Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần IIb

Chiến tranh và hòa bình - Phần IIb
Chương 12 
'Khi lâm triều, Hoàng đế Frantx chỉ nhìn chăm chú vào mặt công tước Andrey đang đứng ở chỗ đã quy định giữa các võ quan áo và cúi đầu dài quá cỡ xuống chào mừng. Nhưng sau buổi lâm triều; viên sĩ quan phụ tá hôm qua cung kính nói với Bolkonxki rằng Hoàng đế có ý muốn cho phép chàng được bệ kiến, Hoàng đế Frantx đứng ở chính giữa phòng tiếp chàng. Trước khi câu chuyện bắt đầu, công tước Andrey rất ngạc nhiên thấy Hoàng đế hình như lúng túng. Ngài không biết nói gì, đỏ mặt bừng lên và hỏi một cách vội vã: - Ông cho biết trận đánh bắt đầu lúc nào? Công tước Andrey trả lời. Sau đó tiếp theo những câu hỏi khác cũng đơn giản như vậy: “Kutuzov có mạnh khỏe không?” “Ông ta rời khỏi Kremx bao lâu rồi” v.v… Hoàng đế nói với cái vẻ như tất cả mục đích của buổi tiếp kiến chung quy chỉ là một số câu hỏi nhất định. Còn về những câu trả lời thì điều đó đã quá rõ: nó không thể nào khiến ngài quan tâm được. Hoàng đế hỏi; - Trận đánh bắt đầu giờ nào? - Thần không thể nói rõ trận đánh bắt đầu vào giờ nào ở tiền tuyến, nhưng ở Đuyretain là nơi thần có mặt thì quân đội bắt đầu tấn công lúc sáu giờ chiều. - Bolkonxki nói, linh hoạt hẳn lên vì chàng cho rằng lúc này có dịp miêu tả đúng đắn tất cả những điều mình đã trông thấy, đã biết rõ và đã chuẩn bị sẵn sàng trong óc. Nhưng hoàng đế mỉm cười và ngắt lời chàng: - Bao nhiêu dặm? - Tâu Hoàng thượng từ đâu đến ạ? - Từ Đuyrenstain đến Kremx. - Tâu Hoàng thượng, ba dặm rưỡi. - Quân Pháp đã rời khỏi tả ngạn rồi chứ? - Theo báo cáo của trinh sát thì những toán quân cuối cùng đã đi bè qua sông ban đêm. - Ở Kremx có nhiều cỏ cho ngựa ăn không? - Cỏ không được cung cấp đầy đủ… Hoàng đế liền ngắt lời: - Tướng quân Smitch tử trận lúc nào? - Hình như lúc bảy giờ. - Bảy giờ à? Thật là đau xót! Thật là đau xót! Hoàng đế nói rằng ngài có lời cảm ơn, rồi cúi đầu chào. Công tước Andrey bước ra và các triều thần lập tức xúm xít quanh chàng. Từ bốn phía, người ta nhìn chàng với những con mắt rất dịu dàng và nói với chàng những lời lẽ rất ngọt ngào. Viên sĩ quan phụ tá hôm qua đến trách chàng tại sao không ở lại trong cung điện, và mời chàng về nhà mình. Viên Tổng trưởng bộ chiến tranh đến khen ngợi chàng về huân chương Maria Dmitrievna Thereda hạng ba mà hoàng đế đã ban tứ. Quan thị tùng của hoàng hậu mời chàng đến gặp hoàng hậu. Đại công tước phu nhân cũng muốn gặp chàng. Chàng cũng không còn biết trả lời ai và phải mất mấy phút mới trấn tĩnh được. Đại sứ Nga nắm lấy vai chàng, kéo chàng về phía cửa sổ và bắt đầu hỏi chuyện. Trái với những điều Bilibin đã nói, tin tức chàng đưa đến đã được đón tiếp niềm nở. Người ta quyết định làm lễ cầu kinh tạ ơn. Kutuzov được tặng thưởng huân chương Thập tự lớn của Maria Dmitrievna Thereda và tất cả quân đội đều được ban thưởng. Bolkonxki được khắp nơi mời mọc và suốt cả buổi sáng chàng buộc lòng phải đi thăm những vị quan tai mắt của Áo. Sau khi đã làm xong công việc thăm hỏi vào lúc bốn giờ chiều, công tước Andrey nghĩ sẵn trong trí óc bức thư kể lại trận đánh và chuyến đi Bruyn để rồi sẽ viết về cho cha, và trở về nhà Bilibin. Bên thềm nhà của Bilibin có một chiếc xe ngựa nhỏ, một nửa xe đấy hành lý, và Frantx người đầy tớ của Bilibin hiện ra cửa, hì hục kéo một chiếc va li (trước khi đến nhà Bilibin, công tước Andrey đã tạt qua một hiệu sách mua vài quyền sách để đọc trong lúc hành quân và đã nán lại đây một lát). Bolkonxki hỏi: - Có việc gì thế? - Ồ! Thưa ngài, - Frantx hì hục khuân chiếc va li lên xe ngựa nói - chúng tôi phải chạy xa hơn nữa. Cái tên giặc ấy đã lại đuổi sau lưng chúng tôi rồi! - Cái gì, thế nào? - Công tước Andrey hỏi. Bilibin ra đón công tước Andrey. Trên khuôn mặt bao giờ cũng bình thản của ông hiện rõ vẻ xúc động. - Ồ, ồ câu chuyện pháo đài đâu cầu Thabor (một chiếc cầu ở Viên) phải nhận là thú vị hết sức. Chúng đã qua cầu không tốn một viên đạn. Công tước Andrey không hiểu gì hết. - Anh ở đâu đến mà không biết tin này? Tin này thì thằng xà ích nào trong thành phố mà chả biết rõ? - Tôi ở nhà đại công tước phu nhân về. Ở đấy tôi không nghe nói gì cả. - Thế anh không thấy ở đâu người ta cũng thu xếp hành lý cả sao? - Tôi không thấy. Có việc gì thế? - Công tước Andrey sốt ruột hỏi. - Việc gì nữa! Thì việc quân Pháp đã vượt qua cái cầu mà tướng Auexperg bảo vệ, và cái cầu đã không bị nổ mìn, thành thử Mura hiện nay đang rong ruổi trên con đường dẫn đến Bruyn và chỉ nay mai quân Pháp sẽ đến đây. - Thế nào? Đến đây à? Tại sao đã đặt mìn vào cầu rồi mà lại không nổ đi? - Thì tôi cũng hỏi anh điều đó. Điều đó chẳng ai hiểu và bản thân Buônapáctê cũng không hiểu. Bolkonxki nhún vai. - Nhưng nếu chúng vượt qua cầu thì quân đội cũng nguy mất; nó sẽ bị cắt đứt - chàng nói. - Thì vấn đề là ở đấy - Bilibin đáp. - Anh nghe đây. Quân Pháp tiến vào Viên - như tôi đã nói với anh. Tất cả đều đâu vào đấy hết. Hôm sau, tức là hôm qua, các ông thống chế Mura, Lan và Belya ngồi trên mình ngựa và đi lên cầu (Anh để ý điều này: cả ba đều là dân Gaxcônnhơ [60] cả). Một người nói: “Thưa các ngài, các ngài biết rằng cái cầu Thabor đã được chôn mìn năm lần bẩy lượt và trước mắt các ngài là cái pháo đài đâu cầu đáng sợ với một đội quân một vạn rưởi người đã được lệnh phá nổ cầu không cho chúng ta qua. Nhưng đức vua chúng ta chiếm lấy một cái cầu ấy đi!”. Hai người kia nói: “Nào đi đi! và họ cùng đến chiếm cầu, vượt qua cầu và bây giờ tất cả quân đội của họ đã ở bên này sông Đonao, họ đang tiến quân về phía chúng ta, về phía anh và những con đường giao thông của anh. - Thôi anh đừng đùa nữa. - Công tước Andrey nói, giọng buồn rầu và nghiêm nghị. Tin này làm cho công tước Andrey buồn nhưng đồng thời lại khiến cho chàng thích thú. Khi nhận thấy quân đội Nga đang ở trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, chàng liền nảy ra ý nghĩ mình chính là con người sinh ra để kéo quân đội Nga ra khỏi tình trạng ấy rằng đây, trước mắt chàng, chính là cái thành Tulon sẽ đưa chàng ra khỏi hàng ngũ những võ quan vô danh và mở cho chàng con đường đi tới vinh quang! Trong khi nghe Bilibin nói, chàng đã suy tính là khi về tới quân doanh, chàng sẽ trình bày với hội đồng quân sự ý kiến của mình. Ý kiến duy nhất có thể cứu vãn được quân đội, và chàng sẽ là con người duy nhất được giao mệnh lệnh thực hiện kế hoạch ấy. - Đừng đùa nữa - chàng nói. - Tôi không đùa đâu - Bilibin nói tiếp. - Không có gì đúng sự thực hơn và đáng buồn hơn. Các ngài ấy đi một mình đến đầu cầu và giơ khăn trắng lên; họ cam đoan rằng hai bên đã đình chiến và họ là những vị thống chế được cử đến để thương lượng với công tước Auerxperg. Sĩ quan trực nhật cho họ vào pháo đài đầu cầu. Họ kể cho anh ta nghe hàng ngàn câu chuyện nhảm nhí theo kiểu Gaxcônhơ, nào là chiến tranh đã chấm dứt, nào hoàng đế Frantx đã quyết định một cuộc hội kiến với Buônapáctê, nào họ mong được gặp công tước Auexperg và vân vân… Viên sĩ quan cho từn Auerxgerg các ngài này ôm lấy các sĩ quan bông đùa, ngồi chơi trên các khẩu đại bác, và trong lúc đó một tiểu đoàn Pháp bước lên cầu mà chẳng ai để ý đến, ném những túi đựng chất nổ xuống sông và đến gần cái pháo đài đầu cầu, cuối cùng viên trung tướng xuất hiện, đó là công tước Auerxperg Fon Mao tên đáng yêu của chúng ta. “Hỡi quân địch thân mến! Tinh hoa của quân đội Áo! Vị anh hùng của cuộc chiến tranh chống quân Thổ Nhĩ Kỳ! Chiến sự đã chấm dứt rồi! Chúng ta có thể bắt tay nhau… Hoàng đế Napoleon rất thiết tha muốn biết mặt công tước Auerxperg”. Tóm lại, các ngài ấy không hổ danh là dân Gaxcônhơ, họ đưa ra những lời lẽ hoa mỹ làm Auerxperg mê mẩn đi. Ông ta rất khoái chí được kết thân với các thống chế Pháp một cách mau chóng như vậy. Và ngẩn người trước chiếc áo khoác và những chòm lông đà điểu của Mura, ông ta nổ đom đóm mắt lên và quên rằng chính mình có nhiệm vụ phải đánh cho địch nổ đom đóm mắt [61] . Mặc dầu chàng nói thao thao bất tuyệt, Bilibin vẫn không quên ngừng lại một phút sau khi nói được câu dí dỏm vừa rồi để cho người nghe có thì giờ thưởng thức nó. - Tiểu đoàn Pháp chạy ùa vào pháo đài đầu cầu bịt họng các khẩu súng lớn, và thế là cái cầu bị chiếm. Nhưng điều hay hơn cả - Ông ta nói tiếp, bây giờ đã bớt xúc động vì thích thú với câu chuyện mình kể, - đó là câu chuyện của viên trung sĩ đứng cạnh khẩu súng lớn có nhiệm vụ ra hiệu châm mìn làm nổ cầu. Viên trung sĩ thấy quân đội Pháp chạy trên cầu đã muốn bắn, nhưng Lan giữ lấy tay anh ta. Viên trung sĩ này rõ ràng thông minh hơn chủ tướng của mình, anh ta đến gặp Auerxperg nói: “Thưa công tước, họ đánh lừa ngài đấy, quân Pháp đến kia kìa!”. Mura thấy rằng nếu để cho viên trung sĩ nói thì cơ sự sẽ hỏng hết. Hắn liền vờ ra vẻ ngạc nhiên (quả là dân Gaxcônhơ chính cống) và nói với Auerxperg: “Tôi không thấy cái kỷ luật nổi tiếp khắp thế giới của quân đội Áo ở chỗ nào cả. Ông để cho một người cấp dưới nói với ông như thế à! Thật là thiên tài!”. Thế rồi công tước Auerxperg nổi tự ái lên liền ra lệnh bắt giam viên trung sĩ. Ồ! Anh phải công nhận rằng câu chuyện ở cầu Thabor thật là thú vị. Đây không phải ngu xuẩn, cũng không phải hèn nhát… - Có lẽ đây là mộ sự phản trắc - công tước Andrey nói, đồng thời hình dung thấy rõ ràng những chiếc áo khoác xám, những vết thương, những đám khói thuốc súng, những tiếng đại bác và cái vinh quang đang chờ đợi mình. Bilibin nói tiếp: - Cũng không phải thế. Việc này đặt triều đình vào một tình thế quá bất lợi. Đây không phải là phản trắc, cũng không phải là hèn nhát, mà cũng không phải là ngu xuẩn. Đây cũng như ở Ulm vậy thôi - Ông ta có vẻ suy nghĩ để tìm một câu hay - Đây. Đây là cái lối Mack. Chúng mình bị “Mack hóa” rồi. - Ông ta kết luận và cảm thấy rằng mình vừa nói một câu dí dỏm, một câu dí dỏm rất mới mẻ, sẽ được người ta nhắc lại. Những vết nhăn từ nãy đến giờ vẫn tụ lại trên trán bỗng giãn ra tỏ rõ ông ta hài lòng; ông ta nhoẻn miệng cười và bắt đầu ngắm móng tay mình. - Anh đi đâu thế? - Bilibin đột nhiên hỏi vì thấy công tước Andrey đứng dậy đi về phòng mình. - Tôi đi đây! - Đi đâu? - Trở về quân doanh. - Nhưng anh đã định ở lại đây hai ngày nữa kia mà? - Nhưng bây giờ thì tôi phải đi ngay. Và công tước Andrey, sau khi ra lệnh chuẩn bị lên đường, liền trở về phòng mình. - Này, anh có biết không? - Bilibin bước vào phòng chàng nói - Tôi đã nghĩ về trường hợp của anh rồi đấy. Tại sao anh lại đi? Và để chứng minh rằng lý do này không thể bác bỏ được, những nét nhăn trên mặt ông ta bỗng biến đi đâu hết. Công tước Andrey nhìn Bilibin có ý dò hỏi, và không đáp. - Tại sao anh lại đi? Tôi biết anh cho rằng nhiệm vụ của anh là phải về ngay với quân đội trong khi nó đang nguy khốn. Và tôi hiểu điều đó lắm anh ạ. Khí phách anh hùng đấy! - Hoàn toàn không phải thế - công tước Andrey nói. - Nhưng anh là một triết gia, vậy hãy là triết gia cho nó đến đầu đến đũa. Anh hãy nhìn sự vật theo một cạnh khía khác và sẽ thấy rằng nhiệm vụ của anh, trái lại là lo đến bản thân mình. Hãy để việc ấy cho những kẻ khác, cho những kẻ không còn làm được việc gì nữa… Anh chưa nhận được lệnh phải quay về và ở đây cũng chưa có quyết định để anh đi. Thành ra anh có thể ở lại và cùng đi với chúng tôi đến nơi nào mà số phận bất hạnh của chúng ta đưa chúng ta đến. Nghe nói người ta đi Olmuytx mà Olmuytx là một thành phố rất xinh. Chúng ta cứ việc bình yên lên xe ngựa của tôi mà đi. - Thôi anh đừng đùa nữa Bilibin ạ - Andrey nói. - Tôi lấy tình thân mà nói với anh thành thực như vậy. Anh hãy tính xem. Bây giờ anh đi đâu và để làm gì chứ, trong khi anh có thể ở đây? Anh về bây giờ thì (ông ta cau lớp da ở trên thái dương bên trái lại), một là anh chưa về đến đơn vị, hòa ước đã kỹ kết rồi, hai là anh sẽ bại trận và chịu sỉ nhục với tất cả quân đội của Kutuzov. Rồi Bilibin cho lớp da giãn ra, cảm thấy rằng cái phép lưỡng đao luận của mình không còn có cách gì bác lại được. - Điều đó tôi không thể xét đoán gì được - công tước Andrey nói một cách lạnh lùng và nghĩ thầm: “Ta đi là để cứu quân đội”. - Anh bạn ơi, anh thật là một tay anh hùng(l). - Bilibin nói. 
