Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIIIa

Chiến tranh và hòa bình - Phần XIIIa
Phần XIII 
Chương 1 
Trí tuệ con người không bao quát hết được các nguyên nhân của một hiện tượng. Nhưng nhu cầu tìm hiểu nguyên nhân là một nhu cầu bẩm sinh của tâm hồn. Và vì không thấu triệt được những điều kiện tách rời ra đều có thể tưởng là một nguyên nhân, cho nên hễ gặp một mối liên hệ nào dễ hiểu là trí tuệ con người vội chộp lấy mà nói: nguyên nhân đây rồi. Trong các biến cố lịch sử (trong đó đối tượng quan sát là hành động của những con người) vào thời đại nguyên thuỷ người ta đi tìm nguyên nhân ở ý muốn của thần thánh, rồi về sau, người ta lại tìm ở ý muốn của những người đứng ở vị trí lịch sử để dễ thấy nhất, - ý muốn của các nhân vật lịch sử. Nhưng chỉ cần đi sâu vào thực chất của mỗi biến cố lịch sử, tức là vào sự hoạt động của khối quần chúng có tham gia vào biến cố ấy cũng đủ thấy rõ rằng ý muốn của nhân vật lịch sử không những không chỉ đạo các hành động của quần chúng, mà chính nó còn bị chỉ đạo nữa là đằng khác. Có thể tưởng rằng quan niệm ý nghĩa của biến cố lịch sử theo cách này hay theo cách khác thì cũng thế thôi. Nhưng giữa một người nói rằng các dân tộc phương Tây đi sang phương Đông vì Napoléon muốn thế với một người nói rằng sự việc đó diễn ra vì nó tất phải diễn ra, cũng có một sự khác nhau xa như giữa những người khẳng định rằng quả đất đứng yên một chỗ và các hành tinh xoay chung quanh nó với những người nói rằng mình không biết quả đất dựa vào cái gì, nhưng biết rằng có những quy luật chi phối sự chuyển động của quả đất cũng như của các hành tinh khác. Một biến cố lịch sử không có và không thể có nguyên nhân. Nhưng có những quy luật chi phối các biến cố, trong đó có quy luật ta không biết mà cũng có quy luật ta có thể mò mẫm ra được nào ngoài cái nguyên nhân duy nhất của mọi nguyên nhân. Những quy luật này có thể khám phá được khi nào ta hoàn toàn từ bỏ việc tìm tòi nguyên nhân trong ý muốn của một con người, cũng như việc khám phá quy luật chuyển động của các hành tinh chỉ có thể thực hiện được khi nào người ta từ bỏ quan niệm cho rằng quả đất là cố định. Sau trận Borodino, sau khi quân địch chiếm Moskva và kinh đô này bốc cháy, sự kiện mà các nhà sử học cho là quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh năm 1812 là cuộc hành quân của quân đội Nga từ con đường Ryazan ra con đường Kaluga tiến về doanh trại Tarutino, thường gọi là cuộc hành quân đường chéo sau con sông Kranaya Pakhra. Các nhà sử học gán công lao thực hiện cái chiến công oanh liệt này cho nhiều nhân vật khác nhau và tranh cãi nhau về chỗ công ấy cụ thể là công của ai. Ngay cả các sở gia ngoại quốc các sử gia Pháp, cũng thừa nhận thiên tài của các nhà cầm quân Nga khi nói đến cuộc hành quân chéo này. Nhưng tại sao các tác gia quân sự (và tất những người khác cũng nghe theo họ) lại cho rằng cuộc hành quân đường chéo này là một sáng kiến đầy mưu trí của một nhân vật nào đó, một sáng kiến đã cứu nước Nga và đưa Napoléon đến thất bại, thì thật khó lòng mà hiểu nổi. Thứ nhất, khó lòng mà hiểu được cuộc hành quân này mưu trí và thiên tài ở chỗ nào; vì chẳng cần nghĩ ngợi gì sâu xa lắm cũng có thể đoán ra rằng khi đạo quân không bị tấn công thì vị trí tốt nhất của nó là chỗ nào có nhiều lương thực hơn cả. Và bất cứ người nào, ngay cả một thằng bé mười ba tuổi khờ khạo cũng có thể dễ dàng đoán ra rằng năm 1812 vị trí có lợi nhất của quân đội sau khi rút lui quá Moskva là con đường Kaluga. Cho nên trước hết không thể hiểu được các nhà sử học đã suy luận như thế nào để đi đến chỗ cho rằng cuộc hành quân này là cao mưu. Sau đó, càng khó lòng hiểu nổi các nhà sử học căn cứ vào đâu mà cho rằng cuộc hành quân này có tác dụng cứu vãn quân Nga và đưa quân Pháp đến diệt vong; vì cuộc hành quân đường chéo này, trong những điều kiện có trước, đồng thời và có sau nó, có thể rất tai hại cho quân Nga và có lợi cho quân Pháp. Nếu từ khi tiến hành cuộc chuyển quân này tình hình quân đội Nga bắt đầu khá lớn hơn, thì quyết không phải vì thế mà ta có thể kết luận rằng cuộc chuyển quân đó chính là nguyên nhân đã làm cho tình hình khá hơn. Cuộc hành quân đường chéo này sẽ không thể nào đưa đến lợi ích gì hết mà sẽ làm cho quân đội Nga bị tiêu diệt nếu hồi ấy không có sự đồng quy của những điều kiện khác. Giả sử nếu Moskva không bị cháy, nếu Mura không mất hút bóng quân Nga, nếu Napoléon không khoanh tay ngồi không, nếu ở gần vùng Kraxnaya Pakhra quân đội Nga mở một trận đánh theo như đề nghị của Benrigxen và Barclay, thì sẽ ra sao? Nếu sau đó Napoléon khi tiến đến gần Tanltino, mở cuộc tấn công vào quân Nga dù chỉ với một sức mạnh bằng một cuộc tấn công vào quân Nga ở Smolensk, thì sẽ ra sao? Nếu quân Pháp tiến đánh Petersburg thì sẽ ra sao? Nếu những việc đó xảy ra thì các tác dụng cứu vãn của cuộc hành quân đường chéo có thể biến thành một tác dụng tai hại không cùng. Thứ ba, điều khó hiểu nhất là những người nghiên cứu lịch sử cố tình không muốn thấy rằng cuộc hành quân đường chéo không thể gán riêng cho một người, nào, rằng chưa hề bao giờ có một người nào dự kiến được cuộc hành quân này, và cũng như cuộc rút lui ở Fili, cuộc hành quân này chưa bao giờ được người nào hình dung ra một cách toàn vẹn; sự thật là nó toát ra dần dần, từng bước một, qua từng biến cố, qua từng thời đại, từ vô số những điều kiện hết sức đa dạng, và chỉ lộ rõ toàn bộ khi nó đã diễn ra trọn vẹn và trở thành việc đã qua. Trong buổi hội nghị ở Fili ý kiến chiếm ưu thế trong bộ tư lệnh Nga là ý kiến dựa trên một sự tất yếu hiển nhiên, chủ trương rút lui theo hướng thẳng về phía sau, tức là theo con đường Nizegorod. Chứng cớ là đa số các ý kiến trong hội đồng đều phát biểu theo hướng này và cái chính là cuộc nói chuyện nổi tiếng giữa vị tổng tư lệnh với Lanxkoy, trưởng phòng quân lương. Lanxkoy cho biết số lượng thực dành cho quân đội phần lớn được tập trung dọc sông Oka trong hai tỉnh Tula và Kaluga, và nếu rút lui về phía Nizni, thì quân đội sẽ bị con sông Oka, một con sông lớn, ngăn cách với các kho lương thực, và đầu mùa đông sẽ không thể nào vận chuyển lương thực qua sông được. