên đường đến đơn vị chàng không có lần nào gặp lại gia đình Roxtov nữa. Chàng có trở lại Moskva mấy lần, có đi qua vùng Otradnoye nhưng chưa có lần nào ghé lại nhà Roxtov. Natasa đôi khi có ý nghĩ rằng chàng không muốn gặp nàng, và cái giọng buồn buồn của người lớn trong nhà mỗi khi nói đến Boris càng xác nhận thêm những điều phỏng đoán này. - Thời bây giờ người ta không mấy khi nhớ tới bạn cũ, - bá tước phu nhân nói khi có người nhắc đến Boris. Anna Mikhailovna gần đây ít đến nhà Roxtov bà cũng có một thái độ đặc biệt đạo mạo, và hễ nhắc đến Boris bà lại nói một cách hân hoan và cảm kích đến những đức tính của con trai và đến con đường công danh vẻ vang mà chàng đang theo đuổi. Khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Boris đến thăm. Chàng đến nhà Roxtov, lòng không khỏi bồi hồi xúc động. Natasa là kỷ niệm nên thơ nhất của Boris. Nhưng đồng thời chàng cũng đến với một ý định quả quyết là sẽ cho nàng cũng như cho cha mẹ nàng hiểu rõ rằng những quan hệ thời trẻ giữa chàng và Natasa không có gì có thể ràng buộc gì nàng cũng như mình. Nay chàng đã có một nhiệm vụ xuất sắc trong xã hội, nhờ có liên hệ thân mật với phu nhân Bezukhov, một địa vị xuất sắc trên bước đường công danh, nhờ sự nâng đỡ của một nhân vật quan trọng hoàn toàn tin cậy chàng, cho nên chàng đã bắt đầu thoáng có ý định là sẽ kết hôn với một trong những đám giàu có nhất ở Petersburg, một ý định rất dễ thực hiện đối với chàng. Khi Boris bước vào phòng khách nhà Roxtov, Natasa đang ở phòng mình. Nghe nói có Boris đến, nàng đỏ mặt lên và bước vội vã gần như chạy vào phòng khách, gương mặt sáng bừng lên một nụ cười trong đó có một cái gì còn hơn là lòng trìu mến. Boris vẫn còn nhớ rõ cô bé Natasa mặc váy ngắn, có đôi mắt đen long lanh dưới mớ tóc quăn và tiếng cười giòn giã, ngây thơ và liều lĩnh mà bốn năm trước đây chàng đã từng quen thuộc, cho nên khi thấy một cô Natasa khác hẳn bước vào, chàng luống cuống, và gương mặt chàng lộ vẻ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vẻ mặt ấy của Boris làm cho Natasa vui mừng. - Thế nào, anh có nhận ra cô bạn nhỏ tinh nghịch của anh ngày trước không? - bá tước phu nhân nói. Boris hôn tay Natasa và nói rằng chàng rất ngạc nhiên thấy Natasa đã thay đổi nhiều như vậy. - Cô xinh lên nhiều quá! - Còn phải nói! - đôi mắt tươi cười của Natasa đáp. - Thế ba tôi có già đi nhiều không - nàng hỏi. Natasa ngồi xuống và im lặng, không chen vào câu chuyện giữa Boris với bá tước phu nhân, chỉ ngồi nhìn chàng vị hôn phu thời trẻ thơ của mình đến từng chi tiết một. Chàng cảm thấy sức nặng của khóe nhìn chăm chú và âu yếm phủ lên người mình, và thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn nàng. Quân phục, cựa giầy, khăn quấn cổ và kiểu chải tóc của Boris - tất cả đều hợp thời trang và rất chĩữg chạc. Natasa nhận thấy điều đó ngay. Chàng ngồi hơi nghiêng người trên chiếc ghế bành cạnh bá tước phu nhân, dùng tay phải sửa lại ngay ngắn chiếc găng tay trắng muốt bó sát bàn tay trái, môi mím lại đặc biệt tế nhị trong khi nói chuyện về những cuộc vui chơi của giới thượng lưu Petersburg và giọng bỡn cợt nhẹ nhàng chàng nhắc lại thời cũ và những người quen cũ ở Moskva. Natasa cảm thấy rằng không phải tình cờ mà trong câu chuyện về giới quý tộc thượng lưu, chàng thuật lại buổi vũ hội của đại sứ quán mà chàng có dự và nhắc đến N.N và S.S đã có nhã ý mời