Chương 13 
Ngay đêm ấy, sau khi từ biệt viên Tổng trưởng bộ chiến tranh, công tước Andrey trở về quân doanh nhưng bản thân chàng cũng không biết tìm nó ở đâu và lo lắng trên đường đi đến Kremx chàng sẽ bị quân Pháp bắt. Ở Bruyn bao nhiêu cư dân của cung đình đều đã chuẩn bị hành lý để ra đi và những hành lý nặng đã được gửi đến Olmuytx. Đến gần Etxelxdorf, công tước Andrey rẽ ra đường cái; trên con đường này quân đội Nga đang kéo đi hết sức vội vàng và hỗn độn. Con đường chật ních những xe chở hành lý đến nỗi không thể nào đi xe ngựa được. Công tước Andrey bảo một đội trưởng cô-dắc cấp cho mình một con ngựa và một người cô-dắc, rồi vừa đói vừa mệt, chàng đi tìm Tổng tư lệnh và xe hành lý của mình. Trên đường đi chàng nghe những tin dồn cực kỳ bi đát về tình hình quân đội và cánh quân bỏ chạy hỗn độn lại xác nhận những tin đồn ấy. “Cái quân Nga kia mà vàng của nước Anh đã mang từ chân trời góc biển tới đây, chúng ta sẽ cho nó chịu chung một số phận ấy (số phận của đạo quân ở Ulm)”. Chàng sực nhớ tới lời của Buônapáctê trong bản nhật lệnh ban bố cho quân đội trước khi mở chiến dịch; những lời này khiến chàng kinh ngạc trước thiên tài lỗi lạc của vị anh hùng mà chàng hâm mộ, đồng thời cũng nhen nhóm trong lòng chàng niềm hi vọng giành được vinh quang. “Nếu ta chẳng có cách nào khác ngoài cái chết ra? - Chàng nghĩ thầm - Được! Nếu cần thì được lắm! Ta sẽ làm cái việc đó chẳng kém một người nào hết”. Công tước Andrey khinh bỉ nhìn những toán quân hỗn loạn, những chiếc, xe chở hành lý, những chiếc xe chở lương thực, những khẩu đại bác kéo nhau đi, kìn kìn, rồi lại những chiếc xe chở hành lý đủ các kiểu, đuổi vượt nhau đi thành hàng ba hàng tư làm nghẽn cả con dường lầy lội từ khắp mọi phía, phía trước cũng như phía sau, xa gần đều có tiếng xe rầm rập, tiếng xe trạm, xe vận tải và xe con lăn lạch cạch, tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng roi da quất đen đét, thấy binh lính, quân hầu và sĩ quan thét inh ỏi, mắng nhiếc om sòm. Dọc đường ta liệt những con ngựa chết gục, bị lột da rồi cũng có, chưa lột da cũng có, những chiếc xe ngựa thồ bị gẫy, bên cạnh xe có vài người lính ngồi thui thủi không biết đang chờ đợi cái gì; khi thì lại thấy những người lứnh lạc ngũ kéo nhau thành từng đoàn đi vào các làng lân cận hay mang ở các làng ra nào gà, nào cừu, nào cỏ khô, hay những bọc lớn đựng đầy những thứ gì không rõ. Ở những đoạn đường lên dốc hay xuống dốc người dồn lại đông nghịt, tiếng hò hét không ngớt hòa vào thành một tiếng rên dài. Quân lính lội trong lớp bùn ngập đến dầu gối tay đẩy súng đại bác và xe thồ; roi da quất đen đét, ngựa thi nhau trượt chân, luôn luôn có những sợi dây da kéo xe bị đứt, và những lồng ngực mệt lả buông ra những lời chửi rủa tục tằn. Các sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân khi thì cưỡi ngựa đi về phía trước, khi thì lại đi về phía sau, len giữa các xe chở hành lý. Tiếng nói của họ nghe thật yếu ớt giữa tiếng ồn ào của đám đông hỗn dộn, và nét mặt của họ cho thấy rõ ràng họ đã tuyệt vọng không còn thấy có cách gì khắc phục tình trạng hỗn độn này nữa. “Cái quân đội chính giáo đáng yêu đấy”, Andrey nghĩ thầm, sực nhớ tới lời nói của Bilibin. Chàng cưỡi ngựa đến gần một đội xe chở đồ, hy vọng có thể hỏi những người ở trong đội xem Tổng tư lệnh ở đâu. Ngay trước mắt chàng là một chiếc xe ngựa ký quái, hình như binh sĩ đã tự túc về phương tiện và vật liệu để lắp nên nó, làm thành một thứ trung gian giữa cái xe dài, cái xe hòm nhỏ và cái xe chở khách. Một người lính ngồi đánh xe, và dưới cái diềm xe bằng da ở phía sau mui xe là một người đàn bà mình quấn đầy khăn. Công tước Andrey cưỡi ngựa lại gần đang định hỏi người lính thì những tiếng kêu tuyệt vọng của người đàn bà ngồi ở dưới diềm xe khiến cho chàng chú ý. Viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe lấy roi đánh người lính đánh xe này vì anh ta muốn vượt lên trước xe khác. Chiếc roi quật vào diềm xe. Người đàn bàn kêu ré lên. Nhìn thấy công tước Andrey bà ta thò đầu ra khỏi mui xe và giơ hai cánh gầy gò ra ngoài đơng khăn quấn quanh người, vấy vẫy cất tiếng kêu thất thanh. - Ngài sĩ quan phụ tá ơi. Thưa ngài sĩ quan phụ tá! Ngài che chở cho chúng tôi với! Là thế này! Tôi là vợ y sĩ trung đoàn khinh binh thứ bảy, họ không cho tôi đi… Chúng tôi bị tụt lại sau, lạc mất đồng đội rồi. - Tao băm xác mày ra, mày có lùi lại không! Viên vĩ quan nổi giận quát người lính, mày đưa con mẹ chết tiệt của mày quay lại ngay!
- Ngài sĩ quan phụ tá ơi, ngài cứu tôi với! Như thế này là thế nào, bà vợ y sĩ kêu lên. - Ông làm ơn cho cái xe này đi trước. Ông không thấy đây là một người đàn bà sao? - Công tước Andrey tiến gần viên sĩ quan nói. Viên sĩ quan đưa mắt nhìn chàng không đáp, rồi quay về phía người lính.
- Rồi tao cho mày biết tay. Có lùi ngay không! - Ông để cho họ đi, tôi bảo ông. - công tước Andrey nhắc lại một lần nữa, đôi môi mím chặt. - Còn mày là cái thá gì mới được chứ! - Viên sĩ quan bỗng điên tiết lên nói với chàng, giọng hùng hổ - Mày là cái thá gì? Mày (Hắn nhấn mạnh đặc biệt chữ mày) là chỉ huy hẳn? Ở đây tao chỉ huy chứ không phải mày. Còn thằng kia thì quay lại ngay - hắn nhắc lại - không tao băm xác mày ra bây giờ. Viên sĩ quan hình như rất thích thú với thành ngữ này. Hắn sửa cho anh sĩ quan phụ tá oắt con kia một mẻ - đằng sau có tiếng nói. Công tước Andrey thấy rằng viên sĩ quan đã lâm vào cái trạng thái phẫn nộ vô cớ khiến cho người ta như điên như dại, không còn nhớ mình nói gì nữa. Chàng thấy rằng trong việc can thiệp giúp bà vợ ông y sĩ có một điều mà chàng sợ nhất trên đời, tức là cái mà người ta gọi là “sự lố bịch” nhưng bản năng chàng lại nói khác. Viên sĩ quan chưa kịp nói hết mấy tiếng cuối thì công tước Andrey gương mặt biến sắc đi vì tức giận, đã tiến đến gần hắn và giơ roi lên. - Ông - làm - ơn - cho - họ - đi! Viên sĩ quan khoát tay một cái và vội vã thúc ngựa lảng đi nơi khác mồm càu nhàu: - Hỗn độn như thế này đều là do những bọn ở bộ tham mưu hết. Ông muốn làm gì thì ông làm. Công tước Andrey không ngước mắt lên, vội vã rời khỏi bà vợ ông y sĩ đang gọi chàng là cứu tinh. Chàng lợm giọng khi nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt của cái cảnh xấu hổ ấy và phi ngựa về phía trước mặt đến cái làng mà người ta nói với chàng là có Tổng tư lệnh ở đấy. Sau khi vào làng, chàng xuống ngựa đi bộ đến ngôi nhà gần nhất với ý định nghỉ ở đấy một lát, dù chỉ một phút thôi, ăn uống qua loa và ổn định lại tất cả những ý nghĩ đau xót, nhục nhã đang dằn vặt chàng. “Đó là côn đồ chứ không còn là quân đội nữa”, chàng nghĩ thầm trong khi bước về phía ngôi nhà gần nhất. Bỗng một giọng nói quen thuộc gọi tên chàng. Chàng quay lại. Khuôn mặt tuấn tú của Nexvitxki thò ra ngoài một cái cửa sổ nhỏ. Nexvitxki đang nhai nhồm nhoàm một cái gì ở trong miệng, vẫy tay gọi chàng lại. - Bolkonxki, Bolkonxki! Anh không nghe tôi gọi sao. Lại đây mau lên. Bước vào nhà công tước Andrey thấy Nexvitxki và một viên sĩ quan phụ tá khác đang ăn. Họ tíu tít hỏi chàng xem có biết tin gì mới không. Trên khuôn mặt quen thuộc của họ chàng thấy biểu lộ vẻ lo lắng và sốt ruột. Vẻ này đặc biệt hiện rõ trên khuôn mặt của Nexvitxki. - Tổng tư lệnh ở đâu? - Công tước Andrey hỏi. - Ở đây, ở trong nhà kia kìa. - Viên sĩ quan phụ tá nói. Nghe nói là vừa kí hòa ước đầu hàng phải không? - Nexvitxki hỏi. - Chính tôi định hỏi anh câu ấy đấy. Tôi chỉ biết một điều là tôi khó nhọc lắm mới đến được đây để gặp các anh. - Thế anh có biết tình hình chúng tôi ra sao không? Thật là kinh khủng! Anh ạ, tôi xin nhận lỗi. Chúng mình đã cười Mack, nhưng bây giờ chúng mình lại còn gay hơn - Nexvitxki nói - Nhưng anh ngồi xuống đây uống cái gì đã chứ! - Công tước ạ, bây giờ thì công tước đừng hòng tìm ra xe cộ gì của công tước nữa hết, còn cái anh chàng Piotr của công tước thì chẳng ai biết nó ở đâu rồi - Viên sĩ quan phụ tá kia nói. - Thế bộ tư lệnh ở đâu? - Chúng tôi nghỉ đêm ở Znaim. - Riêng tôi thì tôi đã chất tất cả những thứ gì cần thiết lên lưng hai con ngựa - Nexvitxki nói - Chúng buộc hành lý cho tôi cừ lắm. Dù có phải chạy qua miền núi ở Bohemie cũng không sao. Anh ốm phải không? Anh ốm thật rồi, nếu không tại sao anh lại rùng mình thế kia - Nexvitxki nói, vì nhận thấy công tước Andrey giật mình như chạm phải điện. - Không sao đâu - công tước Andrey đáp. Chính trong giây phút ấy chàng sực nhớ tới việc mình vừa chạm trán với viên sĩ quan coi việc vận tải và bà vợ viên y sĩ. - Tổng tư lệnh làm gì ở đây? - chàng hỏi. - Tôi chẳng hiểu gì hết, - Nexvitxki nói. - Còn tôi thì tôi chỉ biết một điều là tất cả đều ghê tởm, ghê tởm - Công tước Andrey nói, và đi về phía ngôi nhà dành cho Tổng tư lệnh. Chàng đi qua cái xe ngựa của Kutuzov, qua mấy con ngựa đã mệt lả của các sĩ quan tuỳ tùng, qua mấy người cô-dắc đang nói chuyện oang oang với nhau và bước vào phòng ngoài. Như người ta đã nói với chàng, Kutuzov ở trong ngôi nhà gỗ cùng với công tước Bagration và Vairother, viên tướng Áo thay thế Smitch vừa tử trận. Ở căn phòng ngoài Kozlovxki đang ngồi sổm trước mặt một người thư kí. Người này đã vén ống tay áo quân phục lên và đang hí hoáy viết trên một cái thùng lật sấp. Mặt Kozlovxki phờ phạc, Có thể thấy rõ là đêm qua ông ta không ngủ. Ông ta ngước mắt nhìn công tước Andrey không buồn gật chào. - Hàng thứ hai… anh biết chưa? Kozlovxki đọc tiếp cho viên thư ký - … trung đoàn pháo, thủ thành Kiev, trung đoàn Podolxki. - Thưa ngài không sao viết kịp được! - Viên thư ký đáp lại, giọng vô lễ và giận dữ, và đưa mắt nhìn Kozlovxki. Vừa lúc ấy từ sau cánh cửa đưa ra giọng nói sôi nổi và bực bội của Kutuzov xen vào một giọng nói khác nghe là lạ. Căn cứ vào giọng những câu nói này, vào thái độ lơ đễnh khi Kozlovxki nhìn chàng, vào cái giọng vô lễ của người thư ký mệt lả, vào việc viên thư ký và Kozlovxki ngồi dưới đất và bên cái thùng ở ngay sát cạnh Tổng tư lệnh, vào việc những người cô-dắc giữ ngựa cười oang oang ở ngoài cửa sổ, căn cứ vào tất cả những điều đó công tước Andrey có cảm giác là thế nào cũng sẽ xảy ra một việc gì quan trọng và không may. Công tước Andrey khẩn khoản hỏi Kozlovxki. - Công tước đợi một lát, Kozlovxki nói - đây là mệnh lệnh điều quan gửi Bagration. - Thế việc đầu hàng? - Làm gì có! Đã có lệnh chuần bị chiến đấu! Công tước Andrey đi về phía cửa có tiếng nói đưa ra. Nhưng ngay lúc chàng toan đẩy cửa thì tiếng nói ở trong phòng im bặt, cánh cửa tự mở ra và Kutuzov với cái mũ diều hâu trên khuôn mặt béo phì, hiện ta ở ngưỡng cửa. Công tước Andrey đứng đối diện với Kutuzov. Nhưng cứ trông thần sắc con mắt đợc nhất của tổng tư lệnh người ta cũng thấy rõ ràng những nỗi lo âu suy nghĩ đã làm cho ông bận tâm đến nỗi dường như che mờ cả thị giác của ông. Ông nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan phụ tá của mình mà không nhận ra. - Thế nào, xong chưa? - Ông nói với Kozlovxki. - Xong ngay đây ạ. Bagration bước theo sau Tổng tư lệnh. Ông người thấp bé, khô khan tuy chưa già, có một khuôn mặt im lìm và rắn rỏi kiểu phương Đông. - Tôi rất hân hạnh được trình diện, - công tước Andrey nhắc lại khá to, tay đưa một phong thư. - A, ở Viên lại đấy à? Được! Để lát nữa, lát nữa. Kutuzov tiễn Bagration ra thềm và nói với ông: - Chúc ngài lập chiến công oanh liệt. Gương mặt Kutuzov đột nhiên dịu lại, mấy giọt lệ rưng rưng ở khóe mắt. Ông lấy tay trái kéo Bagration về phía mình, bàn tay phải đeo nhân làm dấu chữ thập cầu phúc cho Bagration với một cử chỉ hình như đã quen thuộc lắm và giơ cái má phúng phính ra cho Bogration hôn. Nhưng Bagration không hôn vào má mà lại hôn vào cổ ông. - Cầu Chúa phù hộ cho ngài. - Kutuzov nhắc lại và đi đến gần xe ngựa. Ông nói với Bolkonxki - Anh lên xe với tôi. - Thưa tướng quân, tôi muốn được làm người có ích ở đây. Xin ngài cho phép tôi được ở trong đạo quân của công tước Bagration. - Anh lên đây ngồi - Kutuzov nói khi nhận thấy Andrey chần chừ, rồi tiếp - Chính tôi cũng đang cần đến những sĩ, quan giỏi, chính tôi đang cần. Hai người ngồi trên xe ngựa, vài phút im lặng trôi qua. - Trước mắt chúng ta còn nhiều việc, rất nhiều việc - Kutuzov nói với cái giọng của một người già nhìn xa thấy rộng. Hình như ông đã hiểu tất cả những điều diễn ra trong óc công tước Andrey - Nếu ngày mai trong đạo quân của ông ta có được một phần mười trở về được thì ta sẽ cảm ơn Thượng đế - Ông nói thêm, như thể tự an ủi mình. Công tước Andrey liếc mắt nhìn Kutuzov. Chàng bất giác nhìn vào những nếp sẹo đã được lau rửa sạch sẽ trên thái dương Kutuzov cách chừng mấy tấc: trong chiến dịch Izmail một viên đạn đã xuyên vào sọ vị nguyên soái ở chỗ ấy. Công tước Andrey nhìn con mắt của Kutuzov đã bị đạn xói bật và nghĩ thầm: “Phải, ông ta có quyền nói đến cái chết của những người dưới quyền mình một cách điềm nhiên như vậy”. Chàng nói: - Chính vì vậy mà tôi xin phép ngài phái tôi đến chi đội ấy. Kutuzov không đáp. Hình như ông đã quên điều công tước Andrey vừa nói với ông, và ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Năm phút sau, mình khẽ lắc lư trên bộ díp êm của chiếc xe song mã, Kutuzov lại nói chuyện với công tước Andrey. Trên gương mặt của ông không còn dấu vết nào của sự xúc động. Giọng bỡn cợt và tế nhị, Kutuzov hỏi công tước Andrey về những chi tiết khi chàng bệ kiến hoàng đế, về những ý kiến của triều đình và về trận Kremx và về một vài người đàn bà mà hai người quen biết. 