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cần phải bỏ hướng đi cũ về phía Nizni, mà trước kia người ta cho là dĩ nhiên. Quân đội bèn đi chếch về phía nam, theo con đường Ryazan nhích gần về phía các kho lương. Vì quân Pháp cứ khoanh tay ngồi không và thậm chí còn để mất hút bóng quân Nga, vì cần phải lo phòng thủ nhà máy Tula [258] và chủ yếu là vì cần nhích gần tới các kho lương quân đội Nga lại càng đi chếch về phía nam hơn nữa, tiến ra con đường Tula, nên các vị tư lệnh của quân đội Nga trù tính dừng lại ở Podolsk và không hề nghĩ đến vị trí Tatunino, nhưng đã có vô số tình huống như việc quân Pháp trước đây mất hút bóng quân Nga nay bỗng lại xuất hiện ở sau lưng họ, rồi những dự kiến tác chiến, và cái chính là số lương thực dồi dào ở Kaluga đã khiến cho quân ta đi chếch thêm về phía Nam và chuyển vào chính giữa những con đường tiếp tế lương thực của nó, từ con đường Tula chuyển sang con đường Kaluga, về phía Tarutino. Nếu đã không thể nào trả lời được câu hỏi Moskva đã bị bỏ rơi như thế nào, thì cũng không thể nói rõ việc đổi hướng rút quân về phía Tarutino được quyết định vào lúc vô số những động lực khác nhau, người ta mới bắt đầu quả quyết tin rằng chính mình đã muốn như thế và đã dự kiến việc này từ lâu. Chương 2 Nội dung cuộc hành quân đường chéo nổi tiếng ấy chung quy là quân đội Nga lúc bấy giờ đang rút thẳng mãi về phía sau, ngược với hướng tấn công của quân Pháp, đã đi chệch ra khỏi hướng thẳng lúc đầu, khi không thấy truy kích, đã theo lẽ tự nhiên mà kéo về phía những nơi có lương thực dồi dào. Nếu ta thử hình dung rằng quân đội Nga không có những vị tướng lĩnh thiên tài cầm đầu, mà chỉ là một đội quân không người chỉ huy, thì đội quân này cũng không thể làm gì khác hơn là đi vòng trở lại phía Moskva về thành một đường vòng cung theo những nơi có nhiều lương thực, những vùng trù phú nhất. Cuộc chuyển quân từ con đường Nizegorod sang con đường Ryazan, rồi sang con đường Tula, rồi lại sang con đường Kaluga là một việc tự nhiên đến nỗi những người lính Nga đảo ngũ cũng chạy theo hướng này. Ở Tarutino, Kutuzov nhận được một bức thư của nhà vua hầu như khỉển trách ông ta vì đã đem quân rút về con đường Ryazan, và chỉ định cho ông đến đóng ở vị trí trước mặt Kaluga, nơi mà ông ta đã đóng khi đọc bức thư này. Quân đội Nga trong suốt thời gian chiến dịch và ở trận Borodino giống như một quả bóng bật lùi trở lại khi gặp phải một sức xô đẩy mạnh từ phía trước rồi. Khi sức xô đẩy đó đã mất, và không bị xô thêm nữa, thì quả bóng kia lăn lăn đến vị trí nào thuận chiều nhất. Công lao của Kutuzov không phải ở chỗ đã thực hiện một cuộc hành quân chiến lược thiên tài như người ta thường nói, mà là ở chỗ có một mình ông hiểu được ý nghĩa của các biến cố đang diễn ra. Một mình Kutuzov ngay từ lúc ấy đã hiểu ý nghĩa của việc quân Pháp khoanh tay không hoạt động, một mình ông tiếp tục khẳng định rằng trận Borodino là một trận thắng. Một mình ông - lẽ ra, ở địa vị tổng tư lệnh như ông người ta thường có khuynh hướng tấn công mới phải - một mình ông đã cố sức làm sao đừng để cho quân đội Nga mở những trận giao chiến vô ích. Con thú bị thương ở Borodino nay đang nằm ở đâu đấy, ở nơi mà người thợ săn đã bỏ nó lại để chạy đi nơi khác. Nhưng nó còn sống hay đã chết, nó đã kiệt sức hay vẫn còn mạnh và đang nấp rình, điều đó thì người thợ săn không biết. Thế rồi bỗng nghe tiếng rên của con thú. Tiếng rên của con thú bị thương, tức quân đội Pháp, tiếng rên đã để lộ tình cảnh nguy khốn của nó, chính là việc Lorixton được phái đến đại bản doanh Kutuzov để giảng hòa. Napoléon, xưa nay vốn tin rằng cái tốt, cái hay không phải là cái gì tốt, cái gì hay tự bản thân nó, mà chính là cái gì nảy ra trong đầu óc ông ta, đã viết cho Kutuzov mấy câu chẳng có nghĩa lý gì, rõ ràng là bạ nghĩ ra thế nào thì viết thế ấy. “Thưa ngài Công tước Kutuzov” - ông ta viết - “Tôi xin phái một viên phó trưởng của tôi đến gặp ngài để bàn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Tôi mong rằng điện hạ sẽ tin những lời của ông ta, nhất là khi ông ta sẽ biểu đạt lời lòng kính và nể vì đặc biệt mà tôi đã có từ lâu đối với ngài. Trước khi dừng bút, tôi xin cầu nguyện Thượng đế hãy đặt ngài, thưa ngài công tước Kutuzov dưới sự bảo trợ thiêng liêng và cao cả của Người. Moskva, ngày 30 tháng mười, 1812. Ký tên: Napoléon” “Tôi sẽ bị hậu thế nguyền rủa nếu người ta coi tôi như người đứng ra chủ trương như một sự thỏa hiệp nào. Hiện nay tinh thần của dân tộc tôi là như thế đấy” - Kutuzov trả lời, và tiếp tục đem hết công sức làm thế nào ngăn chặn không để quân ta tấn công. Trong cái tháng mà quân Pháp đi cướp bóc ở Moskva và quân Nga trú quân yên ổn ở Tarutino, đã diễn ra một sự chuyển biến trong mối tương quan giữa lực lượng hai đội quân (về tinh thần và số lượng), và sau đo ưu thế ngả về phía quân Nga. Tuy người Nga không biết tình hình của quân Pháp và quân số của nó nhưng thấy tương quan kia vừa chuyển biến thì đã có vô số dấu hiệu cho thấy rằng đã đến lúc phải tấn công. Những dấu hiệu đó là việc phái Lorixton đến doanh trại Nga, là số lượng thực dồi dào ở Tarutino, những tin tức từ khắp nơi gửi về cho biết tình trạng hỗn độn của quân Pháp đang ngồi không, việc bổ sung các trung đoàn của ta bằng lính mộ, là thời tiết tốt, là thời gian nghỉ ngơi kéo dài của binh sĩ Nga, là cái tâm trạng thường phát sinh trong quân đội sau khi nghỉ ngơi như thế: tâm trạng sốt ruột, muốn bắt tay ngay hoàn thành cái nhiệm vụ của mình tụ tập lại đấy để làm tròn, tò mò muốn biết hiện nay trong quân đội Pháp ra sao (từ lâu họ đã mất hút bóng dáng quân Pháp), và sự táo bạo của các đội tiền tiêu Nga bây giờ luôn luôn thọc sâu vào vùng quân Pháp đóng ở gần Tarutino, là tin tức về những trận thắng dễ dàng của những toán nông dân và quân du kích, là lòng nô nức do những tin tức này nhen nhóm lên và ý chí phục thù nung nấu trong lòng mỗi người từ khi quân Pháp vào Moskva, và chủ yếu là một ý thức mơ hồ nhưng đã ăn sâu vào lòng mỗi người lính là tương quan lực lượng nay đã thay đổi và ưu thế đã ngả về phía ta. Sự chuyển biến căn bản trong tương quan lực lượng đã diễn ra, và cuộc tấn công nay đã trở thành tất yếu. Và ngay tức khắc; cũng chính xác như bộ chuông đồng hồ bắt đầu điểm khi cái kim phút đã đi hết một vòng, trong các giới cao cấp cũng có sự vận dụng ráo nết, và tiếng xè xè của bộ máy đánh chuông bắt đầu hoạt động kể, theo sự chuyển biến về tương quan lực lượng này. Chương 3 Quân đội Nga được đặt dưới sự chỉ huy của Kutuzov với bộ tham mưu của ông và dưới sự chỉ huy của hoàng đế từ Petersburg. Ở Petersburg, ngay từ khi nhận được tin bỏ ngỏ Moskva, người ta đã soạn ra kế hoạch tỉ mỉ cho toàn bộ một cuộc chiến tranh và gửi đến cho Kutuzov để