chàng. Suốt buổi Natasa ngồi im lặng đưa mắt nhìn trộm chàng. Cái nhìn đó mỗi lúc một làm cho Boris bối rối và lo lắng. Chàng quay sang nhìn Natasa nhiều hơn và đôi khi đang kể chuyện bỗng ngừng bặt. Ngồi chưa được mười phút chàng đã đứng dậy cáo từ ra về. Vẫn đôi mắt tò mò, có vẻ thách thức và hơi chế giễu ấy nhìn chàng. Sau buổi đến thăm đầu tiên này Boris tự nhủ rằng Natasa vẫn có sức quyến rũ mình như xưa, nhưng chàng không được chiều theo cảm xúc này, vì nếu lấy Natasa - một cô gái hầu như chẳng có tí của cải gì - thì sự nghiệp của chàng ắt sẽ tiêu ma, còn nếu đi lại như cũ mà không có ý định cầu hôn thì đó là một hành vi không cao thượng. Boris quyết định tự mình sẽ tránh gặp Natasa, nhưng mặc dầu đã quyết định như thế, ít hôm sau chàng lại đến và từ đó bắt đầu đi lại luôn, có khi chơi cả ngày ở nhà Roxtov. Chàng thấy mình nhất thiết phải bày giải với Natasa, nói cho nàng biết rằng tất cả những chuyện cũ nay phải quên đi, rằng dù sao… nàng cũng không thể trở thành vợ chàng được rằng chàng chẳng có tài sản gì và không đời nào cha mẹ nàng lại gả nàng cho một người như chàng. Nhưng Boris vẫn thấy ngại ngùng không sao nói được. Càng ngày chàng lại cảm thấy khó xử. Mẹ Natasa và Sonya nhận thấy nàng vẫn có vẻ yêu Boris như xưa. Nàng hát cho chàng nghe những bài hát chàng ưa thích, cho chàng xem tập tranh của mình; bắt chàng viết vào đấy không cho chàng nhắc đến quá khứ, ngụ ý là hiện tại cũng đẹp lắm rồi; và mỗi khi ra về chàng cứ như trong mây mù, chưa nói ra được những điều chàng đã định nói, bản thân cũng chẳng biết mình đang làm gì, mình đến làm gì và sự tình sẽ kết thúc ra sao. Boris thôi đến nhà Elen. Ngày nào chàng cũng nhận được những dòng chữ trách móc của Elen, nhưng ngày nào chàng cũng ngồi suốt buổi ở gia đình Roxtov. Chương 13 Một buổi tối, khi lão bá tước phu nhân, mình mặc áo ngủ, đầu đã tháo hết các mớ tóc giả chỉ còn lại một chùm tóc lơ thơ thòi ra ngoài chiếc mũ chụp bằng vải trúc bâu trắng, đang thở dài và thì thụt trên tấm thảm lẩm rầm đọc bài kinh buổi tối, thì cánh cửa buồng xịch mở và Natasa, mình cũng mặc áo ngủ, tóc đầy những cặp chạy vào buồng. Bá tước phu nhân quay lại và cau mày. Bà đang đọc nốt bài kinh cuối cùng: “Phải chăng chăn nệm đêm nay sẽ là ván liệm của con?”. Tâm trạng say sưa của phu nhân bị phá tan. Natasa mắt đỏ ửng lòng hồi hộp, vừa chạy vào thấy mẹ đang cầu kinh liền đứng phắt lại, hơi nhún người xuống và bất giác thè lưỡi ra như tự hăm dọa mình. Thấy mẹ vẫn tiếp tục cầu kinh, nàng rón rén chạy đến giường, nhanh nhẹn lấy hai bàn chân thon nhỏ xát vào nhau cho giày vải tụt ra rồi nhảy tót lên chiếc nệm mà bá tước phu nhân đang lo là sẽ trở thành cỗ ván liệm mình. Chiếc nệm rất cao và êm, trên đầu có đặt một chồng gối năm chiếc to nhỏ suýt soát nhau, chiếc nhỏ đặt lên chiếc to. Natasa nhảy tót trên giường, cho người lún sâu xuống nệm, lăn đến sát vách và bắt đầu trăn trở loay hoay ở dưới chăn để tìm cách nằm lại cho thoải mái, co hai gối lên tận cằm rồi vẫy chân lia lịa và cười rúc rích, khi thì chùm chăn kín đầu khi thì ló mặt ra nhìn mẹ. Bá tước phu nhân đọc kinh đã xong liền đi lại phía giường, vẻ mặt nghiêm nghị: nhưng thấy Natasa chùm chăn kín mít, phu nhân mỉm cười, cái cười hiền lành yếu ớt mà phu nhân thường có. - Kìa, kìa, cái gì thế con, - phu nhân nói. - Mẹ ơi, nói chuyện một chút được chứ mẹ? - Natasa nói. - Nào