Chương 14 
Ngày mồng một tháng mười một Kutuzov được viên trinh sát của ông báo tin rằng đạo quân chỉ huy đã lâm vào một tình cảnh gần như không có lối thoát. Viên trinh sát báo rằng những lực lượng rất mạnh của quân Pháp sau khi vượt qua cầu ở Viên đang tiến về phía những con đường giao thông nối liền quân đội của Kutuzov với những đạo quân đang kéo từ Nga sang. Nếu Kutuzov quyết định dừng lại ở Kremx thì đạo quân của Napoléon gồm mười lăm vạn người sẽ chặn hết những đường giao thông của ông, sẽ lâm vào một tình thế tương tự như tình thế của Mack ở Ulm. Nếu Kutuzov quyết định bỏ con đường nối liền với các đạo quân từ Nga sang thì ông phải đi sâu vào vùng núi non miền Bohem xa lạ và không có đường sá ông phải đương đầu với các lực lượng quân địch mạnh hơn hẳn mình và từ bỏ mọi hy vọng liên lạc với Bulxhevden. Nếu Kutuzov quỳết định rút lui đi theo con đường Kremx đến Olmuytx để hợp với những đạo quân từ Nga sang thì có thể quân Pháp sẽ đến những con đường ấy trước mặt ông vì họ đã vượt qua cầu Viên, và như thế là ông buộc phải giao chiến trong lúc hành quân, trong khi quân đội phải mang theo đủ thứ xe cộ nặng nề; đã thế lại phải đương đầu với một kẻ địch mạnh gấp ba và bao vây cả hai phía. Kutuzov đã chọn biện pháp sau cùng này. Như lời viên trinh sát báo cáo, sau khi vượt qua cầu ở Viên - quân Pháp đang hành quân cấp tốc về phía Znaim nằm trên con đường rút lui của Kutuzov, ở trước mặt ông ta hơn một trăm dặm Nga. Nếu ông đến Zaim trước quân Pháp, ông sẽ có nhiều hy vọng cứu được quân đội, trái lại nếu ông để cho quân Pháp đến Zaim trước mình, ông sẽ để cho toàn quân phải chiụ một nỗi sĩ nhục tương tự như nỗi sỉ nhục ở Ulm hay là bị tiêu diệt toàn bộ. Nhưng đem cả đại quân vượt đến Zaim trước quân Pháp thì cũng không thể được. Đường của quân Pháp từ Viên đến Znaim ngắn và tốt hơn so với đường của quân Nga từ Kremx đến Znaim. Ngay đêm nhận được tin này, Kutuzov phái đạo tiền quân của Bagration gồm bốn nghìn người đi qua miền núi non ở phía tay phải con đường từ Kremx đến Znaim để đến con đường từ Viên đến Znaim, mặt quay về phía Viên và lưng quay về phía Znaim. Nếu ông có thể đến đó trước quân Pháp thì ông phải hết sức tìm cách giữ chân quân Pháp thật lâu. Còn Kutuzov với tất cả xe cộ nặng nề thì lên đường tiến về Znaim. Sau khi đã đi bốn mươi lăm dặm trong đêm bão táp, trên miền núi non, không đường sá với những người lính đói khát, không giày và đã lạc mất một phần ba quân số vì đi tụt lại sau, Bagration đã đến Hollabrun ở trên đường từ Viên đến Znaim mấy giờ trước khi quân đội Pháp xuất phát từ Viên cũng đến đấy. Kutuzov với đội vận tải còn phải đi suốt một ngày đêm mới đến Znaim, thành ra để cứu đạo quân, Bagration với bốn nghìn quân vừa đói vừa mệt phải giữ chân trong hai mươi bốn tiếng ròng rã tất cả quân đội địch mà ông gặp ở Hollbru. Việc đó cố nhiên không thể làm được, nhưng một số phận kỳ lạ đã làm cho cái việc không thể làm được trở thành sự thực. Thấy rằng biện pháp lừa dối đã thành công và đã trao cầu Viên cho quân đội Pháp mà không phải đánh chác gì, Mura háo hức tìm cách lừa luôn cả Kutuzov nữa. Gặp đội quân ít ỏi của Bagration trên con đường đi Znaim, Mura tưởng mình đang đứng trước đại quân của Kutuzov. Để tiêu diệt chắc chắn đạo quân ấy, Mura có ý chờ đạo quân Pháp trên đường từ Viên đến, bèn đề nghị đình chiến ba ngày với điều kiện là cả hai đạo quân không thay đổi vị trí, cứ giữ nguyên trận địa cũ. Mura cam đoan rằng những cuộc thương thuyết hòa bình đã bắt đầu rồi, cho nên để tránh khỏi đổ máu vô ích, hắn đề nghị đình chiến. Viên tướng Áo là bá tước Noxtich ở tiền tiêu tin theo lời sứ giả của Mura, đã rút lui để hở chi đội của Baration. Quân Pháp lại phái thêm một sứ giả đến tiền tiêu của quân Nga và cũng đưa tin tức như thế về việc đàm phán hòa bình, và đề nghị với quân đội Nga đình chiến trong ba ngày. Bagration đáp lại rằng ông ta không thể chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị đình chiến, và phái sĩ quan phụ tá của mình mang báo cáo về đề nghị đình chiến của quân Pháp cho Kutuzov. Đối với Kutuzov, đình chiến là biện pháp duy nhất để tranh thủ thời gian, cho chi đội Bagration đã mệt mỏi được nghỉ ngơi và cho đội vận tải và các xe hành lý tiến lên (quân Pháp không biết đến việc hành quân này) ít nhất là được thêm một trạm nữa tới gần Znaim. Đề nghị đình chiến đã đem lại một cách bất ngờ cái khả năng duy nhất để cứu đại quân. Sau khi nhận tin ấy, Kutuzov lập tức phái tướng Vintxingherot làm sĩ quan phụ tá đến dinh luỹ quân địch. Vintxingherot có nhiệm vụ không những chấp nhận đình chiến mà còn đề nghị những điều kiện đầu hàng nữa. Trong lúc đó, Kutuzov sai những sĩ quan phụ tá của mình quay trở lại xúc tiến đến mức tối đa sự đi chuyển của đoàn xe vận tải của đạo quân trên con đường từ Kremx đến Znaim. Chi đội của Bagration mệt mỏi và đói một mình có nhiệm vụ yểm hộ tất cả cuộc vận chuyển của đội vận tải và của toàn quân, bằng cách giữ nguyên trận địa, đương đầu với một kẻ địch mạnh gấp tám lần. Những dự đoán của Kutuzov quả nhiên ứng nghiệm: Đề nghị đầu hàng không ràng buộc gì, trái lại nó khiến cho một bộ phận đội vận tải của ông có thì giờ đi qua, và lỗi lầm của Mura chẳng bao lâu bị phát hiện rất nhanh. Buônapáctê bấy giờ ở Sonbrun cách Hollabrun hai mươi dặm Nga vừa nhận được báo cáo của Mura cùng với kế hoạch đình chiến và đầu hàng đã biết ngay là Mura bị lừa liền viết cho Mura bức thư dưới đây: “Gửi thân vương Mura, Sobrun ngày 25 tháng sương mù năm 1805, lúc 8 giờ sáng. Ta không thể nào tìm được những lời lẽ nào đủ nặng để cho ngươi biết ta bất bình đến thế nào. Ngươi chỉ cầm đầu đội tiền quan của ta và không có quyền kí kết đình chiến nếu không có lệnh của ta. Ngươi làm ta mất thành quả của cả một chiến dịch. Phải huỷ ngay lệnh đình chiến và tấn công quân địch. Ngươi hãy tuyên bố với nó rằng viên tướng kí giấy đầu hàng ấy không có quyền làm việc đó, chỉ có Hoàng đế nước Nga mới có quyền ấy mà thôi. Tuy nhiên, nếu Hoàng đế nước Nga chuẩn y điều ước nói trên thì ta cũng chuẩn y; nhưng đó sẽ chỉ là một mưu chước. Hãy tấn công! Tiêu diệt quân đội Nga, ngươi có khả năng cướp lấy hành lí và đại bác của họ. Sĩ quan phụ tá của Hoàng đế Nga là một thằng… Bọn sĩ quan không có giá trị gì hết khi họ không có quyền. Tên này không hề có quyền gì… Bọn Áo đã để người ta lừa trong việc qua cầu Viên còn ngươi thì đã để cho một viên sĩ quan của Hoàng đế lừa. Napoléon” Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê phóng ngựa phi hết tốc lực, mang bức thư với lời lẽ giận dữ này cho Mura. Bản thân Buônapáctê, vốn không tin các tướng soái của mình, liền tiến tới chiến trường với tất cả vệ đội quân. Ông sợ bỏ lỡ một mồi ngon đã sẵn sàng. Trong khi đó chi đội bốn ngàn quân của Bagration đang vui vẻ chất củi đốt sưởi áo quần và nấu bữa xúp lần đầu tiên sau ba ngày nhịn đói. Trong bọn họ không có ai biết và nghĩ đến những sự kiện đang chờ đợi họ. Chương 15 
Khoảng quá ba giờ chiều, công tước Andrey sau khi khẩn khoản xin được Kutuzov phái mình đến tiền quân, đã đến Grun trình diện Bagration. Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê vẫn chưa đến chi đội Mura, và trận đánh vẫn chưa bắt đầu. Trong đội quân của Baglation không ai biết gì về tình hình chung của chiến sự. Người ta nói đến trận địa, nhưng cũng không tin là chiến trận đến gần. Bagration biết Bolkonxki là sĩ quan phụ tá thân tín của Kutuzov và được Kutuzov yêu quý nên tiếp đón chàng đặc biệt nồng hậu và nhã nhặn. Ông cho chàng biết có lẽ hôm nay hay ngày mai sẽ có trận giao chiến và cho phép chàng hoàn toàn tự do muốn ở cạnh mình trong thời gian giao chiến hay ở đội hậu vệ giám sát trật tự rút quân cũng được, vì “việc này cũng rất quan trọng”. - Vả lại hôm nay có lẽ cũng chưa có chiến sự đâu - Bagration nói, như muốn làm cho công tước Andrey yên tâm. “Nếu hắn ta chỉ là một thằng công tử bột tầm thường ở bộ tham mưu phái đến đây để kiếm huân chương chữ thập thì hắn cứ ở đội hậu vệ cũng sẽ được huân chương, còn nếu hắn muốn đi với ta thì cứ để cho hắn đi… nếu hắn là một võ quan dũng cảm thì lại có ích lợi lắm” - Bagration nghĩ thầm. Công tước Andrey không đáp, yêu cầu Bagration cho phép đi quan sát trận địa để biết rõ cách bố trí quân đội. Như vậy, khi nào nhận được nhiệm vụ chàng sẽ biết phải đi đâu. Sĩ quan trực ban của chi đội, một người đàn ông khôi ngô, ăn mặc bảnh bao, đeo viên kim cương ở ngón tay, nói tiếng Pháp tồi nhưng lại hay nói tiếng Pháp, tình nguyện dẫn công tước Andrey đi xem. Đâu đâu cũng thấy những sĩ quan bị mưa thấm ướt, gương mặt buồn bã, như đang tìm một cái gì, và những người lính mang cánh cửa ghế dài, hàng rào ở trong làng ra. Vicn sĩ quan tham mưu chỉ họ nói: - Thưa công tước, chúng tôi không làm sao ngăn cấm được bọn ấy. Các vị chỉ huy cho họ phóng túng quá. Đấy kìa - anh ta chỉ cái lều của một người bán hàng rong đi theo quân đội, họ tụ tập lại ngồi lê ở đấy - Sáng hôm nay tôi đã đuổi hết đi, nhưng ông xem, bây giờ lại đầy cả người ra rồi đấy. Thưa công tước, tôi phải đến dây dọa cho họ một mẻ mới được. Chỉ một phút thôi. Công tước Andrey chưa có thì giờ ăn một tí pho-mat và một chiếc bánh mì. - Sao ban nãy công tước lại không nói? Biết vậy tôi đã mời công tước ăn rồi. Hai người xuống ngựa đi vào lều… Một vài sĩ quan mặt đỏ bừng và phờ phạc đang ngồi ăn uống ở các bàn. - Ồ? Thế này là thế nào, các vị! - Viên sĩ quan tham mưu quở trách với cái giọng của một người cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi có một việc - Các ông phải biết, bỏ đơn vị mà đi như thế này không được đâu ấy thế mà cái ông đại uý này - chàng nói với một võ quan pháo binh nhỏ nhắn, bẩn thỉu gầy gò, chân không có ủng (anh ta đã đưa ủng cho người bán hàng hơ cho khô) chỉ đi tất, thấy hai người bước vào thì đứng dậy và mỉm cười không lấy gì làm tự nhiên cho lắm. - Kìa, đại uý Tusin, đại uý không xấu hổ sao? - viên võ quan tham mưu nói tiếp - Tôi thấy pháo binh như ông lẽ ra phải làm gương cho người ta chứ, đằng này ông lại không đi ủng. Nếu báo động thì ông đến đi chân không mất, trông ngộ nghĩnh lắm đấy - viên sĩ quan tham mưu mỉm cười, rồi nói thêm với cái giọng cấp trên - Mời các vị ai về chỗ nấy, tất cả, mời tất cả các vị. Công tước Andrey liếc mắt nhìn đại uý pháo binh Tusin, bất giác mỉm cười; Tusin im lặng cười chúm chím, cặp chân không lần lượt giấu xuống đất, chân này giẫm xuống thì chân kia lại co lên, mở cặp mắt to, thông minh và hiền hậu, hết nhìn công tước Andrey lại nhìn viên sĩ quan tham mưu có ý dò hỏi. - Lính họ bảo cởi giày ra dễ chịu hơn - đại uý Tusin nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu. Hẳn là anh đang muốn chuyển sang giọng bông đùa để thoát khỏi cái tình trạng lúng túng này. Nhưng anh ta chưa kịp nói xong đã cảm thấy câu nói đùa của mình không được hưởng ứng và cũng không đúng chỗ, nên rất bối rối. - Ông làm ơn về đơn vị cho - viên sĩ quan tham mưu nói, cố gắng giữ vẻ nghiêm trang. Công tước Andrey lại liếc mắt nhìn cái thân hình nhỏ bé của người pháo binh một lần nữa. Bóng dáng anh ta có một cái gì đặc biệt, chẳng có gì là tư thế nhà võ, hơi hài hước nhưng hết sức hấp dẫn. Viên sĩ quan tham mưu và công tước Andrey lên ngựa tiếp tục đi. Họ ra khỏi làng, trên đường cứ luôn luôn gặp và vượt qua những người lính và những sĩ quan thuộc nhiều binh chủng. Họ nhìn thấy ở bên trái một dãy công sự đào, màu đất đỏ mới đào lên tươi rói: Một vài tiểu đoàn lính mặc phong phanh cái áo sơ mi mặc trông như một đàn kiến trắng. Đằng sau chiến hào có một người nào không ai thấy cứ liên tiếp hất lên những mảnh đất sét đỏ theo từng nhát thuổng. Ngay ở phía sau công sự họ vấp phải mấy chục người lính từ trên công sự chạy xuống, liên tiếp kế chân nhau đến ngồi xổm ở một nơi. Hai người phải bịt mũi và thúc ngựa chạy nước kiệu để ra khỏi bầu không khí xú uế này. - Đấy lạc thú của doanh trại là thế, thưa ngài công tước! - viên sĩ quan tham mưu trực nhật nói. Họ đi lên ngọn đồi trước mặt. Từ ngọn đồi này đã có thể trông thấy quân Pháp. Công tước Andrey đứng lại và bắt đầu quan sát. - Đây đội pháo của ta đặt ở đây, - viên sĩ quan tham mưu nói, tay chỉ vào điểm cao nhất - Đó là vị trí của anh chàng chỉ huy kỳ quặc không đi ủng ấy. Đúng ở đấy thì nhìn đâu cũng thấy. Mời công tước chúng ta đi thôi. - Tôi xin cảm ơn ông, bấy giờ tôi đi một mình cũng được - công tước Andrey nói, trong bụng chỉ mong thoát khỏi anh chàng sĩ quan tham mưu kia - Ông cứ dề mặc tôi. Viên sĩ quan tham mưu ở lại, và công tước Andrey cưỡi ngựa đi một mình. Chàng càng tiến đến phía quân địch thì dáng dấp quân sĩ càng chỉnh tề và vui vẻ. Mất trật tự và chán nản nhất là đội vận tải ở trước thành phố Znaim cách quân Pháp mười dặm Nga mà sáng nay chàng vừa đi qua. Ở Grum người ta cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi một cái gì không rõ. Nhưng càng đến gần những hàng tiền tiêu của quân Pháp, công tước Andrey càng thấy quân đội ta có tinh thần tự tin vững vàng. Quân lính mặc áo khoác đứng thành hàng và người tào trưởng hay đại uý điểm số bằng cách thức ngón tay trỏ vào ngực đứng ở ngoài cùng và ra lệnh cho anh ta giơ tay. Quân lính rải rác trên khắp trận địa vác củi súc và cành khô về đốt, hoặc đang dựng lều vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Cạnh đống lửa, người thì mặc áo, người thì cởi trần đang hơ áo sơ mi và giày, hay sửa lại đôi ủng, và chiếc áo khoác, xúm nhau bên cạnh mấy cái nồi và mấy người nấu bếp. Trong một đại đội, bữa ăn đã sẵn sàng. Quân lính nhìn mấy cái nồi bốc hơi thèm thuồng và đứng chờ người trung sĩ quân nhu mang một cái bàn bằng gỗ đựng thức ăn đến cho viên sĩ quan đang ngồi trên một súc gỗ, trước mặt lều của mình để anh ta nếm thử. Trong một đại đội khác may mắn hơn - bởi vì không phải đơn vị nào cũng có rượu vodka binh sĩ đang chen nhau trước một viên tào trưởng mặt rỗ, vai rộng, đang nghiêng một cái thùng ton-nô nhỏ rót rượu vào những chiếc bi đông mà binh sĩ lần lượt giơ ra. Binh sĩ nâng bi đông lên môi một cách thành kính, ngửa cổ: dốc ngược bi đông lên rồi súc miệng, lấy tay áo khoác quệt mép và mặt mày hớn hở hẳn lên, họ rời khỏi chỗ viên tào trưởng. Ai nấy vẻ mặt đều điềm nhiên, tưởng chừng như tất cả việc này đều diễn ra không phải trước mặt quân dịch, trước một trận giao chiến trong đó ít nhất là một nửa chi đội chết, mà là ở một nơi nào đó bên tổ quốc, trong khi chờ đợt trú quân yên tĩnh. Sau khi đã đi qua trung đoàn khinh binh và đi vào hàng ngũ của đội lính thủ pháo thành Kiev gồm những chàng trai trẻ cũng đang lo những công việc thanh bình như thế, công tước Andrey đến gần lều của một người chỉ huy trung đoàn, cao hơn những lều khác, và gặp một tiểu đội thủ pháo xếp thành đội ngũ đứng trước một người đang nằm dài dưới đất, mình bị lột trần như nhộng. Hai người lính giữ lấy anh ta và hai người nữa cứ lấy những nhánh cây dẻo đánh đều đặn lên cái lưng trần. Người bị đánh kêu lên những tiếng nghe như vờ vĩnh. Viên thiếu tá người đẫy đà bước ra trước hàng quân và không hề để ý đến tiếng kêu, nói. - Đối với một quân nhân thì ăn cắp là một điều sỉ nhục, một quân nhân phải biết ngay thắng, cao thượng và dũng cảm. Nếu hắn ăn trộm của anh em thì hắn không có danh dự nữa, hắn là một thằng hèn hạ. Đánh nữa đi, đánh nữa đi. Rồi lại nghe những tiếng roi mềm vun vút và những tiếng gào thảm thiết nhưng vờ vĩnh. Viên thiếu tá nói: - Đánh nữa, đánh nữa nào. Một viên sĩ quan trẻ tuổi, vẻ mặt ngơ ngác và đau đớn, đi khỏi chỗ người bị phạt, đưa mắt nhìn người phụ tá đang đến như muốn hỏi ý kiến. Lên đến tiền tiêu, công tước Andrey cho ngựa đi dọc theo trận tuyến. Hàng tiền tiêu của quân ta và hàng tiền tiêu của quân địch ở cánh trái và cánh phải cách xa nhau, nhưng ở khoảng giữa, tức là nơi trông thấy mặt nhau và nói chuyện với nhau được.
Ngoài những người lính giữ vị trí tiền tiêu ở chỗ ấy, cả hai bên đều có những tay hiếu kỳ đứng đấy: vừa cười vừa nhìn những kẻ địch kỳ quái và xa lạ với họ. Từ sáng sớm, mặc dầu có lệnh cấm quân sĩ đến gần tiền tiêu, những người chỉ huy vẫn không sao xua đuổi được những anh hiếu kỳ. Những người đứng gác ở tiền tiêu, như những kẻ chuyên trưng bày cho công chúng xem một cái gì hiếm có, không buồn nhìn quân Pháp nữa mà lại đứng bình phẩm những người đến xem và cảm thấy chán trong khi chờ đợi người ta đến thay phiên mình. Công tước Andrey đứng lại quan sát quân Pháp. - Cậu xem kìa - một người lính Nga nói với bạn, tay chỉ một bộ binh Nga đã cùng với một sĩ quan đến gần tiền tiêu, đang nói rất nhanh và rất sôi nổi với người lính pháo thủ Pháp - Cậu xem nó nói thạo chưa, nhanh như gió ấy, thằng Pháp theo không kịp. Xidorov, cậu lại đi - Hãy gượm, để nghe xem đã. Ồ, nói thạo lắm - Xidorov đáp (Anh ta vốn được xem là người rất thông thạo tiếng Pháp). Người lính mà họ vừa cười vừa chỉ đó chính là Dolokhov. Công tước Andrey nhận ra hắn và lắng nghe xem hắn nói gì. Dolokhov cùng với viên đại đội trưởng của mình đến gần chỗ tiền tiêu ở cánh gà trái là nơi trung đoàn của họ bố trí. - Được đấy cứ nói nữa đi - viên đại uý khích Dolokhov, người nhô ra phía trước và cố gắng không bỏ sót một chữ nào mặc dầu anh ta không hiểu hết gì - Anh nói cho thật nhanh nữa đi. Hắn nói gì thế? Dolokhov không đáp, hắn đang bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi nổi với người lính thủ pháo Pháp. Cố nhiên là họ nói đến chiến dịch. Người Pháp, lẫn lộn người Áo với người Nga, đang chứng minh rằng người Nga đã bị đánh bại phải bỏ thành Ulm chạy dài, còn Dolokhov thì chứng minh rằng quân Nga không hề bị đánh bại, trái lại họ đã đánh bại quân Pháp. Dolokhov nói: - Ở đây chúng tao đã được lệnh đuổi chúng mày, và chúng tao sẽ đuổi chúng mày. - Thôi chúng mày hãy cố gắng làm sao đừng bị bắt làm tù binh với tất cả bọn cô-dắc của chúng mày - người lính thủ pháo Pháp nói. Những người lính Pháp đang đứng xem và lắng nghe đều cười rộ. - Chúng tao sẽ cho chúng mày khiêu vũ một trận như chúng mày đã khiêu vũ thời Xuvorov - Dolokhov nói. - Hắn tán cái gì thế? - một người Pháp hỏi. - Lịch sử cổ đại ấy mà! - một người khác nói, đoán rằng Dolokhov muốn nói đến những chiến sự trước. Hoàng đế sẽ cho cái lão Xuvara của chúng mày biết tay cũng như mọi đứa khác. - Buônapáctê… - Dolokhov bắt đầu nói nhưng người Pháp đã ngắt lời chàng: - Buônapáctê cái gì? Đã bảo là Hoàng đế! Khốn kiếp! - Hắn giận dữ quát lên. - Quỷ sứ bắt cái thứ hoàng đế của chúng mày đi. Dolokhov chửi lên một tiếng Nga tục tằn của binh sĩ và khoác quai súng lên vai bỏ đi. - Đi, chúng ta đi thôi, anh Ivan Lukits, - hắn nói với người đại đội trưởng. - Đấy thế mới biết tiếng Pháp chứ - Người lính ở tiền tiêu nói - Xidorov, bây giờ cậu đến nói đi. Xidorov nheo mắt một cái rồi quay về phía những người Pháp bắt đầu nói xì xồ những câu chẳng ai hiểu. - Ca-ri, ma-ta, ta pha, sa phi, mu te, cat-sca - anh nói có vẻ liến thắng, cố làm cho giọng nói của mình bao hàm rất nhiều ý nghĩa. - Hô hô, hô! Ha - ha, ha! ú ù! - đám binh sĩ cười phá lên, tiếng cười lành mạnh và vui vẻ, bất giác vượt qua hàng tiền tiêu lan cả vào đám lính Pháp, đến nỗi người ta có cảm giác là lẽ ra sau đó chỉ còn có việc tháo đạn khỏi súng, phá hết tạc đạn và giải tán thật nhanh ai về nhà nấy. Nhưng súng vẫn cứ nạp đạn, những lỗ châu mai trên các nhà và các công sự vẫn cứ nhìn về phía trước một cách dữ tợn và những khẩu pháo đã được tháo ra khỏi xe vẫn chĩa vào nhau. 