ông ta theo đó mà hành động. Tuy được soạn ra trong khi người ta hãy còn tưởng rằng Moskva đang nằm trong tay quân ta, kế hoạch này vẫn được bộ tham mưu tán thành và quyết định thực hiện, Kutuzov chỉ trả lời rằng những điều dự tính ở xa bao giờ cũng khó thực hiện. Và để giải quyết những khó khăn có thể phát sinh, người ta gửi đến những chỉ thị mới và phái đến những nhân vật có nhiệm vụ theo dõi hành động của Kutuzov để báo cáo về kinh đô. Ngoài ra, bấy giờ toàn bộ tham mưu của quân đội Nga đã được cải tổ. Người ta cử người thay Bagration đã tử trận và Barclay đã bất mãn cáo lui. Người ta suy tính một cách nghiêm chỉnh xem làm thế nào lợi hơn: đưa A, lên thay B, còn B, thì đưa sang thay D, ngược lại, để D, thay cho A v.v… tưởng chừng như ngoài sự thích thú của A và B ra, việc này còn đưa đến một kết quả nào khác nữa. Trong bộ tham mưu quân đội, do dự bất hòa giữa Kutuzov với tham mưu trưởng của ông ta là Benrigxen, do sự có mặt của những nhân vật đặc phái của nhà vua và do những thuyên chuyển này, những mưu mô tranh chấp giữa các bè phái diễn ra càng rắc rối hơn thường lệ: A, dùng thủ đoạn chống lại B, B kèn cựa với C v.v… trong tất cả những sự thuyên chuyển và dàn xếp có thể có được. Trong tất cả các cuộc kèn cựa này thì đối tượng là mình chỉ đạo; nhưng các việc quân cơ đó lại tiến hành ngoài ý muốn của họ, đúng như nó phải tiến hành, nghĩa là không bao giờ phù hợp với những điều do con người nghĩ ra, mà lại toát ra từ những điều suy nghĩ bày vẽ kia chồng chéo nhau, xen lẫn nhau trong các giới cao cấp, chỉ là phản ánh trung thành của những điều tất nhiên phải diễn ra. Trong bức thư của hoàng thượng dề ngày mồng hai tháng mười sau trận Tarutino có viết: “Công tước Mikhai Harinovich! Từ ngày mồng hai tháng chín, Moskva đã lọt vào tay quân địch. Những bản báo cáo gần dây nhất của công tước và những bản đề ngày hai mươi; và suốt quãng thời gian này không những công tước không tiến hành việc gì để chống lại quân địch và giải phóng dệ nhất kinh đô mà theo như các bản báo cáo của công tước thì công tước lại còn rút xa hơn, Serpukhov đã bị một chi đội địch chiếm đóng, và Tula với cái xưởng vũ khí nổi tiếng và cần thiết cho quân đội như vậy cũng đang lâm nguy. Theo những bản báo cáo của tướng quân Vintxingerot, ta được biết rằng một đạo quân địch gồm một vạn người đang tiến lên con đường đi Petersburg. Một đạo quân khác gồm mấy nghìn người cũng tiến về phía Dmitrov. Một đạo quân thứ ba đang tiến dọc theo con đường Vladimir. Một đạo quân thứ tư khá mạnh đang đóng giữa Ruza và Mozaisk. Còn bản thân Napoléon thì đến ngày hai mươi nhăm tháng tám vẫn còn ở Moskva. Theo tất cả những tin tức này, trong khi quân địch phân tán lực lượng thành những chi đội lớn như thế, trong khi Napoléon còn ở Moskva với đạo quân cận vệ ngự lâm của y, lẽ nào những lực lượng địch ở trước mặt công tước lại có thế mạnh đến nỗi không cho phép ngài hành quân tiến công? Ngược lại, có đủ căn cứ để ước đoán rằng quân địch đang truy kích ngài với những chi đội hay giỏi lắm là với một lữ đoàn yếu hơn đạo quân được giao phó cho ngài rất nhiều. Thiết tưởng lẽ ra công tước có thể lợi dụng những hoàn cảnh nói trên để tấn công một cách có hiệu quả một quân địch yếu hơn quân của ngài và tiêu diệt nó, hay ít ra cũng buộc nó phải rút lui giành lại một phần lớn các tỉnh hiện tại bị quân địch chiếm đóng, và do đó gạt xa mối nguy cơ đang đe dọa thành Tula và các thành phố nội địa khác của ta. Nếu quân địch đủ sức cất một đạo quân lớn đánh về Petersburg và uy hiếp kinh đô này, là nơi không thể có nhiều quân đóng giữ được, thì công tước phải chịu lấy trách nhiệm, vì với đạo quân giao phó cho ngài, nếu hành động cương quyết và tích cực, ngài sẽ có đủ phương tiện đề ngăn chặn mối nguy cơ mới này. Xin công tước nhớ cho rằng ngài còn phải trả lời về việc tổ quốc bị xúc phạm vì đã để mất Moskva. Công tước đã biết rõ rằng ta xưa nay vẫn sẵn lòng ban thưởng cho công tước. Sự sẵn lòng này cho đến nay vẫn không hề giảm sút, nhưng ta và nước Nga có quyền mong đợi công tước tất cả sự tận tuỵ, tính cương quyết và những thắng lợi mà trí thông minh của công tước, tài thao lược của công tước và lòng dũng cảm của quân đội do công tước chỉ huy vẫn hứa hẹn với tổ quốc và với ta”. Bức thư này chứng minh rằng ngay cả ở Petersburg người ta cũng đã nhận thức được sự thay đổi tương quan lực lượng này. Nhưng trong khi thư còn đang ở trên đường đi, thì Kutuzov đã không làm sao ngăn cản được quân đội tấn công, và một cuộc giao chiến đã xảy ra. Ngày mồng hai tháng mười, một người lính cô-dắc và Sopovalov trong khi cưỡi ngựa đi tuần tiễu đã dùng súng trường bắn chết một con thỏ rừng và bắn bị thương một con khác. Mải đuổi theo con thỏ bị thương, Sopovalov đi sâu vào rừng và vấp phải cánh sườn bên trái của quân đoàn Mura, lúc bấy giờ đang trú quân không phòng bị gì cả. Người cô-dắc vừa cười vừa kể lại cho các bạn nghe chuyện anh ta suýt bị Pháp bắt ra sao. Một viên thiếu uý kỵ binh cô-dắc nghe kể liền báo lại cho cấp trên biết. Người ta gọi người cô-dắc lên hỏi: các sĩ quan trong đơn vị của hắn muốn lợi dụng cơ hội này để cướp ngựa của quân Pháp, nhưng một trong những viên sĩ quan ấy vốn có quen với các sĩ quan cao cấp trong quân đội, liền báo tin này cho một viên tướng tham mưu. Thời gian gần đây trong bộ tham mưu quân đội tình hình đã căng thẳng đến tột độ, Yemlolov trước đây mấy hôm có đến gặp Benrigxen khẩn khoản xin ông ta dùng ảnh hưởng của mình đối với tổng tư lệnh để vận động cho quân đội mở cuộc tấn công. - Giả sử tôi không biết rõ ông, thì tôi sẽ nghĩ rằng ông nói thế, nhưng thực tâm không muốn thế. - Benrigxen đáp. - Hễ tôi đề nghị một điều gì, là Điện hạ nhất định làm ngược lại. Tin của đơn vị cô-dắc, được những đội trinh sát phái đi điều tra về xác nhận, chứng minh rằng tình hình đã chín muồi. Sợi dây căng thẳng đã bật ra, chiếc đồng hồ đã bắt đầu kêu xè xè và chuông đồng hồ bắt đầu điểm. Mặc dù chỉ có một quyền hành hư ảo, mặc dù có trí thông minh, có kinh nghiệm và biết người rất rõ, Kutuzọv sau khi lưu ý đến bức thông điệp của Benrigxen (Benrigxen vẫn thường gửi báo cáo riêng lên hoàng thượng), đến nguyện vọng nhất trí của các tướng, mà ông biết cũng chính là nguyện vọng của nhà vua, và đến những tin tức của lính cô-dắc đưa về, đã không thể kìm nổi cái phong trào tất yếu này và đã ra lệnh tiến hành cái việc mà ông cho là vô ích và có hại: ông ta đã chấp thuận một việc đã rồi.