cho hôn ở cổ một cái, một cái nữa thôi nhé. Và nàng ôm choàng lấy cổ mẹ, hôn vào phía dưới cằm. Đối với mẹ, Natasa có những cử chỉ bên ngoài thô lỗ, nhưng nàng tế nhị và khéo léo đến nỗi dù có ôm, có quàng tay thế nào đi nữa nàng cũng biết làm thế nào cho mẹ không thấy đau, không thấy khó chịu hay vướng víu chút nào. - Nào, hôm nay nói chuyện gì? - mẹ nàng nói sau khi kê đầu cho ngay ngắn và thoải mái trên mấy chiếc gối và đợi Natasa lăn hai vòng từ cạnh giường và nằm sát người bà dưới cùng một tấm chăn. Natasa đặt hai cánh tay lên trên chăn và làm ra cái vẻ nghiêm trang. Những cuộc đến thăm ban đêm của Natasa như thế này trước khi ở câu lạc bộ về là một trong những cái thú ưa chuộng nhất của hai mẹ con. - Hôm nay nói chuyện gì nào? Mẹ cũng đang cần nói với con. Natasa đưa tay bịt miệng mẹ lại. - Chuyện Boris… - Con biết rồi, - Natasa nghiêm nghị, - con đến cũng vì chuyện ấy. Mẹ đừng nói con biết rồi. Không, mẹ nói đi cơ? - Nàng cất tay, - Mẹ ơi, mẹ nói đi, anh ấy dễ thương đây chứ? - Natasa ạ, con đã mười sáu tuổi rồi, hồi trước bằng tuổi con mẹ đã đi lấy chồng rồi. Con bảo Boris dễ thương. Nó dễ thương lắm, mẹ quý nó như con mẹ, nhưng con muốn gì nào? - Con nghĩ sao? Con làm cho nó ngẩn cả người ra rồi đấy, mẹ thấy rõ như thế… Trong khi nói mấy câu này, bá tước phu nhân đưa mắt nhìn sang con gái. Natasa nằm im mắt nhìn trân trân vào một trong mấy con sư tử đầu người bằng gỗ đào hoa tâm chạm ở góc giường, phu nhân nhìn sang chỉ thấy chiều nghiêng mặt nàng. Gương mặt của Natasa làm cho phu nhân kinh ngạc vì có vẻ nghiêm nghị và đăm chiêu khác thường. - Vâng, rồi sao hở mẹ? - Natasa lắng nghe và suy nghĩ.
- Con làm cho nó ngẩn ngơ ra như vậy để làm gì? Con muốn gì ở Boris? Con cũng thừa biết con không thể lấy nó được kia mà. - Tại sao? - Natasa hỏi, vẫn nằm im như cũ. - Tại vì nó còn trẻ, tại vì nó nghèo, tại vì nó họ với con, tại vì chính con cũng chẳng yêu gì nó. - Sao mẹ biết? - Mẹ biết. Như thế không tốt đâu, cô bạn nhỏ của mẹ ạ. - Nhưng nếu con muốn… - Natasa nói. - Thôi con đừng nói những chuyện vớ vẩn nữa, - phu nhân nói. - Nhưng nếu con muốn… - Natasa, mẹ nói chuyện đứng đắn… Natasa không để cho mẹ nói hết, cầm lấy bàn tay to xương của phu nhân và hôn lên phía trên, rồi hôn vào lòng bàn tay, rồi lại lật bàn tay lại và hôn lên khớp xương lồi lên ở chỗ mu bàn tay giáp ngón, rồi hôn vào chỗ lõm giữa hai khớp xương, rồi lại hôn lên khớp xương, vừa hôn vừa thì thầm: “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm”. - Mẹ nói đi mẹ, sao mẹ lại làm thinh? Mẹ nói đi! - Natasa nói, mắt ngước nhìn mẹ. Bấy giờ bá tước đang âu yếm nhìn con, và hình như mải nhìn như vậy nên quên cả những điều định nói. - Như thế không được đâu con ạ. Không phải ai rồi cũng hiểu được tình bạn ấu thơ giữa con với Boris đâu; thấy Boris gần gũi con nhiều quá như thế những người thanh niên thường đến nhà ta sẽ có ý nghĩ không hay về con, nhưng cái chính là làm như vậy chỉ khổ nó vô ích. Có lẽ nó đã tìm được đám khác hợp ý hơn, giàu có hơn; bây giờ nó như điên như dại rồi đấy. - Điên rồi hở mẹ? - Natasa lặp lại. - Để mẹ kể chuyện của mẹ cho mà nghe. Mẹ có một người anh họ. - Con biết rồi - bác Kirila Matveyich chứ gì, nhưng bác ấy già rồi còn gì? Không phải bao giờ cũng già như thế đâu. Nhưng bây giờ thế này Natasa ạ, mẹ sẽ nói chuyện với Boris. Nó không nên đến đây nhiều như thế nữa… - Tại