Chương 16 
Sau khi đã vượt qua trận tuyến từ cánh phải sang cánh trái, công tước Andrey lên vị trí đơn vị pháo binh đóng ở đấy nơi mà theo lời viên sĩ quan tham mưu có thể nhìn bao quát được khắp chiến trường. Đến đây, chàng xuống ngựa và dừng lại cạnh khẩu pháo cuối cùng trong số bốn khẩu đã tháo ra khỏi xe. Một người pháo binh đứng gác trước súng, thấy có một vị sĩ quan đến liền bồng súng chào, nhưng công tước Andrey ra hiệu bảo nghỉ, và anh ta lại bước đi theo lối bước đều đều, buồn buồn của mình. Đằng sau các khẩu pháo là những cỗ xe kéo pháo, đằng sau nữa có mấy người lính túc trực cưỡi ngựa và những đống lửa của pháo binh. Bên trái, cách khẩu súng cuối cùng không xa là một cái lều mới dựng lên, từ trong lều vang ra những tiếng nói chuyện rôm rả của các sĩ quan. Đúng như viên sĩ quan tham mưu đã nói, từ vị trí của đội pháo binh nhìn ra, có thể nhìn thấy hầu hết cách bố trí của quân đội Nga, và một phần lớn vị trí của dịch. Phía trước mặt đội pháo binh, trên ngọn đồi đối diện, làng Songraben in lên nền trời. Ở bên trái và bên phải làng Songraben, trong làn khói của các bếp lửa do họ đốt lên, ở ba chỗ có thể nhận ra những đám quân Pháp. Hẳn là phần lớn các đơn vị ở ngay trong làng và ở đằng sau núi. Bên trái làng, ở trong làn khói, thấp thoáng một cái gì giống như một đội pháo, nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt trần thì không thể nào quan sát cho rõ được. Cánh phải của quân ta bố trí trên một cao điểm khá dốc khống chế vị trí của quân Pháp. Bộ binh của ta được bố trí cao điểm này, và ở phía ngoài cũng có thể trông thấy những đơn vị long kỵ binh. Ở trung tâm, nơi đội pháo binh của Tusin bố trí, và là nơi công tước Andrey đứng quan sát, sườn núi dốc thoai thoải xuống thẳng đến một ngọn suối ngăn cách quân ta với Songraben. Cánh trái quân ta ở sát khóm rừng, nơi có những đám khói bốc lên từ những đống lửa của các đơn vị bộ binh ta đang đẵn củi. Trận tuyến quân Pháp rộng hơn trận tuyến quân ta và rõ ràng là quân Pháp có thể dễ dàng bao vây quân ta từ cả hai phía. Đằng sau các vị trí của quân ta là một cái khe sâu và dốc đứng, kỵ binh và pháo binh rất khó rút lui theo phía đó. Công tước Andrey chống khuỷu tay lên nòng đại bác lấy ra một quyển sổ tay phác họa sơ đồ cách bố trí quân đội để dùng riêng. Ở hai nơi chàng ghi lại những điều nhận xét bằng bút chì, định để báo cáo lại với Bagration. Chàng đề nghị là trước nhất nên tập trung tất cả các pháo binh vào giữa, thứ hai là chuyển kỵ binh lùi về phía bên này khe. Công tước Andrey luôn luôn ở bên cạnh Tổng tư lệnh đã từng chú ý theo dõi sự vận chuyển của một đại quân và những cách bố trí đại thể, chàng lại thường xuyên lo việc miêu tả lịch sử các trận đánh, vì vậy trong trận chiến đấu sắp tới, chàng vô tình chỉ nghĩ đến sự phát triển của chiến sự trên đại thể. Chàng chỉ hình dung ra những khả năng lớn sau đây: “Nếu quân địch tấn công vào cánh phải - chàng tự nhủ - thì lính thủ pháo thành Kiev và khinh binh Podolxki nhất định phải giữ vững trận địa của mình cho đến khi những đội quân dự bị ở trung tâm đến tiếp viện. Trong trường hợp này, đội long kỵ binh [62] có thể đánh vào sườn quân địch và đẩy lùi chúng. Trong trường hợp chúng đánh vào giữa - chàng nghĩ thầm - ta đặt ở trên cao điểm này một pháo đội pháo trung tâm và dưới sự yểm hộ của nó, quân ta sẽ dàn cánh trái ra rồi rút lui dần từng đợt về đến khe núi. Suốt cả thời gian đứng bên khẩu đại bác của đội pháo binh, chàng vẫn luôn luôn nghe rõ tiếng nói của các sĩ quan ở trong lều, nhưng đúng như ta vẫn thường gặp, chàng chỉ nghe thấy tiếng nói mà không hiểu một chữ nào. Đột nhiên một giọng nói từ trong văng vẳng ra, giọng nghe tha thiết đến nỗi chàng bất giác lắng tai nghe: - Này cậu - một giọng nói dễ ưa mà công tước Andrey nghe có vẻ quen thuộc đang nói - tôi bảo là giả sử có thể biết được sau khi chết sẽ có cái gì thì thì bọn chúng mình chẳng ai sợ chết cả. Chính thế đấy cậu ạ. Một giọng khác trẻ hơn ngắt lời: - Nhưng mà sợ hay không sợ thì cũng thế thôi, chẳng có cách nào tránh khỏi chết. - Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ đấy! Chà, các nhà thông thái! - một giọng thứ ba ồm ồm ngắt lời hai giọng kia - Con nhà pháo binh các cậu thông thái lắm vì lúc nào cũng có thể mang theo đủ thứ, cả rượu, lẫn thức nhắm. Và người có cái giọng ồm ồm, hẳn là một sĩ quan bộ binh, cười phá lên. - Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ - Giọng nói nghe quen thuộc lúc nãy tiếp - Cái gì người ta chưa biết thì người ra sợ, có thế thôi. - Người ta cứ bảo là linh hồn sẽ lên thiên đường, nhưng chúng ta thừa biết rằng chẳng làm gì có thiên đường mà chỉ có khí quyển thôi. - Cái giọng ồm ồm lại ngắt lời người pháo binh. - Được! Nếu thế thì cậu rót rượu cỏ thết bọn mình đi, Tusin. - À đó chính là anh là chàng đại uý không đi ủng trong lều bán hàng ăn lúc nãy - công tước Andrey nghĩ thầm trong khi nhận ra cái giọng nói dễ ưa đang triết lý. - Rượu cỏ thì cũng có thể được - Tusin nói - Nhưng còn hiểu được đời sống sau này… - anh ta không nói được hết câu. Ngay lúc ấy, từ trong lều chàng Tusin nhỏ bé nhảy ra trước mọi người, mép còn ngậm tẩu thuốc, khuôn mặt hièn hậu, thông minh của anh hơi tái đi. Tiếp theo sau là người có giọng ồm ồm. Đó là một sĩ quan bộ binh còn trẻ. Hắn ta chạy vội về phía đại đội của mình, vừa chạy vừa cài lại cúc áo. Chương 17 
Công tước Andrey ngồi trên lưng ngựa cạnh đơn vị pháo binh, đưa mắt nhìn làn khói của khẩu pháo địch vừa bắn quả tạc đạn. Mắt chàng nhìn hết nơi này đến nơi khác trên khoảng rộng. Chàng chỉ thấy những đám quân Pháp trước đây vẫn im lìm thì bây giờ đang đi động và ở bên trái quả nhiên có một trận địa pháo binh. Làn khói trên đội pháo vừa bắn vẫn chưa tan. Hai người Pháp cưỡi ngựa, có lẽ là hai sĩ quan phụ tá, phi trên sườn núi, chắc là đang đến tăng cường cho tiền tiêu. Làn khói của phát đạn đầu tiên chưa tan, thì đã thấy một làn khói khác và sau đó nghe tiếng súng nổ. Trận giao chiến đã bắt đầu. Công tước Andrey quay ngựa và phi về phía Grun để tìm công tước Bagration. Ở sau lưng chàng tiếng đại bác nghe đã dồn dập hơn và mạnh hơn. Hình như quân ta đã bắt đầu trả lời. Ở dưới thấp, ngay cả ở nơi mà trước đây các sứ giả qua lại, đã nghe thấy tiếng súng trường. Lemarrois vừa nói vừa mang đến cho Mura bức thư lời lẽ giận dữ của Buônaparte, và Mura xấu hổ muốn sửa chữa sai lầm liền cho quân tiến vào trung tâm và bọc qua hai cánh sườn quân ta, hy vọng rằng trước hoàng hôn và trước khi Hoàng đế đến sẽ tiêu diệt được cái chi đội không đáng kể đang ở trước mắt mình. - Bắt đầu rồi! Nó đây rồi! - Công tước Andrey nghĩ thầm. Chàng cảm thấy máu chàng dồn về tim nhanh hơn - Nhưng ở đâu? - Trận Toulon của ta sẽ thể hiện ra như thế nào? Trong khi đi ngựa qua trước mặt các đại đội cách đây mười lăm phút vừa ăn cháo vừa uống vodka, chàng nhìn thấy ở khắp nơi đâu đâu quân sĩ cũng đã cầm lấy súng và sắp thành hàng ngũ. Và trên tất cả các gương mặt chàng đều nhận ra cái cảm giác hăng hái sôi sục lòng mình. Gương mặt của mỗi người lính, mỗi người sĩ quan đều muốn nói “Bắt đầu rồi! Nó đây rồi, khủng khiếp quá, mà vui quá!” Chưa đi đến những công sự đang đắp, chàng đã thấy trong ánh hoàng hôn của buổi chiều thu ảm đạm hôm ấy có một nhóm người cưỡi ngựa tiến về phía chàng. Người đi dầu mặc “burka” đội mũ luỡi trai bằng da cừu, cưỡi một con ngựa trắng. Đó là công tước Bargration cũng đã dừng ngựa lại, và khi nhận ra công tước Andrey, ông gật đầu một cái rồi vẫn tiếp tục quan sát chiến trường trong khi nghe công tước Andrey báo cáo lại những điều đã thấy. Ý nghĩa “Đấy! Bắt đầu rồi đấy!” Cũng hiện rõ trên gương mặt rắn rỏi, rám nắng của Bagration với cặp mắt đục mờ lim dim như còn ngái ngủ. Công tước Andrey tò mò và lo lắng nhìn vào cái gương mặt im lìm ấy và muốn biết trong giờ phút này con người ấy có những ý nghĩ gì, những cảm giác gì. “Không biết đằng sau cái mặt im lìm kia có cái gì không?” - Công tước Andrey tự hỏi khi nhìn Bagration. Bagration gật đầu, tỏ ý đồng tình với lời báo cáo của công tước Andrey nói “Tốt lắm!” với cái vẻ như tất cả những điều xảy ra; tất cả những điều mà người ta báo cáo với ông chính là những điều ông dự kiến từ trước. Vì phi ngựa quá nhanh, công tước Andrey thở gấp và nói vội vàng. Trái lại, công tước Bagration với cái giọng của người phương Đông, chậm rãi phát âm từng tiếng một như muốn cho người ta hiểu rằng chẳng việc gì phải vội vàng cả. Tuy nhiên, ông vẫn thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đại đội pháo binh của Tusin. Công tước Andrey nhập vào đoàn tuỳ tùng và đi theo ông. Theo sau Bagration có viên sĩ quan tuỳ tùng, viên sĩ quan phụ tá của Bagration là Zerkov, viên sĩ quan tham mưu trực nhật cưỡi con ngựa lại rất đẹp và một viên công chức nhà nước, một viên phán quan đã xin đi theo để xem trận đánh. Ông ta là một người béo tốt, mặt mày phương phi, mắt cứ nhìn ngang nhìn ngửa, trên môi nở một nụ cười sung sướng ngây ngô, người nhún nhảy trên lưng ngựa. - Cái áo khoác rộng bằng len cái yên của đội vận tải khiến cho ông có một bộ dạng kỳ quặc ở trong đám phiêu kỵ, lính cô-dắc và sĩ quan phụ tá Zerkov chỉ ông ta nói với công tước Andrey: - Cái ông này muốn xem trận đánh, nhưng trong bụng đã thấy hốt rồi. - Ồ không đâu, tôi xin ông - Ông kia đáp lại, miệng nhoẻn một nụ cười vừa ngây ngô vừa tinh quái, dường như lấy làm khoái chí khi thấy mình là đối tượng để cho Zerkov bông đùa; và dường như thể ông ta cố tình làm ra vẻ ngốc nghếch chứ thực ra không đến nỗi thế. Viên sĩ quan tham mưu nói: - Ngộ nghĩnh lắm, thưa ông công tước của tôi ạ - Ông ta nhớ rằng trong tiếng Pháp khi dùng những chữ công tước người ta phải nói theo một công thức đặc biệt nào đó nhưng không sao nói cho đúng được. Khi họ đã đến gần đơn vị pháo binh của Tusin, một quả tạc đạn rơi ở trước mặt. - Cái gì thế? - Viên phán quan hỏi và mỉm cười ngây ngô. - Bánh đa của quân Pháp đấy - Zerkov đáp. - Ồ! Thế ra họ bắn bằng bánh à? - viên phán quan hỏi - Lạ quá nhỉ? Và mặt ông ta trông như nở nang và thích thú. Ông vừa nói dứt lời thì bỗng lại có một tiếng vèo vèo ghê sợ đột nhiên chấm dứt nghe đánh bẹt một cái vào một cái gì mềm mềm, và người cô-dắc đang đứng chênh chếch ở phía sau ông ta gục xuống đất cả người lẫn ngựa, Zerkov và viên sĩ quan tham mưu trực nhật cúi rạp mình trên lưng ngựa và quay ngựa đi chỗ khác. Viên phán quan dừng ngựa tò mò nhìn người cô-dắc. Người cô-dắc đã chết nhưng con ngựa vẫn còn giãy giụa. Bagration ngoái cổ lại nheo mắt nhìn và sau khi nhận ra nguyên nhân của sự lộn xộn, liền thản nhiên quay mặt đi như muốn nói: “Hơi đâu bận tâm về những việc không đâu như thế. Ông dừng ngựa và với tư thế một tay kỵ mã lão luyện khẽ cúi mình gỡ thanh kiếm mắc vào tay áo “burka”. Đó là một thanh kiếm cổ không giống những thanh kiếm người ta vẫn đeo hồi ấy. Công tước Andrey sực nhớ đã nghe người ta kể chuyện rằng hồi ở Ý, Xuvorov có tặng cho Bagration thanh kiếm của mình, và lúc này nhớ lại; công tước Andrey thấy thích thú lạ thưòng. Mấy người đã đến gần vị trí đại đội pháo binh, nơi mà công tước Andrey dừng lại để quan sát chiến trường. - Đại đội pháo binh của ai đấy? - Bagration hỏi viên sĩ quan đứng cạnh mấy hòm đạn. Tuy hỏi vậy nhưng thực ra ông muốn nói: “Các anh ở đây có sợ không?” và các pháo thủ cũng hiểu như vậy. - Thưa ngài, đại đội của đại uý Tusin ạ - người pháo thủ tóc hoe, mặt dầy tàn hương đứng thẳng người đáp, giọng vui vẻ. - Được được! Bagration nói, như đang suy nghĩ điều gì. Ông đi qua những cỗ xe kéo pháo và đến khẩu pháo ở ngoài cùng. Ngay trong lúc ông đến gần thì khẩu pháo này bắn ra mà ông và những người tuỳ tùng choáng cả tai, và trong làn khói đột nhiên bao quanh khẩu pháo người ta thấy mấy pháo thủ vội vàng ôm lấy khẩu pháo ra sức đẩy nó lại vị trí cũ. Người pháo thủ số một là một người cao lớn vai rộng, đang dang rộng hai chân cầm lấy chiếc gậy thông nòng nhảy một cái về phía bánh xe. Người pháo thủ số hai tay run run nạp đạn vào miệng súng. Người hơi gù là sĩ quan Tusin, nhảy ra phía trước, vấp chân vào giá súng. Anh giơ bàn tay nhỏ nhắn lên che mắt để nhìn cho rõ không để ý thấy vị thủ trưởng. - Cứ thêm hai độ nữa là đúng khuýp - Giọng nói nhỏ nhẹ của anh gào lên, anh cố sức làm cho nó có được một âm sắc hiên ngang chẳng ăn khớp gì với con người của anh ta. Anh cất tiếng the thé hô: “Phát thứ hai, Medvedev, bắn!”. Bagration gọi viên sĩ quan lại. Tusin liền đến trước mặt vị tướng, giơ ba ngón tay lên lưỡi trai với một cử chỉ bẽn lẽn vụng về giống cử chỉ của ông cố đạo làm lễ ban phước chứ tuyệt nhiên không giống cái chào của một quân nhân. Mặc dù bốn khẩu pháo của Tuisin đặt ở đây đã bắn vào khe núi, anh vẫn bắn vào đạn lửa của làng Songraben ở trước mặt, nơi có những toán quân Pháp đang tiến lại. Không ai ra lệnh cho Tusin bắn vào đích nào và bắn bằng đạn gì hết. Sau khi bàn bạc với Zakhartsenko, viên sĩ quan quản trị của đại đội mà anh kính trọng, cuối cùng anh đã quyết định rằng tốt nhất là bắn cho cháy cái làng kia. Sau khi nghc anh báo cáo, Bagration nói: “Được” đoạn lại bắt đầu nhìn qua một lượt toàn bộ chiến trường đang mở ra trước mắt có vẻ như đang bận tâm suy nghĩ điều gì đó. Quân Pháp tiến gần đến trận địa hơn cả là ở phía bên phải, ở phía dưới cao điểm mà trung đoàn Kiev bố trí, trên con sông nhỏ chạy qua khe núi, tiếng súng trường bắn từng tràng liên tiếp khiến người ta nghe mà thấy tim như thắt lại. Viên sĩ quan tuỳ tùng chỉ cho Bagration thấy rằng ở phía cực hữu đằng sau đội long kỵ binh, có một đội quân Pháp đang đi vòng để để vây bọc sườn quân ta. Ở sát bên trái là một cánh rừng chắn ngang chân trời. Công tước Bagration ra lệnh cho hai tiểu đoàn ở trung tâm đến tăng viện cho cánh phải. Một sĩ quan tuỳ tùng đánh bạo nhắc công tước rằng nếu rút hai tiểu đoàn này thì đại đội pháo binh sẽ không có ai yểm hộ nữa, Bagration đưa cặp mắt đục lờ về phía viên sĩ quan tuỳ tùng và lặng là nhìn anh ta. Andrey cảm thấy ý kiến của viên sĩ quan tùy tùng đúng là không còn phải bàn bạc gì nữa. Nhưng ngay lúc ấy một viên chỉ huy trung đoàn phái sĩ quan phụ tá đến báo tin rằng trung đoàn của ông ở trong khe núi phải đương đầu với những lực lượng đông đảo của quân Pháp từ trên xuống nên đã rối loạn và phải rút lui về phía đại đội thủ pháo thành Kiev. Bagration gật đầu tỏ ý bằng lòng và vội vàng phái quân tuỳ tùng đến đội long kỵ binh để ra lệnh cho nó tấn công, trong khi bản thân ông thì cưỡi ngựa đi trước một bước về phía tay phải. Nửa giờ sau, viên sĩ quan trở lại báo tin rằng vì gặp phải hỏa lực dữ dội, đại tá chỉ huy trung đoàn long kỵ binh đã rút lui về phía bên kia khe núi để khỏi tổn thất một cách vô ích, và do đó đại tá đã cho lính xạ kích rút vào rừng. Bagration nói: - Được! Ngay lúc ông rời khỏi đội pháo binh thì một loạt đạn lại nổ ở trong rừng về phía cạnh tả quân. Vì cánh ấy quá xa, Bagration không thể đến đấy kịp, bèn phái Zerkov đến báo cho viên tướng chỉ huy ở đây - viên tướng này chính là người đem trung đoàn duyệt binh trước mặt Kutuzov ở Braonao - rằng ông ta phải rút lui ngay ra phía sau khe núi cho thật nhanh vì chắc cánh trái không thể nào ngăn chặn quân địch được lâu. Còn đại đội pháo của Tusin và tiểu đoàn yểm hộ nó thì bị bỏ quên. Công tước Andrey lắng tai nghe những lời công tước Bagration nói với vị chỉ huy và thấy rằng thực ra công tước Bagration không hề nhận ra lệnh gì hết, mà chỉ cố gắng làm cho người ta tin rằng tất cả những điều xảy ra vì tất nhiên, vì ngẫu nhiên hay vì ý muốn của những người chỉ huy cấp dưới, tuy không phải do mệnh lệnh của ông, nhưng đều hợp vớỉ ý định của ông. Tuy nhiên, công tước Andrey cũng nhận thấy rằng mặc dầu những biến cố xảy ra đều là do ngẫu nhiên và hoàn toàn không liên quan đến ý chí của ông, chỉ riêng sự có mặt của Bagration với cái thái độ khôn khéo của ông đã gây nên những kết quả hết sức lớn. Các sĩ quan chỉ huy khi đến gặp Bagration thì mặt mày hốt hoảng nhưng khi ra đi thì đều đã trấn tĩnh lại, võ quan và binh sĩ đều chào ông một cách vui vẻ trở nên phấn khởi hơn, và hẳn là muốn biểu đương tinh thần anh dũng của mình trước mặt ông. 
