Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần VIb

Chiến tranh và hòa bình - Phần VIb
Chương 14 
Tối hôm ba mươi mốt tháng Chạp, tối Giao thừa (Le éeveillon) - Bước sang năm 1810, có vũ hội ở nhà một vị vương công ở thời Ekaterina. Trong buổi vũ hội sẽ có ngoại giao đoàn và cả hoàng đế đến dự. Phía tả ngạn sông Nêva, tòa nhà của vị vương công sáng rực lên vì hàng trăm hàng nghìn ngọn đèn thắp lên nhân tối vui trọng thể. Trước cái cổng đèn thắp sáng trưng và trải dạ đỏ, cảnh binh đã đến túc trực; và không phải chỉ có cảnh binh thường, mà còn có cả ông cảnh sát trưởng và mấy chục viên sĩ quan cảnh binh đứng quanh. Xe cộ tấp nập, chiếc đi, chiếc đến, với những người hành bộc mặc áo đỏ hoặc những người hầu đội mũ có cắm lông gà. Từ các xe song mã bước xuống những người đàn ông mặc phẩm phục, đeo dây thao và huân chương; các phu nhân và các tiểu thư mặc áo sa tanh và khoác áo lông chồn bạc thận trọng bước xuống các bậc xe buông xuống ầm ầm, rồi im lặng vội vã đi trên tấm dạ đỏ trải trên thềm. Hầu như mỗi lần có một cỗ xe mới đến, trong đám đông lại có tiếng lao xao và mọi người đều cất mũ. - Hoàng thượng à? Không, quan đại thần… hoàng thân… đại sứ Anh không thấy chùm lông à? Có tiếng nói trong đám đông. Trong đám đông có một người ăn mặc sang hơn những người khác, hình như ai hắn ta cũng biết, những vị đại thần tai mắt nhất thời ấy hắn đều có thể gọi tên. Trong một phần ba số tân khách đã đến dự vũ hội, thì ở nhà Roxtov - gia đình này cũng đi dự hội - người ta đang hối hả sửa soạn trang phục. Trong gia đình Roxtov người ta đã bàn tán và chuẩn bị rất nhiều cho buổi vũ hội. Trước đây họ cứ lo sẽ không nhận được giấy mời, lo áo mới chưa xong hoặc có điều gì không ổn chăng? Cùng đi dự vũ hội với gia đình Roxtov có Maria Ignatyena Peronxkaya bạn gái và là người có họ với bá tước phu nhân. Đó là một ngự tiền phu nhân của triều đại trước, người gầy gò và vàng vọt và là người hướng dẫn cho gia đình Roxtov, vốn những dân “các tỉnh”, trong việc giao thiệp với giới thượng lưu ở Petersburg. Đến mười giờ tối, họ sẽ ghé ở vườn Taorich đón ngự tiền phu nhân Peronxkaya; thế nhưng bây giờ đã mười giờ kém năm rồi mà các tiểu thư nhà Roxtov vẫn chưa mặc áo xong. Lần này Natasa đi dự buổi vũ hội lớn đầu tiên trong đời mình. Hôm ấy nàng dậy từ tám giờ sáng và cả ngày lo lắng bồn chồn, sửa soạn luôn tay. Từ sáng sớm nàng đã tập trung tất cả sức lực vào việc chuẩn bị thế nào cho mọi người trong nhà: nàng, mẹ nàng và Sonya, đều ăn mặc cho thật đẹp. Sonya và bá tước phu nhân sẽ mặc áo nhung màu huyết dụ, còn hai chị em nàng sẽ mặc hai chiếc áo voan trắng trong suốt trên nền lụa hồng, có giắt thêm hoa hồng trên ngực. Đầu tóc họ sẽ chải kiểu Hy Lạp. Những việc trọng yếu nhất đều đã làm xong; chân, tay, tai, cổ đều được lau rửa; xức nước hoa và thoa phấn đặc biệt cẩn thận để ứng với buổi hội lớn. Họ đã đi vào chân những đôi bít tất lụa thêu rua và những đôi giày sa tanh trắng thắt nơ; các bộ tóc đã chải gần xong. Sonya đã phục sức xong xuôi, bá tước phu nhân cũng vậy; nhưng Natasa vì mải lo cho hai người nên bị tụt lại đằng sau. Nàng còn ngồi trước tấm gương, một chiếc áo choàng nhẹ phủ lên đôi vai mảnh dẻ. Sonya bây giờ đã phục sức đầy đủ, đứng ở chính giữa phòng và đang ghim một dải lụa cuối cùng. Dải lụa kêu kin kít dưới mũi kim găm mà nàng lấy ngón tay nhỏ nhắn ra sức ấn mạnh đến đau cả tay. - Không phải thế, không phải thế đâu Sonya - Natasa nói. Nàng quay đầu lại và giơ hai tay chụp lấy mớ tóc của nàng mà người hầu gái chưa kịp buông ra. - Cái nơ hỏng rồi, chị lại đây, - Sonya ngồi thụp xuống. Natasa ghim lại chiếc dải lụa khác. Người hầu gái đang cầm mái tóc của Natasa nói: - Xin tiểu thư cho phép, như thế này không thể chải được. - Ồ! Trời ơi, để rồi chải sau! Đây, thế này mới được Sonya ạ. Có tiếng bá tước phu nhân giục: - Các con sắp xong chưa? Sắp mười giờ rồi đấy. - Xong ngay, xong ngay bây giờ đây mẹ ạ. Thế mẹ xong rồi à? - Chỉ còn ghim cái mũ nữa thôi. - Để con ghim cho, - Natasa hét lên, - mẹ không biết ghim đâu! - Nhưng mà mười giờ rồi còn gì! Họ đã định là đến mười rưỡi sẽ có mặt ở vũ hội, mà Natasa lại còn phải mặc áo cho xong và ghé vườn Taorich. Chải đầu xong, Natasa bây giờ đang mặc váy ngắn để lộ đôi giày khiêu vũ và chiếc áo chùng mặc ngủ của mẹ, chạy lại gần Sonya, ngắm qua một lượt rồi lại chạy sang phòng mẹ. Nàng xoay đầu bá tước phu nhân sang một bên rồi ghim cái mũ và chỉ vừa kịp hôn mái tóc bạc của mẹ một cái đã vụt chạy về chỗ các cô hầu gái đang lo viền lại gấu váy cho nàng. Còn có mỗi một việc nữa là chiếc váy của Natasa dài quá; hai người hầu gái đang lên gấu, hấp tấp cắn những mũi chỉ thừa. Một người thứ ba; môi và răng ngậm đầy những kim găm, chạy đi chạy lại từ bá tước phu nhân sang Sonya. Một người thứ tư giơ tay nâng cao chiếc voan đứng đợi. - Mavruska ơi, nhanh lên tí nhé! - Tiểu thư đưa hộ cái đê. - Sắp xong chưa nào? - bá tước từ ngoài cửa bước vào hỏi. - Đây nước hoa đây này, bà Peronxkaya chắc đã đợi lâu lắm rồi đấy. - Thưa tiểu thư xong ạ. - người hầu gái cầm áo nói. Cô ta dùng hai đầu ngón tay nâng chiếc voan lên, khẽ rũ rũ và ghé môi thổi thổi, một cử chỉ tỏ ra rằng cô ta hiểu rõ vật mình đang cầm nó nhẹ nhàng, mỏng manh và tinh khiết đến nhường nào. Natasa bắt đầu mặc áo. - Tí nữa, tí nữa thôi, ba đừng vào ba ạ - nàng nói to với bá tước bây giờ đang mở hé cánh cửa, trong khi tấm váy mỏng đang chùm kín đầu nàng, Sonya đóng sập cửa lại. Một phút sau họ mở cửa cho bá tước vào. Ông mặc lễ phục màu xanh, đi giày có bít tất cao ống, tóc xức sáp thơm, người sực nức mùi nước hoa. - Ôi ba ơi, ba đẹp quá, thật là tuyệt! - Natasa nói. Bây giờ nàng đang đứng giữa phòng nắn lại nếp áo. Một người hầu gái quỳ gối giữa sân, vừa kéo lại tà áo voan cho Natasa, vừa lấy lưỡi đẩy nhanh mấy chiếc kim găm từ mép bên này sang mép bên kia, nói: - Xin tiểu thư cho phép, xin tiểu thư cho phép… Sonya ngắm áo của Natasa rồi kêu lên, giọng tuyệt vọng: - Tuỳ ý cô đấy, chứ nó vẫn dài quá mất rồi. Natasa lùi ra một tí để nhìn vào tấm gương. Chiếc áo dài thật. - Thưa tiểu thư, quả tình không dài một chút nào đâu ạ. - Mavruska bây giờ đang bò lổm ngổm theo Natasa trên nền nhà vội nói. - À, dài thì ta lại lên gấu, một phút là xong thôi mà, - cô hầu gái Dunyasa quả quyết vừa nói vừa rút một cây kim ra khỏi chiếc khăn trùm đeo trên ngực và lại bắt đầu lúi húì sửa sửa; khâu khâu trên sàn. Vừa lúc ấy bá tước phu nhân mặc áo nhung và đội mũ cao rụt rè bước khe khẽ vào phòng. - Ứ ừ! Người đẹp của tôi? - bá tước kêu lên. - Đẹp hơn hết thảy các cô! Ông toan ôm lấy phu nhân nhưng phu nhân đỏ mặt vội né đi sợ nhầu nát áo. - Mẹ ơi, cho cái mũ lệch sang bên một tí nữa. - Natasa nói, - để con ghim lại cho. - rồi vụt chạy lại. Cô hầu gái bấy giờ đang khâu gấu không kịp chồm theo nên chiếc áo dứt mất một miếng voan nhỏ. - Trời ơi! Cái gì thế này? Quả tình không phải tại tôi… - Không sao, để tôi khâu lại, không trông thấy đâu, - Dunyasa nói. - Đẹp quá bé Natasa của tôi đẹp tuyệt trần! - U già từ ngoài cửa bước vào nói. - Lại còn Sonya nữa toàn là tuyệt thế giai nhân cả!… Cuối cùng mãi đến mười giờ mười lăm họ mới lên xe ra đi. - Nhưng còn phải ghé vườn Taorich. Bà Peronxkaya đã sẵn sàng. Tuy đã già và xấu xí bà vẫn soạn sửa đúng như ở nhà Roxtov, chỉ có điều là không vội vã đến như thế (đối với bà thì đây là một việc thường ngày rồi), nhưng tấm thân già cỗi và xấu xí của bà cũng được tắm rửa, xức nước hoa, thoa phấn như thế, tai gáy cũng được rửa ráy cẩn thận như thế và thậm chí bà hầu gái già cũng trầm trồ khen ngợi sức phục của bà chủ hệt như ở nhà Roxtov vậy, khi bà mặc chiếc áo dài màu áo vàng có phù hiệu của hoàng gia bước ra phòng khách. Bà Peronxkaya khen ngợi cách phục sức của gia đình Roxtov. Gia đình Roxtov khen ngợi cách phục sức của bà Peronxkaya, và đúng mười một giờ họ chia nhau bước lên các xe song mã một cách thận trọng để khỏi hỏng tóc và nhầu áo, và lên đường. Chương 15 Từ sáng đến giờ Natasa không rỗi lấy được phút nào và không có lúc nào kịp suy nghĩ đến những sự việc đang chờ đợi nàng tối nay. Trong làn không khí lạnh lẽo và ẩm ướt, trong khoảng không gian chật chội và tối mờ của chiếc xe ngựa lắc lư, lần đầu tiên nàng hình dung rõ ràng tất cả những gì đang chờ đón nàng trong buổi vũ hội, trong những gian phòng sáng rực ánh đèn - âm nhạc, hoa, khiêu vũ, hoàng thượng, toàn thể lớp thanh niên thượng lưu ở Petersburg. Những điều đang đợi nàng nó đẹp đẽ quá đến nỗi nàng không dám tin rằng những điều đó sẽ có thật; những cảnh ấy quá trái ngược với cảm giác rét mướt, chật chội và tối tăm trong xe song mã. Nàng chỉ hiểu rõ được tất cả những gì đang đợi nàng khi đi qua tấm dạ đỏ trên bậc thềm; bước vào phòng áo, cởi áo khoác ngoài và sát cánh với Sonya đi trước mặt mẹ với những chùm hoa đỏ cắm hai bên cầu thang gác sáng rực ánh đèn. Mãi đến lúc ấy nàng mới nhớ là trong buổi vũ hội phải đi đứng như thế nào, liền cố giữ cái phong thái trang trọng mà nàng nghĩ là cần thiết cho một người thiếu nữ đi dự vũ hội. Nhưng may thay cho nàng, nàng cảm thấy mắt mình lòa đi: nàng không trông rõ được gì nữa, mạch nàng đập mỗi phút một trăm lần, và máu bắt đầu dồn lên trái tim đang đập mạnh. Nàng không thể có cái phong thái kia được, một phong thái sẽ làm cho nàng thành ra lố bịch, và nàng bước vào, tim lịm đi vì xúc động, chỉ mong sao che giấu được nỗi xúc động đó, và đó chính là phong thái hợp với nàng hơn cả. Phía trước và sau lưng họ, những tân khách khác đang bước vào, cũng mặc áo dài khiêu vũ và cũng đang to nhỏ nói chuyện với nhau. Những tấm gương dọc thang gác phản chiếu hình ảnh những vị khách nữ giới mặc áo trắng, áo hồng, áo thiên thanh, châu ngọc và kim cương lóng lánh trên cổ và trên những cánh tay để trần. Natasa nhìn vào gương, và trong những hình ảnh phản chiếu lại nàng không phân biệt được mình trong đám những người khác. Tất cả đều hòa lẫn với nhau thành một chuỗi người sáng rực. Khi bước vào gian phòng thứ nhất tiếng nói chuyện, tiếng chào hỏi, tiếng chân bước pha trộn với nhau thành một tiếng ồn ào đều làm cho Natasa choáng váng; ánh sáng đèn rực rỡ trong phòng chiếu sáng những bộ áo lụa là óng ả và những vật trang trí lóng lánh càng làm cho nàng lóa mắt. Hai vợ chồng chủ nhân đã đứng đến nửa giờ ở cửa vào cũng chào đón gia đình Roxtov với bà Peronxkaya bằng câu “Rất sung sướng được đón tiếp các vị!” mà nãy giờ họ vẫn nói với mọi người. Hai cô thiếu nữ mặc áo dài trắng, cùng cài những đóa hoa hồng giống nhau trên mái tóc huyền, cùng nhún mình xuống chào như nhau, nhưng nữ chủ nhân bất giác dừng mắt lâu hơn nhìn cô Natasa mảnh dẻ. Bà nhìn Natasa, và kèm theo nụ cười nhất loạt của bà chủ nhà còn có một nụ cười riêng dành cho nàng nữa. Nhìn cô bé có lẽ nữ chủ nhân nhớ lại cái thời con gái êm đẹp của bà đã qua không bao giờ còn trở lại. Nhớ lại cả buổi vũ hội đầu tiên của đời mình. Chủ nhân ông cũng nhìn theo Natasa và hỏi bá tước xem cô nào là con gái của bá tước. - Kháu quá! - Ông vừa nói vừa hôn lên đầu ngón tay mình. Trong gian phòng lớn, tân khách đứng dồn lại cạnh cửa ra vào, chờ hoàng thượng đến. Bá tước phu nhân tìm một chỗ ở những hàng đầu của đám đông này. Natasa nghe thấy và cảm thấy có mấy người, hỏi nhau xem nàng là ai và nhìn nàng. Nàng hiểu rằng những người đã để ý đến nàng đều có thiện cảm với nàng, và điều đó làm cho nàng yên tâm một phần. “Có những cô chỉ như chúng mình thôi lại có những cô kém hơn nữa” - nàng nghĩ thầm. Bà Peronxkaya nói cho bá tước phu nhân biết tên những nhân vật quan trọng nhất có mặt trong buổi vũ hội. - Đây là sứ thần Hà Lan, bà có nhìn thấy không, ông tóc bạc ấy! - bà Peronxkaya vừa nói vừa chỉ một ông già thấp bé có bộ tóc bạc rậm và quăn đứng giữa một đám phụ nữ, đang nói một chuyện gì khiến họ cười ồ lên. - Và đây hoa hậu thành Petersburg: bá tước phu nhân Bezukhov, - Bà vừa nói thêm vừa chỉ về phía Elen đang bước, vào phòng. - Đẹp thật! Không thua gì Maria Antonovna. Đấy bà xem, cả già lẫn trẻ đều xúm xít chung quanh. Vừa đẹp lại vừa thông minh… nghe nói hoàng thân X, mê tít cô ta. Còn đấy hai mẹ con cô này tuy xấu nhưng còn được nhiều người xúm quanh hơn nữa. Bà Peronxkaya chỉ một bà đang đi qua gian phòng cùng với một cô con gái rất xấu. - Đó là một “đám” triệu phú, - Bà nói - Và đây là những người cầu hôn. - Đây là em trai của Bezukhov phu nhân - Anatol Kuraghin, - bà vừa nói tiếp vừa chỉ một sĩ quan kỵ mã cận vệ rất tuấn tú đang đi qua cạnh họ, đầu cất cao, mắt đưa qua đầu các cô các bà nhìn vào một chỗ nào không rõ. - Đẹp trai thật, có phải không nào? Nghe nói họ xếp đặt cho anh ta lấy cái cô giàu sụ kia. Cả cái cậu cháu họ của bà nữa, Boris Drubeskoy ấy mà, cũng cố sống chết lao vào. Nghe nói cô ta giàu bạc triệu còn ai nữa, chính sứ thần Pháp đấy mà - bà nói với bá tước phu nhân vì bây giờ phu nhân vừa chỉ Colanhour hỏi xem ông ta là ai. - Bà xem, trông cứ như một vị hoàng đế. Nói chứ người Pháp họ dễ ưa thật, rất dễ ưa. Trên trường giao tế, không ai đáng yêu hơn họ. À, đây rồi! - Không, Maria Antonovna của chúng ta vẫn đẹp hơn cả! Mà ăn mặc giản dị quá! Tuyệt thật! - Còn cái anh chàng kia, to béo, đeo kính ấy, - bà Peronxkaya chỉ Piotr nói tiếp - Một anh hội viên Tam điểm toàn thế giới đấy. Thử đặt anh ta bên cạnh vợ mà xem: đúng là một anh hề chính cống. Piotr đung đưa cái thân hình to béo của mình đi giữa đám đông, vừa gật đầu chào bên này một cái, bên kia một cái, cũng hiền lành lơ đễnh như đi ở giữa chợ. Chàng rẽ đám đông ra mà đi, có vẻ như đang tìm kiếm người nào. Natasa vui mừng nhìn khuôn mặt quen thuộc của Piotr, cái anh hề chính cống như bà Peronxkaya vừa nói. Nàng biết rằng Piotr đang tìm gia đình Roxtov, và đặc biệt là tìm nàng, vì Piotr có hứa với nàng sẽ đến dự vũ hội và sẽ giới