sao lại không nên, nếu anh ấy thích? - Tại vì mẹ biết rằng rồi chẳng đi đâu hết. - Sao mẹ biết? Không, mẹ ạ, mẹ dừng nói với anh ấy. Thật vớ vẩn! - Natasa nói với cái giọng của một người đang sắp bị người ta tước đoạt tài sản. - Thôi, con sẽ không lấy anh ấy nữa! Nhưng cứ để cho anh ấy đến, nếu anh ấy thấy vui và con cũng vui! - Natasa mỉm cười nhìn mẹ. - Con sẽ không lấy anh ấy, nhưng cứ như thế - nàng nhắc lại. - Sao lại thế, cô bạn nhỏ? - Thì như thế mà lại. Thôi, không lấy anh ấy thì đã làm sao… nhưng cứ như thế. - Như thế, như thế, - bá tước phu nhân nhắc lại và rung cả người lên cười, tiếng cười hồn hậu và bất ngờ của những người già cả. - Thôi mẹ đừng cười nữa, cười mãi, - Natasa hét lên - Cười mãi thế! - nàng nắm lấy cả hai bàn tay của bá tước phu nhân, hôn vào khớp xương ngón tay út - tháng sáu - rồi tiếp tục tháng bảy, tháng tám ở bàn tay kia. - Mẹ ơi, thế anh ấy có yêu con lắm không? Mẹ thấy thế nào? Trước kia người ta có yêu mẹ đến thế không? Mà anh ấy lại dễ thương, dễ thương lắm cơ! Chỉ có điều là không hợp khẩu vị của con lắm - Anh ta hẹp như cái đồng hồ quả lắc ở ngoài phòng ăn ấy… Mẹ không hiểu à? Hẹp thế này, lại xám, nhạt… - Mày nói lảm nhảm gì thế! - bá tước phu nhân nói. Natasa nói tiếp: - Mẹ không hiểu thật à? Giá có anh Nikolai thì anh ấy hiểu ngay… Còn Bezukhov thì xanh, xanh thẫm thêm cả màu đỏ, và anh ta hình chữ nhật. - Mày làm dáng cả với anh chàng này nữa đấy, - bá tước phu nhân vừa cười vừa nói. - Không, anh ta vào hội Tam điểm, người ta bảo con thế. Anh ta tốt lắm, xanh thẫm và đỏ, không biết làm thế nào cho mẹ hiểu bây giờ - Bá tước tiểu thư - có tiếng nói của lão bá tước ở ngoài cửa phòng. - Con chưa ngủ à? Natasa chân không nhảy xuống đất, cầm giày vải trên tay bỏ chạy về phòng mình. Nàng nằm hồi lâu không ngủ được. Nàng cứ nghĩ mãi không biết làm sao mà không ai hiểu được những điều nàng hiểu và những điều đang ở trong óc nàng. Sonya? - Nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn Sonya trông như con mèo cái đang ngủ say, mình cuộn tròn, bím tóc to dầy buông thõng một bên. - Không, chị ấy không hiểu được đâu! Chị ấy đức hạnh lắm. Chị ấy yêu Nikolai và ngoài ra không muốn biết gì nữa. Còn mẹ, cả mẹ nữa cũng chẳng hiểu mình. Lạ thật, mình thông minh thế, mà lại, cô ấy dễ thương…”, - nàng nghĩ tiếp, nói về mình như về một người thứ ba và tưởng tượng rằng người đang nói về nàng là một người đàn ông nào đó rất thông minh, thông minh nhất, và tốt hơn hết thảy mọi người… “Cô ta có đủ mọi cái hay cái tốt. - người đàn ông nói tiếp, - cô ta thông minh đặc biệt, dễ thương, có duyên mà lại xinh, xinh lạ lùng, lại nhanh nhẹn - bơi khá, cưỡi ngựa rất cừ, lại còn giọng hát nữa! Có thể nói là một giọng hát phi thường!”. Natasa hát một câu nhạc ưa thích của nàng rút trong vở kịch của Kerubini [136], gieo mình trên giường, cười khanh khách với một ý nghĩ tươi vui là bây giờ nằm xuống nàng sẽ ngủ ngay lập tức cho mà xem. Nàng gọi Dunyasa chưa ra khỏi phòng thì nàng đã đi vào một thế giới khác, một thế giới hạnh phúc hơn, thế giới của những giấc mộng; ở đấy cái gì cũng nhẹ nhõm và tốt đẹp như trong thực tế, nhưng lại còn tốt đẹp hơn nữa, bởi vì cái gì cũng khác hẳn. Ngày hôm sau bá tước phu nhân mời Boris đến gặp mình nói chuyện, và từ hôm ấy trở đi chàng không đến nhà Roxtov nữa.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...