Chương 18 
Khi đã lên đến điểm cao nhất của cánh quân bên phải, công tước Bagration bắt đầu cho ngựa đi xuống phía có tiếng súng trường dồn dập ròn rã, nhưng không thể trông thấy gì vì khói thuốc súng che lấp mọi vật. Càng ngồi xuống gần thung lũng thì càng khó nhìn rõ, nhưng càng cảm thấy mình đang tiến gần đến chiến trường. Họ bắt đầu gặp những người bị thương. Hai người lính đang xốc nách kéo một người dầu bê bết máu, mũ rơi đâu mất. Anh ta rên khừ khừ và khạc nhổ. Hẳn là viên đạn đã phạm vào miệng hay u cổ họng. Họ gặp một người khác bước đi một mình, vẻ hiên ngang, tay không cầm súng, vừa đi vừa rên và vung tay cho đỡ đau, trong khi máu ở cánh tay anh ta chảy ra như suối, đỏ loang cả chiếc áo khoác. Mặt anh ta lộ vẻ sợ hãi nhiều hơn là đau đớn. Anh ta vừa bị thương cách đây một phút. Sau khi vượt qua đường, họ bắt đầu đi xuống sườn núi dốc đứng. Họ thấy rải rác có mấy người nằm trên sườn núi. Họ gặp một toán lính trong đó có cả những người không bị thương. Lính trèo lên núi, thở hổn hển, và mặc dầu có chủ tướng của họ ở đấy họ vẫn nói chuyện bô bô và hoa tay múa chân. Đằng trước, trong đám khói thấy những hàng áo khoác xám. Trông thấy Bagration, một viên sĩ quan liền chạy theo đám lính đang đi, quát tháo inh ỏi bảo họ quay lại. Bagration tiến đến gần những hàng quân, nơi những tiếng súng trường nổ liên hồi khi đây khi đó, át cả tiếng nói chuyện và tiếng các viên chỉ huy quát tháo. Không khí sặc mùi thuốc súng. Mặt binh sĩ đen sạm khói thuốc nhưng rất hăng hái. Người thì đang thọc que thông vào nòng súng, người thì dốc đạn ra khỏi bao, người thì bắn. Nhưng vì bị khói thuốc dày đặc che phủ, lớp khói này lại không bị gió thổi bạt đi nên không thấy rõ họ bắn ai cả. Cứ chốc bên tai lại nghe những tiếng huýt vù vù và những tiếng êm tai “Cái gì thế này?” - Công tước Andrey tự hỏi trong khi đến gần toán lính này. Đây không thể là một đơn vị đang tấn công vì họ đứng yên, cũng không thể là một phương trận [63] vì họ không bố trí như thế. Viên chỉ huy trung đoàn, một ông già nhỏ bé, vẻ người yếu ớt, với nụ cười dễ mến và đôi mi che quá nửa cặp mắt già nua làm cho ông có vẻ hiền lành, đang đi ngựa đến gần công tước Bagraltyôn và tiếp công tước như một vị chủ tiếp một ông khách quý. Ông báo cáo với công tước rằng trung đoàn của ông đã dương đầu với một cuộc tấn công của kỵ binh Pháp và cuộc tấn công này bị đánh lui, nhưng trung đoàn của ông cũng đã mất quá nửa quân số. Khi nói rằng cuộc tấn công đã bị đánh lui, viên trung đoàn trưởng chẳng qua chỉ dùng một danh từ quân sự để gọi cái sự việc xảy ra trong trung đoàn mình, chứ thực ra bản thân ông cũng không biết trong nửa giờ ấy trung đoàn ông chỉ huy đã gặp những việc gì, và ông không thể nói chắc là cuộc tấn công đã bị đánh lui hay là trung đoàn ông đã bị cuộc tấn công đánh tan. Ông chỉ biết rằng lúc khai hỏa tạc đạn bắt đầu bay vào khắp cả trung đoàn và bắn chết nhiều người, rồi sau đó có một người nào kêu lên: “Quân kỵ binh!”. Thế là quân ta bắt đầu bắn. Lúc bấy giờ họ không bắn vào quân kỵ binh vì quân kỵ binh đã biến đi đàng nào không thấy đâu nữa, mà bắn vào bộ binh Pháp vừa xuất hiện ở dưới núi và đang nã súng vào quân ta. Công tước Bagration gật đầu, tỏ ra rằng tình hình đã xảy ra hoàn toàn theo ý muốn và dự định của ông. Rồi quay về phía viên sĩ quan phụ tá ông ra lệnh cho anh ta đem hai tiểu đoàn của trung đoàn khinh binh [64] thứ sáu ở trên đỉnh núi xuống. Đó là hai tiểu đoàn ông vừa đi qua. Ngay lúc ấy, trên gương mặt Bagration hiện ra một sự thay đổi đột ngột làm cho công tước Andrey kinh ngạc. Gương mặt của ông biểu hiện một cái kiên quyết vui vẻ và chăm chú của một người gặp ngày nóng nực đang sẵn sàng lấy đà lần cuối để lao mình xuống nước. Cái nhìn lờ đờ, ngái ngủ, cái vẻ thâm trầm vờ vĩnh đã mất; cặp mắt tròn, cương nghị của con chim ưng nhìn phấn khởi và hơi khinh bỉ về phía trước, nhưng rõ rệt là không chú ý vào cái gì cả, mặc dầu cử động của ông vẫn chậm chạp và khoan thai như trước. Viên trung đoàn trưởng khẩn khoản yêu cầu Bagration lui về phía sau vì ở đây quá nguy hiểm. “Thưa ngài, xin ngài lui cho, tôi van ngài!” ông vừa nói vừa đưa mắt nhìn viên sĩ quan tuỳ tùng mong ông ta biểu thị sự đồng tình, nhưng viên sĩ quan tuỳ tùng cố tránh không nhìn mặt ông ta “Đấy ngài xem!”. Ông xin Bagration chú ý đến những viên đạn cứ rít lên, réo lên, huýt lên ở bốn phía, không lúc nào ngớt. Ông nói với cái giọng cầu khẩn và trách móc của một anh thợ mộc khi thấy ông chủ cầm lấy búa: “Đây là việc chúng tôi quen làm, chứ ông làm thì chỉ tổ phồng da tay lên mà thôi!”. Ông nói, tưởng chừng như những viên đạn kia không thể nào giết được ông, và cặp mắt lim dim lại càng làm cho lời nói của ông thêm sức thuyết phục. Viên sĩ quan tham mưu cũng tiếp lời viên trung đoàn trưởng khuyên Bagration, nhưng công tước không trả lời họ, chỉ ra lệnh ngừng bắn và tránh ra để lấy chỗ cho hai tiểu đoàn đang tiến đến. Trong lúc ông nói, một cơn gió nổi lên, và dường như thể có một bàn tay vô hình kéo màn khói từ bên phải sang bên trái để lộ sườn dồi đối diện đầy những lính Pháp đang tiến bước trước mặt quân ta. Bao nhiêu con mắt đều bất giác đổ dồn vào đội quân Pháp này đang đi quanh co trên sườn núi gập ghềnh. Đã có thể trông thấy những chiếc mũ lông xù xì của binh sĩ, đã có thể phân biệt sĩ quan với lính thường, đã có thể nhìn rõ lá quân kỳ của họ bay phần phật trên cán cờ. - Đi đẹp thật - Một người ở trong đoàn tuỳ tùng của Bagration nói. Phần đầu của đoàn quân đã đi vào thung lũng. Cuộc giao chiến sẽ xảy ra ở dưới chân sườn núi bên này. Những binh sĩ của trung đoàn quân ta còn sót lại vội vàng xếp thành hàng ngũ rút lui về phía tay phải; hai tiểu đoàn của đoàn khinh binh thứ sáu ở đằng sau họ tiến lên hàng ngũ chỉnh tề, dồn những người tụt lại sau chạy tản ra. Họ chưa đến gần Bagration, nhưng đã có thể nghe thấy tiếng bước chân thình thịch nặng nề của cả khối người. Trong đại đội thuộc cánh trái, đi gần Bagration nhất là một người đàn ông thân hình cân đối; mắt tròn và có vẻ ngốc nghếch, hớn hở. Đó chính là người đã chạy trong lều của Tusin ra. Hẳn là trong giờ phút này anh ta không nghĩ gì ngoài việc phải đi một cách hiên ngang trước mặt vị chỉ huy của mình. Cặp giò lực lưỡng của anh ta bước thoăn thoắt với cái vẻ đắc ý của một quân nhân chuyên nghiệp, anh bước không chút khó khăn, giống như đang bơi, và cái dáng đi nhanh nhẹn ấy khác hẳn bước chân nặng nề của những binh sĩ bước đều theo anh. Anh đeo cạnh sườn một thanh kiếm trần, mỏng và nhỏ (loại kiếm uốn cong, không có vẻ gì là một vũ khí) và khi thì liếc mắt nhìn các vị chỉ huy, khi thì nhìn lui phía sau, trong lúc vẫn bước không sai bước nào, chuyển động nhịp nhàng cả cái thân hình cường tráng. Hình như bao nhiêu sức lực tinh thần của anh đều tập trung vào một điểm là làm sao đi trước mặt vị chỉ huy cho thật đẹp, và khi cảm thấy mình làm được như vậy, anh rất sung sướng. “Trái… trái… trái!” hình như cứ hai bước một anh lại tự hô thầm với mình như vậy, và cái đoàn người với vẻ mặt nghiêm trang mỗi người một vẻ, lưng nặng trĩu nhưng túi đầy, súng ống, cũng bước theo nhịp bước ấy, hình như mấy trăm con người này cứ hai bước một lại nhẩm nói với mình: “Trái… trái… trái!” một viên thiếu tá to béo, thở hổn hển và bước sai nhịp, phải đi vòng một bụi rậm ở trên đường, một binh sĩ tụt lại sau, thở hồng hộc, vẻ hốt hoảng vì biết mình phạm lỗi, đang ra sức chạy theo đại đội. Một quả tạc đạn làm rung chuyển cả không khí, bay vù vù trên đầu công tước Bagration và những người tuỳ tùng rồi rơi xuống vừa đúng nhịp bước “Trái… trái!” vào giữa đoàn quân. “Siết chặt hàng ngũ lại!” - Giọng viên đại đội trưởng vang lên, oai vệ. Binh sĩ đi thành vòng cung quanh chỗ tạc đạn rơi xuống; một kỵ binh hạ sĩ quan già đeo huân chương đứng ở mé ngoài, đứng một giây bên cạnh mấy người mới chết rồi lại rảo bước chạy vào hàng ngũ, nhảy một cái đổi chân cho đúng bước và quay lại nhìn phía sau, vẻ giận dữ. “Trái… trái… trái?” hình như người ta vẫn nghe tiếng hô trong cảnh im lặng đáng sợ và tiếng chân bước đều đều cùng giẫm lên mặt đất. Công tước Bagration nói; - Hăng hái lên, anh em! - Vì tổ qu… uốc... uốc… uốc! Khắp hàng ngũ tiếng hò vang dậy Một binh sĩ vẻ mặt cau có, đang đi ở bên trái, trong khi họ lại liếc mắt nhìn Bagration, vẻ mặt như muốn nói: “Chúng tôi biết thế lắm chứ!”. Một người khác không quay đầu lại và hình như sợ phân tán tư tưởng, đang há hốc mồm vừa hô vừa đi. Có lệnh bảo dừng lại và bỏ bạc đà xuống. Bagration đi vòng quanh hàng ngũ vừa diễn qua trước mặt ông một lượt, và xuống ngựa giao cho một người cô-đắc giữ cương, cởi áo buốc-ca trao cho anh ta, duỗi chân cho khỏi mỏi rồi sửa cái mũ lưỡi trai trên đầu cho ngay ngắn. Những hàng trước của đội quân Pháp với các sĩ quan đi đầu đã hiện ra ở chân núi. - Tiến lên! Cầu Chúa phù hộ!… Bagration ra lệnh, giọng dõng dạc. Ông quay mặt về phía đội ngũ một lát, rồi khẽ vung vẩy hai tay, với những bước vụng về của người kỵ binh, có vẻ như đang lê chân một cách khó nhọc, ông tiến về phía trước mặt đất gồ ghề. Công tước Andrey cảm thấy có một sức mạnh gì không thể cưỡng lại được lôi mình về phía trước và chàng cảm thấy lòng vui sướng lạ thường [65]. Quân Pháp đã tiến đến rất gần. Công tước Andrey đi cạnh Bagration đã thấy rõ mồn một nhưng chiếc đai chéo ngực, những đôi tua vai đỏ, thậm chí cả mặt người nữa. Chàng thấy rõ ràng một viên sĩ quan Pháp đã già có đôi chân vòng kiềng đi ghệt đang trèo lên núi một cách khó nhọc, luôn luôn phải níu lấy các bụi cây.
Công tước Bagration không ra lệnh gì mới. Ông vẫn cứ tiếp tục tiến lên, lẳng lặng đi trước hàng quân. Đột nhiên ở trong toán quân Pháp một phát súng nổ… rồi phát thứ hai… phát thứ ba… và tất cả hàng ngũ đã bắt đầu rối loạn của quân dịch ngập trong khói súng. Tiếng súng nổ dồn dập trong hàng ngũ quân ta, có vài người gục xuống trong đó có viên vĩ quan mặt tròn vừa bước đều nhịp một cách vui vẻ và say sưa. Nhưng ngay khi tiếng súng đầu tiên vang lên, Bagration đã quay lại và thét lớn: - Ura! - Uraaaa! - Một tiếng kêu kéo dài vang lên khắp hàng ngũ quân ta, và đoàn quân vượt qua công tước Bagration, xô nhau lên trước, hăng hái và vui vẻ ào ào lao xuống núi, xông vào giữa toán quân Pháp hỗn loạn. 