thiệu bạn nhảy cho nàng. Nhưng chưa đi đến gia đình Roxtov đứng, Piotr đã dừng lại cạnh một người trẻ tuổi rất đẹp trai, tóc đen, vóc người tầm thước, mình mặc quân phục trắng. Bấy giờ người ấy đang đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với một người đàn ông rất cao lớn đeo dây thao và ngực đầy huân chương. Natasa nhận ra ngay người trẻ tuổi, mặc quân phục trắng ấy: đó là Andrey Bolkonxki. - Lại một người quen nữa kìa, mẹ thấy không? Ông Bolkonxki đấy mà? - Natasa chỉ công tước Andrey nói. - Mẹ có nhớ không, ông ấy có bận ở lại nhà ta ở Otradnoye đấy. - À gia đình bà cũng có quen? - bà Peronxkaya nói. - Tôi thì tôi ghét cay ghét đắng. Hiện nay anh ta đang làm mưa làm gió đấy! Người đâu mà kiêu đến thế. Kiêu thật không lấy đâu chứa cho hết? - Thật giống bố. Anh ta vừa liên kết Xperanxki, hai người cùng viết những bản dự thảo dự thiếc gì đấy. Bà xem anh ta đối xứ với nữ giới kìa! Cô ấy đang nói với anh ta, thế mà anh ta lại quay mặt đi. Với tôi mà như thế thì tôi sửa cho một trận ấy chứ. Chương 16 Bỗng trong phòng nhốn nháo hẳn lên, đám đông bắt đầu xôn xao, ùa tới rồi lại giãn ra, và giữa hai dãy người đứng dạt ra hai bên, nhà vua bước vào phòng trong tiếc nhạc mới cử lên. Tiếp theo sau là hai vợ chồng chủ nhân. Nhà vua đi rất nhanh, gật đầu chào bên phải, bên trái, có vẻ như muốn sao cho chóng thoát khỏi cái phút gặp gỡ chào đón lúc đầu này. Các nhạc công cử một vũ khúc Ba Lan có tiếng hồi bấy giờ soạn ra để tặng hoàng thượng. Lời của bài vũ khúc bắt đầu như sau: “Alekxandr. Elizaveta, chúng tôi ngưỡng mộ hai Ngài”. Nhà vua bước vào phòng khách, đám đông chen chúc ở các cửa lớn; mấy nhân vật vội vã ra vào, vẻ mặt luôn luôn thay đổi cho hợp thức. Được một lúc đám đông lại giãn ra xa cửa phòng khách, vì bấy giờ nhà vua vừa hiện ra trên khung cửa, đang nói chuyện với nữ chủ nhân. Một thanh niên có vẻ mặt hoảng hốt tiến lên phía các mệnh phụ và các tiểu thư yêu cầu họ lùi về một bên. Có mấy bà khách với vẻ mặt tỏ ra đã quên hết những quy ước xã giao, cố sức chen ra phía trước, làm hỏng cả áo, rối cả tóc. Khách nam giới bắt đầu tiến lại gần các khách nữ giới xếp thành đôi để nhảy vũ điệu Ba Lan. Mọi người đều giãn ra, và nhà vua, vẻ mặt tươi cười, chân đi không theo nhịp, cầm tay nữ chù nhân từ cửa phòng khách bước ra. Tiếp theo là chủ nhân ông với phu nhân M.A Naryskina, rồi đến các sứ thần, các quan thượng thư, các vị tướng tá. Bà Peronxkaya không ngớt miệng kể tên họ ra cho vợ chồng Roxtov nghe. Hơn một nửa các tân khách nữ giới đã có bạn nhảy nam và bắt đầu đi hay đang sửa soạn đi theo nhịp Ba Lan vũ. Natasa cảm thấy mình cùng với mẹ và Sonya bị rớt lại trong các thiểu số các cô các bà bị ép vào sát tường và không được mời vào nhảy vũ điệu Ba Lan. Nàng đứng yên, hai cánh tay mảnh dẻ buông thõng xuống bộ ngực mới nhú phập phồng lên xuống đều đặn. Natasa nín thở, đôi mắt hoảng sợ sáng long lanh nhìn thẳng ra trước mặt, vẻ như sẵn sàng đón lấy tất cả những gì sắp đến, dù là nỗi vui sướng tuyệt trần hay nỗi buồn ghê gớm nhất. Hoàng thượng cũng như các nhân vật quan trọng mà bà Peronxkaya đã chỉ tên, nàng đều không để tâm đến, trong tâm trí nàng chỉ có một ý nghĩ: “Chả nhẽ không có ai đến mời mình, chả nhẽ mình không được khiêu vũ cùng với những người khiêu vũ trước tiên. Chả nhẽ tất cả những người đàn ông ấy không có ai để ý đến mình ư? Phải, bây giờ họ hình như không trông thấy mình nữa, và nếu có nhìn mình, thì cũng nhìn với cái vẻ như muốn nói: À? Không phải nàng, nhìn làm gì? Không, không thể như thế được! - Nàng nghĩ thầm - Họ phải biết rằng mình muốn nhảy lắm, mình khiêu vũ rất khá và nhảy với mình vui lắm chứ có phải không đâu”. Những âm điệu của vũ khúc Ba Lan đã kéo dài khá lâu, và bây giờ Natasa nghe nó buồn buồn như một kỷ niệm. Nàng muốn khóc. Bà Peronxkaya đã đi chỗ khác. Bá tước Roxtov bấy giờ đang ở cuối phòng đằng kia, còn bá tước phu nhân, Sonya và nàng thì đứng một mình trong đám người xa lạ, như giữa một cánh rừng, chẳng ai quan tâm; chẳng ai cần đến.Công tước Andrey cùng với một tiểu thư nào đấy lướt qua trước mặt họ. Hình như chàng không nhận ra mẹ con nàng. Chàng Anatol tuấn tú tươi cười nói một câu gì với cô tiểu thư mà chàng dẫn theo bước nhảy, và đưa mắt nhìn Natasa như nhìn một bức tường. Boris hai lần đi ngang qua mặt họ mà lần nào cũng quay mặt sang phía khác. Berg cùng với vợ bấy giờ không khiêu vũ, đi lại gần chỗ họ đứng. Natasa thấy cái cảnh vợ chồng gần gũi như vậy trong một buổi vũ hội là rất chướng; làm như không có chỗ nào để cho hai vợ chồng nói chuyện, phải đến vũ hội mà nói! Nàng không nghe và không nhìn Vera bây giờ đang nói gì với nàng về cái áo xanh lá mạ của mình. Cuối cùng nhà vua dừng lại bên cạnh bà bạn nhảy sau cùng của ngài (ngài khiêu vũ với ba người), âm nhạc ngừng; một viên sĩ quan phụ tá có vẻ lo lắng cuống quýt chạy đến chỗ gia đình Roxtov đứng yêu cầu họ lùi cho tí nữa, chả biết lùi đến đâu: bây giờ họ đã đứng sát tường. Và từ trên bao lơn vọng xuống những âm thanh tách bạch, nhịp nhàng, khoan thai và lôi cuốn của điệu vaxơ. Nhà vua mỉm cười đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt. Một phút trôi qua vẫn chưa có ai bắt đầu. Viên sĩ quan phụ tá có nhiệm vụ điều khiển vũ hội đến gần bá tước phu nhân Bezukhova và mời nhảy.
Nàng mỉm cười đưa tay đặt lên vai viên sĩ quan phụ tá, mắt không nhìn vào người bạn nhảy. Viên sĩ quan điều khiển của hội, vốn đã điêu luyện trong nghề của mình, ôm chặt người bạn nhảy trong tay, bước những bước chắc chắn, ung dung và nhịp nhàng bắt đầu đi một vũ hình lượn vòng quanh. Đến góc phòng viên sĩ quan nắm lấy tay trái của nàng, quay ngược lại, và qua tiếng nhạc ngày càng dồn dập chỉ nghe tiếng cựa giày trên đôi chân nhanh nhẹn và khéo léo của viên sĩ quan lách cách theo điệu đàn, và cứ ba nhịp một tà áo nhung của cô bạn nhảy lại theo đà quay mà bùng lên như ngọn lửa, tỏa rộng ra, Natasa nhìn họ nhảy và chỉ chực khóc vì không được nhảy vòng vanxơ đầu tiên này. Công tước Andrey trong bộ quân phục trắng của đại tá kỵ binh, chân đi giày rất cao, tươi cười và phấn chấn, đang đứng ở những hàng đầu của vòng người đang chờ nhảy, cách chỗ nhóm Roxtov đứng không xa. Nam tước Firhof đang nói chuyện với chàng về phiên họp Hội đồng Quốc gia lần thứ nhất sẽ họp vào ngày mai. Công tước Andrey với tư cách người thân cận với Xperanxki và lại có tham dự vào công việc của Uỷ ban soạn luật, có thể cung cấp những thông tin chính xác về phiên họp sắp đến mà nay người ta đang xôn xao bàn tán. Nhưng chàng không nghe Firhof nói gì cả, chàng hết nhìn vua lại nhìn các tân khách đang sửa soạn ra nhảy nhưng chưa dám đi vào vòng. Công tước Andrey để ý quan sát các khách nhảy nam giới đã trở nên rụt rè vì có mặt hoàng thượng và các tiểu thư đang hồi hộp mong có người đến mời mình nhảy. Piotr đến cạnh công tước Andrey và nắm lấy tay chàng nói: - Anh xưa nay vẫn sẵn lòng khiêu vũ. Ở đây có cô bạn nhỏ của tôi là tiểu thư Roxtov, anh mời cô ấy nhảy đi. - Đâu? - Bolkonxki hỏi, rồi quay sang phía nam tước Firhof, chàng nói - Xin lỗi ngài nhé, câu chuyện này có dịp khác ta sẽ nói cho hết, chứ trong một buổi vũ hội thì phải khiêu vũ. Chàng đi thẳng về phía Piotr vừa chỉ cho chàng. Vẻ mặt hồi hộp, tuyệt vọng của Natasa đập ngay vào mắt chàng. Chàng nhận ra cô bé Otradnoye và đoán được cảm xúc của nàng, hiểu rằng nàng đang dự buổi vũ hội đầu tiên, nhớ lại câu chuyện của nàng bên cửa sổ. Vẻ mặt tươi cười, chàng lại gần bá tước phu nhân Roxtov. - Xin phép giới thiệu với ngài đứa con gái nhỏ của tôi - bá tước phu nhân đỏ mặt nói. - Tôi đã có hân hạnh được quen bá tước tiểu thư nếu tiểu thư còn nhớ tôi, - công tước Andrey vừa nói vừa lễ phép cúi mình rất thấp chào nàng, một cử chỉ hoàn toàn trái ngược với lời bình phẩm của bà Peronxkaya về thói thô lỗ của chàng. Công tước Andrey lại gần Natasa và chưa nói xong câu mời nhảy đã đưa tay ra ôm lấy thân nàng. Chàng mời Natasa nhảy một vòng Valse. Vẻ mặt thẫn thờ của Natasa, vẻ mặt như sẵn sàng đón lấy tất cả dù là hân hoan hay tuyệt vọng, vụt sáng lên với một nụ cười sung sướng, đầy lòng biết ơn, ngây thơ như nụ cười của con trẻ. Và trong khi vừa hoảng sợ vừa sung sướng đưa tay đặt lên vai công tước Andrey, nụ cười của nàng nở qua những giọt nước mắt sắp trào ra dường như muốn nói: “Em đợi anh từ lâu lắm rồi”. Họ là cặp thứ hai bước vào vòng. Công tước Andrey là một trong những người khiêu vũ giỏi nhất thời ấy. Natasa cũng nhảy rất đẹp. Đôi chân bé nhỏ đi giày xa tanh trắng của nàng nhẹ nhàng thoăn thoắt tưởng như nàng không phải điều khiển một tí nào, còn gương mặt nàng thì sáng bừng lên vì mừng rỡ và sung sướng. Cổ và đôi tay để trần của nàng gày và không đẹp. So với đôi vai của Elen, vai nàng mỏng, ngực nàng chưa thành hình, tay nàng mảnh khảnh; nhưng trên người Elen như đã có một lớp sơn của hàng nghìn cái nhìn mơn trớn phủ lên thân hình, còn Natasa thì như một cô bé lần đầu tiên phải mặc áo hở vai, và giả sử người ta không quả quyết nói với cô ta rằng nhất thiết phải như thế mới được thì cô ta sẽ xấu hổ lắm. Công tước Andrey vốn thích khiêu vũ; muốn thoát cho nhanh ra khỏi những câu chuyện về chính trị và những câu chuyện nghiêm túc mà ai cũng muốn nói với chàng, và muốn phá tan cái không khí ngượng ngập trước mặt hoàng thượng đang làm cho chàng rất bực mình, chàng đã ra nhảy, và chàng chọn Natasa là vì Piotr đã giới thiệu với chàng, và vì nàng là người đầu tiên trong số các thiếu nữ xinh xinh mà chàng tình cờ trông thấy. Nhưng công tước Andrey vừa ôm lấy tấm thân mảnh dẻ, linh hoạt của Natasa và trông thấy nàng cử động sát người chàng, mỉm cười với chàng, thì chất men nồng đượm của Natasa đã làm cho chàng ngây ngất: chàng thấy mình trẻ lại và tràn đầy một sinh khí mới mẻ sau khi chàng dừng lại nghỉ sức, dẫn nàng về chỗ cũ và đứng nhìn những người đang khiêu vũ. Chương 17 Sau công tước Andrey, Boris đến mời Natasa nhảy sau đó lại có viên sĩ quan phụ tá đã mở đầu vũ hội, rồi đến mấy người thanh niên nữa. Thỉnh thoảng Natasa lại phải chuyển bớt bạn nhảy của mình cho Sonya. Mặt đỏ ửng và tươi cười sung sướng, nàng khiêu vũ không ngừng suốt cả buối tối. Nàng không hề để ý và không hề trông thấy những điều mà mọi người chăm chú theo dõi trong buổi vũ hội này. Nàng không những không nhận thấy rằng nhà vua nói chuyện rất lâu với sứ thần Pháp, không thấy Người đặc biệt ân cần hỏi chuyện một vị mệnh phụ nào đó, không nhận thấy vị hoàng thân này, vị hoàng thân kia làm những gì, và nói những gì, không nhận thấy Elen được mọi người trầm trồ ca ngợi và được vị này vị nọ đặc biệt chú ý; tất cả những cái đó, nàng không nhận thấy đã đành, nhưng có điều lạ hơn nữa là nàng tuyệt nhiên không nhìn thấy cả hoàng thượng nữa, và sở dĩ đến một lúc nào đó nàng nhận thấy nhà vua đã ra về thì cũng chỉ vì sau đó vũ hội tưng bừng hẳn lên. Trước bữa ăn khuya trong một điệu Cotillon [137] rộn rã tươi vui, công tước Andrey lại nhảy với Natasa. Chàng nhắc cho Natasa nhớ lại buổi gặp đầu tiên trên lối đi vào khu vườn dinh thự Otradnoye và cái đêm sáng trăng mà nàng không ngủ được và chàng đã vô tình nghe lỏm những câu nói của nàng. Nghe nhắc đến chuyện ấy Natasa đỏ mặt và cố thanh minh, tưởng chừng như trong những cảm xúc của nàng đêm hôm ấy có một cái gì đáng cho nàng hổ thẹn. Công tước Andrey, cũng như tất cả những người đã lớn lên trong giới xã giao, vẫn thích gặp ở những nơi giao tế một cái gì không mang khuôn sáo chung của môi trường này. Và Natasa chính là con người như vậy, với vẻ ngơ ngác, mừng rỡ và rụt rè của nàng, và ngay cả những chỗ nhầm của nàng trong khi nói tiếng Pháp. Chàng đặc biệt dịu dàng và trân trọng trong khì tiếp xúc và nói chuyện với nàng về những điều hết sức giản dị và nhỏ nhặt, công tước Andrey ngắm ánh mắt long lanh và nụ cười vui sướng của nàng, nụ cười không dính dáng đến những điều đang nói, mà toát ra từ niềm vui sướng trong tâm hồn nàng. Mỗi khi Natasa được mời, mỉm cười đứng dậy, và bắt đầu khiêu vũ quanh phòng, công tước Andrey đặc biệt chú ý đến dáng người uyển chuyển mà rụt rè của nàng. Giữa điệu Cotillon. Natasa vừa nhảy xong một vũ hình liền trở về chỗ, nàng đang thở hổn hển thì một khách nhảy nam giới đã đến mời nàng. Natasa mệt lắm và hình như toan từ chối, nhưng chợt lại vui vẻ đưa tay để lên vai người khách nhảy và quay lại mỉm cười với công tước Andrey. “Tôi cũng muốn nghỉ và ngồi với anh một lát, tôi mệt rồi; nhưng anh cũng thấy đấy, họ mời tôi nhảy, và tôi cũng mừng, tôi cũng sung sướng thấy họ chọn mình, và tôi quý hết thảy mọi người, và cũng như tôi, chúng mình đều hiểu tất cả những điều đó” - nụ cười của Natasa còn nói nhiều, nhiều điều khác nữa. Khi người bạn nhảy rời Natasa, nàng chạy qua gian phòng để rủ hai người con gái khác cùng ghép thành bộ cho các vũ hình sắp tới. “Nếu nàng đến rủ cô chị họ trước, rồi đến một cô khác, thì nàng sẽ là vợ ta” - bỗng dưng công tước Andrey tự nhủ như vậy trong khi nhìn nàng, và chính chàng cũng không ngờ mình lại có một ý nghĩ đột ngột như vậy, Natasa đến rủ Sonya trước. “Đôi khi người ta có những ý nghĩ thật nhảm nhí! - Công tước Andrey nghĩ thầm, - Nhưng có một điều chắc chắn là cô bé này rất đáng yêu và đặc biệt như thế, thì chỉ khiêu vũ ở đây một tháng là có người hỏi ngay… Người như cô ấy ở đây hiếm lắm” - chàng nghĩ thầm khi Natasa vừa sửa lại đóa hoa hồng cài trên ngực vừa ngồi xuống cạnh chàng. Cuối điệu Cotillon, lão bá tước Roxtov với bộ lễ phục màu xanh của ông đến gần hai người đang nhảy. Ông mời công tước Andrey ghé nhà chơi và hỏi con gái xem nàng có vui không. Natasa không đáp chỉ mỉm cười, một nụ cười nũng nịu như có ý trách: “Điều đó mà ba còn phải hỏi sao?”