Chương 4 Bức thông điệp của Benrigxen nói về sự cần thiết phải tấn công và những tin tức của các đơn vị cô-dắc cho biết cánh trái của quân Pháp không được yểm hộ chỉ là những dấu hiệu cuối cùng cho thấy cái thế tất yếu phải ra lệnh tấn công, và cuộc tấn công đã được ấn định vào ngày mồng năm tháng mười. Sáng ngày mồng bốn tháng mười, Kutuzov ký vào bản mệnh lệnh tác chiến. Toll đọc bản mệnh lệnh cho Yermolov nghe, đề nghị ông ta lo việc vạch ra những kế hoạch điều quân tiếp theo. - Được được nhưng bây giờ tôi không có thì giờ, -Yermolov nói đoạn ra khỏi nhà. Kế hoạch tác chiến do Toll soạn ra rất hay - cũng như trong bản kế hoạch tác chiến Austerlix, trong bản kế hoạch này cũng có viết, tuy không phải bằng tiếng Đức: “Đạo quân thứ nhất tiến đến nơi này nơi kia, đạo quân thứ hai tiến đến nơi này nơi nọ” v.v… Và trên tờ giấy tất cả các đạo quân này đều đến đúng chỗ, đúng giờ quy định và tiêu diệt quân thù. Cũng như trong tất cả các kế hoạch tác chiến, mọi việc đều được suy tính rất kỹ, và cũng như trong tất cả các cuộc tiến quân theo kế hoạch tác chiến, không có lấy một đạo quân nào đến được đúng giờ và đúng chỗ. Khi bản kế hoạch đã được sao ra đủ số bản, người ta gọi một viên sĩ quan đến và sai đem một bản cho Yermolov để ông ta chiếu theo mà thi hành. Viên sĩ quan kỵ binh cận vệ, phái viên của Kutuzov, hả hê vì được phái đi làm một việc quan trọng như vậy liền lên ngựa đến nhà trọ của Yermolov. - Ngài đi rồi ạ, - người cận vụ của Yermolov đáp. Viên sĩ quan kỵ binh cận vệ liền đến nhà viên tướng mà Yermolov thường lui tới. - Không có, đi vắng rồi ạ. “Miễn sao đừng phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này! Bực quá” - Viên sĩ quan nghĩ thầm. Anh ta cưỡi ngựa đi khắp doanh trại. Người thì bảo Yermolov cưỡi ngựa đi đâu với mấy vị tướng khác, người thì bảo chắc ông ta trở về nhà rồi. Viên sĩ quan không ăn trưa tìm mãi đến sáu giờ chiều. Chẳng thấy tăm hơi Yermolov đâu, và chẳng có ai biết ông ta hiện ở đâu nữa. Viên sĩ quan ghé vào nhà một người bạn ăn qua quýt mấy miếng rồi lại cưỡi ngựa đến cánh tiến quân tìm Miloradovich đi dự vũ hội ở nhà tướng Kikin, và chắc Yermolov cũng đang ở đấy. - Nhưng ở đâu mới được chứ? - Ở đàng kia. Ở cuối thôn Yetskino ấy, - viên sĩ quan cô-dắc nói, tay chỉ một tòa nhà trang chủ từ xa xa. - Sao lại ở đấy? Chỗ ấy ở ngoài tuyến của quân ta cơ mà? - Họ đã cho hai trung đoàn chúng tôi ra yểm hộ. Ở đấy mấy hôm nay yến tiệc linh đình phải biết! Hai dàn nhạc, ba đội đồng ca. Viên sĩ quan vượt ra ngoài phòng tuyến đến thôn Yetskino. Từ xa đã nghe những tiếng hát hài hòa và vui vẻ trong nhà vẳng ra. Đó là một điệu ca vũ của binh sĩ. “Trên bãi cỏ… trên bãi cỏ xanh…!” - Tiếng hát vẳng ra, đệm thêm tiếng huýt sáo và tiếng giẫm chân, thỉnh thoảng lại có tiếng reo hò nổi lên, át cả tiếng hát. Viên sĩ quan nghe những âm thanh này cũng bắt đầu thấy vui vui nhưng đồng thời cũng thấy lo sợ vì mãi không đưa được tờ công văn quan trọng đã giao cho anh ta. Bấy giờ đã tám giờ tối. Viên sĩ quan xuống ngựa và bước lên thềm tòa nhà cao lớn, nguyên vẹn giữa hai chiến tuyến Nga và Pháp. Trong phòng hầu rượu và phòng ngoài những nội bộc mang rượu và thức ăn lui tới tấp nập. Dưới các cửa sổ có những ca sĩ đứng hát. Người nhà dẫn viên sĩ quan vào cửa và anh ta bỗng thấy tất cả các vị tướng quan trọng của quân đội cùng tụ tập lại đây, trong số đó có cả các bóng dáng to lớn rất dễ nhận ra của Yermolov. Tất cả các vị tướng đều mặc áo hở khuy, mặt họ đều đỏ gay và lộ vẻ phấn khích. Họ đứng quây lại thành hình bán nguyệt, cười ha hả. Ở giữa phòng một viên tướng người tầm thước, rất đẹp trai, mặt đỏ, đang nhảy điệu trepak một cách nhanh nhẹn và mềm dẻo. - Ha, ha, ha! Hoan hô Nikolai Ivanovich! Ha ha ha! Viên sĩ quan cảm thấy rằng trong giờ phút này mà đem một bản mệnh lệnh quan trọng đến đây là có lỗi gấp đôi, cho nên anh ta toan đứng đợi một lúc; nhưng một trong các vị tướng đã trông thấy anh ta, và khi biết rõ anh ta đến có việc gì, liền nói với Yermolov. Yermolov cau mặt ra gặp viên sĩ quan, và nghe xong, ông cấm tờ giấy, chẳng nói với anh ta một câu. Tối hôm ấy một người ở bộ tham mưu nói với viên sĩ quan kỵ binh cận vệ: - Cậu tưởng anh ta bỏ đi như vậy là chuyện tình cờ à? Không đâu mẹo cả đấy, cố ý đấy. Cốt chơi khăm Konovnitxyn mà! Rồi cậu xem, mai tha hồ mà nát bét. Chương 5 Sáng hôm sau, ông lão Kutuzov dậy rất sớm, cầu nguyện, mặc áo và với cái cảm giác khó chịu là mình phải chỉ huy một trận đánh mà mình không tán thành. Ông lên xe ngựa ra khỏi làng Letasovka cách năm dặm Nga về phía sau Tarutino và đến địa điểm tập hợp của các đạo quân tấn công. Ngồi trên xe Kutuzov ngủ gà ngủ gật, mỗi khi tỉnh dậy lại lắng tai nghe xem phía bên phải có tiếng súng không, xem trận đánh đã bắt đầu chưa? Nhưng mọi vật vẫn im lặng. Bây giờ là lúc tảng sáng của ngày thu ướt át và ảm đạm. Khi xe đến gần Tarutino, Kutuzov trông thấy mấy kỵ binh đang dắt ngựa đi uống nước, vượt qua con đường mà clùếc xe của ông đang đi. Kutuzov nhìn kỹ họ, bảo dừng xe lại và hỏi xem họ thuộc trung đoàn nào, người kỵ binh này thuộc một đơn vị đáng lẽ lúc này đã phải bố trí rất xa ở phía tiến tuyến để phục kích địch. Chắc là một sự nhầm lẫn gì đây - vị tổng tư lệnh già nghĩ thầm. Nhưng đi được một quãng nữa, Kutuzov lại trông thấy những trung đoàn bộ binh, súng thì châu lại, binh lính thì đang mặc quần đùi, người thì nấu cháo, người thì chãt củi. Ông cho gọi một viên sĩ quan lại. Viên sĩ quan báo cáo rằng không hề có lệnh xuất phát nào cả. - Sao lại không có!… - Kutuzov mở đầu, nhưng rồi lại im bặt và cho gọi viên sĩ quan chỉ huy đến. Ông xuống xe, cúi đầu thở hổn hển, đi đi lại lại cạnh xe, lặng lẽ chờ đợi. Khi viên sĩ quan tham mưu tổng tư lệnh Aikhen được gọi đến, Kutuzov đỏ mặt tía tai không phải vì viên sĩ quan này là kẻ gây nên tội, mà vì hắn là một đối tượng xứng đáng để ông trút cơn giận ra ngoài cho hả. Run lẩy bẩy, thở hổn hển, ông lão đã giận đến cái mức có thể lăn lộn ra đất như ông đã từng làm trong những cơn cuồng nộ ghê gớm nhất; ông xông vào Aikhen đưa hai nắm tay lên hăm dọa, quát tháo ầm ĩ và chửi bới rất tục tằn. Đại uý Brozin tình cờ đi qua đấy, tuy chẳng có tội gì cũng phải chịu chung số phận với Aikhen. - Lại còn thằng chó chết nào đây nữa? Xử bắn ngay! Quân khốn nạn! - Kutuzov quát giọng khản đặc, tay vung tứ phía và loạng choạng như người say rượu. Ông có một cảm giác đau đớn thể xác. Một vị tổng tư lệnh, một vị công tước nhưng lại là người mà ai cũng quả quyết gọi là nắm được nhiều quyền hành nhất ở nước Nga từ xưa tới nay, thế mà bây giờ lại lâm vào cái cảnh bị biến thành một trò cười trước mặt toàn quân! Trò cười của toàn quân “Ta thật uổng công cầu nguyện cho ngày hôm nay, suốt đêm thật uổng công trằn trọc suy đi nghĩ lại mọi việc. - Ông tự nhủ. - Hồi ta hãy còn là một thằng