Chương 19 
Cuộc tấn công của đoàn khinh binh thứ sáu đã yểm hộ được cho cánh phải của quân ta rút lui. Ở trung tâm, đơn vị pháo của Tusin bị bỏ quên đã bắn cháy Songraben, và nhờ đó, cản được đường tiến quân của Pháp. Quân Pháp đang lo chạy chữa các đám cháy gặp gió bùng lên rất to. Nhờ vậy, quân ta đã có đủ thì giờ rút lui. Đạo trung quân rút qua một cái khe, ồn ào, vội vã; gồm hai trung đoàn Kiev và Podolxki và trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đã bị những lực lượng của Pháp đông hơn do Lan chỉ huy tấn công và đồng thời bao vây nên bị tán loạn, Bagration phái Zerkov mang lệnh đến viên tướng chỉ huy cánh tả quân ta bảo phải rút lui ngay tức khắc. Zerkov vẻ nhanh nhẩu, chưa kịp cất tay khỏi lưỡi trai đã thúc ngựa phi nước đại. Nhưng vừa mới rời khỏi Bagration anh ta đã không còn dũng khí nữa. Anh ta cảm thấy lo sợ cuống cuồng và không thể nào đi đến nơi nguy hìểm được. Khi đã đến gần đạo quân bên cánh trái, Zerkov không tiến về phía trước là nơi đang bán nhau, mà lại bắt đầu tìm viên tướng và các vị chỉ huy ở một nơi không thể nào có họ được, cho nên rốt cục anh ta không truyền đạt được mệnh lệnh. Căn cứ theo cấp bậc, quyền chỉ huy cánh trái được giao phó cho viên tướng chỉ huy trung đoàn đã được giới thiệu với Kutuzov và Braonao, trung đoàn trong đó Dolokhov làm lính. Quyền chỉ huy cánh quân cực tả thì lại giao cho viên trung đoàn trưởng trung đoàn Pavlograd trong đó có Roxtov, lình trạng này đã gây ra một sự hiểu lầm. Hai viên chỉ huy rất xung khắc với nhau. Chính trong lúc bắt đầu tấn công, thì hai viên chỉ huy vẫn đang mải đàm phán, mà mục đích của đàm phán này chỉ là để làm nhục nhau. Còn binh lính thì trong binh đoàn kỵ binh cũng như trong trung đoàn bộ binh, hoàn toàn chưa có gì sẵn sàng để đương đầu với chiến sự trước mắt. Trong hai trung đoàn, từ tướng tá đến binh sĩ đều không ngờ rằng hôm ấy đã phải chiến đấu. Họ đang điềm tĩnh lo đến những công việc rất thanh bình: kỵ binh thì bận cho ngựa ăn, bộ binh thì bận hái củi. - Nếu ông ta cấp bậc cao hơn tôi - viên đại tá người Đức chỉ huy trung đoàn kỵ binh, mặt đỏ bừng, nói với viên phụ tá vừa đi ngựa đến - mặc cho ông ta muốn làm gì thì làm. Còn tôi, tôi không thể hy sinh quân phiêu kỵ của tôi được. Lính kèn đâu, thổi kèn lui quân ngay! Nhưng tình hình đã khẩn cấp lắm rồi, tiếng đại bác và tiếng súng trường hòa lẫn vào nhau, nghe như mưa rào ở phía trái và phía giữa, và bóng những người lính xạ thủ của Lan mặc áo khoác đã vượt qua cái đê ở cửa nhà xay lúa và dàn ra bên này đê cách hai tầm súng trường. Viên đại tá bộ binh, với dáng đi giật nảy lên, đến cạnh con ngựa, và sau khi đã nhảy lên mình ngựa trông cao lớn và hiên ngang hẳn lên, ông đi đến gặp viên chỉ huy trung đoàn Pavlograd. Haì viên chỉ huy gặp nhau liền kính cẩn cúi chào nhau, che giấu nỗi căm giận đang nung nấu trong lòng. - Thưa ngài đại tá - viên tướng nói - xin thưa lại với ngài một lần nữa rằng dầu sao tôi cũng không thể nào bỏ lại một nửa số quân của tôi ở trong rừng. Tôi yêu cầu ngài, tôi yêu cầu ngài - Ông ta nhăc lại - chiếm lĩnh trận địa và chuẩn bị tấn công đi cho. - Còn tôi thì tôi yêu cầu ngài đừng có xen vào những công việc không phải của ngài - viên đại tá nổi nóng đáp - Giá ngài là kỵ binh… - Thưa ngài đại tá, tôi không phải là kỵ binh, nhưng tôi là tướng Nga, và nếu ngài không biết điều đó… - Thưa ngài, tôi biết lắm chứ - viên đại tá bỗng quát lên mặt đỏ bừng, chân thúc ngựa vào hông ngựa - xin ngài chịu khó lên tiền tiêu mà xem một chút, rồi ngài sẽ thấy cái vị trí ấy chẳng ra gì hết. Tôi không muốn trung đoàn của tôi bị tiêu diệt để làm vừa ý ngài. - Ngài mất tự chủ rồi đấy đại uý ạ - Tôi không hề làm theo ý thích của tôi, và tôi không cho phép ngài nói như vậy. Viên tướng cho rằng lời đề nghị của viên đại tá là một lời thách thức tinh thần can đảm, liền nhận lời. Ông ưỡn ngực, cau mày và cùng viên đại tá đi về phía tiền tiêu, làm như thể sự bất hòa của họ sẽ được giải quyết ở đấy, nơi tiền tiêu, dưới làn mưa đạn: hai người đi ngựa đến vị trí tiền tiêu thì mấy viên đạn bay vèo qua đầu họ. Họ dừng lại, không nói nửa lời. Ở tiền tiêu chẳng có cái gì dáng để ý bởi vì từ chỗ hồi nãy họ đứng cũng đã có thể thấy rõ rằng kỵ binh không thể nào hoạt động ở giữa đám cây cối và khe suối, và thấy rõ quân Pháp đang tiến lên vây bọc cánh trái quân Nga. Giống như hai con gà trống sắp sửa chọi nhau, viên tướng và viên đại tá nhìn nhau, vẻ nghiêm trang và quan trọng, người nọ chờ đợi ở người kia những dấu hiệu của sự hèn nhát, nhưng chỉ uổng công. Cả hai đều chịu đựng cuộc thử thách không nao núng. Vì cả hai đều không thấy có gì phải nói, và không ai muốn để cho người kia có cớ cho rằng mình đã rời bỏ hỏa tuyến trước. Đáng lẽ họ sẽ còn dừng lại đấy một hồi lâu để thử thách lòng can đảm của nhau, nếu lúc ấy, trong khu rừng gần sau lưng họ không có những tiếng súng nổ hàng loạt và những tiếng kêu nhao nhao lùa lẫn vào nhau. Quân Pháp tấn công vào những người lính đang hái củi trong rừng. Bấy giờ quân phiêu kỵ đã không thể nào cùng rút lui với bộ binh được nữa. Đường rút lui của họ về phía trái đã bị tiền tiêu của quân Pháp chặn mất. Bây giờ dù địa thế bất lợi, họ cũng bắt buộc phải tấn công để mở một lối đi. Đại đội phiêu kỵ của Roxtov chỉ vừa kịp lên ngựa đã phải dừng lại đối diện với quân địch. Lần này lạì cũng như lần trên cầu Enx, giữa đại đội kỵ binh và quân địch không còn thấy một bóng người nào. Giữa hai bên là cái giới tuyến lạ lùng và ghê sợ không ai biết làm gì đang chắn ngang giống như cái giới tuyến ngăn cách người sống và người chết. Ai nấy đều cảm thấy cái giới tuyến ấy, và lo lắng tự hỏi không biết rồi mình có vượt qua nó hay không và làm cách nào để vượt qua. Viên đại tá đi ngựa đến trước hàng quân, trả lời một cách giận dữ những câu hỏi của các sĩ quan, và giống như một con người đã nhất quyết làm theo ý mình cho kỳ được, ông ra một mệnh lệnh gì đó. Tuy không ai nói rõ rệt, nhưng ở trong đại đội có tin truyền đi nói rằng đơn vị sắp bị tấn công. Lệnh chỉnh đốn hàng ngũ đã ban ra, sau đó có tiếng những thanh gươm tuốt ra khỏi vỏ lách cách. - Nhưng vẫn không ai cử động. Quân sĩ ở cánh trái, phiêu kỵ cũng như bộ binh, đều cảm thấy rằng bản thân các viên chỉ huy cũng không biết nên làm gì và tâm trạng hoang mang của những người chỉ huy truyền vào binh sĩ. “Chóng lên, thôi chóng lên chứ” - Roxtov nhhĩ bụng. Chàng cảm thấy rằng cuối cùng đã đến lúc thể nghiệm cái hào hứng của những trận tấn công mà chàng đã nhiều lần nghe các bạn phiêu kỵ của chàng kể lại. - Anh em ơi, cầu Chúa phù hộ! - Giọng Denixov hô vang - Nước kiệu, tiến lên! Mông những con ngựa ở các hàng đầu nhấp nhô. Con Gratsik kéo dây cương và tự ý lao về phía trước. Ở bên phải, Roxtov nhìn thấy những hàng phiêu kỵ đầu tiên của chàng, và xa hơn, phía trước mắt, chàng thấy một cái dải gì màu nâu thâm thâm, chưa rõ là cái gì, nhưng chàng đoán là quân địch. Đã có thể nghe tiếng súng nổ, nhưng ở xa xa. - Chuyển sang nước đại! - Một mệnh lệnh vang lên, và Roxtov cảm thấy con Gratsik của chàng hất cao mông lên chuyển sang phi nước đại. Chàng đoán trước những cử động của con vật và mỗi lúc một thấy hào hứng. Chàng để ý đến một cái cây trơ trọi ở trước mặt. Cây này lúc dầu ở tít mãi phía trước, ở giữa con dường giới tuyến có vẻ đáng sợ kia. Thế mà bây giờ họ đã vượt qua đường giới tuyến ấy, và chẳng có gì ghê sợ cả, trái lại chàng lại càng hào hứng, phấn khởi. “Ô! Chuyến này ta chém chúng một mẻ”, Roxtov nghĩ bụng, tay nắm chặt chuôi gươm. - Ua - raaa! - những tiếng hô vang lên như sấm. “Nào, bây giờ bất kỳ thằng nào cứ lọt vào tầm tay ông xem!” - Roxtov nghĩ thầm, thúc cựa giày vào con Gratsik, và thả lỏng dây cương cho nó lao lên vượt qua các kỵ binh khác. Quân địch đã hiện ra trước mặt. Đột nhiên có một cái gì như là một cái chổi lớn quật vào đại đội phiêu kỵ. Roxtov vung kiếm lên, sẵn sàng chém xuống. Nhưng vừa lúc ấy, Nitisenko, một người phiêu kỵ đang phi trước mặt bỗng tách rời ra khỏi chàng và Roxtov cảm thấy như trong một giấc mơ rằng mình vẫn tiếp tục phi ngựa lên phía trước với một tốc độ phi thường nhưng đồng thời lại đứng nguyên một chỗ. Một người phiêu kỵ quen biết là Boldachuk đang phi ngựa ở phía sau suýt vấp phải chàng và tức giận nhìn chàng. Con ngựa của Boldachuk né ra một bên rồi vượt lên. “Làm sao thế này? Ta không tiến lên là thế nào? Ta ngã rồi, ta bị bắn chết rồi…” - trong nháy mắt Roxtov tự hỏỉ mình và tự trả lời mình như vậy. Bây giờ chỉ còn lại mình chàng trơ trọi ở giữa cánh đồng. Thay cho những con ngựa đang phi và những lấm lưng của lính phiêu kỵ, bốn bề chỉ còn thấy mặt đất im lìm phủ đầy cỏ tranh. Dưới người chàng máu ở đâu chảy ra nóng hâm hấp. “Không, ta chỉ bị thương mà thôi, con ngựa của ta bị bắn chết”. Con Gratsik chống hai chân trước nhổm lên nhưng rồi lại gục xuống, đè lên chân người cưỡi nó. Máu ở đầu ngựa tuôn ra. Con ngựa giãy giụa mãi không sao đứng lên được. Roxtov muốn đứng dậy nhưng cũng khuỵu xuống: dải đeo gươm của chàng đã mắc vào yên ngựa. Quân ta đâu rồi? Quân Pháp đâu rồi? - chàng chẳng biết nữa. Xung quanh chàng không có lấy một bóng người. Chàng rút chân ra và đứng lên: “Cái giới tuyến hồi nãy phân chia rõ rệt hai đạo quân bây giờ ở đâu, ở phía nào?” Chàng tự hỏi, nhưng không sao trả lời được. “Có phải mình vừa gặp chuyện gì rủi ro không? Tình trạng này thường có xảy ra không, và gặp trường hợp này phải làm gì?” - Chàng vừa đứng lên vừa tự hỏi. Ngay lúc ấy chàng cảm thấy có một cái gì thừa thừa lủng lẳng ở cánh tay trái bị êm ẩm. Bàn tay của chàng cứ như bàn tay của người nào khác. Chàng chăm chú nhìn cánh tay nhưng tìm mãi cũng không thấy có máu. “Ồ có người đến đây rồi - chàng nghĩ thầm, vui sướng khi thấy có mấy người chạy về phía mình - Họ đến cứu mình đây!”. Đi đầu là một người đội cái mũ sa-cô kỳ quái, mặc áo khoác màu lam, nước da rám nắng, mũi quặm. Hai người khác theo sau, rồi đến nhiều người khác nữa. Một người trong bọn nói một câu vì nghe rất lạ tai, không phải tiếng Nga. Ở phía sau bọn họ đứng giữa một tốp người cũng giống như họ, cũng đội mũ sa-cô như vậy, và có một người lính phiêu kỵ Nga. Những người kia giữ tay anh ta, và đằng sau, con ngựa của anh ta cũng đang bị họ giữ. “Đúng rồi, nhất định đó là một người Nga bị bắt làm tù binh… Phải rồi! Chúng bắt cả ta nữa sao? Thế bọn này là ai? - Roxtov cứ băn khoăn tự hỏi, chàng không tin vào mắt mình nữa - Quân Pháp thật à?” Chàng nhìn quân Pháp đang tiến đến gần, và mặc dầu mấy phút trước chàng phi ngựa cũng chỉ để đâm bổ vào quân Pháp kia và chém cho chúng một mẻ, nhưng nay đến gần thì chàng lại cảm thấy sợ hãi đến nỗi không dám tin vào mắt mình nữa. “Họ là ai? Tại sao họ lại chạy? Có phải họ đến ta không? Có lẽ nào họ lại chạy đến chỗ ta? Để làm gì chứ” Để giết ta à? Giết ta, một người mà ai cũng quý mến?”. Chàng sực nhớ đến tình thương của mẹ chàng, của gia đình chàng, của chàng. “Nhưng có thể là chúng giết!” Chàng đứng im hơn mười giây tại chỗ, không biết nên đối phó như thế nào. Tên Pháp đi đâu có cái mũi quắm đã đến gần đến nỗi Roxtov có thể thấy rõ từng nét mặt của hắn. Thấy hắn cầm ngang lưỡi lê, nín thở lao nhanh về phía chàng một cách hăm hở, Roxtov đâm hoảng. Chàng nắm lấy súng ngắn, nhưng không bắn, mà lại ném về phía tên lính Pháp và ba chân bốn cắng chạy về phía đám bụi rậm. Lần này chàng không thấy mình có cái cảm giác ngờ vực và day dứt như ở cầu Enx, trái lại chàng bỏ chạy với cảm giác của một con thỏ rừng bị chó săn đuổi. Nỗi lo sợ phải từ bỏ cuộc sống, cuộc sống trẻ trung, sung sướng của mình tràn ngập tâm hồn chàng. Chàng chạy thục mạng, nhảy qua ngòi ranh nhanh vun vút như hồi còn nhỏ khi chơi đuổi bắt. Chàng băng qua cánh đồng, thỉnh thoảng quay mặt lại nhìn, gương mặt tuấn tú, trẻ trung bây giờ đã tái xanh, và thấy lạnh toát ở sống lưng. “Không! Đừng nhìn là hơn”, chàng nghĩ bụng, nhưng vừa chạy qua bụi rậm thì chàng lại ngoái cổ một lần nữa. Bọn Pháp tụt lại đằng sau và ngay lúc ấy tên lính Pháp đi đầu không chạy nữa, đi chậm lại và quay về phía sau thét một tiếng gì thật to với đồng đội Roxtov dừng lại. “Không - chàng nghĩ thầm - không thể như thế được Không có lý do gì chúng lại muốn giết ta!” Trong lúc ấy, bàn tay trái của chàng thấy nặng trĩu như có ai buộc một quả tạ ba mươi cân vào đấy. Chàng không thể nào tiếp được nữa. Tên lính Pháp cũng đứng lại giơ súng lên ngắm. Roxtov nhắm nghiền mắt lại và cúi xuống. Một viên đạn bay vù vù sát người chàng, rồi một viên nữa. Chàng thu hút tàn lực lấy bàn tay phải lắm lấy cánh tay trái và chạy một mạch đến một khóm cây rậm rạp. Trong khóm cây đó là một vị xạ thủ Nga. 