. - Chưa bao giờ con thấy vui như thế này! - Natasa nói và công tước Andrey để ý thấy đôi tay mảnh dẻ của nàng đưa lên rất nhanh để ôm hôn cha rồi buông xuông ngay. Natasa sung sướng lắm, chưa bao giờ nàng thấy sung sướng như hôm nay. Nàng đang sống trong cái tâm trạng hạnh phúc đến tột độ nó làm người ta tốt hẳn lên và không tin ràng trên đời lại có thể có điều ác có buồn khổ được. Trong buổi vũ hội này Piotr lần đầu tiên cảm thấy nhục vì cái địa vị của vợ chàng trong giới thượng lưu tai mắt. Chàng lầm lì và lơ đễnh. Trên trán chàng một nếp hằn rộng vắt ngang, và chàng đứng bên một khung cửa sổ nhìn qua cặp kính trắng, nhưng chẳng trông thấy gì cả. Trong khi đi sang phòng ăn dùng bữa khuya. Natasa đi ngang trước mặt chàng. Vẻ mặt sa sầm, khổ sở của Piotr khiến nàng kinh ngạc. Nàng dừng lại trước mặt chàng. Nàng muốn giúp đỡ Piotr trút bớt sang cho chàng một phần sung sướng thừa thãi của mình. - Vui quá bá tước nhỉ, - nàng nói, - Có phải không nào? Piotr ngơ ngác mỉm cười, hẳn là không hiểu người ta vừa nói gì với mình. - Vâng, rất hân hạnh, - chàng đáp. “Làm sao họ còn có thể có điều gì buồn bực được nhỉ, - Natasa nghĩ thầm, - Nhất là một người tốt như Bezukhov”. Dưới mắt Natasa, tất cả những người dự buổi vũ hội đều hiền lành, đều đáng yêu như nhau, đều là những người rất tốt biết yêu quý nhau, cho nên tất cả lẽ ra phải sung sướng mới phải. Chương 18 Ngày hôm sau công tước Andrey nhớ lại buổi vũ hội tối qua, nhưng chàng không nghĩ nhiều đến nó: “Phải, buổi vũ hội rất lịch sự. Và lại còn… phải, cô Roxtov rất dễ thương. Ở cô ta có một cái gì tươi mát, đặc biệt, không Petersburg một tí nào, làm cho cô ta khác hẳn những người khác”. Về buổi vũ hội hôm qua chàng chỉ nghĩ có thế, và sau khi uống trà, chàng ngồi vào bàn làm việc. Nhưng không biết vì mệt hay mất ngủ, ngày hôm đó công tước Andrey thấy khó lòng có thể làm việc được. Quả nhiên chàng không làm được việc gì cả; chàng chỉ ngồi tự phê phán công việc của mình như thỉnh thoảng vẫn làm, và rất mừng khi nghe người nhà báo có khách đến. Người khách đó là Bitxki, hiện đang làm việc trong nhiều tiểu ban khác nhau, giao thiệp với đủ các giới ở Petersburg, một người say mê theo đuổi các tư tưởng mới, rất mực thán phục Xperanxki và là một người truyền tin rất sốt sắng ở Petersburg. Bitxki thuộc hạng người chọn khuynh hướng chính trị như chọn áo - chọn theo thời trang, nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ là người hăng hái nhất trong khi bênh vực các khuynh hướng. Vừa kịp bỏ mũ, Bitxki đã xun xoe chạy vào trong phòng công tước Andrey và lập tức bắt đầu nói. Ông ta vừa biết được những chi tiết về phiên họp của Hội đồng Quốc gia sáng nay do hoàng thượng khai mạc, nên vội đem ra kể say sưa. Bài diễn văn của hoàng thượng thật phi thường. Đó là bài diễn văn mà chỉ có các vị vua lập hiến mới có được. “Hoàng thượng nói thẳng ra rằng Hội đồng quốc gia và nguyên lão viện là những đẳng cấp của Nhà nước, rằng việc cai trị không thể dựa trên cơ sở chuyên quyền, mà phải dựa trên những nguyên lý cứng rắn. Hoàng thượng nói rằng tài chính phải được cải cách lại và những bản báo cáo tàì chính phải được đưa ra trước công chúng”. - Bitxki kể lại, cố ý nhấn mạnh một số từ ngữ và giương mắt lên có vẻ bao hàm nhiều ý nghĩa. - Phải, sự kiện hôm nay là cả một kỷ nguyên, kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, - Bitxki kết luận. Công tước Andrey nghe Bitxki kể lại buổi khai mạc Hội đồng Quốc gia mà lâu nay chàng đã nóng lòng chờ đợi và vẫn xem như một việc hết sức quan trọng, nhưng lấy làm lạ rằng bây giờ, sau khi nó đã diễn ra rồi, không những chàng không thấy xúc động gì cả, mà lại còn thấy sự việc đó càng vô nghĩa hơn. Chàng nghe Bitxki say sưa kể, lòng thầm chế giễu ông ta. Một ý nghĩ hết sức đơn giản hiện ra trong tâm trí chàng: “Nhà vua thích nói thế này hay thế khác ở Hội đồng thì việc đó có gì dính dáng đến ta hay đến Bitxki? Tất cả những thứ đó có làm cho ta sung sướng hơn hay tốt hơn lên đâu?”. Và lập luận đơn giản đó trong một nhoáng đã thủ tiêu hết sự quan tâm trước kia của công tước Andrey đối với những cuộc cải cách đang diễn ra. Cũng ngày hôm ấy công tước Andrey sẽ phải dự ở nhà Xperanxki một bữa tiệc thân mật như chủ nhân có nói khi mời chàng. Trước đây công tước Andrey rất quan tâm đến bữa tiệc này: đó là một bữa tiệc ăn thân mật trong phạm vi gia đình và bằng hữu của một con người mà chàng rất khâm phục, đã thế cho đến nay chàng chưa hề được thấy Xperanxki trong cảnh sinh hoạt ở nhà; Nhưng bây giờ chàng không muốn đi. Tuy vậy đến giờ đã định, công tước Andrey cũng bước vào ngôi nhà riêng nho nhỏ của Xperanxki ở cạnh vườn Taorich. Công tước Andrey đến gian phòng ăn lát sàn gỗ bóng của ngôi nhà sạch sẽ lạ thường (nhắc nhở nếp sống sạch sẽ ở tu viện) hơi muộn, nên khi vào đã thấy tất cả cái nhóm thân mật của những người quen thân Xperanxki đã tề tựu đông đủ. Phía phụ nữ không có ai ngoài đứa con nhỏ của Xperanxki khuôn mặt dài dài giống bố, và người nữ gia sư trông nom cô bé. Tân khách thì có Zerve, Marnitxki và Xtolypin. Ngay từ phòng ngoài công tước Andrey đã nghe những giọng nói rất to và một tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng - tiếng cười của các diễn viên trên sân khấu. Một giọng cười giống của Xperanxki buông ra từng tiếng tách bạch: ha… ha… ha… công tước Andrey chưa lần nào nghe Xperanxki cười, nên tiếng cười giòn giã, thanh thanh của nhà chính trị gây cho chàng một ấn tượng kỳ quặc. Công tước Andrey bước vào phòng ăn. Khách và chủ đang đứng ở khoảng giữa hai cửa sổ, bên cạnh một chiếc bàn con bày mấy thức khai vị. Xperanxki ngoài mặc lễ phục xám, đeo một ngôi sao, trong mặc gi-lê trắng và thắt khăn trắng, chắc hẳn vẫn là để treo cổ như thường lệ, chiếc gi-lê và chiếc khăn ông dã mang trong phiên họp trứ danh của Hội đồng Quốc gia, đang đứng cạnh bàn, sắc mặt vui vẻ. Các tân khách đứng quây quần quanh ông. Marnitxki đang kể một mẩu giai thoạn cho Mikhail Mikhailovich. Xperanxki lắng nghe, cười trước để tán thưởng những điều mà Marnitxki sắp nói ra. Khi công tước Andrey bước vào phòng, tiếng của Marnitxki lại bị lấp dưới một trận cười. Xtolypin cười rất to, giọng ồ ồ, trong khi nhai miếng bánh mì cặp phó-mát; Zerve thì cười khì khì, giọng khe khẽ, còn Xperanxki thì cười thanh thanh, giòn giã nghe rõ từng tiếng. Xperanxki trong khi vẫn còn cười chưa dứt, giơ bàn tay trắng, mềm ra cho công tước Andrey, nói: - Rất sung sướng được gặp công tước. Xin phép một chút… - Ông quay sang Marnitxki, ngắt quãng câu chuyện của ông ta - Hôm nay chúng ta giao hẹn với nhau như thế này nhé: đây là một bữa tiệc vui thôi, không ai được nói một câu nào về công việc đấy. - Nói đoạn lại quay sang người kể chuyện và lại cất tiếng cười ha hả. Công tước Andrey ngạc nhiên và thất vọng nghe tiếng cười của Xperanxki. Chàng có cảm giác như đó là một người khác chứ không phải Xperanxki nữa. Tất cả những gì ở Xperanxki mà trước đây công tước Andrey thấy là bí ẩn và đầy sức hấp dẫn thì nay chàng bỗng thấy nó rõ ràng giản dị và chẳng có gì hấp dẫn nữa. Bên bàn tiệc, câu chuyện không phút nào ngớt và dường như là một cuộc lượm lặt những mẩu giai thoại buồn cười. Marnitxki chưa kịp câu chuyện đang kể thì đã có một người khác tỏ ý sẵn sàng kể một chuyện gì còn buồn cười hơn. Phần lớn các giai thoại nếu không đả động ngay đến cái thế giới quan trường, thì cũng dính dáng đến các nhân vật trong quan trường. Hình như đối với nhóm người này sự vô nghĩa của các nhân vật ấy đã là một điều quá hiển nhiên, cho nên đối với họ chỉ có thể là thái độ duy nhất là giễu cợt một cách hiền lành nữa mà thôi. Xperanxki kể rằng trong phiên họp Hội đồng sáng nay có lần người ta hỏi một ông quan đại thần đại điếc xem ý kiến của ông ta thế nào, thì ông ta trả lời là: “Vâng, tôi đồng ý với ngài”. Zerve kể lại cả một vụ thẩm tra rất đáng chú ý vì sự ngu xuẩn của tất cả những người tham dự. Xtolypin vừa nói đáp, vừa xen vào câu chuyện và bắt đầu nói rất hăng về những lối lộng hành dưới trật tự cũ. Ông ta làm cho câu chuyện có cơ xoay sang hướng nghiêm túc. Marnitxki bắt đầu chế giễu các lối bốc đồng của Xtolypin. Zerve chêm một câu nói đùa, và câu chuyện lại quay về hướng bông đùa như cũ. Hẳn là Xperanxki sau khi làm việc mệt nhọc thích nghỉ ngơi và vui chơi với bạn bè, và tất cả các tân khách của ông vốn hiểu điều đó nên cố sức làm cho ông vui và cũng tự mua vui cho mình. Nhưng công tước Andrey cảm thấy cái vui này có một cái gì nặng nề khó nhọc và chẳng vui tí nào cả. Giọng nói thanh thanh của Xperanxki gây cho chàng một cảm giác khó chịu và tiếng cười không ngớt có một âm sắc lạc lõng không hiểu tại sao khiến cho chàng thấy chạnh lòng như bị xúc phạm. Công tước Andrey không cười và cứ lo rằng chủ và khách sẽ thấy khó chịu vì chàng. Nhưng không có ai để ý thấy chàng không ăn ý với không khí vui chung. Mọi người đều có vẻ rất vui. Mấy lần chàng định góp chuyện, nhưng mỗi lần như thế lời của chàng lại bị gạt ra ngoài, như một cái nút chai bật lên trên mặt nước; Và chàng không thể nào cùng đùa bỡn với họ được. Trong những điều họ nói không có gì nhảm nhí hoặc không đúng chỗ, tất cả những lời lẽ của họ đều ý nhị và lẽ ra phải rất buồn cười; nhưng có một cái gì làm thành ý vị của niềm vui thì không những họ thiếu hẳn, mà thậm chí họ cũng không hề biết là có một cái gì như vậy. Sau bữa tiệc, đứa con gái của Xperanxki và người nữ gia sư đứng dậy. Xperanxki đưa bàn tay trắng trẻo ra vuốt má con gái và hôn nó. Cả cử chỉ này nữa, công tước Andrey cũng có cảm tưởng là không tự nhiên. Theo lối Anh, nam giới vẫn ngồi lại bàn tiệc ăn uống rượu Porto. Họ bắt đầu nói chuyện về những cuộc hành quân của Napoléon ở Tây Ban Nha; ai nấy đều đồng ý với nhau tán thành những cuộc chinh phạt đó, trừ công tước Andrey: giữa chừng câu chuyện, chàng bắt đầu phản bác lại ý họ. Xperanxki mỉm cười và hẳn là muốn lái câu chuyện sang hướng khác, kể một mẩu giai thoại không liên quan gì đến câu chuyện đang bàn. Mọi người đều im lặng một lát. Ngồi được một lúc, Xperanxki đậy nút chai rượu lại nói: “Dạo này rượu hiếm lắm” rồi trao chai rượu cho người đầy tớ và đứng dậy. Mọi người đều đứng dậy theo và vẫn trò chuyện rôm rả, đi sang phòng khách. Người nhà vào đưa cho Xperanxki phong thư mà người liên lạc vừa mang lại. Ông cầm lấy và đi vào phòng làm việc. Xperanxki vừa đi khỏi thì mọi người đều im bặt và các tân khách bắt đầu thì thầm bàn bạc với nhau. Xperanxki trong phòng làm việc bước ra nói: - Nào, bây giờ đến lúc ngâm thơ! - Ông quay sang công tước Andrey nói tiếp - Ông Marnitxki đây thật là một tài năng phi thường. Marnitxki lập tức đứng lên lấy dáng diệu và bắt đầu ngâm một bài thơ khôi hài bằng tiếng Pháp do ông ta soạn ra để châm biếm một số nhân vật tai mắt ở Petersburg, cử tọa mấy lần vỗ tạy ở giữa chừng bài thơ. Marnitxki ngâm xong, công tước Andrey lại gần Xperanxki để cáo từ. - Hãy còn sớm, công tước đi đâu bây giờ? - Xperanxki hỏi. - Tôi có hứa sẽ đến dự buổi tiếp tân của… Hai người im lặng một lúc. Công tước Andrey nhìn thẳng vào cặp mắt lạnh lùng, kín như bưng của Xperanxki và tự dưng thấy buồn cười không hiểu sao mình lại có thể đi chờ mong một điều gì Ở Xperanxki và ở tất cả những công việc của mình cùng làm với ông ta. Chàng cười thầm thấy lấy làm lạ mình có thể coi trọng những việc Xperanxki làm. Công tước Andrey ra khỏi nhà Xperanxki rồi, mà tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng và tẻ nhạt ấy vẫn văng vẳng mãi bên tai chàng. Về đến nhà, công tước Andrey ngồi ôn lại cuộc sống của mình ở Petersburg trong bốn tháng gần đây như nhớ đến một cái gì mới mẻ. Chàng nhớ lại những công việc lo toan, chạy vạy của chàng, câu chuyện bản dự án quy chế quân sự của chàng đã được nhận xét duyệt nhưng rồi lại bị người ta cố dìm đi chỉ vì đã có một bản khác, rất tồi, thảo xong và trình lên hoàng thượng; chàng nhớ lại những phiên họp của tiểu ban, trong đó có Berg dự; chàng nhớ rằng trong những phiên họp ấy người ta đã bàn rất kỹ và rất lâu về tất cả những vấn đề liên quan đến hình thức và cách tiến hành các buổi họp của tiểu ban, và đã cẩn thận tránh và bỏ qua nhanh tất cả những vấn đề liên quan đến thực chất của công việc. Chàng nhớ lại bản dự thảo luật pháp của chàng, nhớ đến việc chàng đã sốt sắng dịch các điểu khoản trong hai bộ luật La Mã và của Pháp ra tiếng Nga, và chợt thấy xấu hổ cho mình… Rồi chàng hình dung rõ ràng thấy thôn Bogutsarovo, những công việc của chàng ở thôn quê, chuyến đi Ryazan, chàng nhớ lại những người nông dân, viên thôn trưởng Dron, nhớ mình đã thử áp dụng từng khoản một trong chương Nhân quyền đối với họ, và thấy ngạc nhiên không hiểu tại sao trong bấy nhiêu lâu nay mình lại có thể cặm cụi làm một công việc vô bổ như vậy. Chương 19 Ngày hôm sau công tước Andrey đi thăm mấy nhà quen mà chàng chưa lần nào đến, trong số đó có gia đình Roxtov mà chàng vừa gặp lại trong buổi vũ hội vừa rồi. Ngoài những quy tắc xã giao buộc chàng đến nhà Roxtov, công tước Andrey còn muốn gặp lại trong không khí gia đình người con gái đặc biệt hoạt bát đã để lại cho chàng một kỷ niệm thú vị như thế. Natasa là một trong những người đầu tiên ra đón chàng. Nàng mặc chiếc áo dài xanh thường mặc trong nhà: khi mặc chiếc áo này, công tước Andrey thấy nàng còn xinh hơn cả khi mặc chiếc áo khiêu vũ nữa: Natasa và cả gia đình Roxtov tiếp công tước Andrey như một người bạn cũ niềm nở và giản dị. Trước kia công tước Andrey phê phán gia đình này rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ chàng thấy cả nhà là những người rất tốt, giản dị và hiền lành. Lão bá tước có một thái độ rất mến khách, niềm nở và hồn hậu, một thái độ thật đặc biệt và đáng quý giữa chốn kinh đô này, đến nỗi công tước Andrey không sao từ chối được khi ông mời chàng ở lại ăn bữa cơm chiều. “Phải đây là những con người hiền hậu, rất tốt - công