sĩ quan nhãi ranh cũng không có ai dám nhạo báng ta như thế này… Thế mà nay?” ông có một cảm giác đau đớn thể xác như sau khi bị đòn vọt, mà không thể không biểu lộ cảm giác đó ra bằng tiếng kêu la giận dữ và thống thiết. Nhưng chỉ được một lúc sức ông đã kiệt. Ông nhớn nhác nhìn quanh, và cảm thấy mình đã nói nhiều điều không hay, ông lên xe lặng lẽ quay về. Cơn giận đã được phát tiết ra ngoài nên không trở lại nữa, và Kutuzov, mắt nhấp nháy một cách yếu ớt, lắng nghe lời thanh minh, tự bào chữa (Yermolov mãi đến hôm sau mới trình diện) và những lời khản khoản của Benrigxen, của Konovnitxyn và của Toll, xin tiến hành lại cuộc hành quân hụt này vào ngày hôm sau. Kutuzov đành phải ưng thuận một lần nữa. Chương 6 Ngày hôm sau từ chập tối quân đội đã tập hợp ở những vị trí ấn định và đến đêm thì xuất phát. Đêm ấy là một đêm thu trời phủ đầy những đám mây màu đen tim tím, nhưng không có mưa. Mặt đất ẩm ướt, nhưng không lầy lội, và các đoàn quân kéo đi không một tiếng động, chỉ thỉnh thoảng mới nghe tiếng lịch kịch của những khẩu pháo. Có lệnh cấm nói to, hút thuốc, châm lửa; phải cố sao cho ngựa khỏi hí. Binh sĩ kéo đi rất vui vẻ. Và đoàn quân dừng lại chụm súng vào nhau và nằm xuống mặt đất lạnh lẽo, cho rằng mình đã đến nơi ấn định; một số khác (đây là số đông) đi suốt đêm và rõ ràng là đã đi quá nơi ấn định. Chỉ có bá tước Orlov Denixov cùng đi với đội cô-dắc (đó là đơn vị nhỏ nhất) là đến đúng chỗ và đúng lúc. Đội quân này dừng lại ở ven rừng, trên con đường mòn dẫn từ thôn Xtromilovaya đến thôn Dmitrovxkoye. Lúc tờ mờ đất, bá tước Orlov đang thiu thiu ngủ thì bị đánh thức dậy. Họ đã dẫn đến cho ông một người vừa trốn ở doanh trại quân Pháp ra. Đó là một viên sĩ quan Ba Lan thuộc lữ đoàn Pnyatoxvki. Viên hạ sĩ quan dùng tiếng Ba Lan phân trần rằng hắn ta trốn sang vì bị làm nhục trong quân đội Pháp, lẽ ra hắn phải được thăng lên sĩ quan từ lâu: hắn dũng cảm hơn ai hết; vì vậy hắn đã bỏ đi để trả thù. Hắn nói là Mura nghỉ đêm cách đây một dặm và nếu cho một trăm quân đi theo hắn, hắn sẽ bắt sống được Mura. Bá tước Orlov Denixov liền hội ý với các sĩ quan. Lời đề nghị của viên hạ sĩ quan Ba Lan nghe bùi tai quá, khó lòng mà khước từ được. Mọi người đều tình nguyện xin đi, mọi người đều bàn là nên thử xem. Sau khi tranh luận và cân nhắc hồi lâu, thiếu tướng Grekov quyết định đem hai trung đoàn cô-dắc đi theo viên hạ sĩ quan. - Nhưng phải nhớ đấy, - bá tước Orlov Denixov nói với viên hạ sĩ quan Ba Lan khi từ giã hắn - Hễ anh nói dối, ta sẽ cho treo cổ anh lên như một con chó, còn nếu anh nói thật, ta sẽ thưởng cho anh một trăm tiền vàng. Viên hạ sĩ quan, vẻ quả quyết, không trả lời, lên yên và cùng đi với Grekov bấy giờ vừa sửa soạn xong. Họ mất hút vào trong rừng. Bá tước Orlov, người co ro vì khí lạnh của buổi ban mai đang hửng sáng, lòng hồi hộp vì vừa gánh lấy một trách nhiệm nặng nề, bước ra khỏi rừng sau khi tiễn Grekov đi, và bắt đầu xem xét doanh trại quân địch bấy giờ hiện ra mờ ảo trong ánh sáng rạng đông mới hửng và ánh lửa trại đang lụi dần. Ở bên phải bá tước Orlov Denixov là một sườn đồi trống trải: các đạo quân của ta sẽ xuất hiện trên sườn đồi này. Bá tước Orlov nhìn về phía ấy, nhưng vẫn không thấy gì; nếu họ đến, thì từ xa đã có thể trông thấy rõ rồi. Trong doanh trại Pháp, bá tước Orlov Denixov thoạt trông như bắt đầu có động, như là sau khi nghe lời viên sĩ quan phụ tá rất tinh mắt của ông ta. - Ồ đúng thật, muộn quá! - bá tước Orlov nói trong khi nhìn về phía doanh trại Pháp. Cũng như ta vẫn thường thấy khi người mà ta tin cậy không còn ở trước mặt ta nữa, bá tước Orlov bỗng thấy rõ rệt như một điều hết sức hiển nhiên rằng viên hạ sĩ quan kia là một tên lừa bịp, rằng hắn ta chỉ nói láo, và cuộc tấn công sẽ hỏng hết vì thiếu hai trung đoàn kia, nó bị dẫn đi đâu đó có trời mới biết được. Giữa một đám quân dày đặc như thế kia thì làm thế nào mà tóm được tổng tư lệnh của chúng? - Đúng là hắn nói láo, cái thằng chó chết ấy, - bá tước nói. - Có thể gọi họ quay trở lại, - một người trong đám tuỳ tùng nói. Cũng như bá tước Orlov, người này thấy nghi ngại cho kết quả cuộc mưu sự vừa rồi khi nhìn doanh trại của quân Pháp. - Hả? Thật à? Ông thấy thế nào? Hay là cứ để họ đi? Hay là bảo họ quay lại? - Ngài ra lệnh cho quay lại ạ? - Cho quay lại, quay lại, - bá tước Orlov đột nhiên chuyển sang giọng dứt khoát, mắt nhìn đồng hồ. - Muộn mất, sáng hẳn rồi còn gì. Viên sĩ quan phụ tá liền phi ngựa vào rừng đuổi theo Grekov. Khi Grekov trở lại bá tước Orlov Denixov bị khích động vì cuộc mưu sự bất thành vừa qua, vì đợi các đạo bộ binh mãi mà chẳng thấy họ đâu và vì thấy quân địch gần quá (tất cả các binh sĩ trong quân đội của ông đều có những cảm giác đó) họ liền ra lệnh tấn công. Ông thì thào ra lệnh: - Lên yên! - Binh sĩ sắp thành hàng ngũ, làm dấu thánh giá. - Gửi Chúa! - Ura - a - a - a! - tiếng hô vang dội cả khu rừng, và như từ trong một cái bị trút ra, những kỵ binh đội cô-dắc lần lượt phóng ngựa lao qua suối chĩa giáo về phía trước, vui vẻ lao về phía doanh trại quân địch. Người lính Pháp trông thấy quân cô-dắc trước tiên hoảng hốt rú lên một tiếng thất thanh, và tất cả lính nhốn nháo lên, bọn lính Pháp, còn đang ngái ngủ, mình chưa mặc áo, hối hả vứt hết đại bác, súng trường, ngựa trận bỏ chạy toán loạn. Giả sử quân cô-dắc, khi truy kích quân Pháp, không để ý đến những gì ở sau lưng và ở xung quanh họ thì họ sẽ bắt được cả Mura và tất cả bọn tướng tá ở đấy, đúng như các vị chỉ huy mong muốn. Nhưng không thể nào thúc cho quân cô-dắc tiến lên được khi họ đã mải mê với chiến lợi phẩm và tù binh. Không ai thèm nghe mệnh lệnh. Quân ta bắt ngay tại trận một nghìn năm trăm tù binh, ba mươi tám khẩu đại bác, mấy lá cờ và - và cái này đối với quân cô-dắc mới là quan trọng hơn cả - nhiều ngựa, yên ngựa,, chăn mền và những đồ đạc linh tinh khác. Phải thu xếp tất cả những thứ này, phải tập hợp tù binh, đại bác lại, phải chia chiến lợi phẩm, phải cãi nhau, thậm chí phải đánh nhau nữa: quân cô-dắc làm đủ các việc đó. Quân Pháp không bị truy kích nữa liền định thần lại, tập hợp thành từng đội nhỏ và bắt đầu bắn. Orlov Denixov còn chờ các đạo quân khác đến nên không tiếp tục tấn công. Trong khi đó các đạo bộ binh do Benrigxen chỉ huy và Toll điều động đã xuất phát đúng theo kế hoạch tác chiến: “Đạo quân thứ nhất tiến”, và cũng như thường lệ, đã đến một nơi nào đó, nhưng không phải là nơi đã ấn định cho họ. Xưa nay vẫn thế, binh sĩ khi ra đi thì vui vẻ nhưng bây giờ thì bắt đầu dừng lại xì xào bất mãn; binh sĩ đã đoán ra là có sự lầm lẫn gì đấy và họ đang đi giật lùi đến một nơi nào không rõ. Các sĩ quan phụ tá và các tướng soái phi ngựa tứ tung, quát tháo, nổi giận, cãi nhau nói rằng quyết không phải chỗ này, rằng bây giờ đã muộn quá, chửi bới ai không rõ, v.v…, rồi cuối cùng mọi người