Chương 20 
Những trung đoàn bộ binh bị tấn công đột ngột ở trong rừng bỏ chạy tán loạn ra ngoài, và các đại đội lẫn lộn hàng ngũ kéo nhau đi thành một đám người hỗn độn. Một binh sĩ kinh hoảng thốt lên cái câu chẳng có nghĩa gì mà rất ghê sợ trong chicn tranh: “Chúng mình bị cắt đường rồi”. Và câu này cùng với cảm giác hoảng sợ truyền vào lòng mọi người. - Chúng mình bị vây rồi! Bị cắt dường rồi! Nguy to rồi - Những người bỏ chạy kêu lên. Viên tướng chỉ huy trung đoàn, ngay giây phút nghe tiếng súng và tiếng kêu ở đằng sau, đã hiểu rằng trung đoàn ông gặp một điều gì khủng khiếp. Khi nghĩ rằng một sĩ quan gương mẫu như ông đã bao năm phục vụ, chẳng hề phạm lỗi gì mà nay có thể để cho cấp trên thấy mình sơ suất và chậm chạp, ông sửng sốt đến nỗi ngay giây phút ấy ông quên cả viên đại tá kỵ binh bướng bỉnh, quên cả cái uy thế của một vị tướng quân như mình, và đặc biệt là quên hẳn cả nguy hiểm và bản năng tự vệ, ông bám chặt lấy yên ngựa, thúc ngựa phi đến trung đoàn mình dưới làn mưa đạn, và may sao không bị viên đạn nào bắn trúng. Ông chỉ muốn có một điều: xem cho biết tình thế bây giờ ra sao và có sai lầm gì thì dù có thế nào cũng tìm cách bổ cứu và sửa chữa cho kỳ được, nếu đó là lỗi của ông, làm thế nào để con người gương mẫu như ông suốt hai mươi hai năm trời phục vụ chưa hề bị khiển trách, lần này cũng không phạm lỗi. Sau khi đã bình yên vô sự phi ngựa qua đám quân Pháp, ông đến cánh đồng ở phía sau rừng. Quân ta cũng chạy qua cánh rừng này và lao xuống núi, không chịu nghe mệnh lệnh. Bây giờ là cái phút dao động tinh thần vẫn quyết định sự thắng bại của trận đánh: đám binh sĩ rối loạn này có vâng lời vị chỉ huy của họ hay không, hay là sau khi quay đầu nhìn ông ta một cái, họ lại tiếp tục chạy dài. Mặc dầu tiếng nói của viên chỉ huy mà xưa nay binh sĩ vẫn sợ đang gào lên một cách tuyệt vọng, mặc dầu mặt viên chỉ huy trung đoàn đỏ gay, biến sắc đi tức giận điên cuồng, mặc dầu ông ta hoa kiếm lên, binh sĩ vẫn cắm cổ chạy, gọi nhau, bắn lên trời và không chịu nghe mệnh lệnh. Phút dao động tinh thần quyết định sự thắng bại của trận đánh rõ rệt nghiêng về tình trạng hốt hoảng. Viên tướng phát ho lên vì kêu gào quá nhiều và vì khói thuốc súng. Ông ta dừng lại, tuyệt vọng. Cơ sự rõ ràng là vô phương cứu vãn. Đột nhiên, không rõ vì sao, quân Pháp đang đuổi theo quân ta bỗng chạy lùi lại, rút ra khỏi ven rừng, và quân xạ kích Nga ở trong rừng hiện ra. Đó là đại đội Timokhin, đại đội duy nhất vẫn giữ được kỷ luật, nãy giờ vẫn mai phục dưới cái rãnh bên rừng, bất ngờ tấn công quân Pháp. Timokhin trong tay chỉ có độc một thanh kiếm nhỏ, thét lên một tiếng kinh hồn lao vào quân Pháp một cách quả quyết điên cuồng và say sưa, đến nỗi quân Pháp không kịp định thần, quăng vũ khí ù té chạy. Dolokhov chạy bên cạnh Timokhin dí súng vào người bắn chết một tên Pháp đầu hàng. Những người đang bỏ chạy quay trở lui, các tiểu đoàn tập hợp lại, và quân Pháp sau khi cắt cánh quân bên trái của ta làm hai phần, lại bị đánh lui trong giây lát. Những đơn vị hậu bị của ta có thì giờ hợp lại với nhau và những người chạy dừng lại. Viên tướng chỉ huy rung đoàn đang đứng cạnh thiếu tá Ekonomov ở bên cầu điều khiển những đại đội rút lui trước mặt mình, thì chợt có một binh sĩ đến cạnh ông ta, nắm lấy dây bàn đạp và gần như nép sát vào ông ta. Người này mặc áo khoác xanh nhạt may bằng một thứ da hảo hạng, không mang bạc đà không đội mũ, đầu quấn băng, ngang vai khoác một cái túi đạn của Pháp và tay cầm một thanh kiếm sĩ quan. Mặt anh tái xanh, cặp mắt biếc nhìn một cách xấc xược vào mặt viên chỉ huy trung đoàn, miệng mỉm cười. Mặc dầu viên chỉ huy trung đoàn đang bận ra lệnh cho viên thiếu tá Ekonomov, ông ta vẫn không thể không chú ý đến người lính này. - Thưa ngài, đây là hai chiến lợi phẩm - Dolokhov chỉ vào thanh gươm và túi đạn nói - Tôi bắt được một võ quan làm tù binh. - Tôi giữ đại đội lại - Dolokhov mệt quá thở hổn hển, nói đứt hơi từng quãng. Cả đại đội có thể làm chứng xác nhận điều đó. Xin ngài lưu ý cho! - Tốt lắm, tốt lắm viên tướng đáp, đoạn quay lại nói chuyện với thiếu tá Ekonomov. Nhưng Dolokhov không buông ông ta. Hắn tháo chiếc khăn quấn trên đầu ra và chỉ lớp máu dọng ở trong tóc nói: - Tôi bị lưỡi lê dâm bị thương, nhưng vẫn không rời bỏ hàng ngũ. Xin ngài lưu lý cho. Đại đội pháo binh của Tusin bị bỏ quên và mãi đến khi chiến sự kết thúc, nhận thấy đại bác của ta ở trung tâm vẫn còn bắn, công tước Bagration mới phái viên sĩ quan phụ tá với công tước Andrey đến để ra lệnh cho đại uý phải rút lui thật nhanh. Mặc dầu đơn vị yểm hộ bố trí gần các khẩu pháo của Tusin đã bỏ đi giữa chừng: theo mệnh lệnh của ai chẳng rõ, đại đội pháo binh vẫn tiếp tục bắn và sở dĩ quân Pháp chưa tóm được nó cũng chỉ vì họ không thể ngờ rằng bốn khẩu đại bác không có gì yểm hộ lại dám cả gan tiếp tục bắn một cách ngang nhiên như vậy. Trái lại, căn cứ vào hỏa lực ác liệt của đại đội pháo binh này, quân địch cho rằng những lực lượng chính của Nga đều tập trung vào điểm này, tức là ở trung tâm. Đã hai lần họ tìm cách tấn công vào điểm này, nhưng lần nào cũng bị những loạt đạn ria của bốn khẩu súng đại bác đứng trơ trọi trên đồi cao bắn xả xuống nên phải rút lui. Công tước Bagration vừa đi được một lát thì Tusin đã bắn cháy Songreben.
- Xem kìa, chúng rối loạn rồi! Cháy rồi! Khói bốc lên rồi! Bắn cừ lắm! Khá lắm! Khói! Khói! - toán lính pháo thủ phấn khời lên, nói nhao nhao. Tất cả các khẩu pháo chẳng cần có lệnh gì, cứ nhằm phía đám cháy mà bắn. Còn các pháo thủ dường như muốn tiếp sức cho đám cháy cứ mỗi lần nổ súng lại gào lên: “Cừ lắm! Được đấy! Cứ cháy to lên!… Hay lắm!”. Ngọn lửa được gió thổi lan ra rất nhanh. Những đội quân Pháp tiến qua làng phải quay trở lại; nhưng rồi như thể để trả thù cho thất bại này, quân địch bố trí ở bên làng mười khẩu đại bác và bắt đầu nã vào đơn vị của Tusin. Các pháo thủ của ta sung sướng như trẻ con khi thấy ngọn lửa bốc lên và súng mình bắn trúng quân Pháp, cho nên mãi đến khi hai phát đạn, và tiếp liền sau đó là bốn phát nữa rơi vào giữa máy khẩu pháo của họ, họ mới đế ý đến đơn vị pháo binh địch kia. Một phát đại bác địch bắn gục hai con ngựa, một phát khác bắn bay mất một chân của anh lính lái xe vận tải. Tuy nhiên, việc này không hề làm giảm sút tinh thần hăng hái của họ, nó chỉ làm cho thái độ của họ thay đổi. Những con ngựa chết được thay thế bằng những con khác lấy ở xe kéo dự trữ, những người bị thương được khiêng đi và bốn khẩu pháo quay về phía đội pháo binh của địch gồm mười khẩu mà bắn. Viên đại đội phó của Tusin, đã bị bắn chết khi trận giao chiến bắt đầu, và chỉ trong một tiếng đồng hồ, trong số bốn mươi pháo thủ đã thương vong mất mười bẩy người, nhưng những người còn lại cũng vẫn vui vẻ và hào hứng như trước. Đã hai lần, họ thấy quân Pháp xuất hiện ở dưới chân núi cách họ không xa, và hai lần họ xả đạn ria vào chúng. Con người nhỏ bé kia với những cử chỉ yếu đuối và vụng về cứ luôn miệng bảo người lính cần vụ: “cho thêm một điếu nữa để mừng công” - như lời anh ta nói, rồi rít mạnh tẩu thuốc làm tán lửa bắn tung tóe, anh ta chạy ra đằng trước và đưa bàn tay nhỏ nhắn lên che trên mắt để nhìn quân Pháp. - Điều chỉnh lại, các cậu ơi! - anh ta vừa nói vừa tự mình nắm lấy bánh xe của cỗ pháo và vặn những đinh ốc điều chỉnh tầm pháo. Trong khói súng mịt mù, giữa tiếng nổ inh tai không lúc nào ngớt, và mỗi lần nổ lại làm cho anh giật mình: Tusin không rời bỏ chiếc tẩu thuốc ngắn, vẫn chạy từ khẩu pháo này sang khẩu pháo khác, khi thì chỉ trỏ, khi thì tính lượng thuốc súng, khi thì sai thay những con ngựa chết và bị thương, luôn mồm quát với cái giọng yếu ớt thanh thanh và ngần ngại của mình. Mặt anh càng ngày càng phấn chấn lên. Chỉ khi nào thấy người của anh ta bị bắn chết hay bị thương, anh mới cau mày và quay đi để khỏi phải nhìn người bị đạn, rồi giận dữ quát mắng các đội viên chậm chạp chưa khiêng người bị thương hay người chết đi. Binh sĩ phần lớn là những thanh niên cường tráng (hình như có một cái lệ là trong đại đội pháo binh nào binh lính cũng cao hơn sĩ quan của họ hàng hai cái đầu và to gấp đôi) ai nấy đều nhìn viên chỉ huy như những đứa trẻ gặp lúc khó xử và vẻ mặt của Tusin bao giờ cũng được phản ánh y nguyên trên khuôn mặt họ. Vì ở trong cảnh ồn ào náo động kinh khủng đó, lại phải chú ý và luôn luôn hoạt động. Tusin không hề cảm thấy sợ hãi khó chịu chút nào, thậm chí ý nghĩ mình có thể tử trận hay bị thương nặng cũng không hề nảy ra trong óc anh. Trái lại, mỗi lúc anh một vui thêm. Anh có cảm giác là cái phút anh trông thấy quân địch và bắn phát súng đầu tiên đã xa xôi lắm, có lẽ từ hôm qua thì phải, và cái mảnh đất trên đó anh đang đứng trở thành một nơi thân thiết quen thuộc từ lâu. Mặc đầu anh nhớ tất cả, nghĩ đến tất cả và làm tất cả những điều mà người sĩ quan ưu tú nhất gặp hoàn cảnh của ang có thể làm được, anh vẫn ở trong một tình trạng gần như mê sảng hay say rượu. Tiếng nổ choáng tai của mấy khẩu đại bác của anh đặt ở bốn phía, tiếng đạn của địch bay vèo vèo và rơi xuống nổ ầm ầm, cạnh những người pháo thủ mặt đỏ gay mồ hôi nhễ nhại đang bận tíu tít bên mấy khẩu pháo, máu người và máu ngựa loạng lổ khắp nơi, quang cảnh những cột khói bốc lên từ trận địa quân địch (mỗi lần khói bốc lên như thế là một quả tạc đạn của địch bay đến và rơi xuống đất trúng vào một người, một khẩu pháo hay một con ngựa) - tất cả những cái đó đã tạo nên một thế giới huyền ảo trong óc Tusin làm cho anh ngây ngất. Đối với anh, pháo của địch không phải là pháo mà là những chiếc tẩu của một anh chàng hút thuốc vô hình nào, thỉnh thoảnh lại nhả ra một làn khói. - Kìa, một hơi nữa! - Tusin nói lẩm bẩm một mình, trong khi một làn khói bốc lên khỏi núi và theo làn gió thổi, kéo thành một vết dài về phía trái. Bây giờ hãy đợi tạc đạn rơi xuống rồi ta sẽ trả lại. - Trả lại cái gì thưa ngài? - viên pháo thủ đứng cạnh nghe anh ta nói lẩm bẩm nên hỏi. - Có gì đâu, một quả tạc đạn thôi. “Bây giờ đến lượt bà đấy, Bà Matvevna ạ” - Anh lẩm bẩm một mình, Matvevna tức là cái tên mà trí tưởng tượng của anh ta đặt cho khẩu pháo lớn kiểu cũ ở ngoài cùng. Quân Pháp ở bên cạnh những khẩu pháo được anh hình dung như là những con kiến. Còn anh pháo thủ số một phụ trách khẩu pháo thứ hai, một gã bảnh trai và bợm rượu, thì trong cái thế giới tưởng tượng của anh lại là “ông chứ”. Tusin thường nhìn người này nhiều hơn những người khác và thích thú với những động tác của anh ta. Tiếng súng trường ở chân đồi cứ nổ ròn rồi lại dịu dần đối với anh là hơi thở của một sinh vật nào. Anh lắng tai nghe hơi thở kia, khi thì rốc lên, khi thì lại lắng xuống. - Kìa nó lại thở rồi! - anh nói một mình. Và anh tưởng tượng mình là một trang nam nhi dũng mãnh có vóc dáng khổng lồ đang dang hai tay ném tạc đạn vào quân Pháp. - Nào, bà Matvevna đừng chịu lép vế đấy nhé - anh vừa nói vừa lùi ra khỏi khẩu pháo. Vừa lúc ấy, đâu từ phía trên đầu anh vang lên một tiếng nói lạ tai của một người không quen biết. - Đại uý Tusin! Đại uý! Tusin sợ hãi ngoái cổ lại. Đó chính là anh chàng sĩ quan tham mưu đã đuổi anh ở Grun và bây giờ đang hổn hển gọi anh. - Anh làm cái gì thế, điên rồi à? Cấp trên đã hai lần ra lệnh cho anh phải rút lui, thế mà anh… “Ô hay, tại sao họ cự mình thế này?” - Tusin nghĩ bụng về sợ hãi ngước mắt nhìn viên chỉ huy. - Tôi… Có gì đâu… - anh lẩm bẩm và giơ hai ngón tay lên lưõi trai… - Tôi… Nhưng viên đại tá không kịp nói hết những điều ông muốn nói. Một quả tạc đạn bay qua sát sàn sạt buộc ông ta cúi rạp trên lưng ngựa. Ông ta im bặt, và vừa mới định nói thêm điều gì nữa thì một quả tạc đạn thứ hai lại chặn ông ta lại. Ông ta quay ngựa bỏ chạy. - Rút lui ngay! Tất cả rút lui! - Ông ta ra lệnh và có một sĩ quan phụ tá phi ngựa đến cùng với mệnh lệnh ấy. Người này là công tước Andrey. Vật đầu tiên mà Andrey nhận thấy khi đến chỗ mấy khẩu pháo của Tusin chiếm lĩnh là một con ngựa bị bắn gẫy chân, yên và cương đã tháo ra, đang hí bên cạnh những con ngựa buộc vào xe chở pháo, xác người ngồn ngang. Đạn đại bác kế tiếp nhau bay vù vù ở trên đầu chàng, trong khi chàng cho ngựa đi vào trận pháo. Chàng rùng mình như thể có một luồng hơi lạnh luồn vào suốt xương sống. Nhưng chỉ riêng một ý nghĩ mình sợ cũng đủ cổ vũ chàng. “Ta không thể sợ được” - Chàng tự nhủ và khoan thai xuống ngựa ở giữa mấy khẩu pháo. Truyền đạt mệnh lệnh xong, chàng không rời đơn vị pháo. Chàng quyết định sẽ thân hành trông nom việc dỡ pháo ra khỏi vị trí và dẫn đội pháo binh rút lui. Dưới làn mưa đạn kinh khủng của địch, chàng cùng Tusin bước qua các xác chết, đốc thúc việc dỡ pháo. - Ban nãy có một ông chỉ huy đến, ông ta tháo nhanh lắm - một pháo thủ nói với công tước Andrey - chứ không phải như ngài đâu. Công tước Andrey không nói gì với Tusin. Cả hai đều bận bịu đến nỗi hình như chẳng trông thấy nhau nữa. Sau khi đã lắp được hai khẩu pháo nguyên vẹn vào trong xe trong số bốn khẩu (một khẩu pháo đã bị bắn vỡ và một khẩu độc giác bị bỏ lại) hai người xuống núi. Công tước Andrey đến trước mặt Tusin. - Thôi, tạm biệt anh nhé! - Công tước Andrey vừa nói vừa bắt tay Tusin. - Xin chào anh, anh bạn thân mến, anh bạn tốt của tôi. - Thôi Andrey anh đí nhé, - Tusin nói, sao nước mắt rưng rưng, chẳng hiểu tại sao. 