tước Andrey tự nhủ, - Dĩ nhiên họ không thể biết Natasa của họ quý giá đến nhường nào; nhưng họ là những người tốt, họ là một cái nền rất tốt trên đó nổi bật lên người con gái đáng yêu, nên thơ và tràn đầy sức sống”. Công tước Andrey cảm thấy đối với chàng, Natasa là một thế giới đặc biệt, hoàn toàn mới lạ đầy những niềm vui mà chàng chưa hề biết, cái thế giới xa lạ mà hồi nào, trên con đường vào vườn Otradnoye và trong đêm sáng trăng dạo ấy đã từng làm cho chàng xao xuyến, không còn là một thế giới xa lạ nữa; bây giờ chính chàng đang bước vào thế giới đó và tìm thấy ở đó một khoái cảm rất mới mẻ đối với chàng. Sau bữa ăn chiều, theo lời yêu cầu của công tước Andrey, Natasa ngồi bên dương cầm và cất tiếng hát. Công tước Andrey đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với nữ chủ nhân và nghe Natasa hát. Đang nói dở một câu công tước Andrey bỗng im bặt và đột nhiên cảm thấy nước mắt dâng lên nghẹn ngào ở cổ, một cảm giác mà chàng không thể ngờ là mình lại có thể có được. Chàng nhìn Natasa hát, và trong tâm hồn chàng diễn ra một cái gì đó mới mẻ và vui sướng. Chàng thấy vui sướng, nhưng đồng thời cũng thấy buồn rười rượi. Tuyệt nhiên không có gì đề cho chàng khóc cả, nhưng chàng thấy mình sẵn sàng có thể khóc. Khóc vì cái gì? Vì mối tình trước kia chăng? Vì công tước phu nhân Liza nhỏ nhắn chăng? Vì những nỗi thất vọng của chàng hay vì những niềm hy vọng của chàng về tương lai? Cũng có, mà cũng không. Cái chính cho chàng thấy muốn khóc là chàng chợt nhận ra sự tương phản khủng khiếp giữa một cái gì vô cùng to lớn và không thể hình dung bằng lời nói được đã từng có ở trong chàng, với một cái gì chật hẹp và có thể xác, và cái đó chính là chàng trước kia, mà cũng chính là nàng trước kia nữa. Sự tương phản này vừa khiến chàng khổ tâm, vừa làm chàng vui trong khi nghe nàng hát. Vừa hát xong, Natasa lại gần công tước Andrey và hỏi chàng có thích giọng hát của nàng không. Nàng hỏi chàng như vậy, và sau khi hỏi nàng thấy ngượng ngùng vì đã hiểu ra rằng đó là một điều lẽ ra không nên hỏi. Chàng mỉm cười nhìn nàng và nói rằng chàng thích giọng hát của nàng, cũng như tất cả những gì nàng làm. Đêm đã khuya, công tước Andrey từ giã gia đình Roxtov ra về. Chàng theo thói quen lên giường nằm nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra rằng mình không thể nào ngủ được. Khi thì chàng đốt nến lên và ngồi trên giường, khi thì đứng dậy, rồi lại đặt lưng nằm xuống giường, tuy không ngủ được mà không hề thấy khó chịu; tâm hồn chàng tươi vui và mới mẻ quá, dường như chàng vừa từ căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng. Chàng cũng không hề nghĩ rằng mình yêu cô Roxtov; chàng không nghĩ đến nàng; chàng chỉ tưởng tượng thấy nàng và do đó cả cuộc đời chàng hiện ra trước mắt chàng dưới một ánh sáng mới. “Tại sao ta lại sống quằn quại như thế, tại sao ta lại vật vã khổ sở trong cái khung chật chội này, khi mà cuộc đời, tất cả những niềm vui của cuộc đời đã mở rộng trước mắt ta?” - Chàng tự nhủ. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng vui sướng bắt tay vào dự tính chuyện tương lai. Chàng tự quyết định là sẽ lo việc giáo dục cho con trai, thuê một người gia sư và giao con cho người đó dạy dỗ. Sau đó phải từ chức và đi du lịch nước ngoài, sang ý, Thuỵ Sĩ, Anh. Ta phải tận hưởng sự tự do của mình, trong khi còn cảm thấy mình còn nhiều sinh lực trẻ trung như thế này, - chàng tự nhủ - Piotr nói đúng: cần phải tin rằng hạnh phúc có thể có được thì mới có thể hướng hạnh phúc, bây giờ ta cũng tin điều đó. Hãy để cho người chết chôn người chết, còn trong khi còn sống thì phải sống và phải sống cho có hạnh phúc”. Chương 20 Một buổi sáng đại tá Alekxandr Berg, mà Piotr có quen như chàng vẫn quen tất cả mọi người ở Petersburg và Moskva, mặc một bộ quân phục sạch sẽ choáng lộn, hai chòm tóc mai xức đầu thơm chải ra phía trước như tóc mai của Hoàng đế Alekxandr Pavlovich, lên xe đến nhà chàng. Berg mỉm cười nói với Piotr: - Tôi vừa gặp bá tước phu nhân, quý phu nhân, nhưng rủi ro quá lời thỉnh cầu của tôi đã không được chấp nhận, tôi hy vọng rằng với ngài, thưa bá tước, tôi sẽ được may mắn hơn. - Thưa đại tá ngài cần việc gì? Tôi xin sẵn sàng hầu ngài. - Thưa bá tước, nay tôi đã thu xếp xong xuôi gian nhà mới của tôi, - Berg nói, có vẻ như chắc rằng người ta không thể không lấy làm mừng khi được biết điều đó, - cho nên tôi muốn tổ chức gọi là một tối tiếp tân nho nhỏ mời các bạn của tôi và cả nhà tôi (chàng mỉm cười càng tươi tắn hơn). Tôi muốn xin bá tước phu nhân và xin bá tước cho chúng tôi được hân hạnh tiếp ngài ở tệ xá, dùng chén trà và… dùng bữa tối. Chỉ có bá tước phu nhân Elena Vaxilievna, vì cho rằng giao thiệp với hai vợ chồng một anh Berg phất phơ nào đó là quá hạ mình, mới có thể nhẫn tâm từ chối một lời mời như vậy. Berg phân trần cho Piotr hiểu là tại sao chàng lại muốn mời một số ít người quý phái ưu tú đến chơi nhà, tại sao được như thế thì chàng rất hài lòng. Tại sao đối với cờ bạc và những trò chơi nhảm nhí thì chàng tiếc tiền, nhưng đối với việc chiêu đãi các khách quý thì dù có tốn tiền chàng cũng sẵn sàng. Berg giảng giải cặn kẽ đến nỗi Piotr không nỡ từ chối và hứa là sẽ lại. - Nói vô phép, chỉ xin bá tước đừng đến muộn cho: thế là đúng tám giờ kém mười, xin bá tước nhớ cho. Ta sẽ ngồi dăm ván bài, sẽ có cả vị tướng ở đơn vị chúng tôi đến dự. Ông ta đối với tôi rất tốt. Thưa bá tước chúng ta vẽ dùng bữa tối. Xin bá tước vui lòng quá bộ… Trái thói quen của, chàng là bao giờ cũng đến muộn, hôm đó Piotr đến nhà Berg không phải lúc tám giờ kém mười, mà là lúc tám giờ kém mười lăm. Hai vợ chồng Berg đã sửa soạn những thứ cần thiết cho tối tiếp tân và đã sẵn sàng tiếp khách. Họ ngồi trong căn phòng khách mới tinh, sạch sẽ, sáng sủa, bày toàn bàn ghế mới, trang hoàng bằng những bức tượng bán thân nho nhỏ và những bức tranh. Berg mặc bộ quân phục mới bó sát vào người ngồi bên cạnh vợ, giảng giải cho vợ nghe rằng bao giờ cũng cần và có cách làm quen với người có địa vị cao hơn mình, vì chỉ có như thế thì việc giao du mới lý thú. “Có thể bắt chước người ta, lại có thể nhờ vả này nọ. Đấy mình xem từ các cấp bậc thấp trở lên tôi sống như thế nào (Berg tính cuộc đời của mình không phải theo tuổi, mà là theo cấp bậc). Bạn bè tôi bây giờ chưa thành cái gì cả, thế mà tôi lại có diễm phúc được làm chồng mình (chàng đứng dậy và lại hôn tay vợ, nhưng trên đường đi cũng nhớ sửa lại cho ngay ngắn cái góc thảm bị gập). Sở dĩ được như vậy là nhờ đâu? Cái chính là nhờ biết chọn người mà giao du. Dĩ nhiên là cũng phải có đức độ và làm việc cho chu đáo”. Berg mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với người phụ nữ yếu đuối và trầm ngâm nghĩ rằng dù sao người vợ đáng yêu này cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối không thể hiểu nổi tất cả những cái gì làm thành cái phẩm chất của người đàn ông, - ein Mannzusein [138] . Vera trong lúc đó mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với chồng, một người đức độ, tốt nết nhưng theo Vera thì hiểu sai lạc về cuộc sống, như tất cả đàn ông nói chung. Berg bằng vào vợ mình để cho rằng phụ nữ đều là yếu đuối và ngu ngốc. Vera bằng vào con người độc nhất chồng mình để suy rộng ra rằng đàn ông tự gán cho mình cái độc quyền về trí tuệ, nhưng thực ra thì họ chẳng hiểu gì, họ kiêu căng và ích kỷ. Berg đứng dậy ôm lấy vợ, ôm thận trọng để khỏi làm nhàu chiếc áo choàng vai thêu đăng ten mà chàng đã phải trả tiền rất đắt, và hôn vào giữa môi nàng. - Miễn sao đừng có con sớm quá, chàng nói theo một dòng tư tưởng vô ý thức. - Phải, Vera đáp, - Tôi cũng chẳng muốn thế tí nào. Phải sống cho xã hội chứ? - Công tước phu nhân Yuxipova cũng có một chiếc đúng y như thế này, - Berg chỉ vào chiếc áo choàng vai viền đăng ten nói, miệng mỉm cười sung sướng và hồn hậu. Vừa lúc ấy người nhà báo có bá tước Bezukhov đến. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười hể hả, mỗi người đều cho rằng sở dĩ được cái hân hạnh này chính là nhờ mình. “Đấy như thế mới gọi là biết giao du chứ, - Berg nghĩ thầm, - Như thế mới gọi là biết xở sự chứ!” Vera nói: - Chỉ xin anh một điều là khi tôi tiếp chuyện với khách anh đừng ngắt lời tôi - bởi vì tôi biết cách nói chuyện với từng người một và trong giới này nên nói chuyện gì, trong giới kia nên nói chuyện gì. Berg cũng mỉm cười nói: - Không xong đâu; đôi khi nam giới họ cũng cần nói những chuyện giữa đàn ông với nhau chứ? Piotr được đưa vào gian phòng mới tinh khôi. Trong phòng bày thật không biết ngồi vào chỗ nào cho khỏi phá hỏng sự cân đối, sạch sẽ và ngăn nắp trong phòng, cho nên ta chẳng lấy làm lạ rằng trong khi hào phóng mời người khách quý phá vỡ sự cân đối của một chiếc ghế bành hay một chiếc đi-văng, chính Berg hình như cũng phân vân bứt rứt không biết có nên dành để cho khách tự ý chọn lấy cách giải quyết vấn đề này. Piotr phá tan sự cân đối băng cách kéo một chiếc ghế lại ngồi, và hai vợ chồng Berg lập tức khai mạc tối tiếp tân, tranh nhau tiếp chuyện vị khách. Vera đã định sẵn trong trí là với Piotr thì phải nói chuyện về đại sứ quán Pháp, liền bắt đầu vào chuyện này. Berg thì cho rằng cũng cần có một câu chuyện đàn ông, bèn ngắt lời vợ mào đầu một câu chuyện chiến tranh với nước Áo, và đang nói chuyện chung bỗng bất giác nhảy sang những chuyện trù tính riêng của mình: Berg kể lể là hiện nay họ đang đề nghị chàng tham gia vào chiến dịch nước Áo và cắt nghĩa tại sao chàng lại không ưng thuận lời đề nghị đó. Mặc dù câu chuyện chẳng có mạch lạc gì cả và Vera phát cáu lên vì sự can thiệp của một phần tử nam giới, cả hai vợ chồng đều hài lòng cảm thấy lằng tuy chỉ có một vị khách mà tối tiếp tân đã bắt đầu một cách hay ho, và buổi tiếp tân này cũng giống như bất kỳ buổi tiếp tân nào khác, có nói chuyện, có nước trà và có nến thắp sáng trưng. Được một lát có Boris, bạn cũ của Berg, đến dự. Boris hơi thoáng có cái vẻ bề trên khi nói năng với Berg và Vera. Sau Boris thì đến một phu nhân đi với một ông đại tá, rồi đến vị tướng, rồi đến gia đình Roxtov, và bây giờ tối tiếp tân đã hoàn toàn giống như tất cả mọi tối tiếp tân khác. Berg và Vera không kìm nổi một nụ cười vui sướng khi nhìn thấy tân khách đi lại trong phòng, lắng nghe tiếng nói chuyện linh tinh và tiếng áo quần sột soạt. Tất cả đều giống như trong mọi phòng tiếp tân, và giống nhất là vị tướng của Berg. Ông ta khen ngợi gian phòng, vỗ vai Berg và với cái vẻ tự tiện chẳng khác nào một ông bố trong nhà, ông lăng xăng chỉ bảo cho người dọn bàn đánh bài boston. Vị tướng đến gần bá tước Ilya Andreyevich là vị khách quan trọng nhất sau ông ta. Người già thì ngồi với người già, người trẻ thì ngồi với người trẻ, nữ chủ nhân thì ngồi bên chiếc bàn trà có bày những chiếc bánh ngọt đựng trong một cái giỏ bằng bạc, giống đúc như những chiếc bánh ở buổi tiếp tân của nhà Panin; tất cả đều hoàn toàn giống như ở các nhà khác. Chương 21 Piotr với tư cách là một trong những người khách được trọng vọng nhất, phải ngồi vào bàn boston với Ilya Andreyevich, viên tướng và viên đại tá. Piotr ngồi bên bàn boston có thể trông thấy Natasa ở trước mặt, và sự thay đổi kỳ lạ của nàng từ tối vũ hội hôm trước khiến chàng kinh ngạc. Hôm nay Natasa có vẻ trầm ngâm, ít nói, và không những không xinh bằng hôm đi dự vũ hội, mà có lẽ lại còn xấu đi nữa là khác, nếu nàng không có cái vẻ hiền lành và hờ hững đối với tất cả những gì đang ở quanh nàng như bây giờ. “Cô ta làm sao thế nhỉ?” - Piotr nhìn nàng nghĩ thầm. Nàng ngồi bên cạnh chị ở chiếc bàn trà và miễn cưỡng trả lời Boris bấy giờ đã đến ngồi cạnh. Mắt Natasa không nhìn vào chàng. Piotr đánh cả một loạt bài đồng hoa và năm lần phải cầm bài lên khiến cho đối thủ của chàng vô cùng khoái chí; chàng nghe có tiếng chào hỏi và tiếng một người bước vào phòng trong khi chàng đang nhặt bài. Piotr lại đưa mắt nhìn Natasa. “Cô ta làm sao thế?” - Piotr càng kinh ngạc tự nhủ. Công tước Andrey đang đứng trước mặt nàng, vẻ âu yếm và trân trọng, nói với nàng một câu gì không rõ. Nàng đỏ bừng hai má và hình như đang cố ghìm bớt hơi thở phập phồng ngẩng đầu lên nhìn chàng. Và ánh sáng rực rỡ của một ngọn lửa bên trong, trước đây âm ỷ ở tận đẩu đâu, bây giờ đã bùng lên trong ánh mắt nàng. Nàng thay đổi hẳn đi. Đang xấu xí nàng bỗng trở lại y như trong đêm vũ hội. Công tước Andrey lại gần Piotr, và Piotr nhận thấy một sắc thái mới mẻ, trẻ trung trên gương mặt bạn. Trong thời gian đánh bài Piotr đổi chỗ mấy lần, khi thì quay mặt, khi thì quay lưng về phía Natasa, và suốt sáu lần mãn phân [139] chàng quan sát nàng và công tước Andrey. “Có một cái gì rất quan trọng đang diễn ra giữa hai người” - Piotr nghĩ thầm, và một cảm xúc vừa vui mừng vừa chua chát khiến chàng bồi hồi quên cả ván bài đang chơi. Sau sáu lần mãn phân vị tướng đứng dậy bảo là cứ như thế này thì không thể nào chơi được, thế là Piotr liền được miễn. Bây giờ Natasa đang nói chuyện với Sonya và Boris, Vera thì đang mỉm cười rất ý nhị nói một câu gì với công tước Andrey. Piotr đến gần bạn, và sau khi hỏi câu chuyện giữa hai người có gì bí mật không liền ngồi xuống bên cạnh. Vera nhận thấy công tước Andrey chú ý đến Natasa nên cho rằng trong một tối tiếp tân thật sự như tối hôm nay nhất thiết phải có những lời bóng gió tế nhị ám chỉ đến tình cảm, và thừa lúc công tước Andrey đang ngồi một mình liền bắt đầu nói chuyện với chàng về tình cảm nói chung và về em gái mình. Nàng thấy rằng với một vị khách thông minh như vậy (nàng vẫn cho công tước Andrey là một người rất thông minh) thế nào cũng đem cái tài xã giao của mình ra vận dụng mới được. Khi Piotr lại gần hai người, chàng thấy Vera đang say sưa nói chuyện một cách hể hả, còn công tước Andrey thì có vẻ bối rối, một điều mà Piotr rất ít thấy ở chàng.