đều buông xuôi để mặc cho cơ sự muốn ra sao thì ra, và đoàn quân lại kéo đi chỉ để cho có đi mà thôi. “Rồi cũng phải đến một nơi nào chứ! Và quả nhiên họ đã đến, nhưng không phải đến nơi đã định, hoặc giả một số người cũng đến được đúng nơi đã định, nhưng muộn đến nỗi dù có đến cũng chẳng có ích lợi gì chẳng qua chỉ để cho người ta bắn vào mình mà thôi. Toll, trong trận này vốn đóng vai trò của Vairother ở Auxterlix, chăm chỉ phi ngựa từ chỗ này đến chỗ khác và đến đâu cũng thấy mọi việc bị đảo lộn lung tung cả lên. Chẳng hạn ông ta đang phi ngựa trong rừng bỗng gặp phải quân đoàn của Bargovut lúc trời đã sáng rõ, nghĩa là lúc mà lẽ ra Bargovut phải đến chỗ Orlov Denixov bố trí từ lâu. Lòng lo lắng buồn rầu vì thất bại, và nghĩ rằng phải tìm cho ra kẻ đã gây ra cơ sự này, Toll phi ngựa đến gặp viên tướng chỉ huy quân đoàn và lên tiếng quở mắng ông ta một cách khắc nghiệt, bảo là phải xử bắn ông ta mới đáng. Bargovut, một viên tướng già thiện chiến, bình tĩnh, bấy giờ cũng đã lộn ruột lên vì những lúc dừng lại đợi vì tình trạng rối ren, vì những mệnh lệnh mâu thuẫn nhau, liền nổi khùng lên và trái hẳn với tính tình xưa nay của ông ta, lớn tiếng mắng nhiếc Toll, khiến cho mọi người phải ngạc nhiên. - Tôi không cần ai dạy khôn hết. Tôi cũng biết chết với lính của tôi không kém ai, - ông ta nói và đem một sư đoàn tiến lên phía trước. Bargovut, là người gan dạ nhưng lúc bấy giờ quá xúc động, tiến thẳng ra chiến trường, không hề suy nghĩ xem bây giờ xung trận với một sư đoàn đơn độc như vậy có ích lợi gì không, và cho quân đi dưới làn đạn. Sự nguy hiểm, đạn đại bác và đạn súng trường chính là những thứ cần thiết cho ông ta trong tâm trạng tức giận này. Một trong những viên đạn đầu tiên bắn ông ta chết, những viên đạn sau giết rất nhiều quân lính. Và trong một thời gian sư đoàn của ông ta phải chịu đựng hỏa lực của địch một cách vô ích. Chương 7 Trong khi đó, một đạo quân khác có nhiệm vụ tấn công vào chính diện quân Pháp, nhưng trong đạo quân đó lại có Kutuzov. Ông ta biết rõ rằng trận đánh này, một trận đã được tiến hành trái vơi ý muốn của ông, ông không thể đưa lại cái gì khác hơn là tình trạng hỗn loạn, và ông ta đã dùng hết quyển hạn của mình để kìm giữ quân đội lại. Ông không cho tiến quân. Kutuzov lặng lẽ ngồi trên mình con ngựa xám của ông, uể oải trả lời khi có ai đề nghị tấn công: - Các ông cứ luôn mồm bàn chuyện tấn công mà không thấy rằng chúng ta không biệt thực hiện những cuộc hành quân phức tạp, - ông nói với Miloradovich bây giờ vừa xin ông cho tiến quân. - Sáng nay, các ông không bắt sống được Mura và đến vị trí cho đúng lúc; bây giờ chẳng biết làm thế nào nữa, - ông trả lời một người khác. Khi người ta báo với Kutuzov rằng: phía sau lưng quân Pháp, nơi mà theo những lời báo cáo của quân cô-dắc lính Ba lan, ông liếc mắt nhìn Yermolov đang đứng ở phía sau (từ hôm qua ông không nói một câu nào với Yermolov). - Đấy họ đang xin tấn công, họ đề ra đủ các kế hoạch, thế mà hễ bắt tay vào việc là không đâu vào đâu cả, trong khi đó quân địch đã biết trước và đã có biện pháp đối phó. Yermolov nheo nheo đôi mắt và hơi nhếch mép mỉm cười khi nghe mấy lời này. Ông ta đã hiểu rằng cơn giông tố trên đầu mình đã qua và Kutuzov chỉ nói thế thôi. - Ông ấy nói xỏ tôi đấy, - Yermolov nói khẽ lấy đầu gối huých vào Raievxki bấy giờ đang đứng cạnh ông ta.
Một lát sau Yermolov thúc ngựa tiến đến cạnh Kutuzov và kính cẩn báo cáo: - Thưa điện hạ, vẫn còn thì giờ, giờ quân địch chưa bỏ đi. Hay là điện hạ cho lệnh tấn công? Nếu không, quân cấm vệ chẳng được trông thấy khói súng nữa. Kutuzov không nói gì, nhưng khi có tin báo rằng quân của Mura đang rút lui, ông liền la lệnh tấn công: nhưng cứ đi được một trăm bước ông ta lại cho dừng lại bốn mươi lăm phút. Tất cả trận đánh chỉ thu gọn trong cuộc tập kích của đội cô-dắc do Orlov Denixov chỉ huy; các đơn vị khác thì bị thương vong mất vài trăm người một cách vô ích. Sau trận này Kutuzov được thưởng một huy chương kim cương, Benrigxen cũng được thưởng kim cương và một rạn rúp, những người khác, chiểu theo cấp bậc, cũng được thưởng khá hậu, và sau trận đánh bộ tham mưu lại được cải tổ lần nữa. “Đấy trong quân ta bao giờ cũng thế, cái gì cũng đảo ngược hết” - Sau trận Tarutino, các sĩ quan và tướng soái Nga nói như vậy cũng đúng như ngày nay người ta vẫn nói ám chỉ rằng có một kẻ ngu xuẩn nào đấy làm đảo ngược cả, chứ giá phải chúng tôi thì chúng tôi không làm như thế. Nhưng những người nói như vậy hoặc không biết rõ sự việc mình đang nói tới, hoặc cố tình tự lừa dối mình. Bất cứ trận nào cũng vậy - trận Tarutino, trận Borodino hay trận Austerlix - bất cứ trận nào cũng đều diễn ra không phải như những người chỉ huy đã trù tính. Đó là một điều tất yếu và căn bản. Có vô số những lực lượng tự do (vì không có nơi nào con người lại tự do hơn trên các chiến trường, nơi mà vấn đề sống còn được đặt ra cho mỗi người) tác động vào hướng diễn biến của trận đánh, hướng đó không bao giờ có thể được và không bao giờ trùng với hướng của một lực lượng riêng lẻ nào. Nếu có nhiều lực lượng khác hướng cùng tác động vào một vật thể, thì hướng chuyển động của vật thể này không thể trùng với bất cứ lực nào; bao giờ cũng có một hướng trung bình, ngắn nhất - cái mà trong cơ học được biểu đạt bằng đường chéo của hình bình hành tác lực. Nếu trong lời miêu tả của các nhà sử học, đặc biệt là các nhà sử học Pháp, ta thấy nói rằng về phía họ cuộc chiến tranh và các trận đánh đều tiến hành theo một kế hoạch đã định sẵn, thì cái kết luận duy nhất mà ta có thể rút ra là những lời miêu tả này không đúng. Trận Tarutino rõ ràng là không đạt được các mục đích mà Toll muốn nhắm: đưa các đơn vị lần lượt vào trận địa theo đúng kế hoạch tác chiến, cũng như mục đích của bá tước Orlov: bắt sống Mura, cũng như mục đích của Benrigxen và một số nhân vật khác, cũng như mục đích của viên sĩ quan muốn dự trận để có dịp lập công, cũng như mục đích của người cô-dắc muốn vớ được nhiều chiến lợi phẩm hơn số đã vớ được v.v… Nhưng nếu mục đích chính là việc đã xảy ra thật, và là điều mà tất cả những người Nga thời ấy đều mong mỏi (đuổi quân Pháp ra khỏi nước Nga và tiêu diệt quân đội của họ), thì hiển nhiên là trận Tarutino chính do những sự bất hợp lý của nó, đúng là điều cần thiết cho thời kỳ này của chiến dịch. Thật khó lòng mà nghĩ ra được một kết quả nào hợp lý hơn kết quả thực tế của trận đánh này. Với một cố gắng tối thiểu, với những tổn thất không đáng kể, và tuy diễn ra trong một cảnh hỗn loạn đến cùng cực, trận này đã thu được những kết quả to lớn nhất trong suốt chiến dịch: bước chuyển từ giai đoạn rút lui sang giai đoạn tấn công đã thực hiện, sự suy yếu của quân đội Pháp đã lộ rõ, và sức xô đẩy mà quân đội Napoléon đang chờ đợi để bắt đầu thể hiện. Chương 8 Napoléon tiến vào Moskva sau trận thắng oanh liệt trên sông Moskva; không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thắng lợi, vì sau trận đánh này chiến trường ở trong tay quân Pháp. Quân Nga rút lui và bỏ ngỏ kinh đô Moskva đầy ắp lương thực, vũ khí, đạn được và vô số của cải, lọt vào tay Napoléon. Quân đội Nga, chỉ mạnh bằng nửa quân đội Pháp, suốt một tháng ròng không lần nào thử giao chiến. Tình thế của Napoléon thật là lạc quan. Để dốc một lực lượng mạnh gấp đôi đánh vào đám tàn quân Nga và tiêu diệt nó đi, để ký kết một hòa ước có lợi hay nếu người Nga không chịu, sẽ tiến quân uy hiếp Petersburg, để khi vạn nhất có thất bại, có thể trở về Smolensk hay Vilna, hoặc giả ở lại Moskva, nói tóm lại là để duy trì cái tình thế lạc quan của quân đội Pháp lúc bấy giờ, tưởng cũng chẳng cần có một thiên tài lỗi lạc gì cho lắm. Muốn thế chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản và dễ dàng là không để cho quân lính đi cướp phá chuẩn bị trang phục mùa đông (ở Moskva có thể kiếm đủ cho cả quân đội và tập trung một cách chu đáo số lương thực này đủ dùng cho toàn quân đội trong nửa năm). Napoléon, thiên tài vĩ đại nhất trong các thiên tài và có thừa quyền hành để điều khiển quân đội như các nhà sử học vẫn khẳng định, không hề làm một việc gì như thế cả. Không những ông ta không làm gì cả trong số những việc đó, mà ngược lại còn dùng quyền hành của mình để chọn lấy đường lối hành động ngu xuẩn nhất và tai hại nhất trong những đường lối có thể theo. Trong tất cả những việc mà Napoléon có thể làm được: nghỉ lại mùa đông ở Moskva, tiến đánh Petersburg, tiến đánh Nizni Novgorod rút về phía sau, theo hướng bắc hay hướng nam, theo con đường mà sau này Kutuzov đã đi, không thể tìm được một việc nào ngu xuẩn và tai họa hơn cái việc mà Napoléon đã làm, tức là ở lại Moskva cho đến tháng mười để mặc cho quân đội cướp phá thành phố, rồi để lại một đội tuần thủ, ngập ngừng ra khỏi Moskva tiến về phía Kutuzov, không tìm cách mở trận, tiến chếch sang bên phải đi đến Maly Yaroxlav, vẫn không tìm cơ hội chọc thủng trận tuyến, không theo con đường của Kutuzov đi, mà lại lùi về Mozaisk trên con đường Smolensk qua những miền bị tàn phá tan hoang, - quả không tài nào nghĩ ra được một hành động nào ngu xuẩn hơn và tai hại cho quân đội: điều này sẽ được những hậu quả về sau chứng minh rõ rệt. Các nhà chiến lược tài ba nhất hãy thử tưởng tượng rằng mục đích chính của Napoléon là làm sao cho quân đội mình tiêu vong, rồi thử nghĩ ra một cách chắc chắn, bất luận quân Nga hành quân ra sao: họ sẽ không thể nghĩ ra được cách nào công hiệu hơn cái cách mà Napoléon đã chọn. Napoléon, con người thiên tài, đã làm việc ấy. Nhưng nói rằng Napoléon làm cho quân đội mình tiêu vong là vì ông ta muốn hay là vì ông ta rất ngu xuẩn thì cũng sai như nói rằng Napoléon mang quân đội đến tận Moskva vì ông ta muốn thế và vì ông ta rất thông minh và thiên tài. Chẳng qua là trong cả hai trường hợp, hoạt động cá nhân của mỗi người lính, đã phù hợp với những quy luật chi phối hiện tượng đang xảy ra. Các nhà sử học khẳng định hoàn toàn sai lầm (chỉ vì các hậu quả đã không biểu lộ cho hoạt động của Napoléon) rằng lực lượng của Napoléon bị suy yếu trong thời gian ở Moskva. Hồi ấy cũng như trước kia và sau này vào năm 1823, Napoléon đã vận dụng hết tài năng và sức lực của mình để đem lại thắng lợi tối đa cho bản thân ông ta và quân đội ông ta. Hoạt động của Napoléon hồi ấy cũng kỳ diệu như hồi ở Ai Cập, ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ta không được biết chính xác cái thiên tài của Napoléon đã biểu lộ cụ thể như thế nào ở Ai Cập, nơi mà bốn mươi thế kỷ chiêm ngưỡng sự vĩ đại của ông ta [259] , vì ta chỉ được biết những chiến công vĩ đại đó qua những lời miêu tả của người Pháp, ta không còn cách nào phê phán cho đúng đắn về cái thiên tài của ta ở áo và ở phổ, vì phải rút những tài ltệu về hoạt động của ông ta từ những sách vở của Pháp và của Đức, và việc làm cho các quân đoàn nộp vũ khí mà không tốn một viên đạn và các pháo đài hàng phục mà không cần vây hãm, tất phải khiến cho người Đức có xu hướng thừa nhận thiên tài của ông ta - vì đó là cách giải thích duy nhất có thể dùng cho cuộc chiến tranh diễn ra ở Đức. Nhưng chúng ta thì nhờ trời không việc gì phải thừa nhận thiên tài của ông ta để chữa thẹn chúng ta đã giành được quyền nhìn thẳng vào sự việc một cách đơn giản, và chúng ta sẽ không nhường bỏ cái quyền đó. Hoạt động của Napoléon, ở Moskva cũng kỳ diệu và thiên tài không kém bất cứ nơi nào. Từ khi tiến vào Moskva cho đến khi ra khỏi thành này, ông ta không ngừng ban bố hết mệnh lệnh này đến, mệnh lệnh khác, vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác. Việc Moskva không còn cư dân và không cử đoàn đại biểu không làm cho ông ta nao núng. Ông ta không hề sao nhãng phúc lợi cho quân đội mình, cũng như hoạt động của quân địch, cũng như phúc lợi của các dân tộc Nga, cũng như việc quản lý các công việc ở Paris, cũng như những sự suy tính ngoại giao về những điều kiện hòa ước nay mai. Chương 9 Về phương diện quân sự, ngay khi tiến vào Moskva, Napoléon đã ra nghiêm lệnh cho tướng Sebastien theo dõi những cuộc vận chuyển của quân đội Nga, điều các lữ đoàn đi tỏa ra các nẻo đường và ra lệnh cho Mura phải tìm cho ra Kutuzov. Sau đó Napoléon lo việc củng cố thành Kreml cẩn thận: rồi vạch ra một kế hoạch tác chiến thiên tài cho chiến dịch sắp tới trên khắp tấm bản đồ nước Nga. Về phương diện ngoại giao, Napoléon cho triệu tập đại uý Yakovlev đến - viên đại uý này mắc nghẽn ở Moskva và đã bị cướp sạch không còn một mảnh áo, - trình bày tỉ mỉ cho Yakovlev biết chính sách và lượng khoan hồng của mình, rồi viết một bức thư cho hoàng đế Alekxandr nói rằng ông đã tự thấy có nhiệm vụ phải báo cáo cho người bạn và người anh em của mình biết rằng Raxtovsin đã làm hỏng việc rất nhiều ở Moskva đoạn sai Yakovlev đem bức thư đến với Tutolmin cũng tỉ mỉ như thế, Napoléon phái luôn cả ông già này đến Petersburg để thương lượng. Về phương diện pháp lý, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, Napoléon ra lệnh tìm cho ra bọn thủ phạm đem hành hình. Và tên tội phạm Raxtovsin đã bị trừng trị bằng cách thiêu huỷ tòa nhà hắn ở. Về phương diện hành chính, Napoléon ban bố cho Moskva một hiến chương, cho thành lập một tòa thị chính và sai ra bản tuyên cáo sau đây: “Cơn hoạn nạn của các người thật là tàn khốc, nhưng Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ muốn chấm dứt những nỗi thống khổ đó. Những tấm gương khủng khiếp đã làm cho các người thấy rõ. Ngài trừng trị những kẻ bất tuân lệnh và những kẻ phạm tội ác như thế nào. Những biện pháp nghiêm ngặt đã được thi hành nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn và phục hồi nền an ninh chung. Một cơ quan hành chính thân ái do chính các người bầu ra, sẽ thành lập tòa