Chương 21 
Gió đã lặng, những đám mây đen bay là là trên bãi chiến trường, và ở chân trời, màu mây đen hòa lẫn với màu khói súng. Trời đã xâm xẩm tối, ánh lửa những đám cháy ở hai nơi càng thêm sáng rõ. Tiếng pháo đã yếu đi, nhưng ở đằng sau và ở bên phải tiếng súng trường nố đì đùng nghe càng gần và càng gấp. Tusin cùng với mấy khẩu pháo của anh rút ra khỏi chiến tuyến, tuy đã cố tránh mà vẫn vấp phải những người bị thương. Họ vừa đi xuống một khe núi thì gặp mấy chỉ huy và sĩ quan phụ tá, trong số đó có viên sĩ quan tham mưu và Zerkov, đã hai lần được phái đến tận nơi. Cả tốp người này cướp lời nhau, tranh nhau ra lệnh và truyền dạt mệnh lệnh cho Tusin phải đi đến đâu và đi như thế nào, hết phê bình rồi lại khiền trách Tusin. Tusin không ra lệnh gì hết, anh im lặng không dám hé răng, bởi vì anh cũng không hiểu vì sao cứ mỗi lần mở miệng ra nói là cảm thấy muốn bật khóc lên. Anh cưỡi con ngựa của đại đội pháo lẽo đẽo theo sau. Mặc dầu đã có lệnh bỏ những người bị thương ở lại khá nhiều người vẫn lê theo quân đội, xin ngồi nhờ trên những khẩu pháo. Anh chàng sĩ quan bộ binh hiên ngang, khi trận đánh mở màn đã nhảy ra khỏi lều của Tusin, nay đang nằm trên giá súng Matvevna với một viên đạn ở bụng. Dưới chân núi, một anh chuẩn uý phiêu kỵ mặt tái nhợt, tay phải đỡ tay trái bị thương đến cạnh Tusin van nài cho anh ta ngồi nhờ lên khẩu pháo. - Đại uý hãy vì Chúa, tay tôi bị giập. - Anh nói, vẻ rụt rè - Tôi không thể nào đi được nữa. Vì Chúa! Rõ ràng là người chuẩn uý này đã nhiều lần xin ngồi lên xe, ngồi chỗ nào cũng được, nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Anh van nài, giọng ngần ngại và thiểu não. - Ông cho tôi ngồi với, vì Chúa! - Cho anh ấy lên với, cho anh ấy lên! - Tusin nói - Chú ơi, chú trải áo khoác ra - Anh nói với người lính được anh yêu quý nhất - Còn viên sĩ quan bị thương lúc nãy đâu rồi? - Bỏ xuống rồi, chết rồi - Một người nào đó đáp. - Cho anh ấy ngồi lên đi, ngồi lên đi anh bạn, ngồi lên, trải áo khoác ra, Antônov! Viên chuẩn uý này chính là Roxtov. Mặt tái nhợt, hàm dưới run cầm cập như lên cơn sốt rét, chàng lấy tay phải giữ lấy cánh tay bị sưng. Người ta đặt chàng ngồi trên khẩu pháo Matvevna, chính khẩu pháo vừa chở viên sĩ quan mới chết. Trên áo khoác đầy máu, máu thấm vào quần và dây bẩn tay Roxtov. - Sao, anh bị thương à? - Tusin hỏi. - Không, tôi bị bầm cánh tay thôi. - Thế thì tại sao trên giá súng lại có máu? Tusin hỏi. - Thưa đại uý, máu viên sĩ quan ban nãy để lại đấy! - Một pháo thủ vừa nói vừa lấy ống tay áo khoác lau vết máu như muốn xin lỗi về chỗ giá súng không được sạch. Với sự giúp đỡ của bộ binh, họ khó nhọc lắm mới kéo được pháo lên dốc và đến làng Grun thì dừng lại. Trời tối mịt, đến nỗi cách mười bước đã không phân biệt được quân phục của binh sĩ. Tiếng súng trường vừa ngớt dần. Đột nhiên ở bên phải cách đấy không xa, lại có tiếng quát và tiếng súng nổ, lửa đạn sáng bừng trong đêm tối. Đây là đợt tấn công cuối cùng của quân Pháp. Quân ta nấp trong các nhà ở trong làng bắn trả lại. Mọi người lại chạy ra khỏi làng, chỉ trừ đội pháo binh của Tusin và viên chuẩn uý im lặng đưa mắt nhìn nhau chờ đợi số phận của mình. Những tiếng súng lặng dần, vừa từ trên con dường ngang, binh sĩ lũ lượt kéo về, chuyện trò huyên náo. - Lành lặn chứ Potrov - một người hỏi. - Choảng khá đấy cậu ạ - một người khác nói - Bây giờ chúng không dám bén mảng đến nữa đâu. - Chả trông thấy gì hết. Chúng bắn vào nhau một trận ra trò! - Chẳng thấy gì hết, tối như bưng ấy. Này cậu có cái gì nốc không? Quân Pháp đã bị đánh lui hẳn. Và trong dêm tối đen như mực, những cỗ pháo của Tusin, cùng với cả một đám bộ binh vây quanh lao xao như đàn ong, lại lên đường tiến về phía trước mặt. Trong đêm tối, nghe như có một con sông đen ngòm vô hình trôi về một hướng duy nhất mà tiếng nước chảy là những tiếng nói thì thào, tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe lăn. Trong tất cả những tiếng ồn ào hỗn hợp ấy, tiếng rên và tiếng nói của những người bị thương trong đêm tối nghe rõ hơn cá. Những tiếng rên của họ như tràn ngập bóng đêm, bao lấy xung quanh và hòa lẫn với bóng dêm làm một. Một lát sau, đoàn người đang đi bỗng nhốn nháo lên. Có một đoàn tuỳ tùng, người ấy nói một câu gì không rõ. - Ông ta nói gì thế? Bây giờ đi đâu? Có dừng lại ở đâu không? Ông ta cảm ơn chúng mình phải không? Ở khắp bốn phía có tiếng hỏi xôn xao. Cả đoàn người đang đi bắt đầu xô đẩy nhau (hẳn là người đi đầu đã dừng hẳn). Tin truyền đi là đã có lệnh dừng chân. - Thế là mọi người đứng lại ở ngay giữa con đường lầy lội. Lửa được đốt lên và những tiếng nói nghe lại càng rõ. Đại uý Tusin sau khi đã nghe những mệnh lệnh cần thiết cho đại đội liền sai một người lính đi tìm một trạm cấp cứu hay một người thầy thuốc cho viên chuẩn uý, rồi đến ngồi cạnh đống lửa ở trên đường mà binh sĩ vừa đốt lên. Roxtov cũng lê đến cạnh đống lửa. Phần thì đau, phần thì bị lạnh và ướt, toàn thân chàng cứ run lên bần bật. Chàng cảm thấy buồn ngủ vô cùng nhưng vẫn không ngủ được vì cánh tay nhức nhối không biết đặt thế nào cho đỡ đau. Khi thì chàng nhắm mắt lại, khi thì lại nhìn đăm đăm vào ngọn lửa mà chàng cảm thấy như đỏ rực lên, khi thì đưa mắt nhìn cái thân hình gù gù, yếu ớt của Tusin đang ngồi xếp bằng tròn cạnh chàng. Cặp mắt to, thông minh và hiền từ của Tusin đang nhìn chàng ái ngại. Chàng cảm thấy Tusin hết lòng muốn giúp đỡ chàng nhưng không biết làm thế nào. Xung quanh đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chân người, tiếng vó ngựa và tiếng nói của những bộ binh đang tìm chỗ ngồi xung quanh. Tiếng người nói, tiếng bước chân, tiếng vó ngựa giẫm xuống bùn, tiếng củi nổ lách tách gần xa hòa lẫn với nhau thành một tiếng ồn ào khi to khi nhỏ. Bấy giờ không còn là con sóng vô hình chảy trong bóng tối như hồi nãy mà là một cái gì giống như mặt biển đen ngòm đang lặng dần và nhấp nhô sau cơn bão, Roxtov ngơ ngác nhìn và lắng nghe xem có những gì xảy ra ở phía trước và xung quanh chàng. Một người lính bộ binh đến gần đống lửa ngồi xổm xuống, giơ hai tay về phía ngọn lửa nhưng quay mặt đi. - Thưa ngài, ngài cho phép chứ? - Anh ta nói với Tusin có ý dò hỏi - Tôi lạc mất đại đội rồi, ngài sĩ quan ạ. Tôi cũng không biết nó ở đâu nữa! Thật khổ! Một sĩ quan bộ binh đến cạnh đống lửa với một người lính. Má anh ta quấn băng, anh ta đến nói với Tusin yêu cầu ra lệnh di chuyển các khẩu pháo một chút để cho xe vận tải đi qua. Sau viên chỉ huy đại đội có hai người lính chạy đến lấy lửa. Họ đang chửi mắng nhau thậm tệ và đánh đấm nhau, ra sức giằng lấy một chiếc ủng. - Thế nào? Mày nhặt được đấy à? Chà ranh gớm nhỉ? - Một người kêu lên, giọng khản đặc. Rồi một người lính gầy gò, mặt tái nhợt, cổ quấn một miếng giẻ bê bết máu, đến xin các pháo thủ cho nước uống, giọng gắt gỏng: - Thế nào, chả nhẽ phải chết như chó hay sao? - Anh ta càu nhàu. Tusin bảo đưa nước cho anh ta uống. Rồi lại một người lính vui vẻ chạy đến xin tý lửa cho bộ binh. - Nào cho bộ binh xin tí lửa sưởi cho ấm nào! Thôi anh em hàng xứ ở lại may mắn nhé… Cảm ơn các anh cho lửa, chúng tôi sẽ trả lại cả vốn lẫn lãi - Anh ta vừa cười vừa mang thanh củi đỏ rực đi trong đêm tối. Sau anh ta, đến bốn người lính mang trong áo khoác một cái gì nằng nặng đi qua trước đống lửa. Một người trong bọn vấp một cái, kêu lên: - Đồ quỷ! Vất bừa bãi củi ra giữa đường. - Chết rồi thì còn mang đi làm cái quái gì - Một người khác nói. - Ô cái anh này! Và họ lại biến mất trong bóng tối với vật họ mang theo. - Thế nào? Đau phải không? - Tusin thì thầm hỏi Roxtov. - Đau. - Thưa ngài, có lệnh tướng quân gọi, tướng quân hiện ở đây, trong ngôi nhà gỗ - Một pháo binh đến gần Tusin nói. - Tôi đi ngay đây, anh ạ. Tusin đứng dậy, cài lại khuy áo khoác và rời khỏi đống lửa, vừa đi vừa sửa quân phục lại cho ngay ngắn. Cách đống lửa của pháo binh không xa, ở trong ngôi nhà gỗ dành cho mình, công tước Bagration đang ngồi ăn và nói chuyện với một vài viên chỉ huy đơn vị tụ tập cạnh ông. Ở đây có ông già mắt lim dim đang gặm cái sườn cừu một cách ngon lành, có viên tướng đã hai mươi năm không có điều gì đáng chê trách, mặt đỏ bừng vì cốc rượu vodka và vì bữa ăn, có viên sĩ quan tham mưu đeo nhẫn có phù hiệu hoàng tộc, có Zerkov đang liếc mắt nhìn mọi người có vẻ lo lắng, và công tước Andrey mặt tái nhợt đôi môi mím chặt và cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt. Trong một góc nhà có dựng một lá cờ cướp được của quân Pháp. Viên pháp quan đang sờ mó vải cờ với vẻ mặt ngây thơ và lắc đầu có vẻ thắc mắc. Có thể ông ta thực tâm chú ý đến lá cờ này cũng nên, nhưng cũng có thể ông ta cảm thấy khó chịu vì đang đói bụng mà lại phải đứng nhìn một bữa ăn không có dao nĩa dành cho ông ta. Ở phòng bên có viên đại tá Pháp bị long kỵ bắt sống. Các sĩ quan của ta xúm xít xung quanh hắn mà ngắm nghía. Công tước Bagration cảm ơn các sĩ quan chỉ huy và hỏi han họ về những chi tiết của trận đánh và những tổn thất. Viên chỉ huy trung đoàn đã duyệt binh ở Braonao báo cáo với công tước rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu ông đã rút ra khỏi rừng, tập hợp những người lính đang hái củi, sau khi để cho quân Pháp đi qua, ông đã mang hai tiểu đoàn dùng lưỡi lê đánh thọc vào quân Pháp và đuổi bật chúng ra ngoài. - Thưa tướng quân, khi tôi thấy tiểu đoàn thứ nhất đã rối loạn, tôi đứng trên đường cái và nghĩ thầm “Hãy để cho chúng qua, ta sẽ dùng hỏa lực của toàn thể tiểu đoàn thể nghênh chiến”. Và tôi đã làm đúng như thế viên chỉ huy trung đoàn rất muốn làm như thế và tiếc rằng mình đã không làm được như thế, đến nỗi ông tưởng chừng sự thực đã xảy ra đúng như vậy cũng nên? Làm sao có thể phân biệt được chuyện gì đã xảy ra với chuyện gì không xảy ra, khi người ta ở trong một tình trạng hỗn loạn như vậy? - Thưa tướng quân - Ông nói tiếp, sực nhớ đến những lời nói chuyện giữa Kutuzov với Dolokhov và cuộc gặp gỡ của ông ta hồi nãy với người sĩ quan bị cách chức, - Đồng thời tôi cũng xin ngài lưu ý đến Dolokhov, viên sĩ quan bị giáng chức xuống làm lính. Chính tôi đã thấy anh ta bắt được một sĩ quan Pháp và đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc. - Thưa tướng quân, đúng vào lúc tôi đã chứng kiến cuộc tấn công của quân phiêu kỵ Pavlovgrad - Zerkov nói xen vào, đưa mắt lo lắng nhìn quanh; Anh ta suốt hôm ấy không hề trông thấy bóng dáng một người lính phiêu kỵ nào, chỉ nghe viên sĩ quan bộ binh nói chuyện lại - Thưa ngài họ đã đánh tan hai phương trận. Thấy Zerkov lên tiếng, một vài người mỉm cười chờ đợi anh ta sẽ bông đùa như mọi hôm, nhưng khi nhìn thấy anh ta lại góp phần vào cái việc tán dương những hành động quang vinh của quân đội ta ngày hôm sau thì họ liền làm ra vẻ nghiêm trang, mặc dầu nhiều người thừa biết rằng những điều Zerkov nói chỉ là bịa đặt, chẳng có căn cứ gì hết. Công tước Bagration nói với viên đại tá già: - Tôi cảm ơn tất cả các vị, tất cả các đơn vị đã chiến đấu anh dũng: bộ binh, kỵ binh cũng như pháo binh. Nhưng làm thế nào lại bỏ qua hai khẩu pháo ở trung tâm? Ông hỏi và đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm một người nào (công tước Bagration không đặt vấn đề những khẩu pháo ở cánh trái. Ông ta biết rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu, bao nhiêu pháo ở đây đều đã bỏ lại cho quân địch chiếm hết). Hình như tôi đã phái ông đến đó thì phải? - Ông nói với viên sĩ quan trực nhật. - Một khẩu bị bắn hỏng - Viên sĩ quan trực nhật đáp - và một khẩu khác thì tôi không hiểu tại sao. Tôi đã ở đấy từ đầu đến cuối và đã đôn dốc mọi việc, mãi sau mới bỏ đi… Quả là ác liệt - anh ta nói thêm một cách khiêm tốn. Có người cho biết đại uý Tusin đang đóng ở đây, ở gần làng này, và đã phái người đến gọi anh ta. - Còn ông, ông có đến đấy cơ mà? - công tước Bagration hỏi công tước Andrey. - Cố nhiên, chúng tôi cùng đến không cách nhau bao nhiêu - viên sĩ quan trực nhật mỉm cười một nụ cười khả ái với Bolkonxki. - Tôi không được hân hạnh trông thấy ông - công tước Andrey đáp giọng lạnh lùng và ngắt quãng. Mọi người im lặng. Tusin đã hiện ra ở ngưỡng cửa. Anh rụt rè đi luồn sau lưng các viên tướng. Trong khi đi vòng qua các viên tướng ở trong gian nhà chật chội, và cũng như mọi bận, bối rối khi trông thấy các vị chỉ huy, Tusin không nhìn thấy cái cán cờ và vấp phải nó. Có vài người cười. - Tại sao lại bỏ lại một khẩu pháo? - Bagration cau mày hỏi, không phải cau mày với viên đại uý mà với những người đang cười, trong đó nghe to nhất là tiếng cười của Zerkov. Đến lúc ấy, trước mặt vị chỉ huy đáng sợ, Tusin mới hình dung được lỗi của mình ghê gớm như thế nào, và thấy rõ nỗi sỉ nhục là mình còn sống mà lại bỏ mất hai khẩu pháo. Anh xúc động đến nỗi tới giây phút này anh mới nghĩ ra điều đó. Tiếng cười của các sĩ quan càng làm anh hốt hoảng. Anh đứng trước Bagration, hàm dưới run cầm cập và nói lắp bắp: - Thưa ngài… tôi không biết… Thưa ngài… không có người. - Anh có thể lấy người ở đội yểm hộ chứ sao? Tusin không dám nói rằng làm gì có đội quân yểm hộ, mặc dầu đó là sự thực thuần tuý. Anh sợ nói thế là “chơi khăm” một vố cho một vị chỉ huy khác, và anh dành đứng yên, mắt nhìn thẳng vào mặt Bagration không chớp như một anh học trò lúng túng trước mặt ban giám khảo. lm lặng kéo dài một lúc khá lâu. Công tước Bagration rõ ràng là không muốn tỏ ra nghiêm khắc nhưng không biết nên nói như thế nào, còn những người khác thì không dám xen vào câu chuyện. Công tước Andrey liếc mắt nhìn trộm Tusin, và mấy ngón tay của chàng run lên bần bật.
- Thưa ngài - giọng nói đanh và sắc của công tước Andrey phá tan bầu không khí yên lặng - Ngài có phái tôi đến đại đội pháo binh của đại uý Tusin. Tôi đã đến đấy và thấy hai phần ba người và ngựa bị bắn chết, hai khẩu súng bị hỏng nặng, và không được một đơn vị nào yểm hộ hết. Công tước Bagration và Tusin đều cùng chăm chú như nhau nhìn Andrey đang nói với một nỗi kích động mà chàng cố kìm nén lại. - Và thưa ngài, nếu ngài cho phép tôi bày tỏ ý kiến - chàng nói tiếp - thì thắng lợi hôm nay của chúng ta sở dĩ có được chủ yếu là do hoạt động của đội pháo binh này và tinh thần kiên cường anh dũng của đại uý Tusin với đơn vị của đại uý - công tước Andrey nói, đoạn không đợi ai trả lời, chàng đứng phắt dậy rời khỏi bàn. Công tước Bagration đưa mắt nhìn Tusin. Hình như công tước không muốn tỏ ý không tin ý kiến dứt khoát của công tước Andrey và đồng thời cũng cảm thấy mình không thể hoàn toàn tin lời nói ấy. Bagration gật đầu một cái và bảo Tusin là anh có thể lui ta. Công tước Andrey đi ra theo sau Tusin. - Cảm ơn anh, anh đã cứu tôi, anh bạn thân mến ạ - Tusin nói với chàng công tước Andrey nhìn Tusin từ đầu đến chân không nói gì, rồi bỏ đi nơi khác. Chàng cảm thấy lòng buồn rầu và nặng trĩu. Tất cả những chuyện đó thực kỳ lạ quá, chẳng giống tý nào với những điều chàng mong mỏi. “Họ là ai? Họ làm gì ở đây? Họ cần gì? Bao giờ tất cả những cái này chấm dứt?” - Roxtov nghĩ thầm trong khi nhìn những bóng đen chập chờn ẩn hiện trước mắt chàng. Chỗ đau ở cánh tay chàng mỗi lúc một thêm nhức nhối. Chàng thấy buồn ngủ không sao cưỡng nổi, trước mắt chàng những vòng đỏ rực nhảy múa, và những âm thanh kia, những bộ mặt kia cùng với cảm giác cô đơn hòa lại làm một với cảm giác đau nhức ở tay. Chính những người này, những người bị thương hay không bị thương này cứ đè lấy chàng, bóp cổ chàng, vặn các mạch máu của chàng, lấy lửa đốt thịt trên - Cánh tay dập của chàng, và trên vai chàng. Để xua đuổi những hình ảnh đó, chàng nhắm nghiền mắt lại. Chàng chỉ thiếp đi trong một phút, nhưng trong cái phút mê man ngắn ngủi ấy, chàng đã thấy vô số hình ảnh hiện lên trong giấc mơ: Chàng đã thấy mẹ chàng với bàn tay trắng trẻo, thấy đôi vai mảnh khảnh của Sonya, cặp mắt và tiếng cười của Natasa và Denixov với giọng nói và bộ ria mép của anh ta. Thấy Telyanin, thấy lại câu chuyện giữa chàng với Telyanin và Bodanyts. Tất cả câu chuyện này với người lính có cái giọng the thé kia chỉ là một, và cả người lính lẫn câu chuyện kia cứ cùng nhau nắm riết lấy cánh tay chàng làm chàng đau điếng cả người, ra sức lôi cánh tay chàng, đè lên nó và cùng kéo mãi về một phía. Mặc dầu chàng đã cố hết sức giãy giụa để thoát khỏi tay họ nhưng họ không buông vai chàng ra một giây nào, một ly nào. Nếu họ không kéo như vậy thì vai chàng đã không đau và đã khỏi rồi, nhưng chàng không có cách nào xua đuổi họ đi được. Chàng mở mắt nhìn lên trên. Màn đêm đen kịt kéo xuống chỉ cách ánh sáng đống lửa than không đầy một thước. Trong làn ánh sáng này, những bông tuyết bay lất phất. Tusin không thấy trở lại, viên thầy thuốc không thấy đến. Chàng ngồi một mình, trước mắt chàng bấy giờ chỉ có một người lính trần truồng ngồi bên kia đống lửa đang sưởi cái thân hình gầy gò vàng võ. “Không ai quan tâm đến ai cả - Roxtov nghĩ thầm. Không ai giúp đỡ ta, không ai thương hại ta cả. Thế mà vừa mới đây thôi ta còn ở nhà, cường tráng, vui vẻ và được mọi người yêu mến”. Chàng thở dài, và hơi thở dài bất giác chuyển thành tiếng rên rỉ. - Anh đau ở đâu? - Người lính hỏi trong khi đang hơ cái áo sơ mi trên ngọn lửa, rồi không đợi trả lời, anh ta ho một tiếng và nói thêm - Hôm nay họ làm què khối người ra đấy, khiếp thật! Roxtov không nghe lời người lính nói. Chàng nhìn những bông tuyết bay nhảy trên ngọn lửa và nhớ đến mùa đông ở Nga, với ngôi nhà ấm áp và sáng sủa; chiếc áo da mềm xốp, những chiếc xe trượt tuyết nhanh vun vút, và chàng, thân thể tráng kiện, được cả gia đình hết sức yêu quý và chiều chuộng. Chàng nghĩ thầm: “Thế tại sao lại đến đây?”. Hôm sau quân Pháp không tấn công nữa, và tàn quân của chi đội Bagration bắt liên lạc được với đại quân của Kutuzov.
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...