- Công tước thấy thế nào? - Vera mỉm cười ý nhị nói. - Công tước là người thâm thuý, nên hiểu ngay được tính cách của con người. Công tước thấy Natasa thế nào, cô ta có thể có một tình cảm chung thuỷ được không, cô ta liệu có thể như nhiều phụ nữ khác (ý Vera nói là như mình) đã yêu ai một lần thì trọn đời trung thành với người ấy không? Tôi nghĩ rằng như thế mới là tình yêu chân chính. Công tước nghĩ thế nào? - Tôi mới biết được cô em bà quá ít, - công tước Andrey đáp với một nụ cười chế giễu mà chàng dùng để che đậy sự bối rối của mình, - nên không thể giải đáp một vấn đề tế nhị như vậy. Vả chăng tôi cũng nhận thấy rằng người đàn bà càng ít được yêu bao nhiêu thì lại càng chung thuỷ bấy nhiêu, - chàng nói thêm và nhìn sang Piotr bấy giờ đang lại gần chàng. - Phải, công tước nói đúng: ở thời đại ta - Vera nói tiếp (nàng nhắc đến thời đại ta như những người kiến thức hạn chế thường hay nhắc, và dinh ninh rằng mình đã tìm thấy và phê phán được những đặc trưng của thời đại và nghĩ rằng thuộc tính cũng thay đổi với thời gian). Ở thời đại ta các cô được tự do nhiều quá đến nỗi cái thú được người ta tán tỉnh thường lấn át mất tình cảm chân chính. Và phải thú nhận rằng Natasa rằng rất thích được ngườì ta tán tỉnh. Thấy câu chuyện lại quay trở về Natasa, công tước Andrey cau mày khó chịu; chàng muốn đứng dậy nhưng Vera đã nói tiếp, mỉm cười còn ý nhị hơn trước nữa. - Tôi nghĩ chẳng có ai được người ta tán tỉnh nhiều như cô ấy, Vera nói, - Nhưng mãi cho đến gần đây chưa hề có ai làm cho cô ấy thích thật sự. Đấy bá tước cũng biết đấy, - nàng nói với Piotr - ngay cả Boris cậu anh họ đáng yêu của chúng tôi, cũng thế… mà, cái này ta nói riêng với nhau, cậu ấy cũng là một người đi rất xa vào đất nước ái tình [140] đấy… - Vera nói ám chỉ cái bản đồ ái tình [141] được lưu hành rất rộng. Công tước Andrey cau mày lặng thinh. - Công tước có quen thân Boris thì phải? - Vera nói. - Vâng, tôi có biết anh ấy… - Chắc anh ấy có nói chuyện với công tước về mối tình thơ ấu của anh ấy đối với Natasa? - Trước đây có một mối tình thơ ấu thật à? - công tước Andrey hỏi, mặt đột nhiên ửng đỏ. - Vâng. Công tước cũng biết đấy, sự thân mật giữa hai anh em họ nhiền khi dẫn đến yêu đương: anh em họ cũng như như lửa gần rơm ấy mà. Phải không ạ? - Ồ đúng thế, - công tước Andrey nói, và bỗng hoạt bát lên một cách thiếu tự nhiên, chàng bắt đầu nói đùa với Piotr rằng Piotr cũng nên thận trọng trong khi giao tiếp với mấy người chị em họ năm mươi tuổi của mình ở Moskva, thế rồi giữa những câu chuyện bông lơn chàng bỗng dưng đứng dậy cầm cánh tay Piotr dắt ra một bên. - Cái gì thế anh? - Piotr nói, ngạc nhiên nhìn vẻ hoạt bát kỳ lạ của bạn và chú ý thấy cái nhìn của chàng ném về phía Natasa khi đứng dậy. - Mình có việc cần nói với cậu, cần lắm, - công tước Andrey nói - Cậu cũng biết những chiếc găng phụ nữ của ta đấy (chàng muốn nói đến những chiếc găng của hội Tam điểm trao cho một người hội viên mới kết nạp để tặng người yêu). Tôi… nhưng thôi, sau tôi sẽ nói chuyện với cậu… Và với đôi mắt sáng long lanh kỳ lạ với những cử chỉ thảng thốt, công tước Andrey đến gần Natasa và ngồi xuống cạnh nàng. Piotr trông thấy công tước hỏi nàng một câu gì không rõ và nàng đỏ bừng mặt đáp lại. Nhưng vừa lúc ấy Berg lại gần Piotr, khẩn khoản mời chàng tham dự vào cuộc tranh luận giữa viên tướng và viên đại tá về chiến sự Tây Ban Nha. Berg rất hài lòng sung sướng. Nụ cười mãn nguyện không lúc nào rời khỏi gương mặt chàng. Buổi tiếp tân tối nay rất thành công và hoàn toàn giống như các buổi tiếp tân khác mà chàng đã được dự. Cái gì cũng giống hệt. Những câu chuyện tế nhị của các cô các bà cũng có, những ván bài cũng có, trong phòng lại có một vị tướng nói bô bô, rồi thì ấm xamova, rồi thì bánh ngọt; chỉ còn thiếu một điều mà trong buổi tiếp tân nào chàng cũng thấy có, một điều mà chàng rất muốn bắt chước. Đó là những cuộc nói chuyện to tiếng giữa các tân khách nam giới, tranh luận về một vấn đề gì cho thật quan trọng và lý thú. Bây giờ vị tướng đã khơi đầu một câu chuyện như thế, nên Berg liền kéo vào tham gia. Chương 22 Ngày hôm sau công tước Andrey đến nhà gia đình Roxtov và bá tước Ilya Andreyevich có mời chàng lại dùng bữa chiều; rồi chàng ở lại đấy suốt ngày hôm ấy. Trong nhà mọi người đều đoán biết công tước Andrey đến đây là vì ai, và chàng cũng không che giấu, suốt ngày luôn tìm cách nói chuyện với Natasa. Không phải một mình Natasa, sợ hãi nhưng sung sướng và hân hoan, mà cả nhà đều có một cảm giác hồi hộp trước một cái gì quan trọng đang sắp sửa diễn ra. Bá tước phu nhân đưa đôi mắt buồn buồn nghiêm nghị nhìn công tước Andrey khi chàng nói chuyện với Natasa và rụt rè, ngượng nghịu mào đầu một câu chuyện vu vơ mỗi khi chàng nhìn sang phu nhân. Sonya không dám để Natasa một mình, nhưng cũng sợ ngồi đấy sẽ làm phiền cho hai người. Mỗi khi công tước Andrey và Natasa ngồi lại một mình, Natasa tái mặt đi, hồi hộp chờ đợi. Công tước Andrey làm cho nàng ngạc nhiên vì vẻ rụt rè của chàng. Nàng cảm thấy chàng cần nói với nàng một việc gì đấy, nhưng chưa dám nói. Đến tối khi công tước Andrey ra về, bá tước phu nhân lại gần Natasa và thì thầm hỏi nàng: - Thế nào con? - Mẹ ơi, con van mẹ, mẹ đừng hỏi gì con bây giờ hết. Con không thể nói được. - Natasa đáp. Nhưng tuy vậy tối hôm ấy Natasa, khi thì xúc động, khi thì hoảng sợ, hai mắt đờ đẫn đi, đã nằm rất lâu trong giường mẹ, nhìn trân trân phía trước mặt. Nàng kể cho mẹ nghe công tước Andrey đã khen nàng như thế nào, chàng nói mình sẽ đi du lịch nước ngoài ra sao. Chàng có hỏi mùa hè năm nay gia đình nàng sẽ ở đâu, lại hỏi nàng về chuyện Boris nữa. - Nhưng, con chưa bao giờ thấy như thế cả, chưa bao giờ! - nàng nói - Chỉ có điều là trước mặt anh ấy con sợ lắm, bao giờ con cũng thấy sợ. Như thế là thế nào? Như thế tức là… thực sự rồi đấy phải không mẹ? Mẹ ơi, mẹ ngủ đấy à? - Không đâu con ạ, chính mẹ cũng thấy sợ - mẹ nàng đáp - Thôi con về đi ngủ đi. - Dù sao con cũng không ngủ đâu. Sao lại ngủ! Mẹ ơi, mẹ ơi, chưa bao giờ con thấy như thế này cả - nàng nói, lòng ngạc nhiên và sợ hãi trước cái cảm xúc mà nàng vừa nhận ra trong lòng mình. - Ai ngờ… Natasa có cảm tưởng là ngay từ khi trông thấy chàng lần đầu tiên ở Otradnoye, nàng đã yêu chàng rồi. Nàng như hoảng sợ trước cái hạnh phúc kỳ lạ, bất ngờ ấy: người mà lòng nàng đã chọn ngay từ dạo ấy (bây giờ nàng tin chắc như vậy), chính người ấy nay lại gặp nàng và hình như không phải là dửng dưng đối với nàng. “Và chàng đã tự dưng đến Petersburg trong khi nhà ta ở đây, dường như cố ý vậy Rồi ta lại gặp chàng trong buổi vũ hội ấy. Những điều đó đều là định mệnh. Rõ ràng định mệnh đã đưa mọi việc đến chỗ này. Ngay từ khi chỉ mới trông thấy chàng ta đã có một cảm giác gì rất đặc biệt”. - Công tước còn nói gì với con nữa không? Thơ gì thế này? - Con đọc đi… - bá tước phu nhân trầm ngâm nói, ý muốn hỏi về mấy câu thơ mà công tước Andrey viết vào quyển an-bom cho Natasa. - Mẹ ơi, anh ấy góa vợ như thế có làm sao không hở mẹ? - Thôi con ạ, con đừng nói nữa. Con hãy cầu nguyện Chúa đi. Những cuộc hôn nhân đều do trời định cả! - Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, con bồ câu nhỏ của con, con yêu mẹ quá, con sung sướng quá! - Natasa kêu lên. Nàng khóc những giọt nước mắt hạnh phúc và xúc động, và ôm chầm lấy mẹ. Cũng trong lúc ấy công tước Andrey ngồi ở nhà Piotr và nói cho bạn biết mình yêu Natasa và đã nhất quyết lấy nàng. Ngày hôm ấy ở nhà bá tước phu nhân Elena Vaxilievna có buổi dạ hội long trọng, đến dự có cả sứ thần Pháp, một vị hoàng thân gần đây đã trở thành một vị khách rất chuyên cần của nhà bá tước phu nhân, và nhiều nam nữ tân khách quyền quý khác. Piotr xuống nhà, đi qua các phòng và khiến cho các tân khách kinh ngạc về cái vẻ lầm lỳ, đăm chiêu và lơ đễnh của chàng. Từ buổi vũ hội hôm trước Piotr bắt đầu thấy mình có chứng bệnh u uất và đã hết sức cố cưỡng lại. Từ khi vị hoàng thân nọ bắt đầu làm thân với vợ chàng, đùng một cái Piotr được thăng lên là thị thần và từ dạo ấy giữa những nơi xã giao thượng lưu chàng bắt đầu thấy buồn bực và hổ thẹn, và càng ngày chàng lại thấy hay có lại những tư tưởng yếm thế trước kia, nghĩ rằng tất cả những cái gì thuộc xã hội loài người đều là hư ảo phù phiếm. Bấy giờ chàng để ý thấy cái tình cảm giữa cô bé Natasa mà chàng che chở và công tước Andrey, và sự tương phản giữa tình cảnh của chàng với tình cảnh của bạn càng làm tăng thêm tâm trạng u uất của chàng. Chàng cố tránh không nghĩ đến vợ, cũng như không nghĩ đến Natasa và công tước Andrey. Chàng lại thấy tất cả đều vô nghĩa so với cái vĩnh cửu vô tận, vấn đề “để mà làm gì?” lại hiện lên trong tâm trí chàng. Và suốt ngày đêm chàng tự ép mình làm những công việc của hội Tam điểm, mong ngăn chặn được sự ám ảnh. Khoảng hơn mười một giờ đêm chàng rời bỏ các căn phòng của bá tước phu nhân về căn phòng của mình trên gác, một căn phòng thấp, trần ám khói, chàng mặc chiếc áo thụng đã sờn cũ, ngồi vào bàn, và đang chép lại nguyên bản các văn kiện Scotland [142] thì có người bước vào phòng chàng. Đó là công tước Andrey. - À anh đấy ư, - Piotr nói, vẻ lơ đãng và như có ý không bằng lòng. - Tôi đang làm việc đây - chàng vừa nói vừa chỉ vào quyển vở với cái vẻ một người bất hạnh lấy công việc để khuây khỏa những nỗi buồn khổ của cuộc sống. Công tước Andrey, gương mặt rạng rỡ, hân hoan và đầy một sức sống mới mẻ, dừng lại trước mắt Piotr và không nhận thấy vẻ mặt buồn rười rượi của bạn, chàng mỉm cười nhìn Piotr với cái ích kỷ của những người đang sung sướng. - Đây cậu ạ - chàng nói, - hôm qua mình định nói với cậu chuyện mà chưa nói được, nên hôm nay mình đến gặp cậu vì chuyện ấy đây. Chưa bao giờ mình thấy một cái gì tương tự cả. Bạn ạ, mình đã yêu. Piotr bỗng thở dài não ruột và gieo cái thân hình nặng nề của mình xuống đi-văng, bên cạnh công tước Andrey. - Natasa Roxtov, phải không? - chàng nói. - Phải rồi, phải rồi, chứ còn ai nữa? Chính mình cũng không ngờ, nhưng cảm xúc ấy không sao cưỡng lại được. Hôm qua, mình dằn vặt đau khổ, nhưng dù đổi những phút đau khổ ấy lấy tất cả những gì quý giá nhất trên đời này mình cũng không đổi. Trước kia mình chưa hề biết sống là gì. Đến giờ mình mới sống, nhưng mình không thể sống không có cô ấy được. Nhưng cô ấy có thể yêu mình không? Mình hơn tuổi cô ấy nhiều quá… sao cậu chẳng nói gì cả thế? - Tôi? Tôi ấy à? Tôi đã nói với anh mà, - Piotr bỗng đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa nói. - Tôi trước nay vẫn nghĩ thế. Cô ấy thật là hòn ngọc, thật là một người con gái hiếm có… Anh ạ tôi van anh, anh đừng nghĩ khôn nghĩ dại gì nữa, đừng hoài nghi gì nữa anh lấy cô ấy đi, lấy đi, lấy đi… Và tôi tin chắc rằng sẽ không có người nào hạnh phúc hơn anh đâu. - Nhưng còn cô ấy? - Cô ấy yêu anh. - Đừng nói bậy… - công tước Andrey nói, mỉm cười nhìn vào mặt Piotr. - Yêu! Tôi biết mà! - Piotr quát lên về giận dữ. - Không cậu ạ, - công tước Andrey vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Piotr, - Cậu nghe đây, cậu có biết tôi đang ở trong tình trạng như thế nào không? Tôi đang cần nói hết với một người nào. - Nào, anh nói đi, nói đi, tôi rất sung sướng, - Piotr nói, và quả nhiên vẻ mặt của chàng thay đổi hẳn. Cái hằn ngang trên trán biến mất, và chàng vui vẻ lắng nghe công tước Andrey nói. Công tước Andrey có vẻ là một người khác hẳn, và quả thật đã trở thành một người khác. Không còn lấy một dấu vết vẻ chua chát, khinh đời, thất vọng trước đây. Piotr là người duy nhất mà chàng có thể thổ lộ tâm can, cho nên chàng đã nói hết tâm sự của mình, không trừ một điều gì. Khi thì chàng dễ dãi và mạnh dạn dự định chuyện tương lai dài, bảo chàng không thể hy sinh hạnh phúc của mình vì những mục đích gàn dở của cha chàng, rằng chàng sẽ làm cho ông cụ phải ưng thuận cuộc hôn nhân này và yêu mến Natasa, hoặc không cần cụ ưng thuận cũng được; khi thì chàng lại ngạc nhiên về cái tình cảm đang tràn ngập trong lòng chàng, giống như một cái gì kỳ dị, xa lạ, không lệ thuộc vào chàng. Nếu trước đây có ai nói với tôi rằng tôi có thể yêu như vậy tôi sẽ không tin, - công tước Andrey nói. - Đây hoàn toàn không như cái tình cảm mà tôi đã từng có trước kia. Bây giờ đối với tôi tất cả vũ trụ chia ra làm hai phần, một phần là cô ấy, và cùng với cô ấy là hạnh phúc, hy vọng, ánh sáng; còn phần kia là tất cả những nơi nào không có cô ấy; ở đấy hoàn toàn là tiêu điều và tối tăm. - Tối tăm và mù mịt, - Piotr nhắc lại, - Phải, phải tôi rất hiểu điều đó - Tôi không thể không yêu ánh sáng, tôi không có lỗi gì trong việc đó Và tôi rất sung sướng. Cậu có hiểu tôi không? Tôi biết rằng cậu rất mừng cho tôi. - Phải, phải, - Piotr xác nhận. Chàng đưa đôi mắt dịu dàng và buồn rầu nhìn bạn, chàng càng thấy số phận của công tước Andrey tươi sáng bao nhiêu, thì số phận bản thân chàng lại càng hiện ra tối đen bấy nhiêu. Chương 23 Muốn kết hôn công tước Andrey phải được cha ưng thuận, cho nên ngày hôm sau chàng lên đường về nhà. Nghe con trai báo tin ấy, lão công tước bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng trong lòng thì rất căm giận. Ông không thể hiểu tại sao lại có người muốn thay đổi cuộc sống, đưa vào cuộc sống một cái gì mới, trong khi đối với ông cuộc sống đã kết thúc rồi: “Miễn là chúng nó để cho mình sống những ngày còn lại như mình thích ý, rồi sau đó chúng muốn làm gì thì làm” - Ông già tự nhủ. Tuy vậy, đối với con trai ông vẫn phải sử dụng cái thuật ngoại giao mà ông dành cho những trường hợp quan trọng. Ông lấy giọng bình tĩnh, bàn bạc với con trai về việc này. - Trước hết, hôn nhân này không được tốt đẹp về mặt gia đình của cải và dòng dõi. Thứ hai là công tước Andrey không còn son trẻ gì nữa và lại kém sức khỏe (ông cụ nhấn mạnh đặc biệt điểm này), còn cô ta thì lại rất trẻ. Thứ ba là công tước Andrey có một đứa con, mà giao cho một cô bé như vậy nuôi nấng thì thật chẳng đành lòng. Và cuối cùng, thứ tư - lão công tước nhìn con một cách ngạo nghễ nói - Tôi xin anh hoãnn việc này một năm, anh hãy đi du lịch đi đã, dưỡng sức đi, và tìm một anh thầy học người Đức cho công tước Nikolai như anh đã định, rồi sau đó, nếu cái luyến ái, cái nhiệt tình, cái lòng son dạ sắt ấy - anh muốn gọi là cái gì thì gọi - quả thật to lớn như vậy, thì lúc ấy hẵng cưới vợ. Và đó là ý kiến cuối cùng của tôi đấy anh biết chưa, ý kiến cuối cùng của tôi đấy… - công tước kết thúc với một giọng nói tỏ ra rằng không có gì có thể làm cho ông thay đổi ý kiến được nữa. Công tước Andrey thấy rõ là ông cụ hy vọng tình cảm của chàng hay Natasa sẽ không qua nổi một năm thử thách, hoặc giả chính ông sẽ chết trong thời gian ấy, nên chàng quyết định làm theo ý cha: cầu hôn và xin khất một năm. Ba tuần sau buổi tối cuối cùng ở nhà gia đình Roxtov, công tước Andrey lại trở về Petersburg. Sau buổi tâm sự với mẹ một hôm, Natasa đợi Bolkonxki suốt ngày, nhưng chàng không đến, ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa cũng như vậy. Piotr cũng không thấy đến và Natasa không biết công tước Andrey đã về nhà cha nên không thể nào hiểu được tại sao chàng không đến. Ba tuần trôi qua như vậy. Natasa chẳng buồn đi đâu cả và như một cái bóng, bơ phờ và uể oải nàng đi lang thang trong các phòng. Đến tối nàng lần ra một chỗ kín ngồi khóc và tối tối không chạy sang phòng mẹ nữa. Nàng đâm ra hay đỏ mặt và dễ phát bẳn. Nàng có cảm giác là mọi người đều biết nàng thất vọng nên chế nhạo và thương hại nàng. Trong khi nỗi buồn trong lòng nàng đang mãnh liệt thì nỗi buồn về lòng tự ái bị tổn thương lại càng làm cho nàng thêm khổ. Một hôm nàng đến phòng bá tước phu nhân, định nói với mẹ một điều gì nhưng giữa chừng bổng khóc òa lên. Nước mắt của nàng là những giọt nước mặt của một đứa trẻ tủi thân vì không hiểu mình đã làm gì mà bị phạt. Bá tước phu nhân bắt đầu an ủi Natasa. Lúc đầu nàng còn nghe mẹ nói, nhưàg đột nhiên nàng ngắt lời mẹ. - Thôi mẹ đừng nói nữa mẹ ạ, con cũng chẳng nghĩ gì đâu, con không muốn nghĩ ngợi gì hết! Thế đấy, đến chơi, rồi thôi không đến nữa, không đến nữa… Giọng nàng nói run run, nàng suýt khóc òa lên, nhưng lại nín được và điềm tĩnh nói tiếp: - Mà con cũng chẳng muốn lấy chồng tí nào hết. Con cũng sợ anh ấy, bây giờ con đã bình tĩnh lại rồi, bình tĩnh hẳn rồi. Ngày hôm sau Natasa mặc chiếc áo cũ mà nàng tin rằng sáng sáng mặc vào vẫn thường đem lại cho nàng một ngày vui vẻ, và từ sáng nàng lại bắt đầu sinh hoạt như ưước kia, lối sinh hoạt mà nàng đã bỏ đi từ hôm đi dự hội. Uống nước trà xong, nàng đi vào gian phòng mà nàng văn ưu thích đặc biệt vì nó có tiếng vang rất mạnh, rồi nàng bắt đầu hát các bài luyện giọng. Tập xong bài thứ nhất, nàng ra đứng ở giữa phòng và hát lại một câu mà nàng rất thích. Nàng vui vẻ lắng nghe những âm thanh của câu ca hòa lẫn vào nhau vang dội khắp khoảng trống của gian phòng rồi chậm rãi tan đi. Âm hưởng huyền diệu ấy nàng có cảm tưởng như bây giờ nàng mới chợt nghe thấy, và nàng bỗng vui hẳn lên. “Nghĩ nhiều đến chuyện ấy làm gì, như thế này cũng thích lắm rồi” - nàng tự nhủ và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, nhưng không bước như thường trên sàn gỗ, mà cứ mỗi bước đi lại đặt gót giày xuống trước (nàng đang đi đôi giày mới mà nàng rất thích) rồi lại ấn mũi giày xuống, và cũng vui mừng khi nghe tiếng hát của mình, nàng lắng nghe tiếng gót giày gõ cồm cộp đều đặn trên sàn gỗ và tiếng kin kít của mũi giày. Đi ngang tấm gương, nàng đưa mắt nhìn vào. “Mình đây! - vẻ mặt nàng hình như nói thế khi nàng trông thấy mình ở trong gương. - thế này là tốt lắm. Mình chẳng cần đến ai cả”. Một người đầy tớ muốn vào phòng để dọn đẹp, nhưng nàng không cho, đóng sập cửa và tiếp tục đi đi lại lại. Sáng hôm ấy nàng lại trở về với tâm trạng ưa thích của nàng là tự thấy yêu mình và thán phục mình. “Cái cô Natasa ấy tuyệt thật! - nàng lại tự nói một mình, thay cho một nhân vật thứ ba nào đấy, một nhân vật chung chung bao gồm toàn bộ giới đàn ông. - Xinh này, có giọng hát, lại trẻ măng, và lại không làm phiền ai cả, miễn là để cho cô ta yên thôi”. Nhưng dù người ta có để cho cô ta yên như thế nào thì Natasa không còn có thể yên tĩnh được nữa rồi, và cũng cảm thấy ngay như vậy. Ngoài phòng áo có tiếng mở cửa và có ai hỏi: “có nhà không?”. Rồi có tiếng chân người bước vào nhà. Natasa đang ngắm mình trong gương nhưng không trông thấy mình. Nàng mải lắng nghe những tiếng động ở phòng áo. Khi nàng trông thấy mình trong gương, da mặt nàng tái xanh. Chính là chàng. Nàng biết chắc như vậy tuy chỉ thoáng nghe tiếng chàng văng vẳng qua một lần cửa đóng kín. Natasa, mặt tái mét và vẻ hốt hoảng, chạy vào phòng khách. - Mẹ ơi, anh Bolkonxki đến! - nàng nói - Mẹ ơi, sợ quá, không thể chịu được nữa! Con không muốn khổ sở mãi thế này! Con biết làm thế nào bây giờ? Bá tước phu nhân chưa kịp trả lời nàng thì công tước Andrey, vẻ mặt xúc động và nghiêm trang bước vào phòng khách. Trông thấy Natasa mặt chàng bừng sáng lên. Chàng hôn tay bá tước phu nhân và hôn tay Natasa rồi ngồi xuống chiếc đi-văng. - Đã lâu chúng tôi không được hân hạnh… - bá tước phu nhân mở đầu, nhưng công tước Andrey đã ngắt lời, đáp lại câu hỏi của bà và hình như muốn nói cho nhanh những điều chàng đang cần nói. - Suốt thời gian vừa rồi tôi không lại nhà được vì tôi phải về gặp cha tôi: tôi có việc rất quan trọng cần bàn với cha tôi. Đêm hôm qua tôi mới lại trở về đây, - chàng nói và đưa mắt nhìn Natasa. - Tôi cần thưa chuyện với phu nhân, - chàng nói thêm sau một phút im lặng. Bá tước phu nhân thở dài và cụp mi mắt xuống. - Tôi xin sẵn sàng nghe ông, - phu nhân nói. Natasa biết rằng mình cần phải đi chỗ khác, nhưng nàng không đi được: có một cái gì chẹn ở cổ, và không kể gì lễ tiết, nàng mở to hai mắt nhìn thẳng vào công tước Andrey. “Bây giờ? Ngay phút này? Không, không thể như thế được!” Natasa nghĩ thầm. Công tước Andrey lại nhìn nàng, và cái nhìn đó khiến nàng tin chắc rằng mình không nhầm. - Phải, ngay giờ phút này số phận của nàng đang được định đoạt. - Con hãy ra ngoài đi đã Natasa ạ, mẹ sẽ gọi con, - bá tước phu nhân nói nhỏ. Natasa đưa đôi mắt hoảng sợ, van lơn nhìn công tước, nhìn mẹ rồi ra ngoài. Công tước Andrey nói: - Thưa bá tước phu nhân, tôi đến đây để xin hỏi tiểu thư, ái nữ của phu nhân. Mặt bá tước phu nhânđỏ bừng lên, nhưng bà không nói gì. - Lời cầu hôn của anh… - bá tước, phu nhân mở đầu, giọng nghiêm trang. Chàng im lặng, nhìn vào mặt phu nhân. - Lời cầu hôn của anh… (phu nhân lúng túng một lát) đối với chúng tôi rất quý, và tôi xin nhận lời, tôi rất sung sướng. Và cả chồng tôi nữa… tôi hy vọng rằng chồng tôi cũng… nhưng tất cả đều tuỳ ở nó… - Tôi sẽ xin nói với tiểu thư khi nào đã được phu nhân chấp thuận… Xin phu nhân cho biết phu nhân có vui lòng ban cho tôi lời chấp thuận đó không? - Công tước Andrey nói. - Tôi xin nhận lời, - bá tước phu nhân nói đoạn đưa tay ra cho chàng, rồi với một cảm xúc lẫn lộn, vừa xa lạ vừa trìu mến, bà đặt môi lên trán chàng khi chàng cúi xuống hôn tay bà. Bá tước phu nhân muốn yêu chàng như con trai mình nhưng lại cảm thấy chàng là một người xa lạ, đáng sợ đối với mình. - Tôi tin chắc rằng nhà tôi sẽ ưng thuận, - bá tước phu nhân nói, - Nhưng cụ thân sinh của anh… - Tôi đã trình bày ý định của tôi cho cha tôi rõ, và ông cụ đã đưa ra một điều kiện nhất quyết là một năm nữa làm lễ cưới thì Người mới chấp thuận. Điều đó tôi cũng xin trình bày để phu nhân rõ - Quả tình Natasa cũng còn trẻ lắm, nhưng… lâu thế kia ư? - Không thể nào khác được, - công tước Andrey thở dài đáp. - Để tôi gọi em nó ra, - bá tước phu nhân nói và ra khỏi phòng. - Xin Chúa phù hộ chúng con! - phu nhân vừa lẩm bẩm vừa đi tìm con. Sonya nói Natasa đang đứng trong buồng ngủ. Natasa ngồi trên giường của nàng, mặt tái xanh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào mấy bức tượng thánh và vừa làm dấu chữ thập rất nhanh vừa thì thào nói gì không rõ. Trông thấy mẹ, nàng chôm dậy và chạy ra đón. - Thế nào hở mẹ? Sao? - Con ra đi, con ra với anh ấy. Anh ấy xin lấy con đấy, - bá tước phu nhân nói với một giọng mà Natasa có cảm tưởng là lãnh đạm… - Ra đi… đi đi con, - phu nhân nói giọng buồn rầu trách móc, nhìn theo Natasa đang chạy ra ngoài, và thở dài. Natasa không nhớ rõ mình đã vào phòng khách như thế nào. Bước qua ngưỡng cửa và trông thấy công tước Andrey, nàng dừng lại. “Có thể nào con người xa lạ ấy bây giờ đối với ta đã trở thành tất cả?” - nàng tự hỏi và trong giây lát đã tự trả lời: “Phải, tất cả: chỉ mỗi mình người đó thôi bây giờ đối với ta còn quý hơn tất cả mọi vật trên đời”. Công tước Andrey lại gần nàng, hai mắt nhìn xuống. - Tôi đã yêu cô từ phút đầu trông thấy cô. Tôi có thể hy vọng được chăng? Chàng nhìn nàng, và vẻ mặt say đắm và nghiêm trang trên khuôn mặt nàng khiên chàng kinh ngạc. Vẻ mặt nàng như nói: “Anh còn hỏi làm gì? Tại sao lại còn hoài nghi về một điều mà anh không thể không biết được? Nói để làm gì, một khi lời nói không thể bày tỏ nổi những gì mình đang cảm xúc?” Nàng lại gần chàng và dừng lại. Chàng cầm lấy tay nàng và hôn lên bàn tay. - Cô có yêu tôi không?