thị chính hay ban quản trị thành phố của các người. Cơ quan này sẽ quan tâm đến các người, đến những nhu cầu và những quyền lợi của các người. Những người trong cơ quan sẽ đeo một dây băng đỏ quàng qua vai, còn thị trưởng thì thắt thêm một dải thắt lưng trắng. Nhưng ngoài thời gian thừa hành công vụ, họ chỉ đeo một cái băng đỏ trên cánh tay trái thôi. Cơ quan cảnh sát thị xã đã được thành lập trên những cơ sở cũ, và nhờ hoạt động của nó, trật tự đã khả quan hơn. Chính phủ cử ra hai tổng uỷ viên hay cảnh sát trưởng và hai mươi uỷ viên hay quận trưởng đặt ở khắp các khu phố. Các người sẽ nhận ra được những quan chức này nhờ cái băng trắng mà họ mang ở cánh tay trái. Một số nhà thờ thuộc nhiều tòa giáo khác nhau đã được mở, và nay việc lễ bái được tiến hành không hề có gì trở ngại. Hằng ngày đã có những người dân Moskva trở về nhà cũ, và chính quyền đã ra mệnh lệnh cần thiết để cho họ được giúp đỡ và che chở sau cơn hoạn nạn. Trên đây là những biện pháp mà chính phủ dùng để phục hồi trật tự và cải thiện tình cảm của các người; nhưng muốn đạt tới mục đích đó, các người cần phải ra sức hợp tác với chính phủ, các người cần cố quên những nỗi khổ cực đã trải qua nếu có thể, phải hy vọng một số phận không đến nỗi hẩm hiu như vậy, phải tin chắc rằng một cái chết nhục nhã không sao tránh khỏi đang chờ đợi những kẻ nào dám xâm phạm đến các người và những của cải còn sót lại của các người, hãy tin chắc rằng những của cải đó sẽ được bảo vệ, vì đó là ý muốn của vị hoàng đế vĩ đại và công minh nhất trong các vị hoàng đế! Hỡi binh sĩ và dân cư, vô luận là người dân tộc nào! các người hãy khôi phục lại lòng tin cậy vào chính phủ, cội nguồn hạnh phúc của quốc gia, các người hãy sống như anh em, hãy giúp đỡ và che chở nhau, hãy đoàn kết lại để phá tan âm mưu của những kẻ có ác ý hãy phục tùng các nhà chức trách văn võ, và nước mắt của các người chẳng bao lâu nữa sẽ ngừng chảy”. Về phương diện tiếp lương cho quân đội, Napoléon đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị lần lượt vào Moskva để hôi của và chuẩn bị lương thực dành cho quân đội dùng sau này. Về phương diện tôn giáo, Napoléon đã ra lệnh đưa các ông Pop về và phục vụ việc thờ phụng trong các nhà thờ. Về phương diện thương mại, và để tiếp tế lương thực cho quân đội khắp nơi đều có dán tờ tuyên cáo sau đây: TUYÊN CÁO “Hỡi các người: những cư dân yên lành của thành Moskva, những nhà tiểu công nghệ và thợ thuyền mà cơn hoạn nạn đã buộc phải lánh xa thành phố, và các người nữa, những người dân cày sống rải rác mà một nỗi sợ hãi vô căn cứ đang giữ lại nơi thôn đã, hãy nghe đây! Hòa bình đã trở lại khắp thủ đô, và trật tự đã được hồi phục. Đồng bào của các người đang mạnh dạn ra khỏi những nơi ẩn náu vì thấy rằng chính phủ tôn trọng họ. Bất cứ hành động hung bạo nào xúc phạm đến họ và tài sản của họ đều bị trừng trị tức khắc Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ che chở cho họ, và trong đám các người không có ai bị xem là kẻ thù địch của ngài, trừ những kẻ không chịu tuân theo lệnh ngài. Ngài muốn chấm dứt những nỗi tai ương của các người và hoàn lại nhà cửa và gia đình cho các người. Vậy các người hãy hưởng ứng những ý định ân đức của ngài và hãy đến với chúng ta không chút sợ hãi. Hỡi các cư dân? Hãy yên tâm trở về nhà cũ, các người chẳng bao lâu sẽ tìm được những phương tiện thỏa mãn nhu cầu của mình? Hỡi các nhà thủ công nghệ và các thợ huyền? Hãy trở về với công việc làm ăn: những ngôi nhà, những cửa hàng, những đội bảo vệ an ninh đang chờ các người, và các người sẽ được trả công thích đáng! Và các người nữa, hởi các nông dân, hãy ra khỏi các khu rừng trong đó các người đang ẩn náu vì sợ hãi, hãy yên tâm về nhà, hãy tin chắc rằng các người sẽ được bảo vệ. Những kho lương thực đã được tổ chức trong thành phố, nông dân có thể mang những lương thực và những hoa màu đến bán. Chính phủ đã thi hành những biện pháp sau đây để đảm bảo cho họ được tự do bán hàng: 1. Kể từ ngày hôm nay, nông dân và những người dân ở ngoại thành Moskva có thể chở lương thực dự trữ của mình, bất luận là loại lương thực gì, vào thành phố (không sợ có gì nguy hiểm và đem đến hai kho lương thực ở Mokhovaya ở Okhotuy Raid. 2. Những lương thực này sẽ được mua với giá thỏa thuận giữa người bán và và người mua; nhưng họ đòi hỏi, họ có thể mang số lương thực của mình về, và không ai được cản trở điều đó dù dưới hình thức gì. 3. Ngày chủ nhật và ngày thứ 4 hàng tuần được lấy làm ngày chợ phiên; cho nên cứ đến thứ 3 và thứ 7 một số quân đầy đủ sẽ được bố trí dọc tất cả các đường lớn, cách thành phố một quãng thích hợp để bảo vệ những xe tải lương về. 4. Những biện pháp nói trên cũng sẽ được thi hành để bảo đảm cho nông dân với xe, ngựa của họ không gặp trở ngại trên đường về. 5. Sẽ lập tức dùng những phương pháp cần thiết để khôi phục những chợ búa. Hỡi các cư dân thành thị và nông dân, hỡi các thợ thuyền và các nhà tiểu công nghệ, vô luận là người dân tộc nào! Các người hãy hưởng ứng những ý định nhân từ như cha mẹ của hoàng đế và quốc vương bệ hạ và góp sức với ngài xây dựng hạnh phúc chung. Hãy đặt dưới chân Người lòng sùng kính và tin cậy, và hãy mau mau trở về liên kết với chúng ta!”. Về phương diện cổ vũ tinh thần quân đội và dân chúng, những cuộc duyệt binh và khen thưởng kế tiếp theo nhau không ngớt. Hoàng đế cưỡi ngựa dạo qua các phố và uý lạo dân cư; và tuy bận lo quốc sự ngài cũng thân hành đến thăm những kịch viện xây dựng theo lệnh của ngài. Về phương diện từ thiện, viên ngọc sáng nhất trên mũ miện của các bậc đế vương, Napoléon cũng làm đủ tất cả những gì thuộc quyền của mình. Trên các tòa nhà từ thiện ông ta cho đề: “Nhà của mẹ ta”, và như thế phối hợp được tất cả lòng hiếu thảo của một người con với đại lượng của một bậc đế vương. Ông ta đến thăm viện cô nhi, cho các trẻ mồ côi được ông ta cứu vớt hôn đôi bàn tay trắng trẻo của ông ta, ân cần nói chuyện với Tutolmin. Sau đó, theo những lời hùng hồn của Tyer thuật lại, ông ta ra lệnh phát cho quân đội những tờ giấy bạc Nga giả mạo do ông sai làm ra. Nâng cao giá trị của việc sử dụng những phương tiện này bằng một hành động xứng đáng với Người và với quân đội Pháp, - Napoléon ra lệnh phát chẩn cho những người bị hỏa hoạn. Nhưng vì lương thực quá hiếm không thể đem phát chẩn người ngoại quốc phần lớn là thù địch, Napoléon đã chọn cách phát tiền cho họ tự mua lấy lương thực ở ngoài hơn và ra lệnh phát rúp giấy cho họ. Về phương diện kỷ luật quân đội, Napoléon liên tiếp ra lệnh trừng trị nghiêm khắc những hành động bất tuân thượng lệnh và ban bố những mệnh lệnh nhằm chấm dứt những vụ cướp bóc.  
Lev Tolstoy 
Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, 
Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. 
Nguồn: vnthuquan
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...