- Có… có… - Natasa nói như có ý bực bội; nàng thở dài rất mạnh, rồi thở dài lần nữa, mỗi lúc một thở gấp, cất tiếng khóc nức nở. - Tại sao cô khóc? Cô làm sao thế? - Ôi em sung sướng quá, - Natasa đáp, mỉm cười qua nước mắt, nhích lại gần chàng, do dự một lát như để tự hỏi xem có thể làm như vậy được không và ôm hôn chàng. Công tước Andrey cầm tay nàng, nhìn vào mặt nàng và thấy trong tâm hồn mình không còn cái tình yêu trước đây nữa. Trong tâm hồn chàng bỗng có một sự đảo lộn; niềm ước mong thơ mộng và huyền bí trước kia không còn nữa, thay vào đấy là lòng ái ngại cho sự yếu đuối của nàng, sự yếu đuối của một người đàn bà, của một đứa trẻ, là một mối lo âu trước lòng tận tuỵ và lòng tin cậy của nàng, là một ý thức nặng nề và đồng thời vui sướng về cái bổn phận đã vĩnh viễn gắn bó Natasa với chàng. Tình cảm của chàng hiện nay, tuy không tươi sáng và nên thơ như trước kia, nhưng lại thâm trầm hơn và mạnh mẽ hơn. - Mẹ đã nói với cô là phải đợi một năm nữa chưa? - công tước Andrey nói, mắt vẫn nhìn vào mặt nàng. “Thế ra mình, con bé con (như mọi người vẫn thường nói) - Natasa nghĩ thầm, - thế ra mình bây giờ, từ phút này đã là một người vợ, là người ngang hàng với con người xa lạ kia, người mà cả cha mình cũng kính trọng? Thế ra đây là chuyện thật ư? Thế ra bây giờ mình đã lớn, bây giờ mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm hay mình nói, thật thế ư? Nhưng anh ấy vừa hỏi mình cái gì thế nhỉ?” - Chưa ạ. - nàng đáp, nhưng không hiểu câu chàng vừa hỏi. - Cô tha lỗi cho, - công tước Andrey nói, - Nhưng cô còn trẻ lắm, còn tôi thì đã từng trải nhiều. Tôi sợ thay cho cô. Cô chưa biết rõ mình. Natasa chăm chú nghe, cố gắng hiểu nghĩa những lời chàng nói, nhưng vẫn không hiểu. Công tước Andrey nói tiếp: - Tuy rất khổ tâm vì thời gian đó sẽ trì hoãn hạnh phúc của tôi nhưng dù sao trong một năm ấy cô cũng có thể hiểu rõ mình thêm. Một năm nữa xin cô đem lại hạnh phúc cho đời tôi; nhưng cô vẫn tự do: cuộc đính hôn của chúng ta sẽ được giữ kín, và nếu cô dần dần thấy rõ rằng cô không yêu tôi, hoặc nếu cô vẫn yêu tôi… - công tước Andrey nói với một nụ cười gượng gạo. - Sao anh lại nói thế? - Natasa ngắt lời chàng. - Anh cũng biết rằng em yêu anh từ hôm anh đến Otradnoye lần đầu, - nàng nói, trong lòng tin chắc rằng điều mình vừa nói là đúng sự thật. “Trong một năm cô sẽ biết rõ mình…” - Cả một năm trời! - Natasa bỗng thốt lên, mãi bây giờ nàng mới hiểu rằng cuộc hôn nhân đã bị hoãn lại một năm. - Nhưng tại sao lại một năm nữa? Tại sao lại một năm? Công tước Andrey bắt đầu giảng giải cho nàng nghe những nguyên nhân của việc trì hoãn này. Natasa không nghe chàng nói. - Không thể nào khác được ư? - nàng nói. Công tước Andrey im lặng không đáp, nhưng vẻ mặt của chàng tỏ rõ rằng không thể nào thay đổi điều đó được. Khủng khiếp quá! Không, như thế thì khủng khiếp quá! Natasa bỗng thốt lên và khóc nức nở. - Phải đợi một năm thì em chết mất. Không thể như thế được, như thế thì khủng khiếp quá. Nàng nhìn lên khuôn mặt của vị hôn phu và nhận thấy vẻ băn khoăn và thương xót trên gương mặt chàng. Nàng bỗng gạt nước mắt nói: - Không, không, em sẽ chịu hết, em sung sướng lắm. Cha mẹ Natasa bước vào phòng và cầu phúc cho hai người đính hôn. Từ hôm đó công tước Andrey bắt đầu đến nhà gia đình Roxtov với tư cách là chàng rể tương lai.
Chương 24 Gia đình Roxtov không làm lễ ăn hỏi và không báo cho ai biết rằng Bolkonxki đã đính hôn với Natasa, công tước Andrey khẩn khoản yêu cầu như thế. Chàng nói rằng sở dĩ phải hoãn lại là do phía chàng, cho nên chàng phải chịu lấy tất cả gánh nặng của sự trì hoãn đó. Chàng nói rằng vĩnh viễn có bổn phận giữ lời, nhưng chàng không muốn bó buộc Natasa và để cho nàng hoàn toàn tự do. Nếu sau nửa năm mà Natasa cảm thấy mình không yêu chàng, nàng sẽ hoàn toàn có quyền cự tuyệt. Lẽ dĩ nhiên là hai ông bà Roxtov cũng như Natasa đều một mực không nghe; nhưng công tước Andrey vẫn cương quyết giữ ý mình. Ngày nào chàng cũng đến nhà Roxtov, nhưng chàng cư xử với Natasa không phải như một người chồng chưa cưới: chàng gọi nàng bằng cô và chỉ hôn tay nàng. Từ hôm công tước Andrey cầu hôn, giữa chàng và Natasa có những mối quan hệ khác hẳn trước gần gũi hơn, giản dị hơn. Dường như hai người trước đây không biết nhau tí nào. Chàng cũng như nàng đều thích nhắc lại cách hai người phán đoán nhau khi họ chưa phải là gì đối với nhau cả; bây giờ họ thấy mình đã là những con người khác hẳn: trước kia thì kiểu cách, bây giờ thì giản dị và chân thành. Lúc đầu trong gia đình còn thấy ngượng ngập trong khi tiếp xúc với công tước Andrey; chàng có vẻ như một người từ thế giới xa lạ nào lạc đến, và Natasa đã phải mất công tìm cách cho người nhà quen với công tước Andrey và kiêu hãnh nói quả quyết với mọi người rằng chàng chỉ có vẻ đặc biệt, chỉ có vẻ thôi, chứ thực ra chàng cũng giống hệt như mọi người, và nàng không hề sợ chàng, và không ai được sợ chàng hết. Được dăm hôm, trong gia đình đã quen với chàng và không giữ gìn nữa, khi có chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt thường lệ trước kia, và chàng cũng tham dự vào nếp sinh hoạt đó. Chàng biết nói chuyện điền trang với bá tước, nói chuyện phục sức với bá tước phu nhân và Natasa, nói chuyện an-bom và mẫu thêu với Sonya. Đôi khi có cả công tước Andrey ở đấy những người trong nhà Roxtov bàn tán với nhau lấy làm lạ về những việc đã xảy ra và không hiểu tại sao cứ như là đã có số trời định từ trước: cả việc công tước Andrey đến Otradnoye, cả việc họ đến Petersburg, cả sự giống nhau giữa Natasa với công tước Andrey mà bà u già đã nhận thấy từ dạo công tước Andrey đến lần đầu, cả cuộc chạm trán giữa Andrey và Nikolai năm 1805, và những người trong nhà còn nhận thấy nhiều dấu hiệu khác nữa. Trong nhà họ phảng phất cái không khí trầm ngâm và uể oải nên thơ mà người ta vẫn thường thấy khi trong nhà có một cặp vợ chồng chưa cưới. Nhiều khi cùng ngồi với nhau, cả nhà im lặng. Đôi lúc họ đứng dậy đi ra nơi khác, và hai người ngồi lại với nhau nhưng cũng vẫn im lặng như thế. Ít khi họ nói với nhau về cuộc sống tương lai của họ. Công tước Andrey thấy sợ và ngượng khi nói đến điều này. Natasa cũng chia sẻ tình cảm ấy, cũng như tất cả các tình cảm khác của công tước Andrey mà nàng luôn luôn đoán ra. Có một lần nàng hỏi về đứa con trai của chàng. Công tước Andrey đỏ mặt - dạo này chàng hay đỏ mặt như thế, và Natasa rất thích trông thấy chàng đỏ mặt - và nói rằng con chàng sẽ không cùng sống với hai vợ chồng họ. - Tại sao? - Natasa hốt hoảng nói. - Anh không nỡ bắt ông nội nó phải xa nó, vả lại… - Em sẽ yêu nó vô cùng! - Natasa nói nàng đã đoán ngay được ý nghĩ của chàng, - nhưng em biết rằng anh muốn cho đừng ại có thể chê trách anh và em cả. Lão bá tước đôi khi lại gần công tước Andrey ôm hôn chàng, hỏi ý kiến chàng về việc giáo dục Petya hay việc chức vụ của Nikolai. Lão bá tước phu nhân thở dài nhìn họ. Sonya lúc nào cũng cho mình là thừa và cố tình kiếm cớ đi nơi khác để cho hai người tự tình với nhau, trong khi thực ra họ cũng chẳng cần như thế. Khi công tước Andrey nói chuyện (chàng kể chuyện rất hay) Natasa hãnh diện lắng nghe chàng; khi chàng nói, nàng vừa sợ hãi vừa vui mừng nhận thấy chàng chăm chú nhìn nàng như muốn tìm hiểu điều gì. Nàng băn khoăn tự nhủ: “Chàng tìm cái gì ở ta? Cái nhìn của chàng muốn tìm tòi những gì? Nếu trong ta không có cái mà chàng cần tìm thì sao?”. Đôi khi nàng lại đi vào tâm trạng vui vẻ bồng bột rất đặc biệt của nàng, và những khi đó nàng rất thích nghe và nhìn công tước Andrey cười. Chàng ít khi cười, nhưng mỗi khi cười thì chàng hồn nhiên thả cửa, và sau mỗi lần như thế Natasa lại thấy mình gần chàng hơn. Giả sử Natasa không nghĩ đến ngày chia ly sắp tới và mỗi ngày một đến gần làm nàng sợ hãi, thì nàng đã hoàn toàn hạnh phúc. Trước khi rời Petersburg một hôm công tước Andrey rủ Piotr lại nhà Roxtov. Từ buổi vũ hội dạo trước tới nay. Piotr chưa đến lần nào. Chàng có vẻ bàng hoàng và lúng túng. Chàng nói chuyện với bá tước phu nhân, Natasa ngồi với Sonya bên bàn cờ, ý muốn mời công tước Andrey lại. Công tước Andrey lại gần hai người. - Cô quen anh Bezukhov lâu rồi chứ? - chàng hỏi, - Cô có mến anh ấy không? - Có anh ấy tốt lắm, nhưng rất buồn cười. Và cũng như thường lệ mỗi khi nói đến Piotr, nàng bắt đầu kể những mẩu giai thoại về tính đãng trí của chàng, những mẩu chuyện có thật cũng có, nhưng cũng có những chuyện người ta bịa ra để gán cho chàng. - Cô biết không, tôi đã cho anh ấy biết chuyện bí mật của chúng ta rồi đấy. - Công tước Andrey nói. - Tôi biết Piotr từ hồi nhỏ.Anh ấy là một tấm lòng vàng. - Rồi giọng bỗng trở nên nghiêm nghị, chàng nói - Cô Natasa ạ, tôi sắp đi xa, và rồi đây không biết có thể xảy ra những việc gi, cô có thể không y… Tôi cũng không biết rằng lẽ ra không nên nói về việc ấy. Nhưng có một điều là dù có xảy ra việc gì trong khi không có tôi ở nhà đây… - Cái gì xảy ra? - Dù có xảy ra việc gì đáng buồn, - công tước Andrey nói tiếp - Tôi cũng xin cô, cô Sophie [143] ạ, xin cô chỉ nhờ một mình anh ấy giúp đỡ và khuyên răn mà thôi. Piotr là một người hết sức đãng trí và buồn cười, nhưng lại là một tấm lòng vàng. Ông cụ, bà cụ, Sonya và cả công tước Andrey nữa không ai đoán trước được cái ảnh hưởng mà buổi chia tay với người yêu sẽ gây nên cho Natasa. Ngày hôm ấy nàng đi vật vờ trong nhà, mặt đỏ ửng mắt ráo hoảnh, bồi hồi xúc động, lúi húi làm những công việc rất nhỏ nhặt dường như không hiểu việc gì đang chờ đón mình. Nàng cũng không khóc khi chàng hôn tay nàng lần cuối trước khi ra đi. - Anh đừng đi! - nàng chỉ nói thế thôi, và giọng nói của nàng đã buộc chàng phải bất giác suy nghĩ lại xem có thật làm mình phải ở lại không: giọng nói ấy, về sau chàng nhớ mãi. Khi chàng đã đi khuất, Natasa cũng không khóc, nhưng suốt mấy ngày nàng ngồi trong buồng riêng, không khóc, chẳng buồn làm gì cả, thỉnh thoảng lại nói: “Ôi! Tại sao anh lại đi”. Nhưng hai tuần sau khi chàng đi thì, cũng một cách bất ngờ đối với người xung quanh. Natasa ra khỏi tình trạng rũ rượi của nàng. Nàng lại như trước, nhưng nay tính tình của nàng đã thay đổi hẳn, như những đứa trẻ thay đổi hẳn nét mặt khi rời khỏi bệnh sau một trận ốm lâu. Chương 25 Sức khỏe và tính khí của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki trong khoảng một năm gần đây, sau khi con trai ông ra đi đã suy nhược đi rất nhiều. Ông càng dễ cáu bẳn hơn trước, và những cơn giận vô cớ của ông phần lớn đều đổ lên đầu công tước tiểu thư Maria. Lão công tước như cố nhắm những chỗ dễ xúc phạm nhất của nàng để giày vò cho nàng đau đớn về tinh thần một cách thật tàn nhẫn. Có hai cái mà tiểu thư Maria say mê, và do đó cũng là hai niềm vui của nàng, là cháu Nikolai và tôn giáo; và cả hai đều bị lão công tước đưa ra làm đề tài để chế giễu. Đang nói chuyện gì ông cũng lái vào cái tính hay mê tín của các cô muộn chồng hay thói nuông chiều làm hư trẻ con. “Chị muốn làm cho nó, công tước Andrey cần một đứa con trai, chứ không cần con gái làm gì?” Công tước nói. Hoặc trước mặt tiểu thư Maria ông hỏi cô Burien có thích mấy ông Pop [144] không, có thích các tượng thánh của Nga không, rồi quay ra đùa cợt… Ông làm cho công tước tiểu thư Maria rất tủi cực nhưng nàng không hề phải cố gắng tí nào để tha thứ cho cha. Chả nhẽ cha nàng lại có thể có lỗi đối với nàng, chả nhẽ người cha mà dù sao nàng cũng biết là yêu quý nàng, lại có thể bất công ư? Và công bằng là gì? Công tước tiểu thư không bao giờ nghĩ đến cái đanh từ đầy kiêu căng này: “công bằng”. Đối với nàng tất cả những luật lệ phức tạp của loài người đều quy lại thành một luật lệ đơn giản và rõ ràng: luật lệ của tình thương và lòng hy sinh, luật lệ của Đấng đã từng vì tình thương mà đau khồ cho nhân loại mặc dù bản thân Người là Thượng đế. Sao nàng lại phải nghĩ đến sự công bằng hay không công bằng của những người khác? Bản thân nàng cần phải đau khổ và yêu thương, và nàng đã là như thế. Vào mùa đông, công tước Andrey về Lưxye Gorư. Chàng hiền hòa, vui vẻ, và dịu dàng. Từ lâu công tước tiểu thư Maria biết về tình yêu của mình. Trước khi ra đi công tước nói chuyện rất lâu với cha về việc gì không rõ, tiểu thư Maria nhận thấy rằng trước khi chia tay hai người đều không bằng lòng nhau. Công tước Andrey đi được ít lâu, công tước tiểu thư Maria từ Lưxye Gorư viết thư về Petersburg cho bạn là Juyly Karaghina, người mà nàng mơ ước ghép duyên với anh nàng, hiện nay đang có tang, vì anh cô ta vừa tử trận ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Juyly, người bạn đáng yêu và dịu dàng của tôi. Hẳn số phận chung của chúng mình là phải buồn khổ. Sự tổn thất của chị kinh khủng quá, đến nỗi tôi không biết tự cắt nghĩa bằng cách nào ngoài cách coi đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế vì yêu thương nên muốn thử thách chị và người mẹ rất đáng kính đáng yêu của chị. Ôi bạn ạ, tôn giáo, và chỉ có tôn giáo mới cắt nghĩa cho chúng ta hiểu những điều mà con người không thể hiểu được nếu không nhờ vào tôn giáo: vì đâu những con người trung hậu, cao thượng, biết tìm hạnh phúc trong cuộc sống, không những không làm hại cho ai mà lại còn cần cho hạnh phúc của người khác, những người như vậy đều về với Chúa, trong tư thế chàng. Nay không những chị ấy đã để lại cho chúng tôi và nhất là cho công tước Andrey một nỗi thương xót và nhớ nhung vô cùng trong sạch, mà có lẽ ở trên kia chị ấy còn được về nơi mà tôi cũng chẳng dám hy vọng là mình sẽ được. Nhưng dù không nói đến một mình Liza, thì cái chết quá sớm và khủng khiếp này, tuy vô cùng bi thảm, cũng đã có một ảnh hưởng hết sức tốt lành cho tôi và anh tôi. Hồi ấy, trong giờ phút tổn thất, những ý nghĩ này không đến với tôi; hồi đó có chăng tôi cũng đã hoảng sợ xua đuổi đi, nhưng bây giờ điều đó đã rõ ràng, chắc chắn quá. Bạn ơỉ, sở dĩ tôi viết cho bạn tất cả những điều này chẳng qua cũng là để bạn tin tướng vào cái chân lý trong Phúc âm đối với tôi đã trở thành một quy tắc sống: không có một sợi tóc nào rơi xuống mà lại không do ý chí của Người. Mà ý chí của Người thì chỉ hướng theo lòng yêu thương không bờ bến của Người đối với chúng ta, cho nên dù việc xảy ra cho chúng ta đi nữa, thì việc đó cũng chỉ vì muốn tốt cho chúng ta mà thôi. Chị hỏi mùa đông năm sau chúng tôi có ở Moskva không? Tuy rất mong mỏi được gặp chị, nhưng tôi chắc rằng không và cũng không muốn thế. Chị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng sở dĩ như vậy là vì Bonaparte cả. Số là thế này, chị ạ: sức khỏe của cha tôi kém đi rõ rệt, ông cụ không thể chịu nổi những lời cãi lại, và trở nên cáu bẳn. Sự cáu bẳn này, như chị cũng biết, phần lớn nhằm vào các vấn đề chính trị. Cha tôi không thể chịu nổi khi nghĩ rằng Bonaparte đang giao thiệp bình đẳng với tất cả các quốc vương châu Âu và nhất là với hoàng thượng của chúng ta, người hậu duệ của Ekaterina vĩ đại! Như chị đã biết, tôi vốn hoàn toàn dửng dưng đối với các vấn đề chính trị, nhưng qua những lời nói của cha tôi và những câu chuyện giữa ông cụ với Mikhian Ivanovich tôi được rõ tất cả những sự việc đang diễn ra trên thế giới và nhất là tất cả những sự trọng vọng mà Bonaparte được hưởng, và hình như trên khắp địa cầu chỉ còn ở Lưxye Gorư không thừa nhận y là một vĩ nhân, cũng không thừa nhận là hoàng đế nước Pháp. Cha tôi không chịu được tình trạng này. Tôi có cảm tưởng rằng phần chính là do quan điểm của ông cụ đối với các vấn đề chính trị và vì thấy trước rằng cái tác phong nói thắng ý kiến của mình ra không e ngại gì cả sẽ dẫn đến những cuộc xung đột, cho nên cha tôi không ưa nói đến chuyện đi Moskva. Tất cả những kết quả tốt mà việc dưỡng bệnh đem lại cho cha tôi đều bị tiêu huỷ trong những cuộc tranh cãi về Bonaparte là những cuộc tranh cãi không sao tránh khỏi. Dù sao thì vấn đề này chẳng bao lâu nữa cũng sẽ được giải quyết. Cuộc sống gia đình của chúng tôi vẫn như cũ, duy chỉ có vắng anh Andrey mà thôi. Như tôi đã viết thư để chị rõ, anh ấy gần đây đã thay đổi rất nhiều. Sau nỗi đau buồn ấy, mãi cho đến năm nay anh ấy mới bình phục hẳn về tinh thần. Tính tình anh ấy trở lại giống như hồi còn nhỏ: hiền lành, dịu dàng, với tấm lòng vàng mà tôi chưa hề thấy ai có. Tôi thấy hình như anh ấy đã hiểu rằng cuộc đời đối với anh ấy chưa phải đã chấm dứt. Nhưng trong khi anh ấy thay đổi về tinh thần như thế thì về thể chất anh ấy yếu đi rất nhiều. Anh gầy hơn trước, thần kinh lại hay bị khích động hơn. Tôi lất lo cho anh ấy và lấy làm mừng rằng anh ấy đã chịu đi du lịch theo lời bác sĩ đã khuyên từ lâu. Tôi hy vọng rằng chuyến đi này sẽ làm cho anh ấy bình phục lại. Chị có viết cho tôi rằng ở Petersburg người ra cho anh ấy là một trong những người thanh niên, hoạt động, có học thức và thông minh nhất. Chị lượng thứ cho lòng tự hào của một người em gái nhé: chưa bao giờ tôi có ý hoài nghi điều đó. Không thể nào kể cho hết những công ơn của anh ấy: mọi người, bắt đầu từ nông nô của anh cho đến những người quý tộc. Ở Petersburg họ nghĩ như vậy là phải thôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao những tin đồn nói chung từ Petersburg đưa về Moskva lại như thế, và nhất là những tin đồn sai lạc như là tin anh tôi lấy cô bé Roxtov. Tôi không tin rằng Andrey lại có thể lấy ai, nhất là lại lấy cô ấy. Sở dĩ tôi không tin, thứ nhất là vì tôi biết rằng tuy anh ấy ít khi nhắc đến người vợ xấu số, nhưng nỗi buồn khổ của sự tổn thất ấy đã bắt rễ quá sâu vào lòng anh ấy, cho nên anh ấy không nỡ nào nghĩ đến chuyện tìm một người kế bước Liza và một người dì ghẻ cho chú thiên thần nhỏ của chúng tôi. Thứ hai là vì theo chỗ tôi biết thì cô thiếu nữ đó không phải thuộc hạng phụ nữ mà công tước Andrey có thể ưa thích. Tôi không tin rằng công tước Andrey lại chọn cô ta làm vợ và cũng xin nói thật là tôi không muốn thế. Nhưng tôi mải viết quá, đã hết tờ thứ hai rồi.Chào chị nhé, cầu xin Chúa hãy phù hộ cho người bạn rất đáng quý của tôi. Bạn tôi là cô Burien có gửi cho chị một cái hôn. Maria” Chương 26 Vào giữa mùa hạ công tước tiểu thư Maria nhận được một bức thư không ngờ của công tước Andrey từ Thuỵ Sĩ gửi về, trong đó công tước cho nàng biết một tin kỳ lạ và đột ngột. Công tước Andrey cho nàng biết rằng mình đã đính hôn với cô Roxtov. Từ đầu chí cuối bức thư đều toát lên một tình yêu bồng bột, tha thiết đối với người vợ chưa cưới và một lòng hữu ái tin cậy đối với em gái. Chàng viết rằng chưa bao giờ chàng yêu như bây giờ, rằng chỉ đến bây giờ chàng mới hiểu và biết được cuộc sống; chàng xin em gái tha thứ cho chàng khi ghé về Lưxye Gorư đã không cho nàng biết việc này, tuy có nói với cha. Sở dĩ chàng không nói với em gái là vì nếu thế thì nữ công tước Maria sẽ xin cha ưng thuận, và tất sẽ không đạt được mục đích mà lại còn làm cho cha phát bẳn lên, và sẽ phải chịu đựng tất cả gánh nặng của sự cáu bẳn đó. Vả chăng dạo ấy công việc chưa quyết định hẳn hoi như bây giờ. “Hồi ấy cha định ra cho anh thời hạn là một năm, và đến nay đã được sáu tháng, tức một nửa thời hạn đã qua, và anh vẫn giữ vững ý định hơn bao giờ hết. Giá các bác sĩ đừng giữ anh lại đây để an dưỡng, thì anh đã trở về Nga rồi, nhưng bây giờ anh phải hoãn ngày về lại ba tháng nữa. Em biết rõ anh và biết anh đối với cha như thế nào. Anh không cần điều gì ở cha hết, xưa nay anh vẫn độc lập và bao giờ anh cũng sẽ độc lập nhưng làm một việc trái với ý cha, khiến cho cha phải tức giận trong khi có lẽ cha không còn ở với chúng ta được mấy lâu nữa, thì hạnh phúc của anh sẽ sụp đổ mất một nửa. Bây giờ anh cũng viết thư cho cha về việc này và xin em chọn một lúc thuận lợi để trao thư cho cha, rồi cho anh biết thái độ của cha đối với tất cả những điều này, và báo cho anh rõ có thể hy vọng cha giảm bớt thời hạn đi ba tháng không?” Sau khi lưỡng lự, hoài nghi và cầu nguyện rất lâu công tước tiểu thư Maria trình bức thư cho cha. Ngày hôm sau lão công tước điềm tĩnh nói với nàng. - Con hãy viết thư bảo anh con là hãy đợi khi nào ta chết rồi hẵng hay… không lâu nữa đâu, chỉ ít nữa là thoát thôi… Công tước tiểu thư Maria muốn nói lại một câu gì đấy, nhưng cha nàng không cho nói và mỗi lúc một to tiếng: - Cưới vợ đi, cưới vợ đi, anh bạn ạ… Dòng dõi quý phái nhỉ? Toàn là những người thông minh cả đấy nhỉ? Giàu có lắm đấy nhỉ? Phải. Thằng Nikolenka sẽ có được một mụ dì ghẻ thật ra hồn. Mày viết thư bảo nó là thôi, mai cưới đi cũng được. Con bé ấy sẽ làm dì ghẻ thằng Nikolenka, còn tao thì tao lấy con Burienka… Ha, ha, ha, để cho nó cũng có dì ghẻ với chứ! Chỉ có một điều là trong nhà tao không cần bọn đàn bà nữa; cứ lấy vợ đi, rồi ở riêng ra. Có lẽ hay là mày cũng đi với nó nốt? - Lão công tước nói với con gái. - Thế thì gửi Chúa, chúc các người lên thiên đường bình an… lên đường bình an!… Sau trận lôi đình này công tước không lần nào nhắc đến việc ấy nữa. Ông cố đè nén nỗi bực tức đối với cái nhược điểm của thằng con trai, nhưng nó lại càng lộ rõ ra trong cách ông đối xử với con gái. Thêm vào những đề tài chế giễu trước kia bây giờ lại có một đề tài mới - câu chuyện dì ghẻ và những cử chỉ ân cần đối với cô Burien. - Việc gì tao lại không lấy cô ta? - Ông nói với con gái - Cô ta sẽ làm một bá tước phu nhân xuất sắc. Và trong thời gian gần đây công tước tiểu thư Maria bắt đầu ngạc nhiên và chẳng hiểu ra làm sao nữa khi nhận thấy rằng cha quả nhiên bắt đầu ngày càng gần gũi cô thiếu nữ Pháp. Tiểu thư viết thư cho anh nói rõ cha đã tiếp bức thư của chàng như thế nào, nhưng nàng cố an ủi anh và cho chàng hy vọng rằng nàng sẽ làm cho cha thuận lòng. Nikolenka và việc dạy dỗ nó, Andrey và tôn giáo là những niềm an ủi và vui sướng của công tước tiểu thư Maria; nhưng ngoài ra, vì mỗi người vốn đều cần có những hy vọng riêng, trong đáy sâu của tâm hồn mình, tiểu thư Maria có một ước mơ và hy vọng thầm kín vốn là mềm an ủi lớn nhất trong đời nàng. Ước mơ và hy vọng đó là do những “con người của Chúa” đem lại cho nàng. Đó là những người ngây dại và những người hành hương vẫn bí mật đến gập nàng, không cho lão công tước biết. Tiểu thư Maria càng sống, nàng càng thể nghiệm và quan sát cuộc đời thì lại càng lấy làm lạ về sự thiển cận của con người đi tìm khoái lạc và hạnh phúc trên thế gian này: họ làm lụng vất vả, họ đau khổ, họ vật lộn và làm hại lẫn nhau để đạt đến cái hạnh phúc không thể nào có được, hư ảo và xấu xa đó. “Công tước Andrey yêu vợ, vợ chết anh ấy vẫn chưa thấy đủ, anh ấy muốn gắn bó hạnh phúc của mình vào một người đàn bà khác. Cha không ưng thuận vì cha muốn Andrey tìm đám nào quý phái và giàu có hơn. Và họ đều vất vả, đau khổ, dằn vặt và làm hư hỏng lính hồn mình, linh hồn bất diệt của mình để đạt đến một lạc thú chốc lát, không những chính chúng ta biết điều đó mà thôi, Đấng Cơ đốc, con của Đức chúa trời đã xuống cõi trần để nói với chúng ta rằng cuộc sống này là một cuộc sống phù du, là một thử thách, thế mà ta cứ bám vào nó và mong tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này. Tại sao không có ai hiểu nổi điều đó? - tiểu thư Maria nghĩ - Không có ai cả, ngoài những con người của Chúa bị người ta khinh rẻ đó, những người vác bị trên vai đến với ta bằng cổng sau, sợ bị công tước trông thấy, nhưng không phải sợ bị người hành hạ mãng nhiếc mà là sợ khiến cho Người phạm tội lỗi. Rời bỏ gia đình, quê hương: từ bỏ mọi sự lo toan về lạc thú ở đời này, không bận bịu điều gì, và để rồi mình mặc chiếc áo rách tươm, mang một cái tên giả đi từ nơi này sang nơi khác, không làm hại ai và cầu nguyện cho người, cầu nguyện cả cho cả những người xua đuổi mình cũng như những người che chở mình: không có chân lý nào cao hơn chân lý này, không có cuộc sống nào cao hơn cuộc sống này nữa!” Có một người hành hương tên là Fodoxyuska một bà già năm mươi tuổi, bé nhỏ, trầm lặng, mặt rỗ, đã ba mươi năm nay đi chân không và mang xiềng. Nữ công tước Maria đặc biệt yêu quý người này. Có một lần trong gian phòng tối mờ mờ dưới ánh sáng leo lét của mỗi một ngọn đèn thờ, khi Fodoxyuska kể lại đời mình, công tước tiểu thư bỗng có một ý nghĩ rằng chỉ một mình Fodoxyuska tìm được con đường sống đúng đắn, và ý nghĩ này đến với nàng mãnh liệt đến nỗi nàng đã quyết định chính mình cũng sẽ lang thang đi hành hương. Khi Fodoxyuska đã đi ngủ, nữ công tước Maria suy nghĩ hồi lâu về việc này, và cuối cùng quyết định rằng tuy điều đó có vẻ kỳ lạ thật, nhưng nàng cần phải đi hành hương. Nàng chỉ thổ lộ ý định này với thầy sám hối [145] của nàng là cha Akinfi và linh mục này tán thành ý định của nàng. Lấy cớ là để làm quà cho các bà hành hương, công tước tiểu thư Maria tữ sẵn cho mình cả một bộ đồ hành hương: một chiếc áo thụng, một đôi thảo hài, một cái áo kaftan và một chiếc khăn đen. Nhiều khi, lại gần chiếc tủ bí mật đựng các thứ đó, nữ công tước tiểu thư Maria phân vân không biết đã đến lúc thực hiện ý định của nàng chưa.
Nhiều khi đang nghe những câu chuyện của các bà hành hương, nàng thấy lòng mình như bốc cháy trước những lời lẽ giản dị, đối với họ thì rất tự nhiên, nhưng đối với nàng thì bao hàm một ý nghĩ sâu sắc, đến nỗi đã mấy lần nàng đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và trốn đi. Trong trí tưởng tượng làng đã thấy mình đi với Fodoxyuska, mình mặc áo vải thô, tay câm gậy và vai mang bị bước trên con đường cát bụi, không ganh tị, không có tình yêu trần tục, không có dục vọng, viếng hết vị phúc lộc này đến vị phúc lộc khác, và cuối cùng đi đến tận nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài, chỉ có một mềm hoan lạc vĩnh viễn. “Ta sẽ đến một nơi nào đó, sẽ cầu nguyện, rồi chưa kịp quen người mến cảnh ta sẽ lại đi nơi khác. Và ta sẽ đi cho đến khi nào chân ta khuỵu xuống, ta sẽ nằm xuống và sẽ chết ở một nơi nào đó, rồi cuối cùng ta sẽ đến cái bến vĩnh viễn, sóng yên gió lặng, nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài?” - Nhưng sau đó, khi trông thấy cha và nhất là thằng Nikolenka bé bỏng, nàng lại mủi lòng, về phòng riêng khóc một mình và cảm thấy mình là kẻ có tội: nàng đã yêu cha và cháu nhỏ hơn cả Chúa!.
    Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/ 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...